image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Cây sưa đỏ và thơ Mai Văn Phấn - Liêu Thái

Cây sưa đỏ và thơ Mai Văn Phấn

 

 

Nhà thơ Liêu Thái

 

 

Liêu Thái

 

Tôi biết thơ Mai Văn Phấn trước khi biết sưa đỏ. Tôi thi thoảng viết về thơ Mai Văn Phấn, và vườn nhà tôi cũng trồng khá nhiều sưa đỏ, tôi quan sát nó, tìm ra nhiều điều thú vị. Có một mối tương quan đặc biệt giữa thơ Mai Văn Phấn với sưa đỏ.

 

Cây sưa đỏ

 

Xin nói về gỗ sưa đỏ, vài năm trước, giá của loại gỗ này lên đến vài chục triệu đồng trên mỗi ký lô (gỗ lõi). Và tôi lúc ấy, trồng với ước mơ làm giàu, trồng khắp vườn, cây lên xanh rợp cả một khu vườn. Thế rồi cây sinh lõi, đỏ, khá đẹp, tôi ban đầu chỉ nhìn thấy tiền từ nó... Bão tới, nguyên một vườn sưa còn lại vài cây, bật gốc toàn bộ, tôi tiếc đứt ruột. May sao, những cây bị bão quật đã kịp thả hạt dưới gốc, vậy là sau mùa bão, một vườn sưa con mọc lên thay chỗ vườn cây bật gốc. Lần này, cây cắm sâu rễ và không sợ bão như vườn cây trồng.

Hôm Tết, anh Ba Hưng, người anh Cả trong gia đình vào nhà chơi, anh nhìn thấy một khúc gỗ, nặng, đỏ, đẹp sặc sỡ nằm ngoài sân, anh hỏi tôi: “Sưa đỏ hả em?”, tôi nói: “Dạ không, cái này là thầu đâu (sầu đông, xoan) đó anh?”. Anh giật mình: “Ồ, sao nó giống sưa đỏ quá vậy, độ nặng cũng tương đương!”. Lúc này tôi mới để ý, đúng là giống thật, hóa ra cây hoa xoan mọc chưa đầy 10 năm tuổi lại có lõi rất cứng và đỏ, đẹp, vân uốn lượn, nhìn mê hồn, đặc biệt là bỏ ngoài mưa nắng, vân gỗ trở nên huyền hoặc... Ủa, vậy thì sưa đỏ có cái gì mà người ta chấp nhận trả giá cao quá vậy?

Có đấy, thứ nhất, nó rất đặc biệt với tôi, tôi từng mất ít nhất cũng mười người bạn thân vì nó. Bạn, anh em tôi, cứ người nào thân, tôi tặng họ một ít sưa đỏ con để trồng, thì, hoặc là mất bạn, tự dưng trở nên xa lạ, hoặc là trở nên thân thiết, gần gũi hơn trước. Nhưng số đông là trở nên xa lạ, mặc dù cây sưa tôi tặng họ về trồng lớn nhanh, sum suê và rất tốt.

Tôi nhớ cách đây mười năm, tôi nhập về một lô sưa con giống Hải Nam, hầu hết là tặng cho bạn, chỉ bán cho mấy ông bạn cực thân, mình cực quý, trong đó có anh Nguyễn Văn Tuấn, tôi bán mắc nhất để gỡ lại chút vốn, coi như tự mặc định là anh ấy cùng chung tay với mình để tặng những người khác, và với giá đó, anh Tuấn vẫn không hề hấn gì. Trong số các anh em bạn tôi tặng và bán giá rẻ, hình như chỉ có anh Tuấn, người bị tôi chặt chém nặng nhất và anh Thắng, người tôi bán giá rẻ bằng 10% giá bán cho anh Tuấn là còn chơi thân, số còn lại (tôi tặng) quăng cục lơ với tôi.

Tôi ngồi ngẫm lại, rõ ràng, đây là loài cây rất thiêng, người xưa, đặc biệt người Chăm Pa cổ còn gọi nó là cây Chiên Đàn, tức một loài cây có mùi hương gần với thần thánh, cây không mọc ở những nơi dơ bẩn và cho dù cây đã lớn, nhưng nếu như người trồng nó làm điều ác, trái lương tri thì tự dưng cây khô dần rồi chết. Điều này tôi cũng tin nốt!

Nhưng vấn đề ở đây là mối tương quan giữa sưa đỏ với thơ Mai Văn Phấn!

Kỳ thực, không phải tự dưng mà người ta điên rồ xếp sưa đỏ và diện danh mộc, và càng không phải người giàu, nhiều tiền quá trở nên điên rồ mà bỏ ra hàng đống tiền mua một khúc gỗ vô tri vô giác về chế tác rồi đặt trong nhà. Mà dường như những ai từng đụng đến sưa đỏ, chắc chắn họ phải có một nguồn năng lương dị biệt, chính thứ năng lượng dị biệt đó giúp họ có thể hanh thông hơn trong việc làm ăn và đến một lúc nào đó, mọi thứ hội đủ duyên lành, họ chọn những vật gia dụng có năng lượng tương ứng với bản thân...

Gỗ sưa đỏ, nếu xét về độ đẹp, chắc chắn nó không đẹp hơn gỗ xoan, gỗ chò, gỗ mít hay kiền kiền, và đương nhiên nó phải gọi “nhan sắc” của gỗ keo ta, gỗ xà cừ, gỗ cẩm lai, gỗ trắc... bằng Cụ. Thế nhưng giá trị của mấy loại gỗ kia chỉ bằng 2% đến 10% giá trị của nó là cùng. Như gỗ keo, gỗ xoan thì chắc không bằng 1% giá trị. Cái lạ ở chỗ này.

Những ai từng va chạm, tương tác và dùng vật dụng gỗ sưa đỏ (còn gọi là huỳnh đàn, chiên đàn) thì sẽ biết được mức độ bí nhiệm của nó. Về mặt quang học, nếu bạn đặt một miếng gỗ sưa đỏ dưới ánh sáng mặt trời, để chừng 10 phút sau, bạn quan sát trong vân gỗ bắt đầu ánh lên những dải màu khá đẹp và dần dần, cầu vồng bảy màu hiện ra trên miếng gỗ. Điều này không có ở bất kì loại gỗ nào khác. Và gỗ luôn có một mùi hương thơm nhẹ, thư thái, phảng phất, cho dù bạn để miếng gỗ cả trăm năm thì chỉ cần dùng ngón tay chà thật mạnh vào miếng gỗ chừng nửa phút, mùi hương ấy lại tỏa ra.

Ngày xưa, vua chúa và các quan lớn chọn gỗ huỳnh đàn để làm ngai vàng và giường ngủ (ngai vàng ở Hoàng thành Huế làm bằng gỗ này, hiện vẫn còn trưng bày trong khu vực cấm thành) để giữ năng lượng tốt, nhằm giữ sức khỏe. Và, khi tâm tưởng bạn bị rối loạn, bạn chỉ cần đốt vài mảnh gỗ sưa, mùi hương dịu nhẹ của nó giúp bạn thư thái, cân bằng tinh thần rất tốt... riêng điều này tôi từng trải nghiệm nhiều lần.

Nhưng, cây sưa đỏ, nếu bạn muốn thử lòng anh em chiến hữu, cứ tặng cây con hoặc một miếng gỗ (nếu có) cho họ, nếu họ thực sự tốt thì họ sẽ gắn với bạn, chí thân hơn, nếu họ đã có khuynh hướng rời bạn nhưng chưa tới lúc, thì hình như năng lượng của cây sưa đỏ giúp họ nhanh chạm bản ngã, họ rời bỏ bạn ngay tức khắc. Điều này tôi tin, rất tin, vì tôi trải nghiệm nhiều rồi!

 

Thất tinh đất Bắc

 

Lại nói về thơ Mai Văn Phấn, hai lần tôi viết về thơ ông, tôi mất một số người bạn mà tôi cho rằng đó là bạn quý, đương nhiên họ rời bỏ tôi, chứ cuộc đời tôi chưa hề bỏ ai. Và lần này, rất có thể tôi sẽ bị một số bạn ít ỏi còn lại bỏ nốt. Nhưng không sao, hãy sống bằng năng lượng của mình, đúng với tần số của nó, mọi việc đều do Duyên.

Lại nói về thơ, ở lứa tuổi “khơi mào thơ tự do/hiện đại”, có lẽ, với tôi, bầu trời thơ miền Bắc có Thất Tinh, đúng bảy con người đáng nói nhất, trong đó, có người xuất hiện rất sớm, có người xuất hiện rất muộn, nhưng dấu ấn thơ của họ thì không thể chối bỏ được. Thất Tinh (cùng trang lứa) này gồm: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Paul Nguyễn Hoàng Đức, Đặng Thân, Đặng Tiến và Mai Văn Phấn.

Nếu như Trần Đăng Khoa là Một Hài (thần) Đồng Thi Ca, thì Nguyễn Quang Thiều là Thần Thi, Nguyễn Duy là Hộ Pháp Thi, Paul Nguyễn Hoàng Đức là Thiên Sứ Thi, Đặng Thân là Phạt Ngữ Thần Thi, Đặng Tiến là Tiên Thi thì Mai Văn Phấn là Thánh Thi.

Trần Đăng Khoa cho dù bước sang tuổi Thất Thập, chọn đề tài thời sự, xã hội hay triết học, thần học chăng nữa thì trong thơ của ông luôn phảng phất cái nhìn ngây ngô, trong trẻo, thuần nhiên của một đứa trẻ, của một thần đồng thơ mấy mươi năm trước. Cái này không phải hễ muốn là có được.

Nguyễn Quang Thiều, trong thơ ông có gì đó mang dáng dấp của sấm nguyền và trừng phạt mặc dù ông làm thơ rất hiền, đề tài chẳng có gì dữ dội, nhưng đâu đó từ trong sâu thẳm các vỉa/tầng ngôn ngữ của ông lại ẩn chất sấm nguyền và trừng phạt, có một chút thần linh huyền hoặc và “hung tợn”.

Nguyễn Duy viết những bài thơ về tình yêu, về quê hương, đất nước, về trăn trở thời cuộc, về hiện tình đất nước... dường như bài thơ nào của ông cũng thấm đẫm tình người, sâu cay, chua chát và giàu suy tư, thế nhưng mọi thứ không dừng ở đó, sâu thẳm bên trong hơi thơ của ông là tiếng thở của một hộ pháp bảo vệ chánh pháp, đang cố gắng giữ im lặng quan sát ba ngàn thế giới và quyết bảo vệ “người đi tìm chân kinh”. Nói ra nghe cứ như phim chưởng hay Tây Du Ký vậy, nhưng sự thật, nếu bạn yêu thơ Nguyễn Duy, đọc nhiều thơ ông, bạn sẽ có cảm giác này.

Paul Nguyễn Hoàng Đức là nhà thơ khá đặc biệt (trong cái nhìn của tôi), ông có tính cách ngông, ngạo mạn và đương nhiên chả coi ai ra gì trong cái nhìn triết học (gồm cả hiện sinh và phi lý) của ông. Nhưng, giữa lập ngôn và hành ngôn của ông lại có phần ngược chiều, nếu như lập ngôn của ông đầy ngạo mạn, gây sự hiềm khích và bất mãn không ít, làm mất thiện cảm bao nhiêu thì thơ của ông lại nhuốm màu của thế giới thượng thiên, trữ tình, lãn mạn và đẹp bấy nhiêu... Có thể xem các tác phẩm thơ, trường ca của ông là một kiểu viết lại Tân Ước, một kiểu giễu nhại Tân Ước hoặc một kiểu viết Tân Ước theo lối mới... đều không sai. Ông như một sứ giả thi ca không được mấy người hiểu (kể cả tôi, tôi cũng rất ghét phong cách trịch thượng của ông, nhưng cái hay về thơ của ông thì không thể chối cãi được).

Đặng Thân, một Phạt Ngữ Thần Thi, ông này làm thơ mà không có tục thì không thể gọi là thơ của Đặng Thân, nhưng cái tục của ông không phải là cái tục bình thường, mà là một cái tục của bậc thánh trí, nó phải tục mới là thơ và đọc thơ ông thì cứ như đã thơ thì phải tục. Một cái tục đậm triết lý nhân sinh và lột trần, lộn trái mọi thứ giá trị định hình, mọi đại tự sự trong văn chương, thi ca. Bầu trời thơ miền Bắc mà thiếu Đặng Thân thì xem như chịu một lỗ thủng quá lớn.

Điều này khác xa với Đặng Tiến, tuy xuất hiện muộn hơn so với năm vị trên nhưng ông có chỗ đứng rất rõ nét trên bầu trời thi ca miền Bắc (xin lỗi vì tôi phân chia vùng miền, vì thực tế, không thể xếp bầu trời thi ca miền Nam với miền Bắc cùng một chỗ, rất khó, vì hệ qui chiếu thẩm mỹ rất khác biệt của họ) nhưng sức viết ồ ạt, xung năng thơ dữ dội của ông như một dòng chảy kinh hoàng bạt vía. Một buổi chiều đạp xe rong ruổi trên các đồi chè Thái Nguyên, tức thơ, dừng lại viết bằng điện thoại, tích tắc có hai bài, ba bài, thậm chí cả một bài thơ dài mấy ngàn chữ, câu nào cũng hay, chữ nào cũng đẹp, cũng chứa sức nặng thời cuộc, nhân tình thế thái... Và Đặng Tiến có lối viết, lối chơi của bậc tiên thi mê tửu và lộng ngôn, tức cái chính là nhâm nhi, khề khà rượu, không khí trong lành, buổi chiều, thậm chí nhâm nhi cả hoàng hôn, vui thì viết, không vui, mệt thì bia cỏ... Lối tiên thi rất đỗi hậu hiện đại này, dường như từ trước tới giờ, không mấy ai giống ông và ông cũng chẳng giống ai.

Mai Văn Phấn, một Thánh Thi. Một nhà thơ sống tại Việt Nam, làm việc và sáng tác tại Việt Nam nhưng cõi thơ của ông nhuốm màu tâm thức Bạch Dương. Từ những đoản khúc trong "Biến tấu con quạ" cho đến "Con chào mào" và các thi phẩm thơ ba câu của ông đều mang dáng dấp xứ bạch dương trắng với cái lành lạnh của tuyết rơi, cái buồn buồn (nhưng mạnh mẽ, không ủy mị) của buổi chiều xứ bạch dương. Cái độc đáo của Mai Văn Phấn là sự khế hợp giữa tâm thức bạch dương với thực tại làng quê, cây tre, cây đa, cánh rừng xứ Việt. Và dường như thơ Mai Văn Phấn là loại thơ khó đọc, khó hiểu hơn rất nhiều so với những tác giả còn lại. Nếu như trình tự đọc dành cho các tác giả khác là Hiểu, sau đó Cảm, thì đọc thơ Mai Văn Phấn, đầu tiên là Cảm, sau đó mới có thể Hiểu. Nhưng mức độ hiểu cũng chỉ dừng ở mức Cảm - Hiểu - Cảm.

Tôi vẫn thường gọi ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn là ngôn ngữ Thánh Thi.

Hầu hết các tác phẩm của Mai Văn Phấn, nếu mới nhìn vào, cứ ngỡ đó là những bài thơ rời được tập hợp thành một tác phẩm, nhưng kỳ thực, mỗi tác phẩm ấn loát của ông là một Symphony, có mở đầu, có dẫn luận, có cao trào, có quãng lặng và có kết thúc. Nếu ai đó cố y bóc rời một vài nốt trong Symphony để soi rọi thì đó là việc hết sức tệ hại, nó sẽ tạo phản ứng rất mâu thuẫn.

Nhưng chưa dừng ở đó, các tác phẩm của ông cũng là một chuỗi âm thanh, mỗi tác phẩm đóng vai trò một mảnh rời thanh âm trong tổng thể symphony (lớn) ấy.

Trong cái nhìn mới mẻ, bứt thoát khỏi mọi lề luật cũ của thi ca, Mai Văn Phấn dụng chữ theo những rung ngân của cả vô thức và tiềm thức, thi thoảng, đâu đó trong chữ nghĩa của ông thấp thoáng bóng dáng của hốt ngộ, một thứ sản phẩm của siêu thức được chưng cất thành chữ. Và đương nhiên, tần số rung cảm của loại thơ này sẽ có những dị biệt, rất khó để nắm bắt và đọc đúng tần số của nó. Chính vì vậy, tình trạng thơ ba câu của Mai Văn Phấn không được giải mã một cách nghiêm túc và bị chê là thơ “tào lao” cũng là chuyện dễ hiểu.

Thử phân tích hai bài thơ của Mai Văn Phấn, và một bài giễu nhại của anh Lê Mạnh Hà mà anh Phan Đạo (một người tôi rất quý mến, kính trọng, và giả sử lần này anh có hồ đồ chăng thì với tôi, đó cũng là chuyện vui đùa quá trớn của một nhà thơ, nghệ sĩ, với anh Lê Mạnh Hà cũng vậy) để thấy sự khác nhau rất căn bản về tần số rung cảm.

Bài của Mai Văn Phấn: Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên cạnh (Viếng mộ ông bà); Thắp hương cha/ Tưới xuống đất/ Thành tiếng (Ly rượu).

Bài của Nguyễn Mạnh Hà: Đi đái xong/ Tuổi già/ Ướt đầu gối (Không tên).

Ở bài “Viếng mộ ông bà”, mở đầu là hành động thắp hương (như bao người viếng mộ khác), đến câu hai, hành động “dựa lưng” như một sự tìm kiếm, kết nối giữa cái hữu hình với cái vô hình, giữa hiện tại với tiền nhân - quá khứ, có một mối dây kết nối và phát triển từ thắp hương đến dựa lưng. Tuy nhiên, sự kết nối này hoàn toàn trống rỗng và hụt hẫng, bởi đó là tựa vào “một ngôi mộ khác”.

Ở đây, ngôi mộ khác có thể là ngôi mộ hữu hình, bằng vôi, đá, xi măng... bên cạnh ngôi mộ ông bà, người thơ tựa lưng nghỉ lấy hơi. Tuy nhiên, có một ngôi mộ khác đã xuất hiện trong tâm tưởng, một ngôi mộ mọc lên giữa miền tâm tưởng hữu hạn của con người, một ngôi mộ mọc lên giữa vô cùng cát bụi mà con người, một hữu thể cô đơn đang phải tựa lưng, nghỉ mệt, chờ đợi cho đến ngày mình ngả hẳn, nằm ngủ yên trong lòng nó. Một ngôi mộ không thể chối bỏ của kiếp nhân sinh. Và ngôi mộ ấy có thể là ngôi mộ, có thể là lọ tro cốt lưu giữ vết dấu một kiếp người thoáng qua trong gió bụi.

Câu thơ cuối ít nhiều mang giọt nước mắt, mang tấm lưng lấm tấm mồ hôi mỏi mệt và mang cả tiếng thở dài suy tư kiếp người. Đó cũng là sự hốt ngộ mà bất chợt người thơ nhận ra kiếp nhân sinh cũng là một ngôi mộ đang chờ. Một câu thơ mà nếu cùng tần số ngôn ngữ, bạn đọc sẽ cảm nhận được những giọt mồ hôi đang lạnh toát trên lưng mình, giữa mùa xuân!

Ở bài thơ thứ hai: "Ly rượu", cũng mở đầu bằng một hành động cụ thể, thắp hương, một đối tượng cụ thể là Cha, nhưng đến hành động "Tưới xuống đất", tức tưới ly rượu xuống đất (ẩn dụ mời rượu, tri ân, báo hiếu...), từ ấy, bật ra âm thanh, cái âm thanh rượu rơi xuống đất không còn đơn giản là rượu đổ xuống đất nữa, nó là một ẩn dụ về sự chia lìa và kết nối vô vọng. Và “Thành tiếng”, đây là tiếng gì? Tiếng rượu rơi xuống đất hay là tiếng nhân sinh vỡ vụn, tiếng khóc tan rã trên nền sự sống hằng cửu?!

Những bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn như những mảnh rời tâm tưởng, mỗi mảnh là một tràn âm thanh sự sống đang vụn vỡ, rồi lại lần mò, hàn gắn và tan rã trong sự viên dung của cảm thức tro bụi. Những mảnh âm thanh ấy đang vang vọng trên giao lộ heo hút, bất định của sự sống.

Về bài thơ của Nguyễn Mạnh Hà: Đi đái, cũng là hành động (đương nhiên cả thơ Mai Văn Phấn và Nguyễn Mạnh Hà không phải là thơ Haiku, chắc chắn là vậy, vì sao không phải Haiku, tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác, nhưng nôm na là nó không có các chỉ dấu, thang số và tín hiệu đặc trưng của Haiku), ướt đầu gối là một sự kiện/ hiện tượng biểu hiện của tuổi già (cu không còn săn cứng hoặc hùng dũng, đã ỉu xìu...) và “ướt đầu gối” như là hệ quả đương nhiên của việc tuổi già, cu không còn vững chãi cho dù chỉ để đi đái. Một bài thơ cũng thấm đẫm nhân sinh, nhưng yếu tố giễu nhại về tuổi tác, về tuổi trẻ vụt bay rất rõ. Rất tiếc, bài thơ chỉ có một tầng nghĩa, không thể đào sâu thêm về nhân sinh quan hay vũ trụ quan (nếu không muốn khiên cưỡng, ép uổng). Nhìn chung, bài thơ đang ở tầng số năng lượng thấp, không thể so sánh với các bài thơ ba câu của Mai Văn Phấn.

Phân tích như vậy để thấy rằng thơ ca mãi mãi không thuộc về số đông, và trong một số trường hợp đặc biệt, thơ ca rất kén độc giả, dễ đánh nhầm giữa báo chí, vè, tuyên truyền, truyện ngắn, phú, hịch... với thơ.

Có một chuyện vui, tôi từng đọc vài bài, trong đó có bài "Cái Lồn Què" của Bùi Chát cho một nhà thơ (nông dân) ở quê nghe, anh này cũng có làm thơ tục nữa, nghe xong, anh nói: “Thơ gì đâu mà tệ quá, thua cả thơ tau, loại này tau làm một ngày ra cả trăm bài!”. Tôi đồng ý với anh ngay, vì tôi biết, anh có thể viết một ngày trên trăm bài na ná như vậy, mọi thứ đều giống giống, ngoại trừ tần số năng lượng và dòng phức cảm bên trong của các bài thơ.

Hai bài thơ: "Biến tấu con quạ" và "Con chào mào" (Mai Văn Phấn)

 

 

Biến tấu con quạ

 

Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời

Con quạ rực sáng.

 

*

 

Khai sinh

Sau tiếng quạ kêu

Ra đi không cưỡng lại

Gói bọc được mở ra

Sự băng hoại không thể cất giấu

Thày lang đốt sách cuối vườn

Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng

Những phù thủy chịu hình phạt

Miệng bị đóng bởi những móc sắt

 

Khai sinh

Khi quả chuông rơi xuống bất ngờ

Chụp lên đầu người bõ già

Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn

Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu

 

Khai sinh

Mực đổ dưới chân và máu

vón cục ở yết hầu, phế quản

Viết một nét lên trang đầu

thấm suốt cả ngàn trang sách.

 

*

 

Bổ nhào từ đỉnh cao

Bằng đôi cánh sắc

Lấy tâm điểm xác chết

Chém toác bầu không

Gió hấp tấp không kịp băng bó.

 

*

 

Móc từ hốc mắt

những nhãn quan

Di ảnh là vật chứng

Mổ vào lưỡi

và kéo dài

Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ

Bóc từng mảng thịt

Tháo rời tứ chi

Sổ tung lục phủ ngũ tạng

 

Hộp sọ vừa được dựng lên

Rêu đã phủ đầy

Không viết nổi những dòng bi ký.

 

*

 

Con quạ mơ

Mọi cái chết đều được sắp đặt

 

Sau tiếng quạ kêu

Ai đã tự nguyện nằm xuống.

 

*

 

Con quạ bay vào phòng

Một ngón tay giơ lên yếu ớt

Ý nói:

           Đây là họng súng

           Là lưỡi mác

           Thậm chí cuốc thuổng

           Thậm chí chính ngón tay rất cứng

Đúng hơn là đông cứng

Rồi băng đá

Rồi rữa tan.

 

*

 

Đừng đến gần bóng râm

Chúng là con quạ

Xõa cánh lúc hoàng hôn, rạng đông

 

Nanh vuốt bám gió

Xay nghiền lá khô

Bẻ những cành vượt

 

Nhà thơ trú trong bóng râm

Từng con chữ bị khoét mất mắt.

 

*

 

Trông

Sự vật

Trừng trừng

Bởi chớp mắt

Bóng quạ

Ập tới.

 

Bóng mình

Không cất tiếng

Sợ biến thành gà con.

 

*

 

Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen. Vừa chạy, họ vừa đập cánh tay vào hai bên sườn. Đầu cố ngước lên. Bóng đen bay là là mặt đất.

 

*

 

Đậu trên chạc cây trong trạng thái bội thực và ngủ gật, con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều biến thành quả trứng. Đàn quạ con lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt.

 

*

 

Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào.

 

*

 

Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới.

 

*

 

Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc:

“Bắt đầu lễ Thiên táng lúc xuất hiện bóng quạ”.

 

*

 

Bóng đêm chui dần vào bụng quạ.

 

Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm nén xao động, mong giữ lại bóng người. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối.

 

Con quạ khật khừ xuyên đêm

Thảng thốt kêu

 

Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại.

 

 

 

Con chào mào

 

Con chào mào đốm trắng mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ

Sợ chim bay đi

 

Vừa vẽ xong nó cất cánh

Tôi ôm khung nắng, khung gió

Nhành cây xanh hối hả đuổi theo

 

Trong vô tăm tích tôi nghĩ

Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu

Trái cây chín đỏ

Từng giọt nước

Thanh sạch của tôi

 

triu… uýt… huýt… tu hìu…

 

Chẳng cần chim lại bay về

Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ. 

 

M.V.P

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị