image advertisement
image advertisement





























 

Mai Văn Phấn: Vượt Thoát Về Phía Trong Veo (phê bình) - Nguyễn Hiệp

Mai Văn Phấn: Vượt Thoát Về Phía Trong Veo



 

Nguyễn Hiệp

 

 

 

Trong bàn ăn chung ở Hạ long, tôi cầm chiếc tách trà xoay xoay và nói với người bạn ngồi cạnh: Chiếc cốc chỉ có một, bạn ngồi hướng đó nên nhìn thấy cốc có quai, tôi ngồi hướng này thấy chiếc cốc trơn… Ngay lập tức tôi nhận được cái gật đầu và ánh mắt chia sẻ của nhà thơ Mai Văn Phấn. Sau này, khi đã thân hơn, anh tâm sự: “Tôi sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên Chúa. Từ nhỏ tôi rất ngoan đạo, thuộc kinh bổn và thông thạo Kinh Tân Ước và Cực Ước, các sách thánh, mê hát thánh ca... Lúc ấy cha mẹ tôi rất muốn cho tôi vào nhà dòng để có thể đi tu lâu dài, nhưng khi nhận ra "con ngựa hoang' trong tâm hồn mình, thấy sự đam mê, run rẩy quá đỗi của mình với vẻ đẹp của thiên nhiên và con người... tôi đã từ chối. Sau này khi du học ở Liên Xô cũ (1983-1984), tôi đã gặp vợ tôi bây giờ - một người theo Đạo Phật. Tôi đã đến với Phật giáo bằng tình yêu và cả sự chiều chuộng người tôi yêu nữa. Khi nghiên cứu các giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi nhận ra rằng: Thượng Đế chỉ có một. Và, chắc chắn chúng ta được sinh ra và bị chi phối bởi một Đấng-Toàn-Năng. Đấng-Toàn-Năng cho con người biết được "gần đúng" khuôn mặt và tinh thần của Ngài thông qua các hình thức tôn giáo mà thôi. Tôi nghe Nguyễn Hiệp nói về chiếc cốc nên biết bạn đã cùng cách hiểu như tôi. Duyên!”

 

Tôi tin cái suy nghĩ nhất thể ấy đã dẫn lộ anh bước đến miền trong suốt kia. Và tôi lấy khối đa giác trong veo hiện có của thơ Mai Văn Phấn (trong tập Thơ tuyển Mai Văn Phấn) để làm khởi điểm nóng ấm cho bài viết nhỏ này.

Tiếng chim qua đỉnh đầu

Vào cơ thể anh lúc đang tịnh độ…”

Nín thở biết gần kho báu

Lần tìm, cố xoay từng cánh cửa nước…”


Bài
Hình Đám Cỏ có chín nhịp, mỗi nhịp là một hình đa giác trong khối đa giác chín mặt, trong/ trên đó chứa/ khắc những ý tưởng phi ý thức đặc sắc, mỗi đoạn ngắn lại lấp lánh những giấc mơ, những hội ý với thiên nhiên (thoạt đầu tôi cứ ngỡ hình ảnh đêm- chuông- “cánh hoa khổng lồ đung đưa trên đầu” mang hơi hướm của những dụ ngôn nhưng đọc lại thì cảm khác đi)… Số chín là biểu tượng cổ điển kết thúc một chu kỳ và cũng là điểm khởi cho một chu kỳ mới. Chín nhịp trong bài thơ này tạo thành một khối- sinh- pha- lê tươi mới mang cả nhóm biểu tượng phức hợp, từ tiềm thức nền bao đời đọng trong “góc phố lặng yên nép vào hơi thở” đến cành ngọn cuối cùng “Ý nghĩ làm ngọn lửa xòe/ Nền nhà trôi đêm hoa đăng”. Thật trong, trong trẻo, trong veo! Con đường đi của ý tưởng có những liên hệ riêng và đương nhiên tất cả đều phải qua/ lại, lại/qua lăng kính của người thơ trước khi đọng kết, trước khi tuôn chảy, trước khi thành, trước khi hiện. (Có thể hình dung vai trò trung chuyển phong phú đa dạng và khu biệt của proxy trong hệ thống mạng internet).

Động rộn sương đêm

Cỏ cây, nắng mới

Núi cao

Chim chóc bay qua tảng đá xù xì

Sông cuộn xiết con cá động dục lóe sáng mặt nước

Mặt trời bên kia bức tường

Vòm cây, tổ chim hơi thở ban mai…


Thiên nhiên tràn ngập trong thơ Mai Văn Phấn, chính có cuộc hội ý lớn đó, chính có sự tham dự/ tham chiếu/ đồng nhất đó mà lằn ranh của ý thức biến mất, đã bị loại bỏ, chỉ còn những biểu tượng- sự xúc động trong tương tri của một  người thơ đang lắng nghe im lặng, lắng nghe tình nương tựa vào nhau, lắng nghe “sợi tim nến đang bùng cháy”, “
Đừng nghĩ đến bước chân/ Vin em mà bước” và “Đưa tay qua khe hẹp hoàng hôn”… Quá nhiều ý nghĩa trên văn bản và cả ý nghĩa hứa hẹn nữa! Cách khác: Chính nhờ cái trong veo- vô thức mà các tầng ý nghĩa phát sinh phong phú lạ thường. Tôi không thờ phụng thơ đến mức bị bóng đè, tôi không đắm chìm suy nhược khắc khoải nhưng thơ Mai Văn Phấn, nhất là bài Hình Đám Cỏ, đã đưa tôi đến trước/ trong khối sáng được tinh luyện qua gió lửa ưu tư, bởi anh đã đến trước, lắng bùn trước, trong veo trước. Mộng mà không mị. Mê mà không sảng. Cái bước bước “tay buông thõng hạt sương” ấy đã làm tôi xúc động, cứ ngỡ đâu đây ý tượng rưng rưng, cứ ngỡ đâu đây êm ái đền bù.

 

Tôi nghĩ bài Hình Đám Cỏ là sự vận hành quá trình tượng trưng hóa theo chín nhịp, trong/ trên đó, phông cảm xúc và kí ức cá nhân đã được chưng cất mà như trên tôi gọi “lắng bùn”, ở góc nhìn khác, nó là lời người khác trong mỗi con người. Sở dĩ tôi chưa chịu dừng lại một tầng ý nghĩa được giải mã bằng bộ giải mã thông thường vì trước đây Mai Văn Phấn đã hơn một lần gợi ý đến hiện tượng con người thực không có trong văn bản hoặc con người thực đã khác đi. Chẳng hạn bài Bưng Chậu Nước Lên Cao:

“…Bất chợt nảy trong tưởng tượng:

…đuổi theo em trong mưa…

…em đầu trần ướt sũng…

…em vun vút… tôi chạy đứt hơi…

… giữ lời hứa… không để em bị ướt…”

 

Hay: “Sinh ra từ ngọn lửa và ánh sáng, bóng chạy theo mình, cái có có không không duy nhất mắt ta nhìn thấy được.” (Cộng Hưởng)

 

Hay quay về trước nữa:

Chẳng phải tôi, cũng không là người khác

Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng” (Hồn Nhiên)

 

Tôi đưa ra nhiều ví dụ như vậy để thấy rõ hơn có sự “hiệp thông” giữa  tính vô thức cá nhân nhà thơ và tính hữu thức của thiên nhiên, của thế giới quan thông qua một trung gian hóa thân là “con người thực đã khác”. Cái biểu tượng trong veo từ đó mà ra, nó là một quá trình lao động miệt mài, tận tâm, là quá trình sống- thăng hoa của người thơ.

 

Có thể trích thêm một bài nữa trong tập Thơ tuyển Mai Văn Phấn cho thấy tác động quyết định đối với tư tưởng trong sáng (mà tôi rất thích, thích cả bài, thích từng chữ) là “Ngậm Em Trong Miệng”:

…Anh là con cá miệng dàn dụa trăng

Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động.


Bài thơ mê hoặc quyến rũ tôi chưa hẳn vì sự táo bạo trong diễn giải mà là tôi ủng hộ anh trong việc để cho mỹ học của trí tưởng tượng lên ngôi trong thơ, tôi ngưỡng mộ sự thánh thiện gây men và lan truyền trong tâm hồn nhà thơ. Ai dám bảo vô thức- trong veo không phải là thi pháp!?

 

Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy cái ngó sen mạnh mẽ Mai Văn Phấn trong hành trình vượt thoát về phía trong veo đã đôi lần lạc vào những lưỡng lự lựa chọn các lớp xác chết bùn lầy “khuynh hướng, trường phái này nọ” với lòng nhiệt tâm ngây ngô vươn tới những kiểu thực tế tuyệt đối hay hiện thực ẩn dấu bất khả giải nào đó, những “Miệng chén hoằm sâu bầu vú khoét thủng/ Men lợn chuồng phóng lên lợn gỗ/ May mà sống qua cơn/ Mắt người thân hàn gắn các đồ vật” (Mộng Du) hoặc “Nhà thơ trú trong bóng râm/ Từng con chữ bị khoét mất mắt” (Biến Tấu Con Quạ)… Ngoi tìm và lầm lạc cũng là tất yếu thôi, có khi chính nhờ thái độ dấn thân ấy mà chúng ta có Mai Văn Phấn rất “sen” bây giờ.

 

Tôi yêu mến thơ Mai Văn Phấn hiện nay và tin những lời tâm sự chân tình của anh: “Thơ ca đã dạy tôi làm người, chính tác phẩm của tôi đã quay lại dạy tôi tất cả.

 

Hạ Long- Núi Tà Cú, 2/2012

N.H

(Tạp chí Văn Nghệ Vũng Tàu, 8/2011)

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị