Cần sự văn minh khi bàn luận thơ
ca trên mạng xã hội

Lục Diệp
PNO - Thi ca nói riêng hay
sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung, nếu không “vừa mắt, vừa lòng” công
chúng, rất dễ bị mang ra bàn luận, mổ xẻ trên mạng xã hội. Nhưng phân tích, lý
luận phê bình một cách văn minh, lich sự rất khác với chê bai, giễu nhại…
Khi thơ bị… chế giễu
Mới đây, nhà thơ Mai Văn Phấn bị cộng đồng “réo tên” với
tập thơ 3 câu "thả" (các bài thơ chỉ có 3 câu và 1
tiêu đề). Tập thơ này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Tác giả là một trong
những tên tuổi của văn đàn, đã in hàng chục tác phẩm (thơ, trường ca, phê bình
- tiểu luận) từ năm 1992 đến nay. Ông cũng từng được vinh danh giải thưởng
Cikada - Thụy Điển vào năm 2017.
Một số người đã chụp lại vài trang trong tập thơ "thả"
và đăng lên mạng xã hội, tạo nên làn sóng khen chê trong giới cầm bút lẫn cộng
đồng mạng suốt những ngày qua. “Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên
cạnh” (Viếng mộ ông bà), "Thắp hương cha/ Tưới xuống đất/ Thành
tiếng" (Ly rượu), "Lắc lư nhiều hướng/ Lá nửa non/ Nửa già"
(Cây ở nghĩa trang), "Vàng mã bén lửa/ Gió giật vội/ Mang đi" (Nơi
đầu gió)… Đó là 4 bài thơ in trên 2 trang của tập thơ "thả".
Câu chữ ngắn gọn, cho người đọc cảm nhận toàn cảnh không gian, những hình ảnh,
thanh âm và nhịp điệu cũng như tâm cảm của con người. Nhưng “câu chữ ngắn gọn”
cũng chính là một phần nguyên nhân khiến cho tập thơ 3 câu này bị nhiều người
chế giễu trên mạng xã hội.
Trong những khen - chê, ai cũng có cái lý
trong cách nhìn nhận của riêng mình. Sự khác nhau này do cảm nhận cũng như thẩm
mỹ tiếp nhận của riêng mỗi cá nhân. Sẽ không có khuôn khổ nào cho cảm xúc của
người đọc đối với một tác phẩm văn chương và càng không có khuôn khổ cho những
giới hạn sáng tạo của người cầm bút.
Khó có thể so sánh thơ 3 câu của Mai Văn
Phấn với thơ haiku của Nhật Bản (cũng 3 câu, không dài quá 12 từ), với các bậc
thầy haiku Matsuo Basho, Kobayashi Issa… Nhưng cũng không thể phủ nhận sự sáng
tạo của ông. Tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời với “cái mới” sẽ luôn nhận
được nhiều ý kiến trái chiều, khen - chê là lẽ thường, nhưng việc không tiếc
lời chế giễu, chê bai… là không nên.
Cuối năm ngoái, bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của
tác giả Tô Hà (được in trong sách Tiếng Việt lớp Năm, bộ Kết nối tri thức với
cuộc sống) cũng từng bị đưa lên mạng bêu rếu. Một bộ phận cộng đồng mạng không
tiếc lời chê bai, mạt sát nhà thơ và cả hội đồng biên soạn. "Tiếng
hạt nảy mầm" viết về một lớp học khiếm thính, cô giáo đã dùng
ngôn ngữ ký hiệu để vẽ nên bức tranh cuộc sống sinh động, đầy màu sắc cho trẻ
thơ. “Sau ngón tay cô đấy/ Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/
Tiếng sớm mai mẹ gọi/ Tiếng cuộc đời sâu vợi/ Con tàu biển buông neo/ Ngôi sao
mọc rừng chiều/ Vó ngựa ran vách đá…” (trích "Tiếng hạt nảy
mầm"). Bài thơ có thể khiến những trái tim yêu thơ và yêu trẻ con rơi
nước mắt, nhưng xót xa thay, lại trở thành đề tài “mua vui” trên các diễn đàn
mạng.
Trước đó, bài thơ "Bắt nạt" (trích
từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" của tác giả Nguyễn
Thế Hoàng Linh) được chọn in vào sách giáo khoa lớp Sáu (tập Một, bộ Kết
nối tri thức với cuộc sống) cũng từng gây tranh cãi. Bài thơ "Mẹ
tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân (được ban giám khảo
cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ trao giải Nhất hồi năm 2021) cũng tạo nên làn
sóng cười chê một dạo…
Thơ nói riêng hay các sáng tác văn học nói
chung, nếu không vi phạm pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục… thì đều đáng
được tôn trọng.
Giá trị sẽ được sàng lọc
Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl (dịch giả và là giáo
sư đại học tại Mỹ) từng ví von rằng “Việt Nam là đất nước của thi ca”. Thơ vọng
theo dấu chân người lính trên những cuộc hành quân, bên những chiến hào, trong
rừng thẳm. Thơ tiếp tục là tiếng lòng của bao trái tim thi nhân, trở thành dòng
chảy chưa từng bị đứt quãng cho đến hôm nay.
Thơ Việt đã luôn không ngừng đổi mới và
sáng tạo - từ thất ngôn bát cú Đường luật sang Thơ mới, đến giờ là thơ tự do,
thơ tân hình thức, thơ hiện đại… Không có giới hạn nào cho những người cầm bút
và thơ có thể chạm đến cảm xúc bạn đọc theo những rung cảm của thi nhân. Có
những bài thơ, câu chữ rất giản dị nhưng giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người.
Cũng có những bài giống như văn vần nhưng được yêu thích vì nói thay tiếng lòng
của nhiều người. Không ít cây bút không chuyên đã vượt qua cả những nhà thơ tên
tuổi để được vinh danh tại các giải thưởng. Trong thiên tai, dịch bệnh, rất
nhiều cảm xúc hóa thành những vần thơ mộc mạc đã lan tỏa giá trị sẻ chia.
Thi ca luôn vượt ra khỏi những khái niệm,
không có khuôn mẫu nào cho thi tứ/cấu trúc hay những niềm cảm xúc và khát vọng
của người làm thơ. Bất luận là sự khác biệt trong nỗ lực làm mới hay chưa được
xem là tác phẩm hay/dễ hiểu, thơ ca vẫn đã và đang góp phần tôn vinh tiếng Việt
giàu và đẹp. Ngay cả những sáng tác có thể chưa/không phù hợp với mỹ cảm của số
đông, đó vẫn là sáng tạo của người cầm bút. Những giá trị sẽ được sàng lọc và ở
lại với thời gian.
L.D
 |
Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm viết về lớp học khiếm thính, từng bị “chửi oan” - Nguồn ảnh: Internet |
(Nguồn:
Báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh)