Nguyễn Đức Hạnh – Phân mảnh để phát sáng (phê bình) – Mai Văn Phấn
Nguyễn Đức Hạnh – Phân mảnh để phát sáng

Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh
Mai Văn Phấn
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh vừa ra mắt tập thơ song ngữ Việt – Anh “Khát cháy” (“The Ardour of Thirst”, NXB Văn Học, 2025), do nhà thơ – dịch giả Võ Thị Như Mai chuyển ngữ. Tập thơ gồm 95 bài, được Nguyễn Đức Hạnh viết trong thời gian gần đây. Tôi xem đây là một bước rẽ thi pháp đầy ngoạn mục, đánh dấu sự dứt bỏ có chủ ý khỏi phong cách thơ vốn ổn định của ông trong 4 tập thơ trước đây. “Khát cháy” mở ra một cấu trúc thi ca mới lạ, dẫn dắt người đọc bước vào thế giới bất định, đầy ám gợi.
Ẩn sau bước chuyển ấy là một kiến trúc thi ca được tổ chức đầy dụng ý, tập thơ chia thành bốn phần – tựa bốn cung bậc tâm hồn đi qua những miền ký ức, khát vọng và chiêm nghiệm: “Khúc hiếu thuận” – tập trung vào mạch thơ nội cảm, viết về mẹ cha, quê hương và ký ức tuổi thơ; “Khúc sơn hà” – mở rộng cái tôi công dân với ý thức lịch sử và văn hóa sâu đậm; “Khúc tri âm” – là tiếng lòng tri ân bạn văn, tiền nhân; và “Khúc huê tình” – những thi phẩm về tình yêu và hiện sinh, nơi lửa và nước hòa quyện, kết tinh thành khát vọng sống mãnh liệt. Tập thơ vận dụng nhiều thủ pháp hiện đại, trong đó nổi bật là lối phân mảnh – một đặc điểm nghệ thuật chủ đạo, định hình cấu trúc và thi pháp thơ Nguyễn Đức Hạnh. Mỗi phần thơ như một địa tầng cảm xúc, nơi năng lượng tích tụ bùng cháy thành ngôn ngữ, rực rỡ và dữ dội.
Thế giới thi ca hiện đại hầu như không còn là một cấu trúc toàn thể, thống nhất, mà đứt gãy, chồng lấn và xáo trộn – phản ánh trạng thái tinh thần của con người hôm nay: rối loạn, giãn cách và hoài nghi. Tính phân mảnh đã trở thành một cú trượt mỹ học tất yếu của thơ đương đại – từ T.S. Eliot với “Đất hoang” (The Waste Land), Paul Celan với “Tẩu khúc của tử thần” (Todesfuge), đến một số nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Bình Phương, Trần Hùng, Nguyễn Đức Tùng, Lê Vĩnh Tài... với những cách tân táo bạo về cấu trúc và ngôn ngữ thi ca. Trong mạch vận động ấy, Nguyễn Đức Hạnh bước đi với nhịp điệu riêng. Thơ ông dồn nén rồi vỡ ra thành những hạt nhân, lát cắt – như tiếng nói bị ngắt quãng, như nhịp thở gấp gáp của một tâm hồn luôn trong trạng thái bất an. Người đọc buộc phải bước vào mê cung của những đơn lẻ, mảnh vỡ, để tự kiến tạo mạch kết nối. Chính trong sự không toàn vẹn ấy, thơ ông phát sáng.
“Căn nhà bé dựng cuối xa xăm/ Mưa cứ ghé rồi ôm trong vắt/ Lấy gió đan tấm lưới xanh ngát/ Bẫy hương thơm của hoa dại lạc đường” (nói với em khi tóc bạc); hay “Đường mòn sợi dây níu rừng/ Còn ít lắm như bánh đa sắp vỡ/ Suối - sợi dây xanh tôi níu chính tôi/ Thuở trong vắt đón bao lá thơm/ Rụng khẽ trong chiều đỏ mặt" (Nghẹn rừng). Đó là những mạch cảm xúc tự do theo dòng ý thức. Ở đó, nhà thơ không kể chuyện mà gợi mở, không lý giải mà phóng chiếu. Các hình ảnh đặt cạnh nhau theo liên tưởng tức thời, mỗi thi ảnh vừa là đốm sáng, vừa là vết thương. Tiết tấu thơ ngắt quãng, chập chờn, khiến người đọc không thể lướt nhanh mà buộc phải dừng lại, lắng nghe dư ba lan tỏa qua từng câu chữ. Ở đó, thiên nhiên và con người hòa quyện – như suối trong níu giữ tâm hồn, như gió đan vào ký ức, như bông hoa rơi vào khoảng trống…
Thơ Nguyễn Đức Hạnh là cách níu giữ bản thân giữa một thế giới đổ vỡ, đầy rủi ro. Những mảnh rời ấy mở ra nhiều lớp liên tưởng, tạo nên không gian thi ca đa tầng, giàu cá tính và cộng hưởng. Chính sự phân mảnh giúp thơ Nguyễn Đức Hạnh tạo những tiết tấu dị nhịp mà ám ảnh, một cấu trúc xô lệch mà giàu biểu cảm. “Vỏ ống tre quê hương/ Xanh lặng lẽ bụi cây ai biết/ Tình yêu tụ thành gạo nếp/ Mắt mẩy thơm thức ngó đêm dài” (Tôi là ống cơm lam nướng vụng).
Nếu cần một hình ảnh để gợi lên thủ pháp phân mảnh trong “Khát cháy”, tôi sẽ nhắc đến cánh rừng bùng cháy. Sau mỗi bài thơ của Nguyễn Đức Hạnh, trong tâm trí người đọc còn vương lại những tàn lửa sáng mãi. Không cốt truyện, không trật tự thông thường, thậm chí không có cả thông điệp rõ ràng – nhưng thơ ông vẫn cuốn hút người đọc bằng sức nóng bức bối, âm ỉ, đôi khi chói lòa đến nghẹt thở. “Nỗi nhớ gõ cửa cánh đồng tìm sợi rơm vàng/ Rơm thành khói còn cong nưng nức/ Dòng sông gọi cánh diều/ Tiếng sáo rơi mọc cây ngọc lan/ Hương hoa thiền trong gió/ Nỗi buồn liền sẹo như cây” (Cán giấc mơ vỡ).
Tính phân mảnh trong “Khát cháy” hiện diện trên nhiều tầng nghĩa, tạo nên một cấu trúc độc đáo. Một số bài mở đầu bằng đoạn văn xuôi phóng dật, dày đặc liên tưởng – như tán cây lớn – rồi nhanh chóng tách thành những câu thơ ngắn, rẽ nhánh như rễ cây vươn sâu vào lòng đất. Chẳng hạn bài “Nhớ Vinh” mở đầu bằng đoạn thơ: "Lửa đỏ trong nước lạnh. Tuyết trắng gói đa tình/ Giấu thép trong lụa bạch. Lấy bão làm dây buộc tóc xinh/ Cửa Hội nghiêng chiều đổ sóng vào anh/ Mai xa rồi cắn sông lâu chút nữa…” Sau đó, chúng tách thành những câu thơ lẻ, khô khốc và gân guốc: "Tri kỷ toàn là gió/ Chân trời nghe bỏng nhau/ Tâm giao lăn đá tảng/ Đau hoài có kêu đâu…” Thủ pháp ấy được vận dụng tương tự trong bài thơ “Ngược”, bắt đầu là những cành nhánh sum suê: "Ai đổ mưa Vào cây? Hoa ngậm nắng chờ ngày mai tới/ Người người bay thành mây. Cười sáng bao phương trời mới". Và, tiếp đến chùm rễ sâu bên dưới: "Củ sắn còi vêu vao ngày đói. Tay cha chai sần vỡ đất./ Lưỡi cuốc mòn chậm hơn đời người/ Lửa gộc sù sì không ngủ/ Cháy rực hồng gương mặt ban mai". Lối kết cấu bài thơ theo kiểu “tán cây và chùm rễ” như vừa đề cập xuất hiện khá nhiều trong tập thơ “Khát cháy”, tạo nên một hệ thẩm mỹ riêng biệt – nơi tính phân mảnh không gây đứt gãy mà ngược lại kích hoạt các lớp ý niệm sinh trưởng theo cách riêng: tự do và bất định. Những bài thơ tiêu biểu sử dụng thủ pháp này có thể kể đến như "Mất ngủ", "Những loài nói thầm thường đau sâu", "Khúc hạ hồng", "Ướp nắng sớm thành trà"… đã minh chứng rõ nét cho cách vận dụng độc đáo của tác giả.
Tính phân mảnh trong thơ Nguyễn Đức Hạnh thường hiện rõ qua những câu thơ đứng độc lập, không cần văn cảnh vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người đọc. Đó có thể là hình ảnh dị biệt, một cú nhảy ngôn ngữ không theo quy luật, hay một câu tưởng chừng giản dị nhưng găm sâu vào tâm não. Chính sự tách biệt này làm nổi bật sức vang động nội tại, nơi mỗi câu thơ là khoảnh khắc nén chặt, kết tinh cảm xúc đến mức không thể rút gọn hơn. Với Nguyễn Đức Hạnh, những câu thơ như vậy trở thành đơn vị biểu cảm hoàn chỉnh, buộc người đọc tự đối thoại với khoảng trống giữa các dòng thơ khác: "Cá lỡ hẹn hò nên lặn rất sâu" (Mẹ ơi con nhóm lửa rồi); "Trong đáy chén phong ba ròng ròng" (Nghĩ về Văn Cao); "Con chó buồn cắn tiếng rõ, tiếng câm" (Sinh ra ở bến Tượng); “Thơ là loài cây uống nước mắt mà xanh” (Tháng Ba về Khau Vai); "Bảy cơn bão qua phà. Hát những gì làm sông màu đỏ?" (Vụt hiện sau mưa); “Từ cọng sen gầy sang màu áo nhớ” (Hà Nội lúc nào chẳng mưa)... Đó là những “hạt nhân” cảm xúc được tạo dựng bằng trực giác và sự nhạy cảm tinh tế trước từng chi tiết của đời sống và những biến động của tâm hồn. Tính phân mảnh không chỉ tạo nên trải nghiệm đọc đòi hỏi sự chú ý, kiên nhẫn mà còn khơi gợi tầng nghĩa mới lạ, đa chiều qua khoảng trống ngôn từ. Ở đó, mỗi câu thơ như đốm lửa bập bùng, chập chờn sáng tối, vừa hiện hữu vừa mờ ảo, mở ra thế giới nội tâm đa dạng và phức hợp.
Thơ phân mảnh dĩ nhiên luôn đứng trước nguy cơ rơi vào mơ hồ hoặc vụn vỡ. Nhưng điểm khác biệt ở thơ Nguyễn Đức Hạnh là: mỗi phân mảnh đều mang một trọng lượng nội tại, như những tinh thể tự phát sáng. Bởi vậy, nhiều câu trong “Khát cháy” tựa những viên than hồng – âm ỉ tỏa nhiệt, không cần liên kết vẫn đủ sức lan truyền năng lượng thẩm mỹ: “Tóc con gái thành cầu vồng đen cong về hồi ức” (Sông Cà Lồ còn giữ hộ ngày xưa); "Cộng tuổi cho sông bằng bao đời người đi xa ngoái lại" (Sông và tôi)… Một trong những thi phẩm tiêu biểu cho cấu trúc ấy là “Mẹ ơi, con vẫn chỉ là con nghé” – nơi mỗi phân mảnh thấm đẫm bản năng và trực giác, được dẫn dắt bởi dòng cảm xúc thuần khiết. Bài thơ như một dòng tồn sinh run rẩy, nơi ý thức và vô thức giằng co rồi buông trôi theo bản năng; vận hành bằng dòng ý thức cuộn chảy, với từng hình ảnh hiện lên bất ngờ, dữ dội. Trung tâm cảm xúc là hình tượng người mẹ, được soi chiếu từ cái tôi nguyên sơ. Những mảnh ký ức, nỗi đau, day dứt hiện ra vụn vỡ mà găm sâu. Câu thơ “Lời mẹ dặn dệt thành bao tải/ Con là con nghé hiền mặc suốt mấy mùa đông”, cho thấy, việc buông lơi lớp vỏ cứng cỏi và chấp nhận yếu mềm cũng có thể là cách gìn giữ cốt lõi bản thể – một lựa chọn sống theo cảm xúc trung thực và nhân bản nhất.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh thường chạm tới những khoảnh khắc khó gọi tên. Dù chủ động buông bỏ suy lý và sự khôn ngoan, nhưng trạng thái tỉnh thức trong thơ ông không hề mất đi – mà lắng sâu, trở thành nền móng âm thầm nâng đỡ và nuôi dưỡng những hình ảnh biến hóa sinh động, đầy bất ngờ. Chính sự cân bằng giữa buông lơi và tỉnh táo này tạo nên sức mạnh đặc biệt, khiến thơ ông vừa có tính trực giác mạnh, vừa giữ được chiều sâu suy tưởng. “Mũi tên đồng kể hoài Cổ Loa và Tinh gà trắng/ Đàn Đá mơ thác nước tan tành” (Bảo tàng); "Đáy sông ấm nói cười trăm năm trước" (Hội An); "Thôi hát thật trầm làm cửa kính vỡ" (Mùa đông Hà Nội)…
Mỗi câu thơ trong “Khát cháy” không khép lại trong một nghĩa cố định, mà mở ra không gian cộng hưởng, đan xen lịch sử, mộng tưởng và huyễn hoặc tâm linh. Từ đó, từng hình ảnh, từng biểu tượng như những cánh cửa dẫn lối vào nhiều chiều kích khác nhau của nhận thức và cảm xúc, kích thích người đọc không ngừng suy tưởng và tái tạo ý nghĩa trong hành trình khám phá thi ca. “Người đổ đèo vẫn phẻn dao lấp loáng/ Mỗi bước chân rung nghịch một mặt trời” (Đường rừng về). Đây là thứ thơ không hiển lộ từ lý trí, mà từ máu thịt, từ những giá trị thiêng liêng.
Điều cốt lõi trong “Khát cháy” là từ bỏ cấu trúc mạch lạc truyền thống, nhường chỗ cho hình thức thơ phân mảnh – nơi mỗi câu thơ trở thành một giá trị thẩm mỹ độc lập. Một câu thơ bật sáng đúng lúc có thể đánh thức toàn bộ trường cảm xúc nơi người đọc. Chính ở đó, bản lĩnh thi pháp của Nguyễn Đức Hạnh hiện rõ. “Trà nát thương người nát/ Bã trà phảng phất thơm/ Nước sôi dìm thân phận” (Bã trà); “Mưa suốt đêm không ướt nổi tiếng chim” (Đêm Hạ Long)… Những câu thơ ấy như những hòn đảo nhỏ, khi ráp lại tạo nên một vùng khí hậu riêng – biệt lập mà cộng hưởng, làm bật lên nhịp điệu nội tâm luôn biến động. Tính phân mảnh, trong trường hợp này là phương cách tồn tại trong một đời sống đã nhiều hoài nghi và đổ vỡ. Nguyễn Đức Hạnh làm thơ như thắp lửa – cháy đến đâu, phát sáng đến đó; khiến cái độc sáng bật lên: như tia chớp trong đêm, như tiếng nổ trong sự tĩnh lặng. Ông không tổ chức bài thơ bằng lý trí, mà để cảm xúc tự vỡ òa, phun lên như dòng nham thạch: "Khi núi lửa ngả đầu vào mây trắng" (Giấc mơ mùa thu). Thơ ông thường chuyển giọng đột ngột – từ đau buồn sang diễu nhại "Thơ tôi lá tre đậu vào vại nước" (Nghĩ vụn trong đêm), từ trầm lắng sang cao trào, từ chiêm nghiệm triết lý sang hồn nhiên bản năng: “Sông Đà ôm em và anh kệ vầng trăng khuyết/ Đập uống say nằm khóc một mình” (Nhớ Hòa Bình); "Em toàn lạc vào sen/ Lo một ngày không về nhân gian nữa" (Bỗng yêu sau khi đọc truyện kinh dị). Chính sự bất ngờ ấy khiến người đọc không thể đoán trước, không thể đọc vội – mà buộc phải dừng lại, lắng nghe và chấp nhận.
Tính phân mảnh, khi trở thành một cấu trúc có chủ đích và được nâng đỡ bởi cảm xúc mạnh mẽ, có thể mở rộng không gian tiếp nhận, khai phóng chiều sâu thẩm mỹ. Đây là thủ pháp đòi hỏi sự nhất quán trong quan niệm nghệ thuật, để các mảnh rời không trở nên lỏng lẻo. Nếu người viết “lỏng tay”, bài thơ rất dễ rơi vào trạng thái vụn rời – nơi từng câu thơ tuy có thể gợi sáng riêng lẻ, nhưng không đủ sức nâng đỡ nhau, như những mảnh vỡ phát quang yếu ớt, khiến người đọc không thể nhận ra bài thơ là một sinh thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Do vậy, dù viết bằng bất kỳ thủ pháp nào, thì thơ, rốt cuộc, vẫn là câu chuyện của tâm hồn. Khi câu chuyện ấy thiếu đi một mạch chảy ngầm xuyên suốt, người đọc có thể bị lôi cuốn bởi ngôn từ lạ lẫm, choáng ngợp bởi hình ảnh, nhưng vẫn không thể chạm tới tầng sâu thực sự của xúc cảm. Và ở đó, cái đẹp chỉ còn là bề mặt ánh kim, chứ không phải là sự sống.
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành Ngữ văn, Nhà giáo ưu tú. Ông hoạt động song song ở hai lĩnh vực: nghiên cứu – phê bình văn học và sáng tác văn chương. Với tư cách nhà nghiên cứu, ông đã hoàn thành 4 công trình chuyên sâu. Bên cạnh hoạt động học thuật, Nguyễn Đức Hạnh còn là cây bút sáng tác giàu nội lực. Ngoài thơ, ông còn viết văn xuôi và đã xuất bản 1 tập truyện ngắn, thể hiện sự đa dạng và sâu sắc trong tư duy nghệ thuật, đồng thời khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nghiên cứu và trải nghiệm sáng tạo.
Trong bối cảnh thi ca hiện đại không ngừng vận động và canh tân, tính phân mảnh trong "Khát cháy" biểu thị một trong những quan niệm nghệ thuật tiên phong (avant-garde): thơ cần được cảm nhận như một dòng mạch sống – tự do, phức hợp và giàu tính tương tác. Nguyễn Đức Hạnh đã thiết lập không gian thi ca biến động nhưng tràn đầy sức gợi, nơi mỗi câu thơ là một chấn động nội tâm, mỗi bài thơ là một mặt gương phản chiếu tồn sinh nhiều chiều. Tập thơ không chỉ đưa người đọc vào mê lộ ngôn từ, mà còn khơi gợi những vùng sáng – tối của tâm thức, ký ức và khát vọng. "Khát cháy" là minh chứng rõ nét cho khả năng dung hợp giữa trực giác nghệ sĩ và chiều sâu tư duy học thuật – sự kết tinh của kinh nghiệm sống, khả năng chiêm nghiệm và tinh thần sáng tạo không thỏa hiệp.
Hải Phòng, 14/7/2025
M.V.P