image advertisement
image advertisement





























 

Vọng thanh âm trong mắt ai (tiểu luận) - Lê Từ Hiển

Vọng thanh âm trong mắt ai

 

 

Nhà giáo Lê Từ Hiển

 

 

Lê Từ Hiển[1]

 

Xin được mở đầu bằng tên bài viết Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của thơ của Viện sĩ hàn lâm, Tiến sĩ Ngữ văn Milutin Đuri Kovic – nhà văn, nhà báo, Tiến sĩ nghiên cứu văn học người Serbia, Giáo sư tại trường đại học nghiên cứu chuyên nghiệp cho giáo dục tại Aleksimac… Mở đầu bài viết: “Độc giả nước chúng tôi chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với  nền văn hóa Việt Nam…” [2]. ấy là một thời còn nhiều “rào cản” trong giao lưu, đối thoại… May quá, bước sang thời giao lưu, hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa. “Sau vài thập kỷ, chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận với một mạch nguồn sáng tạo thi ca phong phú của nhà thơ đương đại nổi tiếng ở Việt Nam, nhà thơ Mai Văn Phấn. Ngoài việc xuất hiện với tư cách cá nhân trên tạp chí Tổng quan văn học, Mai Văn Phấn chưa hoàn toàn trình diện với bạn đọc nước tôi. Biến tấu con quạ  là một ví dụ đại diện cho thi ca ông, một tuyển tập lựa chọn từ những tác phẩm được dịch từ tiếng Anh. Ấn bản này gồm những bài thơ mới và cũ, có những tác phẩm đã được xuất bản trước đó, và cũng có tác phẩm mới xuất bản lần đầu”[3]. Vậy là, trong quá trình toàn cầu hóa (Globalization), biết bao mối liên hệ làm cho thế giới dường như thu nhỏ lại thành xóm địa cầu (global village) – Mc Luhan)… văn chương – văn học– thi ca Việt Nam chẳng thể đứng ngoài. Thơ Mai Văn Phấn là những kinh tuyến xanh nối hai cực… bay tinh cầu vũ trụ… trong sinh thể thi ca…

 

Như vậy, tên tuổi Mai Văn Phấn chẳng những được định vị, lan tỏa trong tầm tiếp nhận đương đại trong nước mà cả trên thế giới. Mai Văn Phấn đã đoạt được một số giải thưởng và sự vinh danh đáng trọng trong nước và quốc tế. Ông sinh năm 1955 tại tỉnh Ninh Bình, vùng châu thổ sông Hồng, phía Bắc Việt Nam. Đất nước Việt Nam có thể chia thành bảy vùng văn hóa. Bên cạnh vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải Trung và Nam Trung Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên, vùng văn hóa Nam Bộ… phải nói đến vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ – đồng bằng châu thổ thuộc loại lớn nhất Việt Nam, là cái nôi hình thành dân tộc và quốc gia, là trung tâm của các nền văn minh lớn Đông Sơn, Đại Việt, là văn hóa giao lưu – lâu đời – tiếp biến và tiêu biểu nhất của văn hóa dân tộc Việt… Trong đó có tiêu điểm văn học – thơ ca. Cho nên, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tinh tuyển Thơ Hà Nội nghìn năm (Nxb Giáo dục, 2007), theo phong thái hào hùng và nét tài hoa, vẫn có một Mai Văn Phấn với Nghi TàmCây lá ở Nghi Tàm – Thon những bàn tay Phật – Ta nhìn vào sương tan – Thấy lòng mình trong vắt… Màu hoa chừng rất vội – Hồn ta cứ la đà – Chắp tay làm chiếc lá – Ngỡ mặt mình đơm hoa. Cây cổ điển xanh ươm đương đại. Văn hóa tâm linh sáng tâm thức. Tụ tinh hoa nở đóa hoa thơ.

 

Mai Văn Phấn hiện sống và làm việc ở Hải Phòng. Thành phố cửa biển sáng bừng hoa phượng đỏ. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, đã trở thành một ngọn nguồn văn nghệ mới: Thế Lữ với Thơ Mới, Khái Hưng với tiểu thuyết, Vi Huyền Đắc với kịch nói, Lê Thương với Tân nhạc… Riêng về thơ ca, người mở đầu Thơ Mới đích thực là Thế Lữ – khởi điểm của nhiều khởi điểm, một Cây đàn muôn điệu… mãi rong chơi hình – nhạc – họa… Trần Huyền Trân không phải người Hải Phòng và trong Thi nhân Việt Nam cũng chẳng có thơ in… Chỉ được nhắc tới như một tác giả có cái thú của người đi đổi gió (Hoài Thanh). Vậy mà Trần Huyền Trân vẫn được xem là Người thơ khởi sự ra Trường thơ Hải Phòng suốt 70 năm qua. Văn Cao dường như suy ngẫm nhiều… để cho ra đời trường ca Những người trên cửa biển dự cảm một định hướng riêng về mĩ học thơ cho những người làm thơ ngấm chất Hải Phòng…

 

Từ Trường thơ Hải Phòng cho đến thơ thơ Hải Phòng hôm nay đã vươn tới nhiều tìm kiếm, như Đồng Đức Bốn thổi hồn mới vào thơ lục bát, như Mai Văn Phấn với hậu hiện đại như một cái khác hẳn – giản dị – gợi mở… Đấy là những tìm kiếm – tự nó – như nó – đáng nâng niu trân trọng… và tất nhiên, còn tùy vào bạn và tôi… ở tâm thế tiếp nhận.

 

Sắc thái riêng tạo nên diện mạo chung. Cá biệt độc đáo vẫn trong tâm thức thẩm mĩ dân tộc và nhân loại. Quê hương yên bình, đất nước giàu truyền thống văn hóa, con người lưng tựa núi mắt nhìn ra biển… Giao thoa giữa ba vùng địa lý… Tất cả tụ hội, tương tác ngoại sinh, nội sinh… tạo nên tâm thức Việt. Và tâm thức ấy trong ba đỉnh thần – khí – cốt hòa điệu thăng hoa… nở những đóa hoa thơ Mai Văn Phấn, như hoa giấu mặt, Bầu trời không mái che, Ra vườn chùa xem cắt cỏ… Tìm kiếm mang khát vọng thay đổi vốn đã tiềm ẩn khá lâu. Phạm Tiến Duật chuyển thi pháp mới ở bài Vòng trắng (1974), Hữu Thỉnh ít nhiều hé mở với Gửi từ đảo nhỏ (1977), dần đổi mới khá thành công với tập thơ Thương lượng với thời gian… Chiều sâu tâm trạng trong kết bài Xa vắng: Người mua gương đã một lần trở lại – Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi… Những tập thơ Khối vuông rubic (Thanh Thảo), Tháp nghiêng (Hoàng Vũ Thuật), Giấc mơ hình chiếc thớt, Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều), Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn)… đều có những bứt phá ngoạn mục, gợi mở đầy ám ảnh… Mở đầu: Ta sinh ra cô đơn – giờ cô đơn đã cũ – ta trưởng thành bởi sợ hãi – sợ hãi cũng cũ rồi… Đầy những nghĩ ngợi, cảm xúc về những điều trải nghiệm… Kết thúc: Ta lớn lên bởi kiếm tìm – kiếm tìm giờ đã cũ (Bài thơ cũ – Nguyễn Bình Phương). Dường như chẳng suy luận về một ý cụ thể – dễ bị bắt bẻ… mà suy tưởng về một điều gì khá trừu tượng, để ngỏ, gợi tìm… Thay đổi là tất yếu… Nhưng có hay là không, dám hay là không dám, nhanh hay chậm, được hay mất, ít hay nhiều… chẳng những phụ thuộc vào khách quan thời thế, mà còn phụ thuộc vào mỗi cá tính sáng tạo lẫn người tiếp nhận… Những nếp cảm, nếp nghĩ, quan niệm nghệ thuật, quan niệm triết mĩ, lối tư duy, trường liên tưởng, thói quen, bản tính, phong cách… mỗi người… thật chẳng dễ gì sớm chiều thay đổi… để có một cách viết khác, một cách đọc khác… Dường như Mai Văn Phấn cũng tự ý thức khi ông nói về người, về thơ mà nói cả với chính mình: “Mỗi bài thơ trong “nghịch đảo” mở ra trước mắt bạn đọc tựa bàn tay ấm áp, ân cần. Bàn tay ấy như ngọn lửa, hạt giống, như mầm cây tái tạo thế giới hỗn mang, đổ vỡ”. Tái hiện, tái sinh, tái tạo… như thế nào còn tùy vào tâm trí, tài đức, khí cốt… ở cả sáng tác và tiếp nhận từng thời… Tất nhiên, cả ở người sáng tác lẫn người tiếp nhận đều cần đồng điệu sáng tạo tương giao… Và Mai Văn Phấn mượn câu thơ trong bài Tan (tập thơ Nghịch đảo) của Vietor Rodriguez Nunez để thay lời kết bài viết nhỏ của mình: Những vẻ đẹp tái tạo toàn thể – Đang dần hiện ra[4]. Sự chuyển giao hệ thi pháp của thơ Việt, theo Nguyễn Vũ Tiềm, có thể tóm tắt: Hệ thi pháp cũ: Kể – tả – suy luận – kết thúc đóng (nghiêng về cổ vũ động viên). Hệ thi pháp mới: Nghĩ – cảm – suy tưởng – kết thúc mở (nghiêng về chia sẻ nỗi niềm). Theo Đỗ Lai Thúy, Thơ như là mỹ học của cái khác… Người làm thơ và người đọc thơ, cùng hy vọng, cái mới, cái khác mang lại được những ý tưởng sâu sắc mới lạ, những hình ảnh hình tượng lung linh ảo diệu, những thanh âm vọng ngân trong mắt… được tự nhiên mặc sức phô bày trong bầu trời tự do – vương quốc tưởng tượng của thơ ca… góp nguồn sống, vẻ đẹp, sinh lực… cho đời, cho cõi người, cõi thơ… Nhiều nhà văn, nhà phê bình, nhà báo và các dịch giả trong và ngoài nước đã tiếp cận – thưởng ngoạn – phân tích – giải mã… về những tác phẩm của Mai Văn Phấn. Liệu ông có mới, có khác, có gợi mở… để góp phần tạo nên diện mạo mới tươi tắn, sinh động, tự nhiên… của thơ ca đương đại Việt. Chờ tấm lòng – bàn tay tiếp nhận ở bạn và tôi…

 

Milutin Đuri Kovic là một trong những người tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá về “hiện tượng” Mai Văn Phấn. Đây là một cách nói khá tổng quan trong bối cảnh Văn học so sánh – Toàn cầu hóa mang tính đương đại: “Thơ Mai Văn Phấn là nơi giao thoa của những tinh hoa nhân loại (Đông và Tây), văn hóa và văn minh, lịch sử và huyền thoại, những trải nghiệm và sự nhận thức về thế giới. Là một học giả thông thái và một nhà thơ nhạy cảm tinh tế, thi ca ông phần lớn dựa trên nền tảng những xu hướng thi ca đương đại trên thế ới (J. Brodsky, J. L Borges), Mai Văn Phấn đã cho thấy nơi ông một sự trữ tình uyên bác, một họa sĩ của thiên nhiên, một người am tường sâu sắc cuộc sống con người và một kẻ giang hồ với hàng loạt các thông điệp, ý tưởng và định nghĩa. Với lối thơ đa tầng và đa dạng, chủ yếu được viết dưới thể tự do nhưng bằng những dạng thức khác nhau, đã minh chứng rõ nhất ông là một tín đồ đích thực của nghệ thuật, của sáng tạo tự do và của tất cả sự liên hệ trong cuộc sống này”[5]. Trong hành trình ảnh hưởng – tiếp biến – vượt thoát – sáng tạo… của thi ca, quan niệm nghệ thuật – cảm thức thẩm mĩ – nội dung tư tưởng chủ đề – phương thức thể hiện… luôn thay đổi. Cho nên ở những nhà thơ tự ý thức, như Mai Văn Phấn, luôn muốn tạo phong phú các thể loại và dạng thức thơ theo nhiều phong cách khác nhau. Ông có những bài thơ câu dài và ngắn khác nhau. Chẳng hạn, hoa giấu mặt được gọi là thơ ba câu, dường như muốn định danh kiểu thức bài thơ tự do với cấu trúc ba câu như một thể loại mới trong thơ tiếng Việt đương thời. Như ta biết, từ thể thơ haiku xứ sở hoa anh đào dần chuyển sang dạng phái sinh khai mở haiku Việt miền sông nước Việt. Tất nhiên, cũng trên hành trình tiếp biến sáng tạo nhưng Mai Văn Phấn đã có một cách khác. hoa giấu mặt là dạng kiểu thức bài thơ tự do ba câu bằng 99 bài thơ hoàn chỉnh. Con mắt nghiêng là bài 99, và 99 phần được đánh số từ 1 đến hết tương ứng như một bài thơ ba câu nhất quán sinh động. Rõ ràng, không riêng gì hoa giấu mặt, nhà thơ thông thái có cái đầu biết yêu thương và trái tim biết suy nghĩ trong sự tích hợp văn hóa Mai Văn Phấn có những câu thơ tự nhiên giản dị mà cô đọng hàm súc gợi trường liên tưởng đến thơ haiku và thơ Viễn Đông.

 

Cái nhìn

 

Vũng nước nhỏ dưới chân núi

Soi

Tận đỉnh

 

Ấy là bài thơ mở đầu hoa giấu mặt. Mô tả hiện tượng Vũng nước nhỏ dưới chân núi như là điểm xuất phát. Hai hình ảnh xây dựng trên những cách truyền thống: cao – thấp, lớn – nhỏ, thực – hư, có – không… trong những đối sánh tạo khoảng cách, những chênh lệch tạo nghĩa. Ta đã từng gặp những dạng thức ao xưa – ếch nhảy, hoa đào – mây trôi – hồ nước, sợi tóc – mùa thu… trong thơ haiku Nhật Bản; giọt sương – mặt hồ, giọt sương – tia nắng – mặt trời… trong thơ R. Tagore. Và đến Mai Văn Phấn, trong tích hợp văn hóa, cổ điển xanh tươi đương đại, ta nhận ra dường như có một thông điệp lửng lơ đằng sau hai hình ảnh mang tính đối sánh tương quan – tương tác này… Tác giả mà đa thanh đa trị của chất thơ Mai Văn Phấn nằm trong trường liên tưởng triết mĩ nhân văn. Vũng nước nhỏ trong cuộc sống quanh ta, trong mỗi chúng ta… liệu có gọi về, có Soi được một Tận đỉnh nào hay không… Như vậy, không nhằm suy luận về hợp lý (tính hợp lý theo thành kiến) ngụ ở cái đối lập cao – thấp, lớn – nhỏ… mà là sự thông truyền một châm ngôn nghịch lý, ở Cái nhìn nằm chính ở lớp hình ảnh và liên tưởng hình ảnh. Ai cũng có cái nhìn từ bên trong… hướng vào chiều sâu bề cao nội giới – thuần túy tinh thần, thanh âm trong mắt… mang dạng thức ảnh – tại – ngôn – ngoại…

 

Thơ là vương quốc tưởng tượng từ hiện thực vốn có trên hành trình đi tìm – sáng tạo – lưu dấu cái đẹp. Đằm thắm tinh tế, triết lý mà trữ tình, trí tuệ mà cảm xúc… pha chút hồn nhiên hóm hỉnh trữ tình như trong bài Chiều tà:

 

Thiếu nữ lội qua suối

Mặt trời nhấp nhô mấy lần

Mới lặn

 

Ngày nay, ta thường nói hiện tượng đa tiếp nhận, đa tâm thế tiếp nhận… Dần thôi tâm thế định kiến (về thẩm mĩ, về chính trị), tâm thế độc thoại, tâm thế áp đặt… mà cần có – nên có – đang có và sẽ có tâm thế đón đợi cái mới. Lắng nghe, đối thoại, bình đẳng, biết tôn trọng… tạo nên bầu sinh quyển văn hóa đọc lành mạnh giàu giá trị nhân văn… Và lại mở ra những cái khác, cái mới…

 

(trích)

 

L.T.H

 

________________

[1] Nhà giáo Lê Từ Hiển, cựu giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Quy Nhơn.

[2] Milutin Đuric Kovic – Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của thơ (Nguyễn Thị Thùy Linh dịch từ tiếng Anh). Mục: Tác phẩm và dư luận, báo Văn nghệ số 8 (25–2–2017), tr.16

[3] Milutin Đuric Kovic, Tlđd, tr.16

[4] Mai Văn Phấn – Ánh sáng của quá nhiều bóng đen (Đọc tập thơ Nghịch đảo của Victor Rodriguez Nunez do Vũ Việt Hùng dịch, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2020), báo Văn nghệ 28 (10–7–2021), tr. 19.

[5] Milutin Đuric Kovic, Tlđd, tr.16

 

 

(Rút từ cuốn sách "Sinh thể thi ca... Thanh âm tâm hồn", NXB Khoa học Xã hội, 2021)

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị