image advertisement
image advertisement





























 

Tính khách quan trong thơ Nguyễn Thị Hải (phê bình) - Mai Văn Phấn

Tính khách quan trong thơ Nguyễn Thị Hải

 

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Hải

 

 

Mai Văn Phấn

 

Tôi nhớ có lần đàm đạo cùng nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn trong một quán trà ở Hải Phòng. Ông hỏi, liệu có thể chọn một từ để gọi ra bản chất của thơ cách tân hiện nay không? Tôi đáp nhanh: Khách quan. Tiếp đó tôi có đọc cho ông nghe thơ của một vài tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng này để minh chứng cho lựa chọn của mình. Câu chuyện hôm đó hầu như chưa đi đến hồi kết, và nó luôn làm tôi trăn trở tới tận hôm nay và chắc còn đến mãi sau này. Rồi tình cờ, tôi đọc được thơ Nguyễn Thị Hải trên một số website và mạng xã hội. Mới lướt nhanh đôi bài, tôi đã bị cuốn hút bởi lối thơ dung dị, khách quan, đầy ắp những cảm thức về làng quê Việt xưa và nay. Sau đấy, tôi may mắn có được hai tập thơ của chị: "Con cừu của hoàng tử bé, cổng ngõ của tôi" (NXB Đà Nẵng, 2017) và "Một dòng tiểu sử của bạn tôi" (NXB Đà Nẵng, 2018). Hai tập thơ này của Nguyễn Thị Hải là một minh chứng thuyết phục về tính khách quan của thơ cách tân, khiến tôi những mong gặp lại Đỗ Minh Tuấn để tiếp tục luận bàn câu chuyện thơ hôm nào.

 

Xin trích dẫn một bài thơ của Nguyễn Thị Hải, mà tôi cho rằng cả tiêu đề bài thơ và nội dung sau đây là một tuyên ngôn về phong cách thơ của tác giả này. Ở đây, phải chăng thơ là sự hiện hữu tự thân. Nhờ thi pháp mà thơ được trình hiện, nhưng chính thơ lại mang ý thức chối từ tất cả mọi thi pháp, thủ pháp, chối từ cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ quanh nó.

 

Sao không viết tựa đề là hoa nhài

Rồi cả bài thơ chỉ nói về hoa bưởi

Sao không viết tựa đề là sông thu

Rồi cả bài thơ chỉ kể về ngọn núi

 

Từ tựa đề đến bài thơ

Là khoảng cách từ khóm hoa nhài đến cây hoa bưởi

Từ dòng sông mùa thu đến ngọn núi mùa xuân

Thơ sẽ đến bên ta làm một bạn đồng hành

(Bạn đồng hành)

 

Nhớ lại cuộc cách mạng Thơ Mới những năm 1932-1945, cùng với sự bùng nổ ngôn từ, làm nở rộ cái tôi cá nhân, một cái tôi chủ quan mang tính cao ngạo của nghệ sĩ, chi phối đối tượng được phản ánh. "Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất" (Xuân Diệu). Từ đỉnh "Thứ Nhất" ấy, cái tôi trong thơ Việt đã thay đổi, biến thành cái ta trong thơ kháng chiến, để rồi trở lại thành cái tôi khác biệt như bây giờ. Nếu khởi đầu Thơ Mới là cái tôi chủ quan, thì trong thơ cách tân hiện nay là cái tôi khách quan, mang tinh thần nhân văn, sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong không-thời-gian đa chiều. Cái tôi khách quan hiện được thể hiện khá phong phú và đa sắc thái trong thơ Việt đương đại, nó có thể đứng độc lập hay lấn át ý thức chủ quan của người viết.

 

Vậy khuynh hướng khách quan hình thành và phát triển trong thi ca như thế nào và nó ảnh hưởng đến các tác giả thơ cách tân ra sao?

 

Chủ nghĩa khách quan khởi đầu được William Carlos Williams (1883 - 1963) đặt ra vào năm 1930 và được phát triển dựa trên lý giải của ông về tác phẩm “Khoa học và Thế giới hiện đại” (Science and the Modern World[1]) của Alfred North Whitehead (1861 - 1947). Williams mô tả chủ nghĩa khách quan là xem xét một bài thơ “bằng con mắt đặc biệt hướng đến mặt cấu trúc của nó, cách nó được hình thành ra sao”. Những người theo chủ nghĩa khách quan là một nhóm liên kết không ràng buộc gồm các nhà thơ Hoa Kỳ và Anh, gồm Louis Zukofsky (1904 - 1978), Charles Reznikoff (1894 - 1976), George Oppen (1908 - 1984), Carl Rakosi (1903 - 2004), Lorine Niedecker (1903 - 1970) và nhà thơ người Anh Basil Bunting (1900 - 1985). Họ chủ trương đề cao tính ưu việt và sự cần thiết phải thể hiện chính xác đối tượng được biểu đạt mà không bị sự tưởng tượng và cảm xúc của nhà thơ che khuất. Louis Zukofsky trong tiểu luận "Những người theo chủ nghĩa khách quan" (Objectivists[2]) đã nhấn mạnh đến "Tính chân thực và Sự thể hiện khách quan" (Sincerity and Objectification) đối tượng được biểu đạt. Ông coi bài thơ như một đối tượng và nhấn mạnh tính chân thực, không thơ mộng hóa, mà thể hiện khả năng quan sát thế giới một cách tường minh, xác thực nhất có thể. Mặc dù trào lưu  này không nhận được nhiều sự quan tâm của giới phê bình trong thập niên 1940 và 1950, nhưng vào thập kỷ 1960 các nhóm nhà thơ trẻ ở Hoa Kỳ và Anh lại “tái khám phá” những nhà thơ theo chủ nghĩa khách quan. Các nhà thơ theo chủ nghĩa khách quan đã có ảnh hưởng đến Thời kỳ Phục hưng San Francisco[3] thập kỷ 1950, các nhà thơ trào lưu Thế hệ Beat[4], Thơ Ngôn ngữ và các nhà thơ  trường phái Black Mountain[5]. Đến cuối thế kỷ XX trào lưu khách quan hóa trong thơ có lắng xuống, nhưng những năm gần đây, nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học Âu-Mỹ lại tiếp tục bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Năm 2020, nhà thơ người người Canada Cynthia Buell Thomas (mời đọc thơ của bà ở link bên dưới[6]) đã nêu ba đặc điểm về tính khách quan trong thơ đương đại trong bài "Tính khách quan trong thơ - định nghĩa nó như thế nào?" (Objectivity in poetry - how to define it?): 1) Thơ cần thoát khỏi tình cảm, thái độ hay cảm xúc cá nhân của nhà thơ; 2) Là một mẫu hình của khách thể, những hành động, sự kiện hoặc một tình huống có thể thực sự đánh thức được phản ứng tình cảm tác giả mong muốn mà không phải là một tuyên ngôn trực tiếp về cảm xúc đó; 3) Là một bài thơ có ý nghĩa nhất như một khách thể trong bản thể của nó, không phụ thuộc vào các thực tế của bố cục, vào hoạt động mà nó mô phỏng, vào ý định đã nói rõ của tác giả, hoặc vào tác động mà nó tạo ra đối với người đọc/ khán giả[7]".

 

Tính khách quan vốn được hình thành trong sự vận động và phát triển của những sự vật, hiện tượng, nó diễn ra theo quy luật có sẵn, không bị ảnh hưởng bởi niềm tin hoặc cảm xúc cá nhân của con người. Trong văn học truyền thống nói chung, tính khách quan chủ yếu được đề cao trong tiếp nhận văn bản, nó ít được nhắc tới trong quá trình sáng tác. Hiện thực trong các tác phẩm văn học truyền thống thường mang tính chủ quan, được khúc xạ từ thế giới khách quan qua lăng kính của nhà văn. Khi tiếp nhận những tác phẩm viết theo phong cách truyền thống, độc giả như nhìn rõ dấu vân tay, dễ dàng cảm nhận được quan điểm thẩm mĩ, thái độ của nhà văn với đối tượng được biểu đạt.

 

Từ thời điểm Đổi mới (1986) ở Việt Nam, một số nhà thơ theo khuynh hướng cách tân đã vận dụng một số thi pháp mới, trong những thi pháp đó nổi bật lên tính khách quan, dù là ý thức hay vô thức. Những câu thơ như "Nước vẫn chảy trong đó/ Cây vẫn mọc lên/ Lửa không bao giờ tắt" trong bài thơ "Bình gốm" của Nguyễn Quang Thiều; hay câu thơ "Cách nhau một giọt nước/ sông Hồng nối nhau trôi thật mềm/ cô gái mờ mờ sáng" (Đêm ven sông) của Nguyễn Bình Phương là những ví dụ cho tính khách quan trong thơ đương đại.

 

Trở lại với Nguyễn Thị Hải, thơ chị cho thấy cái tôi khách quan được thể hiện độc lập, rõ nét. Chị không chủ ý đồng hóa, chinh phục, hay hóa thân vào đối tượng được phản ánh, mà bày đặt, khơi gợi cho nó xuất hiện chân thật, sống động nhất có thể, trả mọi thứ về bản chất tự nhiên như nhiên của chính nó. Đây là tâm trạng của người đàn bà mang thai lần thứ năm khi ngửi thấy mùi hoa hòe bay vào cửa sổ:

 

Trút hết cùng hoa hòe

Hoa hòe cũng trút cạn

Bầu hương nồng sẻ chia

Hoa trắng xanh nhợt nhạt

(Con trai)

 

Mối liên hệ giữa người đàn bà và những bông hoa hòe là sự thương cảm, thấu hiểu và sẻ chia cho nhau. Hai nhân vật trong bài thơ như muốn tìm đến nhau và vươn ra bên ngoài. Tuy vậy, người đọc vẫn nhìn thấy giữa họ là khoảng cách qua một khung cửa sổ. Sự bí ẩn đầy hấp dẫn của thơ Nguyễn Thị Hải nằm ở những khoảng cách như thế này. Nó là độ dài và thời gian để tạm đo nỗi niềm, những trăn trở của người đàn bà kia. Khoảng cách ấy cũng chính là hành trình của cảm xúc, của tưởng tượng mà tác giả chủ ý để ngỏ cho bạn đọc.

 

Tương tự cách lập tứ nêu trên, bài thơ "Một dòng tiểu sử của bạn tôi" lại đặt bày mối quan hệ giữa "bà nội" và "nước". Bà là người khiếm thính đã mấy chục năm và hầu như không thể giao tiếp với những người xung quanh. Tác giả đã cho người bà và nước tương thông từ hai thế giới cách biệt nhưng chứa chan những điều kỳ tuyệt.

 

Bà chỉ thích trò chuyện với nước

Mỗi khi ngồi lầm lũi cọ rửa

Có lẽ thế giới bên trong bà

Cũng ngập tràn là nước

(Một dòng tiểu sử của bạn tôi)

 

Tính khách quan trong thơ Nguyễn Thị Hải được biểu đạt bằng bút pháp độc đáo và tối giản, thường đột hiện, lóe sáng trong những câu chuyện bình dị đời thường.

 

Mẹ giặt vò bằng đôi bàn tay ưu tư cần mẫn

Nước ao trong vỗ mãi tiếng lòng của mẹ

(Áo con thơ)

 

Chuyện thường ngày người mẹ vẫn giặt áo cho con, nhưng nhà thơ đã gây bất ngờ với câu thơ "Nước ao trong vỗ mãi tiếng lòng của mẹ". Tiếng "vỗ mãi" kia không chỉ vang vọng ở cuối bài thơ mà lặng lẽ lan tỏa ngay từ câu thơ đầu tiên, từ hình bóng đứa con chạy tung tăng với những giấc mơ đơn độc, nhưng khi ấy ta chưa thể đoán biết. Chỉ đến khi đọc hết bài thơ thì ánh sáng từ câu thơ cuối mới lóe lên, cho ta nhìn rõ chân dung một người mẹ dung dị, chân chất mà cao cả đến lạ kỳ.

 

Trong bài thơ "Cẩm tú cầu", tính khách quan được tác giả kiến tạo trong sự tương thông giữa ba nhân vật: "bông hoa cẩm tú cầu", "loài bọ giống muỗi" và tác giả - được ẩn danh trong văn bản. Bảy câu thơ đầu tiên của bài thơ cho thấy những thiên quốc cẩm tú cầu được chiêm ngưỡng trong ánh nắng mùa thu trong suốt ở công viên hoa Đà Lạt; ở đoạn này tác giả dùng lối vô nhân xưng để tự mô tả bản thân là người ngắm hoa, khiến mối liên hệ giữa tác giả và những thiên quốc cẩm tú cầu kia thật mơ hồ, bảng lảng.

 

Ghen tị với loài bọ giống muỗi

Để lại dấu vết mờ nhạt trên cánh hoa

Ánh mắt chứa đầy lưu luyến

(Cẩm tú cầu)

 

"Ánh mắt chứa đầy lưu luyến" là hình ảnh, cách nói quen thuộc trong thơ truyền thống, nhưng nó mang lại bất ngờ, lạ lùng khi nằm trong khổ thơ trên. Câu thơ ấy cho thấy tác giả và bông hoa cùng chuyển dịch mỗi lúc một xa thêm. Chữ "lưu luyến" đặt trong câu thơ trên mang nội hàm khác với nghĩa thông thường, nó không bịn rịn, kết dính mà ngưng tụ sau những chuyển dịch tách rời, xa cách.

 

Vẫn bằng cách thiết lập hình ảnh mang tính khách quan, đôi khi tác giả kiến tạo một hiện thực kì ảo, giả tưởng để song song với hiện thực đồng dạng của đời sống, nhằm khơi lộ tinh thần, bản chất của từng sự vật, hiện tượng. Sử dụng yếu tố kì ảo vốn là đặc trưng nghệ thuật của truyện thần thoại Việt Nam, hay truyện truyền kì. Thủ pháp làm ảo hóa những nhân vật, sự kiện lịch sử có thật này khiến những giấc mơ, khát vọng hiện lên rõ nét. Ở thơ Nguyễn Thị Hải, yếu tố kì ảo là hình chiếu, là luồng sáng tỏa ra từ tâm thế, nhãn quan của người viết, là khao khát, tiếng vọng của một người muốn lưu giữ những căn tính một vùng văn hóa giàu bản sắc.

 

Linh hồn của cơm canh mùi vị

Thếp vào tầng khí quyển

Một quê hương phù ảo

(Khói bếp)

 

Yếu tố kì ảo thường được tác giả tạo dựng trong những tình huống bất ngờ, như người được mặc khải. Sự mặc khải trong đoạn thơ dưới đây đã mở ra một điều thiêng trong không gian tĩnh lặng, một hình chiếu của quá khứ mà người đọc tùy ý cảm nhận.

 

Đứa cháu đích tôn thừa kế mảnh đất tổ tiên

Một đêm sáng trăng mở cửa sổ buồng ngủ

Trông thấy bà nội quá cố nhiều năm trước

Dò dẫm bước xuống bậc cầu ao hoang phế

Tấm lưng còng nhỏ bé

Kì cọ chiếc nồi gang đã bán đồng nát lúc nào

(Hướng nhà)

 

Dòng chảy đời thường có vẻ như luôn xuôi chiều và bình lặng, không gợn chút xốn xang, xao xuyến. Thế nhưng trong dòng chảy đó, Nguyễn Thị Hải cho xuất hiện những hình ảnh quen thuộc mà lại gây cảm giác dị kỳ, choáng ngợp. Cái "bàn chân xỏ dép không mang tất/ Đưa ra ngoài bức tranh" trong đoạn thơ dưới đây tựa như ngọn bấc của một cây đèn ngủ yên đã lâu, giờ bỗng nhiên được thắp lửa, cháy sáng.

 

Một ngày Đà Lạt trở lạnh

Khách ngắm kĩ bức chân dung sống động

Phát hiện bàn chân xỏ dép không mang tất

Đưa ra ngoài bức tranh

Điềm nhiên tỏa ra hơi ấm

(Chân dung)

 

Trong những tình huống mang tính khách quan, tác giả chủ ý tạo ra những hình ảnh đột sáng rất ám ảnh, mê dụ. Hình ảnh đứa bé "ngã bổ nhào" nơi ngạc cửa gỗ tại một ngôi chùa nọ trong bài thơ "Chùa làng", tưởng đó chỉ là câu chuyện đời thường, không có gì đáng chú ý. Nhưng một câu hỏi đột ngột đặt ra ở cuối bài thơ "Đứa bé ấy có phải là tôi không?" đã làm thay đổi toàn bộ tinh thần của văn bản, khiến những thi ảnh xuất hiện trước đó cất cánh, thăng hoa. Hay trong bài thơ "Chạy mưa", hình ảnh người đàn bà ôm cái bụng "sắp sinh ra đứa bé" mà không dám chạy, trong khi người và trâu bò đều chạy mưa, cho thấy sự kỳ diệu trong thiên chức cao cả của người phụ nữ.

 

Trong cả hai tập thơ của Nguyễn Thị Hải, như tôi nhận thấy, "Mùa hè" là bài thơ có cấu tứ và ngôn ngữ mang tính khách quan rõ nhất. Đây là câu chuyện kể giản dị và hấp dẫn, trong đó có hai nhận vật, tác giả và con mèo với bối cảnh trời nắng nóng. Bài thơ tựa như nghệ thuật sắp đặt, mỗi chuyển động của nhân vật sự vật trong đó khiến không gian và thời gian thay đổi, chầm chậm như miên mộng. Nguyên văn bài thơ như sau:

 

MÙA HÈ

 

Trời nắng nóng

Bật máy quạt gọi con mèo đến ngồi cùng

Tóc người tựa cỏ lau trên đồi cao

Lông mèo tựa cỏ mềm trên mặt đất

Cùng bay theo chiều gió

Xào xạc êm đềm

Chầm chậm cùng đi vào không gian khác

Mát dịu xanh tươi

Ở nơi đó

Mèo lim dim mắt ngủ

Tặng cho người

Giấc mộng đơn sơ

 

Hai nhân vật trong bài thơ tuy ngồi gần nhau và cùng chung cái quạt điện, chung chiều hướng (“theo chiều gió”), cùng chung tốc độ "Xào xạc êm đềm", song lại chuyển động trên những quỹ đạo riêng (“đồi cao”, “mặt đất”), và hiển thị bằng hai hình tướng khác biệt ("tóc người", "lông mèo"). Và, sự kì ảo ở đây là cả hai "cùng đi vào không gian khác", trong không gian đó vai trò của họ hoán đổi, chú mèo trở thành nhân vật chủ động khi tặng cho nhân vật người một “Giấc mộng đơn sơ”; trái lại, người trở nên nhân vật thụ động tiếp nhận và êm đềm đi vào mộng, một giấc mộng “mát dịu xanh tươi”, tương phản với thực tại “trời nắng nóng". "Giấc mộng đơn sơ" này vốn được sinh ra trong mối tương liên với hình ảnh "cỏ mềm trên mặt đất" như nhà thơ đã đặc tả bộ "lông mèo". Cách bày đặt hình ảnh trong bài thơ này chứng tỏ nội lực mạnh mẽ trong bút pháp của Nguyễn Thị Hải. Ở đây tác giả không sử dụng thủ pháp thơ truyền thống, mà dùng thủ pháp văn xuôi. Tuy vậy, khi đưa hai nhân vật "người" và "mèo" trong bài thơ trên vào một "không gian khác", tác giả không nhằm khai triển tâm lý tình cảm của các nhân vật theo kiểu nghệ thuật tiểu thuyết, mà khơi mở cho ta thấy vẻ đẹp bình dị mà đầy mộng ảo trong cõi thơ của chị.

 

Bài thơ "Mùa hè" gợi cho tôi nhớ tới nhận định của nhà thơ Louis Zukofsky, khi ông viết về thơ của Charles Reznikoff, trong đó, mở rộng các nguyên lý cơ bản của thi pháp chủ nghĩa khách quan "Với tính chân thực, các hình dáng xuất hiện đi đôi với những tổ hợp từ ngữ, những tiền thân của (nếu có sự tiếp diễn) âm thanh hoặc cấu trúc, giai điệu hoặc hình thái hoàn chỉnh. Việc viết diễn ra chi tiết – không phải ảo ảnh – của sự nhìn thấy, sự tư duy về những sự vật sự việc như chúng hiện tồn, và hướng chúng theo dòng giai điệu[8]".

 

Bằng thủ pháp tương tự, Nguyễn Thị Hải đã kiến tạo một giấc mộng kiểu khác trong bài thơ "Hẹn ước". Ở đây, nhân vật "tôi" từng nói với một "đóa hoa" rằng, nếu mình bị "gục ngã", thì kiếp sau hẹn "gặp nhau ở nơi này", lúc ấy hai nhân vật sẽ hoán đổi thân phận cho nhau. Và đây là câu thơ tuyệt đẹp, quyến luyến, gây bất ngờ:

 

Hoa sẽ hiểu trái tim tôi

Bao điều chưa kịp tỏ...

(Hẹn ước)

 

Trong số những bài thơ của Nguyễn Thị Hải đã xuất bản, tôi ấn tượng nhất với bài "Lò gạch". Dù đã đọc bài thơ này nhiều lần, nhưng mỗi lần chiêm ngẫm tôi lại khám phá thêm nghĩa mới, cảm nhận mới. Bài thơ được mở đầu bằng giọng điệu bình thản và khách quan, tác giả như cố ý đặc tả một cách chân thực về cái lò gạch cùng những liên tưởng quanh nó. Bạn đọc ngỡ cổng vào cái "lò gạch" kia cũng hạn hẹp, nào ngờ càng đi vào bên trong càng thấy rộng mở, rồi như sâu hun hút trong cõi hiện sinh:

 

Cỏ hai bờ tái sinh liên hồi trong nước

Chỉ những bông hoa trì hoãn hiện kiếp riêng mình

 

Những ý tứ mà nhà thơ sắp đặt trong bài thơ này tựa như nghệ thuật bắn cung. Những hình ảnh tiếp nối nhau gợi cho bạn đọc liên tưởng một cung thủ đang hít thở, kéo dây cung về phía sau... Ở đây, nhà thơ đã dẫn bạn đọc đi từ sự bình dị, quen thuộc đến đa nghĩa, chuyển từ đơn điệu sang phức điệu.

 

Một thứ hình hộp như được xây nên bởi loài ong cần mẫn bản năng

Một căn nhà sinh sống những con người cô đơn kì lạ

Một nấm mồ cất kỹ những linh hồn thuở xưa

 

Và, tôi đã bị thôi miên bởi "con tim" của nhà thơ bỗng hóa thành "một con chim én" trong đoạn thơ sau:

 

Sực nhớ đến con tim của mình

Rảo bước theo đường bờ ruộng nhỏ hẹp

Đến bên cạnh lò gạch tàn lạnh

Vứt bỏ nỗi khổ tâm

Để trở thành một con chim én

 

Thơ Nguyễn Thị Hải có cấu tứ giản dị, mang cảm thức thơ truyền thống trong không gian đa tầng, hiện đại. Một số bài thơ của chị mang âm hưởng của đồng dao với những câu chữ giàu nhạc điệu, rượt đuổi nhau liên tu như gió bay, nước chảy...

 

Tháng cùng năm tận

Bán chuối bán cau

Lấy tiền tiêu Tết

Bớt ra chút ít

Sắm chậu bạch mai

(Bạch mai)

 

Rau đay chỉ lối

Mồng tơi dẫn đường

Củ gừng đưa tiễn

(Xổng lu)

 

Hay:

 

một phiến hồn đơn

một phiến đất nhỏ

khi cúc khi mai

rạng ngời nơi đó

(Nhất phiến)

 

Ngôn ngữ thơ Nguyễn Thị Hải không cầu kỳ chau chuốt, gần với cách nói đời thường, nhiều câu khá giống với khẩu ngữ trong dân gian. Cách diễn đạt này có cấu trúc đơn giản với nhiều biến thể phát âm.

 

Bơ ngơ bơ ngơ

Bò ơ bò ơ..."

(Bò lạc);

 

"Lào xào lào xào

Lắc lư lắc lư

Xộc xệch xộc xệch

Trăm con cua rốc

Đổ nhào cái lu"

(Xổng lu)

 

Có bài như gợi cho ta nhớ cách kể truyền miệng kiểu chuyện cổ tích hoặc dân gian như, "chuyện kể rằng...", "ngày xửa ngày xưa..."...

 

Ối con ơi là con ơi...

Mẹ biết mà phải vờ như không biết

Mẹ câm mẹ nín

Mẹ nhường mẹ nhịn

Mẹ đợi mẹ chờ

Chờ con qua hết ấu thơ

(Mẹ Cả)

 

Hay:

 

Trên chiếc bàn đá

Sợi dây giăng ngang

Hai đứa con trai năm cuối cấp đang đánh bóng bàn

(Bóng bàn)

 

Đời sống nông thôn hiện ra sinh động trong hai tập thơ của Nguyễn Thị Hải với đa sắc màu và phức điệu, có lúc tựa như cái cây nhẫn nại và đơn điệu trước một ngôi nhà tranh "Ngày hoa tháng quả/ Không sai hạn kỳ" (Cây), có lúc lại giống một bà lão chấp nhận nỗi lẻ loi ăn củ khoai thui thủi một mình cùng "con mèo xám tro cũng già nua thường nằm xó bếp" (Mùa đông). Chuyện một ông thợ mộc giữ cái "Bí mật của bậc sáng tạo ẩn dật trong nghề mọn đổi cơm mua rượu chốn quê mùa" (Thợ mộc). Hay chuyện một ông thợ kèn phục vụ đám hiếu "Mà cái cuống gắn chặt vào vòm miệng hôi sặc mùi thuốc lào và rượu thịt được thết đãi" (Tiếng kèn). Có lúc, nhà thơ đặc tả những cảnh sinh hoạt ở làng quê rất sống động và hóm hỉnh:

 

Ngõ gì mà dài thế

Một người mà như hai

Ông buồn đánh tráo ông vui

Ở ngõ nào chẳng rõ

(Ngõ)

 

Văn hóa làng được Nguyễn Thị Hải phục dựng dưới góc nhìn khách quan, không phụ thuộc vào cảm quan của chủ thể sáng tạo hay những tác động từ bên ngoài. Mặc dù thơ chị được tỏa sáng từ văn hóa làng Việt, nhưng tác giả luôn tỉnh táo và khá trầm tĩnh kiến tạo không gian nghệ thuật của riêng mình. Không gian này không trộn lẫn với phong cách của bất kỳ tác giả nào đi trước. Dưới góc nhìn của Nguyễn Thị Hải, sự chuyển dịch cũng như tiến triển của đô thị hóa nông thôn là quá trình tiếp sức, chuyển giao giữa các thế hệ. Dưới đây là khổ thơ đặc trưng cho phong cách cấu trúc không gian khách quan của chị:

 

Xa xa có người

Đi lại hành trình của mình

Gió thổi ngược

Vào khuôn mặt cô đơn

(Quê hương)

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Hải sinh năm 1983 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, từ năm 2002 sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2012 chị  xuất bản tập truyện ngắn đầu tay "Quả đồi phía tây" (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ). Gần đây nhất, chị công bố tập thơ "Trước bến" (Cổ thi tư cảm, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2022). Tôi mới đọc một số bài trong tập thơ "Trước bến" của chị trên một vài trang mạng xã hội. Đây là những bài cảm tác khi chị đọc thơ Đường, thơ Haiku của Nhật Bản. Tôi thực sự nể trọng một tác giả có tuổi đời trẻ như Nguyễn Thị Hải lại am tường và yêu thích những thể thơ này. Tôi nhất định sẽ tìm đọc tập thơ này trong những ngày sắp tới

 

Đọc thơ Nguyễn Thị Hải, tôi hình dung tác giả là người song hành cùng những câu chuyện mà chị đã kể. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng mà thâm sâu, nhà thơ tâm sự với chúng ta những mẩu chuyện đời thường của chị, xảy ra xung quanh chị. Tuy bình dị nhưng thật đẹp và kì ảo, những trang thơ của chị mở ra trước mắt chúng ta một thế giới phong phú và sống động. Hình ảnh những con người cùng cảnh vật nông thôn xưa và nay cứ lần lượt hiện ra, lầm lụi, quen thân, đáng thương cảm và cũng thật đáng yêu. Có những thi ảnh chỉ thoáng qua, nhưng mang lại cho ta nhận thức mới với nhiều ý nghĩa. Càng đọc, tôi càng tỏ tường thêm một vùng văn hóa trong thơ chị đang chuyển dịch nhanh chóng, háo hức đón đợi ánh sáng của văn minh hiện đại và cũng luyến nhớ những nét đẹp cổ xưa đang lùi vào dĩ vãng. Dù một vài bài thơ trong hai tập vẫn giữ giọng điệu quyến luyến, bịn rịn của thơ truyền thống, có bài cấu tứ như còn bỏ lửng, nhưng tác giả luôn giữ những khoảng cách nhất định với đối tượng được đề cập. Khoảng cách này làm cho cấu trúc và ngôn ngữ thơ Nguyễn Thị Hải trở nên khách quan, phải chăng, đó chính là bí quyết thi pháp thơ của chị.

 

Hải Phòng, 28/11/2023

M.V.P


____________________

[1] "Science and the Modern World". NXB Macmillan, Hoa Kỳ, 1925.

[2] "Objectivists" cũng là chủ đề của tạp chí "Poetry" (Thơ) của Hoa Kỳ, số ra tháng 2/1931.

[3] Thời kỳ Phục hưng San Francisco là một nhóm nhà văn nhà thơ ở khu vực San Francisco sau khi Thế chiến II kết thúc. Họ có quan điểm chính trị và xã hội khác nhau; tuy nhiên, tất cả đều thiên về chủ nghĩa hiện đại. Thuật ngữ Thời kỳ Phục hưng San Francisco được sử dụng như một tên gọi toàn cầu cho một loạt hoạt động thơ ca tập trung tại San Francisco, khiến nơi này nổi bật như một trung tâm của giới thơ ca tiên phong ở Hoa Kỳ trong thập kỷ 1950.

[4] The Beat Generation là một trào lưu tiểu văn hóa trong văn chương được khởi xướng bởi một nhóm tác giả mà tác phẩm của họ khám phá và ảnh hưởng đến văn hóa và chính trị Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu Thế chiến II.

[5] Black Mountain là một nhóm các nhà thơ tiên phong hoặc hậu hiện đại của Hoa Kỳ giữa thế kỷ XX tập trung tại Black Mountain College ở Bắc Carolina.

[6] Thơ Cynthia Buell Thomas:

https://www.writeoutloud.net/profiles/cynthiabuellthomas

[7] Nguồn:

https://www.writeoutloud.net/discuss/objectivity-in-poetry-how--1020

[8] Rút từ bài viết “Sincerity and Objectification: With Special Reference to the Work of Charles Reznikoff” của Louis Zukofsky. Nguồn: Tạp chí "Poetry" (Thơ) của Hoa Kỳ, số ra tháng 2/1931.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị