Từ "thả" của Mai Văn Phấn đến mấy suy nghĩ về thơ Haiku - Ảnh Nguyệt
Từ "thả" của Mai Văn Phấn đến mấy suy nghĩ về thơ Haiku

Ảnh Nguyệt
Mấy ngày gần đây, dư
luận nổi lên tranh cãi về tập thơ “thả” của Mai Văn Phấn. Một tập thơ gồm hơn
1000 bài nhỏ nhắn, gọn ghẽ như những áng haiku, dấy lên nhiều tranh cãi mà phổ
biến nhất là những luận điểm như “Đây mà cũng là thơ à”, “Viết thơ bây giờ dễ quá”.
Tạm gạt sang một bên những tranh luận về ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và
sáng tạo tầm phào trong thời đại mà nghệ thuật ngày càng phá biên và xóa mờ các
ranh giới không chỉ về thể loại, đề tài mà còn ở cách thức biểu đạt, câu chuyện
của Mai Văn Phấn gợi mình nghĩ đến khía cạnh văn hóa của thơ haiku, về cách
những thành tố văn hóa và hệ thống mỹ học truyền thống Nhật Bản ảnh hưởng đến
và tạo dựng nên thế giới thơ haiku. Nói cho dễ hiểu thì là cái gì làm nên vẻ
đẹp và giá trị của haiku, vượt thoát khỏi sự hạn định đến ngặt nghèo về số
lượng âm tiết cũng như sự đơn điệu, đôi lúc nhàm tẻ trong biểu đạt về mặt hình
thức của thể thơ này.
Dù tác giả gọi những
sáng tác của mình là thơ ba chữ thay vì thơ haiku, không thể phủ nhận những ảnh
hưởng của thể loại này xuyên suốt tập thơ “thả”, thể hiện ở cách ngắt dòng, sự
ngắn gọn và cô đọng chỉ với ba câu cùng số lượng âm tiết hạn định, dù không
tuân thủ quá ngặt nghèo các quy ước hay niêm luật của thơ haiku cổ điển. Tinh
thần và cảm thức thơ trong “thả” cũng có sự phá biên khỏi những đề tài và nội
dung thường gặp ở thơ haiku truyền thống, khai thác khả năng biểu đạt của tiếng
Việt, như những lát cắt của đời sống được ghép nối lại qua những mẩu miếng ngôn
từ. Có thể coi “thả” như một tuyển tập thơ hiện đại viết theo lối haiku.
Mình trân trọng lao động
nghệ thuật của Mai Văn Phấn trong tập thơ này, ở cách bác đem đến những khả thể
khác của haiku qua những biểu đạt vượt thoát khỏi khuôn khổ thi ca để giáp ranh
nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Song, là một người kết nối với haiku không chỉ
ở khía cạnh văn học mà còn như một thực hành tâm linh và tinh thần, cũng không
mấy cởi mở với các hình thức biểu đạt mới của thể loại này, mình không ấn tượng
hay thích thú nhiều với các bài trong tập thơ này, dù vẫn nắm bắt được nội
dung, ý tứ và tinh thần thơ.
Trong thiển ý của mình,
haiku là một thể loại khá đặc thù cả về hình thức biểu đạt, đặc trưng mỹ học
lẫn đối tượng độc giả tiếp nhận, và gắn bó chặt chẽ với nền văn hoá mà từ đó nó
khai sinh. Thành ra, mình chỉ đọc được haiku ở đúng thời điểm nó ra đời và lên
đến đỉnh cao, ở chính đất nước đã khai sinh ra nó, của chính những thi hào đã
lên đến hàng tượng đài của thể loại này, mà mọi kiểu sáng tác học theo hay mô
phỏng về sau này, mình đều không mấy rung động (vẫn có đôi bài mình đọc được và
thấy hay, song chỉ dừng lại ở cảm mến với cá nhân bài thơ đó, không phải với
tác giả như một thi-sĩ-haiku).
Cái hay, cái thú của
haiku chưa bao giờ nằm ở câu chữ hay thậm chí là hình ảnh, đọc haiku cũng không
phải đọc câu chữ, ý tứ hay thi pháp thơ, mà là đọc một tinh thần, tiếp chạm một
thế giới quan, chiêm nghiệm cả một hệ thống mỹ học truyền thống Nhật Bản được
ánh xạ và cô đọng vào bên trong nó. Ngay cái sự hạn chế về số lượng câu chữ của
haiku đã liên hệ mật thiết với lịch sử thi ca Nhật Bản như một sự rút gọn đến
cùng cực từ waka và tách ra từ renga, cả quá trình phát triển rồi lên đến cực
điểm của haiku cũng song hành với quá trình thâm nhập và ảnh hưởng của Thiền
tông ở Nhật Bản, hệ thống niêm luật, quy tắc và ước định của haiku cũng gắn bó
mật thiết với các thành tố văn hóa và hệ thống mỹ học Nhật Bản. Và quan trọng
nhất: Những tượng đài thơ haiku không chỉ là nhà thơ, mà họ còn là những thiền
sư-thi sĩ; họ sống cuộc đời mình với triết lý thi ca và quan điểm thẩm mỹ ấy,
dùng chính đời sống để thực nghiệm và chứng ngộ, lao động nghệ thuật của họ
song hành với quá trình huân tập, giác ngộ và tầm Đạo. Nhiều áng thơ haiku bất
hủ của các bậc thầy đã vượt thoát khỏi ranh giới của thi ca, của nghệ thuật để
hiện diện như những yếu chỉ Thiền tông hay những công án thiền. Do đó, việc
tiếp nhận thơ haiku không chỉ dừng lại ở sự đọc đơn thuần, mà còn là sự tương
giao, cảm ứng giữa thi nhân và độc giả để đi tìm cái Đạo giữa nhân gian. Như
một nhận xét hết sức cô đọng và hàm súc này của thầy Nhật Chiêu – một người đã
có bề dày nghiên cứu về văn hoá và văn học Nhật Bản: “Haiku đồng nghĩa với nghệ
thuật và đạo. Đó là con đường tâm linh, khi trong haiku các tác giả quan tâm
đến tất cả động tĩnh quanh mình, dù rất nhỏ nhoi, thiết nghĩ muốn được vậy phải
cực kỳ yêu quý từng giây phút sống và luôn hướng đến sự bình đẳng với vạn vật”
[1].
Chính cái cách quá trình
sáng tạo nghệ thuật hòa nhập vào với đời sống, với hành trình giác ngộ, với con
đường tầm Đạo thành nhất thể, mới là thứ làm nên vẻ đẹp và giá trị
vĩnh hằng trong những vần thơ haiku của các thiền sư-thi sĩ Nhật Bản thời ấy.
Thành thử, những bài thơ bé xinh, nhỏ nhắn như những áng haiku hiện đại này của
Mai Văn Phấn nói riêng và của nhiều nhà thơ hiện đại nói chung, khi tách rời
khỏi bối cảnh văn hoá và hệ thống mỹ học nguyên bản để thâm nhập vào một nền
văn hoá và khí quyển văn chương khác, tách rời khỏi quá trình song-hành
nhất-thể của thi ca và Thiền tông, mà trong trường hợp của Mai Văn Phấn với tập
“thả” này, khó mà tránh khỏi những độ vênh, những khoảng chênh lệch.
Ở một góc độ khác, ta có
thể gạt qua một bên những khía cạnh tương đồng và tách “thả” ra khỏi tương quan
so sánh với thơ haiku để nhìn nhận nó như một cá thể độc lập, cho nó một đời
sống riêng, như một tập thơ ba câu ứng với lời đề của tác giả. Trong sự giới
hạn về số lượng âm tiết, sự rải rác của hình ảnh thơ và sự phân mảnh của
ngôn từ, nhưng không bị ràng buộc quá chặt chẽ bởi những quy ước hay niêm luật,
cũng chẳng nương dựa vào một hệ thống mỹ học hay phông nền văn hoá cụ thể nào,
cõi thơ trong “thả” được mở ra đến vô biên, để chừa ra những khoảng trống cho
người đọc liên tưởng, lấp đầy, bồi nghĩa. Trải nghiệm đọc, vì thế, như một cuộc
chơi mà người đọc phải tìm cách giải mã những lớp nghĩa ẩn tàng dưới dung lượng
bị nén chặt của văn bản thơ; mặt khác, trở thành một không gian đối thoại và
đồng sáng tạo giữa thi nhân và độc giả mà ở đó, độc giả tham gia vào quá trình
tạo nghĩa cho tác phẩm, để ngữ nghĩa liên tục tạo sinh, đưa đến những tầng
nghĩa mới, những cách hiểu mới, khai thác tối đa khả năng biểu ý của tiếng Việt.
Nhìn nhận theo hướng này, “thả” có sự mở biên rất gần với tinh thần của nghệ
thuật đương đại, nơi người nghệ sĩ liên tục đi tìm những khả thể khác, mở ra
những vùng trời khác, thử nghiệm những phương cách biểu đạt khác trong tác phẩm
của mình.
Tựu chung lại, dù là thơ
haiku cổ điển của các thi sĩ Nhật Bản hay thơ ba câu của Mai Văn Phấn, thì sự
hàm súc, tinh gọn và tối giản đến cực độ của lối thi ca cực ngắn này đều khiến
chúng trở thành trải nghiệm đọc không dễ tiếp nhận và cảm thụ đối với độc giả
đại chúng. Lược bỏ những lớp ngôn từ bóng bẩy, hoa mỹ, những biểu đạt ngữ nghĩa
cầu kỳ, phức tạp để mà nén chặt lại, tinh gọn lại trong một chỉnh thể ngắn gọn
hết mức là thứ lao động chữ nghĩa cần nhiều nhẫn nại, dụng tâm và trí tuệ. Đặt
trong sự nghiệp thi ca trải rộng hơn bốn thập kỷ với nhiều dấu ấn vượt khỏi
biên giới nước nhà của Mai Văn Phấn, nỗ lực cách tân và thử nghiệm một thứ thơ
ba câu giàu bản sắc Việt trong “thả” nên được nhìn nhận một cách nghiêm cẩn và
công tâm hơn, thay vì sự chóng vánh, vội vã quy kết mà đám đông cảm tính, bầy
đàn đang tấn công tác giả những ngày qua. Lối hành xử ấy không chỉ thật hung
hãn và bạo tàn với văn học, với nghệ thuật, với cái khác mà
bản thân không thể hiểu thấu, mà nó còn là chỉ dấu cho một thứ não trạng nguy
hiểm hơn: Sự khước từ khả năng lắng nghe và đối thoại, cũng tức là khước từ trí
tuệ.
0
A.N
Chú thích:
[1] Lưu Đức Trung, Haiku
– thể thơ ngắn nhất thế giới, Báo Tuổi trẻ.
(Nguồn bài và ảnh: https://asolitarywriter.wordpress.com)

Full Moon And Autumn Flowers By The Stream (Ogata Gekko, tranh khắc gỗ, 1895)