MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - X) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm

 

 


 

 


 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (IV)

 



 
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm

 




Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

 

X. HOA GIẤU MẶT, Nxb. Hội Nhà văn, 2012(*)


 _____________

(*) Nếu Bầu trời không mái che còn cồng kềnh, ngổn ngang biết bao vật liệu, biết bao nỗi niềm và không khỏi gợi lên cảm giác nặng nề thì Hoa giấu mặt an nhiên, lặng lẽ, hướng sâu vào cảnh giới của siêu nghiệm. Khăn áo và đồ lề - những vật chất trì níu bước chân kẻ lữ hành đã được lược nhẹ, chất thơ lắng vào hình hài giản dị của thơ ba câu.

 

Sự kín đáo của ý - tình là chất thơ, là hương sắc của Hoa giấu mặt. Đặc trưng nổi bật nhất của thơ hai câu, ba câu (trong đó có cả haiku của Nhật Bản) chính là tứ thơ. Phải có một tứ thơ chụm và sáng mới mong có thể hoàn kết một thi cảm trong vài ba câu thơ ngắn. Làm sao để có thể có được tứ thơ sáng và chụm ? (tôi không muốn dùng từ tập trung, bởi trường ngữ nghĩa, trường liên tưởng của sáng gợi tôi về đặc tính chụm - những phẩm chất thuộc về “yếu tính” của sáng tạo thơ trữ tình nói chung, đặc biệt là hai câu, ba câu, haiku. Đồng thời dùng từ chụm tôi có ý định nói về một thái độ - giải trừ kiểu tư duy, mỹ cảm lan man, nông gần, rất thiếu tổ chức, biểu đạt một cảm trạng hời hợt trong sự sống đời của chủ thể sáng tạo). Tứ thơ là hình hài của ý và tình. Sự tổ chức ý - tình trước hết trong mỹ cảm và tư duy của thi sĩ được gọi là cấu tứ. Tứ là sản phẩm của cấu tứ, là hình hài ban đầu của chất thơ và được khai triển, nuôi nấng trong suốt mạch thơ làm nên thi phẩm. Ý là sự khám phá, sự loé sáng, khải thị về mặt tri thức. Đó là thời khắc mong manh chủ thể nhận ra ý niệm về sự sống, vũ trụ và nhân sinh. Cốt lõi để phát sinh ý chính là phải có một vốn sống, vốn văn hoá, sự trải nghiệm sâu dày đến một giới hạn nhất định, đủ cho ta có thể thấu suốt/cảm biết sự sống đời trong một khoảnh khắc của sự hiện hữu. Tình vừa là gốc vừa là dưỡng chất để tu sức và vun đắp ý. Ý phải chín và tình phải đầy. Ý tình không tách rời nhau trong quá trình khơi tạo mạch thơ và hoàn kết thi phẩm. Dĩ nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, ý tình trong một thi phẩm không bao giờ là sự hoàn kết. Nó luôn luôn “trinh nguyên”, luôn là sự khởi đầu cho bất kỳ hành trình thể nghiệm và lý hội qua những chân trời khác nhau.

 

Trở lại với đoá vô thường của Mai Văn Phấn. Anh đã đi một chặng thật xa ngược chiều của văn minh kỹ trị, để khảo tìm ký ức bị lãng quên của con người. Ký ức tinh thần làm nên bản thể của con người đã bị đánh mất, bị vương vãi/cướp đoạt/trao đổi/mua chuộc/thoả hiệp dọc hành trình số kiếp đi tìm sự an trú - càng đi càng rời xa khỏi căn tính ban đầu, càng tìm càng tha hoá. Nhìn về hành trình thơ Mai Văn Phấn, nhất là ở bốn tập cuối (Hôm sau, và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che, Hoa giấu mặt) ta nhận thấy điều này. “Dây neo trần gian” giữ nguồn thi cảm của Mai văn Phấn khỏi trượt vào vũng sâu của sự chán chường và huỷ diệt chính là tính thiêng - hạt nhân duy trì, cân bằng và làm nên độ chụm của ý tình. Trong tận cùng hoang mang, thơ Mai Văn Phấn vẫn không mất đi niềm tin, gợi lên từ những giá trị thiêng liêng nuôi nấng yếu tính của con người. Hãy đọc Hôm sau để thể nghiệm niềm bi quan, đọc và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che để thấy thi nhân còn tha thiết và tin tưởng vào khả năng trở về. Đến Hoa giấu mặt, đã thấy hiện hữu một con người, một bản thể:


Vũng nước nhỏ dưới chân núi

Soi

Tận đỉnh  

(Nhìn)

 

Tôi rất tán thành với quan điểm của TS. Chu Văn Sơn khi ông cho rằng thơ ca đương đại đang thực hiện một hành trình, hành trình trở về với cái tôi bản thể. Ông đặt ra một hệ suy luận: nếu cái tôi thời Thơ mới là cái tôi cá thể, cái tôi trong Thơ ca cách mạng là cái tôi tập thể/ đoàn thể thì cái tôi của Thơ đương đại là cái tôi bản thể. Cái tôi cá thể soi mình vào mọi người - cái ngoài ta (ngoại vật và tha nhân) để nhận ra mình còn cái tôi bản thể soi mình vào các giá trị phổ quát để tri nhận bản lai mục diện của mình. Soi mình là một thể nghiệm, là một thao tác thuộc về “ý hướng tính” của chủ thể. Richter đã nói một ý rất hay nhưng cũng thật đáng sợ rằng: “Đứng trước gương, tôi sợ hãi tự nhủ: Ta muốn nhìn trong gương xem ta giống cái gì với đôi mắt nhắm nghiền” (Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, Hồng Hà xuất bản - 1973, trang 32). Gương đại diện cho những giá trị phổ quát, nó bình đẳng khi mọi người đến và soi mình vào. Ai có thể nhắm mắt để thấy mình trong gương? Chỉ là khi ta có đầy đủ dũng cảm để đối mặt với giá trị phổ quát của con người, ứng chiếu đời mình vào đấy, nhận ra ta có khi chẳng giống mình chút nào. Cá thể là con người trong sự phân lập với tha nhân, còn bản thể là cái gốc của con người. Và như thế, “yếu tính” của hai “hiện thể” này sẽ không đồng chất.

 

Bản thể tính của Hoa giấu mặt chính là sự trở về với niềm an nhiên của sự sống nguyên sinh trong lòng đời hôm nay. Không huỷ diệt thực tại tha hoá và trở về tiền sinh, tiền sử như Đinh Hùng thuở Mê hồn ca (1943), Mai Văn Phấn đi tìm những mảnh vỡ của ký ức tinh thần, những tàn dư của giá trị nhân bản trong cuộc mua bán, đổi chác với văn minh của con người. Thi nhân năn nỉ muôn loài đừng rời bỏ con người. Đám lá run rẩy ngoài song cửa, con nhện ngủ mơ trên sợi tơ, đàn chim đập cánh lúc hoàng hôn, đàn cò đậu trên bình minh nham nhở của vụ gặt, con trâu say ngủ, mạ chưa cấy, hương trăng trong đêm, ban mai hoa nở, miệng chim non, lửa trong trái chín, tôi đứng giữa hai mùa, vầng mặt trời nhấp nhô theo chân thiếu nữ lội qua suối (những ý thơ của Mai Văn Phấn),… là chất sống mới toả ra từ đoá vô thường của Mai Văn Phấn. Ý tình dịu và kín đáo, lắng sâu nhưng có khả năng lay thức mãnh mẽ. Cảm thức về sự vô thường hiện lên khi ta đứng giữa những khoảnh khắc của thời gian, gió cứ thổi qua cạm bẫy và con thú, làn hương len qua những mũi gai, bước chân sột soạt trên lá - dường như ai mách lẻo cho quỷ dữ về sự phòng bị của con người hay quỷ dữ đã rón rén ra đi?… Thi nhân cố gắng hàn gắn, phục dựng sự sống hoà đồng giữa con người và muông vật như là chứng quả cho niềm hoài vọng được trở về - một sự sám hối. Ta có thể tìm đâu trong nền văn minh cứng lạnh sắt thép, bê tông, nóng rẫy những con đường ngày hạ, những đêm lịm im tiếng gió, triền miên những tranh đoạt và lừa mị này bóng dáng lũ sẻ nâu trên mái, con ong bên nhuỵ hoa, con chim sâu chuyền cành và cánh sen ngay ngắn rơi xuống bùn,… Có thể, tất cả vẫn hiện hữu, nhưng con người đã khước từ/đánh mất hoặc không có cơ hội để sẻ chia những khoảnh khắc sống ấy. Con người tự biến mình thành kẻ cô độc trong chiếc hộp sống nhân tạo. Hoa giấu mặt toả ra hương thơm nhắc nhủ con người về sự hiện hữu của sự sống diệu kỳ, linh thiêng. Con người đã rời bỏ sự sống ấy để lao vào cuộc truy tìm chính điều mình đã rời bỏ: Hừng đông/ Miệng chim non/ Hớp những đám mây (Ngày mới); Chén trà/ Nhấp một nửa/ Nắng trên tán lá còn ướt (Ban mai thanh sạch), Mùa đông/ Dính chân con chim/ Cất cánh lúc rạng sáng (Con mắt nghiêng - 45), Trong rừng sâu/ Con ếch lơ láo/ Nhìn tôi (Con mắt nghiêng - 46),… Đoá vô thường nở trong tĩnh lặng, niềm an nhiên của sự sống uyên nguyên, nhất thể trở về trong mỹ cảm của Mai Văn Phấn giúp ta có được trạng thái “thanh lọc” (katharsis) cần thiết cho sự hiện hữu của mình.

 

Tại sao Mai Văn Phấn lại chọn thể thơ ba câu cho sứ mệnh trở về của mình? Không thể nói rằng thơ ba câu của Mai Văn Phấn không có chút dưỡng chất gì từ Haiku của dân tộc Phù Tang, sự gợi tứ về mặt thể thơ từ Lê Đạt (Thơ hai câu). Mai Văn Phấn ý thức rất rõ “tiền kiếp” của mình. Anh chọn thể thơ ba câu nhưng rất tự do trong việc dùng chữ. Không câu thúc vào 17 âm tiết với bố cục 5/7/5 như Haiku, cũng không nhiều thao tác tư duy chữ nghĩa như Lê Đạt, thơ ba câu của Mai Văn Phấn tìm về sự an nhiên của chữ, sự lắng sâu của ý, sự tiết chế của tình. Nghĩa là anh đã “giảm trừ” đi rất nhiều để chất thơ hiện lên trong hình hài vừa vặn nhất của nó. Sự tinh giản đến mức tối đa về chữ đặt ra yêu cầu phải có tứ thơ thật sáng, thật chụm: Tiếng sét/Lay bông huệ/dịu dàng (Con mắt nghiêng - 27). Đó là một thi phẩm trọn vẹn. Đặc tính của haiku, hai câu và ba câu là nét ưu thắng về mặt tứ. Ngôn từ, thi ảnh để biểu đạt tứ phải là sản phẩm của một cơ chế “tuyển lựa” và “kết hợp” thật minh nhiệm. Hầu như không có sự diễn giải, chỉ có niềm an nhiên giữa tịch lặng để cảm biết về sự sống lay động trong những khoảnh khắc vi diệu của thời gian. Kẻ bận lòng khó thấy được những chiếc gai đang thu lại, chúng không đâm vào nhau, nơi ấy làn hương len qua (Trong bụi gai). Kẻ mưu cầu không thấy gió vô hình, vô tướng hồn nhiên thổi trên những cạm bẫy (Thế đấy). Kẻ vội vã không thấy bông huệ lay trong ánh chớp (Con mắt nghiêng). Kẻ vô tình không thấy xót xa khi có người phơi rơm lên ngôi mộ một đời lam lũ (Vô tình),… Tứ thơ biểu đạt chất thơ là lõi mạch của bài thơ. Tuy nhiên, với thể thơ rất kiệm lời này, tư duy và mỹ cảm trong tổ chức tứ thơ (cấu tứ) gần như trùng khít với bài thơ. Nghĩa là bài thơ chỉ là sự hiện hình của chất thơ trong mỹ cảm và tư duy ở dạng uyên nguyên nhất. Thật khiên cưỡng nếu chúng ta đi giải thích tứ thơ của thơ haiku, hai câu, ba câu. Sẽ mất nhiều ngôn từ hơn nó vốn có và phá vỡ thế ngưng đọng, tịch lặng vốn là không gian “mỹ niệm” của thể thơ này. Hãy im lặng để chất thơ lan toả. Im lặng là điểm hội tụ của ưu tư, suy nghiệm - tư tưởng. Nơi ấy, tính thể của sự sống hiện lên diệu kỳ trong mỗi “sát na”. Có lẽ, đó cũng là lý do để haiku, hai câu, ba câu, hay những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ hiện hữu. Nói như Martin Heidegger: “Hữu thể của hiện thể bao hàm trong ưu tư” (Hữu thể và thời gian, Trần Công Tiến dịch, Quê hương xuất bản, 1973, trang 5).

 

Đoá vô thường đã nở trong ngày thi sĩ trở về. Niềm ưu tư hẳn đã hướng về phía diệu kỳ của sự sống, an nhiên và tĩnh lặng. Những tưởng đã là như thế, nhưng con người vẫn có những nẻo quen rất khó từ bỏ. Dĩ nhiên, anh hoàn toàn có thể biện hộ đó là sự ưu tư về cái xấu, sự mặc niệm cái đã gột bỏ trên hành trình tới im lặng. Nhưng không, trong Con mắt nghiêng của anh, ta lại đau đớn gặp lại những ký ức hoài nghi, bi thảm của thân phận: Trong hội trường/ Con nhặng/ Đột nhiên cất tiếng (65), Lá cây động/ Ra mở cửa/ Thủ sẵn cái búa (75), Vẫn chìa khoá ấy/ Hôm nay/ Không thể mở (86),… Đó là tàn dư của những ưu tư cũ lạc trong hương đoá vô thường mà thi sĩ mang về. Có thể lý giải điều này từ những ám ảnh, từ sự âu lo những giá trị phổ quát có thể lại bị lãng quên, bị tước đoạt, bị nhấn chìm, tha hoá hay khoả lấp. Thế nhưng, vẫn thấy hụt hẫng, ngại ngần và lưỡng lự: Mùa đông/ Dính chân con chim/ Cất cánh lúc rạng sáng (45). Không thể gột bỏ trong tôi những ưu tư về Mai Văn Phấn. Còn điều gì phía sau Hoa giấu mặt? Anh đã thực sự trở về?

 

 

 

(còn nữa)

 

 

 

 


Bìa tập thơ HOA GIẤU MẶT


BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị