Đôi
nét về thơ trẻ Việt Nam đương đại

Tranh của Lim Heng
Swee, Malaysia
Mai Văn Phấn
Khái
niệm về thơ trẻ từ lâu vốn thiếu sự thống nhất. Nó không chỉ được xác định qua
tuổi tác hay thời điểm bắt đầu sáng tác, mà còn bằng giá trị của tác phẩm, dấu
ấn cá nhân và khả năng sáng tạo vượt lên chính mình của tác giả. Thơ trẻ hiện
nổi bật bởi sự cách tân mạnh mẽ, đa dạng trong cách thể hiện. Các tác giả trẻ
không ngừng thử nghiệm hình thức và phương thức biểu đạt mới, phản ánh đời sống
đương đại cùng những trăn trở nội tâm. Kế thừa giá trị truyền thống và mở rộng
biên độ nghệ thuật, thơ trẻ đã tạo một diện mạo mới, đa dạng hơn trước đây. Tuy
nhiên, chính sự đa dạng này cũng đặt ra thách thức trong việc định hình phong
cách và bản sắc riêng của mỗi tác giả. Trong bài viết này, tôi sẽ nhìn lại quá
trình đổi mới của thơ Việt Nam đương đại gần bốn thập kỷ qua, tính từ thời điểm
Đổi mới (1986), qua đó so sánh điểm chung và khác biệt giữa các thế hệ, đồng
thời phác họa đôi nét đặc trưng của nền thơ trẻ ngày nay.
Trào
lưu cách tân trong thơ Việt Nam khởi từ năm 1986, đây là mốc giới quan trọng
trong lịch sử văn chương nước ta. Trào lưu này khai mở bằng "làn
sóng" thứ nhất, với sự xuất hiện của ba nhà thơ tiêu biểu là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh và Nguyễn Lương Ngọc. Các tác phẩm của
họ không chỉ tạo bước ngoặt trong diễn trình thơ ca đương đại, mà còn thoát ly
khỏi những khuôn mẫu truyền thống, mở ra một trường thơ rộng lớn hơn, đa chiều và
đa điểm nhìn hơn. Ngay sau đó, một "làn sóng" cách tân tiếp theo xuất
hiện với những nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân, Inrasara,
Trần Tiến Dũng, Đặng Huy Giang, Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn, Trần Hùng, Đinh Thị Như
Thúy, Đỗ Doãn Phương... Những tác giả này đã góp phần đổi mới diện mạo thơ
Việt, đặc biệt trong việc khai thác các chủ đề con người, xã hội, cùng những
vấn đề tâm linh và siêu hình. Tác phẩm của họ khai mở một thế giới nghệ thuật
đầy thử thách, làm thay đổi quan niệm cũ về sáng tạo thơ, đồng thời đưa thơ
Việt hội nhập thi đàn quốc tế.
Trào
lưu cách tân đó đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các nhà thơ trẻ đương
thời, tôi tạm gọi thế hệ này là làn sóng thứ ba. Làn sóng này bao gồm những nhà
thơ sinh từ thập niên 1980 trở về sau, những người đã tạo nên dấu ấn trong văn
học đương đại. Họ không ngừng khám phá, thử nghiệm và đổi mới, với những tên
tuổi tiêu biểu như: Vi Thùy Linh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Phong
Việt, Ngô Thị Thanh Vân, Từ Hồng Sơn, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lương
Kim Phương, Thy Nguyên, Đinh Trần Phương, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nguyễn Thị Hải,
Pháp Hoan, Ngô Thị Thục Trang, Khúc Hồng Thiện, Hoàng Anh Tuấn, Hà Thị Vinh
Tâm, Hồ Huy Sơn, Lương Đình Khoa, Phan Tuấn Anh, Kiều Maily, Trần Ngọc Mỹ, Đào
Quốc Minh, Bách Mỵ, Lê Hòa, Trần Võ Thành Văn, Nguyễn Nhật Huy, Lữ Thị Mai, Du
Nguyên, Lý Hữu Lương, Lê Nhi, Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Đức Phú Thọ, Nguyễn Thị
Kim Nhung, Nguyễn Nhựt Hùng, Lu, Nguyễn Thị Thùy Linh, Trương Công Tưởng, Lê
Văn Đồng, Viễn Hải, Ngô Gia Thiên An, Minh Anh...
Trong
số các tên tuổi trên, bốn nhà thơ cùng sinh năm 1980 gồm Vi Thùy Linh, Đoàn Văn
Mật, Nguyễn Quang Hưng, và Nguyễn Phong Việt đã để lại dấu ấn sâu đậm trong
làng thơ Việt. Đặc biệt, Minh Anh, sinh năm 2007, là tác giả trẻ nhất hiện nay,
từng giành giải A của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023
với tập thơ song ngữ Anh-Việt "Một ngày từ bên trong" (Nxb. Hội Nhà
văn, 2023). Sự xuất hiện của Minh Anh cùng những tác phẩm mới lạ của cô mở ra
không gian sáng tạo đầy hứa hẹn cho thơ trẻ đương đại.
Cả
ba "làn sóng" thơ sau Đổi mới đều góp phần quan trọng vào quá trình
thay đổi diện mạo thơ Việt đương đại. Nếu so sánh các nhà thơ trẻ thuộc làn
sóng thứ ba với thế hệ kế cận trước đó, có thể thấy dù có sự khác biệt về quan
niệm nghệ thuật, nhưng họ cùng chia sẻ những điểm chung đáng chú ý, đặc biệt là
tinh thần bứt phá, nỗ lực vượt khỏi các khuôn mẫu thơ truyền thống. Đội ngũ các
nhà thơ ngay sau Đổi mới đã nỗ lực thoát ly ảnh hưởng của thơ cũ, khai thác sâu
rộng cảm thức cá nhân và những giá trị phổ quát. Các thế hệ sau đó tiếp tục
phát huy tinh thần cách tân thông qua những thử nghiệm về cấu trúc, hình thức
và ngôn ngữ thơ, tạo những lối đi mới đầy cá tính sáng tạo. Cả ba "làn
sóng" đổi mới đều tập trung biểu đạt căn tính cá nhân và khám phá cái tôi
đa diện, phản ánh sự tương tác giữa cá nhân và cộng đồng. Điều này cho thấy thơ
Việt đương đại không chỉ là hành trình cách tân về hình thức mà còn mở
rộng biên độ cảm xúc và tư duy, tạo nên một dòng chảy đa sắc và đầy sức sống.
Tuy
nhiên, thế hệ nhà thơ trẻ đương thời có những điểm khác biệt so với thế hệ
trước đó. Nếu tư duy thơ của thế hệ các nhà thơ ngay sau Đổi mới biểu hiện qua
ngôn ngữ tượng trưng, hình ảnh siêu thực và ẩn dụ đa tầng, thì thế hệ nhà thơ
trẻ lại có cách viết đa dạng và linh hoạt hơn, kết hợp ngôn ngữ đời sống với
các yếu tố hiện đại, hậu hiện đại... Họ chủ ý bộc lộ cảm xúc trực tiếp, gần gũi
với đời sống thường nhật, qua đó tạo ra kết nối tức thời và sống động.
“Bù
nhìn làm cứ như chơi/ Lão nông cuốc mấy chân trời còn đau/ Tiểu sành đã hóa đất
nâu/ Hồn ông cha vẫn đội đầu nắng mưa”. Khổ thơ này của Nguyễn Thị Thùy Linh cho thấy chị đã phục
sinh, canh tân giá trị truyền thống trong bối cảnh nông thôn hiện nay, khiến
những biến chuyển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa trở nên sống động và
nhức nhối. Hoặc, như đoạn thơ này của Trần Ngọc Mỹ: "Làm sao chúng ta
thôi vội vã/ trùng trùng vòng xe chóng mặt/ nhích thêm vài chục xen-ti-mét/ có
chạm được bến bờ bên kia?", phản ánh sự hối hả và bồn chồn trong cuộc
sống hiện đại; thơ chị thường khơi gợi sự đồng cảm mạnh mẽ nơi người đọc, dẫn
dắt họ vào những suy tư sâu sắc và những khoảnh khắc tự vấn nội tâm.
Một
trong những cây bút xuất sắc nhất hiện nay là Đào Quốc Minh. Đoạn thơ sau minh
chứng cho khả năng phá vỡ khuôn khổ thế giới hiện thực của anh, tạo nên những
chuyển động phi lý đầy cuốn hút, khiến người đọc cảm nhận rõ nét sự giao thoa
giữa thực tại và giấc mơ. "ngọn nến lắt lay trên bàn hoa đã thắp/ nhưng
kỳ lạ làm sao làn gió hiu hắt cuối đông/ đã thổi tung chiếc hộp ra khỏi ô cửa
cũ/ bay về phía dải đất phù sa trồng đào phai.../ trong ánh nến sáng lập lòa.
của ngôi nhà bóng đổ..." (Tặng phẩm của mùa xuân). Những hình ảnh trên
dù mang vẻ bình dị đời thường, nhưng lại dấy lên cảm giác bất an, mơ hồ, đồng
thời làm nổi bật sự nghi hoặc khi mạnh dạn vượt qua các khuôn mẫu cổ điển. Thơ
anh mở thêm chiều kích suy tưởng, những chồng chéo giữa thời gian, không gian
và cảm giác, tạo nên cảm thức đa tầng, phồn sinh, đầy ẩn ý.
Tính
đại chúng của thế hệ các nhà thơ trẻ hiện nay nổi bật nhờ phong cách biểu đạt
giản dị và khả năng kết nối cộng đồng. Phần lớn họ sử dụng ngôn ngữ thời đại số
để phản ánh trực tiếp những vấn đề và cảm xúc trong đời sống, giúp thơ dễ dàng
tiếp cận và đồng cảm, đặc biệt với giới trẻ. Bên cạnh đó, họ tận dụng hiệu quả
các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ và tương tác, khiến thơ không chỉ là một
loại hình nghệ thuật mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống
tinh thần, đồng thời là phương tiện phản ánh thực tại xã hội và tạo ra ảnh
hưởng sâu rộng. Nhiều nhà thơ như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Phong Việt,
Trần Ngọc Mỹ, Thy Nguyên... đã thu hút một lượng lớn độc giả trẻ trên các nền
tảng xã hội, khơi gợi được sự đồng cảm từ những trải nghiệm cá nhân, giúp cho
thơ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đương đại. Trên các trang
mạng xã hội, ta dễ dàng bắt gặp những vần thơ của Thy Nguyên, trong đó có bài
thơ “Vàng Thu nghĩ về mẹ”: "Mẹ lần giở bồ thóc ẩm/ Tự biết đời đá ngủ/
Tự biết tầng lá thấp/ Tự biết cành cao xanh/ Ăm ắp bội sinh/ Nguyên lành tiếng
chim/ Gõ vào tiếc nhớ." Đây là khúc hoài niệm đầy day dứt, nơi tình
yêu và sự hy sinh thầm lặng của Người Mẹ được khắc họa qua những hình ảnh mộc
mạc, đời thường. Chính những hình ảnh ấy đã để lại trong lòng người đọc cảm
giác trân quý và nghẹn ngào, như một sự tri ân sâu sắc đối với tình mẫu tử.
Hay, đoạn thơ sau trong bài "Cảm ơn vì chúng ta đã từ chối nhau" của
Nguyễn Phong Việt: "Chúng ta cầm lên một thứ mà quá vội vàng/ nghĩ từ
đây sẽ tràn ngập tiếng cười nơi đuôi mắt/ nhưng cũng vì ngây ngô nên yêu thương
ấy chưa bao giờ đánh mất/ những hồn nhiên và nước mắt/ của chân thành…";
thơ anh tự nhiên như những lời tâm sự mà tràn đầy cảm xúc, biểu đạt những suy
tư, trăn trở từ trải nghiệm sống nên có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đồng cảm sâu
sắc trong thế hệ trẻ.
Tính
cá nhân và cộng đồng trong các nhà thơ trẻ hiện nay có những biểu hiện khác
biệt so với thế hệ các nhà thơ sau Đổi mới. Nếu thế hệ sau Đổi mới đặt mình
trong mối quan hệ với những khủng hoảng văn hóa, tinh thần và ý thức hệ, nỗ lực
tìm kiếm tiếng nói của cái tôi trong bối cảnh chung, thì thế hệ nhà thơ trẻ
hiện nay lại thể hiện xu hướng cá nhân hóa rõ nét hơn. Cái tôi không chỉ là
trung tâm sáng tạo mà còn là không gian riêng tư, nơi nhà thơ khai phá những
chiều sâu tâm lý, cảm xúc và trải nghiệm mang tính cá nhân độc đáo, ít bị ràng
buộc bởi các vấn đề cộng đồng hay ý thức hệ.
“Cơn
mưa/ trở nên tươi mới/ chiếc lá sắp rơi” (Cánh trăng, tr. 83), hay “Cầm lên
cánh hoa/ thả rơi/ thêm một lần nữa” (Cánh trăng, tr. 35). Bằng thể thơ
Haiku cổ điển, Đinh Trần Phương biểu đạt sự hồi sinh và làm tươi mới những giá
trị truyền thống qua lăng kính hiện đại, mang đến hơi thở mới, trẻ trung và
tràn đầy ánh sáng.
Dẫu
chủ yếu tập trung phản ánh những suy tư, trải nghiệm và cảm xúc riêng tư, nhưng
thơ trẻ hiện nay không tách rời các vấn đề xã hội, mà chú trọng hơn đến môi
trường, nữ quyền, và giá trị văn hóa. Thơ trẻ khác biệt ở cách thể hiện: gần
gũi đời sống, dễ tiếp cận, lối viết tự nhiên, trực tiếp, tạo sự kết nối mạnh mẽ
với độc giả. "thế giới này/ chúng ta đều như quả trứng/ đủ mạnh để bảo
vệ bên trong/ nhưng dễ bị vỡ nát" (Một quả trứng); khổ thơ ấy của Minh
Anh biểu đạt nhận thức sâu sắc về sự mong manh của con người và thế giới, nhấn
mạnh việc bảo vệ những giá trị tốt đẹp, trân trọng và gìn giữ một thế giới vừa
đẹp đẽ, vừa dễ bị hủy hoại.
“tôi
nằm yên nghe gió cuốn lá rơi trên đầu/ tôi nằm yên nghe lời thở than từ biển
cả/ dưới lòng đất sâu nước đang reo lên vui sướng/ có tiếng súng nổ đâu đó trong
rừng khô mùa thu/ và đâu đó tiếng dã thú kêu gọi cái ác trong lá mục.” (Thu). Những vần
thơ này của Pháp Hoan là những cảm nhận về đau thương, xung đột và sự khủng
hoảng trong thế giới ngày nay, nhưng vượt lên tất cả, chúng vẫn tỏa sáng niềm
hy vọng về một đời sống an bình, nơi tình yêu sẽ chữa lành mọi vết thương đau.
Thế
hệ sau Đổi mới tập trung vào canh tân ngôn ngữ và biểu tượng, đồng thời vẫn duy
trì sự trang trọng, nghiêm cẩn trong cấu trúc thơ. Những nhà thơ như Đặng Huy
Giang, Trần Anh Thái, Đinh Thị Như Thúy thể hiện tính tự sự, kết hợp với nhạc
điệu truyền thống, giữ gìn những giá trị thi ca cốt lõi. Trong khi đó, thế hệ
nhà thơ trẻ đẩy mạnh thay đổi, phá vỡ cấu trúc, mở ra thế giới thơ tự do, phóng
khoáng hơn. Họ không chỉ chú trọng đổi mới ngôn từ mà còn kết hợp thơ với các
loại hình khác như nghệ thuật thị giác, âm nhạc, mang đến những trải nghiệm mới
mẻ cho người thưởng thức. Sự linh hoạt và khả năng kết hợp đa thể loại này giúp
thơ trẻ khám phá và định hình những hướng đi mới trong nghệ thuật đương đại.
Thơ
Lương Kim Phương là một dẫn chiếu về thơ trẻ, với bối cảnh vừa phóng khoáng vừa
huyền ảo, nơi tình yêu và thiên nhiên hòa quyện trong một thế giới vừa lạ vừa
quen: "chỉ vẳng một hồ nước trong vắt dưới chân núi/ nụ hôn cuối/ trên
gương mặt đẫm sương đêm" (Đọc sách của người cũ). Ở đây, tác giả sắp
đặt các thi ảnh xa nhau, tạo ra những thanh âm để kết nối, dẫn dắt người đọc
vào những liên tưởng bất ngờ.
Động
lực sáng tác của thế hệ thơ trẻ hiện nay cũng khác so với thế hệ trước đó. Thế
hệ sau Đổi mới xuất phát từ nhu cầu tái định nghĩa con người, lịch sử và văn
hóa dân tộc. Với thơ trẻ, các tác giả tìm thấy động lực sáng tác từ những trải
nghiệm cá nhân trong một thế giới số hóa và toàn cầu hóa; thơ của họ tự nhiên
hơn và tự do hơn với nhịp sống hiện đại, phản ánh những cảm xúc tức thời, thể
hiện bản sắc riêng trong thời kỳ hội nhập. Chẳng hạn như những vần thơ sau của
Lữ Thị Mai: "nghe từ mây khói/ khe khẽ run trong vắt dấu hài/ bức tranh
ấy nào ai vẽ nổi/ dòng sông lặng lờ/ toan thở xanh sâu." (Vẽ); hay bài
thơ “Mưa đêm" của Lê Nhi: "Gào khan những giấc mơ đời/ Sét loé tia
bừng tỉnh/ Như reo như mừng ướt sũng/ Khoảng hư vô/ Sau mưa/ Bừng sáng bất
ngờ!". Cả hai tác giả đều truyền tải những trải nghiệm cá nhân một
cách tức thời, tự nhiên và mãnh liệt.
Về
ảnh hưởng và vị thế, thơ trẻ hiện nay có sự khác biệt đáng kể so với thế hệ
trước đó. Các tác giả trẻ không chịu sức ép phải cách tân triệt để như thế hệ
trước, mà phát triển độc lập, phù hợp với nhịp sống hiện đại. "anh nằm
co trong đống sách dày/ sách phủ lên mình anh/ tấm chăn chữ/ bụi phủ lên thân
anh/ phù phiếm thở/ em phủ lên thân anh/ một đoạn đường trăng/ trăng phủ thân
anh/ mười lăm năm.". Bài thơ "Thiên thanh" này của Nguyễn
Thị Thúy Hạnh cho thấy tư duy cách tân, kết hợp chặt chẽ giữa hình tượng và
triết lý. Mỗi câu thơ của chị chồng thêm một tầng nghĩa, câu sau như ôm lấy câu
thơ trước, nhưng điểm đặc sắc ở đây là bài thơ không bó lại như một cái kén, mà
mở ra sâu hút, vô tận vào bên trong. Khoảng "bên trong" ấy là quãng
thời gian mà tác giả đặt định, nhưng với người đọc đó là vùng ký ức thênh
thang, không biên giới.
Thơ
trẻ Việt Nam đương đại ngày càng hiện rõ diện mạo và tầm vóc trong đời sống
đương thời. Các tác giả đang tràn đầy nhiệt huyết, khao khát sáng tạo, khám phá
những vùng đất mới. Họ không ngừng thực hiện những thử nghiệm táo bạo, từ hình
thức biểu đạt đến chiều sâu nội dung, góp phần làm phong phú thêm bản sắc và mở
rộng thêm biên độ của thơ. Tuy nhiên, cốt lõi của văn chương không chỉ nằm ở sự
khác lạ hay sức lan tỏa nhất thời, mà quan trọng hơn là giá trị lâu bền của tác
phẩm - điều này chỉ thời gian và sự lắng đọng trong lòng người đọc mới có thể
minh chứng.
Thực
tế cũng cho thấy, văn chương chân chính luôn xa rời những "phong
trào" hay "đội ngũ" mang tính hình thức. Sự sáng tạo luôn đòi
hỏi tính nghiêm túc, niềm đam mê mãnh liệt và quá trình tích lũy tri thức, trải
nghiệm sống, cùng khả năng tự làm mới bản thân. Song song với nỗ lực cá nhân, sự thành công của một tác
giả đôi khi còn phụ thuộc vào "cơ duyên" - những cơ hội đặc biệt từ
cuộc sống riêng, sự đồng cảm của độc giả, hoặc sự công nhận đúng thời điểm từ
lĩnh vực văn học.
Trên
hành trình khẳng định mình, thơ trẻ Việt Nam rất cần những mối “duyên lành” để
tạo bước chuyển mình mạnh mẽ hơn. Hy vọng rằng những tài năng trẻ hôm nay sẽ
làm rạng danh thơ ca nước nhà, góp phần đưa văn chương Việt Nam vượt qua ranh
giới khu vực, ghi dấu ấn xứng đáng trên bản đồ văn chương quốc tế, như một
tiếng nói độc đáo, giàu bản sắc.
Hải
Phòng, 17/1/2025
M.V.P