image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Nhà thơ Phan Đăng bình 2 bài thơ “Viếng mộ ông bà” và “Ly rượu”

Nhà thơ Phan Đăng bình 2 bài thơ “Viếng mộ ông bà” và “Ly rượu”

 

 

Nhà thơ Phan Đăng

 

 

VIẾNG MỘ ÔNG BÀ

 

Thắp hương xong

Dựa lưng

Vào ngôi mộ bên cạnh

 

LY RƯỢU

 

Thắp hương cha

Tưới xuống đất

Thành tiếng

 

(Rút từ tập thơ "thả", Nxb. Hội Nhà văn, 2015)

 

Status, 22/2/2025:

 

 

Ta và người khác, khác nhau điều gì?

 

Với tôi, thật sự là hai bài “Viếng mộ ông bà” và “Ly rượu” gợi nên một sức suy tưởng đặc biệt. Tôi thường đi thăm mộ vào cuối năm, và cái khoảnh khắc nhập vào cuộc giao ngộ giữa thế giới người sống (là tôi) và thế giới người c.h.ê.t. (là những người dưới mộ) luôn khởi trong tâm trí tôi những ý nghĩ về cái sinh và cái diệt, về cái không sinh và không diệt trong mênh mang trời đất.

Ở bài “Viếng mộ ông bà”, hai chữ “dựa lưng” với tôi là một nhãn tự có tính đánh động. Trước khoảnh khắc “dựa lưng” người thơ thắp hương. Thắp hương ai? Thắp hương ông bà mình, thắp hương ngôi mộ nhà mình. Sau khoảnh khắc dựa lưng, người thơ như giật mình nhận ra, mình đang trú ngụ ở “ngôi mộ bên cạnh”, ngôi mộ nhà người khác. Giữa mình và người khác được đo bằng khoảng cách của 2 ngôi mộ - một sự thật rùng mình!

Trong cuộc đời này, ta đo sự khác biệt của ta với người khác bằng những thước đo nào? Bằng tiền tài, bằng nhà cửa, bằng quyền lực, bằng sự hiểu biết phải không? Nhưng có một sự thực là cả ta và người khác đều sẽ nằm dưới mộ. Sự khác biệt sau cuối và Vĩnh cửu của ta và người khác suy cho cùng chỉ là khoảng cách của 2 ngôi mộ, được đo bằng vài bước chân và một cái dựa lưng.

Vậy thì ăn thua nhau, sát phạt nhau, đố kỵ bon chen nhau để làm gì?

Cái nhãn tự “dựa lưng” trong những câu thơ trên có ý nghĩa thức tỉnh với riêng tôi. Nếu được gặp tác giả - người tôi chưa được gặp bao giờ, tôi sẽ gửi lời biết ơn ông về điều đó!

 

 

Status, 23/2/2025:

 

 

Ly rượu!

 

Ly rượu!

Đấy là tên một bài thơ của thi sĩ Mai Văn Phấn, bài thơ 3 câu gọn lỏn:

Thắp hương cha

Tưới xuống đất

Thành tiếng

Trong cảm nhận của tôi, hai chữ "thành tiếng" là một sự chuyển hoá, gợi ra những suy tưởng mênh mang vô cùng. Cái gì thành tiếng? Ly rượu. Trước khi thành tiếng, nó là cái gì? Nó chỉ là ly rượu, thứ được cảm nhận bằng thị giác. Còn sau khi thành tiếng, thị giác đã chuyển qua thính giác.

Bối cảnh của sự chuyển đổi này ở đâu? Ở mộ cha.

Thời gian của sự chuyển đổi này khi nào? Khi vừa thắp hương cha xong.

Ở trong cái không gian bảng lảng hương khói, khi người dương đối diện người âm, thị giác đã chuyển sang thính giác như vậy đấy. Nếu thị giác thoả mãn cái thấy hình tướng nhưng cũng cầm tù con người trong cái thấy hình tướng thì thính giác khiến con người vượt thoát khỏi hình tướng, mở ra những giao cảm vô tướng mênh mang.

Hình tướng của cha không còn nữa.

Hình tướng của ly rượu cũng không còn nữa.

Hình tướng của ngôi mộ cũng không còn nữa.

Hình tướng của khói hương cũng còn nữa.

Nhưng còn tiếng. Vang vọng tiếng. Giao cảm tiếng. Âm dương thành một, nhị nguyên thành nhất nguyên. Chỉ với hai chữ "thành tiếng" thi ca mở ra một chuyển đổi đột ngột trong tâm thức con người, từ thế giới này sang thế giới kia, và vượt qua cả sự phân biệt giữa thế giới này và thế giới kia là một sự nhập thể, nơi mỗi cá thể đều lớn hơn chính mình.

Viết đến đây, tôi thực sự nhớ đến Basho, với một tiếng kêu "bõm" mà ông để lại trong bài thơ haiku nổi tiếng nhất của mình:

Cái ao xưa cũ

Con ếch nhảy vào

Bõm!

Thiên tài Basho kết tinh ở bài thơ này, với một tiếng "bõm" vang vọng không thời gian, và vang vọng tâm thức con người. Cái ao xưa cũ ghi nhận một thế giới xưa cũ, mây trời xưa cũ, sông nước xưa cũ, đất sỏi xưa cũ, cây cối xưa cũ, côn trùng rêu phong xưa cũ. Tất cả đều xưa cũ đến tĩnh lặng. Con ếch bỗng nhảy vào cái ao, tức là nhảy vào thế giới xưa cũ, và đánh động thế giới ấy bằng một tiếng "bõm".

Với tiếng "bõm" ấy, thế giới xưa cũ động hơn hay càng tĩnh hơn? Thoạt nghe thì nó động. Nhưng nghe cho kỹ thì nó là cái động trên nền cái tĩnh, lấy động mà tả tĩnh. Ta cũng như con ếch, với một chút tiếng động trong vũ trụ tĩnh lặng mênh mông này. Ta tưởng là cái động ấy làm nên ta. Ta tưởng là cái động ấy tôn vinh ta. Ta tưởng là cái động ấy thay đổi được vũ trụ. Nhưng đi sâu vào cái động ấy, ta chợt nhận ra, nó chỉ là một tiếng rơi "bõm" hư ảo trong cái ao vũ trụ tĩnh lặng mênh mông.

Vậy thì con ếch ta ơi, ta không ghê gớm vĩ đại như mình tưởng đâu!

Trở lại với bài thơ Ly Rượu của Mai Văn Phấn, sau hai chữ "thành tiếng" biến dương vào âm, biến cá thể vào vọng thể, dường như cũng là một sự tĩnh lặng mênh mông như thế. Chữ nghĩa ở đây rất tĩnh. Các thi ảnh ở đây rất tĩnh. Chỉ có mỗi cái nhãn tự "thành tiếng" là tạo ra chút âm thanh, đó lại là tiếng của ly rượu, tức là những âm thanh có thể mang trong nó chút ít men say.

Kiểu âm thanh ấy không phá đi cái tĩnh, mà còn chếnh choáng nhập vào cái tĩnh.

Ta sống một cuộc đời ồn ào, rồi cũng để trở về cái tĩnh bản thể ấy mà thôi.

 

P.Đ

 

(Nguồn: Facebook Phan Đăng)

 

 

Nhà thơ, nhà báo Phan Đăng:

Phan Đăng, sinh năm 1984. Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2006. Anh là nhà báo tài năng, đồng thời là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc nhiều lĩnh vực. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có: Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, Trong đầu trí thức, 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, 39 đoản thiền để thấy... Gần đây nhất, 9/2024, Phan Đăng cho ra mắt hai cuốn sách: "39 câu chuyện cho tâm an" và "Tôi ngỡ tôi là người".

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị