Cây
Pà Ngàn
(Truyện ngắn)

Mai Văn Phấn
Gió từ rừng lùa về từng
đợt khô hanh, mang theo mùi mùn ẩm, ngai ngái của lá mục. Bầu trời xám tro, mặt
đất âm u như nơi đáy vực. Không gian nặng nề, như có điều gì đó vô hình đang
len lỏi qua từng ngõ ngách của bản làng. Một bà lão hé cửa, nhìn về phía rừng,
lẩm bẩm: "Gió ni lạ lắm... chắc cây Pà Ngàn sắp đổ lá trái mùa
rồi..." Bỗng có tiếng bước chân vội vã. Một bé gái, tóc rối bời, chân
trần lấm bùn, chạy về, vừa thở hổn hển vừa kêu to: "Anh A Dênh đưa
người lạ vô rừng rồi! Mang theo máy móc to lắm..." Bà lão
lặng người đi, vuốt vội mớ tóc bạc xõa ngang trán rồi lẩm bẩm: "Chớ có
đụng vào rừng. Chớ có đụng vào cây ấy…” Bà ngó mãi về phía rừng, nơi bóng
tối đang trườn lên nền trời. Bà lắc đầu, muốn quay đi mà mắt cứ dán chặt vào
cái bóng đen ấy.
Cuối bản Pa Dưng, trong căn nhà sàn của bà Y
Lơi – mẹ A Dênh – bếp lửa giữa nhà vẫn
âm ỉ như chưa bao giờ tắt. Trên vách, gần mái nhà, một cái giỏ tre đựng mấy
miếng trầu rừng, nơi trú ngự của linh hồn tổ tiên. Sáng nào bà Y Lơi cũng dậy
sớm, bày lên bàn thờ một chén rượu, vài bông hoa rừng. Bà cầu xin tổ tiên và thần
linh phù hộ cho A Dênh được mạnh chân vững dạ, cho người bản không ốm đau, suối
không cạn nguồn, mùa màng tươi tốt. Khói bếp bám dày thêm lớp bồ hóng trên mái,
mùi củi cháy hòa lẫn với hương hoa rừng, nồng đượm, thân quen.
Chiều hôm đó, A Dênh trở về sau một ngày làm
việc cùng đoàn khảo sát. Trên vai là chiếc ba lô dính đầy bùn đỏ, anh ôm theo
những cuộn bản đồ lỉnh kỉnh. Vừa leo lên cầu thang, bước qua cửa sàn, A Dênh đã
nghe giọng bà Y Lơi vọng ra từ bếp: “Đừng có động vào cây Pà Ngàn, con nhé.”
A Dênh lặng lẽ đặt túi xuống, rót chén nước chè còn âm ấm. Giọng anh có chút
bướng bỉnh: "Mạ, bọn con mới chỉ khảo sát. Với lại thời buổi này ai còn
tin chuyện cây cối biết giận hờn nữa đâu mạ." Bà Y Lơi không đáp, ánh
mắt xa xăm như lo ngại.
Giây lát, bà cất giọng buồn buồn: "Mạ
từng thấy có năm cây rụng lá vào cuối mùa xuân. Một hôm sét đánh trên đỉnh đồi.
Một người đi rừng mất tích, mãi sau mới tìm thấy xác". A Dênh đặt chén
nước xuống, thở dài: "Mạ không hiểu đâu. Con chỉ muốn bản mình có cơ
hội. Cứ sống mãi như xưa thì sao khá lên được." Bà Y Lơi nhìn con,
giọng chắc nịch: "Mạ hiểu chứ. Nhưng rừng thiêng lắm. Cây ni che chở
bản mình đó con." A Dênh nhíu mày, giấu tiếng thở dài: "Cây
cũng chỉ là cây thôi mạ. Mình cứ tin mãi vào mấy chuyện trùng hợp thì bao giờ
cuộc sống mới thay đổi được?"
Bà Y Lơi lẳng lặng nhóm thêm mấy thanh củi
vào bếp. Gió không nổi lên, chỉ rì rào luồn qua vách nứa. Lòng bà nao nao, muốn
dằn xuống mà không được. "Hồi còn bé có lần con hỏi mạ: răng cây ni
sống hoài không chết? Mạ bảo: vì đó là cây thiêng, là vị thần của rừng
núi này, nên sẽ sống mãi".
A Dênh ngó xuống chén nước trên tay, lặng im
hồi lâu, rồi nói nhỏ: "Mạ nói rứa, con đâu dám cãi. Chiều nay, lúc bọn
con đo đạc gần cây Pà Ngàn, vòm cây bỗng nhiên xao động rồi lá rụng lả tả, dù
không có ngọn gió nào. Những chỗ vỏ cây nứt có nhựa túa ra, đỏ như máu, bọn con đứa nào cũng rợn tóc gáy."
Bà Y Lơi nhìn con trai, giọng chắc chắn như
rễ cây hoàng đàn bám chặt vào đá: "Rứa là bụng con bắt đầu biết lo rồi,
rứa là đã nghe được tiếng rừng."
A Dênh nhìn mẹ, rồi chậm rãi: "Nhưng
con cứ băn khoăn, nếu giữ cây thiêng thì lại mất cơ hội tốt."
Bà Y Lơi dịu giọng: "Rồi sẽ có cơ hội
khác, nhưng cây này chỉ có một thôi."
Gió từ rừng lại ùa về. Không chỉ luồng gió
khô hanh, mà lần này nó cuốn theo mấy chiếc lá mỏng manh trong suốt, lách qua
khung cửa sổ, rơi xuống ngay trước mặt hai mẹ con. Trong khoảnh khắc đó, dường
như mỗi người lắng nghe một tiếng nói vọng lên từ sâu thẳm lòng mình.
Tối đến, một nhóm thanh niên trong đoàn khảo
sát tụ tập ở nhà A Dênh. Tiếng cười nói, chuyện trò rôm rả, nhưng A Dênh không
rời mắt khỏi con đường mòn dẫn vào cửa rừng – nơi đoàn khảo sát mới dựng hàng
rào sáng nay. Lửa bập bùng trong bếp, ánh sáng chập chờn hắt lên vách nứa, như
khuấy động thêm những suy tư, khiến A Dênh thấy nôn nao đến lạ lùng. Câu chuyện
đang xoay quanh việc khảo sát, bỗng chuyển sang sự kiện cây Pà Ngàn đột nhiên
rụng lá, túa nhựa đỏ sáng nay. Một thanh niên trong nhóm bỗng hỏi: "A
Dênh có tin cây Pà Ngàn có linh hồn không?" A Dênh im lặng, đôi mắt
vẫn dõi về phía cánh rừng. Câu hỏi chạm đúng điều anh muốn né tránh.
Lát sau, anh chậm rãi: "Mình không
chắc. Nhưng có lúc mình cảm thấy cây ấy có gì rất lạ. Cảm giác như nó đang lưu
giữ mọi câu chuyện của đất đai, của bản làng mình." Chiến – một kỹ sư
khảo sát của đoàn – đặt ly trà xuống, khuôn mặt trầm tư. Anh nhìn vào những tàn
lửa, giọng chậm rãi: "Chiều nay, tớ đo địa từ trường gần gốc cây, đột
nhiên bị mất tín hiệu". Anh ngừng lại vài giây như cân nhắc, rồi tiếp:
"Ban đầu tớ nghĩ là do thiết bị lỗi, nhưng khi kiểm tra lại thì máy
hoạt động bình thường. Cả khu vực xung quanh tín hiệu vẫn ổn định, chỉ riêng
khoảng hai mươi mét quanh gốc cây như có thứ gì đó ngăn sóng. Thử đi thử lại
vẫn không có tín hiệu, tớ đành thôi. Cũng không tìm ra được nguyên nhân."
Cả nhóm im lặng. Cảm giác bất an lại dấy lên trong lòng A Dênh. Anh nhìn những
người bạn xung quanh, những khuôn mặt đượm vẻ ngạc nhiên. Bất giác, anh thốt
lên: "Mình nghĩ có lẽ cây Pà Ngàn không chỉ là cây. Có gì đó rất linh
thiêng ẩn trong lòng nó." Trong mắt mọi người thấp thoáng vẻ hoài
nghi. Ngay cả Chiến, vốn tin vào lý lẽ, cũng thấy như đang đứng trước một điều
không sao giải thích nổi.
Đêm đã khuya, mọi người đứng dậy ra về. Một
cơn gió nhẹ thổi qua, làm những cành cây ngoài vườn xao động. A Dênh cảm thấy
có điều gì đó sắp sửa thay đổi, không chỉ với anh mà còn với bản làng này.
*
Hồi đầu tháng Ba, khi sương còn bảng lảng
quanh triền núi, đoàn khảo sát từ Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng
xuất hiện ở bản Pa Dưng. Họ mang theo đủ thứ thiết bị lạ – máy đo địa từ
trường, thiết bị đo các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, những ống nghiệm ghi mã
hiệu – với mục đích lập bản đồ sinh học vùng Thạch Linh, tiền đề cho việc quy
hoạch hàng chục hecta rừng để xây dựng tổ hợp biệt thự, sân golf và tuyến cáp
treo. Tuyến cáp treo sẽ nối thung lũng Cỏ May với dãy đá Cổ Linh, chạy qua khu
rừng nguyên sinh, dẫn đến chân thác nước tuôn đổ từ vách đá dựng đứng, trước
khi tiếp tục hành trình đến hồ nước rộng xanh biếc, là những thắng cảnh dự kiến
dành cho du lịch. Đi cùng đoàn khảo sát là A Dênh – người con của bản Pa Dưng,
và là một kỹ sư môi trường. Lần này anh về vì công việc chuyên môn, mang theo
những trăn trở của một người sinh ra và lớn lên ở nơi này, giờ phải đối diện
với sự đổi thay của nó.
Pa Dưng là một
bản nhỏ ở miền núi Trung bộ, nằm nép mình dưới chân dãy Thạch Linh hùng vĩ –
nơi rừng nguyên sinh trải dài đến tận chân trời và thung lũng quanh năm sương
mù bao phủ. Những nếp nhà sàn lợp mái cọ xếp dọc theo con suối lớn, ngày đêm
róc rách, hòa nhịp cùng hơi thở của núi rừng. Cách biệt với phố thị ồn ào, bản
này vẫn giữ được nét nguyên sơ: nơi con người sống dựa vào rừng, và rừng – lặng
lẽ mà bền bỉ – vẫn chở che, nuôi dưỡng con người.
Ngay đầu bản, Cây Pà Ngàn hiện
lên như một cột mốc thiêng liêng. Thân cây cao vút, gốc lớn đến mức ba người
trưởng thành ôm không xuể. Chùm rễ của nó trồi lên khỏi mặt đất, như những cánh
tay gân guốc, thô ráp, vững chãi, bám chặt vào đất mẹ. Chưa ai từng thấy một
loài cây nào như thế. Từ đời này sang đời khác, người Pa Dưng vẫn gọi nó bằng
cái tên đầy kính cẩn: “Cây Điềm báo”.
Thường thì vào tiết Đông Chí, cây bắt đầu
rụng lá. Những chiếc lá mong manh rơi xuống, trong suốt như cánh ve sầu sau khi
lột xác, chỉ cần chạm nhẹ là vỡ. Già làng thường nói: "Cây rụng lá đúng
mùa là mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nếu trái mùa, ắt là điềm chẳng
lành." Dân bản đã từng chứng kiến có năm giữa mùa hè oi ả, lá cây bỗng
dưng trút xuống, từng đợt, rồi đàn dơi đen kéo về, kêu rền rĩ suốt một tuần
liền. Không lâu sau, người trong bản bắt đầu ốm la liệt. Lại có năm, lá rụng
vào đầu mùa thu, chỉ hai ngày sau, lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về, cuốn trôi
cả bãi bắp ven suối, kéo theo mấy mái nhà sàn. Không ai lý giải được nguyên do.
Mỗi lần lá rụng trái mùa, dân bản lại tụ về
bên gốc cây Pà Ngàn. Họ đứng thành vòng tròn quanh gốc cây, đàn ông phía trước,
phụ nữ và trẻ nhỏ phía sau, ai nấy đều trang nghiêm, kính cẩn. Già làng ra hiệu
cho hai chàng trai khỏe mạnh đặt lễ vật dưới gốc cây: một con lợn, hai con gà,
một ché rượu cần, một mâm xôi. Khi mặt trời khuất sau đỉnh núi, già làng đứng
giữa vòng người, cất lời khấn cho mọi người cùng nghe: "Ơi Giàng trên cao, ơi thần rừng, thần suối,
linh hồn tổ tiên! Cây Pà Ngàn là mạch sống của bản ta. Xin giữ cho nước không
cạn, rẫy không cháy. Người không đau ốm, thú dữ không về. Xin cho con cháu bản
làng được mạnh khỏe, mùa màng được đủ đầy." Khi già làng khấn xong,
mọi người cung kính nhìn lên cây Pà Ngàn, lẩm nhẩm những lời cầu khấn của riêng
họ. Sau đó, già làng uống một ngụm rượu từ chiếc ché, rồi mọi người cùng uống
theo vòng tròn tôn ti trật tự. Trai tráng nổi cồng chiêng, dưới ánh lửa bập
bùng, thanh niên nhảy múa thành vòng tròn, những vũ điệu dâng lên cây thần lời
ca tụng. Dân bản cùng nhau uống rượu cần, ăn xôi nếp, kể chuyện tổ tiên, chuyện
những mùa rẫy cũ, chuyện rừng thiêng đã bao đời che chở bước chân người đi
rừng, giữ hồn bản làng không lạc mất. Buổi sáng hôm sau nghi lễ đó, Già làng
cùng mấy người cao tuổi khác ra gốc cây Pà Ngàn quan sát, nếu lá cây hôm trước
đổi màu trong suốt rơi rụng mà hôm sau hồi lại màu xanh lục ngọc, không rụng
thêm nữa, thì năm ấy tai họa sẽ không giáng xuống, hoặc sẽ được giảm nhẹ đi
nhiều. Nhưng nếu lá vẫn tiếp tục rụng xuống, thì cả bản phải tích trữ lương thực
thực phẩm, gia cố nhà cửa, tránh đi xa để đề phòng điềm báo.
*
Tối ấy, nhà cộng đồng bản Pa Dưng sáng đèn từ
sớm. Dân làng kéo đến đông đủ, đại diện đoàn khảo sát cũng có mặt. Trưởng bản Hồ Ai đứng lên, vẻ mặt nghiêm nghị. Ông đưa mắt
nhìn khắp lượt mọi người, rồi cất giọng chậm rãi: "Thưa bà con, bản
mình sống nhờ rừng. Nay có đoàn phố lên, nói phá rừng chặt cây để làm dự án.
Cái chi chưa ưng bụng, xin bà con nói ra cho rõ".
Già làng M’Liêng phát biểu trước tiên, giọng
cương quyết: "Tui đã thấy rồi. Lá cây Pà Ngàn bắt đầu rụng, trái mùa
đấy. Năm ngoái cũng rứa, rồi lũ về, trôi rẫy, mất người. Chừ mà còn đụng tới
cây ni nữa, là thần linh không tha mô!"
Một kỹ sư trong đoàn khảo sát lên tiếng, giọng
ôn tồn: "Thưa bà con, tụi cháu vô đây để khảo sát, làm dự án để đưa
khách du lịch về, mong giúp bản làng đổi mới, cuộc sống của bà con mình sẽ no
ấm hơn, vui vẻ hơn."
Một trai bản bật lại, giọng nghèn nghẹn: "Đổi
mới mà rừng không còn, thì sống kiểu chi? Khách vô ngắm cảnh, mà cảnh ở mô nếu
rừng không còn?"
Trưởng đoàn khảo sát nhíu mày, nhưng giọng
vẫn điềm tĩnh: "Thưa bà con! Đây là dự án có quy hoạch hợp lý, không
phải phá hết cả khu rừng. Dự án này đã
được tính toán cẩn thận. Nếu giữ nguyên như cũ, thì cả vùng ni cứ nghèo hoài
thôi!"
Một phụ nữ trung niên đứng dậy, nói thẳng
băng: "Giàu chưa thấy mô, mà rừng mất là mất hết!"
Anh kỹ sư lại lên tiếng, lần này lộ vẻ bực
bội: "Thưa bà con, dự án này đã được trên phê duyệt, cũng là để bà con
ta được đổi đời. Dự án sẽ tạo ra nhiều công việc mới cho dân bản ta có thu nhập
ổn định, sẽ mang điện nước về tận bản, sẽ xây trường lớp đàng hoàng cho các
cháu đi học, và còn nhiều lợi ích khác nữa. Cuộc sống hiện đại đó cây rừng có
linh thiêng cũng không mang lại được cho bà con đâu."
Già làng ngắt lời: "Rừng này là mạng
sống của chúng tôi đó, chặt cây phá rừng là không được đâu."
Bà Y Lơi tiếp lời: "Tương lai mà chặt
cây, san rừng, thì bản ni không cần đâu! Các anh hiểu chi về rừng? Cây Pà Ngàn
cắm rễ sâu vô lòng bản ni từ đời cha ông chúng tui. Nó là mắt của trời, tai của
đất đó!"
Trưởng đoàn khảo sát lúng túng nói: "Tụi
tôi chỉ làm công việc khảo sát theo chỉ đạo của cấp trên, có văn bản giấy tờ
đàng hoàng, chứ có làm gì sai đâu!"
Tiếng xì xào nổi lên. Một người đàn ông bản
đứng phắt dậy, giọng gằn chắc: "Tui không biết giấy tờ của mấy anh ra
răng, nhưng cây Pà Ngàn là cột sống bản ni. Mấy anh mà đụng tới, thần rừng nổi
giận, thần trời cũng chẳng để yên mô!"
Tiếng củi lép bép cháy trong đống lửa giữa
nhà hòa vào tiếng người tranh luận khiến bầu không khí như sôi lên. Giữa lúc
căng thẳng, A Dênh đứng lên. "Bà con nghe cháu nói một lời. Cháu là
người bản mình, nhưng cũng làm việc trong đoàn khảo sát. Trước cháu cũng nghĩ
như mấy anh – bản ta cần đổi mới. Nhưng mấy bữa ni, khi tới gần cây Pà Ngàn,
cháu thấy nó như người. Như đang thở, đang nhớ, đang đau. Máy móc đo không nổi,
nhưng cháu cảm nhận được – cây đó giữ hơi thở rừng, giữ hồn vía bản mình."
A Dênh nhìn vào mắt trưởng đoàn khảo sát: "Chúng ta khảo sát, nhưng không
dò được hồn của đất đai. Bản ni nghèo thiệt, nhưng chưa bao giờ đánh đổi đất
rừng lấy quyền lợi. Dân bản ni mà không thuận, rừng cũng không chịu, thì
dự án làm sao mà thực hiện được"
Dân bản vỗ tay râm ran. Trưởng đoàn tháo cặp
kính xuống, đưa tay lau nhẹ, rồi chậm rãi nói: "Nếu bà con nhất quyết
giữ rừng, thì tụi tôi sẽ báo cáo lại với Ban quản lý dự án."
Đám đông giải tán. Trên đường về, A Dênh đi
ngang qua gốc cây Pà Ngàn. Anh dừng lại, chạm tay vào thân cây. Điều gì đó lạ
lắm, như có một sức hút kéo anh lại. A Dênh đứng lại hồi lâu, rồi mới lặng lẽ
bước đi.
*
A Dênh tựa trán vào khung cửa sổ nhà sàn, mắt
không rời khỏi mảng tối đặc quánh của cánh rừng đêm. Gió lạnh bất ngờ lùa về, xuyên
qua tấm áo mỏng. Anh rùng mình, và trong giây lát, anh thấy mình nhỏ bé đến lạ,
như một chiếc lá vô định, lạc giữa đáy thung sâu. Lòng anh dậy lên nỗi lo lắng
mơ hồ, day dứt. Nó thôi thúc anh quay lại gốc cây thiêng. Dưới ánh đèn pin, anh
thấy một vết nứt nhỏ giữa thân cây lộ ra lớp gỗ đen tuyền, ánh lên lấp lánh như
phủ một lớp tinh thể. Những giọt nhựa màu đỏ như máu chảy thành dòng ngoằn
ngoèo xuống tận gốc cây. Khi A Dênh cúi sát hơn, một luồng gió nổi lên, cuốn
theo những chiếc lá trong suốt xoay vòng quanh anh. A Dênh có cảm giác mình
đang đứng trước một thực thể sống – một trung tâm phản hồi sinh học.
Đêm ấy, A Dênh mơ thấy mình trở lại thời thơ
ấu, nắm tay một cụ già tóc trắng như mây, dáng người gầy guộc nhưng ánh mắt
sáng rực, nụ cười hiền từ như đã thân quen với anh từ lâu lắm. Cụ già dắt anh
đi dưới những vòm cây xanh mướt, ánh sáng nhẹ nhàng chiếu lên con đường đầy hoa
cỏ lạ. Giọng cụ trầm trầm: "Hãy cố giữ lấy rừng con ạ. Rừng là linh hồn
của đất đai, của tổ tiên." A Dênh ngước nhìn những tán cây xòe rộng,
vươn lên rồi đan cài vào nhau như mái nhà. Trong ánh sáng mờ ảo, anh thấy mình
đang đứng giữa chốn linh thiêng, nơi hơi thở của thần linh và tổ tiên hòa vào
hơi thở của rừng. A Dênh choàng tỉnh, trái tim đập mạnh như tiếng cồng tiếng chiêng
từ buổi lễ cây thần.
*
Đêm trước khi đoàn khảo sát rút đi, rừng bỗng
trở mình. Gió thốc từng đợt. Không còn là luồng khô hanh thường thấy, mà nồng
nàn hơi nước, ngai ngái hương lá mục – như hơi thở sâu của khu rừng vừa thức
dậy.
Dưới gốc cây Pà Ngàn, nơi đoàn khảo sát lắp máy
đo đạc, các thiết bị tiếp tục ghi nhận những tín hiệu bất thường. Máy đo địa từ
trường liên tục dao động ngoài ngưỡng bình thường, còn cảm biến đo hợp chất hữu
cơ dễ bay hơi phát ra cảnh báo, đèn đỏ nhấp nháy. Các kỹ sư lặng người nhìn vào
hệ thống thiết bị. Rồi cơn dông kéo tới. Sấm sét vang rền, xé toạc tầng mây dày
đặc. Ánh chớp quét ngang bầu trời, chiếu rõ từng chùm rễ như những cánh tay ôm
ghì lấy đất. Một kỹ sư trẻ thốt lên: “Cây này đang phản đối chúng ta".
A Dênh kéo cậu ta lùi lại. Trong
khoảnh khắc sấm chớp ấy, anh nghe như có tiếng nói dội lên từ gốc cây: “Hãy
dừng lại.”
Sáng hôm sau, trong khi đoàn khảo sát chuẩn
bị lên đường, A Dênh chỉnh lại quai ba lô, bước tới giữa sân lán, giọng anh ấm
áp: "Cảm ơn đoàn mình đã lắng nghe ý kiến của dân bản. Tôi đã xin phép
trưởng đoàn ở lại bản ít hôm để nghiên cứu thêm nên không đi cùng đoàn."
Anh bắt tay từng người, rồi quay bước, khuất dần trên con đường dẫn về bản.
Về đến nhà, A Dênh thấy
mẹ, bà Y Lơi, đang ngồi chờ anh dưới chân
cầu thang. Bà nhìn anh, ánh mắt như đã thấu tỏ mọi điều. Hai mẹ con cùng hướng
về phía khu rừng, nơi vầng trăng vừa lên, ánh bạc lặng lẽ phủ lên những tán
cây, tựa một lớp sương mỏng phát quang.
Vài tháng sau khi đoàn
khảo sát rút đi, vào một đêm không trăng, lá cây Pà Ngàn bỗng sáng lên, màu
xanh lục ngọc dìu dịu. Dân bản hò nhau mang cồng chiêng, ché rượu cần ra gốc
cây, họ uống rượu, nhảy múa mừng vui như ngày hội. Các già
làng nói rằng lá cây phát sáng là điềm lành trăm năm mới có một lần, chắc chắn
cây thần sẽ phù hộ cho dân làng giữ được cánh rừng, và ban cho họ nhiều may
mắn. Quả nhiên, vài hôm sau, A Dênh nhận được thông báo dự án đã bị đình chỉ để
nghiên cứu lại quy hoạch, có thể sẽ dời sang địa điểm khác.
(Đăng tạp chí Cửa Biển, số 7 (249) bộ mới - 5/2025)






