MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - III) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm






 

Bìa 4 sách chuyên luận

 

   

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm: “Phê bình, với tôi là một cuộc hành trình tìm kiếm chính mình thông qua người khác. Chỉ khi, tôi bắt gặp người khác, những khác biệt mang giá trị, khi đó tôi mới có thể nhận ra mình trong thế giới mà tôi bị quăng vào. Tác phẩm văn học là một manh mối, một tình huống, một hiện tượng để những phác đồ người, những phác thảo giá trị có cơ may được hiện hữu. Cứ như thế,  lịch sử, văn hóa được trầm tích” (in trên bìa 4 sách chuyên luận).

 

 

 

 

 

 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (III)

 

 

 

 

 

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 

 

 

Chương I

CHÚ GIẢI THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

 Nguyễn Thanh Tâm

 

 

(tiếp theo)

 

 

 

II. GỌI XANH, Nxb. Hội Nhà văn, 1995

 

 

 

 

 

Viết cho cây sáo

 

Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục(1), để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê mi fa son la si(2).

 

Từng âm giai vỗ cánh bay đi, chao nghiêng trong ánh sáng bảy màu lung linh huyền ảo, để những bóng tối kia cũng mang hình ống sáo, cho tôi lại ghé môi khắc khoải thổi vào.

 

Rời bè trầm chúng bay lên cao, rồi thả vào đêm bao chiếc thang cung bậc. Nghe âm vang bước chân của bóng đêm nặng nhọc, đang lần từng âm vực mà lên.

 

Vũ trụ lầm lì lơ lửng trong đêm. Những con sóng dịu mềm cho bên lở biết mình còn đó, để ban mai thức dậy gặp bên bồi.

 

Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào(3).

 

______________

(1) Một liên tưởng về bóng tối trong ống sáo với bóng tối của địa ngục. Ám ảnh về sự chết hay câm lặng của bóng tối trong lòng cây sáo cũng là ám ảnh về cái chết của đời người: vô tri, vô cảm và câm lặng

 

(2) Những tưởng tượng về con đường giải thoát.

 

(3) Bài thơ là một cuộc chiến, đúng hơn là một quá trình đấu tranh của cái sống, sự sống, ánh sáng với địa ngục tăm tối và cái chết. Từ những âm giai của tiếng sáo, bóng tối bị đẩy lùi, bị cảm hoá. Ngay cả bóng tối cũng muốn được trở thành ánh sáng. Sự sống hiện hình ngay trong những điều còn mất, lở bồi. Bóng tối trong lòng sáo, bóng tối của vũ trụ và bóng tối của tự ngã,… tất cả đang mớm vào âm giai của ánh sáng, lan toả và hoá giải bóng đêm. Mỹ cảm của thi sĩ được triển khai trong một hình thức thơ khá tự do. Vần được giải phóng bởi sự phá vỡ cấu trúc thể loại quen thuộc. Tuy nhiên, có thể nhận ra nhịp điệu của bài thơ chính là sự lan toả, lặp lại của những mô tả về giai âm, về sự giằng co giữa ánh sáng và bóng tối và sự chiến thắng từng bước của ánh sáng. Từ nhịp điệu ấy, nhạc tính của bài thơ được kiến tạo. Sự vận động của âm giai trên cơ sở đặc tính âm học của thanh âm gọi lên từ ngôn ngữ, trong một cấu trúc lặp lại đã gợi dẫn về một bản nhạc từ khi mới cất lên, len lỏi trong lòng sáo hẹp (âm I - âm vực hẹp) cho đến những âm thanh rộng mở hơn (E), (A), (O).

 

 

 

 

 

Nước mắt


Nước mắt những người đàn bà goá bụa mà đông thành tinh thể, thì làng tôi có bao nhiêu hòn Vọng Phu. Nhưng nước mắt chỉ thầm như sương muối, tháng ngày tàn héo xuân xanh, rồi bay về trời tụ thành mây hồng hoang. Đám mây hình những người đàn ông mơ màng... mà không, họ đang thao thức trên đầu ta từng mảng rêu phong. Nỗi đau tận cùng bỗng nhiên thánh hoá. Các anh về rồi lại ra đi. Bởi sấm đã rung và chớp đã giật, mây chồng lên mây, người chất lên người.Thương các chị mòn mỏi khóc bao đêm mà trời chỉ trả cho nước mắt đôi lần. Nước mắt bay ngang trời bầm tím! Từng mái gianh nghèo như mi mắt ai đẫm ướt. Các chị hứng mưa, giọt từng giọt như lần tràng hạt: Mưa! Mưa! Mưa!

 

Nụ hôn nào trong veo tan loãng thế. Các chị cầm tan nát đoá hoa mưa…(1).

 

______________

(1) Bài thơ có sự xâm thực của văn xuôi. Tuy vậy, vẫn có thể thấy một mạch cảm xúc giữ trong nhịp điệu thơ trên tinh thần lặp lại vừa dàn trải miên man lại có lúc gấp gáp như tâm đồ của một trái tim thổn thức. Mặt khác, hệ thống ngôn từ có xu hướng vang, mở, kết thúc các “chuỗi không phân lập” (Nguyễn Phan Cảnh) bởi các âm bằng hoặc luân phiên có tính chu kỳ các âm thanh cao - bổng, trầm - thấp, khiến cho văn bản là một “cấu trúc đầy âm vang” (Đỗ Đức Hiểu). Cảm xúc cá thể, hình tượng đẹp và da diết, cấu trúc lặp của ngôn ngữ làm nên chất thơ của văn bản. Nó khác với văn xuôi ở chỗ, văn xuôi không sử dụng các đặc tính tư duy như thế. Đó là một dạng thái đặc trưng của tư duy thơ: Mưa! Mưa! Mưa! Nụ hôn nào trong veo tan loãng thế. Các chị cầm tan nát đoá hoa mưa...

 

 

 

 

 

Em cho con bú

 

Chiều nay em cho con bú(1). Ngoài kia từng chân kiến đang đi, từng cánh ong vẫn còn đang vỗ(2). Nơi anh về trú ngụ là ô trời xanh trong mắt em cười. Hạnh phúc nào bằng ta bên nhau thảnh thơi, như được xoải mình nơi chân đê cát mịn. Anh hôn lên ngực em căng đầy thơm mát, chiều ngọt ngào cánh cò cánh vạc, qua môi anh khẽ đậu xuống hồn. Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh...

 

Nghe đâu đây có tiếng thạch sùng điểm nhịp, hay những giọt nước xa xưa đang rơi vào vại nước nhà mình(3).

 

______________

(1) Cách mở đầu đậm chất văn xuôi. Với cách mở đầu này, cấu trúc ngôn ngữ thơ truyền thống bị thách thức và phá vỡ, đồng thời đặt người đọc vào một sự hoài nghi, chí ít cũng là một cuốn hút về sự lạ - cái gọi là thơ.

 

(2) Những hình ảnh thơ đẹp về cuộc sống đương thành, đương vận động. Nơi đó, những dấu chân của bầy kiến, tiếng vỗ cánh của bầy ong, nhịp thở của đứa con sơ sinh, hạnh phúc ngập tràn đang dâng lên trong em, trong anh là những sắc thái diệu kỳ cho lòng người an trú.

 

(3) Xuất hiện nhiều hơn trong thơ Mai Văn Phấn những cấu trúc ngôn từ mà ở đó, sự duy trì đặc tính loại hình phụ thuộc vào nhịp điệu của hình ảnh cùng nhạc tính thay vì vần điệu như truyền thống. Bài thơ này là một minh chứng. Chất thơ nằm trong những chuỗi ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu, có độ rung ngân và âm vực rộng, kết thúc bởi vần bằng có xu hướng cao, bổng. Cảm giác lâng lâng trong niềm hân hoan vì hạnh phúc giản dị, đơn sơ, đời thường nhưng rất đỗi thiêng liêng khiến cho cấu trúc hình thức khá hồn nhiên, tự do, không bị lệ thuộc vào khuôn khổ tiên định nào. Những tri thức loại hình đã có sẽ bị phản ứng bởi hình thức ngôn ngữ này của Mai Văn Phấn. Nhưng nếu thấy rằng, chất thơ của cấu trúc ấy đã không còn nô lệ trong vần điệu, trong mấy câu trau chuốt du dương nữa thì sẽ hiểu ngay một động thái mới của tư duy và mỹ cảm thi ca tiến dần đến hậu hiện đại trong một tâm thức hồn nhiên mơ mộng. Kết thúc bài thơ là một liên tưởng khi nghe tiếng thạch sùng điểm nhịp. Thực ra đây chỉ là một cách trình bày về sự tiếc nuối, đúng hơn là một tự ý thức về giá trị trong liên tưởng xa xưa về một huyền thoại. Có điều gì quý hơn một cảm giác bình yên thảnh thơi khi ngắm nhìn “em cho con bú” và cái miệng xinh xinh thơ trẻ đang ngậm vào sự sống. Và, có điều gì đáng tiếc hơn không khi chúng ta đã để mất đi những hạnh phúc ngọt ngào mà bình dị giữa cuộc đời này. Hẳn, giọt nước xa xưa ấy đã mặn thêm qua nhiều thời gian trước khi lặng lẽ rơi trong vại nước hiên nhà.

 

 

 

 

 

Bừng tỉnh trên tàu

 

Tôi đứng lên nhường chỗ cho thiếu phụ đang tựa lưng gần bậc cửa. Chị vội vã lắc đầu và cảm ơn chiếu lệ. Về ghế của mình, tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ con tàu và ngủ thiu thiu.

 

Đoàn tàu băng qua bao cây số, đưa giấc mơ của tôi đến những nơi giời ơi đất hỡi... Tôi đi ra khỏi tôi, ra khỏi con tàu.

 

Có tiếng sóng biển rào rạt đập vào bờ làm tỉnh giấc. Đang bàng hoàng run rẩy, tôi nhớ ngay đến người phụ nữ xa lạ kia liệu có ngủ thiu thiu, để lỡ trượt chân ngã xuống đường tàu.

 

Nhìn chẳng thấy chị đâu. Hay chị xuống ga nào? Có cái ga ấy không? Có cái ga ấy không? Có cái ga ấy không? Trong giấc ngủ của tôi vừa nãy!(1).

 

______________

(1) Bừng tỉnh trên tàu mang cảm thức nhân văn về số phận của con người. Những niềm trắc ẩn hiện lên trong một hình thức diễn dịch ngôn từ khá đậm chất văn xuôi. Vẫn là mạch kiến tạo như đã trình hiện ở những bài thơ đã nói, ở đây, câu thơ bị kéo dài ra, bị tước mất vần điệu để chỉ giữ lại nhịp của hình ảnh, nhịp của cảm xúc, vừa thổn thức vừa hoài nghi. Cấu trúc lặp lại ở đây được triển khai nhưng có lẽ chưa thực sự hiệu quả như mong đợi. Cái ga nào đó, cho ai đó trên hành trình mê mải, bất định của đời người, sự quên lãng đâu đó dù là vô tình của con người cũng khiến chúng ta đau xót vì nhận ra những điều không thể khác (không như mong đợi), sự bất trắc cùng những dự tưởng, kêu gọi về lòng nhân ái. Trên phương diện cảm xúc, bài thơ đã có được một điểm tựa khá vững. Tuy vậy, ở phương diện hình thức ngôn ngữ thi ca, chúng tôi cho rằng, ở đây, ngôn ngữ còn thiếu đi nội lực, chất thơ cần thiết.

 

 

(còn nữa)

 



Bìa 1 tập thơ GỌI XANH











BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị