Vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh sáng Thiên Chúa (Lời giới thiệu cuốn sách) - Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh sáng Thiên Chúa
(Lời giới thiệu
cuốn sách "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn, Nxb. Đồng Nai, 2025)

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Thưa
Quý bạn đọc! Như website đã đưa tin, Nxb. Đồng Nai và Tủ sách Nước Mặn vừa cho
ra mắt cuốn tiểu luận và phê bình văn học Công giáo "Trong Ơn Gọi"
của Mai Văn Phấn. Nhằm giúp Quý bạn đọc nắm được nội dung cuốn sách, chúng tôi đăng Lời giới thiệu của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản – Giám mục Giáo phận Hải Phòng, dành cho
tác phẩm này. Nhan đề bài giới thiệu "Vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh
sáng Thiên Chúa", do chúng tôi lựa chọn.
Đức Cha Vinh Sơn
Nguyễn Văn Bản, sinh năm 1956 tại Phú Yên. Ngài bắt đầu tu học từ năm 1968 tại
Tiểu chủng viện Làng Sông, thụ phong Linh mục vào năm 1993 và sau đó du học tại
Pháp, tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học vào năm 2005. Sau khi trở về Việt Nam, Ngài giảng
dạy tại Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang, và tham gia Thượng Hội đồng Giám
mục Thế giới vào năm 2008. Ngài hiện là Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng
(từ 19/03/2022) và Chủ tịch Ủy ban Thánh Kinh của Hội đồng Giám mục Việt Nam
(nhiệm kỳ 2022–2025). Trước đó, Ngài từng là Giám mục chính tòa Giáo phận Ban
Mê Thuột (từ 21/02/2009) và đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc từ
2010–2019.
Trân trọng,
Website
maivanphan.com
Sách bán tại Nhà sách Đức Bà Hoà Bình
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
• Điện thoại: 0938.037.175 – (028)3.8250.745
• Email: nsachducbahoabinh@gmail.com
Sách bán tại Nhà sách Nước Mặn
Địa chỉ: 116 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định
• Youtube: Tủ sách Nước Mặn
• Facebook: Tủ sách Nước Mặn
• Điện thoại: 0987566735
• Email: tusachnuocman1618@gmail.com
LỜI
GIỚI THIỆU
Văn
học Công giáo là kết tinh của đức tin và nghệ thuật, mang sứ mạng loan báo Tin
Mừng, soi rọi ánh sáng Thiên Chúa vào đời sống nhân thế. Tác phẩm văn học diễn
tả vẻ đẹp của niềm tin và lòng yêu mến Đức Kitô, mở ra không gian suy niệm về
ơn cứu độ, về thân phận con người giữa ân sủng và thử thách. Văn học Công giáo
khơi dậy khát vọng hướng thiện, mời gọi con người vượt lên những vô thường của
kiếp nhân sinh để tìm về nguồn cội vĩnh hằng trong tình yêu thương của Chúa. Vì
thế, văn chương Công giáo trở thành lời chứng sống động về sự hiện diện của
Thiên Chúa trong đời sống con người, là nhịp cầu nối giữa đức tin và văn hóa,
giữa thánh thiêng và thế nhân.
Trên
nền tảng đó, cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học Trong Ơn Gọi của
tác giả Mai Văn Phấn ra đời như một nỗ lực tôn vinh di sản văn học Công giáo
Việt Nam. Cuốn sách khẳng định vai trò và tầm quan trọng của dòng văn học này
trong đời sống tinh thần dân tộc, qua đó nhấn mạnh sự tương liên giữa văn
chương và tôn giáo, góp phần làm phong phú và sống động hơn đời sống đức tin.
Tác giả của cuốn sách – Vinh Sơn (Vincent) Mai Văn Phấn – một Kitô hữu nhiệt thành thuộc Giáo phận
Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học, cũng là dịch giả, đã mang một
số tác phẩm văn học từ tiếng Nga đến với độc giả Việt Nam, góp phần làm cầu nối
giữa văn học thế giới và văn học dân tộc.
Với niềm thao thức nghiên
cứu và sáng tạo, Mai Văn Phấn đã tận dụng nhiều khuynh hướng nghệ thuật để khám
phá những chiều kích phong phú của văn chương. Đặc biệt, ông dành tâm huyết để
minh định và lý giải những hiện tượng tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam
đương đại. Cuốn sách Trong Ơn Gọi là kết quả của hành trình kiếm tìm và
chiêm nghiệm, trong đó Mai Văn Phấn không chỉ chia sẻ những suy tư sâu sắc về
văn học trong ánh sáng đức tin, mà còn gợi mở cho độc giả những góc nhìn mới về
đặc trưng và đóng góp của các tác giả Công giáo trong dòng chảy văn học Việt
Nam đương đại.
Văn học Công giáo Việt Nam khởi nguồn từ năm 1632, khi Linh
mục Gieronimo Majorica (1591–1656), một tu sĩ Dòng Tên người Ý, đã lập nhà in
mộc bản tại Thăng Long để in ấn các sách Công giáo. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự hiện diện của Lời
Chúa trong lòng dân tộc qua các tác phẩm Thánh Kinh và giáo lý bằng tiếng Việt,
đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn học Công giáo Việt Nam. Trải
qua gần 400 năm, văn học Công giáo không ngừng triển nở, trở thành khí cụ trong
việc loan báo Tin Mừng, gieo trồng hạt giống bác ái và tình yêu thương của Đức
Kitô. Là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, văn học Công giáo là
nguồn cảm hứng thiêng liêng và vô tận, nâng đỡ đời sống tâm linh, củng cố đức
tin và dẫn dắt con người đến gần hơn với ánh sáng của Đấng-Cứu-Độ.
Hướng
tới kỷ niệm 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632–2032), tác giả Mai Văn
Phấn đã viết cuốn sách này với mục đích khẳng định giá trị thiêng liêng và bền
vững của văn học Công giáo; qua đó, tác giả mong muốn làm sáng tỏ vai trò của
văn học trong việc phản ánh chiều sâu tâm linh, khát vọng hướng thiện của con
người, góp phần làm phong phú diện mạo văn học Việt Nam. Cuốn sách là chứng
tá sống động về sự kết nối giữa
tín
ngưỡng và truyền thống văn hóa, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về tầm ảnh
hưởng của Tin Mừng trong dòng chảy văn hóa nói chung.
Cuốn
sách Trong Ơn Gọi gồm hai phần:
Phần I, Hạt Giống Tin
Mừng, cung cấp cái nhìn tổng quan về văn học Công giáo Việt
Nam đương đại, đồng thời nhận diện các đặc điểm chính của dòng văn học này
trong bối cảnh hiện nay. Tác giả khắc họa rõ nét sự phát triển của văn học Công
giáo trong mối quan hệ với những biến chuyển xã hội, văn hóa và tôn giáo qua thời gian. Ngoài
ra, tác giả cũng dành thời gian suy ngẫm về Ơn Gọi, như con đường dẫn ông đến
với văn chương, đặc biệt ở giai đoạn khởi đầu, kết nối bản ngã cá nhân với
những giá trị thiêng liêng. Phần
II, Ánh Sáng
Đấng-Tình-Yêu, tập hợp những bài phê bình văn học, khẳng
định sự đóng góp của một số tác giả tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam.
Tác giả tập trung kiến giải tác phẩm của các
nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, chủ yếu là tín hữu Công giáo trong
ánh sáng của tư tưởng và mỹ học Kitô giáo, nhấn mạnh hành trình hoán cải tâm
linh – nơi con người tìm kiếm ý nghĩa đời sống trong ơn cứu độ.
Những giằng xé nội tâm, thử thách và niềm hy vọng được khắc họa như một hành
trình trở về với tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mỹ học Kitô giáo trong phần
này xoay quanh biểu tượng trung tâm là Đấng-Cứu-Thế –
nguồn sáng của chân lý, lòng nhân ái và niềm tin tuyệt đối. Với tinh thần phục vụ chân lý và tình
yêu, cuốn sách là lời chứng mạnh mẽ về sự hiện diện của đức tin trong hành
trình sáng tạo của văn chương Việt Nam đương đại. Dấu ấn sâu đậm trong phần II
là bài viết của Mai Văn Phấn về cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Giáo
hoàng Phanxicô. Cuốn tự truyện chia sẻ hành trình cuộc đời của Đức Thánh Cha từ
gia đình di cư ở Argentina đến việc trở thành Giáo hoàng, đồng thời đề cập đến
những thách thức của nhân loại như chiến tranh, nghèo đói, bất công và khủng
hoảng di cư, nhấn mạnh vai trò của hy vọng như động lực giúp con người vượt qua
khó khăn và hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn. Đức Giáo hoàng cũng bày tỏ
suy tư về các vấn đề xã hội, quyền của phụ nữ và nạn lạm dụng tình dục; nhấn
mạnh trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc kiến tạo một thế giới công
bằng, nhân ái. Cũng trong phần này, có đề cập đến bài thơ "Dưới cái cây
ánh sáng" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Mai Văn Phấn nhận định rằng, dù
không phải một tín hữu Công giáo, nhưng Nguyễn Quang Thiều đã sáng tác trong
ánh sáng mỹ học Kitô giáo, diễn tả hành trình khắc khoải kiếm tìm ánh sáng và
hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.
Điểm
đáng chú ý trong cuốn sách Trong
Ơn Gọi là cách tiếp cận độc đáo của tác giả từ góc nhìn của một người sáng tác.
Không chỉ đơn thuần phân tích và lý giải các hiện tượng văn học qua từng giai
đoạn, ông còn sẻ chia những cảm nhận và trải nghiệm cá nhân, giúp bạn đọc đồng
hành và khám phá một dòng văn học Công giáo đang ngày càng rực rỡ dưới ánh sáng
của Thiên Chúa.
Phong
cách phê bình của Mai Văn Phấn nhấn mạnh sự huyền nhiệm của đức tin trong văn
học, khai mở chiều sâu tâm linh và mối tương quan thiêng liêng giữa con người
với Thiên Chúa. Ông không chỉ tập trung vào cấu trúc, kỹ thuật sáng tác mà còn
chú trọng cách các tác giả phản ánh những vấn đề cốt lõi của Kitô giáo như sự
tín thác, tình yêu thương, lòng bác ái, ơn cứu độ và giá trị thiêng liêng của
Tin Mừng. Bằng cái nhìn chiêm niệm, ông xác tín rằng đức trung tín là yếu tố
nền tảng trong hình thành và phát triển tư tưởng văn chương, từ đó làm nổi bật
mối dây gắn kết sâu xa giữa văn học và đời sống tâm linh. Chính từ sự kết hợp
giữa phân tích học thuật, cảm nghiệm đức tin và bản năng sáng tạo, Mai Văn Phấn
mở ra những tầng nghĩa phong phú về tình yêu thương, sự tha thứ và hành trình
hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, nơi con người tìm thấy niềm hy vọng và ơn cứu rỗi
trong Đức Kitô.
Hy vọng rằng cuốn sách Trong Ơn Gọi của Mai Văn Phấn sẽ góp phần làm sáng tỏ vẻ đẹp tâm hồn con
người trong ánh sáng Thiên Chúa. Qua từng trang viết, bạn đọc sẽ hiểu thêm về
giá trị tư tưởng và nghệ thuật của văn học Công giáo, đồng thời cảm nhận tình
yêu thương vô biên của Thiên Chúa, để từ đó thêm xác tín và tín thác vào
Lời-Hằng-Sống. Cuốn sách này một lần nữa khẳng định rằng văn học Công giáo Việt
Nam, với những giá trị độc đáo và thiêng liêng, không ngừng nuôi dưỡng đời sống
tinh thần, góp phần làm phong phú nền văn học dân tộc. Dưới ánh sáng của Thiên Chúa,
văn học Công giáo tiếp tục lan tỏa nguồn ân sủng, nâng đỡ tâm hồn và dẫn dắt
con người đến với chân lý, bình an và ơn cứu độ. Bởi nơi nào có ơn Thiên Chúa, nơi đó bóng tối bị đẩy lùi,
tâm hồn được chữa lành và mọi khát vọng yêu thương đều tìm thấy điểm tựa vĩnh
cửu.
Hải Phòng, đầu Hè 2025
Đức Cha Vinh Sơn
Nguyễn Văn Bản –
Giám mục Giáo phận Hải
Phòng

