MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - XIV) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm
Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm
Mai
Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (XIV)
Nhà phê bình văn học Ngô
Hương Giang
Chương II
MAI VĂN PHẤN VÀ SỰ CHUYỂN DỊCH VĂN HOÁ QUA THƠ
Ngô Hương Giang
(Tiếp theo)
II. Văn hoá như là sự diễn giải kinh
nghiệm tri thức bằng lời
1. Thơ Mai Văn Phấn: Một lát cắt liên văn hoá bằng lời
Sống trong thời đại toàn cầu hoá(1), đặc biệt là toàn cầu hoá thông tin,
thì việc có sự đan xen, xuyên thấm lẫn nhau của nhiều nền văn hoá trong một nền
văn hoá là tất yếu. Sự tác động của các nền văn hoá, đa dạng thông qua các kênh
truyền thông của Internet, cho thấy tính độc tôn văn hoá dân tộc là bất khả.
Cho dù nhà sáng tạo văn hoá có ý thức trong việc gìn giữ sự độc tôn ấy thì xét
đến cùng vẫn chỉ là sự gìn giữ về mặt quan niệm hoặc nằm trong sắc thái tinh
thần tự hào, còn về bản chất tự văn hoá dân tộc đã có sự chuyển dịch, nhập cuộc
về hướng mở với muôn vàn sắc thái đa dạng bên ngoài quốc gia, dân tộc.
Con người là chủ thể của
sáng tạo văn hoá, nhưng đồng thời, con người cũng là đối tượng chịu sự tác động
ngược trở lại của văn hoá. Điều này đồng nghĩa với việc, khi đã có toàn cầu hoá
văn hoá thì con người như một chủ thể sáng tạo văn hoá ấy cũng tồn tại với tư
cách như là liên chủ thể. Một mạng lưới văn hoá có tính bao trùm và phổ quát,
vượt qua ranh giới địa lý quốc gia như vậy, thì việc con người xác định các
nguyên tắc cơ bản của việc gia nhập như một điều bất khả kháng trở thành vấn đề
cần thiết. Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặt ra là, khi văn hoá đã trở thành một
mạng lưới rộng khắp mà mỗi quốc gia là một mắt xích tất yếu trong vòng tròn văn
hoá như vậy, thì giới hạn nào để con người có thể nhận biết thời điểm mà mình
gia nhập như một thành tố văn hoá trong mạng lưới văn hoá chung ấy? Và khi gia
nhập toàn cầu hoá thì có phải nhất nhất là gia nhập một cách tuyệt đối, hiến
tặng cái riêng cho sự tồn tại của cái chung không, hay là gia nhập một cách có
giới hạn và có lý trí? Vấn đề bản sắc dân tộc, bản sắc người như là căn tính
văn hoá quốc gia khi gia nhập vào toàn cầu hoá liệu có mất đi hoàn toàn, hay nó
là sự chuyển biến cần thiết để thích ứng với xu hướng và hoàn cảnh thế giới?
Cuối cùng, con người với tư cách cái tôi sáng tạo chủ động có bị mất đi bản sắc
cá biệt của mình, hay là trở thành một cá thể thụ động bị cuốn theo và chịu sự
tác động của một nhóm người có cùng lợi ích lợi dụng toàn cầu hoá nhằm tăng
cường sức mạnh và uy thế? Những nghi vấn trên cần được giải quyết và nhận thức
một cách rạch ròi.
Sống trong bối cảnh khi
mà công nghệ thông tin và truyền thông số hoá trở thành mạng lưới phủ kín trái
đất, thì việc xác định thời điểm con người gia nhập/ chịu sự gia nhập vào hệ
thống văn hoá chung là vấn đề cấp bách. Ngày nay, khi mà công nghệ thông tin và
truyền thông số hoá không chỉ dừng lại ở giới hạn của công cụ giúp con người
tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, mà nó đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo
đời sống của chính con người và cộng đồng người. Vì vậy, “sự trỗi dậy” của các
phương tiện truyền thông đại chúng với quy mô toàn cầu như là một hệ thống
thiết chế nhằm xác lập các nguyên tắc và quy định các nguyên tắc cho con người.
Con người tiếp nhận thông tin và ứng xử văn hoá nhanh hơn, thuận tiện hơn, song
con người cũng có nguy cơ bị áp đặt hoặc chịu sự áp đặt theo “cơ chế lây lan”
của “thiết chế ảo”. Trước đây, để tôn vinh hoặc tiếp nhận nền văn hoá của một
quốc gia nào đó đòi hỏi cả quá trình hợp tác, giao thoa và tiếp nhận lâu dài
thông qua các phương tiện in ấn, xuất bản phẩm, thì giờ đây con người chỉ mất
chưa tới 1 giây, thông qua 1 click chuột. Thế nhưng nếu trước đây nạn bạo lực,
bạo hành và suy thoái văn hoá thường được “du nhập” chậm và có thể được kiểm
soát một cách chặt chẽ, thì giờ đây quá trình ấy hoàn toàn ngược lại, sức mạnh
của “bạo lực ảo” ngày càng gia tăng theo một cách chóng mặt và khó có thể kiểm
soát, ngăn chặn. Từ đó kéo theo những hệ quả suy thoái đạo đức xã hội trầm
trọng, độ tuổi sinh nở của thanh thiếu niên sớm hơn, bạo lực gia tăng có khuynh
hướng ngày càng trẻ hoá và tàn bạo hơn. Hệ quả này không hoàn toàn thuộc về lỗi
của công nghệ truyền thông số hoá, nó thuộc về quá trình giáo dục và đào tạo
con người ngay trong quá trình gia nhập vào toàn cầu hoá văn hoá.
Tất yếu, khi mỗi cá nhân
tham dự vào quá trình toàn cầu hoá văn hoá đã có nhận thức đúng về đối tượng gia
nhập cũng như quá trình gia nhập, thì vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc, “bản sắc
cá nhân” người gia nhập cũng được xác lập dựa trên nguyên tắc biện chứng giữa
Cho và Nhận. Vì vậy, cái mà văn hoá của một quốc gia có thể “Cho đi” khi gia
nhập vào “ngôi làng toàn cầu hoá” (Global Village) cần được nhận thức như là
một sự “Cho đi một cách có giới hạn” và thường được đồng nhất với quá trình
quảng bá các giá trị văn hoá quốc gia, dân tộc. Quá trình “Cho đi” ấy phải là
quá trình được nhận thức một cách có lý trí. Trong vai trò một cá nhân, thì sự
quảng giao của con người thuộc quốc gia này với quốc gia khác cần được xác lập
trên nguyên tắc tự nguyện, và cái “Cho đi” của các cá nhân được xem như là quá
trình giao thoa, tiếp nhận lẫn nhau các giá trị tri thức cũng như lối sống, lối
ứng xử văn hoá. Do đó, cái “Cho đi” trong trường hợp này được đồng nhất với quá
trình trao đổi, học hỏi và tạo dựng sự ảnh hưởng lẫn nhau một cách có điều kiện
và có giới hạn của mỗi “cá nhân văn hoá”. Mai Văn Phấn và thơ của anh cũng thế,
không thể đi ra ngoài quy luật Cho và Nhận này.
Để “Cho đi” các giá trị
thuộc về bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình, Phấn đã thực hiện một quá trình
“xuất khẩu thơ”, theo đúng nghĩa của từ này, đến những nền văn hoá đa dạng khác
nhau mà quá khứ hoặc hiện tại có ảnh hưởng ít nhiều đến Việt Nam. Từ tập thơ
dịch đầu tay Bầu trời không mái che/
Firmament without Roof Cover (năm 2012), cho đến nay thơ của anh được
dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như: Pháp, Anh, Thuỵ Điển, Hàn Quốc,
Anbani, Indonesia…, với các tác phẩm: Những
hạt giống của đêm và ngày/ Seeds of Night and Day (2013), Buông tay cho trời rạng/ Out of the Dark
(2013), Bầu trời không mái che/ A Ciel Ouvert (Bản tiếng Pháp - 2013), Những nguyên âm trong
sương sớm/ Zanore në vesë (tiếng Anbani 2014), Ra vườn
chùa xem cắt cỏ/ Grass Cutting in a Temple Garden (2014)… Trong số các
tập thơ được dịch và “xuất khẩu” ra nước ngoài trong điều kiện kinh tế tri
thức, thì các tập thơ như: Firmament
Without Roof Cover, Seeds of Night and Day, Out Of The Dark, Grass
Cutting in a Temple Garden, A Ciel Ouvert do nhà xuất bản Page Addie
của Anh xuất bản và độc quyền phát hành tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, cùng một
số nước châu Âu; đồng thời là những cuốn sách bán chạy trên hệ thống mạng kinh
doanh trực tuyến lớn nhất thế giới: Amazon. Ngoài ra thơ của Phấn còn được giới
thiệu trên các báo, tạp chí uy tín các nước: Thuỵ Điển, New Zealand, Anh quốc,
Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn quốc, Indonesia, Thái Lan… cho thấy, Phấn là người biết
nắm bắt những thế mạnh của truyền thông để làm một nhịp cầu liên văn hoá bằng
thơ ra thế giới. Trong quá trình “Cho đi” đó, thì tự thơ của Phấn đã góp phần
giải quyết mối quan hệ bình đẳng về mặt vị thế văn hoá với các quốc gia tiếp
nhận thơ anh. “Cái bắt tay” liên văn hoá này không đơn thuần chỉ là sự giao
thoa, trao đổi nghệ thuật giữa quốc gia này với quốc gia khác, mà còn dự báo
khả năng cạnh tranh lớn giữa thơ của Phấn với thơ của các tác giả bản địa tiếp
nhận thơ anh. Sự đứng vững trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật, văn hoá ở những
nơi thơ Phấn được dịch và xuất bản, cho thấy tính đúng đắn trong việc lựa chọn
“cái cho đi” của mình ở Phấn. Sự lựa chọn này không chỉ phản ánh tâm thế nhập
cuộc của nghệ sĩ, mà còn cho thấy sự tích hợp về nội dung lựa chọn, cũng như
tri thức thể hiện trong thơ của Phấn đã “tương hợp” được với văn hoá, cũng như
tri thức nơi mà thơ của anh chu du đến.
Có lẽ không có nhận xét
nào khách quan hơn chính nhận xét của những người bạn quốc tế về Phấn. Trong
một cuộc tranh cãi có vẻ như không nhằm mục đích xây dựng của các nhà phê bình
Việt Nam về bài thơ “Tắm đầu năm” của Phấn, thì tờ Nico-paris.com nơi giới
thiệu bài thơ trên đã phải thốt lên rằng: “Thật ngạc nhiên khi chứng kiến bài thơ đã gây tranh cãi thế nào. Do đâu mà có sự
bất ổn của một số nhà phê bình Việt Nam trước “Tắm đầu năm”? Nó không mang lại
cái mà ta vẫn thường mong đợi! Điều gì kích động những bất đồng giữa nhà thơ và
độc giả? Một bên say sưa với lối chơi làm tan biến âm hưởng của âm thanh trong
chuỗi những hình ảnh siêu thực và trừu tượng, một bên gắn bó với những nguyên tắc
truyền thống. Số lượng âm tiết quy định biến mất, vần điệu bị bỏ rơi, chỉ còn
tác giả thênh thang thoát ra khỏi giới hạn để diễn tả cái tôi bằng chi tiết của
hình ảnh, bằng sự dồi dào và sức nặng của câu chữ, điểm nhấn chung giữa thơ vần
luật và thơ tự do. Đã đến lúc phải cảm nhận thơ một cách độc lập với những
điều mà người ta vẫn tưởng là cốt lõi: như một sáng tạo của nghệ sĩ chứ không
phải là một lối thơ vần luật cổ kính”(2), còn Gjeke Marinaj(3) đã nhận định về thơ của Phấn trong một bài
phỏng vấn như sau: “Phong cách thơ của ông đã thay đổi trong những năm qua từ
truyền thống đến bán hiện đại và hiện đại toàn triệt. Hiện tại nhiều bài thơ
mới của ông có thể được mô tả với ý nghĩa độc sáng”(4). Những nhận định này, một mặt góp phần khẳng định những giá
trị của thơ Phấn, mặt khác cũng góp
phần chấm dứt những tranh cãi về vai trò đổi mới của Phấn đối với thơ Việt Nam
thời kỳ hội nhập. Sự tiếp nhận cũng như các mức chỉ số về tiêu thụ “sản phẩm
tri thức” của kênh mạng Amazon, cho thấy một sự thức thời của Mai Văn Phấn,
nhưng cũng nhằm khẳng định tính tất yếu của sự “Cho đi” các giá trị văn hoá ẩn
trong thơ Phấn, cũng như phản ánh sự tương hợp về mặt tư duy thơ của bạn đọc
thế giới đối với các sáng tác của người thơ này. Trong thời kỳ kinh tế tri thức
như hiện nay, những sản phẩm có thể dễ dàng dành vị thế trên trường quốc tế
thường là trí tuệ công nghệ hay các sản phẩm thuộc về công nghệ, còn tri thức
nghệ thuật hay sản phẩm nghệ thuật thường trở nên bão hoà và chiếm vị trí thứ
yếu, thì Phấn lại cho thấy ngược lại rằng, trong cơn bão của toàn cầu hoá văn
hoá, trong sự lớn mạnh của nền kinh tế tri thức ấy, vẫn có chỗ cho sự tồn tại
và phát triển của thơ ca. Vấn đề là, những sản phẩm thơ ấy có giá trị như thế
nào và vươn tới tầm tri thức, trí tuệ nào? Đó là cái “Cho đi” ở Phấn. Vậy còn
cái Phấn “Nhận lại” và gửi nó vào thơ ra sao?
Toàn cầu hoá là môi
trường dân chủ và có liên hệ biện chứng với sự phát triển văn hoá quốc gia,
cũng như phát triển con người một cách toàn diện. Toàn cầu hoá tạo ra cơ hội để mỗi quốc gia có thể tận
dụng các giá trị của văn hoá nhân loại, từ đó góp phần lấp đầy những giới hạn
văn hoá của dân tộc mình, mà chỉ khi vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ, chúng ta
mới nhận ra được giới hạn ấy. Đồng thời, toàn cầu hoá cũng đặt ra những thách
thức khi mà giữa các quốc gia vốn có xuất phát điểm về văn minh chênh lệch
nhau, từ đó phản ánh những tác động văn hoá giữa các quốc gia cũng khác biệt.
Trong sự khác biệt ấy, mọi nỗ lực vượt qua những giới hạn lạc hậu của văn hoá
đã trở thành mối quan tâm rộng lớn của các quốc gia, dân tộc cũng như mỗi công
dân.
Con người trong trong hệ
thống văn hoá vừa chung vừa
riêng ấy, nghiễm nhiên cũng tự đặt mình vào vòng tròn biện chứng: Hoặc đánh mất mình hoặc làm chủ mình và
liên tục phải đối mặt với truy vấn: Văn minh hay lạc hậu, mở cửa ra với thế
giới hay là khép mình một cách cục bộ, thay đổi hay là bảo lưu, tiến lên hay là
tụt hậu?… Điều đó phản ánh quá trình tất yếu của việc “Nhận lại” những gì mà
toàn cầu hoá đã mang đến cho con người. Con người giờ đây không chỉ là nguồn
lực tạo ra của cải cho xã hội, rộng ra là cho toàn nhân loại, mà còn phải là
chủ thể biết tiếp nhận những gì mà xã hội cũng như chính con người tạo ra. Từ
đó cho thấy, bản chất của mọi hoạt động sáng tạo văn hoá luôn là quá trình biện
chứng sâu sắc: Có tạo ra thì sẽ phải nhận
lại. Song vấn đề là tạo ra cái gì và nên nhận lại những gì? Con người không
thể tạo ra “giá trị” mà quá trình nhận lại là các yếu tố “phản giá trị”, hoặc
ngược lại. Trong bối cảnh toàn cầu hoá văn hoá thì cái mà con người tạo ra
không còn giới hạn cho cộng đồng chủng tộc của mình, mà cần được xem như là mục
đích phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại, theo đó, cái được tạo ra phải được xác lập dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa
nhân văn, làm cho con người hạnh phúc và tiến bộ hơn chứ không thể là quá trình
huỷ diệt và biến con người trở thành nạn nhân của sự huỷ diệt ấy. Một khi sản
phẩm được tạo ra hướng tới lợi ích nhân văn và phục vụ lợi ích chung của con
người, thì cái nhận lại cũng phải là
cái làm cho con người hạnh phúc hơn, hoặc tiến bộ lên chứ không phải là nhận
lại sự huỷ diệt hoặc cái làm cho con người tụt hậu đi.
Sống trong xã hội công nghiệp và hậu công
nghiệp, với sự lớn mạnh về của cải vật chất và kỹ thuật, thì cái thiếu vắng
nhất có lẽ là các giá trị nhân văn và tình người. Không phải cho đến thời đại
bây giờ, các nhà thơ mới cảm được điều ấy, song chỉ đến bây giờ con người mới
cuống quýt đi tìm cái nhân văn đã mất của mình. Mai Văn Phấn hẳn rằng cũng đã
suy tư đến vấn đề này, cho nên trong thơ Phấn, người ta thấy lẩn khuất trong
từng câu, chữ là những khắc khoải về con người với những khát khao tìm kiếm
nguồn cội để định hình lại các giá trị tinh khôi thuở ấu thời. Phấn xem thơ dù
cách tân hay phát triển thế nào, thì cái đích hướng đến cũng phải là cái đẹp,
là khoảnh khắc bất ngờ và thú vị: “Thi ca dù có cách tân đến đâu vẫn phải hướng
con người tới sự cao đẹp. Phẩm cách nhà thơ quyết định cốt cách thi ca. Khi đã
vững tin trong cốt cách, nhà thơ không ngại lao vào bất cứ vấn đề gì, kể cả
những vấn đề “vụn vặt”(5). Đọc thơ Phấn, người đọc thấy tâm thế của một con
người đang trăn trở với những hình tượng nghệ thuật mờ ảo xa xăm của một thứ
chủ nghĩa nhân văn đã qua trong quá khứ. Phấn khắc khoải, lặn mình vào ký ức
như muốn khai quật các kỷ niệm một thời “người với người sống để yêu nhau”, với
mục đích để tự ru lấy đời mình trong
cơn bão kỹ thuật đang bào mòn nhân tính:
“Khi tôi ngủ say hồn ra
khỏi xác
Lâng lâng trên những
cánh hoa
Lang thang như xưa lúc
mẹ vắng nhà
Quên thể xác đăm chiêu
lầm lũi.
Ừ, thì ra cát bụi
Là một đời thân xác
đớn đau
Gió vẫn ru xanh mướt
ở trên đầu
Trời rót xuống từng
cơn mưa đằm thắm.
Cái ác đã ngủ yên
trong nhuỵ đắng
Cho đất lành thơm mát
đến rưng rưng
Hồn tôi lung linh hạt
nắng
Rơi xuống đồng xanh không
cùng.
Và rạng đông!
Từng giọt rạng đông!
Tôi lại nhập hồn về
với xác
Chẳng phải tôi, cũng
không là người khác
Để hồn nhiên cất tiếng
khóc lọt lòng”(6).
Chỉ khi nhà thơ nhận ra
xung quanh mình một sự phi lý và vỡ mộng của đời, chỉ khi nhà thơ nhận ra xung
quanh mình thiếu vắng vị yêu thương quen thuộc, thì khi ấy, ý niệm về một cái
đẹp cứu rỗi con người mới đến. Và cũng chỉ khi nhà thơ nhìn xung quanh đâu đâu
cũng thấy “phận người rẻ rúm” “tình
người/ ba xu một mớ, bảy xu một
đời” (Phan Huyền Thư - “Gửi Thúc Sinh”(7)), thì khi ấy giá trị nhân bản
mới trở thành lý tưởng thường thức trong xây dựng hình tượng thơ. Cái nhận lại
lớn nhất của người thơ trong vai trò một nhà liên văn hoá, ấy là nhìn thấy và
thức tỉnh về một thực trạng suy thoái nhân tính kéo dài như hiện nay. Sự khoả
lấp các giá trị văn hoá giữa các quốc gia, không thể làm nên sức mạnh nhân văn
của con người, mà chính các ký ức tươi đẹp về cuộc sống, khiến con người biết
hy vọng và tin vào cuộc sống mới khoả lấp được cơn đại suy thoái nhân tính. Giải
quyết được vấn đề đó, nghĩa là thi nhân đã tìm thấy bản sắc của mình, cũng như
bản sắc trong thơ mình trước tình huống tích hợp đa văn hoá trong ngòi bút hiện
nay.
2. Thơ Mai Văn Phấn: Hành trình nhập cuộc hướng đến nền văn hoá mở
Một nền văn hoá mở, nghĩa
là nó tạo cho con người những cơ hội để con người được khẳng định mình trong
thế giới rộng lớn của những cá nhân gần và xa. Nền văn hoá đó sẵn sàng dung hợp
những cái khác biệt, những đối lập phủ nhận nhau, nhưng nó cũng tạo ra những
thách thức, cùng cạm bẫy khó lường. Có thể nói thập niên đầu thế kỷ XXI, nhân
loại chứng kiến một cuộc bùng nổ về truyền thông, báo chí. Các hình thức thông
tin truyền thống như in ấn, phát hành sách, báo đã phải nhường chỗ cho các hình
thức thông tin mới thông qua công nghệ truyền thông hiện đại cũng như “sự lên
ngôi” của hệ thống phần mềm vi tính, giúp quá trình tiếp nhận thông tin trở nên
nhanh chóng.
Sự chuyển đổi từ hệ hình truyền thông truyền
thống sang phương thức truyền thông số hoá qua hệ thống Internet dày đặc, kéo
theo sự chuyển dịch của phương thức sản xuất từ phương thức sản xuất cũ nặng về
tác động tự nhiên sang phương thức sản xuất mới xem tri thức vừa là tư liệu sản
xuất, đồng thời vừa là sản phẩm chính phục vụ xã hội. Việc sản xuất tri thức đã
tạo ra nguồn của cải lớn cho con người, giảm thiểu tối đa sức lao động, cũng
như quá trình vận chuyển hàng hoá, song đồng thời cũng tạo ra sức ép và sự cạnh
tranh khốc liệt. Thị trường số hoá đặt con người vào tình trạng không ngừng sản
xuất tri thức và thường trực những rủi ro lớn do tình trạng “khủng hoảng” về
thị trường.
Việc sản xuất tri thức cần đến quá trình hợp
thức hoá nó bằng điện toán, với hệ thống
ngôn ngữ lập trình chung đảm bảo quá trình thông giao cũng như sử dụng của
con người. Sự thuận tiện của mạng lưới thông tin đã tạo ra một “thị trường tri
thức” rộng khắp mà không phải là của cải của riêng bất cứ quốc gia nào, một khi
nó được cụ thể hoá bằng kỹ thuật và công nghệ hoặc được mã hoá qua một ngôn ngữ
quy ước chuẩn từ hệ điều hành máy tính (ở trường hợp này là Anh ngữ). Điều này
đã mở ra một quy luật thông thương của hệ thống tri thức, điều mà J.F. Lyotard
so sánh như một dạng “tiền tệ” dùng để trao đổi các giá trị(8). Trong quá trình
lưu thông ấy, bản thân tri thức sẽ xác định các giá trị trao đổi(9), đặt đối
tượng sử dụng tri thức vào vị trí như một công cụ để hiệp thương các “thang giá
trị” trao đổi: Sự tiến bộ chắc chắn sẽ
được trao đổi bằng bảng giá trị phù hợp với sự tiến bộ, còn sự lạc hậu sẽ bị hệ
thống tri thức tiến bộ đào thải, thủ tiêu các giá trị trao đổi tương ứng mà nó
xác lập. Điều này cũng giống như việc các mệnh giá tiền sẽ quy định giá trị
hàng hoá tương ứng trong khi trao đổi, tỷ lệ thuận với nhu cầu mà người mua
mong đợi. Quy chiếu với thang bậc của tiền tệ, tri thức trong bối cảnh toàn cầu
hoá thông tin xem giá trị “giáo dục” như là “các mệnh giá” quy đổi mà con người
nhận được thông qua quá trình tiếp nhận. Theo đó, hệ thống tri thức sẽ xác lập
khả năng lựa chọn đối tượng mà nó trao đổi tương ứng: cá nhân có tri thức tiến
bộ sẽ nhận được “sự giáo dục” tương ứng với tri thức tiến bộ mà họ tiếp nhận,
ngược lại cá nhân có tri thức lạc hậu được giáo dục trong một môi trường kém
phát triển, thì chắc chắn sẽ bị hệ thống tri thức tiến bộ mà họ tiếp nhận “từ
chối” sự “giáo dục” ngược trở lại.
Nắm bắt được vai trò và sức mạnh của sự sáng
tạo tri thức, Mai Văn Phấn, một mặt
xem việc đổi mới tư duy, nâng cao tri thức như là cốt lõi của sáng tạo thơ: “Nhà
thơ phải là nhà văn hoá. Kiến thức văn hoá ấy lắng sâu vào nhà thơ một cách tự
nhiên, và tới một hoàn cảnh “hữu duyên” nào đó, nó đột khởi dâng lên thành cảm
xúc thi ca. Lúc ấy tứ bài thơ vụt đến bất ngờ, tưởng như “của nhặt được",
nhưng thực ra nó đã được tích luỹ vô
tình ở đâu đó từ lâu”(10), mặt khác,
việc thành lập website: maivanphan.vn vừa như là kênh thông giao với thế giới
bạn bè bên ngoài, vừa là nơi giới thiệu các sản phẩm tri thức dưới dạng thơ ca
đối với các hệ thống, nền thơ ca trên thế giới. Sự mở rộng các “sản phẩm thơ”
của Phấn ra thế giới, với số lượng người đọc lớn, cho thấy tri thức thơ của
Phấn phù hợp với các hệ thống tri thức thơ đến từ bên ngoài.
Các sáng tạo của Phấn phản ánh một quá trình
không ngừng học hỏi của người thơ, mang cái tinh tuý về tri thức lý luận văn
học nước ngoài kết hợp với các giá trị bản sắc truyền thống dân tộc, để sáng
tạo cho mình một dòng thơ riêng, mang sắc thái cá tính của Mai Văn Phấn. Sống
trong thời đại đa điểm nhìn, đa thông tin, thậm chí là đa bản sắc như hiện nay,
việc không đánh mất mình đã là chuyện khó, việc không để lẫn bản sắc của mình
vào cá nhân khác lại càng khó hơn. Nhưng Phấn đã làm được cái điều tưởng chừng
rất khó ấy. Thơ của Phấn và thơ của người cùng thời với anh là Nguyễn Quang
Thiều đã tạo lập được một chỗ đứng riêng trong hệ thống thơ Việt Nam hiện đại: Một lối thơ tự sự vi mô, thiên về giải mã
sâu “các vấn đề” gói gọn trong từng bài thơ. Có lẽ, xuất phát từ ý niệm rất
con người, đó là niềm tin vào trí tuệ của mình và đồng thời biết hoài nghi chính những gì mà mình từng viết ra, cho nên
con người thơ của Phấn luôn biết cách phản tỉnh và tìm ra lối đi để giải quyết
các vấn nạn cuộc sống. Ở đó, mỗi sáng tác là mỗi cách lý giải bằng cảm xúc và
lý trí riêng biệt. Phấn từng tuyên ngôn về niềm tin ấy, rằng: ““Ơn gọi” cũng là
“nhân duyên” để tôi được đắm mê trong thế giới sáng tạo của mình, cho tôi luôn
tự tin đi lên phía trước và biết nghi ngờ những gì mình để lại phía sau. Đó là
một thế giới không có khuôn mẫu định sẵn, không hạn định, không biên giới, vừa
lung linh vừa mơ hồ… Tôi luôn mong muốn mỗi bài thơ viết ra, như người đi phát
quang một khu đất hoang để gieo những hạt mầm mới. Tuy vậy, ngay cả những thời
điểm cực đoan nhất, tôi chưa một lần xa rời tinh thần “truyền thống”. Đó là
phong tục, lề thói tạo nên tâm lý Việt..., là cách tư duy, tình cảm Việt đã tạo
ra nhãn lực, thính lực của tôi, cho tôi nhận biết và ghi lại bằng thơ những
hiện hữu, chuyển động của đời sống đương đại. Trên nền tảng ấy, tôi quan niệm
“truyền thống” là kết quả sự thay đổi, tiếp biến đã được “trầm tích”(11)
Chính vì cái căn rễ Việt
tính trong Phấn như là sợi dây níu lại sự đằm thắm của văn hoá Việt Nam trong
khi đối đầu với tri thức văn minh phương Tây, cho nên đã cho Phấn cái khả năng
biết “gạn đục khơi trong” các giá trị của cả hai nền văn hoá, từ đó tạo ra
những phẩm chất thơ mới phù hợp với “thế giới mở” đang vẫy gọi bên ngoài. Thơ
phấn đã biết dung hoà được hình thức tiểu tự sự của sáng tạo thơ hậu hiện đại
với phẩm chất văn hoá quen thuộc trong mỗi hình tượng nghệ thuật, trong lối mô
tả không gian và thời gian thơ truyền thống. Có thể nói, bài thơ “Lúc mặt trời mọc” là một điển hình của lối
tự sự vi mô đa điểm nhìn ấy:
“Cha
muốn con thức dậy trước bình minh. Khi bàn chân đêm lướt qua giàn hoa leo
trước cửa. Những bông hoa cuống quýt sắc màu, mở từng cánh khẽ khàng,
khuôn mặt đêm dần sáng. Mặt trời còn run rẩy trong vạt áo nồng nàn của
đất, sau những tấm rèm cửa, trong hốc cây hay trong tiếng nước xuýt xoa ong
óng mặt ao nhà.
Con là nơi dòng sông từ giã những
ngôi sao, nơi con thú hoang gọi rừng thay lá, nơi khoảng trống hoá thành
thời gian. Khoảnh khắc ấy là minh mẫn và ngái ngủ, là bột nhão sắp đông
thành bánh, là những gì cha làm chưa kịp phía cha mơ...
... Phía cha mơ có ban mai đến
sớm, ban mai ấy giống như con dẫu khóc hay cười đều làm sáng lên lớp
bụi trần gian, sáng lên những đường kỷ hà trên nền thổ cẩm. Trên hương
án tổ tiên những bài vị nhang đèn đang tư lự một điều gì âm ỉ. Sau tiếng
đàn đá trống đồng, cha đứng ngây nhìn đàn chim Lạc bay qua...
Con đã thức dậy trong ban mai của
cha. Phía chân trời hừng đông như trẻ thơ bụ bẫm đang duỗi dài khoái
hoạt. Vài tia sáng đầu tiên giãi bày niềm hân hoan trên thềm cửa, rồi đưa
những ngón tay mềm âu yếm đỡ”(12).
Với bài thơ trên, nếu
như chủ thể đọc là một người nệ cổ, hoặc không dứt mình ra khỏi con đường thơ
cũ theo lối gieo vần và vè, thì họ sẽ không hiểu Mai Văn Phấn muốn thông điệp
gì. Thậm chí những nhà thơ tự cho mình cái quyền sáng tạo theo kiểu tự do,
nhưng lại không có một nền tảng lý luận văn học hoặc triết học tương đối, thì
họ cũng chẳng thể tiếp nhận một cách hân hoan bài thơ trên. Nhưng với tôi, bài
thơ trên là một bước tiến của thơ Phấn và là cách đi đúng để hoà nhập vào thế
giới thơ. Lý do là gì?
Rõ ràng đây là một đoạn
văn tự sự. Là nơi tác giả kể một câu chuyện có đầu có cuối và có thông điệp. Mà
nói đúng hơn, Phấn đã kể câu chuyện cuộc đời dài đằng đẵng về mặt lịch sử của
mình trong vỏn vẹn 234 chữ, ở đó đứa trẻ như một trung gian lịch sử (historical
mediation), nó chứa đựng cái chung của quá khứ hình thành con người, là nơi
dung hoà giữa cái khoảnh khắc thần học như sự khai sinh của Chúa trời nơi nhân thế, với cái văn hoá truyền
thống nơi người Việt được sinh ra trong một môi sinh đặc trưng, là vọng âm của
sự giải thích lịch sử thông qua hình tượng nghệ thuật. Trong lối thơ tự sự của
Phấn, chúng ta thấy có một hiện hữu người với những tích tụ về mặt thời gian
của quá khứ trong hiện tại, đồng thời ẩn chứa dự phóng cho một ước mơ trong
tương lai. Phấn đã nói đến một ý nghĩa mang tính triết học rằng, một hiện tại
sẽ chỉ sinh động và một tương lai sẽ chỉ tươi đẹp khi con người còn ký ức hướng
về quá khứ. Một bức tranh khảm kết sinh động, nói lên tính luân chuyển không
ngừng của hiện hữu tinh thần - một hiện hữu sống động và linh hoạt. Một hiện
hữu chứa trong nó cả niềm tự hào cùng cả một kho ký ức về quá trình dựng xây và
phá huỷ văn hoá, để thức tỉnh con người hiện thời về một đời sống có ý nghĩa.
“Người con” trong đoạn thơ trên như đang chìm vào cõi tinh khôi, cùng khoảnh
khắc hồn nhiên của ký ức hiện tại, nhưng nó sẽ mang theo sự hy vọng và cả niềm
tự hào của quá khứ để bước vào tương lai. Đó là ý nghĩa sống động của logic
thời gian, nhưng cũng là ý nghĩa sống động của một đời sống thơ không ngừng
chuyển động. Nói đúng ra, Phấn đã gửi ý nghĩa của tinh thần vào thơ, để thơ có
được một kiếp sống sinh động như con người. Từ đó, thơ đi vào lòng người đọc,
gợi lên trong họ những liên tưởng không ngừng về mặt thời gian, về bản sắc văn
hoá, về những pho sử… Người đọc dường như được trở về với ký ức và kinh nghiệm
sống quá khứ của mình để tái tạo lại thế giới tâm hồn, hun đúc nên bài học nhân
sinh, thúc đẩy họ sống một đời sống có ý nghĩa hơn. Khi con người biết suy tư
và đi tìm lý giải cho sự hình thành của mình, thì có nghĩa, họ đang khẳng định
sự có mặt của mình trong dòng thời gian lịch sử cá biệt. Điều ấy cũng hàm nghĩa
rằng, một khi hiện hữu tinh thần của Phấn gửi vào thơ để thơ tự sống cuộc đời
của nó, thì thơ cũng sẽ là một hiện hữu khác góp phần soi chiếu ngược trở lại chính ký ức và tâm
hồn của người tạo ra nó. Là hiện hữu thơ
đối thoại với hiện hữu người.
Trên hành trình nhập
cuộc hướng đến thế giới mới, Phấn xem thơ của mình như là ngọn lửa để soi rọi
lối đi trong “khu rừng tinh thần” với những hình ảnh rời rạc, mờ mịt và có phần
hỗn mang. Chỉ khi hồn thơ của người thơ sáp nhập với cuộc đời, ru những con
người bên ngoài, thúc giục họ đi vào thế giới tinh thần có phần mới mẻ và tinh
khôi ấy, khiến họ phải ngỡ ngàng, đắm chìm không dứt ra được, khi đó Phấn cũng
góp phần tiếp lửa cho những cá nhân khác cháy tiếp sức đam mê của mình. Đó là
cái khác của một đời thơ, và cũng là cái khác của Phấn. Phấn đã đi vào thế giới
mở của riêng mình, đối diện với muôn mặt cái khác của cuộc đời và của thơ: từ
cái khác trong quan niệm về tự do cho đến cái khác trong quan niệm về con người;
từ cái khác của cái hữu lý cho đến cái khác của cõi phi lý…một hành trình nhiều
trăn trở và cô đơn. Có lẽ chẳng ai có thể nói thay lời Phấn bằng chính thơ của
Phấn về “Những cái khác” ấy.
“Giai điệu tự do đầy cá tính vang lên cho cả mùa cá mòi áp lộng. Trong
hơi ấm mưa phùn quyện với sương mù bao phủ, chúng từ giã biển khơi bơi ngược về
nguồn, quần tụ trong cơn phát dục khát khao, biến hạ giới thành thiên đường
trong náo nức những niềm hoan lạc.
Cá tính và pháp luật, tự do và trách
nhiệm. Từ chiếc cầu bập bênh trong vườn trẻ công viên, đến đôi cánh yếu mềm hôm
nào còn khép trong vỏ trứng, giờ đã đập lên những nhịp đầu tiên.
…………
Quyền sở hữu ở bên ngoài Thiện-ác.
Ấy là điều những cuộc chiến tranh học được, để chính trị là cái nôi đạo đức cho
cái thiện sinh ra, lớn lên và được kế thừa.”(13)
Vậy, với Phấn: Tự do là
gì?
Tự do trong cách nhìn
của Phấn là một cảm giác lo âu và nhiều khắc khoải. Đó không chỉ là tâm thức
của một con người nhận ra sự phi lý của cuộc đời, mà còn là cái nhìn thấu hiểu
của người từng trải đối với bản chất, thuộc tính Tự-do-người. Tự do người chứa
trong nó những may rủi khó lường, giống như chiếc “cầu bập bênh” lúc thăng, lúc
hạ, chẳng bao giờ cân bằng được giữa khát khao cá nhân và hiện thực cuộc đời.
Như cánh chim muốn bay nhưng chẳng thể có nổi một chân trời để bay. Một thứ tự
do đầy âu lo. Tự do trong cái nhìn của Phấn dường như không vượt thoát ra ngoài
cái vỏ khái niệm mang tính hình thức của nó. Tâm thức Phấn vẫn chấp chới trong
sự kiểm soát của một quyền năng vô hình, mà không phải là cá nhân con người. Và
Phấn đã lý giải cho điều đó ở điểm “chính
trị là cái nôi đạo đức cho cái thiện sinh ra, lớn lên và được kế thừa”. Một
cái Thiện được sinh ra từ chính trị, hẳn rằng, nó là cái thiện phi lý và không
thực. Một sự tự do được nảy mầm từ một cái thiện như thế, cũng đồng nghĩa với
việc con người đang giam mình trong không gian mất tự do.
Một xã hội được dựng lên
trên nền tảng của đạo đức chính trị sẽ chẳng thể nào trở thành nơi sản sinh ra
được cái thiện. Nếu có chăng, thì đó là cái thiện giả dối được che đậy bởi một
thứ giáo điều tinh vi. Và một sự tự do, nếu có chăng, thì cũng là một thứ tự do
ban phát theo kiểu bao cấp cho con người. Cái đau khổ của Phấn như vô hình đã
chỉ ra bản chất đau khổ chung của số đông người qua thơ anh. Và như thế, con
người từ thế hệ này qua thế hệ khác cứ lớn dần lên trong cái bầu trời nhỏ bé
của hy vọng và lý tưởng, mà không nhận ra rằng, cái tự do mà họ đang hưởng, cái
thiện mà họ nghĩ mình đang có chỉ là một sự sắp đặt, cho tặng. Cho đến khi con
người nhận ra mình là chỉ là một hiện hữu phi lý, giống như chàng Sisyphe cứ
cặm cụi lăn tảng đá từ chân núi lên đỉnh núi, rồi bàng hoàng chứng kiến cảnh
tảng đá đổ sụp trước mắt từ đỉnh núi xuống chân núi một cách khó hiểu, vượt qua
lý tính. Con Dã Tràng hàng ngày vẫn xe cát trên bờ biển Đông, và rồi sẽ có lúc
nó bần thần chẳng thể lý giải được vì sao những con sóng cuộc đời lại phá huỷ,
làm tiêu tan biết bao công trình được dựng lên trước đó... Tất cả chung quy
lại, cuộc đời là một bàn cờ và con người là những quân cờ bị điều khiển trên
bàn cờ ấy. Tự do hay trách nhiệm cũng chỉ quanh quẩn trong những đường ngang ngả
dọc của cái bàn cờ đó. Phấn là người chịu đọc và chịu học, nên thơ của anh phản
ánh quá trình phản tư về cuộc đời nơi anh. Nó cho thấy sự nhọc nhằn của một
kiếp đời đang ngự trị trong tâm hồn Phấn, cũng như trong các lớp ý nghĩa ngôn
từ thơ anh.
Và giờ đây, khi thơ của
Phấn đã hiện hữu giữa cuộc đời, thì nó cũng góp phần giúp hàng triệu con người
phản tỉnh bằng một lý trí sáng suốt và một trái tim hồng căng tràn khát khao
sống, khát khao yêu và khát khao cống hiến.
(hết Chương II)
_____________
(1) Khái niệm Toàn cầu hoá theo David
Held - một học giả có uy tín về chính trị học thì Toàn cầu hoá là “sự kết nối
lẫn nhau [theo một cách thức] ngày càng mở rộng, sâu sắc và tăng tốc trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay” (Dẫn theo Moisés Naím trong “Think
again: Globalization”. Xem bản Việt ngữ: Moisés Naím. “Hãy suy nghĩ lại: Toàn cầu hoá”.
(2) Xin xem: “Le bain du Nouvel An”
Bản dịch của Mai Thái Ngọc Minh.
Nguồn:http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/794/1354/Loi-binh-mot-so-bai-tho/Nico---Tam-dau-nam--Le-bain-du-Nouvel-An---cua-Mai-Van-Phan-qua-ban-Phap-ngu-cua-Thi-Huong.aspx
(4) Xin xem: “Con đường khác tìm đến thơ Việt hiện đại”.
Nguồn: http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/2394/Tra-loi-phong-van/Con-duong-khac-tim-den-tho-Viet-hien-dai---Nha-tho-tien-sy-Gjeke-Marinaj-thuc-hien-PV.aspx
(5) “Mai
Văn Phấn, từ bóng tối của im lặng, đổ vỡ...”.
Nguồn: http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1092/Tra-loi-phong-van/Mai-Van-Phan--tu-bong-toi-cua-im-lang--do-vo------Nha-tho-Khanh-Phuong-thuc-hien-PV.aspx
(7) Xin xem: Phan Huyền Thư (2014). Sẹo
độc lập. Nxb Lao động, Hà Nội, tr.77.
(11) Xin
xem “Mai Văn Phấn và chuyện xuất khẩu thơ”.
Nguồn: http://maivanphan.vn/MaiVanPhan/32/398/781/1105/Tra-loi-phong-van/Mai-Van-Phan-va-chuyen-xuat-khau-tho---Nha-bao-Kieu-Thu-Huyen-thuc-hien-PV.aspx
(13) Mai Văn Phấn. “Cộng hưởng II” - Thơ