Thế giới nghệ thuật trong "Bầu trời không mái che" của Mai Văn Phấn (Khóa luận tốt nghiệp đại học) – Nguyễn Thị Huyền Trang

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

KHOA NGỮ VĂN

 

 

 

Nguyễn Thị Huyền Trang

Người hướng dẫn: TS. Ngô Minh Hiền

 

 

THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE CỦA MAI VĂN PHẤN

 

 

Khóa luận tốt nghiệp

Ngành: Sư phạm Ngữ văn

 

 

Đà Nẵng, tháng 5 năm 2015

 

 

MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU      

 

1. Lí do chọn đề tài

2. Lịch sử vấn đề    

3. Đối tượng và phạm vi nghên cứu       

4. Giới thuyết thuật ngữ    

5. Phương pháp nghiên cứu       

5.1. Phương pháp so sánh- đối chiếu    

5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp   

6. Bố cục của đề tài

 

NỘI DUNG   

 

CHƯƠNG 1. THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

 

1.1. Một số đặc điểm nổi bật của thơ ca Việt Nam đương đại    

1.1.1. Một số đặc điểm nổi bật về nội dung      

1.1.2. Một số đặc điểm nổi bật về nghệ thuật   

1.1.3. Thành tựu thơ Việt Nam đương đại        

1.2. Con đường thơ Mai Văn Phấn        

1.2.1. Mai Văn Phấn – gương mặt mới của thơ Việt Nam đương đại          

1.2.2. Hành trình thơ Mai Văn Phấn      

1.2.3.Quan niệm nghệ thuật của Mai Văn Phấn          

 

CHƯƠNG 2. THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG TRONG TẬP THƠ BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE

 

2.1. Hình tượng cái tôi trữ tình    

2.1.1. Cái tôi đức tin thánh thiện  

2.1.2. Cái tôi thiết tha yêu đương

2.1.3. Cái tôi mặc cảm, cô đơn    

2.2. Hình tượng không gian, thời gian   

2.2.1. Hình tượng không gian nghệ thuật         

2.2.2. Hình tượng thời gian nghệ thuật  

 

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TẬP BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE  

 

3.1. Thể thơ 

3.1.1. Thơ tự do     

3.1.2. Thơ văn xuôi

3.2. Ngôn ngữ thơ  

3.2.1. Ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường       

3.2.2. Ngôn ngữ thơ giàu tính tượng trưng      

3.3. Giọng điệu       

3.3.1. Giọng thủ thỉ, tâm tình       

3.3.2. Giọng triết lí, chiêm nghiệm         

 

KẾT LUẬN   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lí do chọn đề tài

 

Trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại, các nhà văn, nhà thơ đang tìm kiếm hướng đi mới cho sự nghiệp sáng tác. Nhiều tác phẩm đã có sự cách tân mạnh mẽ ở phương diện nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, thơ Việt Nam đương đại ngày càng phát triển phong phú, đa dạng nhưng cũng nhiều phức tạp. Các nhà thơ tiêu biểu của thời kì này là: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đình Kính, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Trong đó, Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ đương đại có số lượng tác phẩm lớn và những cách tân nghệ thuật táo bạo. Thơ ông nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

 

Bầu trời không mái che được xuất bản năm 2010. Tập thơ này là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sự cố gắng tìm tòi, cách tân nghệ thuật của Mai Văn Phấn. Tuy thời gian ra đời chưa lâu nhưng Bầu trời không mái che đã nhận được một số ý kiến đánh giá tích cực. Nghiên cứu thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn trong tập Bầu trời không mái che, chúng tôi muốn thông qua một tập thơ cụ thể để làm rõ nguyên tắc tư tưởng – thẩm mĩ gắn với một quan niệm riêng, cá tính sáng tạo riêng của tác giả.

 

2. Lịch sử vấn đề

 

Mai Văn Phấn là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho thơ ca Việt Nam hiện đại. Các công trình nghiên cứu về thơ Mai Văn Phấn rất nhiều, có thể tập hợp thành ba kiểu chính sau: kiểu thứ nhất là những bài viết giới thiệu thơ hoặc giới thiệu tác giả, kiểu thứ hai là những bài phê bình về một khía cạnh cụ thể trong thơ Mai Văn Phấn và kiểu thứ ba là những công trình nghiên cứu mang tính trường quy.

 

Kiểu bài giới thiệu chiếm số lượng lớn. Những bài này thường được in trong các tạp chí hoặc trên các trang blog cá nhân. Kiểu bài này có đặc điểm nêu những nhận định, đánh giá, cảm quan ban đầu đối với tác phấm và tác giả.

 

Ngoài ra, thơ Mai Văn Phấn còn được phê bình dưới nhiều góc độ khác nhau. Tiêu biểu trong số đó là bài viết Ban mai và ngọn lửaThơ là Ngôi Lời được in trong cuốn Nhà văn như Thị Nở của tác giả Phạm Xuân Nguyên. Với Ban mai và ngọn lửa, Phạm Xuân Nguyên đã nhận thấy “Mai Văn Phấn làm thơ dưới nguồn ánh sáng linh thiêng dẫn dắt của ban mai và ngọn lửa. Anh tin vào sự hồi sinh, phục thiện, hoàn nguyên của đất đai bầu trời, của cỏ cây hoa lá”.Còn trong bài Thơ là Ngôi Lời, nhà phê bình có viết: “Thơ khởi thủy là Lời để thành Ngôi Lời. Tuyển thơ Mai Văn Phấn này chứng thực chặng đường người thơ đi từ Chữ về Lời, từ hiện đại về truyền thống. Cái truyền thống vẫn là hồn nhiên, trong trẻo, nhưng đã ngấm chất hiện đại nên là truyền thống của hiện tại, được nói bằng một giọng điệu Mai Văn Phấn ” [8,tr.191].

 

Các công trình nghiên cứu mang tính trường quy đã tìm hiểu thơ Mai Văn Phấn một cách hệ thống và khoa học. Những Luận văn Thạc sĩ của các tác giả Nguyễn Quang Hà (Đại học Thái Nguyên), Hoàng Thị Thanh Nhàn (Đại học Vinh), Vũ Thị Thảo (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy giá trị và những đóng góp lớn của thơ Mai Văn Phấn đối với thơ ca Việt Nam đương đại.

 

Công trình Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, của Nguyễn Quang Hà bảo vệ năm 2012 đã chỉ ra những nét mới, đặc sắc trong quan niệm nghệ thuật cũng như cấu trúc thơ Mai Văn Phấn. Tác giả đã khẳng định rằng “ Ý nghĩa thơ của Mai Văn Phấn là ở chỗ tác giả không tạo ra sự xa lạ, không tạo nên một cú sốc đối với người thưởng thức. Nỗ lực cách tân làm mới thơ mình của Mai Văn Phấn vẫn không tách dời với truyền thống. Có thể nói rằng Mai Văn Phấn đã đưa truyền thống về với hiện đại và kéo hiện đại gắn bó thân mật với truyền thống. Mai Văn Phấn mang trên mình trọng trách làm mới những giá trị truyền thống, nối truyền thống với hiện đại khiến cho thơ Việt không còn khoảng cách giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, hướng đến một nền thơ hiện đại thuần Việt, mang hơi thở Việt.”

 

Hoàng Thị Thanh Nhàn với công trình nghiên cứu Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, bảo vệ năm 2014 đã làm rõ tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, trước hết, đó là hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới. Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn nổi lên với các đặc điểm cơ bản sau: giàu khát vọng và năng lượng cách tân thi ca; say đắm, nồng nàn trong tình yêu; thống nhất giữa lý tính tỉnh táo và trực giác nhạy cảm; khao khát hướng tới một thế giới tinh thần lý tưởng, “thuần Việt”. Đi cùng hình tượng cái tôi là hình tượng thế giới. Đó là một thế giới viên mãn và thuần khiết; tương giao và hài hòa; và đầy ắp những cảm giác siêu nghiệm. Để tổ chức nên thế giới nghệ thuật độc đáo ấy, nhà thơ đã sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả nhiều phương thức, phương tiện thể hiện. Ông sử dụng đa dạng thể thơ, bao gồm lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi và thơ cực ngắn. Thơ ông nghiêng về kiểu kết cấu mở, sử dụng linh hoạt bút pháp tạo hình, đặc biệt theo hướng siêu thực – nghịch dị phản ánh những mâu thuẫn và đối nghịch, của con người hiện đại.

 

Với Luận văn thạc sĩ Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, Vũ Thị Thảo thuộc trường Đại học Đà Nẵng đã chỉ ra quan niệm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Bên cạnh đó, tác giả công trình còn cho thấy kiểu tư duy thơ độc đáo, đan xen giữa hiệu thực và biến ảo, giữa phi lí và tượng trưng, liên tưởng và bắc cầu. Chủ đề chính trong các sáng tác của Mai Văn Phấn thường nói về tình yêu, thiên nhiên, vũ trụ và thế giới tâm linh nằm ngoài sự nhận thức của con người. Chính vì thế nên ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn được lạ hóa một cách tối đa và hình ảnh thơ mang tính biểu tượng cao. Ngoài ra, giọng điệu giễu nhại, hoài nghi và một số biện pháp nghệ thuật đặc sắc khác của thơ Mai Văn Phấn cũng được Vũ Thị Thảo chú ý đề cập trong công trình nghiên cứu này.

 

Dù ở cách tiếp cận nào về thơ Mai Văn Phấn, các tác giả đã khám phá được cái tiềm ẩn đằng sau con chữ. Tuy nhiên, nhiều bài phê bình chỉ tìm hiểu về một khía cạnh nhỏ trong thơ Mai Văn Phấn còn các công trình nghiên cứu trường quy lại ở tầm khái quát tổng thể, ít thấy bài nào liên quan tới các vấn đềtrong một tác phẩm cụ thể của Mai Văn Phấn. Đề tài Thế giới nghệ thuậttrong Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn sẽ giải quyết các vấn đề về thế giới nghệ thuật thơ có trong một tác phẩm cụ thể của Mai Văn Phấn.

 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

Đối tượng nghiên cứu là tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn.

 

Phạm vi nghiên cứulà thế giới nghệ thuật trong tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn.

 

4. Giới thuyết thuật ngữ

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thế giới nghệ thuật là: “Khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, sáng tác của tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo theo nguyên tắc tư tưởng , khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lí của con người, mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không gian riêng, thời gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng… chỉ xuất hiện một cách có ước lệ trong các sáng tác nghệ thuật” [4, tr.251].

 

5. Phương pháp nghiên cứu

 

Để phục vụ cho vấn đề nghiên cứu, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

 

5.1. Phương pháp so sánh- đối chiếu

 

So sánh Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn trên các phương diện về cái tôi trữ tình, ngôn ngữ thơ, thể thơ, giọng điệu của tập thơ này với các tác phẩm khác cùng một tác giả và so sánh – đối chiếu với các tác phẩm cùng thời của các nhà thơ khác để thấy được giá trị của tập thơ và những đóng góp của Mai Văn Phấn.

 

5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp

 

Các vấn đề về hình tượng nghệ thuật và phương thức nghệ thuật có trong tập Bầu trời không mái chesẽ được phân tích một cách chi tiết nhằm phát hiện và lí giải nguyên nhân, nguồn gốc của vấn đề. Từ đó, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá xác đáng.

 

6. Bố cục của đề tài

 

Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luậnTài liệu tham khảo, Nội dung luận văn gồm 3 chương:

 

Chương 1: Thơ Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ ca Việt Nam hiện đại Chương 2: Thế giới hình tượng trong Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn

 

Chương 3: Một số phương thức nghệ thuật trong Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn

 

 

 

NỘI DUNG

 

 

CHƯƠNG 1

THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG CHẢY THƠ CA VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

 

1.1. Một số đặc điểm nổi bật của thơ ca Việt Nam đương đại

 

1.1.1. Một số đặc điểm nổi bật về nội dung

 

Thơ Việt Nam sau 1975 có những đặc điểm nội dung nổi bật là: thơ tiếp tục mạch cảm hứng sử thi, nhưng thiên về bi tráng và gắn với những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân; thơ hướng vào đời sống thế sự và trở về với cái tôi cá nhân; thơ đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và phát triển theo hướng tượng trưng siêu thực.

 

Trong tư thế người chiến thắng, nhiều trường ca đã thể hiện quá trình chiến đấu của dân tộc. Các nhà thơ nói về niềm tự hào và niềm vui chiến thắng nhưng còn nói nhiều hơn sự chịu đựng và hi sinh của nhân dân, của đồng đội để đất nước có được hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay.

 

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy

Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc…

Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền”

(Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh)

 

Chân dung thế hệ trẻ đã được khắc họa rất sinh động trong thời kì kháng Mỹ cứu nước, giờ đây được miêu tả phong phú hơn, sâu hơn về những gian lao, mất mát và hi sinh, ở cả những suy tư trải nghiệm trong thế giới nội tâm tạo nên bức chân dung tinh thần của họ:

 

“Ngày sinh nhật bắt đầu bằng cơn sốt

Cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc

Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng

Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt đầu tiên

Ngày sinh nhật tuổi 25 mình được uống”

(Những người đi tới biển, Thanh Thảo)

 

Tuy nhiên, khuynh hướng sử thi cũng chỉ được tiếp tục trong khoảng mười năm đầu kể từ sau 1975. Trạng thái sử thi phai nhạt dần, nhường chỗ cho những quan điểm tiếp cận mới chuyển dịch theo hướng cái nhìn thế sự với nhiều cảm hứng khác nhau.

 

Nhiều bài thơ, từ khoảng 1980 trở đi đã không ngần ngại thể hiện những vấn đề về đời sống xã hội. Hướng vào thế sựvà chiêm nghiệm về nhân sinh, phần lớn các nhà thơ đã thể hiện trong tác phẩm nỗi âu lo, nỗi buồn nhân thế. Mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội trong một hoàn cảnh mới đã khác rất nhiều so với thời chiến tranh. Đối với nhiều nhà thơ, chặng đường thơ sau 1975 là hành trình tìm lại chính mình, nhà thơ hiện ra như Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng). Chế Lan Viên trở lại với câu hỏi day dứt “Ta là ai?” – cái câu hỏi mà tưởng chừng như một thời nhà thơ đã rũ bỏ được.

 

““Ta là ai?” Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.

“Ta vì ai?” Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”

(Hai câu hỏi, Chế Lan Viên)

 

Với thế hệ các nhà thơ trẻ xuất hiện cuối những năm 90, ý thức cá nhân càng được đề cao và mài sắc. Họ muốn phơi bày con người thực của mình, chống lại mọi thứ khuôn phép, lề thói có sẵn, thậm chí cả những quan niệm phổ biến về thi ca, đạo đức.

 

“Tôi là tôi

Một bản thể đầy mâu thuẫn

Tôi đã nhìn mình trong gương cả khi khóc, khi cười

Bất cứ lúc nào, trên sân khấu cuộc đời

Tôi vẫn là diễn viên tồi

Bởi tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác”

(Tôi, Vy Thùy Linh)

 

Bên cạnh cảm hứng sử thi và hướng vào đời sống thế sự, trở về với cái tôi cá nhân thì thơ ca sau 1975 còn đi sâu vào những vùng mờ của tâm linh, vô thức và đưa thơ theo hướng tượng trưng, siêu thực.

 

Xuất phát từ quan niệm thơ chủ yếu là sự biểu hiện cái tôi ở phần tiềm thức, các nhà thơ đã đi sâu vào các vùng mờ của tiềm thức, vô thức như những giấc mơ, sự mộng mị, cõi hư ảo… Họ chối bỏ sự áp đặt của ý thức, kinh nghiệm mà coi trọng những cảm giác thực thể và siêu nghiệm, được biểu đạt bằng ấn tượng, biểu tượng, bằng những ám thị hoặc các liên tưởng trùng phức, theo cách biểu hiện của chủ nghĩa tượng trưng hay siêu thực.

 

Với ý muốn thoát ra khỏi quan niệm thơ và thi pháp truyền thống, muốn giải phóng thơ ra khỏi phương tiện chức năng biểu đạt những cái ngoài nó, đưa thơ về chính nó, những nhà thơ theo xu hướng này đã đưa ra một quan niệm mới về chữ và nghĩa của thơ. Họ muốn người đọc thơ không phải đi tìm nghĩa sau các Chữ và với các tác giả, làm thơ chính là làm “chữ”. Lê Đạt tuyên bố: “Chữ bầu lên nhà thơ” còn Trần Dần lại cho rằng: “Tôi viết tức là tôi để con chữ tự mình làm nghĩa”.

 

1.1.2. Một số đặc điểm nổi bật về nghệ thuật

 

Thơ ca sau 1975 đã có nhiều sự thay đổi từ thể thơ cho đến kết cấu thơ, cách tổ chức câu thơ, ngôn ngữ và giọng điệu.

 

Thơ tự do không vần trước đây còn là một hiện tượng hiếm, ít xuất hiện trên thi đàn thì bây giờ trở nên rất phổ biến. Thơ văn xuôi với cách viết không phần dòng cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều trường ca và ở cả những bài thơ ngắn. Hầu hết các nhà thơ trẻ thuộc thế hệ sau 1975 đều không muốn làm thơ theo những thể cách luật. Họ muốn giải phóng thực sự cho những ý tưởng cảm xúc khỏi những khuôn mẫu thể loại có sẵn. Tuy nhiên, một số cây bút vẫn còn sử dụng các thể thơ quen thuộc, đặc biệt là thơ lục bát. Song, đối với các tác giả này, họ cũng cố gắng thay đổi theo hướng tự do hơn về cách tổ chức câu thơ, nhịp điệu như thơ lục bát của Nguyễn Duy, Lê Đình Cảnh, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn…

 

Tổ chức kết cấu bài thơ cũng hết sức đa dạng và ở nhiều trường hợp đã vượt ra khỏi cách kết cấu, lập tứ quen thuộc. Đặc biệt ở lối thơ “vụt hiện” hay những thể nghiệm của Trần Dần, Lê Đạt để cho chữ tạo sinh ra nghĩa. Còn các trường ca thì tác phẩm thường được tổ chức thành các chương, khúc mà kết cấu bên trong là mạch trữ tình – chính luận. Một số tác giả khác lại thử nghiệm lối thơ rất ngắn, bài thơ chỉ gồm hai, ba dòng.

 

Tự do hóa cũng thể hiện ở việc tổ chức câu thơ. Câu thơ điệu nói được hình thành trong quá trình hiện đại hóa thơ ca và hội nhập thơ ca Việt Nam trong dòng chảy với thơ ca khu vực và thơ ca thế giới. Khi thơ tự do và thơ không vần đã trở nên phổ biến thì các dòng thơ hoặc giãn nở hoặc co lại một cách rất tự do, sự liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ có xu hướng phá bỏ những trật tự logic thông thường. Nhịp điệu tuy vẫn còn là một yếu tố cần thiết nhưng nó đã hết sức linh hoạt. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nhịp điệu câu thơ đã gần với câu văn xuôi và gần như không đóng vai trò gì đáng kể trong việc tổ chức câu thơ.

 

Tự do hóa về kết cấu bài thơ, tổ chức câu thơ cũng đi liền với sự tự do trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trường từ ngữ thơ đã được mở rộng đến mức gần như không có một giới hạn nào. Những từ thông tục, khẩu ngữ, biệt ngữ đã xuất hiện trong thơ. Nhiều từ ngữ, hình ảnh được sử dụng trong thơ sau năm 1975 mang đậm tính thời đại. Các tác giả đưa vào thơ những hình ảnh, từ ngữ mà ở trong đời sống nó được xem như là dấu hiệu của một xã hội mới – xã hội hiện đại hóa. Thơ Phùng Khắc Bắc có hình ảnh một đôi trai gái đèo nhau bằng “xe Điamang”, với “quần Zin”, “áo phông sáng lòa”,… Chế Lan Viên ghi nhận thế giới bấy giờ là thế giới của “xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc”, “của quyền lực, tuổi tên, đốp chát”,…

 

Một số nhà thơ đương đại theo khuynh hướng tượng trưng không muốn “vẽ truyền thần” trong thơ mà muốn qua chữ để có cách “nhìn nghiêng” về thế giới, muốn đi sâu vào những ú ớ của vô thức, muốn biểu đạt thế giới bằng những kí hiệu ngôn ngữ là chữ: “Tôi giản dị đồng nhất thế giới thơ vào chữ” (Trần Dần). Còn Lê Đạt chủ trương tỉnh lược từ ngữ tối đa để gia tăng tính biểu đạt của ngôn ngữ, buộc độc giả phải có “lỗ tai mới” khi đọc thơ:

 

“Vườn chôm chôm

mùa khem thèm thòm trái cấm

Vui mồm lắp lẫn

nhiều kinh kệ không quen

Amen”

(Khuyết điểm – Lê Đạt)

 

Đi xa hơn nữa, Dương Tường đề ra loại “thơ ngoài lời”, khước từ mọi hình thức biểu đạt của ngôn ngữ bằng cách xuất bản tập Đàn với những bài thơ không lời mà thay vào đó là sự hỗn độn của những mảng màu sắc. Theo ông, điều đó thể hiện mong muốn làm sao phải mở ra được những miền không gian liên tưởng bên ngoài những câu chữ cụ thể, điều mà đã từng xuất hiện trong thơ trên thế giới.

 

Hình ảnh phổ biến và nổi trội trong thơ giai đoạn này là xu hướng biểu tượng hóa. Biểu tượng nghệ thuật được sử dụng rộng rãi và phát huy ưu thế của nó trong thơ của mọi thế hệ. Các loại biểu tượng cũng hết sức đa dạng, từ những hình ảnh sẵn có trong thiên nhiên, những “mẫu gốc” trong tâm thức văn hóa dân tộc, các bộ phận của con người cho đến các hình ảnh kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng trong quá trình sáng tạo.

 

Sự đa dạng về phong cách và sự phong phú về giọng điệu là đặc điểm nghệ thuật nổi bật của thơ Việt sau 1975. Đây cũng chính là giai đoạn chuyển giọng của thơ: nhà thơ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi trước một thực tại khắc nghiệt. Chất giọng tự thú, tự bạch trở thành gam giọng phổ biến. Cắt nghĩa về thực trạng này có thể nhìn từ hai phía, đó là nỗi buồn xuất phát từ thời thế, sự khủng hoảng về niềm tin, sự bất an trước thời cuộc, và bên cạnh đó, trong hoàn cảnh mới, quan hệ người trở nên lỏng lẻo, con người sống trong nhiều mối quan hệ hơn nhưng cũng cô đơn hơn. Theo đó, gắn liền với chất giọng tự thú là giọng điệu giễu nhại. Ở đây chất giọng giễu nhại mang trong mình nó ít nhất hai chức năng nghệ thuật cơ bản. Đó là làm cho thơ bớt đi sự nghiêm trang thái quá, ngôn ngữ thơ bớt đi sự “trong suốt” mà tăng thêm phù sa của “cây đời” đồng thời cho phép người đọc hình dung cuộc sống như một thực thể đa trị. Giọng giễu nhại cùng với cảm hứng giải thiêng giúp xóa bỏ khoảng cách giữa thơ với cuộc sống, tạo ra một hiệu ứng đó là sự chua chát đằng sau mỗi nụ cười:

 

“Lần lữa mãi thế là ta lỡ dại

Để dành thành mất cắp cả tình yêu”

(Một góc chiều Hà Nội, Nguyễn Duy)

 

Hay nụ cười chua chát ẩn sau những phép tính nhẩm có vẻ rất khôn ngoan:

 

“21 tuổi hồn nhiên như vậy đó

3 bài thơ nhân với 7 hẹn hò

Khi rượu cạn, hoa tàn, tim tắt nến

Thỏi son hồng ra ngõ đứng co ro”

(Tính nhẩm - Hoàng Nhuận Cầm)

 

Những cảm xúc tự nhiên của con người được bộc lộ hết sức chân thành mộc mạc, phù hợp với khuynh hướng thơ ca hiện đại. Tính đa giọng điệu mà nhất là giọng điệu trầm lắng như một nốt nhạc lặng lẽ giữa bản tình ca muôn điệu của nhịp sống đầy chất suy tư, chiêm ngiệm, góp phần xây nên thành công cho thơ ca sau 1975.

 

1.1.3. Thành tựu thơ Việt Nam đương đại

 

Thơ Việt Nam từ sau 1975 có sự hiện diện và tiếp nối của nhiều thế hệ nhà thơ, đó là: thế hệ các nhà thơ thời “tiền chiến”, thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thế hệ nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 90. Mỗi thế hệ sáng tác mang đến một màu sắc riêng, giọng điệu riêng cho thơ ca Việt Nam đương đại.

 

Thế hệ các nhà thơ xuất hiện trước 1945, hay còn được gọi là “thế hệ tiền chiến” với những tên tuổi rạng rỡ trên thi đàn như Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên,… tiếp tục có mặt trong đời sống thơ, chủ yếu là trong khoảng mười năm đầu sau 1975. Các nhà thơ này đã có sự thay đổi về đề tài và cảm xúc, hướng nhiều hơn đến đời sống hiện tại hoặc những triết lí nhân sinh. Trong số đó, Chế Lan Viên là nhà thơ có sự chuyển biến rõ rệt nhất, thơ ông thể hiện quá trình tiếp nhận các khuynh hướng sáng tác một cách mau lẹ và sâu sắc.

 

Thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giữ vị trí chủ chốt và có nhiều đóng góp quan trọng kểtừ sau 1975. Đặc biệt, thế hệ chống Mỹ không chỉ đóng góp nổi bật trong mười năm đầu sau chiến tranh với việc tiếp tục khuynh hướng sử thi đậm chất bi tráng trong các trường ca mà còn sớm nở ra khuynh hướng cảm hứng thế sự đời tư, với nhiều giọng điệu khác nhau: Thanh Thảo và Nguyễn Khoa Điềm; Hữu Thỉnh và Nguyễn Đức Mậu; Thu Bồn và Trần Mạnh Hảo; Nguyễn Duy và Trần Đăng Khoa; Xuân Quỳnh và Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ…

 

Ngoài ra, một thế hệ nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 90 đã đem nhiều tiếng nói mới, cách nhìn mới, cảm xúc mới trong thơ. Trong số họ, tuy chưa có những phong cách khẳng định vị trí của mình trong công chúng một cách rộng rãi nhưng đã có nhiều tên tuổi gây được sự chú ý: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn và gần đây là Phan Huyền Thư, Vy Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Các nhà thơ dân tộc thiểu số góp những tiếng thơ đặc sắc mang bản sắc dân tộc: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Inrasara…

 

Thơ Việt Nam đương đại có số lượng tác phẩm lớn. Nổi lên đáng chú ý là các trường ca: Những người đi tới biển, Những ngọn sóng mặt trời, Đêm trên cát của Thanh Thảo; trường ca Đường tới thành phố, Trường ca biển của Hữu Thỉnh; Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu; Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo…Bên cạnh trường ca, các tập thơ cũng chiếm số lượng đáng kể. Một số tập thơ nổi bật như:Hoa trên đá của Chế Lan Viên; Một tiếng đờn,Ta với ta của Tố Hữu; Khát, Linh, Đồng Tử, ViLi in love của Vy Thùy Linh; Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che, Hôm sau của Mai Văn Phấn; Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh; Hở của Nguyễn Thế Hoàng Linh…

 

Thơ Việt Nam đương đại dù không còn vị thế nổi trội và vai trò tiên phong trong đời sống văn học nhưng thơ ca đã đạt được một số thành công nhất định: số lượng tác giả, tác phẩm lớn; nội dung phản ánh phong phú và đa dạng; có nhiều tìm tòi, cách tân mạnh mẽ về mặt nghệ thuật. Tất cả những điều này đã đem đến một giai đoạn mới trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam.

 

1.2. Con đường thơ Mai Văn Phấn

 

1.2.1. Mai Văn Phấn – gương mặt mới của thơ Việt Nam đương đại

 

Mai Văn Phấn nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến, một trong những gương mặt xuất sắc của khuynh hướng cách tân thơ Việt đương đại. Ông sinh năm 1955, tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Thành phố cảng này là nơi đã sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ khác với tên tuổi và tài năng đã được khẳng định: Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Bùi Ngọc Tấn, Thi Hoàng, Đồng Đức Bốn, Đình Kính, Dư Thị Hoàn,…

 

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Mai Văn Phấn đã sớm bộc lộ khả năng thơ ca. Ông từng là một trong những học sinh giỏi văn của trường cấp ba Kim Sơn và bắt đầu làm thơ từ năm 16, 17 tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mai Văn Phấn lên đường nhập ngũ. Năm 1981, trở về quê và làm việc tại Công ty Thuỷ lợi II Ninh Bình. Sau đó, học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và được cử đi du học ở Liên Xô (cũ). Suốt từ năm 21 tuổi đến năm 37 tuổi, ông không làm thơ. Thay vào đó, trong khoảng thời gian 16 năm ấy, Mai Văn Phấn chỉ tập trung trau dồi kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, chuyên môn và dành nhiều thời gian cho việc đọc và suy ngẫm về văn chương. Những giá trị thơ của Mai Văn Phấn chỉ thực sự phát lộ khi ông bắt đầu sáng tác trở lại vào đầu thập niên 90. Những năm tháng đi du học cộng với tinh thần ham học hỏi, ông đã tiếp thu được tinh hoa nhiều nền văn hóa, văn học trên thế giới. Đây là những kiến thức hết sức quan trọng làm nền tảng cho hành trình sáng tạo của nhà thơ về sau.

 

Trong suốt những năm miệt mài sáng tác, Mai Văn Phấn đã khẳng định được những bước đi vững chắc và táo bạo của mình trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Chính sự cống hiến hết mình cho văn học nghệ thuật, đặc biệt thi ca, nhà thơ Mai Văn Phấn đã có một vị trí vững vàng trên thi đàn thơ Việt Nam hiện đại.

 

Mai Văn Phấn có số lượng tác phẩm lớn, góp tiếng nói không nhỏ trong thơ ca Việt Nam hiện nay. Ông đã cho ra đời 12 tác phẩm, trong đó có hơn 10 tác phẩm tái bản hoặc tái bản nhiều lần, một số bản được bổ sung Anh ngữ, Pháp ngữ, hoặc Anbani ngữ. Các tác phẩm đó là: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Người cùng thời (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên giói thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), hoa giấu mặt (2012), Những hạt giống của đêm và ngày (2013), Buông tay cho trời rạng (2013).

 

Thơ Mai Văn Phấn là một hành trình nhọc nhằn đi từ truyền thống đến hiện đại, trải qua những lần “vong thân”, tự phủ định bản ngã nhằm xác lập giá trị riêng cho thơ. Nhà thơ đã thoát khỏi lối mòn của những cảm xúc đơn điệu, lối viết khuôn sáo để có một cái nhìn mới mẻ về hiện thực. Thơ Mai Văn Phấn từng đạt được những giải thưởng thơ nhưng không dừng lại ở đó, ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình trên con đường thơ và khao khát góp phần tạo nên một diện mạo mới cho thơ Việt đương đại.

 

1.2.2. Hành trình thơ Mai Văn Phấn

 

Trong cuốn Thơ tuyển Mai Văn Phấn (cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn) do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2011, chính nhà thơ Mai Văn Phấn đã chia sự nghiệp sáng tác của mình thành các giai đoạn: từ khởi đầu đến năm 1995, từ 1995 đến 2000 và từ 2000 đến 2010. Ở giai đoạn sáng tác đầu tiên, thơ Mai Văn Phấn có những bài nổi bật như: Tản mạn về cỏ, Một mình, Kinh cầu ban mai, Tạ ơn bông lau, Em, Giấc mơ đi qua, Hát giữa hai mùa, Nghi lễ cuối cùng… Một điều dễ nhận thấy là những bài thơ này đã ẩn chứa suy nghĩ táo bạo nhưng chưa có sự cách tân mạnh mẽ về mặt nghệ thuật.

 

“Em đi cùng đám mây bông

Mình anh gió hú dọc sông Ngân Hà

Tàn mùa chiếc lá lia qua

Cho cô đơn ấy xẻ ra mấy phần

Sáng thì làm trăng thượng tuần

Lu thì ghép với mấy lần cong vênh”

(Một mình)

 

Rõ ràng, ngay từ buổi bước chân vào nghiệp viết, Mai Văn Phấn đã có ý thức tự thân về cái mới, cái lạ trong nghệ thuật. Với tư duy thơ độc đáo, tác giả đã đặt các hình ảnh sóng đôi với nhau: “em” – “anh”, “đám mây bông” – “gió hú dọc sông Ngân Hà”, “sáng” – “lu”. Ngôn ngữ được nhà thơ trau chuốt, lựa chọn kĩ. Chữ “lia” trong câu “Tàn mùa chiếc lá lia qua” là một điểm nhấn nghệ thuật. Vì “một mình” nên cái gì cũng diễn ra rất nhanh, rất chóng vánh, mọi thứ khi vắng bóng “em” đều trở nên vô nghĩa, chỉ có nỗi cô đơn là hiện hữu bao trùm khắp các không gian.

 

Nhìn chung, từ 1995 trở về trước, Mai Văn Phấn rất chú ý đến khuôn khổ của một bài thơ, từ cách gieo vần, nhịp điệu cho đến cấu trúc, bố cục. Các hình ảnh thơ mang tính lãng mạn cao, đậm chất truyền thống. Thơ Mai Văn Phấn giai đoạn đầu được nằm trong những chỉnh thể an toàn, hướng tới thị hiếu tiếp nhận của số đông bạn đọc.

 

Trong 5 năm (1995 -2000), Mai Văn Phấn đã cho ra đời một số lượng lớn các tác phẩm. Tiêu biểu là các tập thơ: Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999). Đây là giai đoạn đánh dấu nhiều thể nghiệm của tác giả. Nếu giai đoạn sáng tác trước, Mai Văn Phấn cố gắng làm lạ những ý thơ thì giai đoạn sáng tác tiếp theo này, nhà thơ không chỉ dừng lại ở đó mà còn có nhiều nỗ lực trong việc cách tân về mặt hình thức. Thơ Mai Văn Phấn không còn nằm trong một chỉnh thể an toàn như trước nữa, trái lại, nhà thơ đã thử bút và thành công với thể thơ tự do, cách ngắt dòng, xuống dòng được thực hiện một cách phóng khoáng, phá cách.

 

“Lại con đường

dấu chân liềm hái

dấu chân mã tấu

nước mắt loang màu đám cỏ gà

xót buốt một đời kim chỉ

be chắn khỏi vỡ”

(Làng)

 

Thơ văn xuôi cũng là một trong những thể nghiệm của Mai Văn Phấn trong giai đoạn này. Các tác phẩm được nhà thơ Mai Văn Phấn viết theo thể thơ văn xuôi là: Đến trong ý nghĩ, Vòng cung thời gian, Những ý nghĩ không sắp đặt, Niệm khúc số 18, Dấu vết… Ngoài ra, tác giả Mai Văn Phấn còn táo bạo kết hợp giữa thể thơ tự do và thơ văn xuôi trong các sáng tác. Trường ca Người cùng thời là tác phẩm thể hiện đầy đủ những thử nghiệm cho lối viết mới của ông.

 

Bước sang giai đoạn sáng tác thứ ba, Mai Văn Phấn đã chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào, bản lĩnh. Với các tập thơ: Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên giói thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), nhà thơ đã tự làm mới chính bản thân mình. Giai đoạn trước 1995, thơ Mai Văn Phấn mang hơi hướng lãng mạn, từ 1995 đến 2000 là giai đoạn tìm tòi, có nhiều biến động của thơ ông thì giai đoạn sáng tác này, phong cách thơ đang dần được định hình và phát triển theo hướng tượng trưng siêu thực. Nếu như giai đoạn sáng tác thứ hai, Mai Văn Phấn tập trung cách tân phần kết cấu tác phẩm và cấu trúc của mỗi câu thơ thì sang giai đoạn sáng tác mới, ông vẫn giữ nguyên những thành quả cũ, thêm vào đó là sự cách tân mạnh mẽ về thế giới hình tượng.

 

“Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo”

(Con chào mào)

 

Mỗi tập thơ là một cuộc “vong thân” đầy sự ý thức, tính tự giác của Mai Văn Phấn. Mỗi một chặng đường sáng tác là một lần vượt qua “sa mạc” các khuynh hướng, các trường phái.Thơ Mai Văn Phấn có nhiều chặng đường, nơi kết thúc mỗi giai đoạn chính là điểm xuất phát cho cuộc khai phóng khác. Nhưng bất kỳ giai đoạn nào, người đọc dễ nhận thấy tình yêu, sự chân thành của tác giả đối với cuộc sống khao khát tìm đến những chân trời nghệ thuật, khám phá bản thân ngay tại thời điểm đó.

 

Tập thơ Bầu trời không mái che ra mắt bạn đọc năm 2010. Tác phẩm gồm ba phần, mỗi phần chín nhịp. Trong bài viết Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn, nhà nghiên cứu Lê Vũ cho rằng cấu trúc tập thơ ba phần tương ứng với kết cấu thượng - trung - hạ, “Cửa Mẫu" là cõi Trời, Mùa Trăng là cõi Đất, và Hình Đám Cỏ là cõi Người. Thiên địa nhân, tam vị nhất thể, còn số chín là cửu cửu biến thiên gồm động - tĩnh và mao mạch của cơ thể thơ”.

 

Bầu trời không mái che là tập thơ thứ chín của nhà thơ Mai Văn Phấn. Điều quan trọng ở đây không phải vấn đề số lượng tập thơ xuất bản mà là sự vượt lên chính mình, nhà thơ đã bỏ lại những ảnh hưởng của các trường phái thơ hiện đại, hậu hiện đại để vươn về phía truớc trên đường bay của tâm linh và ngôn ngữ.

 

Cũng trong năm 2010, tập thơ này được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Có ý kiến đánh giá rằng đây là giải thưởng trao cho một “quá trình thơ Mai Văn Phấn” chứ không hẳn chỉ dành cho một tập thơ. Bầu trời không mái che là thành quả của những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà thơ Mai Văn Phấn. Với tập thơ này, chúng ta có thể nhận thấy chất riêng, nét độc đáo, sự khác biệt của thơ Mai Văn Phấn so với tám tập thơ trước đó của ông. Bởi lẽ, Bầu trời không mái chelà kết quả của những hành trình băng qua các “sa mạc” khuynh hướng, tập thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc lĩnh hội tri thức và tài năng thơ ca bẩm sinh.

 

Sau tập Bầu trời không mái che, nhà thơ Mai Văn còn xuất bản thêm ba tập thơ khác nữa, đó là Hoa giấu mặt (2012), Những hạt giống của đêm và ngày (2013), Buông tay cho trời rạng (2013). Mỗi tập thơ, tác giả lại tiếp tục với những khám phá và thể nghiệm mới. Tuy nhiên, thi pháp đã nghiêng dần về hướng tự nhiên, không còn đặt nặng vấn đề hình thức. Bầu trời không mái che sẽ là tập thơ bắt đầu cho một giai đoạn sáng tác mới của Mai Văn Phấn.

 

Có thể nói, thơ Mai Văn Phấn là thành quả của sự tìm tòi, nỗ lực cách tân không ngừng nghỉ. Đối với ông, thơ không gói gọn trong một phong cách cố định mà là thành quả của sự dấn thân và vận động. Điều đáng ghi nhận ở nhà thơ Mai Văn Phấn là ông đã ý thức việc đưa thơ Việt hòa vào dòng chảy chung với thơ ca thế giới. Càng về sau, thơ của ông càng kén chọn người đọc, yêu cầu một lối tư duy mới, không thỏa hiệp với cách đọc cũ.

 

1.2.3.Quan niệm nghệ thuật của Mai Văn Phấn

 

Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ có kiến thức sâu rộng và vốn ngoại ngữ tốt. Đối với ông, làm thơ không chỉ là bản năng tự có mà còn là quá trình học hỏi, tích lũy kiến thức văn thơ lâu dài, bền bỉ. Song hành với việc sáng tác, Mai Văn Phấn đã đưa ra những quan niệm về nhân sinh và về nghệ thuật. Điều này được thể hiện rõ trong các bài tiểu luận phê bình hay trong nhiều bài phỏng vấn trên các tạp chí.

 

Nhà thơ cho rằng, bên cạnh cuộc sống thực, hữu hình luôn tồn tại một thế giới tâm linh, vô hình. Có ý kiến cho rằng Mai Văn Phấn vốn theo đạo Thiên chúa nên điều đó ảnh hưởng tới các sáng tác của ông. Tuy nhiên, trong thơ ông, thế giới tâm linh được phản ánh rất rộng, nhiều khi cõi tâm linh và cõi vô thức của con người có sự giao hòa, gặp gỡ lẫn nhau. Đức tin được thể hiện trong thơ Mai Văn Phấn là một đức tin nguyên thủy, hướng vào thế giới tâm linh để an ủi tinh thần, chứ không chỉ giới hạn trong tình yêu với đạo Thiên chúa.

 

Là một nhà thơ có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, Mai Văn Phấn đã thể hiện trên các trang viết về sự bận rộn, xô bồ, phức tạp của xã hội hiện đại. Ở đó, con người dễ rơi vào cảm giác cô đơn, lạc lõng. Bằng sự nhạy cảm, tinh tế và chất nhân văn của một nhà thơ, ông cũng đã phát hiện ra những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng ở con người hiện đại: dù họ có bị cuộc sống gây áp lực hay cơ thể mệt mỏi rã rời thì thẳm sâu trong tâm hồn họ vẫn khát khao được yêu thương, được quay về với bản thể tự nhiên của mình.

 

Tình yêu khởi nguồn sự sống. Mai Văn Phấn tiếp cận thế giới bằng đôi mắt phồn sinh, vạn vật sinh sôi nảy nở. Cuộc sống là một quá trình hóa sinh bất định. Đối với nhà thơ, cái chết được nhìn nhận như một sự khởi đầu mới. Ông tin vào sự sống bất tử nhờ vào lẽ hóa sinh mầu nhiệm. Mọi thứ đều phải trải qua những đau đớn để vươn lên tìm kiếm một vẻ đẹp hoàn thiện. Trong giai đoạn khó khăn, bế tắc nhất, tình yêu sẽ là nguồn động lực đưa đến kết quả tốt đẹp hơn.

 

Quan niệm nghệ thuật của Mai Văn Phấn có nhiều điểm khác lạ so với những nhà văn, nhà thơ khác. Ông luôn coi quá trình sáng tạo là một cuộc “vong thân”. Mỗi nhà thơ phải biết tự phủ định mình, tức là phải coi cái mình vừa viết ra là cái đã cũ thì mới mong đạt đến thành công đỉnh cao trong nghệ thuật. Trong suốt quá trình cầm bút, nhà thơ Mai Văn Phấn luôn trăn trở về vấn đề cách tân nghệ thuật. Thậm chí ông còn đặt vấn đề cách tân làm vấn đề trung tâm trong quan niệm thơ của mình.Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến thơ Mai Văn Phấn không bao giờ ổn định phong cách. Thơ ông đã có sự vận động qua những “sa mạc” trường phái. Cái mới đối với nhà thơ trước hết là mới về hình thức, từ đó mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về nội dung.

 

Theo Mai Văn Phấn, nhà thơ phải là người có kiến thức sâu rộng ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại này, những người cầm bút phải luôn trau dồi kiến thức văn học, cập nhật lí thuyết, thi pháp của các trường phái, thơ không còn là địa hạt của những người sáng tác theo bản năng. Mai Văn Phấn luôn mang trong mình trách nhiệm của một nhà thơ đương đại. Thơ đối với ông là quá trình chinh phục và phấn đấu lâu dài, bền bỉ. Ông luôn cố gắng đưa thơ Việt giới thiệu ra thế giới. Bước đầu tiên đáng ghi nhận là Mai Văn Phấn đã dịch các tác phẩm của mình ra các thứ tiếng khác. Đó là tinh thần, ý thức hội nhập của một nhà thơ đương đại.

 

 

 

CHƯƠNG 2

THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG TRONG TẬP THƠ BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE

 

2.1. Hình tượng cái tôi trữ tình

 

Cái tôi trữ tình là chủ thể của hành trình sáng tạo thi ca, có vai trò quan trọng trong thơ với tư cách là trung tâm để bộc lộ lại tất cả suy nghĩ, tình cảm, thái độ được thể hiện bằng một giọng điệu riêng.

 

2.1.1. Cái tôi đức tin thánh thiện

 

Cái tôi đức tin thánh thiện được thể hiện trong tập Bầu trời không mái che luôn thiết tha hướng về đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Đầu tiên là đức tin về Mẫu. Trong tâm thức người Việt, Mẫu – mẹ là đại diện cho sự che chở, bao bọc, đồng thời Mẫu cũng là đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở. Tin vào Mẫu chính là tin vào chỗ dựa vững chắc trên con đường đã lựa chọn.

 

“Mẫu nâng niu con ánh trăng

Tiếng chuyền cành, tiếng hú

Da thịt con yêu trải sâu đêm tối

Dựng tầng mây mưa nguồn”

(I, Cửa Mẫu)

 

Mẫu ở đây không đơn thuần là người mẹ sinh thành ra “con”, mà rộng hơn đó là Mẹ Cả của vũ trụ, của thiên nhiên. Bằng đức tin thánh thiện, cái tôi trữ tình trong tác phẩm hướng tới Mẫu - trung tâm của sự chở che, bao bọc cho“con”, cho “cha” và cho tất cả mọi người. Chính vì thế, hướng về Mẫu là một nhu cầu tự thân của tác giả.

 

Xuất phát từ nhu cầu tự thân và bằng đức tin trong sáng, thuần khiết nên đến một ngày, sau khi trải qua khó khăn, sóng gió cuộc đời, “con” trưởng thành và thể hiện lòng biết ơn tới Mẫu:

 

“Con biết ơn trận mưa

Sấm to và gió mát”

(V, Cửa Mẫu)

 

Đối với “con”, “trận mưa”, “sấm to”, “gió mát” là những ân huệ mà Mẫu ban tới, giúp “con” vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Cái tôi đức tin thánh thiện gắn với lòng biết ơn tới Mẫu.

 

Trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, chúng ta bắt gặp một số nghi lễ như: nghi lễ nhận tên, nghi lễ tấn phong tình yêu. Với tập Bầu trời không mái che, tác giả thể hiện cái tôi đức tin thánh thiện bằng cách đưa nhân vật trữ tình quay về với những nghi lễ truyền thống.

 

“công đồng tứ phủ

mở lòng đệ tứ

bao dung mắt nhìn

mưa thuận gió êm

khâm sai ân huệ

tâm thành kính lễ

tứ vị chầu bà

khăn gấm áo hoa

đi tươi về tốt

thuận buồm xuôi ngược

má phấn môi son…”

(IX, Cửa Mẫu)

 

Riêng phần nghi lễ được nhà thơ dành trọn một nhịp (Nhịp IX) trong phần Cửa Mẫu. Đoạn thơ được thể hiện mô phỏng hình thức của một nghi lễ thờ Mẫu có trong dân gian. Dù có những cách tân, những phá cách nghệ thuật nhưng khi quay về với đời sống tinh thần, với cội nguồn tâm linh thì nhà thơ Mai Văn Phấn vẫn luôn trân trọng, nâng niu các giá trị nguyên bản.

 

Ngoài đức tin về Mẫu, cái tôi trữ tình trong tập Bầu trời không mái che còn thể hiện đức tin về một thế giới tâm linh kì bí khác.

 

“Vũ trụ choàng áo đen lên con

Chỉ hở đôi mắt cầu nguyện”

(Cửa Mẫu)

 

Cái tôi đầy đức tin hướng về thế giới tâm linh đều vô hình. Ở đó, con người không thể sờ mó mà chỉ biết đến nó thông qua cảm nhận và đôi mắt là nơi thể hiện đức tin chân thành nhất. Đó là một thế giới vô hình tồn tại ngay cạnh thế giới hữu hình, là chỗ dựa tinh thần vững chắc khi nhân vật trữ tình gặp bế tắc. Thế giới tâm linh vừa là điểm đến đầu tiên làm thanh sạch tâm hồn vừa là điểm cuối cùng, giúp chủ thể trữ tình có thêm niềm tin, động lực để bước tiếp.

 

Trong tác phẩm,chủ thể trữ tình không chỉ tin vào một lực lượng, một thế giới siêu nhiên mà đức tin đó còn được đặt ngay trong chính bản thân con người. Nếu như cái tôi trữ tình tràn đầy đức tin vào Mẫu và đức tin vào một thế giới tâm linh kì bí khác là đức tin hướng ngoại thì đức tin vào chính bản thân là một đức tin hướng nội. Đức tin về chính bản thân là sự kết hợp của những cố gắng, nỗ lực với lí trí và kinh nghiệm.

 

“Ngày mai mặt đất này

Và thế giới sẽ đổi khác”

(III, Mùa Trăng)

 

Cái tôi đức tin được thể hiện trong tác phẩm là cái tôi mang đức tin thánh thiện, trong sáng, thuần khiết. Đức tinđược đặt vào Mẫu, vào thế giới tâm linh kì bí và đặt đức tin ngay trong chính bản thân chủ thể trữ tình. Điều đó cho thấy đức tin đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của tác giả.

 

2.1.2. Cái tôi thiết tha yêu đương

 

Cái tôi thiết tha yêu đương trong Bầu trời không mái che là một bản thể đa diện. Ở mỗi góc độ khác nhau, chủ thể trữ tình hiện lên như một sự phân thân chưa trọn vẹn (hoặc hóa thân, hoặc mơ hồ trôi dạt vào thế giới tiềm thức tâm linh), phải đến với tình yêu, sống trong tình yêu đôi lứa, nhân vật trữ tình mới hiện lên với một bản thể đầy đủ.

 

“Lo em phải mang quá sức

Anh đã chạy theo

Lúc kiễng chân, lúc bám tay hờ

Tà áo bay nắng sớm

Nhạt hoa văn trên chiếc túi da nâu

Dù ở đâu anh vẫn choàng lên

Chuỗi hạt lặng yên chờ em ngủ

Lại xô đi lạo xạo quay tròn”

(Nhịp III, Hình Đám Cỏ)

 

Chủ thể trữ tình hiện lên với tình yêu chân thành, nhẹ nhàng, nồng thắm. Đó là sự quan tâm đến từ những điều nhỏ bé: “Lo em phải mang quá sức”, là khao khát được ở bên luôn luôn được ở bên “em”, được chăm sóc “em”.

 

Đối với chủ thể trữ tình, “em” là hiện thân của tình yêu. Vì thế, hình tượng nhân vật “em” ở trong tác phẩm được khắc họa bằng tất cả những gì đẹp đẽ nhất. Cái đẹp ở đây không nằm ở ngoại hình mà vẻ đẹp của hình tượng nhân vật “em” đã được nhìn qua lăng kính của “anh” – người đang yêu “em” say đắm. Vẻ đẹp đó được xây dựng bằng bút pháp gợi nhiều hơn tả.

 

Nếu như vũ trụ bao la là nơi chủ thể trữ tình không thể hiểu hết được, cuộc sống xô bồ, phức tạp khiến nhân vật trữ tình mệt mỏi, khi cái tôi trữ tình quay về với thế giới của chính mình lại rơi vào cảm giác cô đơn thì khi bên cạnh “em”, mọi thứ trở nên rộn ràng, đầy sức sống.Tình yêu của “em” đã làm nên “giai điệu xuân” trong “anh”.

 

“Trong hơi ấm nồng nàn

Hạt nắng chảy vào em

Mùa nước về rạng rỡ”

(Giai điệu xuân)

 

Cái tôi trữ tình hướng về “em” cũng chính là hướng về một cuộc sống tình yêu ấm nóng. “Em” đã đánh thức tình yêu, cuộc sống trong “anh”. Vẻ đẹp của “em” hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời. “Em” nồng nàn và “em” rạng rỡ. “Em” chính là người tạo nên những mảng màu sáng trong thế giới nghệ thuật.

 

Giữa cuộc sống xô bồ phức tạp, tình yêu nổi lên như một nguồn sống bản năng, đưa con người về với thiên nhiên và những giá trị nguyên bản. Tình yêu xuất hiện xuyên suốt từ đầu tập thơ cho đến cuối tập thơ Bầu trời không mái che. Điểm đặc biệt là tình yêu và tình dục luôn song hành với nhau. Qua lăng kính vạn vật phồn sinh, thời khắc ái ân hiện lên trong thơ một cách dày đặc. Tình yêu của con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên, vũ trụ.

 

“Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn

Trái hồng đượm trong hương cốm nõn”

(Cốm hương)

 

Nhà thơ Vi Thùy Linh đã chỉ ra sự khác biệt trong thơ tình yêu của Mai Văn Phấn là: “Chưa có ai coi sự gần gũi trong tình yêu là nghi lễ, chỉ có Mai Văn Phấn. Trong thơ anh, ái ân trở thành nghi lễ giao linh thiêng liêng của con người; nghi lễ đầu tiên và cuối cùng”.

 

“Đây là thời khắc ái ân

Thắp sáng lãnh địa bóng tối

Mùa phồn sinh thụ phấn, kết hạt

Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya”

(III, Mùa Trăng)

 

Trong tập “Bầu trời không mái che”, cái tôi trữ tình thể hiện tình yêu được một cách kín đáo nhưng không kém phần mãnh liệt:

 

“Vẫn hiểu nhau dù quên tiếng nói

Đã yêu. Hiến dâng. Đã sống”

(Nhịp VIII, Hình Đám Cỏ)

 

Đối với chủ thể trữ tình, tình yêu gắn liền với sự hiến dâng. Đó là vẻ đẹp dịu dàng của “em” và trách nhiệm của “anh”. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi đã yêu chân thành và trọn vẹn.

 

Trong tình yêu, nhân vật trữ tình được sống trọn vẹn, tột cùng yêu thương. Người đọc có thể nhận ra một bản thể cô đơn tự trôi trong cõi vô thức của chính mình, một chủ thểtrữ tình đầy đức tin gửi tâm hồn vào thế giới tâm linh nhưng đồng thời trong tác phẩm còn tồn tại một bản thể trữ tình khác sống với tình yêu rất thực. Ở đó, cái tôi trữ tình thiết tha yêu đương hiện lên với những nét thân thuộc, gần gũi, đời thường.

 

2.1.3. Cái tôi mặc cảm, cô đơn

 

Có một điều đặc biệt là nhân vật trữ tình trong tập thơ Bầu trời không mái che luôn nằm trong một đường biên của thế giới thực tại và cõi mơ hồ. Vì cô đơn, mặc cảm với cuộc sống nên nhân vật trữ tình đã tự trôi trong những giấc mơ.

 

“Bóng cây vỡ òa dưới chân

Hình bản đồ rách nát

Hay xác chết nửa dơi nửa chuột?”

(Cửa Mẫu)

 

Xuất phát điểm của một thế giới mờ mờ ảo ảo chính là thực tại “Bóng cây vỡ òa dưới chân” nhưng qua sự cảm nhận vô thức của nhân vật trữ tình thì thế giới đó bị nhòe dần và có khả năng lan rộng vùng mờ nhòe. Cái tôi cô đơn muốn tách ròi hiện thực nên đã xuôi về một thế giới mơ hồ, từ đó tạo nên những thực tại khác: vừa có thể là “Hình bản đồ rách nát” nhưng cũng có thể là “xác chết nửa dơi nửa chuột”.

 

Được sống trong thế giới của chính họ nên nhân vật trữ tình không ngừng hóa thân. Mỗi lần nhập thân chính là một lần chủ thể trữ tình rơi vào cảm giác cô đơn, cố tìm kiếm cho mình một lối thoát để được giao hòa với cuộc sống. Đa số những lần hóa thân, chủ thể trữ tình đã gửi linh hồn mình vào thiên nhiên như một cách để đạt tới tột cùng giao cảm với đời.

 

“Thoáng một cây cầu

Thân thể anh bị gió bẻ gập

Rũ xuống tựa chiếc khăn ướt vắt qua hàng lan can

Nhỏ xuống dòng sông chảy xiết”

(Đỉnh gió)

 

Những vật vô tri vô giác nhưng lại là nơi có thể gửi tạm linh hồn. Câu chuyện cây cầu bị gió bẻ gập sẽ không mang một ý nghĩa gì nếu không có sự nhập thân của nhân vật trữ tình vào đó. Hóa thân không chỉ để giao cảm với đời mà còn vật chất hóa nỗi đau. Nếu thân thể anh như một cây cầu mục nát, “bị gió bẻ gập” thì linh hồn anh hiện tại như một giọt nước “nhỏ xuống dòng sông chảy xiết”. Lại một lần nữa, linh hồn tách rời thể xác để về đúng với thế giới của nó.

 

“Anh hóa thân thành muôn ngàn loài kiến

Kiêu hãnh bò đi trên thân thể em”

(Hình Đám Cỏ - Nhịp IV)

 

Trong thơ Mai Văn Phấn, sự hóa thân của nhân vật trữ tình vào cây cầu hay hóa thân thành loài kiến thì sự hóa thân đó không phải là một quá trình mà là một khoảnh khắc. Điều này càng thể hiện rõ sự cô đơn, lạc lõng của chủ thể trữ tình trong cuộc sống thực tại.

 

Trong thế giới hiện đại, con người càng dễ rơi vào cảm giác cô đơn, lạc lõng. Một thế giới bất toàn, không trọn vẹn mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất an trong chính tâm hồn mỗi người. Vì thế, trong cảm nhận của chủ thể trữ tình, cuộc sống chỉ còn tồn tại “một nửa” hay chỉ “một phần”.

 

“Lúc cô đơn anh nghĩ:

là nửa trái cây

nửa tiếng chim hót

nửa hang sâu

một phần tiếng động

nửa con cá


một góc thân tàu

nửa lặng im nối vào mặt phẳng…”

(Nhịp VII, Hình Đám Cỏ)

 

“Mặt phẳng” ở đây tác giả muốn gợi ra một thế giới phẳng, người với người nắm bắt thông tin nhanh chóng, dễ dàng, thế nhưng nhân vật trữ tình cũng chỉ hòa vào đó “một nửa lặng im”.

 

Cái tôi mặc cảm cô đơn được thể hiện trong tác phẩm thông qua những lần hóa thân vào thế giới mơ hồ và cái tôi cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống hiện đại. Hình tượng cái tôi cô đơn đã phản ánh đúng tâm lí của con người trong cuộc sống hôm nay.

 

2.2. Hình tượng không gian, thời gian

 

2.2.1. Hình tượng không gian nghệ thuật

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [4,tr.134]. Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, không thể tách hình tượng ra khỏi không gian mà nó tồn tại.

 

Trong tập thơ Bầu trời không mái che, hình tượng không gian thiên nhiên, vũ trụ hiện lên một cách dày đặc. Nhà thơ hướng đến thiên nhiên như là cách quay lại những giá trị tinh thần tốt đẹp, cần được nâng niu. Đối với Mai Văn Phấn, thiên nhiên chính là nơi thanh lọc tâm hồn. Vì thế, hình tượng không gian thiên nhiên trong tập thơ Bầu trời không mái che là một thực thể đa sắc màu, sống động, mang vẻ đẹp tinh khôi, tươi mới.

 

“Lá sen xanh ủ cốm em anh

Chín nẫu chân mây mùa hạ”

(Cốm hương)

 

Hình tượng không gian thiên nhiên trở thành đối tượng để chiêm ngưỡng, để thưởng thức và hưởng thụ chứ không đơn giản chỉ là một thế giới tồn tại xung quanh con người.

 

“Tiếng chim Bách Thanh tung lưới

Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si

Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…

Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu”

(Vườn trăng)

 

Nhà thơ xây dựng hình tượng không gian thiên nhiên bao trùm tác phẩm. Qua hình tượng không gian thiên nhiên, Mai Văn Phấn đã đặt con người trong mối tương quan với vạn vật. Các bài Cửa Mẫu, Đỉnh gió, Hình Đám Cỏ đã thể hiện các trạng thái giao hòa giữa con người với không gian thiên nhiên. Bằng thủ pháp liệt kê một loạt các hình ảnh thiên nhiên như: “bòng bưởi”, “rễ si”, “hoa cẩm quỳ”, “oải hương”, “phong lữ”,.. và dành những từ ngữ đẹp nhất, thanh thoát nhất: “ủ”, “chín nẫu”, “dịu dàng”… Mai Văn Phấn đã thể hiện thái độ nâng niu và trân trọng mọi thứ thuộc về thiên nhiên. Vì thế, trong hình tượng không gian thiên nhiên của tập thơ Bầu trời không mái che, nhà thơ đặt hoạt động thụ phấn của cây cỏ, giao phối của động vật và tình dục của con người ngang hàng cùng một cấp bậc.

 

“Giữa em là anh

một con hoẵng vừa sinh trên cỏ ướt”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

Rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã nâng tầm vóc và vẻ đẹp của con người vượt lên trên tầm vóc và vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ. Tuy nhiên, Mai Văn Phấn lại cố gắng quay về, đưa con người với thiên nhiên hòa quyện vào nhau. Điều này có thể xuất phát từ cuộc sống hiện đại càng đẩy con người tách biệt dần khỏi thế giới tự nhiên, vì thế, bằng cảm quan của một nhà thơ đương đại, Mai Văn Phấn đã đưa con người trở về với thiên nhiên. Qua lăng kính vạn vật phồn sinh, nhà thơ đã đặt tình yêu, thiên nhiên, cuộc sống trong sự sinh sôi, nảy nở. Vì thế, dù là cỏ cây, động vật hay con người thì quá trình hoài thai đều rất thiêng liêng và cần nhìn nhận một cách bình đẳng.

 

Bên cạnh hình tượng không gian thiên nhiên, Bầu trời không mái che còn thể hiện một không gian mơ hồ, đan xen giữa thực và ảo. Kiểu không gian thực - ảo có trong tập thơ đa số đều có sự xuất hiện của con người. Phần thực là phần thiên nhiên nhưng lại là một thiên nhiên loang rộng ra, bị nhòe dần còn phần ảo chính là cảm nhận khi con người bị rơi vào cõi vô thức. Không gian hỗn hợp bởi nhiều yếu tố này chính là kết quả của quá trình giải tỏa sự bế tắc, nhàm chán của diễn biến tâm lý con người ở những thời điểm không thể định danh vì bị chi phối bởi tinh thần thời đại.

 

“Hơi nước bến sông

Không gian đặc thời gian nhầm lẫn

Ngọn khói lên cao

Biết mình bơi trong bể sương”

(Cửa Mẫu)

 

Từ “hơi nước bến sông” và “ngọn khói lên cao” là không gian thực đã bị làm nhòe cho đến không gian “bơi trong bể sương” đã chuyển qua một không gian mới - không gian tâm thức. Như vậy, kiểu không gian thực - ảo đan xen lẫn lộn trong tập thơ Bầu trời không mái che trôi dần từ thực sang ảo.

 

Khác với những tập thơ trước, do sự thể nghiệm nhiều lối viết khác nhau, không gian thơ Mai Văn Phấn đậm chất tượng trưng siêu thực, đến tập thơ Bầu trời không mái che, tính tượng trưng siêu thực đã giảm đi nhiều. Thay vào đó, bằng tâm thế sáng tạo “thong dong”, nhà thơ đã khắc họa một không gian vừa thực vừa ảo không còn quá câu nệ về mặt cách tân hình thức nhưng đạt đến hiệu quả là câu thơ nhẹ nhàng và tự nhiên hơn nhiều. Không gian của cõi vô thức tạo dựng bằng những hình ảnh của cuộc đời thực. Hình ảnh “Chiếc bút và đồng hồ tự trôi” tiêu biểu cho kiểu không gian mơ hồ, thực ảo đan xen lẫn nhau trong tập thơ này. Mai Văn Phấn hướng về một không gian thực - ảo lẫn lộn nhưng không phải là để quay lưng với thực tại mà để nghiệm sinh về bản thân mình trong cõi thực.

 

Bài thơ Hình Đám Cỏ là một bức tranh thiên nhiên với nhiều sự vật, sắc màu. Không gian bài thơ được dựng lên bằng những đường nét linh hoạt, thay đổi hình khối theo từng góc nhìn. Các không gian được đặt cạnh nhau một cánh ngẫu nhiên, dường như không có mối liên hệ hay sự ràng buộc nào. Chính không gian cũng có sự nhảy cóc từ “nước”, “gấu”, “lửa”, “từng ngón chân thon”… So với kiểu không gian đan xen giữa thực và ảo (cõi tiềm thức) thì kiểu không gian chắp nối đã có sự xuất hiện của tư duy, ý thức. Đó là kết quả của sự ghi chép những suy nghĩ đứt gãy. Nhà thơ lúc này đóng vai trò như một người tốc kí. Không gian chắp nối trong thơ phản ánh tư duy của con người hiện đại.


 

Nước reo sôi con gấu hực lửa

Tiết mật tổ ong

Từng ngón chân thon”

(Nhịp V, Hình Đám Cỏ)

 

Hay:

 

“Ánh sáng ngột chen quanh lỗ thông hơi

Những đốm lửa lao trên đỉnh giờ tái chế”

(Nhịp V, Hình Đám Cỏ)

 

Không gian trong tập thơ Bầu trời không mái che ít chịu ảnh hưởng bởi những nguyên tắc đặc thù của thơ siêu thực, thay vào đó, tác giả phản ánh thế giới tự nhiên một cách đơn giản và thuần khiết. Mai Văn Phấn còn xây dựng hình tượng không gian mơ hồ, đan xen thực - ảo tái hiện cõi vô thức của con người và không gian chắp nối ghi lại kịp thời những tư duy đứt gãy của con người hiện đại. Các kiểu không gian trên góp phần mở rộng chiều kích nghệ thuật cho tập thơ.

 

Bên cạnh không gian thiên nhiên và không gian thực - ảo đan xen nhau, trong tập thơ Bầu trời không mái che, nhà thơ Mai Văn Phấn đã thể hiện một không gian khác, đó là không gian cuộc sống hiện đại với nhịp điệu gấp gáp, xô bồ, phức tạp. Không gian xã hội hiện đại đã phô bày những mối quan hệ giữa người với người, các hoạt động diễn ra trong đời sống thường nhật.

 

Hình tượng không gian cuộc sống hiện đại hiện lên với các tiện nghi: “cặp sách”, “tờ báo”, “điện thoại di động” và các hoạt động: nhắn tin, đi làm… đều được phản ánh trong tập Bầu trời không mái che.

 

“Công việc thường ngày nhàm chán

Cơ thể lỏng ra

Đầu óc đâu đâu

Các khớp xương rã rời trên ghế”

(Nhịp III, Hình Đám Cỏ)

 

Không gian cuộc sống hiện đại cho thấy sự gấp gáp, vội vã, xô bồ được Mai Văn Phấn thể hiện rất nhiều lần trong thơ, đặc biệt là phần ba Hình Đám Cỏ. Theo nhà nghiên cứu Lê Vũ, cấu trúc tập thơ ba phần tương ứng với kết cấu thượng - trung - hạ, “Cửa Mẫu là cõi Trời, Mùa Trăng là cõi Đất, và Hình Đám Cỏ là cõi Người”. Có lẽ chính vì thế mà trong phần ba, không gian cuộc sống hiện lên đầy đủ và nhiều khía cạnh nhất.

 

“một bát nước ngùn ngụt bốc hơi

một thế giới đang vội vàng hoàn hảo”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

Một thế giới rộng lớn đang thay đổi từng ngày, từng giờ nhưng trong cách cảm, cách nghĩ độc đáo của thi nhân thì “một thế giới đang vội vàng hoàn hảo” cũng chỉ như “một bát nước ngùn ngụt bốc hơi”. Trong khi tất cả mọi người đang nhìn cuộc sống theo chiều hướng phức tạp hơn, cố hướng tới một không gian rộng lớn thì nhà thơ lại đơn giản hóa vấn đề trong cách nhìn nhận sự việc, hiện tượng.

 

Hình tượng không gian nghệ thuật trong tập Bầu trời không mái che là sự tổng hợp của không gian thiên nhiên, không gian thực - ảo đan xen nhau và không gian cuộc sống hiện đại. Như vậy, hình tượng không gian trong toàn bộ tác phẩm đã bao quát được các chiều kích không gian của đời sống thực. Qua hình tượng không gian, Mai Văn Phấn đã thể hiện cái nhìn đầy đủ, sâu sắc về con người và cuộc sống.

 

2.2.2. Hình tượng thời gian nghệ thuật

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thời gian nghệ thuật là: “Hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện trong tính chỉnh thể của nó”. [4,tr.272]. Thời gian nghệ thuậtcó vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Nó vừa là khách thể (đối tượng phản ánh), vừa là chủ thể (được cảm nhận một cách chủ quan), vừa là phương tiện phản ánh (mã nghệ thuật). Nó chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại, dân tộc, tác giả và nhiệm vụ nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa, không phải thời gian nào xuất hiện trong tác phẩm cũng là thời gian nghệ thuật.

 

Ngay trong bài thơ mở đầu, tác giả đã nêu lên những cảm quan về không gian và thời gian: “Không gian đặc thời gian nhầm lẫn” (Cửa Mẫu). Sự “nhầm lẫn” về mặt thời gian trong thơ Mai Văn Phấn có mối liên hệ chặt chẽ với không gian của cõi tiềm thức, đặc biệt là trong những giấc mơ.

 

“Nhiều khi thức dậy ngỡ mình trả phép

cậu học trò qua kì nghỉ hè

quá xa nhiều lo lắng hôm qua”

(Nhịp IV, Hình Đám Cỏ)

 

Từ hiện tại quay về quãng thời gian đã qua rất lâu trong quá khứ (kì nghỉ hè của thời học sinh) rồi tiếp tục hướng về những sự việc chỉ mới xảy ra trong thời gian rất gần (hôm qua). Đó là thời gian theo suy tưởng của con người. Tác phẩm càng thể hiện nhiều quãng thời gian chắp ghép trong một khuôn khổ ngắn như vậy càng chứng tỏ sự bất ổn của thế giới tinh thần. Hình tượng thời gian đã phản ánh được đời sống của con người hiện đại.

 

Mai Văn Phấn xây dựng thời gian phi tuyến tính. Bằng trực giác, nhà thơ cảm nhận sự chảy trôi của cả không gian lẫn thời gian. Tuy nhiên, đó không còn là sự vận động đơn thuần như vốn có. Thời gian bị vỡ ra từng mảng, mỗi mảng trôi về một phía. Suy cho cùng, sự nhanh của thời gian xuất phát từ tâm trạng vội vã, lo âu nên mới “trôi khủng khiếp” như vậy.

 

“Chân trời càng gần

Bóng tối càng trôi khủng khiếp

Nhanh hơn cảm xúc”

(IV, Cửa Mẫu)

 

Trong Mùa Trăng, thời gian đã được vật chất hóa, trở nên có đường nét, hình khối. Sự vận động của thời gian không còn là sự vận động tự thân của chính nó. Trái lại, thời gian phải nương tựa vào đôi cánh con chim bồ câu bé nhỏ. Động từ “kẹp” vừa làm rõ những nét phác thảo về thời gian nhưng đồng thời vừa vẽ nên một hình tượng thời gian nhỏ bé và bất lực. Nhiệm vụ thiêng liêng của thời gian chính là chảy trôi theo tuần tự nhưng khi thời gian không còn tự thân di chuyển nữa thì sự thiêng liêng cao cả đó cũng không còn.

 

“Con bồ câu đã về

Mang cả buổi chiều

Kẹp trong đôi cánh”

(III, Mùa Trăng)

 

Không chỉ mang đường nét, hình khối mà thời gian còn là một thực thể sống động. Yếu tố quyết định nên thời gian là sự vận động. Thế nhưng thời gian trong thơ bị co giãn, méo mó vì thế thời gian chảy trôi nhanh, chậm thất thường. Thậm chí, thời gian cũng phải chạy đua để được về đích - một cuộc chạy đua đơn độc, không đối thủ. Câu thơ “Thời khắc mùa thu về đích” trong bài Thu đến, thời gian đã thực sự trở thành một sinh thể cũng vội vàng, hối hả như chính con người.

 

Càng về sau, trong thơ ca, hình tượng thời gian phi tuyến tính được xây dựng nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian trong tập Bầu trời không mái che của nhà thơ Mai Văn Phấn bị rơi vào tình trạng yếm thế. Thời gian không còn gánh vác vai trò xác định các mốc của những lịch trình, không còn được chảy trôi một cách tuần tự. Thời gian còn phải nương nhờ những sinh thể khác để cùng được vận động và thời gian bị méo mó, bị điều khiển bởi cảm quan con người hiện đại.

 

 

 

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TẬP BẦU TRỜI KHÔNG MÁI CHE

 

3.1. Thể thơ

 

3.1.1. Thơ tự do

 

Thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không có thể thức nhất định. Nó có thể là hợp thể, phối xen các đoạn thơ làm theo các thể thơ khác nhau, hoặc hoàn toàn tự do. Đặc điểm đáng chú ý của thơ tự do là phá khổ và có thể mở rộng câu thơ, kéo dài câu thơ thành hàng chục tiếng, gồm nhiều dòng in, có thể sắp xếp thành “bậc thang” để tô đậm nhịp điệu trong câu, có thể xen kẽ câu ngắn dài thoải mái. Thơ tự do ra đời để đáp ứng nhu cầu diễn đạt tình cảm, cung bậc cảm xúc không giới hạn của con người hiện đại, giải phóng cảm xúc thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ bởi những quy tắc về hình thức (từ ngữ, nhịp điệu, cách tổ chức câu thơ…).

 

Trong tập thơ Bầu trời không mái che, thơ tự do được Mai Văn Phấn sử dụng linh hoạt trên tất cả các phương diện, từ số lượng chữ của mỗi câu, cách ngắt dòng, nhịp điệu cho đến kết cấu của tập thơ.

 

Câu thơ trong các sáng tác của Mai Văn Phấn có độ dài ngắn khác nhau. Cùng một bài thơ, có câu rất ngắn nhưng có những câu lại rất dài. Trong bài Đỉnh gió, có câu chỉ hai chữ như “Vò nát” nhưng cũng có câu lên tới mười một chữ như “Cột khói vật ngược cùng hồi còi phút chốc mất tăm”. Các bài thơ khác như: Nghé ơi!, Đá trong lòng nước, Hình Đám Cỏ… cũng có sự chênh lệch lớn về số lượng chữ trong các câu. Sự khác nhau về độ dài ngắn của câu thơ đã tạo ra sự thoải mái trong việc chuyển tải ý thơ và linh hoạt trong cách ngắt dòng, nhịp thơ. Với thể thơ tự do, cách ngắt dòng trong tập Bầu trời không mái che có nhiều điểm mới lạ. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã có những thử nghiệm với các kiểu ngắt dòng khác nhau. Kiểu ngắt dòng đầu tiên mà ông sử dụng là tách một câu thơ ra thành một khổ thơ riêng, có vai trò và vị trí độc lập, bình đẳng như các khổ thơ khác. Ở bài thơ Cửa Mẫu, các câu thơ “Ngụm nước mát trôi chầm chậm”, “Tô đậm nét chú bê con cúi xuống gặm cỏ” được tác giả ngắt dòng, tạo thành khổ thơ ngắn trong bài. Câu “Mắt em lóng lánh khắp nơi khép lại” trong bài Vườn em; “Công việc lại rũ tung, thở dốc”, “Chiếc bút và đồng hồ tự trôi” trong bài Vườn trăng hay “Em giật dây ở đâu tăng tốc mọi cử động” trong bài Hình Đám Cỏ cũng là những câu thơ – khổ thơ như vậy.

 

Kiểu ngắt dòng tiếp theo mà nhà thơ Mai Văn Phấn sử dụng trong tác phẩm Bầu trời không mái che là dùng dấu chấm lửng để ngắt dòng. Kiểu ngắt dòng này rất dễ nhận thấy, tác giả đặt dấu chấm lửng ở đầu hoặc cuối mỗi câu thơ nhằm tạo những khoảng lặng, những nốt trầm cho tác phẩm. Câu “Ngụm nước mát trôi chầm chậm…” hoặc “Ngọn hải đăng… / Bếp sáng…” trong bài Cửu Mẫu hay câu “nửa im lặng nối vào mặt phẳng…” trong Nhịp VII (Hình Đám Cỏ) đã tạo được hiệu quả thẩm mĩ cao. Người đọc có quyền được nối dài những câu thơ có kết cấu mở, vì thế, tính đối thoại giữa nhà thơ và độc giả được nâng lên nhiều.

 

Ngoài ra, Mai Văn Phấn còn ngắt các dòng thơ bằng các dấu gạch ngang. Kiểu ngắt dòng này được sử dụng khi có sự phân thân của nhân vật trữ tình hoặc đối thoại trực tiếp trong tác phẩm.

 

“- Những giọt nước mắt rửa tội anh?

- Không, vòm lá đọng trận mưa hôm trước”

(Nhịp I, Hình Đám Cỏ)

 

Sử dụng dấu gạch ngang để ngắt dòng, Mai Văn Phấn đã thực sự tạo ra những cuộc hội thoại trong tác phẩm. “Những giọt nước mắt rửa tội anh?” là câu hỏi của “anh” hỏi “em” nhưng cũng có thể là sự phân thân của “anh” tự hỏi chính bản thân mình. Cái hay của thơ chính là ở sự cảm nhận. Vì thế, ở câu trả lời “Không, vòm lá đọng trận mưa hôm trước”, người đọc có thể hiểu đó là “em” đang đáp lại câu hỏi của “anh” nhưng nếu suy diễn theo sự phân thân của nhân vật trữ tình, chúng ta có thể hiểu là “anh” đang cố tạo ra một lí do để tự thỏa mãn với suy nghĩ của mình.

 

“- Hãy nhìn xuyên đêm

……………..

Thấy gì không?

…………….”

 (Nhịp VII, Hình Đám Cỏ)

 

Với thể thơ tự do, tác giả có quyền kết hợp các kiểu ngắt dòng với nhau nhằm đạt giá trị nghệ thuật cao nhất. Đó là sự kết hợp giữa kiểu ngắt dòng bằng dấu gạch ngang và dấu chấm lửng hay giữa dấu chấm lửng, dấu gạch ngang và tách một câu thơ đóng vai trò tương đương một khổ thơ như câu. Như vậy, thể thơ tự do cho phép nhà thơ Mai Văn Phấn thể nghiệm nhiều lối viết sáng tạo, độc đáo trong tập thơ Bầu trời không mái che.

 

Một yếu tố khác làm nên đặc trưng của thơ tự do chính là nhịp điệu. Nhịp điệu thơ trong tập thơ Bầu trời không mái che được biến tấu linh hoạt. Do câu thơ có độ dài ngắn khác nhau nên nhịp thơ không cố định. Có thể điểm qua một số cách ngắt nhịp có trong tác phẩm như sau:

 

“Con bật khóc / cuốn đi lưới nhện

Tiếng con vạc / khàn khàn

Tàn tro / lóe sáng

Mặt trăng / run”

(II, Cửa Mẫu)

 

Nhịp của đoạn thơ trên theo thứ tự các câu lần lượt là: 3/4, 3/2, 2/2, 2/1.

 

“Mình đã / ngủ sâu / hai chiếc chai đóng kín

hai que diêm / chen lấn giữa bao diêm

hai bức tranh / lồng vào khung tranh

hai kỉ vật / cất trong rương tối

hai chiếc đinh / đóng ngập trên tường”

(Nhịp IV, Hình Đám Cỏ)

 

Nhịp của đoạn thơ trên theo thứ tự các câu lần lượt là: 2/2/5, 3/5, 3/4, 3/4, 3/4.

 

“Cha bỗng / thều thào / hãy dìu cha / đi nghỉ

Tiếng lá khô/ trượt trên mái nhà / làm cha và con / cùng rơi nước mắt”

(VI, Cửa Mẫu)

 

Nhịp của đoạn thơ trên theo thứ tự các câu lần lượt là: 2/2/3/2, 3/4/4/4.

 

Qua đó, có thể thấy, nhịp thơ trong tập Bầu trời không mái che rất linh hoạt, phản ánh được tâm trạng, cảm xúc của thế giới tinh thần đầy mâu thuẫn của con người.

 

Kết cấu thơ trong tập Bầu trời không mái che là một kết cấu đặc biệt, gồm ba phần là Cửa Mẫu, Mùa trăngHình đám cỏ, mỗi phần thơ được chia thành chín nhịp nhỏ. Điều đáng chú ý là mỗi nhịp thơ trong tác phẩm có thể xem như một bài thơ hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

 

Chẳng hạn, phần Cửa Mẫu với chín nhịp thơ được đánh số thứ tự theo kí hiệu chữ số La Mã, người đọc có thể tách bất kì một nhịp ra khỏi hệ thống toàn bài. Nếu nhịp V trong phần Cửa Mẫu viết về thiên nhiên thì nhịp VI, VII tác giả lại viết về cuộc sống và thế giới tâm linh của con người. Cũng tương tự như thế, chín nhịp thơ trong phần Hình đám cỏ giống như chín bài thơ nhỏ nằm trong một bài thơ lớn. Như vậy, kết cấu thơ trong tập Bầu trời không mái che là kết cấu lắp ráp. Toàn bộ tác phẩm như một khối vuông rubic đa diện, đa sắc màu phản ánh đúng bản chất của hiện thực cuộc sống.

 

3.1.2. Thơ văn xuôi

 

Thơ văn xuôi là thể thơ cách tân cả về hình thức biểu hiện lẫn tư duy nghệ thuật trong thơ ca hiện đại, nhằm xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi. Ý thức cách tân thơ cùng nhu cầu đào sâu tiếng nói tinh thần của con người hiện đại tạo nên xung lực mạnh mẽ làm “rạn vỡ” đường biên ranh giới thể loại thơ - văn xuôi trong sáng tác của Mai Văn Phấn.

 

Trong tập Bầu trời không mái che, thể thơ văn xuôi được tác giả sử dụng tập trung ở phần Cửa Mẫu và phần Hình Đám Cỏ.Với thể thơ văn xuôi, tác giả đã có những thể nghiệm khác nhau nhằm làm mới cách viết. Đó là sự thể nghiệm với những đoạn thơ văn xuôi dài, do nhiều câu gộp thành và những đoạn thơ văn xuôi chỉ có duy nhất một câu. Dù ở sự thể nghiệm nào, thơ văn xuôi cũng được Mai Văn Phấn sử dụng linh hoạt trên các phương diện: số lượng chữ của mỗi câu, cách ngắt dòng, nhịp điệu cho đến kết cấu thơ.

 

Về số lượng chữ, trong tập thơ, những đoạn thơ văn xuôi gồm nhiều câu kết hợp với nhau, mỗi đoạn có từ ba đến mười hai câu thơ, số lượng chữ trong câu ít. Người đọc tìm thấy câu chỉ bai gồm hai chữ như: “Bàn rộng” hoặc ba chữ/câu như: “Cánh cửa hẹp”. Câu thơ dài nhất trong những đoạn thơ văn xuôi này cũng chỉ gồm mười ba chữ: “Tiếng em vọng từ bông hoa phớt tím, cánh lá nhỏ vây quanh” (Nhịp II, Hình Đám Cỏ).

 

“Con kể những chuyện vô tình lúc cha hôn mê. Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi nâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện con chim khách làm mọi người nhìn bát thuốc”

 

(VI, Cửa Mẫu)

 

“Hơi thở truyền nóng điện thoại giây lát, hỏi anh ăn sáng chưa, đang làm gì, nhớ ngồi ngay ngắn. Anh trả lời bâng quơ, đặt tay lên bàn. Tiếng em rì rầm. Quạt để tốc độ nhỏ thổi gió khắp phòng. Bàn rộng. Cánh cửa hẹp. Đưa tay có thể chạm đồ vật bất kì. Lọ hoa sáng nay tươi trở lại. Tiếng em vọng từ bông hoa phớt tím, cánh lá nhỏ vây quanh. Anh nghe em cất đi cuốn sách”

(Nhịp II, Hình Đám Cỏ)

 

So với toàn bộ tập thơ, những đoạn thơ thuộc kiểu thơ văn xuôi được hình thành từ một câu duy nhất có số lượng chữ nhiều một cách đột biến. Trong đoạn thơ được trích ở trên thuộc nhịp VII bài Cửa Mẫu, câu thơ gồm 21 chữ. Ở Nhịp VI, Hình Đám Cỏ, các ví dụ được trích ở dưới đây, mỗi câu thơ có số lượng chữ lần lượt là 34 chữ và 46 chữ. Tác giả đã cố nén con chữ vào trong một câu khiến cho câu thơ dài ra, và dẫn tới một hệ quả khác là chồng chéo thành phần câu.

 

“… bàn tay trắng máu đen lưỡi trắng nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng mồ hôi đen”

 (VII, Cửa Mẫu)

 

“… mầm hạt li ti chồi trong đất ẩm ong về làm mật theo nhau rù rì mặt trăng dậy thì chu kì con sóng xô vào biển động nằm mộng đi hoang ơi à…”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

“… bước đi chạm vạt nước đầy hàng cây tên gọi xanh xao nhặt hạt heo may miết lên toan trắng phác họa hình em màu chẳng còn khô bôi lại xóa vẫn không hình họa xoay chiều nào vẫn thấy gió lạnh ùa về chênh chếch…”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

Cách ngắt đoạn của thể thơ văn xuôi trong tập thơ Bầu trời không mái che có nhiều điểm đặc biệt. Với những đoạn thơ văn xuôi gồm nhiều câu tạo thành, nhà thơ ngắt đoạn dựa trên tiêu chí ưu tiên về nghĩa. Tức là, mỗi đoạn thơ phải chuyển tải được một nội dung trọn vẹn. Ở nhịp VI, phần Cửa Mẫu, đoạn thơ được trích trên đây thuật lại những câu chuyện mà người con đã kể khi người cha bị hôn mê. Còn ở Nhịp II (Hình Đám Cỏ), đoạn thơ văn xuôi được trích ở trên là sự ghi chép cuộc hội thoại và các hoạt động đã diễn ra giữa “em” và “anh”. Chính cách ngắt đoạn thơ văn xuôi theo tiêu chí ưu tiên cho nghĩa đã làm tăng yếu tố tự sự cho toàn bộ tập thơ.

 

Với những đoạn thơ văn xuôi do một câu duy nhất tạo thành, cách ngắt đoạn tập trung thể hiện ở mặt hình thức nhiều hơn.Các đoạn thơ văn xuôi kiểu này thường có dấu chấm lửng ở đầu hoặc cuối đoạn, một số trường hợp còn xuất hiện dấu chấm lửng ở cả đầu đoạn lẫn cuối đoạn thơ. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là sự sắp xếp cố ý của nhà thơ. Mỗi dấu chấm lửng là một khoảng trắng, người đọc có thể “làm giàu” bằng cách “đồng sáng tạo”. Độ dài thực tế của đoạn thơ vì thế còn dài hơn gấp nhiều lần so với độ dài có trên bề mặt văn bản.

 

Về nhịp điệu, những đoạn thơ văn xuôi được cấu tạo từ nhiều câu có nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, trong khi đó những đoạn thơ văn xuôi chỉ có một câu duy nhất lại có nhịp điệu nhanh, gấp gáp.

 

“Con kể / những / chuyện vô tình / lúc cha hôn mê. / Chuyện / đám mây lớn / thường bay chậm qua / nhà mình. / Chiếc giếng khơi / nâng hơi nước lên cửa sổ. / Chuyện / con chim khách / làm mọi người / nhìn bát thuốc”

(VI, Cửa Mẫu)

 

Nhịp thơ của đoạn trên là: 2/1/3/4. 1/3/4/2. 3/4/2. 1/3/3/3.

 

“Hơi thở truyền nóng / điện thoại giây lát, / hỏi anh ăn sáng chưa, / đang làm gì, / nhớ ngồi ngay ngắn. / Anh trả lời bâng quơ, / đặt tay lên bàn. / Tiếng em rì rầm. / Quạt để tốc độ nhỏ / thổi gió khắp phòng. / Bàn rộng. / Cánh cửa hẹp. / Đưa tay có thể chạm đồ vật / bất kì. / Lọ hoa sáng nay / tươi trở lại. / Tiếng em vọng từ bông hoa / phớt tím, / cánh lá nhỏ vây quanh. / Anh nghe em / cất đi cuốn sách”

 (Nhịp II, Hình Đám Cỏ)

 

Nhịp thơ của đoạn trên là: 4/4/5/3/4. 5/4. 4. 5/4. 2. 3. 7/2. 4/3. 6/2/5.

 

3/4.

 

Có thể thấy, nhịp thơ của các đoạn thơ văn xuôi được cấu tạo từ nhiều câu là nhịp thơ chậm rãi. Điều này vừa phù hợp với thể thơ yêu cầu cách đọc “dài hơi” vừa phù hợp với nội dung mà tác giả muốn phản ánh trong các đoạn thơ văn xuôi này.

 

Đối với những đoạn thơ văn xuôi được cấu tạo từ một câu duy nhất, nhịp điệu thơ có phần khác lạ.

 

“… bàn tay / trắng / máu đen / lưỡi trắng / nước mắt / đen / lưng trắng / vành tai / đen / lọn tóc / trắng / mồ hôi / đen”

 

(VII, Cửa Mẫu)


 

Nhịp thơ của đoạn trên là: 2/1/2/2/2/1/2/2/1/2/1/2/1.

 

… bước đi / chạm vạt nước đầy / hàng cây / tên gọi xanh xao / nhặt hạt heo may / miết lên toan trắng phác / họa hình em / màu / chẳng còn khô / bôi lại xóa / vẫn / không hình họa / xoay chiều nào vẫn thấy gió lạnh ùa về / chênh chếch…”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

Nhịp thơ của đoạn trên là: 2/4/2/4/4/5/3/1/3/3/1/3/9/2.

 

Nhịp thơ của những đoạn thơ văn xuôi được cấu tạo từ một câu duy nhất là nhịp thơ nhanh, vội. Nó bị chi phối bởi thanh điệu và ngữ nghĩa của các từ trong câu. Điều đặc biệt là ở những đoạn thơ này là sự hiện diện của ngữ điệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhịp thơ. Ở nhịp VII phần Cửa Mẫu, ngữ điệu nhấn mạnh ở các từ chỉ sắc thái trắng – đen.Trong khi đó, ở Nhịp VI (Hình Đám Cỏ), ngữ điệu chùng xuống phần “xoay chiều nào vẫn thấy gió lạnh ùa về”. Sở dĩ có việc nhịp thơ nhanh kèm theo ngữ điệu của câu thanh đổi linh hoạt là do số lượng chữ trong câu dài, hình thức câu lại không được xác định bằng các dấu câu.Nhà thơ đã tạo ra nhịp thơ lạ, bước đầu có sự thành công, làm nên chất riêng cho tác phẩm.

 

Về cấu tạo câu, đối với những đoạn thơ văn xuôi bao gồm nhiều câu gộp thành, thành phần cấu tạo câu thường được tỉnh lược. Trong nhịp VI của bài Cửa Mẫu, các câu: “Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi nâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện con chim khách làm mọi người nhìn bát thuốc” là những câu đã được tỉnh lược thành phần chính và cấu trúc C-V của nó phải là “Con kể” nằm ở vị trí đầu tiên của cả đoạn thơ. Câu thơ ngắn và thành phần câu được tỉnh lược là hai đặc điểm sóng đôi với nhau. Điều này khiến cho thơ văn xuôi trong tập thơ Bầu trời không mái che mang yếu tố tự sự, tạo ra trường liên tưởng cho người đọc, góp phần làm nên tính “đa thanh” của tác phẩm.

 

Đối với những đoạn thơ chỉ có một câu duy nhất, câu thơ đóng vai trò và vị trí của một đoạn, bình đẳng với tất cả các đoạn thơ khác có trong tập thơ,mỗi đoạn bao gồm nhiều tổ hợp ngôn ngữ và có sự chồng chéo về thành phần câu.Xét câu “… mầm hạt li ti chồi trong đất ẩm ong về làm mật theo nhau rù rì mặt trăng dậy thì chu kì con sóng xô vào biển động nằm mộng đi hoang ơi à…” trong Nhịp VI, Hình đám cỏ ta thấy cùng một từ ngữ nhưng có thể đóng nhiều vai trò khác nhau về thành phần câu. Chẳng hạn: cụm từ “trong đất ẩm” vừa có thể đóng vai trò trạng ngữ cho tổ hợp ngôn ngữ “mầm hạt li ti chồi trog đất ẩm” vừa có thể đóng vai trò trạng ngữ cho tổ hợp ngôn ngữ “trong đất ẩm ong về làm mật theo mùa”. Cùng một từ / cụm từ nhưng đóng hai vai trò thành phần câu là vi phạm nguyên tắc ngữ pháp. Tuy nhiên, trong thơ, bằng sự dụng công nghệ thuật, Mai Văn Phấn đã phá vớ các nguyên tắc đó, đưa thơ về đúng với giá trị của chính nó - nằm ngoài mọi nguyên tắc và khuôn khổ.

 

Thơ văn xuôi trong tập Bầu trời không mái che gồm hai kiểu chính, đó là: những đoạn thơ được hình thành từ nhiều câu và những đoạn thơ văn xuôi chỉ có duy nhất một câu. Mỗi kiểu thơ văn xuôi mang những đặc điểm về số lượng chữ, cách ngắt dòng, nhịp điệu và cấu tạo thành phần câu riêng. Thơ văn xuôi đã góp phần làm nên chất mới, lạ cho toàn bộ tập thơ.

 

3.2. Ngôn ngữ thơ

 

3.2.1. Ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường

 

Ngôn ngữ luôn là yếu tố thứ nhất, là chất liệu xây dựng hình tượng trong văn chương. Hiện nay với quan điểm cách tân thơ, trong đó ngôn ngữ, các nhà thơ đương đại nhìn chung đều có cùng quan điểm là khước từ những quan niệm cũ về cách diễn đạt, mạnh dạn từ bỏ lối viết nặng nề mang tính trang trí. Xu hướng mới về ngôn ngữ diễn đạt trong thơ hiện nay là: chấp nhận toàn bộ ngôn ngữ đời thường, thông tục; tiến tới một thái độ táo bạo và đầy can đảm trong việc sử dụng những ngôn ngữ mang tính thử nghiệm... Mai Văn Phấn là một nhà thơ đương đại có ý thức cách tân thơ mạnh mẽ, đón đầu các khuynh hướng sáng tác nên việc sử dụng ngôn ngữ thơ đời thường được ông tiếp nhận một cách nhanh chóng, linh hoạt.

 

Trong tập Bầu trời không mái che, ngôn ngữ đời thường được thể hiện trên các mặt: sử dụng lớp từ ngữ đơn nghĩa, giản dị; ngôn ngữ thơ gần với ngôn ngữ cuộc sống và ngôn ngữ thơ đậm tính thời đại.

 

Người cố đưa ngón tay và bảo con cánh cam trên tán lá kia cha nhìn thấy lần đầu. Con kể những chuyện vô tình lúc cha hôn mê. Chuyện đám mây lớn thường bay chậm qua nhà mình. Chiếc giếng khơi dâng hơi nước lên cửa sổ. Chuyện tiếng con chim khách làm mọi người nhìn bát thuốc”

(VI, Cửa Mẫu)

 

Các từ ngữ như: “ngón tay”, “cánh cam”, “hôn mê”, “đám mây lớn”, “giếng nước khơi”, “cửa sổ”, “con chim khách”, “bát thuốc” là những từ thuộc lớp vựng đơn nghĩa, dễ hiểu. Trong tác phẩm, Mai Văn Phấn ưu tiên sử dụng từ loại danh từ, vì thế, sức nặng ngữ nghĩa trải đều trên toàn bộ câu chữ. Ngôn ngữ thơ trở nên giản dị, đời thường.

 

Ngôn ngữ thơ gần với ngôn ngữ cuộc sống cũng là một trong những biểu hiện của ngôn ngữ đời thường có trong tập thơ. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã đưa ngôn ngữ cuộc sống vào tập thơ Bầu trời không mái che. Bằng cách viết về những hoạt động của cuộc sống thường nhật, tác giả đã dùng chính ngôn ngữ trong lời ăn tiếng nói hằng ngày để biểu đạt ý thơ.

 

“trống chiêng bát bửu

mở hội long đình

múa hát cao xanh

công đồng tứ phủ”

(IX, Cửa Mẫu)

 

Hay:

 

“Cặp sách, tờ báo, chùm chìa khóa, điện thoại di động… Nối vào nhau như những toa tàu”

(Nhịp III, Hình Đám Cỏ)

 

Nhịp IX trong phần Cửa Mẫu tái hiện nghi lễ tiễn đưa người chết, nhà thơ đã đưa ngôn ngữ của nghi thức làm lễ như “trống chiêng bát bửu”, “hội long đình”, “công đồng tứ phủ” và hàng loạt các từ khác cùng một trường từ vựng vào trong tác phẩm. Hay trong Nhịp III của phần Hình Đám Cỏ, để biểu đạt cuộc sống bề bộn, gấp gáp, thay vì lựa chọn một từ thật “đắt giá”, tác giả lại dàn trải ý thơ bằng thủ pháp liệt kê: “Cặp sách, tờ báo, chùm chìa khóa, điện thoại di động…”. Ngôn ngữ thơ vì thế mà gần hơn với ngôn ngữ có trong cuộc sống.

 

Ngoài ra, ngôn ngữ đời tường trong tác phẩm Bầu trời không mái che còn mang đậm tính thời đại. Nếu như trong thơ Phùng Khắc Bắc, ngôn ngữ đậm tính thời đại được thể hiện qua những từ ngữ như “xe Điamang”, với “quần Zin”, “áo phông sáng lòa”,… trong thơ Chế Lan Viên là “xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc”, “của quyền lực, tuổi tên, đốp chát” thì trong thơ Mai Văn Phấn, ngôn ngữ thơ đậm tính thời đại được thể hiện qua cách nhà thơ bê nguyên ngôn ngữ nhắn tin vào trong thơ.

 

“Vệt nắng soi tin nhắn

Công việc đan từng mắt lưới

Dòng chữ anh con cá nhỏ lọt qua…

… binh tinh dung noi nong nhe…”

(Nhịp IV, Hình Đám Cỏ)

 

Cuộc sống hiện đại cho phép con người liên lạc với nhau bằng nhiều phương tiện. Con người có thể gọi điện, nhắn tin hoặc truyền đạt thông tin, tình cảm bằng vô số các hình thức. Nhà thơ đã phản ánh kịp thời hiện thực cuộc sống vào tác phẩm. Một dòng tin nhắn rất đơn giản cũng có thể đi vào thơ ca. Ở Nhịp IV (Hình Đám Cỏ), khi nhà thơ viết: “… binh tinh dung noi nong nhe…”, tất cả mọi người đều dễ dàng đọc được ý nghĩa của nó là: “… bình tĩnh đừng nổi nóng nhé…”.

 

Là một nhà thơ thuộc thế hệ sáng tác sau năm 1975 khao khát cách tân thơ Việt, có thể thấy, Mai Văn Phấn đã mạnh dạn đưa ngôn ngữ đời thường vào trong thơ. Với “liều lượng” và “cách dùng” từ đúng chỗ, hợp văn cảnh nên ngôn ngữ thơ đời thường trong tập Bầu trời không mái che vừa tạo nên một hệ thống từ ngữ có sắc thái đời thường, gần gũi vừa tạo nên giá trị thẩm mĩ mới lạ cho độc giả.

 

3.2.2. Ngôn ngữ thơ giàu tính tượng trưng

 

Thơ tượng trưng ban đầu dùng để gọi những sản phẩm của một thi phái vào cuối thế kỷ XIX ở Pháp, sau dùng để chỉ một thể loại thơ mà trong đó, nhà thơ vận dụng những biểu tượng và nhạc điệu để nói lên những tâm trạng, cảm xúc của tâm hồn. Các nhà thơ tượng trưng sáng tác chủ yếu dựa trên trực giác. Chủ nghĩa tượng trưng quan niệm nghệ thuật không phải phản ánh thế giới thực tại, thế giới của hiện tượng mà là một thế giới siêu tưởng, một thế giới mơ hồ của sự tương hợp giữa ánh sáng, sắc màu, âm thanh, mùi hương và nhạc điệu. Đặc điểm nổi bật của khuynh hướng thơ này là những biểu tượng đa nghĩa được tác giả xây dựng dựa trên sự liên thông về ý nghĩa với nhau.

 

Trong tập thơ Bầu trời không mái che, ngôn ngữ giàu chất tượng trưng thể hiện ở hai bình diện: những mã ngôn ngữ tạo nên các biểu tượng đa nghĩa và cú pháp thơ.

 

Cấp độ đơn giản nhất của ngôn ngữ thơ tượng trưng là đưa các cụm từ có nghĩa khác nhau, thậm chí tương phản nhau để so sánh. Ở nhịp V, phần Cửa Mẫu, tác giả viết:

 

“Cơ thể cha tựa sông cạn, củi khô, hạt lép

Chùm quả nặng đung đưa gió mạnh”

(VI, Cửa Mẫu)

 

“Cơ thể cha” là vế thứ nhất còn “sông cạn”, “củi khô”, “hạt lép”, “chùm quả nặng đung đưa gió mạnh” là vế thứ hai. Điều đặc biệt là sự so sánh này khác với sự so sánh trong tư duy thơ truyền thống. Giữa “cơ thể cha” lúc già yếu, đau ốm và “củi khô”, “hạt lép” có điểm giống nhau là thiếu sức sống. Nếu như trước đây, những cách so sánh như thế khó được tiếp nhận thì nay, với ngôn ngữ thơ tượng trưng, người đọc đã có một cái nhìn mới, “thoáng hơn”, cởi mở hơn. Đây cũng là một trong những thử nghiệm trong lối viết của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

Trong tác phẩm, ngôn ngữ thơ giàu chất tượng trưng còn được tác giả xây dựng bằng cách đặt các từ, cụm từ khác xa nhau về nghĩa cùng nằm trong một câu thơ hay một khổ thơ.

 

“… bàn tay trắng máu đen lưỡi trắng nước mắt đen lưng trắng vành tai đen lọn tóc trắng mồ hôi đen…”

(VII, Cửa Mẫu)

 

Tác giả đã dùng tính từ không phản ánh đúng màu sắc, trạng thái của sự vật để tạo nên một “thực tại phi lí”. Các danh từ “bàn tay”, “máu”, “lưỡi”, “nước mắt”, “lưng”, “vành tai”, “lọn tóc”, “mồ hôi” cùng nằm trong một trường từ vựng. Khi chúng được mô tả bằng các hai tính từ chỉ màu sắc “đen”-“trắng”, nhà thơ đã tạo ra những hình ảnh khác lạ và đa nghĩa trong tác phẩm.

 

“Biển xô con đập mong manh

Tấm bia vụt bay đón tầm đạn lạc

Ánh sáng ngột chen quanh lỗ thông hơi

Những đốm lửa lao lên đỉnh giờ tái chế”

(Nhịp V, Hình Đám Cỏ)

 

Các từ “biển”, “tấm bia”, “ánh sáng”, “đốm lửa” là những từ không có mối liên hệ với nhau về mặt ngữ nghĩa. Ngoài ra, trong đoạn thơ trên, các từ ngữ được sắp xếp với nhau một cách “ngẫu nhiên”, “chắp vá” tạo nên ngôn ngữ thơ lạ: “Con đập mong manh”, “Tấm bia vụt bay đón tầm đạn lạc”, “đỉnh giờ tái chế”.

 

3.3. Giọng điệu

 

3.3.1. Giọng thủ thỉ, tâm tình

 

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là: “Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu, tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [4,tr.112]. Theo đó, giọng điệu thuộc về chủ thể sáng tạo thẩm mỹ. Với thơ trữ tình thì đó là giọng của nhà thơ, của chủ thể trữ tình, bộc lộ trong thế giới nghệ thuật.

 

Trong tập thơ Bầu trời không mãi che, Mai Văn Phấn thể hiện một giọng thơ thủ thỉ, tâm tình. Khi viết về thiên nhiên, nhà thơ đã thể hiện thái độ nâng niu và trân trọng trong từng câu chữ.

 

“Trái bưởi thơm dịu nắng hanh

Thanh khiết chùm hoa mộc”

(Cốm hương)

 

Hay:

 

“Tiếng chim Bách Thanh tung lưới

Thít chặt anh cùng bòng bưởi, rễ si

Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…

Dịu dàng thêm khăn áo mùa thu”

(Vườn em)

 

Những hài thanh: “hanh” – “anh”, “thanh” – “anh”, “lưới” – “bưởi” làm tăng tính nhạc trong thơ. Bên cạnh đó, bằng việc liệt thủ pháp liệt kê các từ ngữ: “trái bưởi”, “chùm hoa mộc” trong bài Cốm hương và “Hoa cẩm quỳ, oải hương, phong lữ…” trong bài Vườn em khiến cho giọng thơ trở nên “thong dong”, chậm rãi.

 

Khi viết về tình yêu, vẫn giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, nhà thơ thể hiện sắc thái yêu thương và trìu mến.

 

“Em cười nói hồn nhiên trẻ nhỏ

Lất phất mưa anh phờ phạc ưu tư”

(Nhịp II, Hình Đám Cỏ)

 

Hay:

 

“Lay gọi anh bằng câu quen thuộc

Ngày đến rồi!”

(Nhịp VII, Hình Đám Cỏ)

 

Các từ láy “lất phất”, “phờ phạc” trong Nhịp II, Hình Đám Cỏ làm tăng tính nhạc cho thơ. Ngoài ra, tác giả còn tạo giọng điệu thơ nhẹ nhàng bằng cách sử dụng nhiều các thanh bằng. Hai câu thơ được trích ở trên trong Nhịp VII, Hình Đám Cỏ, thanh bằng chiếm 7/10 tổng số thanh điệu của cả hai câu.

 

Khi viết về cuộc sống, giọng điệu nhẹ nhàng trong thơ thể hiện một thái độ sống bản lĩnh, sẵn sàng đón nhận những khó khăn, áp lực trong một tâm thế bình thản.

 

“Con mèo buồn ngủ dưới nắng

Ngáp lim dim

Đời sống ngập toan tính

Anh mỏi mệt nơi làm việc

Kế hoạch định sẵn

Cố cũng không xong

Có nên đổ tại con mèo

Mang tâm trạng anh dưới nắng”

(Nhịp II, Hình Đám Cỏ)

 

Nhằm che giấu tâm trạng mỏi mệt, tác giả đã khéo léo “đổ tại con mèo”. Cảm xúc vì thế nên được kìm nén. Giọng điệu thơ tâm tình, nhẹ nhàng phản ánh thế giới quan sâu sắc, trầm lắng của nhà thơ.

 

3.3.2. Giọng triết lí, chiêm nghiệm

 

Giọng triết lí, chiêm nghiệm xuất phát từ nhu cầu nhận thức bản thân và đời sống của chính tác giả. Trong tập thơ, Mai Văn Phấn đã thể hiện những suy tưởng sâu sắc về các vấn đề liên quan tới con người và cuộc sống hiện đại.

 

Giọng triết lí thể hiện ở những suy nghiệm về thế giới tâm linh tự nhiên.

 

“Biển đang vượn cạn

Con mực, con sao trôi sang kiếp khác

Đổi chiều những dòng hải lưu

Mặt nước xẹp”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

“Cách xưng hô, thái độ thụ cảm cũng là một khía cạnh bộc lộ giọng điệu” [2, tr.35]. Với cách nói “vượt cạn”, “trôi sang kiếp khác” vốn là những từ ngữ dùng cho sự sinh nở và hóa kiếp của con người để nói về những chuyển biến của thế giới tự nhiên đã cho thấy tác giả rất coi trọng thế giới tâm linh. Mai Văn Phấn đã nhìn những hiện tượng trong đời sống của con người để suy nghiệm về đời sống của vạn vật. Giọng điệu triết lí suy nghiệm có tính liên tưởng cao, ý nghĩa thơ càng trở nên sâu sắc.

 

Giọng triết lí thể hiện ở thái độ hoài nghi đối với thế giới xung quanh và hoài nghi ngay chính bản thân mình. Một hiện tượng xảy ra là “Bóng cây vỡ òa dưới chân” nhưng với những suy luận khác nhau lại mang tới những giả định khác nhau:

 

“Bóng cây vỡ òa dưới chân

Hình bản đồ rách nát?

Hay xác chết nửa dơi nửa chuột?”

(IV, Cửa Mẫu)

 

Vì có sự hoài nghi nên chủ thể trữ tình đã liên tục đặt ra các câu hỏi. Nếu như câu hỏi thứ nhất “Hình bản đồ rách nát?” là sự hoài nghi đối với thế giới, ít nhiều mang sự cảm tính thì câu hỏi thứ hai “Hay xác chết nửa dơi nửa chuột?” lại là sự hoài nghi chính bản thân mình, mang đậm sự nhận thứ lí tính với quá trình “nhận thức lại”. Giọng điệu hoài nghi, triết lí trong tác phẩm đã cho thấy tinh thần, ý thức tự vấn của nhà thơ trước những hiện tượng trong đời sống.

 

Giọng điệu triết lí chiêm nghiệm còn được thể thái độ trăn trở, suy tư về sự thay đổi các giá trị trong cuộc sống.

 

“một bát nước ngùn ngụt bốc hơi

một thế giới đang vội vàng hoàn hảo”

(Nhịp VI, Hình Đám Cỏ)

 

“Ngùn ngụt” và “vội vàng” là hai từ láy thể hiện quá trình của những hiện tượng được diễn ra nhanh và gấp. Giọng thơ vừa thể hiện những dự cảm về thế giới tương lai vừa phản ánh được thái độ lo lắng trước những thay đổi của cuộc sống. Sự lo lắng đó cho thấy thái độ sống có trách nhiệm của nhà thơ.

 

Trong tập thơ Bầu trời không mái che, giọng điệu thơ vừa nhẹ nhàng, tâm tình vừa triết lí, chiêm nghiệm. Sự đa giọng điệu đó là kết quả của quá trình thể nghiệm nhiều lối viết khác nhau và đa phong cách của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

 

 

KẾT LUẬN

 

1.Thơ Việt Nam từ sau 1975 có sự hiện diện và tiếp nối của nhiều thế hệ nhà thơ, Mai Văn Phấn thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 90. Ông là một nhà thơ đầy ý thức trách nhiệm. Trong suốt những năm sáng tác, ông đã đưa ra những quan niệm mới mẻ về nhân sinh và về nghệ thuật. Bằng quá trình sáng tạo lâu dài, bền bỉ, Mai Văn Phấn cho ra đời một số lượng tác phẩm lớn, trong đó, tập thơ Bầu trời không mái che là một trong những tác phẩm thành công của ông.

 

2. Thế giới hình tượng trong tập Bầu trời không mái che được cấu thành từ nhiều yếu tố, nhưng nổi trội hơn cả vẫn là hình tượng cái tôi trữ tình và hình tượng không gian, thời gian. Cái tôi trữ tình trong tác phẩm là sự tổng hòa của cái tôi đức tin thánh thiện, cái tôi tha thiết yêu đương và cái tôi mặc cảm, cô đơn. Vì thế, hình tượng cái tôi trữ tình trong tập Bầu trời không mái che là một bản thể đa diện, phản ánh đúng tinh thần của con người trong đời sống hiện đại. Không gian nghệ thuật bao gồm không gian thiên nhiên, không gian thực - ảo đan xen nhau và không gian cuộc sống hiện đại. Thời gian trong tập thơ là thời gian “nhầm lẫn”, phi tuyến tính. Để xây dựng thế giới nghệ thuật trong tập Bầu trời không mái che, Mai Văn Phấn đã sử dụng các thể thơ tự do và thơ văn xuôi, ngôn ngữ thơ đậm chất đời thường và giàu tính tượng trưng, giọng thơ thủ thỉ tâm tình và giọng triết lí chiêm nghiệm. Thế giới hình tượng và các phương thức nghệ thuật có trong tác phẩm mang đậm phong cách Mai Văn Phấn.

 

3. Bên cạnh những thành công đã được khẳng định, trong tập Bầu trời không mái che còn tồn tại một số hạn chế. Có những đoạn thơ vì tác giả sa đà vào thể nghiệm cái mới nên gây ra sự khó hiểu cho người đọc. Đặc biệt là các hình ảnh tượng trưng đa nghĩa trong phần Cửa Mẫu hay cách dùng phép ẩn dụ trong phần Hình Đám Cỏ khiến thơ ông trở nên xa lạ, rối rắm. Tiếp cận thơ Mai Văn Phấn nói chung và tập Bầu trời không mái che nói riêng, độc giả cần có cái nhìn sâu sắc, nhiều chiều để có thể nắm bắt được tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của nhà thơ.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lý Đợi, (2013), “Thong dong trong cõi thơ”, http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1101/Tra-loi-phong-van/Thong-dong-trong-coi-tho---Nha-tho-Ly-Doi-thuc-hien-PV.aspx Ngày truy cập: 20/08/2014.

2. Nguyễn Đăng Điệp, (2003), Vọng từ con chữ,NXB Văn học.

3. Nguyễn Quang Hà, (2012), Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, (Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn), Đại học Thái Nguyên. http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/788/1117/Luan-van-thac-si-ve-tho-MVP/Mot-so-cach-tan-nghe-thuat-trong-tho-Mai-Van-Phan--Luan-van-thac-sy----Nguyen-Quang-Ha.aspx. Ngày truy cập: 24/10/2014.

4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Trần Thiện Khanh, (2013), “Văn học và hiện thực đất nước hôm nay” http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1100/Tra-loi-phong-van/Van-hoc-va-hien-thuc-dat-nuoc-hom-nay---Nha-phe-binh-van-hoc-Tran-Thien-Khanh-thuc-hien-PV.aspx. Ngày truy cập: 18/09/2014.

6. Hoài Khánh, (2012), “Mai Văn Phấn với Bầu trời không mái che”, http://hoaikhanh.vnweblogs.com/category/2810/35636/page/2 Ngày truy cập: 18/9/2014.

7. Hoàng Thị Thanh Nhàn, (2014), Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, (Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn), Đại học Vinh. http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/788/4524/Luan-van-thac-si-ve-tho-MVP/The-gioi-nghe-thuat-trong-tho-Mai-Van-Phan--Luan-van-Thac-sy-- --Hoang-Thi-Thanh-Nhan.aspx. Ngày truy cập: 24/10/2014.

8. Phạm Xuân Nguyên, (2014), Nhà văn như Thị Nở, NXB Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam.

9. Mai Văn Phấn, (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, NXB Hội Nhà văn.

10. Mai Văn Phấn, (2012), Bầu trời không mái che, NXB Hội Nhà văn.

11. Mai Văn Phấn, (2012), “Vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca” http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/785/1135/Tieu-luan-tho/Ve-dep-va-quyen-nang-cua-tho-ca--tieu-luan---Mai-Van-Phan.aspx. Ngày truy cập: 24/10/2014.

12. Trần Đình Sử, (2001), Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

13.Vũ  Thị Thảo, PGS.T. Hồ Thế Hà, (2012), Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn (Luận văn thạc sĩ), Đại học Đà Nẵng.

 

 

 

Bìa tập thơ "Bầu trời không mái che" bản tiếng Anh

NXB. Page Addie Press, Anh quốc, 2012

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị