Nói
thêm về thơ ba câu

Bìa tập thơ “Esto dijo una cabra” (Lời con dê) tại Tây Ban Nha
Mai Văn Phấn
Thơ
ba câu là một trong những hình thức ngắn gọn và cô đọng, xuất hiện trong một số
nền văn học. Dù giới hạn trong ba dòng, thể thơ này có khả năng biểu đạt súc
tích, giàu hình tượng và hàm chứa nhiều tầng nghĩa. Với đặc điểm ngắn gọn, thơ
ba câu vừa tạo không gian cho những hình ảnh tinh tế vừa mở ra những liên tưởng
phong phú, đôi khi mang tính triết lý, gây bất ngờ. Nhiều tác giả đã phát triển
thơ ba câu theo những cách thức riêng, phản ánh tư duy thẩm mỹ cũng như đặc
trưng văn hóa.
Bài
viết này điểm qua những thể thơ ba câu tiêu biểu từ truyền thống đến hiện đại
với nhiều tên gọi khác nhau, nhằm làm rõ sự đa dạng và sức sống bền bỉ của thể
thơ này tại Nhật Bản, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia Âu - Mỹ và Việt Nam.
Thơ
Haiku và Senryu của Nhật Bản
Nhật
Bản có truyền thống thơ ba câu, tiêu biểu là Haiku và Senryu. Cả hai thể thơ
đều ngắn gọn, súc tích nhưng khác nhau về sắc thái và mục đích biểu đạt. Haiku
(Bài cú), phát triển từ thế kỷ 17, bắt nguồn từ Hokku (Phát cú) trong thơ Renga
(thơ liên kết). Ban đầu mang sắc thái trào phúng, Haiku dần thấm đẫm tinh thần
Thiền tông, trở thành thể thơ cô đọng, tinh tế. Đại thi hào Matsuo Bashō (1644–1694)
đặt nền móng cho thể thơ này, được tiếp nối bởi Yosa Buson (1716–1784),
Kobayashi Issa (1763–1828), Masaoka Shiki (1867–1902)... Một bài Haiku truyền
thống gồm 17 âm tiết, chia theo nhịp 5/7/5, viết thành một hàng dọc. Đặc trưng
quan trọng của Haiku truyền thống là có "quý ngữ" (kigo) – từ hoặc
cụm từ gợi mùa trong năm. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 19, Masaoka Shiki
(1867–1902) đã cải cách Haiku, mở đường cho Haiku tự do (Jiyūritsu Haiku),
không nhất thiết phải có quý ngữ. Sang thế kỷ 20, các nhà thơ Hekigodō
Kawahigashi (1873–1937) và Ogiwara Seisensui (1884–1976) tiếp tục phá vỡ quy
tắc này, mở rộng thêm biên độ sáng tạo cho Haiku, nhấn mạnh tính tự do trong
cấu trúc, giúp thể thơ này phản ánh đa dạng hơn đời sống và tư duy hiện đại.
Senryū
cũng là thể thơ ngắn của Nhật Bản, có cấu trúc ba dòng với 17 morae (đơn
vị âm thanh, khác với âm tiết). Dù giống Haiku về hình thức, Senryū thiên về
châm biếm, trào phúng những điểm yếu của con người, trong khi Haiku tập trung
vào thiên nhiên và thường mang sắc thái nghiêm túc hơn. Không như Haiku, Senryū
không cần từ ngắt hay "quý ngữ". Thể loại này được đặt theo tên nhà
thơ Edo Karai Senryū (1718–1790), người đã phổ biến nó qua tuyển tập thơ 誹風柳多留
(tạm dịch: Phong cách trào phúng Yanagidaru). Đây là bài thơ tiêu biểu của Edo
Karai Senryū:
"Khi
tôi bắt được,
Kẻ
cướp,
chính
là con trai tôi[1]"
(Không
rõ người dịch)
Thể
thơ Senryū được du nhập vào Mỹ đầu thế kỷ 20 qua cộng đồng người Nhật ở Yakima,
Washington. Trong Thế chiến II, Senryū trở thành một hoạt động phổ biến trong
các trại tập trung người Mỹ gốc Nhật. Ngày nay, Senryū xuất hiện rộng rãi trong
các ấn phẩm tiếng Anh như Prune
Juice, Modern
Haiku, Frogpond
và World Haiku Review.
Thơ ba câu của Ý
Nói
đến thể thơ ba câu (tercet) của Ý phải nhắc tới "Thần khúc" của đại
thi hào Dante Alighieri (1265–1321). Tuy nhiên, thơ trữ tình Ý trước Dante, đặc
biệt là trong truyền thống Dolce
Stil Novo (Phong cách ngọt ngào mới), các nhà thơ Guido Guinizelli
(1230–1276) và Guido Cavalcanti (1255–1300) đã sử dụng những câu thơ ba dòng,
nhưng không nối vần liên tục. Phải đến "Thần khúc" (Divina Commedia), Dante Alighieri mới sử dụng thể thơ ba
câu kết hợp với cách gieo vần terza
rima, tạo nên một hệ thống nhịp điệu độc đáo và hài hòa. Đây là một
trong những sáng tạo thi pháp nổi bật của ông, góp phần làm nên vẻ đẹp hình
thức và cấu trúc chặt chẽ của sử thi này.
Terza
rima là một hình thức
gieo vần với mô thức aba, bcb, cdc, ded,..., tạo ra một dòng chảy liên tục,
khiến bài thơ phát triển nhịp nhàng, không bị gián đoạn. Dante đã sử dụng thể
thơ này xuyên suốt 100 khúc thơ (canto) của "Thần khúc", với tổng
cộng 14.226 câu thơ. Bên cạnh đó, các câu thơ trong "Thần khúc" đều tuân theo quy tắc mỗi câu có 11 âm
tiết , một đặc trưng phổ biến của thơ Ý thời Trung Cổ.
Ví
dụ dưới đây trích từ Inferno: Canto I (Bi khúc I, phần "Hỏa ngục")
minh họa rõ nét cách gieo vần của terza
rima. Tôi ghi thêm mô thức aba, bcb ở cuối mỗi câu thơ để bạn đọc tiện theo
dõi:
"Nel
mezzo del cammin di nostra vita
(a)
mi
ritrovai per una selva oscura
(b)
ché
la diritta via era smarrita".
(a)
"Ahi
quanto a dir qual era è cosa dura
(b)
esta
selva selvaggia e aspra e forte
(c)
che
nel pensier rinova la paura!"
(b)
Dịch
giả Đình Chẩn đã chuyển dịch hai đoạn thơ ba câu trên thành thơ lục bát biến
thể:
"Thời
gian vụt thoáng
nửa
đời
giật
mình
tôi
thấy mình rơi
hoang
rừng
Lạc
xa chính đạo hãi hùng
Ôi!
Thảm muôn trùng
khôn
xiết sầu thương!"
(Hỏa
Ngục. Bi khúc I, 1)
Ở
đây, ta thấy sự móc nối giữa các khổ thơ: âm vần ở dòng thứ hai của mỗi khổ sẽ
trở thành âm vần ở dòng đầu tiên và thứ ba của khổ tiếp theo. Điều này tạo ra
sự liên kết chặt chẽ giữa các đoạn thơ, giúp diễn tiến của câu chuyện không bị
đứt đoạn. Terza rima không chỉ là một sáng tạo thi pháp mà còn thể hiện
tư tưởng về con số 3 - một biểu tượng sâu sắc trong tác phẩm. "Thần khúc" được chia thành ba phần: Inferno
(Địa ngục), Purgatorio (Luyện ngục), Paradiso (Thiên đường). Mỗi phần gồm
33 khúc thơ, cùng một khổ thơ mở đầu. Cấu trúc aba, bcb, cdc của terza rima thể
hiện sự lặp lại nhịp ba, phản ánh học thuyết Ba Ngôi Thiên Chúa (Chúa Cha, Chúa
Con, Chúa Thánh Thần) trong Kitô giáo. Thể thơ ba câu cùng với cách gieo vần terza
rima là một thành tựu rực rỡ của Dante trong "Thần khúc".
Thơ ba câu của Thổ Nhĩ Kỳ
Trong
văn học truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ, không có thể thơ nào bắt buộc phải có đúng ba
câu như một quy tắc. Tuy nhiên, trong thơ dân gian, một số Aşık (nhà thơ du mục) thời
trung đại đã sáng tác những bài thơ ba câu mang tính triết lý, tâm linh hoặc
trữ tình.
Đây là bài thơ Türkü[2] (tạm
dịch: Bài hát) của Öksüz Dede[3], được viết theo hình thức khúc
hát dân gian Thổ Nhĩ Kỳ.
"Bài hát" là một liên khúc, gồm các khổ thơ ba câu và hai câu đan xen, tạo nên nhịp điệu uyển chuyển, giàu
tính trữ tình và gắn liền với âm hưởng dân gian:
BÀI
HÁT
Hoa
hồng đã trở thành một cành cây được cắt tỉa
Màu
tím đã trở thành một con đường
Mái
tóc đen của bạn thật xơ xác
Chúng
tôi đã rời khỏi những nơi này
Từ
khi tôi đến các tỉnh xa lạ
Hoa
hồng được trộn lẫn với hoa violet
Những
người tức giận đã làm hòa
Cây
non tươi đã lớn lên
Chúng
tôi đã rời khỏi những nơi này
Từ
khi tôi đến các tỉnh xa lạ
Người
tình mồ côi nói lời này
Ông
quay mặt về phía Chúa
Họ
nghĩ rằng chúng ta đã chết
Chúng
tôi đã rời khỏi những nơi này
Từ
khi tôi đến các tỉnh xa lạ
(Tạm
dịch nghĩa tiếng Việt)
Niềm
hoài vọng và nỗi buồn ly hương bao trùm sự đổi thay của quê hương và con người
theo thời gian, trong khi nhân vật trữ tình rời xa nơi chốn quen thuộc, sống
trong cảnh viễn xứ. Giọng điệu bài hát trầm buồn, thấm đẫm tiếc nuối. Sự giao
hòa giữa các loài hoa và việc những người từng oán giận nay hòa giải gợi lên ý
niệm về sự chuyển biến và dung hợp trong cuộc sống – điều mà người xa xứ chỉ có
thể cảm nhận từ xa mà không được chứng kiến trực tiếp.
Thơ
Haiku và ba câu ở một số nước Âu - Mỹ
Cuối
thế kỷ 19, khi Nhật Bản mở cửa giao thương với phương Tây sau thời kỳ bế quan
tỏa cảng, các nhà nghiên cứu và dịch giả phương Tây bắt đầu tiếp cận văn học
Nhật Bản, trong đó có thơ Haiku. Theo tác giả Lê Thị Bình "Người Nhật
cho rằng Haiku lan truyền trên thế giới là do công lao to lớn của nhà văn hóa Nhật
người Ý Reginald Horace Blyth (1898-1964). Từ năm 1949, ông đã viết 4 cuốn về
Haiku và 2 cuốn về lịch sử Haiku bằng tiếng Anh để giới thiệu về thể thơ này.[4]".
Trong
những năm 1910–1920, trào lưu Duy hình tượng[5] (Imagism) do Ezra Pound[6]
(1885–1972), Amy Lowell[7]
(1874–1925) và một số nhà thơ khác khởi xướng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Haiku.
Họ đề cao sự ngắn gọn, hình ảnh súc tích và ý nghĩa sâu xa, tương tự như nguyên
tắc của Haiku Nhật Bản.
Bài
thơ "Trong nhà ga tàu điện ngầm" (In a Station of the Metro[8]) của
Ezra Pound thể hiện rõ tinh thần Haiku trong văn học phương Tây, với cấu trúc
ngắn gọn, hình ảnh giàu tính gợi và lối biểu đạt cô đọng:
"Bóng
ma của những gương mặt giữa đám đông;
Cánh
hoa trên cành đen ướt át."
(Tạm
dịch nghĩa tiếng Việt)
Lấy cảm
hứng từ một khoảnh khắc tại ga tàu điện ngầm Paris năm 1912, Pound không mô tả
trực tiếp những khuôn mặt trong đám đông mà qua một “phương trình” hình tượng.
Bài thơ này được xem là Haiku đầu tiên bằng tiếng Anh, dù không theo cấu trúc
truyền thống. Ngoài ra, Amy Lowell (1874–1925) còn dịch và viết nhiều bài thơ
mang phong cách Haiku, góp phần đưa tinh thần thơ Nhật Bản vào dòng chảy thi ca
hiện đại phương Tây.
Trong
thập niên 1950–1960, Haiku đặc biệt phổ biến trong giới văn chương Mỹ, đặc biệt
là với Phong trào Beat (Beat Generation). Các nhà thơ như Jack Kerouac[9]
(1922–1969) và Gary Snyder[10]
(sinh năm 1930 ~) chịu ảnh hưởng từ Thiền tông và Haiku Nhật Bản, họ sáng tác
những bài thơ ba câu. Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, Haiku và thơ ba câu đã trở
thành thể thơ phổ biến trong văn học phương Tây, được nhiều nhà thơ và độc giả
đón nhận. Một số nhà thơ phương Tây như Cor van den Heuvel[11]
(sinh năm 1931 ~), Billy Collins[12]
(sinh năm 1941 ~), Richard Wright[13]
(1908–1960) đã sáng tác nhiều bài Haiku theo phong cách phương Tây. Haiku cũng
được giảng dạy trong các chương trình văn học ở nhiều nước Âu - Mỹ và trở thành
một thể thơ phổ biến trên các diễn đàn thơ trực tuyến.
Haiku
hiện không chỉ là một thể thơ Nhật Bản mà còn trở thành một phần quan trọng
trong thi ca hiện đại phương Tây. Cũng theo Lê Thị Bình: "Hiện nay,
khoảng hơn 40 nước trên thế giới có nhiều người đang say mê sáng tác và nghiên
cứu thơ Haiku.".
Tác
giả viết thơ Haiku xuất sắc nhất trong các nước Âu - Mỹ hiện nay, theo
tôi là nhà thơ Freddy Ñañez[14] (sinh
năm 1976 ~). Ông từng quan niệm: "Thơ Haiku là một hình thức tồn tại
trong biên cảnh giữa con chữ và hiện tượng, giữa thế gian và tên gọi gợi mở
tồn tại kia, giữa cái “đó là” và sự tĩnh lặng vây quanh và là một phần của chủ
thể. Ðó không phải cách mà các con chữ mang giữ, cũng không phải cách sử dụng
của người thông ngôn ra ý tưởng nào đó mà là tạo ra cảm ứng và xác tín tính
sống còn, của những gì nằm ngoài ngôn từ. Trong sự vận sinh của Haiku, cũng
như trong thi văn Thiền Zen, những sự đối lập không kháng cự nhau, cũng
không có chỗ cho mâu thuẫn mà là gắn quyện hữu cơ. Cũng là cách hòa hảo
tương ứng cho phép một thi đoạn rất nhỏ lan tỏa mọi chiều kích có thể của cảm
thụ thi ca". Tôi
dẫn ra hai bài thơ Haiku của Freddy Ñañez để minh họa cho phong cách độc đáo
của ông. Những bài Haiku này vừa gìn giữ tinh thần thiền vị và sự cô đọng vốn
có của thể thơ vừa mở rộng biên độ cảm thức, đưa Haiku chạm đến những chiều sâu
tư tưởng:
"khi
mưa
sông
tìm nơi trú
trên
bờ"
*
"gió
lớn
thấm
mệt
nằm bên tôi"
(Phạm
Long Quận dịch từ tiếng Tây Ban Nha)
Hai bài Haiku thể hiện rõ
phong cách thơ của Freddy Ñañez, kết hợp giữa tinh thần thiền vị và chiều sâu
tư tưởng. Bài thứ nhất gợi lên sự giao thoa giữa động và tĩnh, giữa lưu chuyển
và neo đậu, phản chiếu những nghịch lý tự nhiên cũng như tâm trạng con người
trong biến động cuộc sống. Hình ảnh "sông tìm nơi trú trên bờ" khi
mưa vừa tạo một nghịch lý thị giác vừa hàm chứa sự giằng co giữa xu hướng rời
xa và khao khát trở về, giữa biến động và ổn định. Bài thứ hai, với hình ảnh
cơn gió mang tính cách con người, tựa như một lữ khách mệt mỏi tìm chốn dừng
chân. "Gió lớn" vốn là biểu tượng của sự chuyển dịch không ngừng,
nhưng ở đây, nó lại "thấm mệt", nằm yên bên con người, tạo nên sự
giao cảm tinh tế giữa thiên nhiên và tâm thức. Mạch thơ ngân vang âm hưởng suy
tưởng, nơi cái hữu hình dẫn lối vào miền vô hình, và thiên nhiên trở thành tấm
gương phản chiếu những rung động nơi tâm hồn con người. Thơ Freddy Ñañez mở ra
những tầng nghĩa rộng lớn, vượt khỏi giới hạn của câu chữ để chạm đến những suy
nghiệm triết học về hiện hữu và vô thường.
Thơ
ba câu và Haiku ở Việt Nam
Chùm
thơ Haiku Nhật Bản đầu tiên được dịch sang tiếng Việt xuất hiện trong bài báo "Thi văn Nhật Bản với phong trào Âu hóa",
đăng trên báo Sài
Gòn ngày 3/2/1936, do Hàn Mạc Tử thực hiện. Đây có thể xem là một
trong những dấu mốc đầu tiên đưa thể thơ Haiku đến với độc giả Việt Nam. Mặc dù
thơ Haiku và các dạng thơ ba câu đã xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, chủ
yếu qua con đường giao lưu văn hóa với phương Tây và Nhật Bản, nhưng phải đến
giữa thế kỷ này, thể thơ mới thực sự thu hút sự quan tâm rộng rãi. Sự tiếp nhận
thơ Haiku và ba câu tại Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc dịch thuật mà còn
dẫn đến những thử nghiệm sáng tác, thể hiện qua nhiều tác phẩm của các nhà thơ Việt
Nam hiện đại.
Vào
đầu thập niên 1970, các bản dịch thơ Haiku tiếng Anh của H.G. Henderson được
Tuệ Sỹ và Nguyễn Tường Minh chuyển ngữ sang tiếng Việt. Hai tác phẩm dịch đáng
chú ý đầu tiên là "Hòa ca" (1971) và "Luyến ca" (1972), đều
do Nguyễn Tường Minh dịch và được xuất bản bởi Sài Gòn Sông Thao.
Sau
năm 1975, nhà thơ Nhật Chiêu trở thành người tiên phong nghiên cứu và giới
thiệu thơ Haiku đến độc giả Việt Nam. Công trình đầu tiên của ông, "Basho
và thơ haiku", do Khoa Ngữ văn báo chí, Nxb. Tổng hợp TP. HCM xuất bản năm
1994. Tiếp đó, ông cho ra đời nhiều nghiên cứu sâu sắc về thơ Haiku và văn học
Nhật Bản, bao gồm "Nhật Bản trong chiếc gương soi" (1995), "Thơ
ca Nhật Bản" (1998), "Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868"
(2003) và "Ba ngàn thế giới thơm" (2007).
Khi
dịch sang tiếng Việt, thơ Haiku thường được ngắt thành ba dòng để giữ nhịp điệu,
giúp người đọc dễ tiếp nhận và phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ. Tiếng Nhật là
ngôn ngữ chắp dính, trong đó từ gốc kết hợp với hậu tố để thay đổi ý nghĩa,
trong khi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, sử dụng trật tự từ và hư từ để thể
hiện quan hệ ngữ pháp. Ngoài ra, việc xuống dòng còn tạo hiệu ứng thẩm mỹ, làm
nổi bật hình ảnh và ý tưởng của bài thơ. Bài Haiku 041[15]
nổi tiếng của Matsuo Bashō minh họa rõ đặc điểm này:
"Ao
cũ
con
ếch nhảy vào
vang
tiếng nước xao"
(Bản
dịch của Nhật Chiêu)
"Con
ếch
Nhảy
xuống ao tù
Tiếng
nước té"
(Bản
dịch của Thái Bá Tân)
"Cái
ao chuôm
Một
chú ếch lao vào
Uôm!"
(Bản
dịch của Trần Đức Phổ)
"Cái
ao xưa cũ
Con
ếch nhảy vào
Bõm!"
(Theo
Facebook của Phan Đăng)
Nhìn
chung, thơ Haiku viết bằng tiếng Việt thường không cố định cách ngắt nhịp, số
chữ/âm tiết hay sử dụng "quý ngữ". Các tác giả giữ tinh thần Thiền
tông, đề cao sự giản lược, trực giác và tính gợi mở, để khoảnh khắc thơ trở
thành một khoảng không cho suy tưởng, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện
trong dòng chảy vô thường.
Tôi
và một số tác giả từng viết thơ ba câu, nhưng không gọi đó là Haiku, bởi không
tuân theo niêm luật chặt chẽ của thể thơ này. Tôi yêu thích tính liên tục của
thơ ba câu trong "Thần khúc" của Dante Alighieri và tinh thần tối
giản trong văn hóa Nhật Bản – một tinh thần vừa là lối sống vừa là
triết lý thẩm mỹ, nơi vẻ đẹp được tìm thấy trong sự giản dị, tĩnh lặng và những
khoảng trống đầy ý nghĩa. Đó là sự tiết chế để chạm đến bản chất, là nghệ thuật
lược bỏ những gì không cần thiết để làm nổi bật cái cốt lõi, giúp từng câu chữ,
hình ảnh trong thơ khơi dậy những rung cảm sâu xa trong trực giác người đọc.
Việc
mở rộng và phát triển thơ ba câu, theo tôi, là hướng đi cần thiết trong quá
trình đổi mới thơ hiện nay. Với đặc trưng cô đọng, súc tích và khả năng biểu
đạt tinh tế, thể thơ này góp phần làm phong phú thêm hình thức và khả năng biểu
cảm của thơ Việt đương đại. Bên cạnh những thể thơ truyền thống, thơ ba câu,
hai câu hay thậm chí một câu sẽ mở ra không gian sáng tạo mới, nơi ngôn từ được
tiết chế đến mức tối giản nhưng vẫn gợi mở chiều sâu tư duy và cảm thức. Sự
xuất hiện của thơ ba câu trong dòng chảy thi ca Việt Nam không chỉ cho thấy quá
trình tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới mà còn phản ánh nỗ lực tìm kiếm và thử
nghiệm những phương thức biểu đạt mới, góp phần làm phong phú thêm diện mạo thơ
ca đương đại.
Hải
Phòng, 8/3/2025
M.V.P
___________
[1]Nguyên tác:
泥棒を
捕えてみれば
我が子なり
dorobo o
toraete mireba
wagako nari
[2] Rút từ cuốn sách "Türk Halk Şiiri"
của Doç. Dr. Mustafa Sever, Nxb. Ankara Üniversitesi Yayınları, 2013. Tr. 92. https://www.kavak.org.tr/upload/files/TURK%20HALK%20SIIRI_Doc_Dr_Mustafa%20SEVER.pdf
Nguyên tác:
TÜRKÜ
Gül budanmış dal dal olmuş
Menekşesi yol yol olmuş
Siyah zülfün tel tel olmuş
Biz bu yerlerden gideli
Gurbet illere düşeli
Gül menekşeye karışmış
Küskün olanlar barışmış
Tâze fidanlar yetişmiş
Biz bu yerlerden gideli
Gurbet illere düşeli
Öksüz Âşık der bu sözü
Hakk’a çevirmiştir yüzü
Öldü zan ittiler bizi
Biz bu yerlerden gideli
Gurbet illere düşeli
[5] Đây
là trào lưu thơ Mỹ đầu tiên trong thế kỷ 20, "nhằm cách tân thơ Mỹ với
khẩu hiệu “make it new” (làm mới thơ). Các yêu cầu của thơ “Imagism” có thể tóm
tắt như sau: tiết tấu mới, hình ảnh rõ ràng giản yếu, diễn đạt cô đúc, ngôn ngữ
thông dụng. Tinh thần của nó là chống lại sự chùng lỏng và đa cảm của thơ cũ
(chủ yếu là thơ lãng mạn)". (Theo nhà thơ Hoàng Hưng trong bài "Những
trào lưu và sự kiện nổi bật trong thơ Mỹ thế kỷ 20"). https://vanviet.info/tu-lieu/nhung-tro-luu-v-su-kien-noi-bat-trong-tho-my-the-ky-20/
[6] Ezra Weston Loomis Pound – nhà thơ, dịch giả, nhà phê
bình người Mỹ, một đại diện xuất sắc của trào lưu văn học Anh Mỹ hiện đại nửa
đầu thế kỉ XX.
[7] Amy Lawrence Lowell - là một nhà thơ người Mỹ theo trường
phái hình tượng . Bà đã giành được Giải thưởng Pulitzer về Thơ năm 1926 sau khi
mất.
[8] "The apparition of these faces
in the crowd;
Petals on a wet, black bough." (Source: Poetry. April 1913)
https://www.poetryfoundation.org/poetrymagazine/poems/12675/in-a-station-of-the-metro
[9] Tên khai sinh Jean-Louis Lebris de
Kérouac - là một tiểu thuyết gia và nhà thơ Mỹ.
[10] Gary Snyder - là một nhà thơ, nhà viết
tiểu luận, diễn giả và nhà hoạt động vì môi trường người Mỹ.
[11] Cor Van den Heuvel (sinh ngày 6 tháng 3 năm 1931) - là
một nhà thơ Haiku , biên tập viên và thủ thư người Mỹ.
[12] William James Collins (sinh ngày 22 tháng 3 năm 1941) -
là một nhà thơ người Mỹ, từng là Nhà thơ vinh danh của Hoa Kỳ từ năm 2001 đến
năm 2003.
[13] Richard Nathaniel Wright - là một tác giả người Mỹ chuyên
viết tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và phi hư cấu.
[14] Freddy Alfred Nazareth Ñáñez Contreras
(sinh ngày 15 tháng 4 năm 1976) - là một chính trị gia, ca sĩ và nhà thơ người
Venezuela. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa rồi sau đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin
Venezuela.
[15] Nguyên tác:
041
古池や
蛙飛び込む
水の音
Phiên âm:
Furuikeya
Kawazu tobikomu
Mizu no oto
(In trong tập Xuân nhật, 1686)