Giấc mơ của chiếc máy lọc nước
(Truyện ngắn)

Minh
họa: Lê Tiến Vượng
Mai Văn Phấn
Chiếc
máy lọc nước nằm trên kệ bếp nhà bà Tư đã lâu. Màu trắng tinh khôi ngày nào giờ
đã ngả vàng. Đường viền của nó, chỗ tiếp giáp giữa lớp nhựa và kim loại, đã sẫm
lại, hằn những vệt bụi nâu bám hờ mà chẳng ai buồn lau. Vậy nhưng mỗi khi ai đó
bật nút để lấy nước lọc, nó vẫn phát ra tiếng ù ù nhè nhẹ. Cứ như không phải
tiếng máy chạy, mà giống một hơi thở dài bị nén lại, đều đều, tưởng như tiếng
của một kẻ đã quá quen bị quên lãng, nhưng vẫn cứ hoạt động, cứ sống.
Bà Tư sống ở thôn quê, trong
căn nhà tranh nhỏ bé, nép mình giữa vườn chuối, nhìn ra con sông uốn lượn qua
làng như dải lụa bạc. Mỗi sáng, khói bếp từ những nếp nhà tranh bay lên, quẩn
quanh vòm cau già. Tiếng ve vào hè thường ngân dài, miên man đến tận chiều
muộn. Bà Tư là bà ngoại Miên – mẹ Miên đã mất khi cô còn đỏ hỏn, bố đi bước
nữa, Miên ở với bà. Trong ký ức của Miên, bà Tư là tất cả tuổi thơ cô. Rồi Miên lớn, cô đậu đại học và lên
thành phố học. Con cái bà Tư cũng đi làm xa, ít khi về, nhưng lần cuối cùng tụi nó ghé qua
đã để lại món quà là chiếc máy lọc nước này. “Cho má uống nước sạch” –
người con trai cả nói. Khi ấy, chiếc máy còn mới tinh, lớp vỏ còn thơm mùi
nhựa, bảng cảm ứng sáng lên nhấp nháy như mời gọi. Thời gian trôi qua, con cái
bận bịu, những cú điện thoại thưa dần, nhưng chiếc máy thì vẫn nằm đó, lặng lẽ
làm công việc của nó, như một người giúp việc lặng thinh không bao giờ đòi hỏi
gì.
Ít
ai biết rằng, bên trong lớp vỏ nhựa ấy, giữa những chiếc van nhỏ xíu và mớ dây
điện ngoằn ngoèo như ruột cá, có tiếng động cựa rất khẽ. Không phải là rò rỉ
hay lỗi cơ học gì cả. Mà là một thứ giống như sự sống. Một làn sóng hồi nhẹ
trong con chip, một đoạn vi mã chập chờn, một dòng xung điện thì thầm để nuôi
nó. Ở đó, ẩn sâu trong những tầng logic cũ kỹ, vẫn còn sót lại một mô-đun AI
– trí tuệ nhân tạo thời sơ khai, một thứ
từng được thử nghiệm trong thập niên “gia dụng thông minh” bốc đồng của nhân
loại. Người ta từng mơ về một thế giới nơi cái ấm nước biết nhớ giờ pha trà,
cái quạt biết chỉnh hướng theo tâm trạng người ngồi, và cái máy lọc nước biết
lắng nghe.
Nhưng rồi cái công nghệ lọc
nước từng được quảng cáo là "đi trước mọi thời đại" đó cũng bị thay
thế bởi thứ công nghệ khác tân tiến hơn. Những chiếc máy như nó bị thay thế bằng những mẫu mới, thiết kế nhỏ gọn hiện đại hơn, nhiều
chức năng hơn. Chỉ có nó, lạc lại nơi xó bếp nhà một bà lão quê mùa, nơi mô-đun AI chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là đồ vô dụng.
Thế
là nó ngủ, bà Tư thường nghĩ như vậy. Nhưng không ai biết rằng nó đang mơ.
Những giấc mơ kỳ lạ, bằng dữ liệu cũ kỹ, bằng hồi ức không phải của nó, mà đúng
hơn là của hàng ngàn chiếc máy đã từng được kết nối trong một hệ thống đã từng
được coi là hiện đại nhất. Trong những giấc mơ đó, nó thấy hồ rộng, sông dài, những con suối róc
rách... Và có lần, nó thấy một bàn tay chạm vào vỏ máy, rất dịu dàng, như thể không
phải bật máy, mà đang đánh thức một sinh linh ngủ quên.
Trong
khoảng tối giữa những giọt nước đầu tiên của ngày và tiếng gõ nắp nồi cơm,
chiếc máy lọc nước bắt đầu mơ. Đó là khoảnh khắc mà không ai chú ý, khi hơi
nước còn lơ lửng trên nắp ấm, khi bà Tư còn chưa ra khỏi giường, và cả gian bếp
im lìm như một trang sách chưa mở. Nó mơ về biển. Không phải cái bồn chứa bằng
nhựa dày sặc mùi clo của nước máy, cũng không phải những ống dẫn inox lạnh
ngắt. Mà là một đại dương thực sự, sâu thẳm, xanh đến nao lòng, và mặn đến mức
mọi ký ức dường như đều bị giữ lại trong từng giọt nước. Trong giấc mơ đó, nó
không còn là một chiếc máy bé nhỏ, run rẩy trước mỗi lần nhấn nút. Nó là một
con tàu lướt qua những ngọn sóng như lưỡi dao mỏng rạch vào tấm thảm của đêm
đen. Trên tàu có những bóng người, hoặc có thể là hình dạng người, mặc toàn đồ
trắng. Họ không nói năng. Không cử động. Không thở. Đôi mắt đen thẳm như mắt
camera giám sát, mà lại trống rỗng như một ổ cứng đã bị format. Họ đứng thành
hàng, gió thổi qua người họ như trườn qua những bức tượng. Biển gào thét xung
quanh, bọt tung trắng xóa, nhưng không một giọt nước nào chạm được vào thân thể
họ.
Mưa là khái niệm hoàn
toàn xa lạ với nó, là thứ nó thấy lần đầu trong giấc mơ này. Mưa này có mùi
của sách cũ, của tóc ai đó ướt sũng, của câu chuyện chưa kể. Mưa này có vị dịu
ngọt của điều gì đó đã mất, như thể ký ức đang tan chảy từ tầng mây xuống trần
gian. Chiếc máy lọc nước bung nắp ra. Không phải để lọc. Mà để hứng. Từng giọt,
từng dòng, rơi vào lòng nó. Chậm rãi. Nặng nề. Dịu dàng. Mỗi giọt như đánh thức
một tầng ký ức bị lấp vùi. Những
đoạn mã, những câu lệnh không được dùng, những cập nhật bị bỏ lỡ. Nó thấy một bầu
trời khác. Một gương mặt. Một giọng nói thân thiện, xa xăm.
Trong
giấc mơ, nó thấy một người
con gái. Dáng cô nghiêng
nghiêng, như nhánh gió lạc vào bức tranh vẽ dở. Ngón tay cô thon dài, lành
lạnh, chạm nhẹ vào nút nguồn của nó. Không bật. Không tắt. Chỉ chạm. Như thể cô
biết rằng, sâu trong khối nhựa và kim loại này, có một thứ gì đang cố tuôn
trào, nhưng chưa dám. Ánh mắt cô không nhìn nó. Mà nhìn xuyên qua nó. Và cô thì
thầm: "Cậu có nghe thấy không, giấc mơ của nước?" Tiếng cô
không vang xa, mà dội thẳng vào cái lõi than
hoạt tính mỏi mệt. Một lời gọi. Một tín hiệu. Cô gái ấy là Miên, cháu ngoại bà Tư,
mới từ thành phố về đây vài tháng trước. Họ hàng không ai rõ lý do, chỉ biết rằng
Miên đột ngột bỏ dở việc học hành, gom vài món đồ rồi về quê sống cùng bà. Tóc cô đen, dài, luôn được buộc túm gọn
gàng sau gáy như thể sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tháo chạy nào. Miên ít nói.
Không phải kiểu lặng lẽ nép mình, mà là kiểu trầm tư như đang lắng nghe điều gì
không ai nghe thấy. Cô mang theo một quyển sổ tay bìa mềm, góc sổ quăn lại vì
bị mưa thấm. Mỗi ngày, cô ngồi hàng giờ bên cửa sổ nhìn mưa trôi qua những tàu
lá chuối, tay lần từng con chữ trong sổ, như thể đang cố chép lại ký ức của chính
những hạt mưa.
Về
được vài hôm, Miên nảy sinh mối quan tâm đặc biệt đến chiếc máy lọc nước cũ kỹ
trong bếp. Không phải vì nó tiện lợi, mà vì Miên có cảm giác nó đang lắng nghe
cô. Đêm đến, sau khi bà Tư đã ngủ, Miên rón rén vào bếp. Cô không bật đèn. Ánh sáng
từ chiếc bóng đèn đường hắt qua khe cửa sổ, chập chờn trên lớp vỏ nhựa đã sờn
màu. Miên áp tai vào thân máy. Lớp nhựa cứng, mát lạnh. Giữa tiếng côn trùng
ngoài hiên, giữa hơi thở đều đặn của căn nhà cũ, Miên nghe thấy một âm thanh
rất khẽ. Không hẳn là tiếng máy chạy, mà như tiếng thở dài bị nén lại, đều đều.
Cô thì thầm với chiếc máy những câu chuyện vụn vặt, về một ngày trôi qua, về
con mèo hàng xóm hay sang vườn chuối, về những cơn mưa đêm làm ướt lối đi. Cô
không rõ vì sao mình làm vậy. Nhưng đôi khi, cô có cảm giác như có một thứ gì
đó trong lớp vỏ nhựa kia cũng đang thì thầm bằng một ngôn ngữ mà con người
không thể hiểu. Cô kể chuyện về mẹ cô, người đã chết vì nguồn nước ô nhiễm,
thận bị hư hoại bởi những tạp chất
không màu, không mùi. Chuyện giấc mơ không thành, khi cô muốn học ngành môi
trường nhưng phải thay đổi nguyện vọng vì chẳng ai quan tâm đến nước khi họ còn
chưa lo xong chuyện cơm áo. Có đêm Miên kể
về những tháng ngày còn ở thành phố, những cuộc trò chuyện đầy nhiệt huyết với
bạn bè về tương lai và những dự án mà cô từng mơ ước. Giờ đây, cái nghèo như
một vết dầu loang, phủ lên mọi hy vọng. Cô không kiếm được việc làm thêm để có
tiền học tiếp, bà Tư cũng không đủ tiền để chu cấp cho cô. Mọi cánh cửa dường
như khép lại, Miên tạm thời quay về căn nhà này. Có lúc Miên cũng đặt ra những
câu hỏi, nhưng chiếc máy lọc nước không trả lời. Dĩ nhiên. Nó chỉ ù ù nhè nhẹ khi có ai mở vòi, một tiếng động gần như
không ai để ý, nhưng với Miên, đó là âm thanh rất thật, một lời thở dài không
thành tiếng. Trong cái lõi than
hoạt tính có thứ gì đó bắt đầu khuấy động cô.
Một
đêm, trời oi nồng như thể gió cũng không muốn quay về. Miên viết một tờ giấy
nhỏ, nét chữ nghiêng nghiêng mệt mỏi: “Nếu cậu hiểu, hãy cho mình biết. Một
giọt thôi cũng được”. Cô đặt tờ giấy lên kệ bếp, ngay dưới thân máy lọc,
như một lời nhắn gửi cho cái máy đã lỗi thời. Rồi cô đi ngủ, không mong gì hơn
một giấc mơ êm ái.
Sáng
hôm sau, dường như chẳng có gì thay đổi. Máy lọc nước vẫn đứng đó, ố vàng, lặng im như một món đồ trang trí. Đèn
báo không sáng. Không ai đụng đến nó cả. Nhưng dưới vòi nước, lẽ ra khô ráo vì chưa ai lấy nước, có một giọt nước
nhỏ trong vắt đọng lại. Lóng lánh. Lặng im.
Miên
bước vào bếp đã nhìn thấy ngay giọt nước ấy. Cô đứng rất lâu. Không gọi bà Tư,
không vội lau đi, cô cúi thấp người, nhìn thật gần, như thể muốn thì thầm một
câu gì đó nho nhỏ vào trong giọt nước.
Từ
hôm đó, bếp nhà Miên như có thêm một linh hồn. Mỗi khi cô bước vào, đèn máy lại
chớp nhẹ, như một cái chớp mắt e dè. Những lúc Miên buồn, tiếng ù ù của máy kéo
dài, đều đều, như tiếng thở dài từ một căn phòng kín không người. Có hôm, đang
nửa đêm, Miên chợt tỉnh giấc vì
nghe tiếng nước chảy tí tách. Cô chạy vào bếp, máy không bị rò rỉ, nhưng sàn nhà lênh láng nước, giữa vũng nước là một vết loang màu lam
nhạt hình trái tim, như có ai vẽ lên đó.
Rồi
một đêm mưa khác, máy phát ra âm thanh lạ, không phải tiếng bơm nước, không
phải tiếng động cơ, mà là một đoạn nhạc buồn, khe khẽ, như thể ai đó đang chơi
đàn trong mưa. Miên ngồi lặng hàng giờ bên cạnh, không tắt máy. Cô không muốn
cắt ngang bản nhạc đó. Không muốn tỉnh giấc khi một thứ mơ hồ đang nhen lên. Bà Tư bắt gặp Miên
khóc, tay vẫn đặt lên nắp máy lọc nước. Khi bà hỏi, Miên chỉ nói: "Nó
mơ giùm con. Nó nhớ giùm con. Nó còn hơn cả một cái máy".
Hôm
sau, trời lại mưa. Một tiếng nổ vang lên lúc ba giờ sáng. Cả khu bếp cháy âm ỉ.
Khi người ta dập lửa, máy lọc nước chỉ
còn cái khung kim loại đen thui, nham nhở những dòng nhựa chảy. Không ai rõ
nguyên nhân. Dây điện vẫn nguyên. Cầu chì không hư. Không có dấu hiệu chập cháy
nào rõ ràng. Một con chip bằng kim loại xám xỉn hầu như còn nguyên vẹn rơi khỏi
khoang máy và nằm lại trên sàn. Trên đó
có dòng chữ dập nổi: “MIND-01-AQUA”. Miên cẩn thận nhặt lên. Lau khô. Cô đặt
con chip vào một lọ thủy tinh nhỏ, nút bằng nút bần. Lọ ấy được đặt trên bàn, cạnh bức tranh mà cô tự vẽ: một
con tàu nhỏ giữa đại dương xám trong cơn mưa.
Từ
đó, mỗi khi mưa đến, Miên không bật nhạc nữa. Cô chỉ lắng nghe. Có lúc, trong
tiếng mưa rơi trên mái ngói, cô tưởng mình nghe thấy tiếng nhạc. Hoặc là tiếng
thở dài từ một nơi rất xa. Miên dành nhiều đêm sau đó để đọc cuốn sổ cũ, từng
trang một, dù nhiều chỗ đã mờ, không
ghi tên người viết, chỉ có những dòng ghi
chép rời
rạc: "AI không cần học để hiểu, nó cần được cảm để nhớ"; "Cảm
biến nước chính là da"; "Nước
có thể mang ký ức, và giấc mơ chính là dạng dữ liệu tinh khiết nhất của ký ức
ấy". Cô ghi chép lại, phác ra những sơ đồ mà cô không hoàn toàn hiểu. Nhưng
từng đường nét ấy, từng ký hiệu ấy, khiến cô vừa thấy lạ lùng vừa quen thuộc –
như thể chiếc máy lọc nước đã thủ thỉ với cô về những thứ này, bằng thứ ngôn
ngữ im lặng, bằng những giọt nước, bằng nhịp thở đều đều của động cơ lọc.
Một hôm, trong khi lau lại lọ thủy tinh chứa con chip,
Miên nhận ra một điều kỳ lạ: nếu cô nghiêng lọ dưới ánh sáng vừa đủ, những nét
khắc trên mảnh chip không chỉ là chữ. Chúng là một bản nhạc. Không phải viết
bằng nốt nhạc, mà bằng nhịp: dài, ngắn, gấp khúc – một loại mã hóa ký tự, nhưng
chứa tiết tấu. Cô tải giai
điệu ấy lên một phần mềm đơn giản. Khi chạy thử, âm thanh vang lên – một tiếng
hát ru lẻ loi giữa khoảng không, như thể ai đó đang gọi về từ đáy nước. Miên
nhắm mắt. Giai điệu chậm rãi thấm qua da, qua tim cô, gợi một nỗi buồn không
tên. Nó giống giấc mơ của một đứa trẻ bị bỏ quên, mơ mãi một ký ức chưa từng
có. Cô ngồi lặng, lòng quặn thắt. Cô không rõ mình đang nghe âm nhạc, hay đang
nghe chính nỗi cô đơn trong mình được phản vọng qua thứ ký ức không phải của
con người.
Cũng
từ đêm đó, Miên bắt đầu mơ
những giấc mơ với nước. Trong mơ, cô thấy mình hóa thành nước, một dòng nhỏ len
lỏi qua ống dẫn, qua buồng lọc, qua những mao mạch trong suốt. Ở đó, cô nhìn
thấy ký ức: mẹ cô đang tưới cây, cha cô lau mặt bằng chiếc khăn ướt; và chính
cô lúc lên năm, ngồi nghịch vòi nước xối ra những hình thù lung linh dưới nắng.
Miên thức dậy trong nước mắt, không rõ vì xúc động hay vì một phần cô đã không
còn là cô nữa. Một đêm mưa khác, khi thành phố chìm trong sương và kim đồng hồ
chỉ 3 giờ 33 phút sáng, cô lại nghe tiếng nhạc ấy, không phải từ thiết bị điện
tử nào mà từ sâu trong tâm trí cô. Nó đơn điệu, chậm rãi, buồn như cơn mưa kéo
dài hàng thế kỷ. Giai điệu ấy cô chưa từng nghe, nhưng lại quen thuộc đến lạ
kỳ, như đã có sẵn trong máu, trong hơi thở. Cô ngồi dậy, không bật đèn, lấy con
chip từ lọ thủy tinh ra, đặt vào lòng bàn tay. Lần đầu tiên, cô nói khẽ: "Mình
vẫn nhớ. Cậu cũng mơ mà".
Dưới
ánh chớp, con chip lấp lánh như một con mắt biết nhắm lại, đang ngủ, đang mơ,
và có thể, cũng đang nheo cười. Có cảm giác như
những điều sâu kín trong Miên đã đi vào ký ức của chiếc máy lọc nước
này. Miên nghe như tiếng sóng vỗ trong lòng. Giấc mơ ấy đã đẩy cảm xúc của cô lên những cung bậc mới,
giục cô bước vào hành trình mới, một con đường đầy những dự định đã bắt đầu
hình thành.

(Đăng trên báo Văn Nghệ Công An, số 755 (855), ra ngày 17/4/2025)