image advertisement
image advertisement





























 

Người lan tỏa văn hóa Việt - Mai Văn Phấn

Người lan tỏa văn hóa Việt

 

 

 

 

Mai Văn Phấn

 

Tiến sĩ Ramesh Chandra Mukhopadhyaya đã rời xa chúng ta vào một ngày cuối hạ tại bang Bengal, Ấn Độ. Dù ông đã ra đi, nhưng sự nghiệp sáng tạo và các công trình nghiên cứu của ông sẽ mãi in đậm trong tâm trí bạn đọc Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Xin thành kính tiễn biệt ông, người đã khơi dậy tinh thần và vẻ đẹp văn hóa Việt Nam qua nhãn quan của một nhà văn hóa lớn, một học giả Ấn Độ tài năng và uyên bác.

 

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hằng linh thiêng, TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya đã sớm được tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh Ấn Độ, cái nôi của những tôn giáo lớn như Phật giáo, Ấn Độ giáo và nhiều tôn giáo khác. Ông am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực, dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu và lý giải về cội nguồn cũng như sự phát triển của các nền văn minh trên thế giới, trong đó có văn hóa Việt Nam.

 

Trải qua 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã hình thành một nền văn hóa thống nhất, dù đa dạng về sắc thái tộc người. Trong đời sống vật chất và tâm linh người Việt, hoa sen luôn là biểu tượng cho sự thuần khiết, cao quý và lòng yêu nước. Thông qua văn học, TS. Ramesh đã khơi mở và bàn luận sâu sắc về ý nghĩa biểu trưng của hoa sen trong văn hóa Việt: "Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, bởi loài hoa này cắm rễ trong bùn, giống như dân tộc Việt Nam vươn mình từ những năm dài máu lửa, nơi đất đai hòa trộn với mồ hôi và xương máu của những người yêu nước. Việt Nam đã kiêu hãnh giương cao vòng nguyệt quế tự hào từ mảnh đất bùn lầy, trỗi dậy từ dòng nước sông Hồng, như hoa sen vươn mình khỏi mặt nước. Vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam đã chinh phục cả thế giới, giống như hương sắc của hoa sen lan tỏa".

 

TS. Ramesh am hiểu sâu sắc đời sống người dân Việt Nam. Ông viết về người nông dân với lòng trìu mến, thấu hiểu những vất vả, cực nhọc mà họ trải qua, đồng thời nhận ra vẻ đẹp thuần khiết trong tâm hồn họ: "Việc canh tác lúa nước đã có từ thời kỳ đồ đá. Đến ngày nay, những cánh đồng 'thẳng cánh cò bay' vẫn trải dài ở vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long... Cày ruộng từ xa xưa đã là một sự kiện quan trọng ở Việt Nam, khi các vị vua từng đích thân đặt nhát cày đầu tiên trong lễ Tịch điền". Từ đó, ông nhận thấy những tầng văn hóa sâu kín được trầm tích qua hàng ngàn thế hệ. Ông còn nhắc đến truyền thuyết Việt Nam về con trâu – biểu tượng của nền văn minh lúa nước, từng được chọn làm linh vật của Sea Games. Truyền thuyết kể rằng, mỗi con trâu là một vị thần bị đày xuống trần gian, trở thành biểu tượng văn hóa lúa nước của người Việt.

 

TS. Ramesh cũng đã bàn về những màu sắc mà người Việt ưa thích, những sắc màu gần gũi với thiên nhiên, tươi sáng và dễ nhìn, không cầu kỳ, phản ánh tâm hồn khoáng đạt và mạnh mẽ. Những màu sắc này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, khí chất con người. Ông viết: "Trong văn hóa Việt Nam, màu vàng tượng trưng cho sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng. Màu tím, ngược lại, tượng trưng cho hoài niệm, sự mong manh và nỗi buồn... Màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch, còn màu đen tượng trưng cho tội lỗi.".

 

Với trí tuệ uyên bác và sắc sảo, TS. Ramesh đã làm sống dậy những câu chuyện huyền thoại của dân tộc Việt, khơi gợi con người hướng tới cuộc sống lương thiện và nhân ái. Ông nhắc nhở chúng ta về tình yêu dân tộc, đất nước, và cần giữ gìn, kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại: "Cây cối là một đặc điểm tái diễn trong thần thoại Việt Nam. Một cây đa mọc lên từ đất và bám rễ vào Mặt trăng. Cây sinh ra trái, và con chim ăn trái đó. Đổi lại, chim cho chủ cây nghèo nhưng lương thiện vô số bạc vàng... Những truyện thần thoại Việt Nam miêu tả nhân dân như là hậu duệ của các đấng thần linh từ thiên đình."

 

TS. Ramesh hiểu rõ phong tục của người Việt, trong đó có các nghi lễ như tảo mộ và cúng giỗ tổ tiên. Ông nhận thức rằng đây là dịp để gia đình, con cháu sum vầy, giãi bày những tâm tư tình cảm với những người đã khuất trong suốt một năm qua. Tảo mộ cũng thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", một nét đẹp văn hóa của người Việt: "Thực ra, hoa cúc không đặc trưng cho mùa nào trong năm. Nhưng ở Việt Nam, chúng thường nở vào tháng Chín và tiếp tục nở đến Tết Nguyên đán. Người ta hái hoa cúc đặc biệt vào ngày Tết, trong lễ tảo mộ và vào ngày cúng giỗ tổ tiên. Lễ tảo mộ diễn ra vào ngày cuối cùng của năm âm lịch. Vào ngày này, mọi người đi viếng mộ tổ tiên và trang trí lại mộ phần."

 

TS. Ramesh đã viết những trang sinh động về hình ảnh mái nhà Việt Nam. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, ngôi nhà Việt đã góp phần tạo nên nét đặc sắc văn hóa làng xã trong nền văn minh lúa nước. Trải qua bao thăng trầm, người Việt sống quần tụ trong những ngôi làng, nơi hình thành, trao truyền và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. "Có nhiều loại kiến trúc và mái nhà khác nhau trên đất nước Việt Nam. Có mái nhà lợp bằng lá dừa, lá cọ. Có mái nhà bằng tre, và cũng có mái nhà lợp ngói, trang trí bằng hình con rồng. Người Việt tin rằng họ là hậu duệ của loài rồng, biểu trưng cho Dương, đại diện cho sự sinh trưởng và thịnh vượng. Mái nhà là biểu tượng của bản ngã bên trong, mang tính chất thiên không. Những bức tường tượng trưng cho tinh thần, còn nền nhà đại diện cho thiên nhiên. Mái nhà, theo cách nói hàng ngày, mang hàm ý là nơi trú ẩn khỏi sự vô thường."

 

Thói quen pha trà và thưởng trà đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Văn hóa trà Việt Nam hình thành từ xa xưa và trải qua nhiều biến động trong lịch sử. Tuy nhiên, văn hóa trà luôn tồn tại, phát triển và mang những đặc trưng riêng biệt. "Uống trà là một lối sống ở Việt Nam. Trong mọi dịp, người ta đều dùng trà, và với người dân Việt Nam, mọi thời gian dường như đều là thời gian của trà. Trà được bán ở các quán ven đường cùng món cắn chắt là hạt hướng dương. Có những trà thất, và kiến trúc của các trà thất độc đáo đến nỗi người ta có thể nhận biết ngay một trà thất qua kiểu dáng của nó. Việt Nam cũng có vô vàn loại trà. Trong thế kỷ 13 và 14, việc uống trà đã trở thành một phong cách tao nhã. Các học giả thường uống trà để tập trung suy nghĩ khi phải cân nhắc những vấn đề trọng yếu. Việc uống trà thanh lọc phẩm hạnh và đề cao đạo đức – điều mà những bậc cao niên tin tưởng. Uống trà đã là một truyền thống của người dân Việt Nam."

 

Trải qua hàng ngàn năm, nghệ thuật pha trà của người Việt đã trở thành một hình thức tinh tế để di dưỡng tinh thần, tìm kiếm sự bình yên và thư thái trong tâm hồn. "Trà gắn bó mật thiết với nền văn hóa Việt. Đó là thứ trà thanh khiết, không pha đường sữa, thường được người Việt uống vào buổi sáng, chiều, hay bất kỳ lúc nào trong ngày. Trà luôn làm người ta cảm thấy sảng khoái. Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc cây trà. Bồ Đề Đạt Ma Sư tổ một lần ngủ thiếp đi trong lúc thiền định. Khi tỉnh dậy, ngài đã tự cắt mí mắt vì tự giận. Mí mắt ngài rơi xuống đất và hóa thành cây trà. Và khi Thiền sư Đạo Nguyên đưa trà vào Nhật Bản, ông nhận thấy nhiều đặc tính tốt đẹp của trà. Trong mỗi gia đình Việt Nam, luôn có một bộ ấm chén đặt trên bàn thờ để dâng cúng gia tiên. Pha trà hay hãm trà là một nghệ thuật.".

 

TS. Ramesh đã dành cho bạn đọc yêu văn học Việt Nam những bài viết, bình chú vô cùng đặc sắc và cuốn hút. Trong lời giới thiệu cuốn sách "Giải mã hoa giấu mặt" của TS. Ramesh, dịch giả Phạm Văn Bình đã viết: "Qua những bài chú giải, TS. Ramesh thể hiện sự uyên bác, hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người, phong tục và lịch sử Việt Nam. Ông khai mở những địa tầng văn hóa rất độc đáo và phong phú. Chúng tôi coi đây là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Việt Nam, được thể hiện qua vẻ đẹp của thơ ca. Các bài chú giải của TS. Ramesh khi được công bố đều thu hút bạn đọc Việt Nam và quốc tế, mang đến cho họ niềm say mê trước vẻ đẹp linh thiêng và đầy bí ẩn của thơ ca."

 

TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya sinh ngày 11/02/1947 và mất ngày 4/8/2024. Ông có ba bằng thạc sĩ (ngành tiếng Anh cổ điển, tiếng Anh hiện đại, và Lịch sử hiện đại), thạc sĩ ngành Văn học so sánh, tiến sĩ ngành Văn học kinh điển Pali, cùng với bằng y học về phép chữa vi lượng đồng căn. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách thuộc các lĩnh vực học thuật như tôn giáo, xã hội học, văn học, kinh tế, chính trị…

 

TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya không chỉ là học giả xuất chúng mà còn là nhà thơ, nhà văn tài năng với trái tim nhân hậu và trí tuệ sắc bén. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong thế giới hiện đại chúng ta. Cuộc đời và sự nghiệp của TS. Ramesh là minh chứng sống động cho sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa lớn, Ấn Độ và Việt Nam. Với hiểu biết sâu rộng, ông không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà còn đánh thức những giá trị văn hóa, mang đến cho chúng ta cái nhìn mới lạ, sâu sắc và đầy cảm hứng về văn hóa Việt Nam. Những công trình của ông sẽ luôn là tài sản quý giá cho các thế hệ mai sau, là chiếc cầu nối giữa các nền văn hóa. Dù TS. Ramesh đã ra đi, nhưng di sản của ông tiếp tục truyền cảm hứng cho những ai đam mê và mong muốn khám phá văn hóa Việt Nam.

 

_______________

Những chữ in nghiêng trong bài được trích từ hai cuốn sách: "Giải mã hoa giấu mặt" (Nxb. Hội Nhà văn, 2015) và "Tĩnh lặng" (Nxb. Hội Nhà văn, 2018), gồm những bài tiểu luận và bình chú về thơ Mai Văn Phấn của TS. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya.

 

 

 

 

Từ phải qua: nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, TS. Ramesh, nhà thơ Mousumi Ghosh (Ấn Độ) và MVP. Hà Nội, 2015

 

 

 

 

BÀI KHÁC
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị