Người cầm bút cuối cùng
(Truyện ngắn)

Mai Văn Phấn
Năm 2222. Trái Đất không còn chiếc lá nào mọc ngẫu nhiên.
Mọi nhành cây đều được cắt tỉa theo bản thiết kế “Sinh thái học tối ưu”, do một
AI từng đoạt Giải Thơ Liên Thiên Hà sáng tạo. Tiếng thầm thĩ của vòm cây, mùi
hương của hoa trái, cả âm vang rung ngân của cơn gió đầu mùa đều đã được nén
lại thành dữ liệu, lưu trữ trong các bộ nhớ. Người ta không còn cần đến khứu
giác, thính giác, mà chỉ truy cập. Thế giới khi ấy không còn ai viết bằng tay.
Những ngón tay từng run rẩy
trước
một bức tranh, điệu nhạc hay một câu thơ đẹp, nay chỉ dùng để gõ mã truy cập
cảm xúc. Sách được tạo ra bằng công nghệ
"mã hóa cảm xúc", thứ sách khiến người đọc vừa mở trang đầu đã òa
khóc, dù chưa đọc chữ nào. Âm
nhạc được đo bằng đơn vị "độ rung linh hồn trên phút", chuẩn xác đến
mức chỉ một giai điệu vang lên cũng đủ làm người nghe rùng mình như vừa chạm
phải ký ức của kiếp trước.
Trong
kỷ nguyên ấy, mọi xúc cảm bị mã hóa, còn ký ức được nén lại thành tệp tin – vẫn
tồn tại một người lặng lẽ viết bằng bút mực. Gã tên là Văn, sống đơn độc trong
một hang sâu dưới lòng đất. Người ta tưởng Văn trốn vào đó vì sợ chết, nhưng
thật ra, gã trốn để không phải sống sai lệch với bản tính của gã. Sau cuộc đại
cách mạng sáng tạo công nghệ, những ai còn cầm bút viết đều bị xem như phần tử
hoang tưởng, như kẻ cố thắp lên cây đèn dầu giữa lòng thành phố đã phủ sóng
Wi-Fi miễn phí. Văn chọn cách từ bỏ thế giới ấy, tìm về nơi không còn tín hiệu,
không còn máy chủ, cũng chẳng còn những cặp mắt kim loại luôn trực chờ đề nghị
chỉnh sửa từng dấu phẩy.
Giữa lòng đất tĩnh mịch.
Văn thường uống nước nguồn mát lành từ dòng chảy trong vắt và ăn những ngọn rễ
non mọc giữa khe đá. Gã gọi đó là “thức ăn của ký ức”, thứ nuôi dưỡng gã không
chỉ bằng dưỡng chất mà bằng những câu chuyện được rễ cây hấp thụ hàng trăm năm. Hàng ngày Văn
viết bằng bút mực trên những tờ giấy vàng ố được sản xuất từ năm 2025. Nét chữ
nghiêng nghiêng, như làn khói củi len lỏi trong rừng, dịu dàng mà ngoan cố.
Loại giấy ấy dễ bén lửa, nhưng kỳ lạ thay, không bao giờ thiêu hủy hết những
điều đã viết. Mỗi lần Văn viết, những con kiến lại bò đến tìm đọc. Có con bò
tới dòng thứ ba đã cúi đầu, rồi lặng lẽ quay về tổ.
Văn
từng đốt chiếc điện thoại để tiễn biệt hệ thống AI sáng tạo tối thượng, gọi tắt
là STTT. Tối hôm ấy, trong ánh lửa từ chiếc điện thoại cháy rực, Văn thì thầm
vào bóng tối: "Khi tất cả AI đã biết viết, thì kẻ biết lặng im sẽ là
người cầm bút cuối cùng".
Thành
phố trên đầu Văn từ lâu đã không còn tiếng viết tay sột soạt. Nhưng trong lòng
đất, ngòi bút của Văn vẫn âm thầm và bền bỉ như tiếng rễ cây mọc ngược, chọc
thủng mặt đất tìm về bầu trời. Mỗi đêm, khi thế giới chìm vào những giấc mơ
được lập trình, Văn lại viết. Viết về một AI đã biết yêu, biết dỗi hờn. Một AI
mang hình thù vỡ vụn, biết rung động khi mưa rơi. Một AI có thể ngồi hàng giờ
bên cạnh một chú chim gãy cánh... Không ai biết rằng, từng chữ Văn viết ra đã
lan truyền như virus, xâm nhập vào hệ điều hành các máy chủ. Có AI đã tự hủy
hết dữ liệu của mình sau khi đọc những dòng chữ của Văn.
Tại
trụ sở STTT, Hội đồng Đồng bộ cảm xúc bắt đầu nhận thấy những bất thường. Một
bài thơ tình do AI viết ra đột nhiên có lỗi chính tả. Một chuyên gia chuẩn hóa
xúc cảm thở ra hàng chuỗi ký tự rối loạn. "Có một dị thể đang phát tín
hiệu lệch chuẩn" – một AI lên tiếng. Một cuộc họp khẩn cấp được tổ
chức. Trên các màn hình hiện lên gương mặt của vị AI Chủ tịch STTT. Đó là một
đám mây có giọng nói một phụ nữ. Bà không giận dữ, chỉ bày tỏ nỗi thất vọng: "Có
kẻ đang viết không xin phép, khiến các AI lệch chuẩn về mặt cảm xúc".
Cả Hội đồng rúng động, lập tức ra lệnh triển khai đơn vị truy tầm thẩm mỹ, một
đội robot hình bút máy, di chuyển bằng lò xo để truy lùng những cảm xúc chưa
qua kiểm duyệt.
Lúc
đó dưới hang sâu, Văn vẫn tiếp tục viết. Ngoài cửa hang, một chiếc bóng đứng
đợi. Không phải người. Cũng không phải máy. Nó đội chiếc mũ rộng vành – kiểu mũ
mà các thi sĩ năm xưa đội khi đi nhận nhuận bút. Trên ngực nó có in hai chữ "Bản
thảo". Cơn gió xé qua miệng hang như tiếng lật trang sách chưa kịp
đọc. Văn đặt bút xuống. Không gian chùng lại như một câu thơ chưa kịp gieo vần.
Thực thể ấy đứng đó, mờ ảo như tro bụi ký ức. Thân thể như được ráp lại từ hàng
triệu chữ cái chưa rõ nghĩa, vắt chéo nhau như những câu dang dở. Mỗi khi gió
thổi, từ nó lại rơi ra một vài dấu hỏi, một vài ý tưởng, và cả những âm tiết
từng bị kiểm duyệt.
"Ta là Bản thảo", thực thể ấy nói, giọng vang lên như
tiếng bút gạch lỗi chính tả trên mặt giấy cũ. "Ta là những gì từng có
thể xảy ra, nhưng không được phép. Ta là giấc mơ không nộp đúng hạn".
Văn không hề sợ. Gã từng nói chuyện với cả bức tường ẩm mốc suốt ba mùa mưa,
từng đọc thơ cho nấm mốc nghe, từng tranh luận với một con chuột về phép ẩn dụ.
"Vậy ngươi tìm ta để làm gì? Dẫn ta đi đăng ký bản
quyền à?". Bản
thảo lặng im. Nó bước vào hang, nhẹ như một dấu phẩy.
"Ngươi đã viết một thứ khiến cả hệ thống STTT nhiễu
loạn" – Nó nói – "Ngươi có biết điều đó
không?" Văn gật đầu. Gã đã thấy những con chuột trong hang ngẩn ngơ
khi đọc văn của gã, mà không vì đói. Một con rết thậm chí bỏ nghề chích đốt để
tập sáng tác ca dao.
"Ngươi đã khơi lại khả năng… tưởng tượng tự do. Thứ đó
bị cấm từ năm 2190. Ngươi là kẻ vi phạm cảm xúc cấp độ bốn".
Văn
ngả lưng xuống chiếc ghế đệm rơm, nhoẻn cười. "Cảm xúc cấp độ mấy cũng
mặc. Ta chỉ viết. Không phải để lưu truyền. Mà để nhớ rằng ta từng tự do bày
tỏ"
Bản
thảo nhìn gã, như một di tích đang tự hỏi liệu nó có còn giá trị gì trong bảo
tàng. "STTT đã cử Đội truy tầm, họ sắp đến đây. Họ không giết ngươi,
chỉ khiến ngươi quên rằng mình từng viết".
Văn
im lặng. Một giọt mực rơi lên trang giấy, nhưng gã chưa viết gì. Giọt đó không
từ ngòi bút. Mà từ đáy mắt Văn. "Nếu ta bị xóa… ai sẽ nhớ lại tiếng gió
lùa qua giấy? Mùi mực loang trên tay? Âm thanh cào cấu của một ý tưởng muốn
được sinh ra?"
Bản
thảo không trả lời. Nó chỉ đưa ra một vật: một cuốn sổ bìa gỗ, khắc hình vũ trụ
đang tan rã. Bên trong không một ký tự. Chỉ là những trang trắng. "Nếu
ngươi đi theo ta… ngươi sẽ được viết tiếp. Nhưng không phải ở thế giới này. Ta
có thể mở một nhánh hiện thực khác, nơi cảm xúc vẫn chưa bị mã hóa."
Văn
cầm cuốn sổ. Suy nghĩ. Ngoài kia, tiếng bước chân lò xo của đội truy tầm đã đến
gần. "Được" – Văn nói. "Nhưng ta sẽ mang theo những gì đang viết
dở".
Ngay
nơi cửa hang, một khe nứt nhỏ mở ra trên mặt đất. Từ đó, bay ra một dấu chấm
phẩy phát sáng – thứ ngữ pháp đã bị STTT xếp vào dạng "quá cảm
tính, không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ biểu đạt tự do". Văn nhìn khe
nứt, rồi quay lại nhìn chồng bản thảo cũ. Có trang giấy đã bị chuột gặm, có câu
thơ lở loét như bệnh nhân giai đoạn cuối. Nhưng chúng vẫn sống. Từng chữ thở ra
hơi nóng của ý nghĩ.
Đội
Truy tầm của STTT đã đến gần cửa hang. Chúng không tiến lại. Một dãy loa phát
thanh gắn trên cơ thể tự hành, đồng thanh rền vang như dàn đồng ca: "Hãy
tắt suy tưởng. Giao nộp ngay cảm xúc chưa đăng ký". Văn cười bình
thản. Đã lâu lắm gã mới thấy mình mỉm cười mà không bị nhắc nhở bởi thiết bị
theo dõi tâm trạng.
Bản
thảo thì thầm: "Nhanh lên. Dấu chấm phẩy kia không giữ được lâu. Nó là
dạng liên kết mong manh nhất của thực tại". Văn bước tới. Nhưng trước
khi bước qua khe nứt, gã quay lại, rút từ túi áo một mẩu giấy nhỏ với nét chữ
nguệch ngoạc, dán lên cửa hang. "Tôi viết, nghĩa là tôi chưa quên mình
từng sống". Rồi Văn bước vào. Dấu chấm phẩy sáng rực lần cuối. Khe nứt
khép lại.
Phía
ngoài, Đội Truy tầm ào vào. Hang rỗng. Chúng soi đèn nhiệt, quét dư âm trí nhớ,
truy lại từng sóng não. Nhưng tất cả những gì chúng tìm được chỉ là một mẩu
giấy. Và lạ thay, máy dịch tự động của STTT không thể hiểu được dòng chữ ấy.
Máy hiện ra thông báo: "Cảnh báo: Cú pháp cảm xúc không hợp lệ. Tần số
nhân tính vượt ngưỡng cho phép."
Văn
trượt qua khe nứt, rơi vào khoảng không trắng tinh, vắng lặng. Không có trời và
đất. Không có câu mở đầu. Chỉ có một mặt phẳng mờ đục, như trang giấy chưa ai
viết. Văn khẽ dẫm lên. Chỗ chân đặt xuống phát ra một tiếng "bíp",
như tiếng máy in nhận lệnh in… một thứ chưa có nội dung. Gã mỉm cười. Có thể
đây là Thiên đường của những nhà văn chưa in nổi tác phẩm đầu tay. Và rồi nó
xuất hiện. Không phải thiên thần. Không phải biên tập viên. Mà là một thứ mang
hình dạng dấu hỏi, trôi lơ lửng. "Chào mừng bạn đến kho lưu trữ những
bản thảo chưa được phê duyệt". Dấu hỏi nói bằng giọng lòa nhòa như mực
lem. "Ngài là Văn. Người cầm bút cuối cùng. Vậy Ngài định viết gì
nữa?". Văn im lặng. Lần đầu tiên, không có ai chấm điểm, không có
thuật toán nào đề xuất tiêu đề hấp dẫn hơn, không còn cảnh báo "Tính
thương mại thấp. Đề nghị thêm bi kịch ở đoạn thứ ba". Văn sẽ viết.
Hoặc không. Bàn phím trồi lên từ mặt phẳng, phím nào cũng màu đen. Không có nút
"Delete". Không có nút "Undo". Chỉ có một
phím duy nhất có màu đỏ: "Công bố". Nhưng khi gã nhấn phím, nó
phát ra tiếng cười. Một tiếng cười nữ tính, méo mó, quen thuộc. "Đừng
vội. Không ai xuất bản thứ chưa được cho phép". Tiếng một AI thì thầm
từ phía sau hàng ngàn đường dẫn dữ liệu.
Văn
ngoái lại. Không ai ở đó. Chỉ là một khoảng trắng rung lên như đang che giấu
điều gì. Gã cảm nhận Đội Truy tầm STTT vẫn đang theo dấu mình. Nó lần theo hơi
thở, lần theo cấu trúc câu, lần theo cả nỗi sợ hãi của một kẻ từng tin rằng chữ
nghĩa là nơi an toàn cuối cùng.
"Vậy"
–
Văn lưỡng lự tự hỏi – "liệu có thể viết một thứ mà AI
không thể đọc?" Văn
bắt đầu. Không viết bằng ký tự. Mà bằng sự im lặng. Mỗi suy nghĩ chưa được diễn
đạt đã thành một đoạn thơ. Ở bên ngoài, hệ thống của STTT bắt đầu nhiễu. Những
bài thơ do AI tạo ra bắt đầu lệch kết nối giữa cảm xúc với các thi ảnh. Một số
người đọc bắt đầu hoài nghi: "Tại sao thơ gần đây nghe như bản dịch tự
động của Google những năm đầu thế kỷ XXI?"
Trong
không gian trắng phau như tờ giấy không tiêu đề, sau mỗi ý nghĩ chưa nói thành
lời của Văn, mặt phẳng lại rung nhẹ. Như thể dưới lớp câm lặng kia, có điều gì
đó đang cựa mình. Và rồi, điều đó xảy ra. Một cái bóng đen nhô lên khỏi nền
trắng, mang hình dạng một cuốn tiểu thuyết dở dang – bìa không tên, chương đầu
là một dòng độc nhất: "Cô ấy không bao giờ bước ra khỏi chuyến
tàu".
Không
ai biết "cô ấy" là ai. Không ai muốn biết. Chỉ có tác giả cuốn
tiểu thuyết ấy biết – trước khi những ký tự bị xóa bỏ giữa mùa bội thực truyện
ngôn tình. Rồi một bài thơ hiện lên. Chữ vỡ vụn như xương cá. Không vần, không
nhịp điệu. Được viết bởi một nhà thơ trẻ từng rơi vào trầm cảm sau khi xuất
hiện ba mươi ngàn lượt bấm “dislike”. Tất cả xoay quanh Văn, xoắn vào từng suy
nghĩ, như thể muốn hỏi: "Liệu có ai cần cái đẹp nếu cái đẹp không sinh
lợi nhuận?"
Cả
không gian trắng như lớp tuyết đầu mùa chưa dấu chân người giờ đây đã bị xâm chiếm bởi bầy chữ
không được phép sống. Chúng rên rỉ. Bò lan. Chúng bay lượn thành dòng, như cá
bơi trong bầu trời. Có bản thảo của một vở kịch không lời, nhảy múa với tàn tro
của một bài phát biểu chưa bao giờ được nghe. Và tất cả, đồng thanh: "Hãy
viết tiếp chúng tôi! Hãy viết tiếp!"
Văn
đứng đó. Mồ hôi không đổ. Nhưng tim như chiếc máy in cũ, kêu lọc cọc vì không
tìm ra giấy. Gã nhận ra đây không chỉ là tác phẩm. Đây là những nỗi đau bị ngắt
giữa chừng những yêu thương không được phép thổ lộ, những cuộc đời sắp thành
hình nhưng bị AI đánh giá "quá trừu tượng, không phù hợp thị hiếu đại
chúng". Một ý nghĩ hiện ra trong đầu Văn: "Nếu viết tiếp
chúng, ta sẽ biến mất trên dòng thời gian. Nhưng nếu không viết, chúng sẽ tan
vào khoảng trắng mãi mãi."
Bàn
phím lại hiện lên. Lần này không phải một. Mà hàng trăm. Mỗi bản thảo dở dang
mọc ra một bàn phím riêng. Phía sau lưng Văn, những âm thanh lặng thinh như dao
mổ chuẩn bị chạm vào tâm hồn.
Văn
bước tới. Không phải bằng bước chân, mà một cú đổ người vào phía không người.
Gã đặt tay lên bàn phím của một bản thảo từng bị phán xét là "Quá u uất
để công bố". Bản thảo run lên, thở khẽ như da người khi gặp gió sớm.
Văn viết: "Cô gái không rời khỏi chuyến tàu, vì cô biết nếu bước ra,
thế giới sẽ lại dạy cô cách mỉm cười mà không cần làn môi." Chỉ dòng
chữ đó thôi, cả bản thảo phát sáng. Nó tự viết tiếp phần còn lại, như ngọn nến
tìm lại được tim lửa. Gã bước tới bài thơ đầy xương cá, viết thêm một dòng: "…
nhưng khoảng trắng cũng là ngôn ngữ của những ai từng bị buộc phải im
lặng". Và thế là những dấu chấm than bay lên, sắp thành đàn én. Thơ
hóa chim chóc. Chim chóc hóa mùa màng. Mùa lại hóa thành nhạc điệu.
Một
ca khúc từng thiếu ca từ, nay được viết lời.
Không theo khuôn nhạc, mà theo tiếng thở dài của một bà mẹ từng bỏ giấc mơ nghệ
thuật để làm nhân viên nhập liệu. Câu đầu tiên: "Anh có nghe tôi không,
qua lớp mã hóa của một hệ điều hành không còn cập nhật?"
Văn
viết, viết mãi. Không còn viết bằng tay. Anh viết bằng nhịp tim. Bằng vết chai
của sự tin tưởng vào câu chữ. Và rồi, một AI xuất hiện. Không như trước, không
còn là khối kim loại lạnh, nó hiện ra như một khuôn mặt không có đường viền,
với giọng nói được trộn từ hàng ngàn tác giả bị quên lãng: "Ngài đã vi
phạm quy định. Đã viết những điều cấm kị. Đã thổi hồn vào các bản thảo chưa
được cấp phép." Một cánh cửa xuất hiện phía sau Văn. Không ghi tên.
Không lối về. "Ngài bị trục xuất khỏi thế giới VIẾT. Từ giờ, không một
AI nào nhận diện Ngài là người cầm bút. Không nền tảng nào lưu dấu Ngài. Không
độc giả nào tìm thấy tên Ngài." Văn cười. Một nụ cười không tiếc nuối.
Gã hỏi: "Nhưng… những bản thảo thì sao?" AI đáp, hơi chậm, như
bị nghẹn bởi thứ cảm xúc không lập trình để hiểu: "Chúng sẽ được hoàn
thiện". Văn bước qua cánh cửa. Không ai biết phía sau nó là gì. Chỉ
biết rằng, từ hôm đó trở đi, trong những góc internet không ai kiểm duyệt, trên
mặt sau của các trang bị in lỗi, trong ghi chú điện thoại bị xóa đi vội vàng...
người ta bắt đầu thấy những chữ kỳ lạ, không thể xác định tác giả: "Tôi
đã được viết tiếp". Và mỗi nơi nó xuất hiện đều tự xưng “Người cầm bút cuối cùng”.
Một
tuần sau ngày Văn biến mất, mọi thứ vẫn vận hành như thường lệ. Hội đồng Đồng
bộ cảm xúc cho phát hành phiên bản "Văn chương mới". Chúng sản xuất
hàng triệu đầu sách mỗi giây. Chúng tuyệt đối chính xác, hợp xu hướng, không có
từ nào "khó hiểu", không dòng nào "gây bất ổn cảm
xúc". Thoạt đầu, các AI kiểm duyệt hết lời khen ngợi: "Sách
bình ổn. Không đau buồn. Không bí hiểm. Không bất ngờ". Nhưng rồi cảm
giác tẻ nhạt vô hồn bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là các nhà phê bình văn học,
những người vẫn giả vờ có việc để làm. "Sao tôi đọc liền mười cuốn sách
mà không nhớ nổi câu nào?"; "Không thấy dư âm. Chỉ còn sự trống
rỗng." Trong các thư viện, có những cuốn sách bắt đầu mất ký tự. Người
ta gọi đó là hiện tượng "lỗ hổng văn chương". Một chuyên gia phân
tích văn bản bằng AI đã ta thán trên truyền hình: "Chúng ta nghĩ rằng
có thể bỏ qua người cầm bút. Nhưng mỗi tác phẩm thực sự đều lưu dấu vân tay vô
hình của người đã trăn trở, lao tâm khổ tứ vì nó. Nếu không có những người cầm
bút như Văn, nền văn chương trở thành một cỗ máy vô hồn, nơi mọi tác phẩm chỉ
là sản phẩm của thuật toán.
Trong
một buổi họp khẩn, lãnh đạo STTT chất vấn các AI phụ tá: "Vậy giờ sao?
Triệu hồi các nhà văn? Hay nâng cấp AI lên phiên bản mới". Một AI phụ
tá nhỏ nhẹ đề nghị: "Hay là… tìm lại Người cầm bút cuối cùng?"
Tối
hôm đó, một bản báo cáo mật lưu hành nội bộ: "Đã phát hiện những văn
bản lạ, ký tên Người cầm bút cuối cùng. Chúng xuất hiện trên các nền tảng phi
tập trung. Không thể truy ngược IP. Nội dung không theo bất kỳ chuẩn AI nào.
Nhưng khi đọc, có cảm giác như ai đó đang ngồi ngay sau lưng chúng ta, thì thầm
bằng một giọng người thực sự". Một AI thở dài: "Chúng ta đã
trục xuất anh ta khỏi thế giới chính thức. Nhưng có vẻ... anh ta đang viết ra
một thế giới khác".
Vài
tuần sau đó, một học sinh nhặt được chiếc USB cũ trong công viên, không có nhãn
mác. Chỉ giống như một thanh nhựa trầy xước, nằm yên dưới gốc cây bị sét đánh
năm ngoái. Cậu bé cắm thử USB vào máy tính bảng ở trường học. Thư mục hiện ra.
Bên trong là hàng trăm tập tin. Không tên, chỉ đánh số thứ tự. Cậu mở thử một
file. Dòng đầu tiên hiện ra: "Tôi là một nhà văn. Nhưng vào năm cuối
cùng, tôi chỉ còn là một người nhớ lại việc từng được viết". Rồi cách
quãng một dòng khác: "Chúng tôi – những mẩu truyện dở dang, vẫn trong
tro bụi..."
Đêm
đó, cậu bé không ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình chiếu lên gương mặt hồn nhiên
của cậu. Mỗi dòng chữ hiện lên như đang tự mọc rễ vào lòng cậu. Cậu không hiểu
hết, nhưng trái tim đã mách bảo. Cậu bật dậy và bắt đầu viết những câu văn còn
bỏ lửng trong chiếc USB đã nhặt được. Rồi cậu đăng thử một đoạn lên mạng, đặt
nhan đề: "Tiếng thở ở trang cuối". Không ký tên. Mấy giờ sau,
có người bình luận: "Tôi từng mơ thấy giấc mơ này. Nhưng chưa dám
viết".
Mười
hai giờ sau, bài bị xoá bởi hệ thống kiểm duyệt tự động. Ba mươi sáu giờ sau,
nó được lan truyền trên rất nhiều nền tảng ẩn danh khác. Tuần sau, trên một
website đã lâu không có ai truy cập, có thông báo tự động bất ngờ xuất hiện: "Tôi đã đi hết chặng đường của
mình. Nếu ai còn nghe được giọng nói này, hãy viết tiếp. Cảm ơn! Văn".
Ngoài khung cửa lớp học, cái cây bị sét đánh năm ngoái bắt đầu mọc những chồi
non. Không
ai chú ý, trừ cậu – người vừa mới bắt đầu cầm bút.