Cơn mưa và sự hóa thân (phê bình) - Mai Văn Phấn

Cơn mưa và sự hóa thân

 

 

Bìa trước tập thơ

 

 

Nhà thơ S. Savitskaya còn học phổ thông

 

 

Mai Văn Phấn

 

“Tôi ở đây

Bên bạn

Tôi là mãi mãi”

S. SAVITSKAYA

 

Nhà xuất bản Học viện N.E Zhukovsky tại Liên bang Nga vừa ấn hành tập thơ song ngữ Nga-Việt “Если в дорогу ... дождь… – Nếu trên đường… mưa…” của nữ thi sĩ người Nga Svetlana Vasilievna Savitskaya[1], do tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đây là cuốn sách thứ 90 của S. Savitskaya, gồm những bài thơ viết về Việt Nam, về phong tục tập quán, vẻ đẹp thiên nhiên trên đất nước ta, nơi nhà thơ đã có dịp đến thăm.

 

Tiêu đề cuốn sách phải chăng mang đến cho người đọc sự bất ngờ? Những cơn mưa chợt đến trên đường thường khó dự đoán? Tôi đã đọc nhiều lần bản tiếng Nga tập thơ này trước khi dịch sang tiếng Việt. Mỗi bài thơ trong đó cho tôi cảm nhận cơn mưa kia không đến bất ngờ, mà từ lâu được quy tụ từ trái tim nồng ấm yêu thương và khoáng đạt, từ vẻ đẹp tâm hồn Nga đôn hậu, bao dung. Tiêu đề đã gọi đúng tên sự dịu dàng, mát lành của mưa, có thể ví như một trong những nét đặc trưng của thơ S. Savitskaya. Thấm sâu vào mỗi dòng thơ, trước mắt tôi thường hiện ra con nước thủy triều dâng đầy phù sa bồi đắp cho những vùng châu thổ. Và, theo thuyết ngũ hành “Thủy” sinh “Mộc” của phương Đông, cơn mưa trong tiêu đề tập thơ của S. Savitskaya chính là “Thủy” tưới tắm cho mùa màng, cây cối xanh tốt, sinh sôi.

 

“Tôi muốn sống như trước đây từng sống

Trong từng xăng-ti-mét Việt Nam!” (Thư gửi bạn bè).

 

Sveta (tên thân mật từ tên gọi Svetlana của chị) đã viết những dòng thơ tràn đầy nhiệt huyết, chân thành ấy khi mới học lớp 8. Tôi thực sự ngạc nhiên và thán phục trước tài năng của một học sinh phổ thông đã viết bài thơ này. Bài thơ có kết cấu chặt chẽ với cảm xúc dâng tràn, lan tỏa mạnh, lay động trái tim mọi người ngay cả trong thời điểm hiện tại. Nếu những Phật tử tin vào những mối nhân duyên, người theo đạo Thiên Chúa tin vào sự sắp đặt của Thượng Đế, thì tôi tin rằng, nữ thi sĩ S. Savitskaya đã gắn bó với Việt Nam, yêu Việt Nam bằng bản năng nghệ sĩ và tài năng thiên bẩm được Đấng-Toàn-Năng định đoạt. Bài thơ “Thư gửi bạn bè” phải chăng chính là điềm báo tốt lành khi Sveta mới chập chững trên con đường sáng tạo, khởi đầu mối nhân duyên gắn bó nhà thơ với mảnh đất ở Đông Nam Á có tên Việt Nam.

 

Giờ đây chị là nhà thơ, nhà văn lớn, có tác phẩm lan tỏa khắp các châu lục. Nhưng Sveta luôn dành trọn vẹn trái tim mình cho Việt Nam bằng tình yêu nồng nhiệt không biên giới. Trong bài thơ có tên “Việt Nam” chị đã viết: 

 

“Hãy hấp thụ như nhận giấc mơ

Mọi minh khí trời đất

Hãy cho chúng tôi

Bật tung nội lực.

Việt Nam!” 

 

Minh khí trời đất đã xuất hiện trong thơ S. Savitskaya từ khi chị đặt chân lên mảnh đất hình chữ S này. Mỗi nhịp đập, hơi thở của chị phải chăng chính là những giọt nước thanh khiết lắng đọng từ lâu trong tâm hồn chị, trong đời sống giàu trải nghiệm của chị? Những giọt nước ấy đang thăng hoa, quần tụ thành những đám mây lớn, và mưa xuống đất đai, ruộng đồng nước Việt. 

 

“Mưa ấm áp dâng lên như đại dương

Theo những con sóng cát

Dọc theo nhịp của núi

Dọc theo con đường vàng

Trên từng con sóng rạng rỡ

Theo lời cầu nguyện của trời

Và những bài hát của đất

Để chạm vào những chiếc rễ cây trong giây lát

Của cây anh đào đang nhẹ nhàng rung rinh

Trong nhịp điệu tình yêu đang nở rộ.” (Không đề).

 

Đoạn thơ trên cho thấy, nhà thơ đã hóa thân thành những con sóng cát, thành núi đồi, thành những con đường vàng trên đất đai chúng ta. S. Savitskaya có lối viết hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn tư duy mĩ cảm Nga với thế giới quan triết học phương Đông, kiến tạo không gian thơ độc đáo, đầy quyến rũ. Độc giả Việt Nam dễ dàng nhận ra những cảnh quan quen thuộc trong không gian của chị, nhưng chúng chuyển động bằng nhịp đập trái tim Nga, tỏa ra ánh sáng tuyệt đẹp mang đặc trưng văn hóa Nga thẳm sâu, vạm vỡ. 

 

“Và cứ để

Chiếc váy của tôi rung rinh

Với bông hoa nhài

Trong lòng tay của vịnh.” (Không đề).

 

Không gian thơ của S. Savitskaya không đơn thuần là bức tranh, hay câu chuyện kể, mà nó luôn sống động, lấp lánh trước mắt bạn đọc. Hình ảnh chiếc váy rung rinhbông hoa nhài hiện ra trong khổ thơ trên cho thấy nó được hòa quyện nhuần nhuyễn trong không gian nghệ thuật của nhà thơ. Những hình ảnh này mang đến cho người đọc cảm giác huyền ảo lạ kỳ, khi mờ khi tỏ, thấp thoáng như bóng những ngọn núi bỗng chốc tan nhòa trong lăn tăn sóng nước Hạ Long. Bài thơ này cho thấy, nhà thơ đã hóa thân trọn vẹn trong không gian thơ mà chị vừa kiến tạo. Nhịp điệu dòng chảy trong đoạn thơ hoàn toàn đồng điệu với nhịp hồn thơ ngây của Sveta từ bốn mươi năm trước; nó được tiên báo trong bài thơ “Thư gửi bạn bè” mà tôi đã dẫn ở trên. Hai năm trước đây chị đã đến Việt Nam, đã trải nghiệm thực tế bằng tình yêu nồng hậu, chân thành trong từng xăng-ti-mét Việt Nam!

 

Sự hóa thân của Sveta hiển hiện nhiều dáng vẻ với đa dạng cung bậc cảm xúc. Lúc lộng lẫy, thiêng liêng, đầy quyền uy trong “Thần thoại về vệ nữ”: 

 

“Ta biến đi trong đêm

Với tình yêu tha thiết,

Thật thiêng liêng!

Dũng mãnh!

Tuyệt vời!”. 

 

Và có những khoảnh khắc chan chứa thương yêu, gần gũi và giản dị như từng hơi thở, tiếng cười: 

 

“Bạn cho tôi biết

trên thế giới này không gì đẹp hơn

sự quyến rũ dịu dàng trong đôi mắt tình yêu”. (Thần thoại về vệ nữ).

 

 “Nếu trên đường… mưa…”. Có thể nói, hình ảnh mưa chính là khởi nguồn cảm xúc thi ca, là từ khóa trong tập thơ này. Nếu con đường là hành trình sáng tạo, là đường đến Việt Nam của S. Savitskaya, thì mưa chính là những vì sao, tín hiệu, ngọn hải đăng soi sáng, dẫn đường cho chị: 

 

“ – Mưa.

Đúng.

Những cơn mưa.

Mỗi giọt chạm vào dây đàn lia thần thánh,

Như nhịp tim”.

 

Nữ thi sĩ đã gọi tên những ngôi sao, ngọn hải đăng trong bài thơ “Những con cò trắng”. Sveta là người am hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Hình ảnh con cò trong ca dao, dân ca Việt Nam luôn gợi nhắc tới thân phận người phụ nữ nông thôn với tấm thân gầy guộc, vất vả mưu sinh. Câu thơ trên của S. Savitskaya tựa bức tranh màu sáng, tương phản với hình ảnh mịt mù của cái cò đi đón cơn mưa trong ca dao chúng ta.

 

Mưa trong tập thơ này cũng là nơi phát sinh ánh sáng, mang tinh thần khoáng hoạt, mạnh mẽ, tự tin. Mưa ở đây mang trong mình hơi thở vũ trụ, của chói chang ánh mặt trời, thắp sáng những giấc mơ:

 

Tôi đến với mặt trời từ buổi tối

lần nữa

qua màn đêm, qua giấc mộng – Tôi bay!

Tôi sẽ phân phát từng tia mặt trời của tôi!

Hãy để tôi chỉ nhận được nỗi đau từ nó!

Tôi sẽ mãi mang theo mặt trời bên tôi cho đến khi tắt thở!” (Mặt trời).

 

Hình ảnh mưa và sự hóa thân của thi sĩ thể hiện đậm nét nhất trong bài thơ “Mưa trên đường”: 

 

“Mưa sẽ đến gần đôi mắt

Thiên đường!

Và quỹ đạo thiên đường!

Tin tưởng vào ý chí

Đôi tay của bạn!...

Và hãy hình dung

Thay đổi tất cả

Chỉ một cơn mưa duy nhất

Sẽ định đoạt.

Chỉ có mưa mới chung thủy với bạn”.

 

Có thể gọi đây là khúc khải hoàn vang vọng nhất tập thơ về sự hóa thân của thi sĩ thành muôn vật cỏ cây trong không gian nước Việt thông qua những cơn mưa. Nó hiển hiện lộ trình và đích đến của ý tưởng thẩm mỹ, yêu thương để tôn vinh nhau, để soi sáng nhau cùng hướng đến lương thiện, gần gũi. Đó cũng chính là mục đích cao cả của thi ca, của con người trên thế gian này.

 

Hình ảnh con người, vẻ đẹp tâm hồn Việt đã hiện ra tuyệt đẹp trong tập thơ S. Savitskaya. Ta dễ nhận ra bóng dáng người bạn Nga gần gũi, cởi mở bên chúng ta trong những câu thơ: 

 

“Ngạt thở

Bởi vẻ đẹp

Táo bạo

... của tiếng cười rạng rỡ

Và bởi sự quyến rũ

Của màu trắng

Của hàm răng trắng,

Mà sau đó –

… là trái tim!” (Tiếng cười của bạn);

 

hay 

 

“Tại sao tâm hồn tôi như quả lựu

Không thể tưởng tượng được lại nhớ mong bạn thêm lần nữa!?” (Giữa hè).

 

Thơ S. Savitskaya có cấu trúc hiện đại, không lệ thuộc vào bất kỳ khuynh hướng nào của thơ ca phương Tây. Tập thơ theo hướng cách tân, nhưng bạn đọc dễ nhận ra nhịp điệu tâm hồn Nga, văn hóa Nga trong từng tứ thơ, từng hình ảnh. Nhiều câu thơ được ngắt quãng, bẻ gãy nhịp điệu giữa mạch thơ, khá gần với cách nói đời thường, có nhịp điệu hiện đại, tiếu tấu nhanh và mạnh. 

 

“Nơi lồng ngực

Máu sôi lên

Trong hạnh phúc trào dâng!” (Không đề).

 

Nhiều câu thơ ngắn, xuống dòng đột ngột, tạo ra sự hối thúc, buông lửng, vội vã. Bạn đọc thưởng thức đoạn thơ trong bài “Màu trắng cũng có ý nghĩa!” sẽ thấy cách kiến tạo hình ảnh của S. Savitskaya khá gần gũi với một số cây bút có xu hướng đổi mới, cách tân ở ta hiện nay: 

 

“Hồi sinh trong cơn mưa rào,

Cầu vồng trắng

Bằng dòng sữa

Vực dậy linh hồn

Bằng lời yêu thương

Được làm mới trong niềm vui sướng

Anh là thật...

Anh là thật!”.

 

Nhà thơ đã tạo ra nhiều khoảng trống trong mạch thơ này, các hình ảnh tương đối độc lập về nghĩa, phân mảnh đứng cạnh nhau. Tuy vậy, ta vẫn nhận ra một luồng cảm xúc mạnh, thổi liên tục trong đoạn thơ trên.

 

Thơ S. Savitskaya cho chúng ta chạm vào tâm hồn Nga cởi mở và nhân hậu. Chị đã dành trọn vẹn tình yêu cho Việt Nam từ khi mới học lớp 8, đến nay đã bốn mươi năm. Bài thơ “Thư gửi bạn bè” của cô bé Sveta ngày ấy đã khiến bạn bè của cha cô và nhiều người đã khóc vì chiến tranh đã giết chóc, tàn phá nước Việt. Tại Hội nghị Quốc tế Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 chị đã nói: “Chắc Chúa đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi. Lời cầu nguyện của cô gái nhỏ. Một nữ sinh Mát-xcơ-va, người nhiệt thành mong muốn duy nhất một điều – hòa bình cho Việt Nam. Và những giọt nước mắt. Giọt nước mắt nhỏ bé này có sức mạnh vượt qua tất cả các thế lực tội ác trên hành tinh”.

 

Svetlana Vasilievna Savitskaya không chỉ là nhà văn, nhà thơ uy tín, có nhiều tác phẩm được dịch ra 20 thứ tiếng trên thế giới, mà còn là nhân vật nổi tiếng của công chúng quốc tế, nhà hoạt động từ thiện. Chị là người sáng lập Giải thưởng Văn học “Cây bút vàng nước Nga” từ năm 2005; từng đoạt một số giải thưởng quốc tế, nhiều giải thưởng văn học và huân huy chương của Liên bang Nga.

 

Nếu trên đường… mưa…” chính là biểu tượng tình yêu của S. Savitskaya dành cho Việt Nam. Tình yêu ấy tỏa sáng từ trái tim người bạn Nga tài hoa, chân thành và thấm sâu vào đời sống văn hóa của chúng ta. Người đọc sẽ nghe rõ nhịp đập trái tim, cảm nhận được trọn vẹn tình yêu của nữ thi sĩ S. Savitskaya dành cho Việt Nam khi đọc tập thơ này. Điều kỳ diệu ấy có lẽ chỉ thơ ca mới làm được! Tôi mong chị sớm trở lại Việt Nam, để đưa chị đến những vùng đất mới, những địa tầng văn hóa trầm tích mà có thể chị mới làm quen qua sách báo. Tôi tin những cơn mưa kỳ diệu của S. Savitskaya sẽ tiếp tục tưới mát cho đất đai, ruộng đồng nhiệt đới khô hạn, tiếp tục cuộn chảy trong những con sông mang nặng phù sa của Việt Nam.

 

6/2021

 

 

_____________________

[1] Svetlana Vasilievna Savitskaya (1963 – ): nữ thi sĩ, nhà văn, nhà báo, viện sĩ, tiến sĩ triết học; chị sinh ra tại thành phố Ordzhonikidze (nay gọi Vladikavkaz, nằm ở phía bắc Caucasus, thuộc thủ phủ Bắc Ossetia), Liên Bang Nga. Chị đoạt nhiều giải thưởng quan trọng trong và ngoài nước, tác phẩm của chị đã được dịch từ tiếng Nga ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

(Nguồn: https://www.goodreads.com/book/show/56876531). 


 

 


Nhà thơ S. Savitskaya 

 

 

Bìa trước và sau cuốn sách

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị