Mai Văn Phấn hành trình thơ vào cõi khác (tin sách) – PV Báo Tri thức thời đại

Mai Văn Phấn hành trình thơ vào cõi khác

 

 

 

Hai tác giả ký tặng sách cho độc giả

 

 

 

 

PV

 

 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác là công trình lý luận phê bình mới nhất của hai nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Tâm và Ngô Hương Giang

 

Cuốn sách ra đời dưới sự hợp tác của hai nhà phê bình trẻ thuộc thế hệ 8X về một hiện tượng thơ đương đại Việt Nam là Mai Văn Phấn và đã tạo được sự chú ý quan tâm trong giới phê bình và giới sáng tác.

 

Trong phần chia sẻ của mình tại buổi ra mắt sách, Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang cho biết cuốn sách là kết quả của sự mong muốn hiểu thơ Mai Văn Phấn từ quan niệm thơ ca đến cách tổ chức tác phẩm. Anh cho rằng Mai Văn Phấn là một trường hợp đặc biệt của thơ ca đương đại Việt Nam ở nhiều khía cạnh từ quan niệm nghệ thuật đến cách tổ chức văn bản và kết cấu hình tượng. Mai Văn Phấn cũng là nhà thơ rất có ý thức xuất khẩu thơ mình khi đã tự dịch và quảng bá thơ mình tới bạn bè quốc tế, thơ được dịch ra 9 thứ tiếng và được trả bản quyền thơ.

 

Cuốn sách là sự tiếp nối dấu chân của những người “lớn” về tư tưởng và nhân cách, với một tâm thế quan sát đi sau, muốn thông qua trường hợp cụ thể là Mai Văn Phấn và thơ của anh, thử tìm một lối lý giải theo cách mà các vị thầy, đồng nghiệp đi trước đã làm: Phát triển một khoa nhân học vi mô từ hướng tiếp cận văn hoá và văn học.

 

Tác phẩm Mai Văn Phấn và Hành trình thơ vào cõi khác ra đời như là kết quả giải đáp những tò mò và khát khao khám phá. Cuốn sách, do vậy, trước hết là cách lý giải về một mẫu hình nhân học cụ thể qua trường hợp Mai Văn Phấn, và sau cùng là tham vọng muốn đi sâu hơn lý giải các mẫu hình nhân học khác trong tương lai gần.

 

Cũng tại buổi giao lưu ký tặng nhân dịp ra mắt sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm đã chia sẻ cùng bạn đọc về sự khủng hoảng về thơ và phê bình, Anh nói: “Hiện tại, chúng ta có nhiều người làm thơ nhưng ít thi sĩ, nhiều tác phẩm nhưng ít thi phẩm. Khâu biên tập tại các nhà xuất bản gần như bị vô hiệu hóa, có nhiều xuất bản phẩm ra đời, nhưng để tìm một tác phẩm đọc được không nhiều. Như vậy, chúng ta bị khủng hoảng về tiếp nhận mà đầu tư cho thơ là một đầu tư rủi ro bởi không thể định hướng được thẩm mĩ công chúng. Thơ Việt hiện đang khủng hoảng trong: Sáng tác, phân phối, phát hành, tiếp nhận…”. Đó là lý do mà khi gặp Ngô Hương Giang, anh đã tìm được hướng ra cho ý tưởng của mình và thậm chí có những tư duy làm khó độc giả. Để rồi hai tác giả có hẳn một chương để giải quyết điều này và chú giải tới 4 tập thơ của Mai Văn Phấn.

 

Với tư cách là người biên tập trực tiếp cho cuốn sách được xuất bản, nhà văn Tạ Duy Anh đã có những chia sẻ thành thật: “Tôi đã từng bất chấp tất cả các nhà phê bình bởi tôi có quan niệm là phê bình nói chung là vô dụng. Nhưng dần dần tôi thay đổi suy nghĩ bởi tôi thấy ta đang có nền phê bình đang chiếm lĩnh giới văn học và dần trở thành chủ đạo. Thực ra thì nền văn học lành mạnh là khi có được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa người sáng tác và phê bình. Những nhận xét chân thành, trung thực sẽ giúp tôn vinh các tác phẩm và có định hướng tốt cho độc giả”.

 

Phát biểu tại buổi ra mắt sách nhà lý luận phê bình Văn Giá nói: “Lý luận phê bình có ba mối quan hệ với tác phẩm, đó là hòa giải, đồng hành và thúc đẩy các sáng tác. Và chúng ta đang ở trong môi trường mà LLPB đồng hành cùng các sáng tác. Ở cuốn sách này là một ví dụ”.

 

Nhà LLPB Mai Anh Tuấn lại có ý kiến cho rằng: “Có nhiều cách để diễn giải một hiện tượng thơ và tạo sự hấp dẫn không cần cầu kì. Cách đặt tên sách là “cõi khác” không gây ấn tượng lớn mà lại gợi đích đến trong bối cảnh này. Đặt Mai Văn Phấn trong khủng hoảng thơ đương đại để thấy được nét khác biệt và nỗ lực của Mai Văn Phấn cũng như một số nhà thơ khác trong quá trình thoát khỏi khủng hoảng” .


PV

 

(Nguồn: trithucthoidai.vn)




 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị