Khi phải sống, được sống-đọc
(Nhà thơ Giáng Vân thực hiện)

Nhà thơ Giáng Vân
- Khi người khác đọc anh
mà họ không hiểu, anh nghĩ thế nào?
- MVP: Mỗi nhà thơ đều là vua của một vương
quốc ngôn ngữ. Tôi biết người không hiểu tôi đến từ một lãnh địa khác, đế chế
khác.
- Còn khi anh đọc người
khác, có khi nào anh không tiếp nhận được? Anh có suy nghĩ về câu chuyện tiếp
nhận và không tiếp nhận này không?
- MVP: Chuyện tôi đọc thơ người khác không
hiểu hoặc không hiểu hết xảy ra hơn mười năm trước. Khi ấy, tôi chưa đủ kiến
thức và kinh nghiệm, chưa đủ tâm và tầm để tiếp cận một văn bản khác lạ. Tôi đã
lấy “khuôn mẫu” thẩm mỹ của mình để áp đặt, đánh giá thơ người khác. Nhưng đến
giờ đã khác, tôi đủ bình tĩnh, biết thả lỏng trạng thái khi tiếp nhận, biết tìm
cách mở cửa để bước vào không gian thơ riêng biệt của người khác. Nói khác đi,
là biết cầu thị, biết vươn tới những giá trị khác mình.
- Công việc đọc chiếm bao
nhiêu thời gian của anh? Nó có vị trí thế nào trong sự sáng tạo của anh?
- MVP: Đọc với tôi là được sống thêm những
đời sống khác nữa. Do vậy nếu không sáng tác hoặc bận rộn với những công việc
mưu sinh, tôi thường tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đọc. Tôi gọi đó là sự
sống-đọc. Có lẽ không có cuốn sách nào có hương sắc vừa xuất bản trong nước mà
tôi không đọc. Ngoài sách in, tôi đọc qua qua các phương tiện hiện đại, như
Ipad, computer, máy điện thoại di động… Trong khi phải sống, được sống-đọc, tôi
hay bắt gặp được những ý tưởng mới, tứ thơ lạ. Sự sáng tạo của tôi đôi khi khởi
đầu từ đấy, được kích hoạt từ đấy. Có lúc tôi sáng tác song hành với sự đọc.
Tác phẩm tôi đang viết mách bảo tôi cần đọc những gì, và ngược lại, đọc nhiều
lúc như miền đất hứa chờ tôi đến đó.
- Một người thầy dạy vẽ ra
đề tài cho học trò, rằng, hãy nghe một bản nhạc và vẽ lại cảm xúc của mình, ba
học trò đã vẽ ra 3 bức tranh khác nhau hoàn toàn. Anh suy nghĩ gì về việc này?
- MVP: Đó chính là khởi nguồn, đích đến và
bản chất của sáng tạo. Bản nhạc như chị nói, vẻ đẹp bằng âm thanh đã vang lên,
dội vào 3 cá thể khác biệt. Mỗi cá thể ấy tiếp nhận cái đẹp theo bản năng và
kinh nghiệm riêng của riêng mình. Âm thanh ấy đã dội vào tầng sâu ký ức mỗi
người, đánh thức tiềm năng, khát vọng riêng của họ, đặt họ vào điểm xuất phát
để làm một cuộc khai phóng mới. 3 bức tranh ấy chính là lộ trình của 3 cá thể
đi về những hướng khác nhau của cái đẹp. Thơ cũng vậy, mỗi nhà thơ phải đi bằng
cách riêng của sự sáng tạo, phải tạo dựng được thế giới riêng mang dấu ấn đặc
trưng của kẻ sáng tạo.
- Trong sự việc trên đây,
ông thầy đã để cho học trò tự do hoàn toàn trong việc cảm nhận và biểu đạt cảm
nhận của họ. Biên độ của tác phẩm dường như không giới hạn trong sự phóng chiếu
lên các cá thể khác. Trong văn học, hay là trong sự đọc cũng vậy. Điều gì đã quyết định nguyên tắc này,
thưa nhà thơ?
- MVP: Tự do tuyệt đối trong sáng tạo, như
chị đã nói. Không có khuôn mẫu, biên độ cho sáng tạo. Đó là nguyên tắc cực kỳ
quan trọng mà mỗi nhà thơ không dễ gì có được. Anh là chính anh tự do biểu đạt
trước thế giới, là nhỏ bé cũng như chính anh để làm ra thế giới. Nhà thơ trong
trạng thái tuyệt đỉnh non tơ, cháy sáng, nhìn thấy mọi vật, mọi điều đều là của
mình, do mình, điều ấy quả không dễ. Những thi sĩ lớn mới đủ nội lực tạo ra một
thế giới thơ như vậy.
- Như vậy, trực cảm, đã
bao gồm toàn bộ nền văn hóa trong một cá nhân, rõ ràng đã làm được rất nhiều
điều trong sự tiếp nhận thế giới. Tuy nhiên, trong công việc tiếp nhận này,
dường như người ta đã bỏ qua nó, họ chỉ sử dụng tri thức, kinh nghiệm, các
khuôn thước, các công thúc được mã hóa… Kết cục, cái mà họ nhìn thấy rất méo
mó, không trung thực, thậm chí tầm bậy. Anhh có nghĩ như vậy không?
- MVP: Tôi rất
tâm đắc khái niệm “nền văn hóa cá nhân” của chị. Nó mang nội hàm từ kiến thức,
sự trải nghiệm, đến những phong tục, tín ngưỡng, quan niệm đạo đức… mà người đó
có được, chứ không đơn thuần là bản năng, sự ham thích để tạo nên trực cảm. Nền
tảng ấy không vững chắc thì mọi thứ xây trên đó đều đổ vỡ. Hay nói khác đi, tác
phẩm của nhà thơ như những bông hoa được ngắt từ cánh đồng rộng lớn, nhưng nếu
người thưởng hoa không biết nâng niu, không chọn được chiếc bình hợp lý để cắm,
dĩ nhiên những bông hoa ấy không còn nguyên giá trị cái đẹp, thậm chí phản cảm.
Trở lại chuyện nhà thơ và người đọc cùng chung đích đến cái đẹp. Người đọc vươn
tới cái đẹp bằng nền tảng văn hóa cá nhân, bằng khát vọng đồng hành với tác giả,
điều ấy mới mong có sự đồng điệu, tiếp nhận đúng bản chất và giá trị tác phẩm.
Tác giả và bạn đọc, đó là cặp phạm trù làm thay đổi đời sống văn học, hoặc khởi
sắc, hoặc chậm chạp, buồn tẻ như hiện nay.
5/2013
(Nguồn: Báo Phụ Nữ Thủ Đô, 2016)

Tác phẩm của Noell S. Oszvald (Hungary)