Bài thơ "Con chào mào" có quá sức với học sinh lớp 6? - Nguyễn Tuấn

Bài thơ "Con chào mào" có quá sức với học sinh lớp 6?

 

 

Thầy giáo Nguyễn Tuấn

 

 

Nguyễn Tuấn

 

Thực sự vô cùng bất ngờ, hạnh phúc khi bài viết chia sẻ cách cảm nhận của bản thân về bài thơ "Con chào mào" của thi sỹ Mai Văn Phấn lại được quan tâm, đồng cảm, ưu ái nhiều đến vậy. Có đến hàng trăm lượt chia sẻ tỏa theo hình rễ cây, vô số những tương tác, bình luận của rất nhiều đối tượng, từ những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, những thầy cô giáo đồng nghiệp và các bậc phụ huynh. Xin gửi lời cảm ơn đến các thầy, đặc biệt là TS. Nguyễn  Phượng đã lan tỏa bài viết. Cám ơn nhà thơ Dư Thị Hoàn và các văn nghệ sỹ đã ưu ái. Cám ơn các đồng nghiệp đã đồng cảm, trong đó cô giáo Tố  Uyên - một người rất trăn trở với việc dạy các tác phẩm thơ đương đại. Rất nhiều ý kiến đồng tình với bài viết, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn, phản đối. Điều đó là tín hiệu rất vui, cái mới đã bắt đầu một cách tự nhiên, thâm nhập vào ý thức của chúng ta để dần quen với nó. Hành trình để cái mới mẻ, lạ lẫm được chấp nhận không phải một sớm một chiều, nhưng thói quen sẽ giải quyết được tất cả.

 

Bây giờ bảo việc dạy học bài "Con chào mào" hay những bài thơ đương đại khác chưa phù hợp, là khó. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy rằng đáng ra phải dạy từ lâu. Bởi khi hình thành một năng lực cảm thụ mới, thì việc "giải mã" một bài thơ đương đại không có gì khó. Tôi viết bài cảm nhận bài thơ không dựa trên một lý thuyết tiếp cận cao siêu nào, chỉ có những nguyên tắc khá cơ bản mà ai cũng có thể áp dụng được. Điều này lí giải những hiểu lầm phổ biến khi cho rằng, để hiểu được những tác phẩm thơ đương đại phải có kiến thức hàn lâm, theo trường phái này, lý thuyết nọ một cách uyên thâm mới tiếp cận được. Cảm nhận cái đẹp theo nghĩa phổ thông không cầu kỳ như vậy. Vì đôi khi bản năng con người đã đủ cảm nhận được nó một cách sâu sắc.

  

Quay lại việc nhiều ý kiến cho rằng bài thơ "Con chào mào" quá sức với học sinh. Tôi xin kể một chuyện nhỏ, tối qua tôi với người bạn thân đi uống bia ở một quán bia có món lòng khấu đuôi xào dưa ăn rất ngon. Hay uống quán đấy vì nghiện món này. Tôi ăn cũng cảm nhận được độ ngậy, thơm, béo của nó, nhưng người bạn tôi - một đầu bếp cừ khôi hỏi: mày có biết nó ngon ở chỗ nào không? Tôi chịu, vì ăn cũng chỉ thấy nó vào miệng. Sau đó bạn tôi giảng giải, đây này, lòng phải tươi mới giữ được độ dai, trắng, thơm. Dưa không chua quá, xào vừa nát, vừa thâm lại át vị lòng, ngoài ra còn có ớt ngọt, tiêu bắc và bắt buộc phải xào bằng mắm. Tôi trợn mắt, ăn lòng mà cũng rách việc nhỉ. Đấy, thưởng thức một đĩa lòng mà cũng có nhiều tầng bậc cảm nhận khác nhau, nói chi đến cảm nhận một tác phẩm văn học. Vậy nên, tôi viết cảm nhận như vậy không có nghĩa là học sinh cũng phải mang khả năng như thế. Hơn nữa, đây là một văn bản trong sách giáo khoa, học sinh khi tìm hiểu có sự hướng dẫn, gợi mở của giáo viên bằng các phương pháp sư phạm, từ đó các em sẽ dần dần làm quen và có khả năng tự cảm thụ các tác phẩm tương tự. Chúng ta hay có một thói quen là nếu đã định kiến cái gì thì rất khó thay đổi, đọc thấy không hiểu là bảo khó, và ý niệm đó ăn sâu vào trong đầu. Thế nên không cần tìm hiểu nhiều, bảo nó khó nghĩa là nó khó và phản đối.

 

Với bài thơ "Con chào mào", tôi có thể diễn xuôi một cách rất đơn giản: Có con chim chào mào hót trên cây cao, nó có màu cái mũ đỏ và đốm trắng, tác giả ngắm vẻ đẹp con chim, thưởng thức tiếng hót con chim và tưởng tượng ra cái lồng để nhốt nó, tưởng tượng nó đang ăn sâu, quả chín, uống nước trong chiếc lồng của mình dù nó đã bay mất tiêu. Cuối cùng dù không thấy con chim đâu nhưng tác giả vẫn nghe thấy tiếng hót của nó vang trong lòng. Đấy, có khó không, có trừu tượng không? Chỉ cần một chút tưởng tượng là có thể hình dung được.

 

Thứ hai, khi dạy, mục đích của bài học không phải đao to búa lớn gì, nào là nắm được thi pháp thơ Mai Văn Phấn, hay cảm thức hậu hiện đại gì đó. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh đi tìm vẻ đẹp, ý nghĩa của hình ảnh thơ, ví dụ có thể hỏi: Vẻ đẹp con chào mào thể hiện ở hình ảnh nào, nó biểu tượng cho điều gì. Chiếc lồng của thi sỹ được làm bằng cách nào, ý nghĩa của chiếc lồng? Dự định phong toả con chim có thành công không, hay tại sao chim bay mất rồi mà tác giả vẫn nghe thấy tiếng nó trong lòng...

 

Học sinh lớp 6 không có lý do gì mà lại không đọc hiểu được những tín hiệu như vậy. Kết quả bài học cũng không cần quá cao xa, nó là khả năng nhận biết cái đẹp, từ đó biết nâng niu, trân trọng cái đẹp, đó là cách ứng xử tôn trọng thiên nhiên, biết sống hoà hợp với thiên nhiên để làm tâm hồn mình đẹp hơn, để cuộc sống hạnh phúc hơn. Đơn giản vậy thôi, vậy quá sức ở chỗ nào?

 

N.T

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị