Ánh sáng của đức tin tấu nên Ơn Gọi (phê bình) – Giuse Nguyễn Tham Thiện Kế
ÁNH SÁNG
CỦA ĐỨC TIN TẤU NÊN ƠN GỌI

Nhà văn Giuse Nguyễn Tham Thiện Kế
Giuse Nguyễn Tham Thiện Kế
Như
ngọn bạch lạp giữa đêm, Trong Ơn Gọi của Vincent Mai Văn Phấn là công
trình nghiên cứu văn học, được khải thị từ đức tin, những tầng nghĩa được thắp
sáng bằng tinh thần Công giáo Việt Nam qua trọn bốn thế kỷ.
Ngay
lời giới thiệu của Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản định vị Trong Ơn Gọi đã
tấu giai điệu một bản tụng ca trầm mặc, nơi văn chương biểu đạt, trở thành nhịp
cầu nối giữa trần phàm và thiêng liêng. Ở đó, từng con chữ thống hối lời cầu
nguyện, và từng ý tưởng là một bước chân hành hương về miền sáng cứu độ.
Tác
giả Vincent Mai Văn Phấn – trong cương vị một thi sĩ, nhà phê bình và một Kitô
hữu đầy thao thức, đã khéo léo kết hợp giữa chiêm niệm nội tâm và nhãn
quan học thuật. Văn chương của ông, vừa nhuần nhị vừa mực thước, vẽ nên bức
tranh rộng lớn về văn học Công giáo, trải dài từ thuở sơ khai của nhà in mộc
bản Thăng Long năm 1632 cho đến những thể nghiệm hậu hiện đại nơi thế kỷ XXI.
Điểm
độc đáo của Trong Ơn Gọi là ở lối tiếp cận – không chỉ là khảo cứu, phân
tích, mà còn là lắng nghe và đồng hành. Tác giả không đứng ngoài để đánh
giá, mà hoán thân vào vai một người hành hương chữ nghĩa, bước cùng các nhà
văn, nhà thơ trong hành trình kiếm tìm ơn cứu chuộc, từ Hàn Mặc Tử, Xuân Ly
Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Việt Hà, Bùi
Công Thuấn, Xuân Văn, Trần Vạn Giã, Lê Quốc Hán, Sơn Ca Linh, Mạc Tường... đến Cao
Gia An-S.J., Đình Chẩn, Gió Biển, Nguyễn Văn Học, Vinh Kiu...
Ở
phần phê bình, giọng văn trở nên uyên áo mà không cao ngạo, nghiêm cẩn mà không
khô khan. Những khái niệm triết học như “siêu tự sự”, “giải cấu trúc”, “hậu
hiện đại” được đưa vào với độ chín của tư duy, giúp độc giả không chỉ nắm được
khung lý luận, mà còn cảm nhận được sự lay động nhân sinh của từng hiện tượng
văn chương.
Đặc
biệt, sự hiện diện của những văn bản thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hậu hiện đại
trong ánh sáng Kitô giáo làm nên một trường nghĩa cổ kính và mới mẻ.
Những nhân vật đầy mâu thuẫn, những cảnh đời bị giằng xé giữa tội lỗi và ánh
sáng Thiên Chúa – tất cả đều được khảo tả bằng giọng điệu sắc bén mà từ ái,
giống như ánh mắt của người mục tử đang mỏi mòn trông đợi chiên lạc trở về.
Có
thể nói, Trong Ơn Gọi là chuỗi những cột mốc suốt hành trình định giá
của văn học Công giáo trong nền văn hóa Việt Nam. Không còn bị khu biệt trong
phạm vi tôn giáo, văn chương Kitô hữu, qua lăng kính của Mai Văn Phấn – hiện ra
như một dòng ân điển bồi đắp tâm linh dân tộc, nối từ khai sáng đến tương vọng.
Giữa
đại thế mà nhân loại chìm trong hoài nghi, khủng hoảng niềm tin và mất phương
hướng, cuốn sách này là một nhắc nhở thống thiết và mãnh liệt rằng: nơi nào còn
tình yêu, nơi đó còn khả thể cứu rỗi. Và văn chương, nếu biết khởi hành từ “Ơn
Gọi” – thì vẫn có thể đưa nhân loại đến gần hơn với sự thật và ánh sáng vĩnh
hằng.
Trong Ơn Gọi
của Vincent Mai Văn Phấn ngoài bổn phận là một tác phẩm, mà còn là một nghi lễ,
nơi trang viết mở ra như cánh cửa nguyện đường, dẫn lối độc giả bước vào không
gian trầm tưởng, chiêm nghiệm và đức tin.
Được
viết bằng cốt tủy của một tài năng văn chương độc sáng, ngạo nghễ đến im tờ trong
hình hài một con chiên hành hương chữ đã tới đỉnh, tác phẩm không đơn nhất là
tuyển tiểu luận phê bình, mà là một trường ca văn chương Công giáo Việt Nam nơi
đức tin và nghệ thuật soi chiếu lẫn nhau, làm sáng bừng diện mạo những khúc lát
văn học khiêm cung, và kiên định.
Mai
Văn Phấn không viết như một học giả bên ngoài, mà như một người hằng sống trọn
trong đức tin – ông thấu hiểu bản chất mâu thuẫn, giằng xé và hy vọng của hành
trình cứu rỗi. Qua ánh sáng của Tin Mừng, từng trang sách ông viết như vọng lại
tiếng nức nở âm thầm của những linh hồn khát khao hòa giải, thứ tha và tái
sinh. Chính ở đó, văn học Công giáo hiện lên không phải như một dòng chảy biệt
lập, mà là huyết mạch ngầm nuôi dưỡng đời sống tâm linh của cả một dân tộc.
Trong
phần đầu, tác giả dựng lại nền tảng lịch sử, trang nghiêm như sử thi, tha thiết
như lời tri ân thế hệ tiền nhân. Phần tiếp theo, là nơi ông đưa độc giả lắng
nghe tiếng vọng của những nhà văn, nhà thơ Công giáo – từ Nguyễn Văn Học,
Nguyễn Tham Thiện Kế đến Linh mục Nguyễn Trung Tây – những người viết bằng
chính những vết thương và ánh sáng từ trái tim. Không chỉ các tác giả Công
giáo, mà cả những cây bút như Nguyễn Quang Thiều, Graham Greene hay Toni
Morrison cũng được ông soi chiếu dưới ánh sáng của mĩ học Kitô giáo.
Ngòi
bút của Mai Văn Phấn không tìm lời khẳng luận. Ở vị trí trong số ít những văn
nhân hàng đầu Việt Nam, đổi mới, sáng tạo, có được sự thừa nhận trong nước và
quốc tế ông đặt lại câu hỏi – về niềm tin, về tội lỗi, về sự cứu chuộc, như một
cách để văn học Công giáo tiếp tục sống, thở và lan tỏa trong thế giới hôm nay.
Giữa thời đại biến động, Trong Ơn Gọi nhắc chúng ta rằng: chính trong
bóng tối, ánh sáng Thiên Chúa mới tỏa rạng hơn bao giờ hết.
Thay
cho những lời ngợi ca, cảm ơn tác giả, tôi xin được giới thiệu đến quý độc giả
cuốn sách này – như một chân nến nhỏ trên bàn thờ tâm hồn, dâng lên Thiên Chúa như
một nốt nhạc trầm buồn trong bản giao hưởng nhân loại, như một chứng tá khiêm
nhường nhưng bền bỉ về vẻ đẹp bất diệt của đức tin giữa dòng chảy văn chương
Việt Nam.
Tháng
6.6.2025
G.J.
N.T.T.K

Sách bán tại Nhà sách Đức Bà Hoà Bình
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
• Điện thoại: 0938.037.175 – (028)3.8250.745
• Email: nsachducbahoabinh@gmail.com
Sách bán tại Nhà sách Nước Mặn
Địa chỉ: 116 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định
• Youtube: Tủ sách Nước Mặn
• Facebook: Tủ sách Nước Mặn