Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX (Tóm tắt luận án tiến sĩ) - Nguyễn Thị Kim Hồng

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

 

 

 

Nguyễn Thị Kim Hồng

 

 

CẢM HỨNG TÔN GIÁO

TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX

 

 

Mã số: 9220121

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

 

 

Tóm tắt luận án tiến sĩ Ngữ văn

 

 

Người hướng dẫn khoa học:

1. PGS. TS. Lưu Khánh Thơ

2. TS. Biện Thị Quỳnh Nga

Nghệ An - 2022

 

 

 

Maivanphan.com: 2/12/2022, NCS. Nguyễn Thị Kim Hồng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX", dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ và TS. Biện Thị Quỳnh Nga. Theo NCS: "Luận án bao quát hai nguồn cảm hứng tôn giáo nổi bật trong thơ Việt Nam thế kỷ XX là cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo.../ Luận án chủ yếu tập trung khảo sát và nghiên cứu sâu một số hiện tượng nổi bật, được bạn đọc và giới nghiên cứu chú ý nhiều, đồng thời tiêu biểu cho hai nguồn cảm hứng tôn giáo nói trên, đó là: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn,... Tuy vậy, các tập thơ của các nhà thơ này chủ yếu xuất bản trong thế kỷ XX. Tất nhiên, cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại còn vắt qua cả thế kỷ XXI, thể hiện rõ ở thơ Mai Văn Phấn và thơ của một số nhà thơ trẻ như Pháp Hoan, Phápxa Chan…". Được phép của tác giả, website maivanphan.com xin gửi tới Quý bạn đọc bản tóm tắt luận án. Bản đầy đủ sẽ được đăng vào thời điểm thích hợp.

Xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Thị Kim Hồng!

Mai Văn Phấn


 

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN    

LỜI CẢM ƠN         

MỞ ĐẦU      

 

1.        Lí do chọn đề tài    

2.        Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1.     Đối tượng nghiên cứu       

2.2.     Phạm vi nghiên cứu

3.        Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu         

3.1.     Mục đích nghiên cứu        

3.2.     Nhiệm vụ nghiên cứu        

4.        Phương pháp nghiên cứu 

5.        Đóng góp mới của luận án

6.        Cấu trúc của luận án         

 

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU        

 

1.1.     Cơ sở lí thuyết của đề tài  

1.1.1.  Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo và mối liên hệ giữa tôn giáo với thơ ca   

1.1.2.  Một số vấn đề lí thuyết về cảm hứng sáng tạo trong văn học và cảm hứng tôn giáo trong thơ    

1.2.     Tổng quan tình hình nghiên cứu 

1.2.1.  Những nghiên cứu chung về cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

1.2.2.  Những nghiên cứu về cảm hứng tôn giáo trong thơ các tác giả tiêu biểu thế kỷ XX

Tiểu kết chương 1  

 

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ TIẾP NỐI VÀ CÁC CHẶNG ĐƯỜNG VẬN ĐỘNG CỦA CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX    

 

2.1.     Cơ sở lịch sử - xã hội, văn hóa - văn học của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX     

2.1.1.  Nhận thức về tôn giáo của người Việt Nam  

2.1.2.  Sự tiếp nối truyền thống văn học dân tộc          

2.1.3.  Tiền đề lịch sử - xã hội làm nảy nở cảm hứng tôn giáo ở các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX          

2.1.4.  Sự tiếp thu ảnh hưởng tôn giáo ở các nhà thơ    

2.2.     Các chặng đường vận động của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX    

2.2.1.  Cảm hứng Phật giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX     

2.2.2.  Cảm hứng Ki tô giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX     

2.2.3.  Một số cảm hứng tôn giáo khác trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

Tiểu kết chương 2  

 

CHƯƠNG 3. CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX, NHÌN TỪ NỘI DUNG BIỂU HIỆN  

 

3.1.     Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về các cõi và đức tin          

3.1.1.  Cảm hứng Phật giáo về các cõi và đức tin          

3.1.2.  Cảm hứng Ki tô giáo về các cõi và đức tin          

3.2.     Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời     

3.2.1.  Cảm hứng Phật giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời   

3.2.2.  Cảm hứng Ki tô giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời   

3.3.     Cảm hứng tôn giáo về ngã/bản ngã       

3.3.1.  Cảm hứng Phật giáo về ngã/ bản ngã   

3.3.2.  Cảm hứng Ki tô giáo về ngã/bản ngã    

Tiểu kết chương 3  

 

CHƯƠNG 4. CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX, NHÌN TỪ CÁC PHƯƠNG THỨC, PHƯƠNG TIỆN NGHỆ THUẬT        

 

4.1.     Lựa chọn đa dạng các thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ theo mạch vận động của tâm linh          

4.1.1.  Cảm hứng Phật giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ    

4.1.2.  Cảm hứng Ki tô giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ    

4.2.     Tô đậm tính thiêng liêng của biểu tượng

4.2.1.  Hệ biểu tượng mang cảm hứng Phật giáo          

4.2.2.  Hệ biểu tượng mang cảm hứng Ki tô giáo          

4.3.     Giọng điệu và ngôn ngữ mang đậm màu sắc tôn giáo 

4.3.1.  Giọng điệu và ngôn ngữ đậm sắc thái Thiền 

4.3.2.  Giọng điệu và ngôn ngữ đậm màu sắc Ki tô giáo          

Tiểu kết chương 4

 

KẾT LUẬN  

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN    

TÀI LIỆU THAM KHẢO    

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lí do chọn đề tài

 

1.1. Tôn giáo và văn học có quan hệ mật thiết. Tôn giáo có thể chi phối, ảnh hưởng nhiều phương diện của sáng tác văn học; ngược lại, văn học, trong đó có thơ ca, là nơi thể hiện các tư tưởng hoặc tâm lí tôn giáo một cách nghệ thuật. Thơ ca hiện đại từng chứng kiến không ít gương mặt thơ tài hoa đi tìm cảm hứng thơ từ tôn giáo, như: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn, Pháp Hoan, Phápxa Chan... Nhìn vào thực tế này, có thể khẳng định cảm hứng tôn giáo là một trong những nguồn cảm hứng nổi bật, độc đáo của thơ Việt Nam hiện đại.

 

1.2. Thơ ca mang cảm hứng tôn giáo trong chừng mực nhất định, là một lựa chọn khả dĩ giúp con người tìm lại an lạc trong tâm hồn, cân bằng lại đời sống vật chất và tinh thần, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi đi liền với sự tiến bộ, văn minh là những bất ổn về đời sống tinh thần của con người ngày càng gia tăng… Với ý nghĩa ấy, việc nghiên cứu đề tài này giúp chúng tôi nhận diện sâu hơn vai trò, giá trị mà bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo mang lại cho cuộc sống con người.

 

1.3. Những nghiên cứu quan tâm đến mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, sự tìm kiếm dấu ấn ảnh hưởng của tôn giáo trong văn học Việt Nam thế kỷ XX nói chung, thơ ca nói riêng đã có nhưng còn tản mát, chỉ tập trung vào những bình diện riêng lẻ. Vì thế rất cần những cái nhìn xuyên suốt, hệ thống về những ảnh hưởng của tôn giáo đến thơ ca, văn học suốt cả một thế kỷ để có thể đánh giá một cách khách quan, khoa học về một cách tiếp cận, một cách thể hiện đời sống, con người mang sắc thái riêng, đặc sắc, đóng góp vào thành tựu văn học dân tộc.

 

Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX.

 

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

2.1. Đối tượng nghiên cứu

 

Đối tượng nghiên cứu của luận án là: Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX.

 

2.2. Phạm vi nghiên cứu

 

Luận án bao quát hai nguồn cảm hứng tôn giáo nổi bật trong thơ Việt Nam thế kỷ XX là cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo. Phạm vi khảo sát của luận án là các sáng tác mang cảm hứng tôn giáo của các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX (bao gồm sáng tác của hai nhóm tác giả: nhóm tác giả là tín đồ của tôn giáo và nhóm tác giả không phải là tín đồ), trong đó chủ yếu tập trung khảo sát và nghiên cứu sâu một số hiện tượng nổi bật, tiêu biểu cho hai nguồn cảm hứng tôn giáo nói trên là: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn,... Tất nhiên, cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại còn vắt qua cả thế kỷ XXI, thể hiện rõ ở thơ Mai Văn Phấn và thơ của một số nhà thơ trẻ như Pháp Hoan, Phápxa Chan… Vì thế, thơ của các nhà thơ ở giai đoạn này vẫn được chúng tôi quan tâm nhằm nhận diện sự vận động, phát triển của cảm hứng tôn giáo.

 

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

 

3.1. Mục đích nghiên cứu

 

Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm làm sáng tỏ những nét độc đáo của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX trên các bình diện: nội dung và phương thức thể hiện; xác định những tiếp nối, bổ sung và phát triển của nguồn mạch cảm hứng này từ thơ ca truyền thống đến hiện đại; từ đó góp phần nhận diện, đánh giá đầy đủ hơn thành tựu và đóng góp của bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo đối với hành trình vận động, phát triển của thơ Việt, đồng thời khẳng định một góc nhìn thú vị, giàu ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, tiếp nhận và sáng tạo thơ ca: góc nhìn tâm linh - tôn giáo.

 

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

 

3.2.1. Phân tích các tiền đề xã hội - thẩm mỹ của cảm hứng tôn giáo, nhận diện quá trình vận động, vị trí của cảm hứng này trong lịch sử thơ ca dân tộc nói chung và thơ Việt Nam hiện đại nói riêng.

 

3.2.2. Phân tích, luận giải những đặc sắc của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX trên các bình diện nội dung: quan niệm về các cõi và đức tin; quan niệm về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời; vấn đề ngã/bản ngã.

 

3.2.3. Phân tích, luận giải những đặc sắc về phương thức thể hiện cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX như: thể thơ, cách tổ chức, kết cấu bài thơ, biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu...

 

4. Phương pháp nghiên cứu

 

Để tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu, chúng tôi sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như: phương pháp tiếp cận thi pháp họcphương pháp liên ngành, phương pháp cấu trúc - hệ thống, phương pháp loại hình học, phương pháp tiểu sử, phương pháp so sánh. Ngoài ra, luận án còn sử dụng kết hợp các thao tác nghiên cứu như: thống kê - phân loại, phân tích - tổng hợp...

 

5. Đóng góp mới của luận án

 

Luận án xác định được các nhân tố tạo nên cảm hứng tôn giáo trong thơ, nhận diện và hệ thống hóa được các tác giả, tác phẩm thơ Việt Nam thế kỷ XX tiêu biểu chịu ảnh hưởng của cảm hứng tôn giáo. Trên cơ sở khảo sát, phân tích, luận giải các hiện tượng này, luận án làm sáng tỏ được các đặc trưng cơ bản của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX với một cái nhìn bao quát, hệ thống.

 

Bằng cách đặt cảm hứng tôn giáo trên mạch vận động của nó từ thơ truyền thống đến nay, luận án có cái nhìn xuyên suốt, hệ thống, khoa học trong việc đánh giá một cách thể hiện đời sống, con người mang sắc thái riêng, đặc sắc của bộ phận thơ hiện đại mang cảm hứng tôn giáo, đóng góp vào thành tựu văn học dân tộc.

 

Nghiên cứu thơ hiện đại từ góc nhìn tâm linh - tôn giáo, luận án góp phần định hướng một cách tiếp cận thú vị, thiết thực trong sáng tạo và tiếp nhận thơ hiện đại, khẳng định ý nghĩa tích cực của bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo trong việc cân bằng đời sống tinh thần của con người, giúp con người hướng thiện.

Kết quả nghiên cứu còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và dạy học về văn học Việt Nam hiện đại.

 

6. Cấu trúc của luận án

 

Ngoài Mở đầu, Kết luậnTài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được triển khai thành 4 chương: Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài; Chương 2. Cơ sở tiếp nối và các chặng đường vận động của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX; Chương 3. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, nhìn từ nội dung biểu hiện; Chương 4. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, nhìn từ các phương thức, phương tiện nghệ thuật.

 

 

 

CHƯƠNG 1

 

CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI

VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

 

1.1. Cơ sở lí thuyết của đề tài

 

1.1.1. Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo và mối liên hệ giữa tôn giáo với thơ ca

 

1.1.1.1. Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo

 

Tôn giáo phản ánh một quan niệm, một cách nhìn, cách lí giải của con người về vũ trụ, về thế giới, về cuộc sống trần thế. Việt Nam từ lâu là quốc gia có sự du nhập của khá nhiều loại hình tôn giáo, trong số đó, cho đến hiện nay, Phật giáo và Ki tô giáo là hai tôn giáo có mức độ phủ sóng rộng hơn cả. Theo đó, cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo đã trở thành hai nguồn cảm hứng tôn giáo tiêu biểu, nổi bật trong thơ ca và văn học dân tộc. Vì vậy, để tạo tiền đề lí thuyết cho vấn đề nghiên cứu, chúng tôi khái quát một số vấn đề tư tưởng cốt lõi của các tôn giáo này trên hai phương diện: thế giới quan và nhân sinh quan - những phương diện cơ bản khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong thơ ca dân tộc.

 

1.1.1.2. Mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca

 

Tôn giáo và thơ ca có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Tôn giáo là đối tượng quan tâm và mô tả của thơ ca. Tôn giáo là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Còn thơ ca được sử dụng như một hình thức để tôn giáo thể hiện các giáo lý, giáo luật. Mặt khác, tôn giáo còn có thể tác động đến sự chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời, con người của nhà thơ cũng như những phương thức tổ chức thế giới nghệ thuật thơ. Nhìn từ phương diện này, tôn giáo góp phần nâng tầm tư tưởng, cảm xúc của thơ ca. Tôn giáo vừa như là một chất liệu, vừa là đích đến của nghệ thuật, còn thơ ca trong vai trò hình thức thể hiện đã mang lại những sức sống mới, những điệu hồn mới làm cho đời sống tinh thần con người thêm phong phú, tươi đẹp hơn.

 

1.1.2. Một số vấn đề lý thuyết về cảm hứng sáng tạo trong văn học và cảm hứng tôn giáo trong thơ

 

1.1.2.1. Cảm hứng sáng tạo trong văn học

 

Cảm hứng (tiếng Hi lạp cổ: pathos) chỉ tình cảm sâu sắc nồng nàn và trạng thái phấn hứng cao độ của người nghệ sĩ trước một hiện tượng nào đó của đời sống tác động sâu sắc đến họ. Đấy là trạng thái tâm lí, tình cảm, là sự hứng phấn cao độ, kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Khi cảm xúc và trí tuệ được thăng hoa, người nghệ sĩ có thể sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.

 

Cảm hứng sáng tạo trong văn học, nhất là cảm hứng chủ đạo, là tình cảm, cảm xúc mãnh liệt, say đắm, thể hiện tư tưởng, khát vọng chân thành, cháy bỏng của nhà văn về đối tượng hướng đến trong tác phẩm. Cảm hứng gắn liền với những với lí tưởng cao đẹp của nhà văn về con người, cuộc sống. Nó khơi thông miền cảm xúc qua mỗi trái tim người đọc, đọng lại một tình cảm sâu xa, khơi thông nguồn trí tuệ, giúp nhận thức đối tượng trên nhiều phương diện, tiếp thêm sức mạnh tinh thần và đưa đến hành động đúng đắn, đầy nhiệt huyết.

 

1.1.2.2. Cảm hứng tôn giáo trong thơ

 

Theo chúng tôi, điều kiện căn bản để có cảm hứng tôn giáo là nhà thơ phải hiểu, tin và thấm nhuần các giáo lí tôn giáo. Những giáo lí này sẽ ăn sâu trong tâm thức của người nghệ sĩ, làm nảy sinh mỹ cảm nhiệt thành về tôn giáo. Dưới sự thôi thúc của những cảm nghiệm sâu sắc về giáo lí đó, nhà thơ sẽ tiếp cận thực tại bằng điểm nhìn tâm linh và phản ánh vào trong tác phẩm bằng những phương thức biểu đạt riêng, mang đậm màu sắc tôn giáo. Như vậy, ở đây, niềm xúc động về tôn giáo đã chuyển hóa thành ý thức trữ tình, thôi thúc hành động sáng tạo của người nghệ sĩ, khiến họ hướng tới tôn giáo như một nền tảng chi phối thế giới nghệ thuật thơ... Nói cách khác, có thể hiểu, cảm hứng tôn giáo trong thơ chỉ trạng thái rung động mãnh liệt của nhà thơ về tôn giáo, được hình thành trên cơ sở những cảm nghiệm sâu sắc về giáo lí và đức tin, đã chuyển hóa thành ý thức trữ tình, thúc đẩy nhà thơ sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật độc đáo, riêng biệt.

 

Từ cách hiểu trên về cảm hứng tôn giáo trong thơ, chúng tôi có mấy hướng phân loại thơ cảm hứng tôn giáo như sau:

 

- Từ góc độ tác giả - chủ thể sáng tạo, trong thơ Việt Nam hiện đại, có thơ của hai bộ phận tác giả cùng viết về cảm hứng tôn giáo, bao gồm các tác giả là tín đồ tôn giáo và các tác giả ngoại đạo.

 

- Từ góc độ loại hình tôn giáo, thơ Việt Nam hiện đại có hai nguồn cảm hứng chủ yếu, bao gồm: cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo.

 

Dĩ nhiên, sự phân chia ở đây chỉ mang tính tương đối. Thực tế, có những nhà thơ đã từng là tín đồ tôn giáo nhưng sau đó lại hoàn tục, như Phạm Thiên Thư,… Có những nhà thơ là tín đồ của Thiên Chúa giáo nhưng vẫn say mê làm thơ mang cảm hứng Phật giáo như Hàn Mặc Tử, Mai Văn Phấn… Lại có những nhà thơ cùng lúc sáng tác thơ mang nhiều cảm hứng tôn giáo khác nhau như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Mai Văn Phấn, Inrasara,... Và trong số này, chúng tôi tập trung khảo sát, nghiên cứu sâu các hiện tượng đã đề cập ở mục Phạm vi nghiên cứu.

 

1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

 

1.2.1. Những nghiên cứu chung về cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

Đến nay, đã có không ít chuyên luận, báo cáo, bài báo khoa học, luận án… đề cập đến cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX. Để có thể quan sát được mạch vận động, tiếp nối cũng như những đổi thay quan trọng của cảm hứng tôn giáo, chúng tôi nhóm vấn đề nghiên cứu theo quá trình vận động của thơ Việt hiện đại với ba chặng: từ nửa đầu thế kỷ XX đến 1945, từ 1945 đến 1975 và từ sau 1975 đến hết thế kỷ XX… Theo quan sát của chúng tôi, cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt hiện đại đã được quan tâm, tìm hiểu khá nhiều. Trong đó, ảnh hưởng của Phật giáo được nghiên cứu nhiều hơn cả, thậm chí, có những công trình khoa học khá chuyên sâu, hệ thống. Sự ảnh hưởng của Ki tô giáo và tôn giáo khác trong thơ hiện đại còn ít được quan tâm, khảo cứu. Dĩ nhiên, điều này bắt nguồn từ mức độ ảnh hưởng đậm nhạt của các tôn giáo trong thực tiễn lịch sử văn hóa, văn học dân tộc và thực tiễn sáng tác thơ ca. Tuy nhiên, những công trình này sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về vấn đề đặt ra trong luận án.

 

1.2.2. Những nghiên cứu về cảm hứng tôn giáo trong thơ các tác giả tiêu biểu thế kỷ XX

 

Bên cạnh những công trình bàn về ảnh hưởng của tôn giáo trong thơ hiện đại nói chung, những công trình nghiên cứu cảm hứng tôn giáo ở những hiện tượng thơ cụ thể cũng xuất hiện khá nhiều. Chúng tôi đã điểm lược các công trình, bài viết nghiên cứu cảm hứng tôn giáo trong thơ của một số gương mặt tiêu biểu mà chúng tôi tập trung khảo sát như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Phạm Thiên Thư, Mai Văn Phấn

 

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã nhận diện cảm hứng tôn giáo từ nhiều góc độ khác nhau, từ nội dung tư tưởng (các triết lí tôn giáo, đức tin, sự giải thiêng, mối quan hệ giữa đạo và đời,…) đến các hình thức biểu hiện (thi pháp thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng…). Hơn thế, nhiều chuyên luận, bài báo đã đi sâu nghiên cứu một số hiện tượng tiêu biểu, điển hình cho nguồn cảm hứng này và đã đưa ra những kiến giải xác đáng, thú vị (ví dụ các kiến giải của Vũ Ngọc Phan, Phan Cự Đệ, Đặng Tiến, Nguyễn Thanh Tâm…). Những nghiên cứu này rất hữu ích trên bước đường nghiên cứu của chúng tôi.

 

Tuy nhiên, theo bao quát của chúng tôi, phần lớn các công trình đều mới tập trung nghiên cứu ở các hiện tượng thơ cụ thể; hoặc chỉ đề cập một vài phương diện của cảm hứng tôn giáo trong thơ; có khi lại thông qua các vấn đề khác liên quan đến tôn giáo mà gián tiếp đề cập đến đề tài này. Rõ ràng, thực tế còn thiếu vắng một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên biệt, trực tiếp về cảm hứng tôn giáo ở một thế kỷ thơ sôi động với những đặc điểm và diện mạo riêng đáng chú ý. Với những nỗ lực nghiên cứu của mình, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bổ sung cho khoảng trống nghiên cứu này.

 

Tiểu kết chương 1:

 

Trên cơ sở giới thuyết một số vấn đề về tôn giáo (khái niệm, các loại hình tôn giáo nổi bật ở Việt Nam, tư tưởng Phật giáo và Ki tô giáo); xác lập nội hàm khái niệm “chìa khóa” của luận án (cảm hứng tôn giáo trong thơ); xác định mối liên hệ gắn kết, tương hỗ giữa tôn giáo và thơ ca, vai trò quan trọng của cảm hứng tôn giáo đối với sáng tạo thi ca;... chúng tôi đã nhận diện và phân loại cảm hứng tôn giáo trong thơ (từ các góc độ tác giả - chủ thể sáng tạo, từ góc độ loại hình tôn giáo), đồng thời xác định nghiên cứu sâu các hiện tượng tiêu biểu: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn. Về tình hình nghiên cứu, cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX là một vấn đề có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Khám phá thơ ca hiện đại từ góc nhìn tôn giáo hiện vẫn đang là hướng nghiên cứu hứa hẹn nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

 

 

 

CHƯƠNG 2

 

CƠ SỞ TIẾP NỐI VÀ CÁC CHẶNG ĐƯỜNG VẬN ĐỘNG CỦA CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX

 

2.1. Cơ sở lịch sử - xã hội, văn hóa - văn học của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

2.1.1. Nhận thức về tôn giáo của người Việt Nam

 

Người Việt rất chú trọng đời sống tâm linh nên dễ tiếp nhận và coi trọng tôn giáo. Các hình thái tôn giáo ở Việt Nam luôn trong mối quan hệ hòa đồng, đan xen, nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ có tính khoan dung, hiếu hòa trong tiếp nhận tôn giáo mà Việt Nam - một đất nước đa dân tộc và đa tôn giáo - vẫn giữ được truyền thống đoàn kết, ít có thái độ phân biệt, kì thị tín ngưỡng, tôn giáo. Những đặc điểm nhận thức về tôn giáo của người Việt có ảnh hưởng lớn đến sự tiếp nhận tôn giáo trong mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có thơ ca, văn học. Biểu hiện rõ nhất là trường hợp một người nghệ sĩ nhưng có thể chịu sự ảnh hưởng cùng lúc nhiều nguồn cảm hứng tôn giáo khác nhau trong sáng tác, như Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng, Mai Văn Phấn...

 

2.1.2. Sự tiếp nối truyền thống văn học dân tộc

 

Dòng mạch tôn giáo trong thơ ca, văn học dân tộc đã diễn ra từ rất sớm, tạo nên bề dày lịch sử, kết tinh thành truyền thống, tạo đà cho nguồn mạch cảm hứng này phát triển mạnh mẽ trong thơ ca, văn học hiện đại. Văn học dân gian có sự ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo. Văn học trung đại mang đậm đặc điểm tam giáo đồng nguyên Nho - Phật – Lão, nhưng tinh thần Phật giáo dường như vẫn mang tính chủ động, đặc biệt ở thời đại Lý Trần… Tóm lại, cảm hứng tôn giáo là nguồn mạch cảm hứng mạnh mẽ đã có từ văn học dân gian đến văn học, thơ ca trung đại - là cơ sở để văn học, thơ ca hiện đại tiếp nối, kế thừa.

 

2.1.3. Tiền đề lịch sử - xã hội làm nảy nở cảm hứng tôn giáo ở các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

Những biến động về lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước đã tạo điều cho sự tiếp nhận ảnh hưởng tôn giáo ở các nhà thơ - cơ sở quan trọng làm nảy sinh cảm hứng tôn giáo trong thơ ca. Đầu thế kỷ XX đến 1945, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Thiên Chúa giáo được khuyến khích và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Chữ quốc ngữ - một phương tiện truyền giáo - cùng những sáng tác của các tác giả theo đạo Thiên Chúa có đóng góp lớn đối với quá trình hiện đại hóa văn học. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam lan rộng, ảnh hưởng tới thơ ca, văn học. Từ 1945 đến 1975, văn học vận động, phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh. Ở miền Bắc, vấn đề tôn giáo dường như bị né tránh nên cảm hứng tôn giáo trong thơ ca, văn học có phần mờ nhạt. Ở miền Nam, Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều tìm cách thích nghi, phát triển. Thời kỳ này, miền Nam sống trong những điều kiện hết sức khó khăn (chính trị rất bất ổn, kinh tế suy sụp, bất công xã hội gia tăng, chiến tranh leo thang,...) gây nên tâm lí hoang mang, đổ vỡ niềm tin ở con người. Theo đó, tôn giáo được con người tìm đến như một lẽ tất yếu. Thơ ca miền Nam phản ánh rất rõ tình trạng này. Từ 1975, nhất là từ 1986, đến nay, những đổi thay trong các chính sách về văn hóa của Đảng đã tạo nên những chuyển biến lớn trong nhận thức về tôn giáo; công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế vừa thúc đẩy sự phát triển đất nước vừa tạo ra những khủng hoảng đời sống; trong thơ ca, văn học, với tinh thần đổi mới trong tư duy sáng tạo và nhận thức về đời sống, các nhà văn đã nhìn thẳng vào sự thật, tái hiện những góc khuất của thân phận con người, đặc biệt phần vô thức, tâm linh ngày càng được quan tâm chiếm lĩnh,... Đây là tiền đề quan trọng dẫn nối các nhà thơ hiện đại đến với tôn giáo.

 

2.1.4. Sự ảnh hưởng tôn giáo ở các nhà thơ

 

2.1.4.1. Các nhà thơ là tín đồ tôn giáo

 

Hàn Mặc Tử: Tôn giáo ăn sâu vào tâm thức, tư duy của Hàn Mặc Tử, chi phối đến quan niệm sáng tạo, làm cho sáng tác của ông có một cấu trúc nội tại trong toàn tác phẩm.

 

Thích Nhất Hạnh: Thơ Thích Nhất Hạnh là sự hóa thân mầu nhiệm của Thiền học vào văn chương, nghệ thuật với một hàm lượng trí tuệ sâu sắc và uyên áo.

 

Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Với cái nhìn Thiền học đạt đạo và tài thơ của mình, Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã chuyển tải thành công tư tưởng triết Phật qua thơ ca.

 

Phạm Thiên Thư: Thơ Phạm Thiên Thư in đậm dấu ấn Thiền. Đặc biệt, ông là người đầu tiên thi hóa kinh Phật trong nền văn học Việt Nam.

 

Mai Văn Phấn: Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn khởi nguồn từ truyền thống quê hương, gia đình, cùng với sự  “hữu duyên” và ham học hỏi của cá nhân. Tôn giáo trở thành mỹ cảm thơ Mai Văn Phấn, “can dự” vào hành trình “vượt thoát” của khát vọng cách tân qua nhiều tập thơ.

 

2.1.4.2. Các nhà thơ ngoại đạo (không phải tín đồ tôn giáo)

 

Quách Tấn: Thơ Quách Tấn có sự kết hợp giữa cái hàm súc, trang nhã của thơ với tinh thần uyên áo diệu vợi thẳm sâu của Thiền trong dạng thức thơ tứ tuyệt, dựng nên một thế giới thơ hài hòa giữa Thiền tâm và Thiền cảnh.

 

Bùi Giáng: Tinh thần Thiền phá ngã, phá chấp ảnh hưởng rất lớn đến Bùi Giáng từ quan niệm, tư tưởng, lối sống đến cả trong sáng tác. Tư tưởng Phật giáo ở thơ Bùi Giáng có sự gặp gỡ, pha trộn với nhiều nguồn tư tưởng Đông - Tây.

 

Chế Lan Viên: Chế Lan Viên tìm đến với tôn giáo khi tâm hồn hoang vu vì những tàn tạ của đời sống, khao khát một thế giới tự do tinh thần vượt ngưỡng. Thế giới thơ của Chế Lan Viên thấm đẫm cảm quan tôn giáo.

 

2.2. Các chặng đường vận động của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

2.2.1. Cảm hứng Phật giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

thế kỷ XX, cảm hứng Phật giáo trong thơ nói riêng cũng như văn chương nói chung vẫn chiếm giữ một vị thế quan trọng. Đầu thế kỷ XX đến 1945, nhiều tác giả thuộc khuynh hướng văn học lãng mạn có hứng thú với Phật giáo. Từ 1945 đến 1975, ở miền Bắc, một số sáng tác của Chế Lan Viên, Huy Cận, Hoàng Cầm,… ít nhiều ảnh hưởng bởi triết lí Phật giáo. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, cảm hứng Phật giáo trong thơ miền Bắc dường như chưa được khai thác về chiều sâu. mảng thơ đô thị miền Nam, vấn đề tâm linh, các tư tưởng tôn giáo, nhất là Phật giáo được quan tâm khám phá, khai thác nhiều hơn. Tư tưởng Thiền học đã có sự gặp gỡ với các lí thuyết triết - mỹ phương Tây như phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh… trong việc thể hiện một thực tại phi lý, sự đổ vỡ niềm tin và nỗi buồn thân phận con người. Sau 1975, những chuyển biến trong nhận thức về tôn giáo và văn học đã tạo điều kiện thuận lợi cho cảm hứng Phật giáo được thăng hoa. Trong thơ, Phật giáo được nhìn nhận lại, được khám phá ở nhiều chiều kích mới mẻ với nhiều hình thức thể nghiệm hiện đại...

 

2.2.2. Cảm hứng Ki tô giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

Cảm hứng Ki tô giáo cũng là một nguồn cảm hứng tôn giáo cơ bản, tiêu biểu của thơ Việt thế kỷ XX, dù có phần không nổi bật bằng cảm hứng Phật giáo. Đầu thế kỷ XX đến 1945, các nhà thơ mới, nhất là Hàn Mặc Tử, có niềm hứng thú, say mê với Ki tô giáo. Từ 1954 đến 1975, ở miền Nam, Thiên Chúa giáo phát triển khá nhanh, có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị xã hội văn học. Giai đoạn này, các tác giả đều tìm thấy ở Ki tô giáo một niềm đồng cảm lớn về thân phận con người trong chiến tranh, về nỗi buồn bản thể và một niềm tin trung trinh về Thiên Chúa, một khát vọng được thay đổi. Sau 1975, cảm hứng Ki tô giáo, trong nguồn mạch chung của cảm hứng tôn giáo, có cơ hội được cất lên tiếng nói dân chủ hơn trong văn học. Cảm hứng Ki tô giáo giai đoạn này được thể hiện trong những hình thức thơ có nhiều đổi mới về thi pháp, mạnh dạn chạm đến nhiều vấn đề trong đời sống hiện đại, các góc khuất tâm linh, cõi vô thức,...

 

2.2.3. Một số cảm hứng tôn giáo khác trong thơ Việt Nam thế kỷ XX

 

Thơ Việt Nam thế kỷ XX còn có sự hiện diện của một số cảm hứng tôn giáo khác. Tuy nhiên, vị thế và đóng góp của các cảm hứng tôn giáo này cho thơ ca dân tộc thực sự chưa nổi bật bằng cảm hứng Phật giáo và Ki tô giáo.

 

Tiểu kết chương 2:

 

Ngoài việc xác định các cơ sở lịch sử, xã hội, văn hóa, văn học của sự tiếp nối cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, chúng tôi tập trung làm rõ các khái niệm cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo cùng các chặng đường vận động của hai nguồn cảm hứng này. Cảm hứng Phật giáo chiếm ưu thế, thu hút số đông tác giả và gặt hái nhiều thành tựu hơn. Cảm hứng Ki tô giáo dù có những giai đoạn không phát triển mạnh mẽ bằng nhưng bù lại có những kết tinh rực rỡ, đỉnh cao như hiện tượng thơ Hàn Mặc Tử. Đặt trong hành trình cả thế kỷ XX, hai nguồn cảm hứng đều vận động song hành và có những thời điểm thăng hoa như giai đoạn 1930 đến 1945 và từ sau 1986. Khi nhận diện cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề phân biệt giữa “văn học tôn giáo” và “cảm hứng tôn giáo trong văn học”.

 


 

CHƯƠNG 3

 

CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM

THẾ KỶ XX, NHÌN TỪ NỘI DUNG BIỂU HIỆN

  

3.1. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về các cõi và đức tin

 

3.1.1. Cảm hứng Phật giáo về các cõi và đức tin

 

3.1.1.1. Cảm hứng về các cõi

 

Trong quan niệm của Phật giáo, niết bàn và cực lạc được xem là các cõi giải thoát của con người. Và con người có thể tìm thấy niết bàn, cực lạc, đạt đến hạnh phúc ngay ở cuộc đời này nếu biết buông bỏ mọi sân si, ái chấp, tạp niệm. Ở đó, con người luôn sống trong tâm an, tự tại, giải thoát trong một thế giới vô vi, hằng thường, an nhiên. Đạt được đến trạng thái đó nghĩa là con người đã ở cõi lí tưởng mà Phật giáo muốn hướng tới. Có thể bắt gặp đặc điểm chung trong cái nhìn về cõi lí tưởng này ở thơ của rất nhiều nhà thơ hiện đại có thấm nhuần tư tưởng Phật giáo như Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh,…

 

3.1.1.2. Cảm hứng về đức tin

 

Với Phật giáo, đức tin thể hiện ở sự tin tưởng vào khả năng giác ngộ (Phật tính) sẵn có ở mọi loài, chứ không phải tin nơi quyền phép có thể ban phúc trừ họa. Đức tin Phật giáo trong thơ hiện lên với đa dạng màu vẻ, song điểm chung thống nhất là các nhà thơ đều hướng tới đức tin như một đích đến hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp. Thơ của Nhất Hạnh thể hiện cái nhìn hiện đại về đức tin Phật giáo. Với thi nhân, đến với Phật không phải trông chờ vào phép mầu nhiệm của Phật trong cõi huyền bí nào đó. Điều quan trọng là chúng ta phải vững tin vào chính mình: Tâm đi trong tĩnh mặc/ Bắt gặp chân như về (Padmapani)

 

3.1.2. Cảm hứng Ki tô giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về các cõi và đức tin

 

3.1.2.1. Cảm hứng về các cõi

 

Ki tô giáo hướng con người tìm đến chân lý, ánh sáng ở cõi Thiên đường. Hình ảnh cõi Thiên đường đã đi vào trong cảm quan của các nhà thơ hiện đại, nhất là những nhà thơ mộ đạo như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Võ Long Tê... như một thế giới hào quang, sáng láng và đẹp đẽ... Mặt khác, cõi Thiên đường trong cảm quan của các nhà thơ, vừa gần gũi, vừa hư ảo, siêu hình. Thiên đường đã trở thành thế giới lí tưởng trong khát vọng hướng đến của con người, trở thành chân lí của đức tin.

 

3.1.2.2. Cảm hứng về đức tin

 

Đức tin Thiên Chúa giáo được hiểu là sự nương cậy hoàn toàn của một người vào tình yêu và quyền năng của Đức Chúa trời, đồng thời dâng hiến trọn vẹn tấm lòng, cuộc đời của mình cho Chúa (người có ơn thiên triệu). Các nhà thơ là tín đồ Ki tô giáo sớm hạnh ngộ niềm tin Thiên Chúa. Họ tìm đến thơ ca để giãi bày những cảm nghiệm đức tin. Tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất trong thơ phải kể đến Hàn Mặc Tử. Đức tin trong thơ ông đã vượt thoát khỏi nét nghĩa của một đức tin tôn giáo cụ thể để vươn tới một đức tin thơ tinh khôi, thanh cao, nhuốm màu siêu thực: Đức tin thơm hơn ngọc (Điềm lạ). Đức tin đó là chân lí của cái đẹp thiêng liêng và vĩnh viễn, là ngọn nguồn thơ ca, niềm an ủi duy nhất mà nhà thơ khao khát kiếm tìm.

 

3.2. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời

 

3.2.1. Cảm hứng Phật giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời

 

Các nhà thơ hiện đại đều tìm thấy niềm đồng cảm với quan niệm về sự khổ của giáo lí Phật giáo, nhất là các nỗi khổ về lẽ sinh - tử mong manh, sự hạn hữu của kiếp người, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, cuộc đời là hư ảo. Thi giới siêu hình trong Điêu tàn của Chế Lan Viên thấm đẫm nỗi đau của cái tôi cô độc, sầu não, một cái tôi ý thức sâu sắc về sự hiện tồn của bản thể, sự hư vô của thân phận: Tôi là kết tinh của ánh trăng trong/ Sao không cho tôi đến chốn hư không? (Tắm trăng). Phạm Thiên Thư nhìn thấy nỗi sầu muộn thế nhân và thấy rõ nó thật phù du: Cõi người có bao nhiêu / Mà tình sầu vô lượng... (Vết chim bay). Nhất Hạnh chứng thực tất cả những khổ đau của dân tộc và kiếp người: Những đau thương rền rĩ cháy tâm can/ Trên mặt đất thương tâm còn diễn tả... Bùi Giáng khắc khoải về sự mong manh của kiếp người, lẽ sinh tử biệt ly, sự ám ảnh của cái chết... Tuy nhiên, các nhà thơ ý thức rõ cội nguồn của nỗi đau khổ nằm ngay trong bản chất của con người, trong hiện hữu của chính nó. Đây là điểm độc đáo của nhân sinh quan Phật giáo, thể hiện rõ mối quan hệ giữa đạo và đời. Phật giáo giúp con người nhận thức được bản chất của khổ đau và thực hành tu tập để không bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, để khi đối mặt với những nỗi đau khổ của cuộc sống hiện thực, con người biết sống tích cực trong chính cuộc đời ngắn ngủi này. Nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa đời và đạo trong triết lí của Phật pháp, các nhà thơ hiện đại đã tìm đến với đạo Phật như một cánh cửa đạo sinh.

 

3.2.2. Cảm hứng Ki tô giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời

 

Hạt nhân tư tưởng của giáo lí Ki tô giáo là tư tưởng sáng thế và cứu chuộc. Đạo là nguồn sống tối cao, nguyên ủy của muôn vật, muôn loài. Đời là sự tri ân ơn sáng thế và cứu chuộc của Thiên Chúa. Hàn Mặc Tử đã tuyên ngôn về tư tưởng này trong bài thơ Ave Maria: Như song lộc triều nguyên ơn phước cả Mai Văn Phấn cũng thừa nhận sức ảnh hưởng sâu sắc của ánh sáng Thiên Chúa. Ánh sáng dẫn lối, cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện rõ nét trong các tập thơ Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai. Mai Văn Phấn còn nhấn mạnh cảm thức được phục sinh, được trở về với nguồn cội uyên nguyên: Hôn em thật lâu ghi dấu/ Nơi đây. Giờ này/ Đám mây kia xuống thấp/ Buổi uyên nguyên trái đất quay về (Tỉnh dậy trong mưa - 4)... Sự thấm nhuần đức tin đã góp phần rọi sáng thế giới quan, nhân sinh quan của các nhà thơ, khiến họ luôn hướng về sự sống, hướng về cuộc đời với niềm tin yêu tha thiết, mãnh liệt. Đặc biệt hơn, với các nhà thơ, sự thức dậy của cái đẹp nhân bản trong chiều sâu nhân tính mỗi con người đã thúc giục họ tận hiến cho thơ, cho đời và cho đạo.

 

3.3. Cảm hứng tôn giáo về ngã/ bản ngã

 

3.3.1. Cảm hứng Phật giáo về ngã/ bản ngã

 

 Biểu hiện của tư tưởng vô ngã là sự ý thức về “vật ngã đồng nhất”. Con người đạt đến vô ngã là khi họ tìm thấy được tự ngã của mình nơi ngoại vật. Tự ngã nơi ngoại vật có thể hiểu đó là thời khắc tâm thức cá nhân hòa nhập với tâm thức vũ trụ. Khi đã thức ngộ được lẽ biến hóa, vô thường tất yếu đó của nhân sinh, của vũ trụ, con người có thể chấp nhận tất cả những thuận hay nghịch duyên của ngoại cảnh trên tinh thần vô ngã, vô minh. Đây là điểm hấp dẫn của Phật giáo đối với thơ ca. Trong thơ luôn hiện diện hình tượng một cái tôi trữ tình mang tâm thế an nhiên, tự tại vì đã đốn ngộ sâu sắc về tinh thần vô ngã của Phật giáo. Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Phạm Thiên Thư luôn an nhiên tự tại giữa thiên nhiên trần thế. Cái tôi trong thơ Quách Tấn lúc nào cũng ung dung, thong dong bởi nhà thơ luôn giữ lòng tự tại trước thực tế thay đổi theo thời gian. Cái tôi trong thơ Nhất Hạnh mang tâm thức Thiền nhập thế…

 

3.3.2. Cảm hứng Ki tô giáo về ngã/ bản ngã

 

Ý thức về ngã/bản ngã của Ki tô giáo thể hiện ở quan niệm về sứ mệnh phụng vụ. Ki tô giáo đề cao tinh thần tự do để hiến thân, tự do để phụng vụ. Tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ, thể hiện ở khát vọng tận hiến mãnh liệt. Đối với Hàn Mặc Tử, sáng tạo thơ ca chính sự thể hiện cái tôi tận hiến mãnh liệt và thiêng liêng nhất. Ở thi nhân, thơ và đạo đã trùng nhập, đồng nhất vào nhau, đưa thơ đạt đến ngưỡng tột cùng của sáng tạo nghệ thuật: “cái thơ trên cái khác thơ nữa” (Hàn Mặc Tử). Quan niệm tận hiến trong sáng tạo này cũng được xác tín một cách quyết liệt ở hồn thơ Mai Văn Phấn. Nhà thơ đã luôn trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm cá tính qua những sáng tạo không ngừng nghỉ, không lặp lại, như chính tuyên ngôn của ông: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động

 

Tiểu kết chương 3:

 

Cảm hứng tôn giáo về các vấn đề đức tin, các cõi, đạo và đời, ngã/bản ngã đã tạo nên cái nhìn đa chiều về thế giới, mở ra những giới hạn không cùng cho công cuộc sáng tạo nghệ thuật, tăng thêm sức mạnh cho thơ trong việc khai mở một cõi thế giới riêng biệt của tâm linh. Cảm hứng Phật giáo giúp con người thấu hiểu quy luật vô thường của đời sống, bản chất vô ngã của mọi thực thể, từ đó bình thản chấp nhận quy luật sanh diệt, đón nhận hạnh phúc trong an nhiên, tự tại. Cảm hứng Ki tô giáo thức dậy ở con người thái độ tri ân và trân trọng cuộc sống, hòa nhập với cộng đoàn trong tinh thần bác ái, chia sẻ. Tuy nhiên, tận cùng chiều sâu, Phật giáo và Ki tô giáo đều gặp nhau ở tính thiện, tính thiêng, ở các giá trị nhân bản, vĩnh hằng. Điều này lí giải sự gặp gỡ của các tôn giáo trong cảm quan ở cùng một nhà thơ như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Mai Văn Phấn,... Mỗi giai đoạn khác nhau, trong khí quyển văn hóa của những thời đại không giống nhau và cả những trải nghiệm tôn giáo riêng biệt ở mỗi nhà thơ, cảm hứng tôn giáo trong thơ cũng có nhiều dáng vẻ. Cảm hứng tôn giáo luôn tiếp nối và vận động, phát triển trong suốt chiều dài thơ Việt với một diện mạo vừa hết sức đa dạng vừa mang đặc trưng riêng, tạo nên vị thế và đóng góp không thể thay thế.

 

 

 

CHƯƠNG 4

 

CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX, NHÌN TỪ CÁC PHƯƠNG THỨC, PHƯƠNG TIỆN NGHỆ THUẬT

 

4.1. Lựa chọn đa dạng các thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ theo mạch vận động của tâm linh

 

4.1.1. Cảm hứng Phật giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ

 

4.1.1.1. Thể thơ

 

Vốn là dòng cảm hứng có từ lâu trong văn học dân tộc, cảm hứng Phật giáo rất thích hợp với các thể thơ truyền thống như các thể lục bát, Đường luật (nhất là thể tứ tuyệt), thậm chí là thể hai – cư của văn học Nhật Bản. Các nhà thơ đã khai thác tối đa khả năng trữ tình và tự sự của thể thơ để diễn tả những nỗi buồn mơ hồ kéo dài, những tình cảm bâng khuâng thương nhớ, những suy tư của con người trước cuộc đời hư vô, sự ý thức về cuộc đời hữu hạn và thân phận cát bụi, nhỏ nhoi của con người trong trần thế cùng những khát vọng mạnh mẽ về đức tin, cõi niết bàn, cõi thiên thu. Có thể tìm thấy biểu hiện này qua thơ Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Quách Tấn, Mai Văn Phấn,… Các nhà thơ còn vận dụng phong phú các thể thơ hiện đại như thể tự do, thể thơ văn xuôi, thể 7 chữ, thể 8 chữ… Các thể hiện đại có lợi thế hơn trong việc thể hiện những nội dung mới mẻ mang tính chất thần học siêu hình của tư duy tôn giáo. Tuy nhiên, các thể thơ truyền thống ngắn gọn, cô đúc, “ý tại ngôn ngoại” phù hợp hơn cả với đặc trưng của mỹ cảm Phật giáo nên được vận dụng nhiều hơn cả.

 

4.1.1.2. Tổ chức, kết cấu bài thơ

 

Bên cạnh kết cấu của các bài thi kệ thường thấy của thơ Thiền truyền thống (như thơ Thích Nhất Hạnh, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Tuệ Sỹ, Trụ Vũ…), các nhà thơ còn “thi hóa” kinh Phật với kết cấu dưới dạng những câu chuyện Phật pháp (như thơ Phạm Thiên Thư). Ngoài ra, cảm hứng Phật giáo với muôn vàn trạng huống tâm linh phức tạp của con người thời hiện đại còn tìm cách cách tân kết cấu thơ, đưa thơ ngày càng bám sát mạch vận động của xúc cảm tâm linh. Để nắm bắt được dòng cảm xúc ấy, thơ hiện đại thường sử dụng kết cấu mở. Thơ mang cảm hứng Phật giáo có kết cấu rộng mở, giàu hàm nghĩa với nhiều biểu tượng ẩn chứa triết lý tôn giáo. Thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên mang âm hưởng Phật giáo qua lối viết tự động tâm linh, với những hình ảnh biểu tượng về không gian mơ hồ, hư ảo,…

 

4.1.2. Cảm hứng Ki tô giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ

 

4.1.2.1. Thể thơ

 

Với khả năng diễn ca, kể chuyện, vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc, thể lục bát được khá nhiều nhà thơ vận dụng để tái hiện sống động các câu chuyện Thánh kinh, rao giảng luân lí tôn giáo. Các thể 7 và 8 chữ cũng được sử dụng để kể các câu chuyện tôn giáo bằng thơ. Có những câu chuyện Thánh Kinh đã được “thi hóa” bởi các nhà thơ là tín đồ như Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Võ Long Tê,... Các cung bậc phong phú của cảm hứng Ki tô giáo còn dẫn dắt các nhà thơ tìm đến các thể thơ tự do, thơ văn xuôi nhằm khám phá những miền kì bí khó nắm bắt nhất của hồn người, tạo nên những lời thơ tế vi, đánh thức những rung động bản thể đầy nhân văn (như thơ Hàn Mặc Tử, Mai Văn Phấn,…). Nhìn chung, trong cơ hội lựa chọn đa dạng các thể thơ, nếu cảm hứng Phật giáo thiên về sử dụng các thể thơ truyền thống thì cảm hứng Ki tô giáo lại ưa thích các thể thơ hiện đại, nhất là thơ tự do, thơ văn xuôi. Điều này xuất phát từ đặc trưng thẩm mỹ và căn nguyên văn hóa của mỗi loại hình cảm hứng.

 

4.1.2.2. Tổ chức, kết cấu bài thơ

 

Cảm hứng Ki tô giáo cũng có kiểu kết cấu theo hình thức các câu chuyện kể để chuyển tải giáo lí Thiên Chúa. Cùng với kết cấu tự sự, cảm hứng Ki tô giáo trong thơ hiện đại còn ưa lối kết cấu men theo mạch vận động của tâm linh. Kết cấu nhiều bài thơ của các tác giả Công giáo thường được tổ chức theo hướng mở, vận động tự do, phóng khoáng trong thế giới của trực giác, vô thức. Lối kết cấu linh hoạt, hiện đại không chỉ đưa người đọc đến với một thế giới tâm linh đầy hấp dẫn mà còn gợi trí liên tưởng, sáng tạo. Kiểu kết cấu này thể hiện rất rõ trong thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Mai Văn Phấn,… Tổ chức, kết cấu bài thơ theo mạch vận động tâm linh, một mặt phù hợp để khai thác miền tâm thức thẳm sâu của tôn giáo, mặt khác mở rộng nhiều cơ hội cách tân cho thơ ca, khiến cho thơ hiện đại trở nên phong phú với nhiều hình thức biểu đạt hữu hiệu.

 

4.2. Tô đậm tính thiêng liêng của biểu tượng

 

4.2.1. Hệ biểu tượng mang cảm hứng Phật giáo

 

Khảo sát thơ Việt Nam hiện đại, có thể thấy, rất nhiều hình ảnh thiên nhiên đã được đẩy lên ý nghĩa biểu tượng, trong đó phổ biến hơn cả là biểu tượng mùa xuân, hoa sen, nước,... Thơ hiện đại còn có các biểu tượng mang đậm đặc trưng văn hóa Phật giáo. Đó là biểu tượng về đức Phật, Bụt, Bồ tát, Thánh ni, chư tăng,…; về đền, chùa, âm thanh tiếng chuông; v.v… Việc sử dụng biểu tượng giúp thơ ca có khả năng chuyển tải các thâm ý sâu xa, giàu ý nghĩa của tinh thần Phật pháp.

 

4.2.2. Hệ biểu tượng mang cảm hứng Ki tô giáo

 

Cảm hứng Ki tô giáo cũng dẫn dắt các nhà thơ hiện đại khai thác các biểu tượng thiên nhiên. Bầu trời - mặt đất, nước - lửa, ánh sáng - bóng tối là những cặp biểu tượng được vận dụng nhiều nhất. Các hình ảnh đơn thuần này, trong cảm quan Ki tô giáo của các nhà thơ, đã được khoác lên màu sắc màu nhiệm, thiêng liêng với nhiều ý nghĩa.

 

Tóm lại, các biểu tượng thơ mang cảm hứng Phật giáo và Ki tô giáo trong thơ ca hiện đại hết sức phong phú, vừa có sự thống nhất vừa mang nét đặc sắc riêng của từng loại cảm hứng. Nếu hệ biểu tượng thơ mang cảm hứng Phật giáo chú trọng biểu hiện tinh thần từ bi, chủ trương tùy duyên, chú trọng đến bản thể chân như của vạn vật thì hệ biểu tượng mang cảm hứng Ki tô giáo hướng tới diễn tả sức mạnh tối thượng của vũ trụ trong tinh thần sáng thế của Thiên Chúa. Đồng thời, các biểu tượng này trong cảm quan tôn giáo ở từng nhà thơ còn được cá thể hóa, thể hiện cách nhìn riêng của thi nhân. Các nhà thơ đã để cho tư tưởng triết lý hiện lên một cách tự nhiên qua những biểu tượng tôn giáo được nghệ thuật hóa. Như vậy, cảm hứng tôn giáo chi phối không chỉ ở tư tưởng, mà cả trong tư duy nghệ thuật và lối thể hiện.

 

4.3. Giọng điệu và ngôn ngữ mang đậm màu sắc tôn giáo

 

4.3.1. Giọng điệu và ngôn ngữ đậm sắc thái Thiền

 

Thiền đi vào trong tâm thức nhà thơ, chuyển hóa thành cơ chế trữ tình trong sáng tác, khiến cho giọng điệu và ngôn ngữ thơ cũng đậm sắc thái Thiền. Biểu hiện rõ nhất màu Thiền trên phương diện giọng điệu là các sắc thái chiêm nghiệm, triết lí và trữ tình sâu lắng. Để biểu hiện giọng điệu trữ tình và triết lí, các nhà thơ sử dụng phổ biến lớp ngôn từ Phật học, kiểu ngôn ngữ mang màu sắc vô ngôn và siêu thực… Những suy tư sâu sắc của Phật pháp đã nâng cánh cho lời thơ, đưa thơ đến những sáng tạo không biên giới, tạo nên những nốt âm đẹp, lạ trên diễn đàn thi ca đương đại. Mặt khác, chính sức mạnh của lời thơ đã góp phần “thi hóa” ngôn ngữ Phật giáo, đưa tinh thần Phật học đến gần hơn với chúng sinh, với đời sống.

 

4.3.2. Giọng điệu và ngôn ngữ đậm màu sắc Ki tô giáo

           

Thơ mang cảm hứng Ki tô giáo cũng có giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí, trữ tình và ngôn ngữ thơ siêu thực. Các nhà thơ cũng tìm cách thi hóa ngôn ngữ thánh kinh Ki tô giáo. Tuy nhiên, trong khi cảm hứng Phật giáo thường khiến thơ thiên về giọng suy tư, triết lí thì cảm hứng Ki tô giáo khiến cho thơ nghiêng hơn về giọng giãi bày, chia sẻ và ngợi ca thành kính. Cùng là ngôn ngữ mang màu sắc siêu thực nhưng một bên thấm đẫm tinh thần Thiền học còn một bên lại siêu linh trong ánh sáng Ki tô giáo. Tất cả góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú cho giọng điệu và ngôn ngữ thi ca hiện đại; thể hiện nỗ lực đáng kể của các nhà thơ trong việc tạo ra những chất liệu biểu đạt mới, những cách nói mới của thơ ca qua cảm quan tôn giáo.

 

Tiểu kết chương 4:

 

Cảm hứng tôn giáo đã chi phối mạnh mẽ đến nhiều phương thức biểu đạt của thơ ca. Các nhà thơ Thích Nhất Hạnh, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Tuệ Sĩ,... và Trăng Thập Tự, Xuân Ly Băng,... trong vai trò là các tín đồ hoạt động tôn giáo tích cực, họ ý thức rất rõ việc dùng thơ ca như một phương tiện để truyền giáo, cứu độ chúng sinh nên quan tâm nhiều hơn đến nội dung truyền tải là các giáo lí tôn giáo. Còn ở Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Mai Văn Phấn,... sự chi phối sâu của tôn giáo đã góp phần giải phóng cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ, thôi thúc họ tiến xa hơn trên con đường tìm những hình thức thể hiện mới cho thơ. Vì thế họ chú trọng nhiều hơn việc cách tân về phương thức, phương tiện nghệ thuật. Nhìn trên hành trình thơ thế kỷ XX, có thể thấy, thơ mang cảm hứng tôn giáo hôm nay có dấu ấn của siêu thực, tượng trưng vốn đã có từ Thơ mới và được tiếp nối trong trường thơ đô thị miền Nam. Sang thế kỷ XXI, thơ vẫn đang tiếp tục phát triển với những hình thái diễn đạt đầy cách tân, sáng tạo. Thi pháp thơ hậu hiện đại đã được thể nghiệm trong thơ các hiện tượng thơ tôn giáo đương đại như Mai Văn Phấn, Pháp Hoan, Phápxa Chan,... Như vậy, dưới sự dẫn dụ của cảm thức tôn giáo, thơ ngày càng có khả năng biểu đạt rộng mở các trạng thái phức tạp của tâm linh con người thời hiện đại. Ngược lại, chính sự nỗ lực tự làm mới mình của tự thân thi ca, cảm hứng tôn giáo cũng được nới rộng các chiều kích biểu hiện độc đáo, đem lại mĩ cảm mới cho người tiếp nhận.

 

 

 

KẾT LUẬN

 

1. Trên cơ sở những tác động sâu sắc của thế giới quan, nhân sinh quan tôn giáo đến tư duy, nhận thức của con người; đặt trong sự tiếp nối của nguồn mạch cảm hứng dồi dào từ truyền thống văn học dân tộc; với những chuyển biến mạnh mẽ của các sự kiện lịch sử, văn hóa thế kỷ XX; có thể khẳng định cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt hiện đại vẫn tiếp tục phát triển và trở thành một trong những nguồn cảm hứng nổi bật. Trong đó, Phật giáo và Ki tô giáo là hai nguồn cảm hứng có diện phủ sóng phổ rộng hơn cả. Trong tương quan đối sánh, nguồn cảm hứng Phật giáo tỏ ra chiếm ưu thế, thu hút được số đông tác giả và gặt hái được nhiều thành tựu hơn, trong khi cảm hứng Ki tô giáo lại đạt tới những kết tinh rực rỡ, đỉnh cao. Hai nguồn cảm hứng này luôn vận động song hành, có những thời điểm thăng hoa, và có nhiều đóng góp đặc sắc, ý nghĩa cho thơ ca dân tộc cũng như đời sống con người.

 

2.  Cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại chú trọng biểu hiện các vấn đề về đức tin, các cõi, đạo và đời, bản ngã. Cảm hứng Phật giáo giúp thơ thức nhận và phơi bày sự thật về “khổ đế” của cuộc sống nhân sinh hiện đại, thấu hiểu quy luật vô thường, xem trọng vô ngã, đề cao sự thức tỉnh trí tuệ, giác ngộ chân như thật tính để từ đó hướng tới cuộc sống an hòa, tự tại, biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với con người và vạn vật. Cảm hứng Ki tô giáo trong thơ hiện đại đề cao tư tưởng sáng thế, giúp con người nhận ra nguồn gốc, giá trị cao quý của chính mình và muôn loài, thức dậy sức mạnh vượt lên mọi đau thương trần thế, biết trân tri ân và trân trọng cuộc sống, sống phụng hiến trong tinh thần bác ái, sẻ chia. Như vậy, dù mang những nét đặc trưng khác nhau trong quan niệm về đức tin, bản ngã, trong cái nhìn về các cõi, trong cách xử lí mối quan hệ giữa đạo và đời, song các cảm hứng tôn giáo đều thống nhất ở mục đích nhân văn, ở ý nghĩa hướng thiện. Qua đó, thơ đạt đến chiều sâu của giá trị nhân bản, trở thành tiếng nói khai mở một cõi thế giới riêng của đời sống tinh thần thiêng liêng. Nói cách khác, cảm hứng tôn giáo đã tạo nên cái nhìn đa chiều về thế giới, góp phần làm phong phú và sâu sắc nội dung, nâng tầm tư tưởng, tính trí tuệ cho thơ hiện đại.

          

3. Cảm hứng tôn giáo cũng chi phối đến các phương thức, phương tiện biểu đạt của thơ hiện đại. Cảm hứng Phật giáo thích hợp hơn cả với các thể thơ truyền thống. Mô hình lục bát cân đối với nhịp “đưa nôi” có khả năng điều hòa cảm xúc, đưa lại sự cân bằng hài hòa trong mối quan hệ giữa con người với ngoại giới. Với dáng vẻ hàm súc, ngôn ngữ nghiêng về tính ý tượng, thể tứ tuyệt Đường luật giúp các nhà thơ chuyển tải hữu hiệu tinh thần vô ngôn, đốn ngộ của Thiền học. Cảm hứng Ki tô giáo thường tìm đến thơ tự do, thơ văn xuôi, thậm chí trường ca. Trong khuôn khổ dài hơi của trường ca, khả năng rộng mở, phóng túng của thơ tự do, thơ văn xuôi, những cơn sảng sốt tinh thần, sự miên man tâm trí trong quá trình được mặc khải của con người hiện diện rõ nét. Cùng với thể thơ, kết cấu bài thơ cũng được đa dạng hóa, trong đó nổi bật nhất là cách tổ chức bài thơ men theo mạch vận động của tâm linh. Hệ thống biểu tượng thiên nhiên và các biểu tượng tôn giáo có ưu thế quan trọng trong việc kết tinh và chuyển tải các tương giao phức tạp giữa các vấn đề phức tạp trong đời sống nên được khai thác ngày càng nhiều. Ngôn ngữ thơ cũng nhuốm đậm màu Thiền và Ki tô giáo kết hợp với màu sắc siêu thực; đi liền với giọng điệu suy tư, triết lí; giọng ngợi ca, thành kính;... Dưới ảnh hưởng của tôn giáo, nghệ thuật thơ ca hiện đại trở nên hấp dẫn, mới mẻ hơn. Ngược lại, qua những cách diễn đạt hấp dẫn của thơ ca, tôn giáo vốn trừu tượng, khó hiểu trở nên gần gũi, dễ tiếp cận với con người. Mặt khác, nhìn vào lịch sử thơ ca thế kỷ XX, dễ dàng nhận thấy, cảm hứng tôn giáo đã có sự kế thừa và tiếp nối truyền thống thơ ca dân tộc, đồng thời làm mới mình ở nhiều chiều kích, màu vẻ trong sự thâu nhận nhiều kinh nghiệm sáng tạo của thơ ca, mỹ học phương Tây. Rõ ràng, thơ ca và tôn giáo đã cùng đồng hưởng trong trực giác của người nghệ sĩ, thôi thúc nhà thơ tạo nên những thi phẩm mang tính cách tân, đưa lại những mỹ cảm mới cho người tiếp nhận.

          

4. Xuyên suốt chiều dài của thơ Việt thế kỷ XX, cảm hứng tôn giáo đã trải qua nhiều chặng đường vận động thăng trầm, thịnh suy. Nếu thời kỳ trước 1945, cảm hứng Ki tô giáo có ưu thế hơn với Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Chế Lan Viên,… thì đến sau 1954, cảm hứng Phật giáo đã được quan tâm trở lại trong các sáng tác của Thích Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Trịnh Công Sơn,… Sau 1986, trong không khí khá cởi mở của xã hội, cả hai nguồn cảm hứng đều song hành và phát triển với cách tân thơ mạnh mẽ ở những hiện tượng thơ như Mai Văn Phấn, Pháp Hoan, Phápxa Chan,… Bên cạnh đó, thơ Việt hiện đại còn chứng kiến sự hiện diện của cảm hứng Đạo giáo, hoặc các cảm hứng xuất phát từ sự hỗn nhập của nhiều tôn giáo, các tín ngưỡng văn hóa bản địa (như văn hóa Chăm ở hiện tượng Inrasara,…), v.v… Quá trình này cho thấy, cảm hứng tôn giáo, trong hành trình dài của thơ Việt thế kỷ XX, dù có những khúc quanh, ngã rẽ, nhưng vẫn luôn kế thừa, tiếp nối, trở thành mạch nguồn xuyên suốt, nổi bật trong thơ ca, văn học dân tộc.

          

5. Hiện nay, Việt Nam đã bước sang thế kỷ XXI - kỷ nguyên của toàn cầu hóa, của thời đại cách mạng kỹ thuật số. Song, đằng sau sự văn minh, tiến bộ, con người cũng đối mặt với muôn vàn thử thách. Đó là sự đổ vỡ, tổn thương tinh thần trước các cạm bẫy của đô thị hiện đại; sự hoang mang của con người trước mê hồn trận của biết bao nhiêu trào lưu, chủ thuyết; sự đảo lộn các chuẩn mực đạo đức khiến mọi giá trị bị tầm thường hóa;... Bối cảnh ấy, khiến con người có xu hướng tìm đến tôn giáo nhiều hơn. Trong thơ, cảm hứng tôn giáo được quan tâm không chỉ với những hiện tượng thơ trong nước mà cả những hiện tượng thơ Việt ở nước ngoài như Pháp Hoan, Phápxa Chan, v.v...  Từ thực tế này, có thể khẳng định: thứ nhất: cảm hứng tôn giáo vẫn đang phát triển không ngừng nghỉ và hứa hẹn đưa thơ đến những chiều kích mới trong sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thơ ca dân tộc; thứ hai: thơ mang cảm hứng tôn giáo vẫn luôn mang ý nghĩa tích cực đối với đời sống con người. Cảm hứng tôn giáo, trong chừng mực nhất định, có thể giúp con người cân bằng lại các trạng thái tinh thần, xem xét lại sự sáng rõ nhiều khi đến mức đáng ngờ của các luận thuyết xã hội duy lí, chế ngự sự lạm phát của cái tôi với nhiều toan tính lí trí. Hơn thế, các giá trị nhân bản vĩnh hằng của tôn giáo đồng thời là các giá trị sống cốt lõi của nhân loại. Do đó, cảm hứng tôn giáo còn giúp thơ chống trả lại quá trình tầm thường hóa thi ca, nâng tầm tư tưởng cho thơ, khiến cho thơ mang màu sắc của nhân loại. Riêng đối với dân tộc Việt Nam hiện nay, cảm hứng tôn giáo trong thơ góp phần gìn giữ các truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc, và định hướng giá trị sống cho nhân cách con người hiện đại. Thơ mang cảm hứng tôn giáo, vì thế, vẫn luôn là đối tượng hấp dẫn và sẵn sàng “mời gọi” những diễn dịch đa chiều.

 

 

 

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

 

  1. Nguyễn Thị Kim Hồng (2/2018), “Đặc trưng ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (khảo sát qua bộ tuyển tập Có một vườn thơ đạo)”, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội, Tập 4, Số 1 (2/2018).
  2. Nguyễn Thị Kim Hồng (4/2018), “Giọng điệu giãi bày trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, ngôn ngữ và Quốc tế học tại Việt Nam, NXB ĐH QG Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Kim Hồng (7/2018), “Biểu tượng trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện KHXHVN - Viện KHXH vùng Nam Bộ), Số 3 (235), (7/2018).
  4. Nguyễn Thị Kim Hồng (10/2018), “Xúc cảm thẩm mỹ trong thơ Công giáo Việt Nam”, Tạp chí khoa học Trường ĐH Hồng Đức, Số 41 (10/2018).
  5. Nguyễn Thị Kim Hồng (10/2018), “Sự phát triển của thơ Công giáo trong thơ ca Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh GRS 2018, NXB ĐH QG Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Kim Hồng (2018), “Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại (Khảo sát qua 5 tập Có một vườn thơ đạo)”, Tạp chí khoa học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Số 4/2018 VN.
  7. Nguyễn Thị Kim Hồng (10/2019), “Dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn”, Tạp chí khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 48, Số 3/ 2019.
  8. Nguyễn Thị Kim Hồng (4/2022), “Về nghiên cứu cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX”, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện Hàn lâm KHXHVN – Viện KHXH vùng Nam Bộ), số 4 (284), 2022.

 

 

 

Chiêm ngưỡng quần thể độc đáo của nhà thờ Phát Diệm gần 130 tuổi ở Ninh Bình 2

Nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình


 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị