Tiếng chuông trầm hiển lộ miền văn chương lặng (phê bình) – Phạm Minh Quân
Tiếng
chuông trầm hiển lộ miền văn chương lặng

Nhà NC,
phê bình VHNT Phạm Minh Quân
Phạm
Minh Quân*
Giữa một thời khắc lặng im của đời sống chữ
nghĩa bộn bề hôm nay, khi phê bình văn học không cất lên những tiếng nói khơi
nguồn hay thanh âm chấn động, tiểu luận phê bình văn học Trong Ơn Gọi của Mai Văn Phấn là một tiếng chuông trầm rền dẫn gọi
vào một miền văn học cần được tỏ lối.
Mai Văn Phấn không phải là một nhà phê bình học
thuật theo nghĩa chặt. Ông đến với phê bình từ lữ trình thơ, vốn dĩ là một hành
trình dài lâu, bền bỉ, trải qua nhiều chuyển động thẩm mỹ, từ hiện thực đến
siêu thực, từ cổ điển đến hậu hiện đại. Nhưng điều làm nên một “Mai Văn Phấn
khác” như chữ nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định, chính là việc ông bước vào
phê bình không như một người ngoài cuộc mà như một người đồng hành với thơ. Nếu
trong Nhịp điệu vẽ lối đi (Nxb
Hội Nhà văn, 2024), Mai Văn Phấn dùng khái niệm “ánh sáng” và “không
gian” để soi chiếu thơ của thi nhân đương thời, thì trong Trong Ơn Gọi (Nxb Đồng Nai, 2025), ông dùng cùng
công cụ đó để tiếp cận một không gian văn học ít được khai phá: văn học Công giáo Việt Nam.
Lịch sử
văn học Việt Nam không đơn thuần chỉ là câu chuyện tuyến tính theo các triều đại,
của văn chương bác học hay dân gian, sự chuyển đổi thời địa hay hiện đại hóa
văn chương, bởi dưới sóng lừng luôn dung chứa trong nó những mạch ngầm. Trong số
đó, văn học Công giáo Việt Nam
là một dòng chảy đặc biệt, vừa sớm hình thành, vừa lâu nay ít được định vị đúng
trong bản đồ văn học Việt, phần nào bởi đức tin, ngôn ngữ và đời sống thường giao
thoa trong lặng lẽ cá nhân. Nếu chọn một mốc khởi đầu mang tính biểu tượng, thì
năm 1632, khi giáo sĩ Girolamo
Majorica lập cơ sở in sách Công giáo chữ Hán và chữ Nôm tại Thăng Long, thường
được xem là bước mở đầu cho văn học Công giáo bằng văn bản tại Việt Nam. Từ thời
điểm ấy, suốt gần 400 năm, văn học Công giáo song hành cùng lịch sử dân tộc qua
nhiều thể loại: từ sấm truyền ca, giáo lý diễn ca, truyện các
thánh, cho tới truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca và tiểu luận hiện đại.
Các tác phẩm này vừa là sản phẩm của tín ngưỡng, vừa là một phần của tiến trình
Việt hóa Kitô giáo, đồng thời đóng góp vào việc hình thành chữ Quốc ngữ – một nền
tảng ngôn ngữ quan trọng của văn học hiện đại.
Văn học Công giáo trải qua nhiều giai đoạn: từ
giai đoạn khai mở với các tác phẩm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ thời thuộc địa (Lữ Y
Đoan, Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn
Trọng Quản...), đến giai đoạn định hình những biểu tượng nổi bật như Hàn Mặc Tử, và sau đó là các cây bút hậu
bán thế kỷ XX như Thanh Lãng, Kim Định,
Võ Long Tê, tiếp nối đến những người viết đương đại như Nguyễn Tham Thiện Kế, Bùi Công Thuấn, Nguyễn
Quang Thiều, cùng những nỗ lực kết nối qua mạng nhằm tạo nền tảng tư liệu
như Dũng Lạc do linh mục Trần
Cao Tường sáng lập đầu những năm 2000. Mặc dù từng chịu ảnh hưởng của định kiến
lịch sử và chia cắt ý thức hệ, nhưng văn học Công giáo Việt Nam vẫn duy trì một
hệ giá trị riêng: hướng nội, tập trung vào đời sống tâm linh và các chiều kích
hiện sinh sâu sắc. Trong những năm gần đây, nhiều công trình khảo cứu đã cố gắng
làm sáng tỏ vị trí của dòng văn học này trong văn học dân tộc, như bộ sưu tập Hướng
đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632–2032) của Tủ sách Nước Mặn. Song hành, Trong Ơn Gọi
của Mai Văn Phấn tiếp tục bước
đi trên hành trình ấy, không phải với tư cách là một nhà nghiên cứu thần học,
mà như một nhà thơ tìm thấy trong đức tin một âm sắc thi ca mới, và phát hiện
cho mình một vai trò mới, có thể mang tính mặc khải, nhà phê bình.
Trong Ơn Gọi không tìm cách định nghĩa văn học Công giáo một cách khuôn mẫu. Thay
vào đó, Mai Văn Phấn chọn cách tiếp cận từ tổng hòa đến trường hợp cụ thể, đọc
từng tác phẩm, từng tác giả, và từ đó dần hiện lên một diện mạo văn học: lặng lẽ,
hướng nội, và giàu chất suy niệm hiện sinh. Đó là lý do tại sao cuốn sách được
cấu trúc thành hai phần: Phần I là Hạt Giống
Tin Mừng, gồm 4 tiểu luận mang tính chất đánh giá tổng quan nền văn học
Công giáo; và phần II Ánh Sáng Đấng-Tình-Yêu
với 20 tiểu luận nghiên cứu trường hợp.
Văn học Công giáo không được nhìn nhận như một
nhánh biệt lập với dòng văn học dân tộc. càng không phải “sân sau” tôn giáo.
Ngược lại, tác giả nhận ra ở đó một tiếng nói nội tâm rất Việt, rất nhân bản.
Đó là tiếng nói của những người viết luôn giữ cho mình một vùng tâm linh không
bị lấn át, để họ sáng tạo trong trạng thái đối thoại với cái thiêng, dù cách biểu
kiến có thể khác nhau. Giữa dòng văn học này, ơn gọi (vocatio) – một khái niệm thiêng liêng trong thần học – cũng
là một cấu trúc ngầm của hành vi sáng tạo. Người viết, dù tự ý thức hay không,
đều đang trả lời một tiếng gọi vượt trên cá nhân, vượt trên cái tôi văn chương
thông thường. Diễn trình sáng tạo, do đó, có thể được khái quát hình thành từ đức
tin, được vận hành bằng chiều sâu tâm linh, và được thăng hoa nhờ cảm quan nghệ
thuật.
Từ đó, Mai Văn Phấn chia văn xuôi Công giáo (hậu)
hiện đại thành hai chủ đề chính: văn học
Công giáo viết về sự cứu rỗi và sự cứu
rỗi trong văn học thế tục. Là người với vị thế đứng trong (sáng tác) lẫn đứng
ngoài (phê bình), Mai Văn Phấn dường như thiên về mảng chủ đề thứ hai, khi phát
hiện thấy các yếu tố như sự cứu chuộc, vượt thoát, hòa giải và tái sinh, hay tựu
trung lại, một mỹ cảm/mỹ học Kitô nảy mầm trong tác phẩm của các cây bút trước
và cùng thời.
Với Hàn Mặc Tử, Mai Văn Phấn không dừng lại ở
những trang bệnh lý học, thơ tình đau thương hay thơ điên đã quá quen thuộc,
trái lại tìm thấy trong đó một luồng ánh sáng siêu hình. Bài thơ Thánh nữ Đồng trinh Maria là một khúc
hoan ca xuất thần và thăng hoa của thi nhân, “biểu đạt niềm xác tín mãnh liệt,
giải thoát tinh thần khỏi khổ đau trần thế, đưa hồn thơ ông thăng hoa trong cõi
thiêng”. Còn với Nguyễn Quang Thiều và Dưới
cái cây ánh sáng, tác giả không tuyên ngôn Công giáo, nhưng Mai Văn Phấn lại
tìm ra những “thao thức kiếm tìm ánh sáng không ngơi nghỉ” mang sắc thái của ân
sủng và ơn gọi. Sự ám ảnh về cái chết, niềm tin vào sự sống siêu hình, và những
biểu tượng có tính thiêng – tất cả được phân tích như một cuộc đàm đạo về đức
tin không tuyên xưng.
Mai Văn Phấn còn dành sự quan tâm đặc biệt
cho những cuộc gặp gỡ thơ ca mang tính hòa phối văn hóa, nơi chất dân gian thuần Việt và đức tin Kitô giáo
cùng hiện diện trong một chỉnh thể thi phẩm sáng tạo. Với các tác giả Sơn Ca Linh và Xuân Văn, Mai Văn Phấn không tìm cách phân tách các yếu tố tôn
giáo – dân tộc, mà nhận ra ở thơ họ một
dòng chảy tự nhiên, nơi ca dao, đồng dao, lục bát truyền thống được cất
lên như một hình thức cầu nguyện mềm mại. Không khí thôn quê, ngôn ngữ mộc mạc,
lời lẽ dịu dàng hòa cùng tâm thế kính nguyện đã tạo nên chất thơ mang cả “hồn
dân gian” và “hồn đạo”, không bên nào lấn át bên nào. Điều này không chỉ là sự
kết hợp hình thức, mà còn là một quan niệm văn hóa sâu xa: Công giáo, khi đi vào văn hóa Việt, không đứng
tách biệt, mà lắng hòa, nương nhờ vào nền văn hóa bản địa để phát biểu điều
thiêng. Một trường hợp khác là Lê
Đình Bảng, người đã tạo nên hình tượng thi ca đặc sắc qua biểu tượng Người Mẹ, là hình ảnh hội tụ giữa Đức Mẹ Maria và người mẹ Á Đông. Đức Mẹ không chỉ là hình ảnh tôn giáo,
mà còn là hiện thân của người mẹ Việt dịu hiền, can đảm, luôn hiện diện trong đời
sống tâm linh và tình cảm. Và chính những thi sĩ như Sơn Ca Linh, Xuân Văn hay
Lê Đình Bảng, theo cách nhìn của Mai Văn Phấn, là một dạng thi hóa tín điều
rất Việt.
Vậy điều gì khiến Mai Văn Phấn có thể chạm
vào được những cốt lõi trừu tượng của văn học Công giáo (“Đức tin là bằng chứng
của những điều không thấy”, Hebrew 11:1)? Như đã nói, dường như, đó là một cuộc
trở lại nội tâm dưới hình hài một lối đọc và viết khác, bởi Mai Văn Phấn là một
người ở “cả trong lẫn ngoài”. Lối viết phê bình tìm lấp lánh con chữ hay làm
bóng bẩy ngôn từ đã sáo mòn. Còn lối viết phê bình thuần lý luận hoặc trau chuốt
câu chữ thường khó chạm đến được cốt lõi bản thể của dòng văn học này vốn đặt nền
trên tín điều, sự chiêm niệm và vẻ đẹp thiêng liêng. Để đạt đến chiều sâu của
văn học Công giáo, một chiều sâu gắn với tín điều và đời sống đức tin, thì cần
một lối đọc mở và thấu cảm.
Lối đọc đó, trong trường hợp của Mai Văn Phấn,
không đến từ lý thuyết văn học mà đến từ chính trải nghiệm đời sống tín hữu và
hành trình sáng tạo cá nhân. Tiểu luận Những
bước đầu tiên minh giải rõ hơn bao giờ hết qua lời tự bạch: “Tôi sinh ra
trong một gia đình Công giáo. Từ thuở ấu thơ, bà nội tôi chính là vị thừa sai đầu
tiên đã rao giảng Phúc Âm cho tôi, dạy tôi biết yêu thương, tha thứ và sống cho
tha nhân”. Những năm tháng đầu đời sống giữa môi trường tôn giáo, với kinh bổn,
thánh ca, các Bí tích, đã gieo vào tâm hồn ông những “tín hiệu thơ ca” đầu
tiên, mở ra “một thế giới tuyệt đẹp… nơi cái thiện luôn chiến thắng cái ác”. Đặc
biệt, biến cố năm 1990, khi sáng tác bài thơ “Thuốc đắng” được Mai Văn Phấn gọi
là khoảnh khắc nhận được “Ơn Gọi”. Từ đây, thơ không còn chỉ là ghi chép cảm
xúc, mà là một hành vi dấn thân, một cách sống mang chiều sâu đức tin, như ông
viết: “Tôi thấy con đường sáng tạo của mình đã rộng mở hơn… thấy như vạn vật đều
có linh hồn, chuyển động theo những quỹ đạo riêng”.
Phê bình của Mai Văn Phấn, vì vậy, không đứng
ở bậc cao để “đọc – phân tích – đánh giá”, mà đặt mình ngang bằng với văn bản,
như một người cùng lắng nghe, cùng cầu nguyện bằng ngôn ngữ. Với ông, vẻ đẹp
thi ca Công giáo không đến từ ý niệm thần học, mà từ sự lặng yên, từ những “vỉa
tầng ký ức và tâm trạng” mà nhà văn, nhà thơ đã từng bước vượt qua để thành
hình câu chữ. Bởi vậy, Trong Ơn Gọi
không phải một công trình nghiên cứu văn học tôn giáo theo nghĩa học thuật. Nó
giống một hành trình song song: nhà thơ bước vào thế giới của người viết khác với
tất cả sự khiêm nhường, đồng cảm và nền tảng đức tin đã được sống từ thuở ấu thời.
Và có lẽ vì thế, những bài viết trong Trong
Ơn Gọi có thể đọc như một hình thức đối thoại thinh lặng bằng văn chương,
khi người viết dâng hiến sự hiểu, và người đọc được mời gọi sống chậm, sống sâu
cùng tác phẩm.
Nếu Nhịp
điệu vẽ lối đi xác lập một tư thế tương đối mới mẻ dành cho Mai Văn Phấn, từ
một trong những nhà thơ Việt Nam tiêu biểu nhất sau 1975 sang một nhà phê bình
với tính chất tham dự văn chương, thì qua Trong
Ơn Gọi, ta thấy một chiều kích Mai Văn Phấn khác, Vincent Mai Văn Phấn. Một chiều kích cá nhân
hơn, lặng hơn trong nội tâm và, thậm chí, chuyên sâu hơn.
Hà Nội, 9/6/2025
P.M.Q
__________
* Phạm Minh Quân (sinh năm 1993) là nhà nghiên cứu, phê bình văn học
– nghệ thuật. Hiện anh là Giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học
Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời giữ cương vị Phó
Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa. Anh là chủ biên và đồng tác giả của nhiều
công trình chuyên khảo, đồng thời hoạt động tích cực với tư cách dịch giả, tác
giả các tiểu luận và bài báo khoa học trong các lĩnh vực nhân học văn hóa, lý
luận – phê bình và lịch sử nghệ thuật. Một số tác phẩm tiêu biểu: "Nhân học văn hóa ở Việt Nam
- diễn trình và nghiên cứu" (đồng chủ biên, 2024), "Mỹ thuật và nghệ
thuật ứng dụng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ góc nhìn giáo dục nghệ thuật"
(đồng tác giả, 2024), "Xem tranh" (Susan Woodford, dịch, 2023), "Người
chơi" (Johan Huizinga, dịch, 2023), "Những nguyên lý của lịch sử nghệ
thuật" (Heinrich Wölfflin, dịch, 2022), "Hồi ức của một nhà buôn
tranh" (Ambroise Vollard, dịch, 2022), "Tư duy nguyên thủy"
(Franz Boas, dịch, 2020), "Tình dục và ức chế ở xã hội man dã"
(Bronislaw Malinowski, dịch, 2019), "Các mô thức văn hóa" (Ruth
Benedict, dịch, 2018)…
Sách bán tại Nhà sách Đức Bà
Hoà Bình
https://ducbahoabinhbooks-osp.com/trong-on-goi-tieu-luan-va-phe-binh-van-hoc/
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
• Điện thoại: 0938.037.175 – (028)3.8250.745
• Email: nsachducbahoabinh@gmail.com
* * *
Sách bán tại Nhà sách Nước Mặn
https://tusachnuocman.com/san-pham/trong-on-goi-tieu-luan-va-phe-binh-van-hoc/
Địa chỉ: 116 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định

Ảnh của Nhà phê bình văn học Đinh Thanh Huyền