image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

"Nhật ký đô thị hóa": Tượng trưng hóa bằng hệ thống biểu tượng (trích chuyên luận) - Nguyễn Thanh Tâm

Nguyễn Thanh Tâm

 

"Nhật ký đô thị hóa": Tượng trưng hóa bằng hệ thống biểu tượng

 

 

 

 

 

Gửi các cháu học sinh THPT,

Vừa qua, một số cháu học sinh THPT có viết thư hỏi tôi về bài thơ "Nhật ký đô thị hóa" của tôi (in trong sách Ngữ văn lớp 9, tập 2 - Bộ sách "Cánh diều"). Để các cháu có thêm nguồn tư liệu tham khảo, tôi trích đăng một phần bài viết "Sắc thái tượng trưng trong thơ Việt Nam sau 1975", in trong cuốn sách "Thơ Việt Nam sau 1975: Diện mạo & Bản sắc" của nhà phê bình văn học, TS. Nguyễn Thanh Tâm (NXB Văn học, 2024). Phần bài viết này tập trung phân tích sâu sắc tượng trưng hóa bằng hệ thống biểu tượng và bàn sâu về bài thơ "Nhật ký đô thị hóa".

Theo tác giả Nguyễn Thanh Tâm, viết trên Facebook: "Thơ Việt Nam sau 1975: Diện mạo & Bản sắc", với hi vọng cuốn sách sẽ thực sự có ích cho việc đọc và tìm hiểu những vấn đề-tác giả quan trọng của thơ Việt Nam đương đại. Không chỉ là tri thức có tính văn học sử hay những mô tả diện mạo chủ đạo, khắc hoạ bản sắc nổi bật, cuốn sách còn định hình một hệ thống phương pháp, kỹ năng tiếp cận tác giả, tác phẩm thơ, nhất là khi phải đối diện với các văn bản mới và khó, các hiện tượng phức tạp, mang nhiều thách thức đối với việc đọc - học - giảng dạy - nghiên cứu thơ ca đương đại. Rõ ràng, chúng ta không thể cứ bị động chạy theo từng tác phẩm, tác giả, vấn đề, với sự mông lung vô định, điều quan trọng là phải có công cụ, phương pháp, kỹ năng, phải biết cách để chủ động giao tiếp với 1 thi phẩm, thi sĩ, hiện tượng hay cả một giai đoạn - chặng đường thơ ca. Xét ra, đó cũng là 1 trong những mục tiêu - ý nghĩa của việc thay đổi chương trình dạy - học - thi môn Ngữ văn ở bậc phổ thông, và rộng hơn là việc đọc - thưởng thức, tìm hiểu thơ ca VN đương đại".

Các cháu học sinh có thể liên hệ trực tiếp với TS. Nguyễn Thanh Tâm để tham khảo cuốn sách này!

Chúc các cháu học giỏi, thành công!

Mai Văn Phấn

 

 

 

2. Tượng trưng hóa bằng hệ thống biểu tượng

 

Ý thức sử dụng biểu tượng cho thấy trình độ, năng lực tư duy, sự chuyên nghiệp của người làm thơ. Bởi lẽ, tượng trưng là một phẩm chất có tính đặc thù của nghệ thuật nói chung, đặc biệt là thơ trữ tình. Mặt khác, tượng trưng bằng con đường sử dụng biểu tượng chính là một năng lực bậc cao trong tư duy sáng tạo thơ, vượt lên lối tư duy trực quan bằng hình ảnh phản ánh. Biểu tượng có thể hiểu là những hình tượng mang tính tượng trưng, có dồi dào nghĩa hơn những trực nhận từ hình thức tồn tại cảm quan. Tuy vậy, trước hết, trong cấu trúc của tư duy, biểu tượng là một dạng ký hiệu mà nghĩa của nó được đúc kết có giá trị bền vững trong cộng đồng (ai nhìn thấy biểu tượng ấy, cũng hiểu nghĩa ấy). Mặt khác, khi biểu tượng lưu hoạt trong các không-thời gian khác nhau, những cá nhân khác nhau, nó có thể tiếp nạp thêm các sắc thái mới (tính linh hoạt của biểu tượng). Và, dĩ nhiên, với thơ, trong thế giới nghệ thuật của một thi sĩ, biểu tượng có thể là sáng tạo riêng, cô đọng những sắc diện mang cá tính, tinh thần - tư tưởng của chủ thể sáng tạo.

 

Trong thơ Việt Nam đương đại, biểu tượng vừa là con đường của sáng tạo đồng thời là một dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật. Biểu tượng mở rộng các lớp nghĩa, làm sâu sắc nhận thức và cảm xúc, mở rộng trường thẩm mĩ, tri thức và văn hóa. Tư duy bằng biểu tượng nằm ở cấp độ cao hơn so với tư duy hình ảnh và hình tượng. Chính sự phát huy tác dụng của biểu tượng trong sáng tạo nghệ thuật đã khắc phục tình trạng mô tả trực quan, đơn nhất, theo mô hình phản ánh luận, hướng đến sự “âm u và sâu xa” như là phẩm tính của nghệ thuật, đẩy thơ trữ tình về phía hiện đại.

 

Đặc trưng của ngôn ngữ thơ là tính đa nghĩa, hàm súc. Điều này được phát huy tác dụng rất nhiều từ việc sử dụng biểu tượng, Tuy nhiên, để có thể sử dụng biểu tượng, rất cần người viết phải có một tư duy phức hợp, đa nhiệm:

 

Úp mặt vào bóng tối lùm cây

Gió đang chạy trên lưng mình những bước chân đô thị

Bóng tối dẫn tôi về ngôi nhà của mẹ

Ngôi nhà như chiếc bánh không nhân.

 

Nhặt được đồng xu cùn gỉ cuối sân

Ngỡ chạm phải tay mình ngày thơ ấu

Những dấu chân ai lún sâu lỗ đáo

Từng kiếp người mở mắt... thấy đôi chân cò lội nước trắng mênh mông.

 

Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng

Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt

Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến sông

Vớt những câu ca chưa tan vào nước.

 

Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất

Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình

Đêm thai nghén những thị thành trứng nước

Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh.

 

Trong bóng tối lùm cây tôi chợt nhận ra mình

Với nỗi e dè từ cái thời Văn Lang lúa nước

Nỗi e dè tự thắp mình thành ngọn nến mùa thu đi rước đuốc

Và ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên.

 

("Nhật ký đô thị hóa" - Mai Văn Phấn)

 

Xúc cảm gợi lên hình ảnh cái tôi mang tâm trạng của kẻ tha hương hoài nhớ, ăn năn. Một liên tưởng mang dấu ấn siêu thực. Gió thổi trên lưng hay chính là những dấu vết của thị thành, không gian thị thành vây bọc xung quanh cái tôi trữ tình. Bóng tối như một niềm ăn năn sâu kín. Ký ức trở về với căn nhà của mẹ. Chiếc bánh không nhân như một nỗi niềm chông chênh, nhạt nhòa. Ngôi nhà của mẹ, của ký ức, của những mong nhớ, nuối tiếc, có lẽ giờ đây cũng như chiếc bánh không nhân trong hương vị thị thành. Nhận ra điều đó khiến cho tâm trạng của cái tôi trữ tình càng day dứt. Trong liên tưởng của sự đọc, một dư vị của Exenin hiện về từ Thư gửi mẹ. Mĩ cảm trở về với không gian của ký ức. Những trò chơi thơ trẻ tội nghiệp và kiếp người nhỏ nhoi, trôi nổi, lặn lội ngay từ khi mở mắt sinh ra. Trong không gian của làng quê nghèo khó, tù đọng, tiếng người, tiếng gọi, có thể là cả tiếng của sự sống cũng buồn như củi ướt. Liên tưởng thẩm mĩ này hình thành từ vốn sống của một kẻ đi ra từ làng, từ ký ức nông thôn và những nhen nhóm buồn bã. Đã xảy ra nơi quê nghèo những thiên di phụ bạc. Có lẽ thế. Tiếng gọi nào kia chẳng đủ giữ chân người vội vã lìa xa. Chỉ còn mẹ tôi, nhẫn nại vớt từ bến sông những điều gì chưa thể mất đi, chưa thể tan ra và trôi chảy. Cứ lầm lụi, mẹ tin vào ngày trở lại của những giọt nước rời nguồn, tin vào bước chân trở về của đứa con tha hương. Bài thơ này chứa đựng những ý tứ khá phổ quát trong thơ Mai Văn Phấn. Đứa con của làng quê ngày nào dứt bỏ ra đi giờ đây nhận ra sự chở che của đất, sự cao cả của đất, sự mong manh, phù phiếm của thị thành. Có lẽ, đứa con ấy vẫn chưa nguôi những ký ức về làng; vẫn chưa quen với nền văn minh đô thị. Ngơ ngác, ăn năn, đứa con muốn trở về. Mĩ cảm thống nhất đến phần thơ cuối cùng. Trong bóng tối ăn năn, cái tôi nhận ra mình, nhận ra bản mệnh một đứa con của làng, của nền văn minh lúa nước, của đất đai bao dung và nhẫn nại: Nỗi e dè có lẽ là cách diễn đạt về đặc tính tinh thần của con người nông nghiệp, con người Việt Nam (Văn Lang) từ truyền thống. E dè, ưa tĩnh lặng, trọng âm, duy tình, duy linh,... con người ấy tự thắp mình lên bằng nguồn sống nội tại, nguyên thủy. Ngôi nhà của mẹ lúc này trở thành một biểu tượng của sức sống, tinh thần, bản sắc và ý chí con người, cư dân nông nghiệp. Trong bài thơ này, không chỉ ngôi nhà của mẹ là biểu tượng, người đọc còn có thể nhận ra những biểu tượng khác vốn khá phổ biến trong thi giới Mai Văn Phấn: đất đai, thị thành, dòng sông...

 

Tư duy đa nhiệm, phức hợp, với sự chuyển kênh mau lẹ và sự nối kết các khả năng của trí tưởng, sự vật, thế giới, cảm xúc,... khiến cho biểu tượng càng giàu sức sống. Biểu tượng vừa phát huy tất cả các lớp nghĩa đã trầm tích trong ký ức cộng đồng, đồng thời lại có cơ hội gia tăng các nghĩa mới từ chính năng lực tưởng tượng và cá tính sáng tạo của nhà thơ. IU. Lotman cho rằng: “bản chất của biểu tượng được xem xét theo quan điểm này mang tính hai mặt. Một mặt xuyên qua bề dày của văn hóa, biểu tượng được thực hiện trong bản chất bất biến của nó. Về mặt này ta có thể quan sát thấy tính lặp lại của nó. Biểu tượng sẽ xuất hiện như một cái gì không đồng nhất so với cái không gian văn bản bao quanh nó, như sứ giả của các thời đại văn hóa khác (= các nền văn hóa khác), như sự nhớ về những cơ sở văn hóa cổ xưa (= vĩnh hằng). Mặt khác, biểu tượng tự điều chỉnh một cách tích cực trong các ngữ cảnh văn hóa, tự biến đổi dưới ảnh hưởng của nó và cũng làm nó thay đổi*”.

 

(Rút từ cuốn sách "Thơ Việt Nam sau 1975: Diện mạo & Bản sắc", tr. 1967 đến 1970)

 

________________

 * IU. Lotman, “Biểu tượng trong hệ thống văn hóa", Trần Đình Sử dịch, http://tapchisonghuong.com.vn, 24/12/2012

 

  

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị