“Quỷ dữ không đen tối như người ta vẫn tô vẽ” (Tranh quạ, thơ quạ) - Xuân Mai
“Quỷ dữ không đen tối như người ta vẫn tô
vẽ”*
Xuân Mai
Ma quỷ có tồn tại không, hay
đó chính là “một phát minh” của con người, sinh ra từ cám dỗ, tội lỗi và được
ngụy biện bằng vô số mục đích tốt-xấu, thiện-ác, đen-trắng-xám khác nhau. Ta
vẫn… hoặc đã sợ hãi ma quỷ, cũng như khinh miệt những giống loài bị chính chúng
ta gán cho những sắc màu u ám mà ta có thể tô vẽ, những hình hài quái gở mà ta
có thể hình dung. Và khi nhận ra mọi thứ không như ta ảo tưởng, có lẽ, ta biết
về thế gian này thêm một chút, từng chút một, như rốt cuộc ta đã hiểu hơn về
những con quạ.
Một phần trong tư tưởng cố
hữu của mỗi cá nhân và cả ở một số nền văn hóa, con quạ là hiện thân của cái
ác, mang theo những điềm gở, bất hạnh và tai ương. Chúng hắc ám và gian trá,
đại diện cho mọi sự phản diện, ti tiện, ám ảnh và mất mát. Ngay cả bộ lông màu
đen kia cũng bị ví von như hệ quả của thói hư tật xấu, bất chấp tài năng, trí
tuệ tuyệt vời đã được gián tiếp công nhận, như trong câu chuyện cổ tích mà
nhiều người Việt biết đến từ thuở bé thơ – “Công và quạ”.
“Mặt khác” – xin dẫn lại lời
của nhà phê bình văn học Lê Hồ Quang, “quạ là đại diện cho điều chưa biết tới,
cõi Khác, thế giới thần linh. Nó còn được xem là con vật thiêng, kẻ tiên tri,
tiên báo; tượng trưng cho sự sáng suốt. Ngoài ra, quạ còn là biểu tượng của nỗi
cô đơn cao cả, siêu hình, thần bí…”. Những “điều chưa biết tới” về con quạ và
về nhân sinh, đã được nhà thơ Mai Văn Phấn tạo tác một cách tỉ mỉ, thâm sâu với
“nhiều lớp nghĩa đối lập”, “nhiều tầng liên tưởng” trong tác phẩm “Biến tấu con
quạ” (2003) của ông. [1]
“Khai sinh
Sau tiếng quạ
kêu
Ra đi không
cưỡng lại
Gói bọc được
mở ra
Sự băng hoại
không thể cất giấu”
…
“Khai sinh
Mực đổ dưới
chân và máu
vón cục ở yết
hầu, phế quản
Viết một nét
lên trang đầu
thấm suốt cả
ngàn trang sách.”
…
“Sau tiếng
quạ kêu
Ai đã tự
nguyện nằm xuống.”
– Trích đoạn:
Mai Văn Phấn, “Biến tấu con quạ” (2003).[2]
Vẫn xin mượn lời của nhà phê
bình Lê Hồ Quang: “Nhưng tác giả không đề nghị với chúng ta một kết thúc lạc
quan dễ dãi. Một phần, có lẽ bởi vì ông tôn trọng tính diễn trình như một “đặc
thù” của “Biến tấu con quạ”. Nó vẫn là cái “đang là”, đang diễn ra. Bởi vậy, ở
kết thúc, “bóng đêm chui dần vào bụng quạ”, thân xác con người từng phần chui
vào bụng quạ, nhưng linh hồn “chúng ta” vẫn chưa thể rời bỏ bóng tối. Bởi bóng
tối vẫn ở trong “chúng ta”. Và con người vẫn nằm trong sự tăm tối, mù lòa tự
thân: “Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một
mình trong bóng tối”. Đúng lúc ta ngỡ đã nắm chắc mọi ý nghĩa của quạ, đúng
hơn, của “Biến tấu con quạ”, biểu tượng bỗng tuột khỏi tay ta, ôm chặt niềm bí
ẩn tự thân vào nó.
Chú giải:
* Tạm dịch từ một câu tục
ngữ tiếng Anh “The Devil is not so black as he is painted”. Tục ngữ/trích dẫn này thường được
cho là của Dante Alighieri (1265–1321), nhưng có khả năng là của Franco
Sacchetti (1332–1400), hoặc xuất phát từ phương ngữ của người Tuscan (Ý).
– Năm 2019, có một cuộc trao
đổi ở mục Literature trên mạng lưới hỏi-đáp Stack Exchange, nhằm tìm kiếm tài
liệu tham khảo về nguồn gốc của câu trích dẫn này, từ đó phát sinh nghi vấn,
rằng câu nói [tạm dịch] “Quỷ dữ không đen tối như người ta vẫn tô vẽ”, rất có
thể không đến từ tác phẩm “Thần khúc” (The Divine Comedy) của thi hào Dante
Alighieri như các trang mạng thường dẫn lại.
– Thay vào đó, nguồn gốc của
câu trích dẫn tiếng Anh – “The Devil is not sp black as he is painted”, có thể đã dựa trên một
câu có nghĩa tương đồng nhất – “Il diavolo non è nero Come si Dipinge”, trích
từ “Novella CXXXIII” (tạm hiểu: Truyện ngắn thứ 133), trong tập truyện ngắn “Il
Trecentonovelle” (tạm hiểu: Ba trăm truyện ngắn) của nhà thơ, nhà văn người Ý
sống ở thế kỷ XIV, Franco Sacchetti.
– Một giả thuyết khác cho
rằng câu tục ngữ tiếng Anh này là một biến thể của ngạn ngữ Tuscan (Ý): “Non
bisogna fare il diavolo più nero di quanto non sia” – tạm hiểu: Đừng làm cho ma
quỷ trở nên tồi tệ hơn; với hình tượng “ma quỷ” thường gắn liền với sự gian ác
và quỷ quyệt, ngụ ý: ta nên dùng lẽ thường để phân tích và dũng cảm đối mặt,
thay vì sợ hãi gán cho “chướng ngại” mức độ đáng sợ, khó khăn cao hơn nhiều so
với thực tế. Cùng ý nghĩa, dân gian Ý còn truyền nhau câu tục ngữ: “È più
facile lagnarsi, che rimuovere gl’impedimenti” – tạm hiểu: Kêu ca thì dễ hơn là
tháo gỡ những trở ngại; đồng thời cũng lời phê phán thái độ phàn nàn, làm to
chuyện để chối bỏ trách nhiệm.
Người ta có thể dễ dàng bắt
gặp những ngụ ngôn tương tự, chẳng hạn như trong một đoạn văn ở chương thứ ba
của “I promessi sposi” (còn gọi là “The Betrothed”, hay “Những kẻ đính hôn”[3])
– một kiệt tác của tiểu thuyết gia, triết gia người Ý, Alessandro Manzoni
(1785–1873). Với trích đoạn và diễn dịch lời của nhân vật người mẹ tên Agnese:
“Nghe này các con, hãy nghe ta nói. Ta đến thế gian này trước các con, và ta
biết một chút về thế giới này. Không cần phải quá sợ hãi: ma quỷ không xấu như
người ta tưởng. Đối với những người nghèo khó như chúng ta, những cuộn sợi
dường như càng lúc càng rối hơn, bởi vì chúng ta không biết cách tìm ra đầu
mối, nhưng đôi khi một ý kiến, một lời nói nhỏ của một người đã có hiểu biết về
nó…”.
Bộ tiểu thuyết “I promessi
sposi” của Alessandro Manzoni được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1827 gồm 3
tập, và phiên bản được biên tập hoàn chỉnh nhất, nổi tiếng nhất cho đến nay
được xuất bản trong khoảng thời gian 1840–1842. Tác phẩm này thường được mô tả
là “tiểu thuyết tiếng Ý được đọc nhiều nhất”, một “tác phẩm kinh điển của nền
văn học Ý” và được học giả Sergio Pacifici (1925–1998) nhận xét: ngoại trừ
“Thần khúc” của Dante, không có cuốn sách nào khác được nghiên cứu và xem xét
kỹ lưỡng hơn.
Nguồn:
[1] Trích bài viết “Biến tấu
con quạ, khi bóng đêm cất lời…” (2020) của nhà phê bình văn học Lê Hồ Quang,
đăng trên blog cá nhân của tác giả. Mời bạn đọc trọn vẹn bài phê bình tại: https://lehoquang1312.blogspot.com/2020/04/mot-bien-tau-tho-oc-ao.html
[2] Trích thơ “Biến tấu con
quạ” của nhà thơ Mai Văn Phấn, từ blog cá nhân của tác giả. Bài thơ thuộc tập
thơ “Vách nước”, xuất bản vào năm 2003 bởi NXB Hải Phòng. Mong bạn cùng tìm đọc
và cảm nhận “Con quạ rực sáng” từ những áng thơ siêu thực trong “Biến tấu con
quạ”, cũng như thưởng thức giọng đọc của chính nhà thơ, theo đường dẫn đến
trang thơ Mai Văn Phấn:
http://maivanphan.vn/mvp-doc-tho/bien-tau-con-qua-mvp-doc-tho-1694
[3] Bộ tiểu thuyết có tên
tiếng Việt là “Những kẻ đính hôn”, từng được chuyển ngữ từ tiếng Pháp bởi dịch
giả Nguyễn Duy Lập, xuất bản thành 2 tập, bởi NXB Văn học, năm 1988.

Caspar David Friedrich
(1774–1840), “The Tree of Crows” (khoảng 1822) – hay còn gọi là “Raven Tree”
(tạm dịch: Cây Quạ), sơn dầu trên canvas, 59 x 73 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập
của Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Nguồn ảnh: Wiki/Creative Commons (phạm vi
công cộng)

Vincent van Gogh
(1853–1890), "Wheatfield with Crows" (1890) – tạm dịch: Cánh đồng lúa
mì với những con quạ, sơn dầu trên canvas, 50,2 x 103 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu
tập của Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam, Hà Lan. Nguồn ảnh: Wiki/Creative Commons
(phạm vi công cộng)

August Friedrich Schenk
(1828–1901), "Anguish” (1876–1878) – tạm dịch: Nỗi thống khổ, sơn dầu trên
canvas, 151 x 251,2 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Nhà trưng bày Quốc gia
Victoria, Melbourne, Úc. Nguồn ảnh: Wiki/Creative Commons (phạm vi công cộng)

Alexei Kondratievich
Savrasov (1830–1897), "Грачи прилетели" (1871) – tên tiếng Anh thường
gọi là “The Rooks has Returned” (tạm dịch: Quạ đã trở về), sơn dầu trên canvas,
62 x 48,5 cm. Tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Nhà trưng bày Quốc gia Tretykov,
Moscow, Nga. Nguồn ảnh: Wiki/Creative Commons (phạm vi công cộng)

Jakub Schikaneder
(1855–1924), "The Last Journey" – tạm dịch: Hành trình cuối. Nguồn
ảnh: LatAm ARTE
__________
Nguồn bài viết: 𝐀𝐫𝐭𝐑𝐞𝐩𝐮𝐛𝐥𝐢𝐤 – Elitism for All
Vietnam’s first Art & High Lifestyle Book-Magazine