Mai Văn Phấn và một "kỷ lục thơ"
Cao
Năm
Chiều chủ nhật cuối năm, tôi hẹn gặp nhà thơ Mai Văn Phấn tại nhà riêng
của anh. Vẫn bộ bàn ghế mây đã nhẵn bóng chỗ kê tay được đặt bên cửa sổ. Những
chậu cây cảnh ngoài sân được ngắt bớt lá chờ mầm nụ nở vào dịp Tết. Nơi chúng
tôi ngồi đây hơn một năm trước, vẫn những đồ vật, cảnh quan mà tôi đang gặp
lại, đã gợi hình dung về những cột mốc trên những con lộ chúng tôi vừa đi qua.
Cũng từ đây, đã có biết bao dấu chân những cuộc “lên đường” để ra đời từng tác
phẩm, ý tưởng và dự kiến tương lai. Anh và tôi cũng có nhiều thay đổi, thêm
những sợi tóc bạc, thêm bao nỗi niềm suy tư, khi cả hai cùng dành khoảng lặng
lẽ nhìn vào những cột mốc tưởng tượng này. Trong hương trà đượm sương cuối
đông, chúng tôi hàn huyên nhiều chuyện, bàn luận nhiều chuyện, rồi tặng sách
cho nhau. Trước tiên tôi trao tặng Mai Văn Phấn tập truyện ngắn tuyển chọn của
tôi “Chuyện giờ mới kể” (NXB Văn học, 2013). Anh cũng lúi húi viết lời đề tặng
lên tập thơ mới nhất của anh, có tên “Vừa sinh ra ở đó” (NXB Hội Nhà văn, quý
4-2013). Tôi được chứng kiến nhiều lần cách Mai Văn Phấn tặng sách rất độc đáo
và ấn tượng. Dù người được tặng sách ở ngay trước mặt mình, nhưng anh vẫn chậm
rãi lựa một chiếc phong bì vừa khổ sách, cẩn thận đề tên người được tặng cùng
tên anh lên phần trang trọng nhất của phong bì. Tra cuốn sách vào phong bì bằng
những ngón tay khéo léo, anh gấp mép lại, trao cho tôi bằng cả hai tay, mắt
nhìn và giọng nói nhẹ nhàng: “Trân trọng tặng anh!”. Lúc ấy, tôi chợt nhớ tới
tập thơ “Nghi lễ nhận tên” của anh in từ năm 1999 và hiểu rằng, tặng sách với
Mai Văn Phấn cũng là một nghi lễ. Và tôi bỗng nhớ đến câu thơ ở bài “Đầu thu”
trong tập thơ ấy: “Con rùa hay thỏi mực
mài trong lòng hồ lặng lẽ sủi tăm”, lột tả khá chuẩn xác về Mai
Văn Phấn âm thầm lặng lẽ như con rùa nằm dưới lòng hồ phẳng lặng,
nhưng thực lại như một thỏi mực mài mãi không hết và càng mài càng hiện nên một
màu óng ánh, để từ đó cho ra đời những câu thơ, bài thơ “hút hồn” người đọc. Sau “Bầu trời không mái che” (NXB Hội Nhà văn,
2010), tập thơ từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010,
Mai Văn Phấn đã in thêm tập thơ 3 câu “hoa giấu mặt” (NXB Hội Nhà văn, 2012),
và bây giờ là “Vừa sinh ra ở đó”. Anh nói với tôi rằng, trước tiên anh muốn
thực hiện “nghi lễ” tặng“Vừa sinh ra
ở đó”, vì đây là tập thơ mới nhất anh vừa viết. Còn lại trong năm 2013, anh
được in thêm 5 tập thơ song ngữ nữa, 2 tập ở nước ngoài và 3 tập trong nước,
gồm những bài thơ được chọn từ những tập thơ đã in.
Tôi thật ngỡ ngàng, vì một năm in được một tập thơ đã là “cực khỏe”;
chắc chắn đó là điều đặc biệt với một nhà thơ trong thời buổi kinh tế thị
trường này. Tôi đùa vui, có lẽ chưa có một nhà thơ nào ở xứ ta lập được một “kỷ
lục” như thế, thì đã thấy Mai Văn Phấn nhanh nhẹn lục trong giá sách, giây lát
cầm mấy cuốn đến bàn làm việc, lại lúi húi ghi lời đề tặng vào từng cuốn sách,
rồi mang đến bàn nước tiếp tục thực hiện “nghi lễ” tặng sách cho tôi. Tôi thận
trọng lật mở và đọc lướt tên từng tập thơ của anh: “Những hạt giống của đêm và ngày - Seeds of Night and Day” in song
ngữ Việt - Anh do nhà thơ, dịch giả Lê Đình Nhất - Lang dịch, “Buông tay cho
trời rạng - Out of the Dark” cũng song ngữ Việt -Anh, do dịch giả Nguyễn Tiến
Văn dịch. Hai cuốn song ngữ Việt - Anh này đều do nhà thơ Susan Blanshard hiệu
đính. Tiếp theo, Mai Văn Phấn trao tặng tôi tập thơ “Bầu trời không mái che - A
Ciel Ouveert”, song ngữ Việt - Pháp do dịch giả Bùi Thị Hoàng Anh và giáo sư - nhà
thơ Jean - Michel Maulpoix cùng hợp tác chuyển ngữ. Khi hỏi cặn kẽ tôi mới được
biết tường tận “đường trường mái chèo” đưa Mai Văn Phấn trở thành nhà thơ đầu
tiên lập kỷ lục trong làng thơ Việt Nam, xuất bản một năm 6 tập thơ.
Hỏi về những lý do hay có thể gọi “cơ duyên” nào đã đưa “con thuyền” thơ
của anh ra biển lớn, tôi mới biết khoảng đầu
năm 2010, Mai Văn Phấn đã gặp dịch giả - nhà thơ Trần Nghi Hoàng, người đã sống ở Hoa Kỳ hơn 30 năm. Hai người đã tìm hiểu, đọc tác phẩm của
nhau, cùng chia sẻ sâu sắc các quan điểm thẩm mỹ thi ca... Trần Nghi Hoàng đã
đồng ý hợp tác với Mai Văn Phấn dịch tập thơ “Bầu trời không mái che” sang Anh
ngữ. Ban đầu, dịch giả Trần Nghi Hoàng dịch bài thơ “Cửa Mẫu”, sau đó chuyển
cho người bạn thân của ông là nhà thơ Frederick Turner ở Hoa Kỳ hiệu đính. Sau
khi tập thơ song ngữ Việt - Anh “Bầu trời không mái che - Firmament without roof cover” được
Nxb Hội Nhà văn tái bản hồi tháng 7-2012, Mai Văn Phấn được nhà xuất bản Page
Addie Press của Anh ký hợp đồng xuất bản phần Anh ngữ tập thơ “Firmament without roof cover”. Theo
hợp đồng, tập thơ được Page Addie Press xuất bản ở 2 dạng, bản in giấy và bản
điện tử (e-book) trên trang mạng Amazon. Mọi chi phí cho việc xuất bản, từ khâu
trình bày, vẽ bìa, in ấn đến quảng bá, phát hành đều do phía bạn đảm nhiệm. Tác
giả được hưởng 10% số tiền sách bán được tính theo giá bìa. Bản in giấy được phát
hành tại các nước Hoa Kỳ, Canada, Australia, Anh và một số nước châu Âu. Cuối
tháng 12-2012, “Firmament Without Roof Cover” là 1 trong 100 tập
thơ bán chạy nhất của Amazon.
Page
Addie Press là một nhà xuất bản và phát hành sách chuyên nghiệp, nên đã nhìn
ra “điểm sáng” và nhanh chóng chớp lấy cơ hội này. Họ đã vận động Mai Văn Phấn gửi
tiếp bản thảo Việt ngữ, đồng thời giới thiệu cho họ những dịch giả có uy tín để
họ trực tiếp làm việc. Sau gần một năm, Nxb Page Addie Press đã làm việc với
hai dịch giả Lê Đình Nhất - Lang và Nguyễn Tiến Văn để cho ra đời hai tập thơ
song ngữ tiếp theo của Mai Văn Phấn. Có lẽ điều may mắn và hạnh phúc đến với Mai
Văn Phấn là anh đã gặp được sự đồng điệu trong thi ca của các dịch giả, nhà thơ
Lê Đình Nhất - Lang, Nguyễn Tiến Văn, và Trần Nghi Hoàng trước đây; là những
dịch giả có kinh nghiệm, rất tài hoa và uy tín khi chuyển ngữ thơ Việt sang Anh
ngữ. Các điều khoản hợp đồng mà NXB Page Addie Press ký với nhà thơ Mai Văn
Phấn về việc xuất bản hai tập thơ sau này, tương tự như đã ký khi xuất bản tập
thơ “Firmament without roof cover”.
Hai tập thơ lần này được Page Addie Press in song ngữ Việt - Anh, một hình thức
tôn vinh ngôn ngữ Việt.
Sau
khi hai tập thơ song ngữ Việt - Anh của Mai Văn Phấn được NXB Page Addie Press
phát hành, NXB Hội Nhà văn lại cho tái bản cả 2 cuốn và phát hành từ 11-2013.
Còn tập thơ song ngữ Việt - Pháp “Bầu trời
không mái che - A Ciel Ouvert” thì dịch giả tập thơ này là Bùi Thị Hoàng Anh, giảng
viên tiếng Pháp, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại
học Quốc gia Hà Nội. Hiện chị đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Ngôn ngữ,
trường Đại học Paris 7. Người biên tập là giáo sư, nhà thơ Jean Michel
Maulpoix, đang giảng dạy thơ đương đại tại Đại học Paris 3, cộng hòa Pháp. Nhà
thơ J.M. Maulpoix từng viết một tập thơ về Việt Nam, có tên “Xứ sở của nước và
thạch sùng", do nhà thơ, Tiến sĩ Ngô Tự Lập dịch sang tiếng Việt ngữ, NXB
Thanh niên ấn hành năm 1999. Hai thầy trò Bùi Thị Hoàng Anh và Maulpoix đã làm
việc nỗ lực gần một năm hoàn thiện dịch phẩm này. Tập thơ cũng vừa được NXB Hội
Nhà văn cho tái bản lần thứ 4.
Tôi
ngồi nghe Mai Văn Phấn tâm sự, thấy anh gọi đó là “cơ duyên”, nhưng tôi lại
nghĩ “cơ duyên” chỉ là một phần, điều căn bản nhất vẫn là chất lượng thơ, hay
nói đúng hơn là Mai Văn Phấn đã biết cách “ra khơi” bằng chính tài năng và nỗ
lực không mệt mỏi của mình. Cả ba tập thơ song ngữ này cùng với tập thơ mới
sáng tác “Vừa sinh ra ở đó” của anh đều in cùng một khổ sách (13,97 x 21,59 cm)
theo tiêu chuẩn quốc tế, giản dị và đẹp. Đánh giá về thơ Mai Văn Phấn, trong
lời giới thiệu tập thơ “Những hạt
giống của đêm và ngày - Seeds of Night and Day”, nhà thơ Susan Blanshard đã nhận xét: “Mai Văn Phấn đã đào sâu vào
sự thật. Ngôn từ của ông biểu lộ giá trị văn hóa, tinh thần, những truyền thống
và tập tục của dân tộc Việt... Ngôn ngữ thơ ông luôn hướng về tương lai, như
đất nước của ông đang chuyển động về phía trước...”.
Mới
đây trên trang website maivanphan.vn, tôi còn được biết một tin vui: thơ Mai
Văn Phấn đang được chuẩn bị xuất bản ở Albani. Đây là xứ sở còn xa lạ với thơ
ca Việt Nam, nhưng vào tháng cuối năm 2013, nhà thơ Mỹ gốc Albani, Gjekë Marinaj đã liên lạc với Mai Văn Phấn xin phép
chọn khoảng 50 bài rút từ 3 tập thơ của anh để tổ chức một tập thơ khác, đồng
thời tiến hành dịch sang tiếng Albani và cho xuất bản tại đất nước ông vào mùa
hè năm 2014. Tôi đọc dòng tin trên báo mạng mà cứ nghĩ mãi, thơ Mai Văn
Phấn phải có cái gì đó mới “hút hồn” được cả người sành thơ ở nước ngoài như thế
chứ. Phải chăng đấy là sự giản dị, trau chuốt, nói cái bình thường mà thực lại
không bình thường chút nào. Thì đây, bài “Tin nhắn lúc giao thừa” kiệm lời mà cô động tưởng như không còn sự cô đọng nào hàm súc và chắt lọc hơn. Cả bài chỉ có 39
chữ với ba khổ thơ thoáng và gợi:
"Mang hình hạt mưa
Cơn mưa tin nhắn.
Ký tự bay trong đêm đen
Ngũ quả chuyển vần
Lòng sớ
Đèn nhang.
Anh bấm phím gửi
Vụ mùa bội thu qua tay
anh
Nơi màn mưa trong veo,
ấm áp."
Hay ở bài “Vô tình trong nắng sớm” in ngay đầu tập thơ “Vừa sinh ra ở
đó”, đọc thoáng thấy nhà thơ tả trận mưa với tâm trạng của người đang bâng
khuâng nhung nhớ. Nhưng còn xa hơn thế, thơ không chỉ nói nỗi niềm mà còn đằm
sâu suy tư về một niềm khát vọng lớn lao hơn như sau trận mưa “nắng sớm đang
phủ lên đỉnh núi”, khi ta đọc tới khổ cuối với những câu thơ “rút ruột” này:
“Từng mưa to, mưa rất to/Tắm táp cho viên cuội nhỏ/Chỉ riêng hình ảnh này/Đã
làm anh yêu đời mê dại/Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉn núi/Làm trong suốt
lòng đất, lòng cây”.
Trước khi chia tay, tôi hỏi thêm Mai Văn Phấn về ý nghĩa
tên tập thơ anh tặng tôi lúc mới gặp nhau, “Vừa sinh ra
ở đó”, cái tên nghe vừa quen vừa lạ. Thì ra, đây chính là “điểm đến” trong lộ
trình sáng tác của Mai Văn Phấn. Anh là số ít các tác giả từng “băng qua các sa
mạc khuynh hướng”, như có lần anh đã trả lời phỏng vấn, để đổi mới và cách tân
thơ. Niềm khao khát của Mai Văn Phấn là tìm được một giọng thơ hiện đại thuần
Việt, chứ không “sa lầy” trong các quan niệm cũ, hay các trường phái mà thơ ca
nhân loại đã đi qua. “Vừa sinh ra ở đó” là
tâm thế, sự bàng hoàng của nhà thơ vừa tìm lại được thuở thơ ngây trong sáng,
thuở hồn nhiên và tự nhiên mà những người từng trải nghiệm dễ bị quên lãng. Đó
phải chăng chính là thời khắc của sự chuyển mình, làm lại, sự lột xác để thơ ca
tìm về nguồn cội, cũng chính là cách nhà thơ tìm đến những giá trị mới trong
thời đại công nghệ hiện nay.
C.N
(Bản tác giả gửi maivanphan.vn. Đã đăng Văn nghệ Công an số 216 (316) ngày 20/1/2014)