“Con chào mào” của Mai Văn Phấn: Sự tương giao của thiên nhiên và tâm hồn (bình thơ) - Nguyễn Nam, Trịnh Hanh
“Con chào mào” của Mai Văn Phấn: Sự tương giao của thiên
nhiên và tâm hồn
Nguyễn Nam, Trịnh Hanh*
GD&TĐ - Nhà thơ đôi khi rất cần có một tâm hồn trẻ
thơ. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước những biến thái của thiên nhiên và lòng
người sẽ khơi nguồn để tứ thơ ngân vang kết thành thi phẩm độc đáo nuôi dưỡng
tâm hồn.
Bài thơ “Con chào mào” của Mai Văn Phấn trong sách giáo
khoa Ngữ văn 6 (Bộ Kết nối tri thức) lắng sâu cảm xúc, mở ra sự tương giao của
thiên nhiên và tâm hồn con người, lắng kết chiều sâu ý nghĩa.
1.
Mấy mươi năm miệt mài sáng tạo, Mai Văn Phấn đã trải
nghiệm nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Tuy nhiên, sau thể nghiệm, Mai Văn
Phấn đã cho siêu thực không còn mới mẻ, để rồi trong tập thơ “Bầu trời không
mái che”, ông đã hướng tới một phong cách thơ mới là “thong dong”. Chính nhà
thơ từng tâm sự: “Sau khi đã băng qua những “sa mạc”, như Siêu thực, Tượng
trưng, Biểu hiện, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Cổ điển mới…, tôi
thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng, mà phải lệ thuộc vào
“thằng Tây”? Những khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện bảo tàng từ thế
kỉ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng
túng, tranh cãi… Vậy “thong dong” là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, để
cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất”.
2.
Có thể nói, Mai Văn Phấn là nhà thơ có duyên với thiên
nhiên, hòa đồng, đằm sâu trong thiên nhiên. Ông còn được đồng nghiệp coi là nhà
thơ của sinh thái, giàu sắc màu vũ trụ. Bài thơ mở đầu một cách nhẹ nhàng, mở
ra nhiều liên tưởng thú vị:
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Con chào mào xuất hiện ngay từ đầu bài thơ một cách trực
tiếp và cũng là hình tượng trung tâm. Chỉ có ba câu mở đầu mà hiện lên bức
tranh đầy sống động màu sắc: “Đốm trắng mũ đỏ” (tươi tắn), vị trí “cây cao chót
vót” (mở rộng biên độ không gian) và âm thanh/ hành động “triu... uýt...
huýt... tu hìu...” (tiếng hót dài, trong trẻo). Câu thơ mô phỏng giọng chim
nhưng tôi cũng nghe như tiếng huýt sáo.
Có lẽ không chỉ là tiếng hót huyền diệu của con chào mào,
mà là tiếng vọng của thiên nhiên trong khoảng không khoáng đạt, bí ẩn. Khung
cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bình yên; mang đến cho chúng ta cảm giác yên bình
về một thiên nhiên mướt xanh, thanh sạch. Nhà thơ quan sát tinh tế và cảm nhận
trong sự phức hợp các giác quan: Thị giác, thính giác để gợi nên bức tranh
thiên tươi đẹp, và giờ chỉ mở lòng đón nhận. Khổ thơ đầu đã mở ra và cũng khép
lại bằng bút pháp tả thực, kiệm lời, tạo một bức tranh tối giản tràn đầy ánh
sáng, âm thanh hòa quyện.
Nếu khổ đầu không gian là tả thực, đến khổ hai đã chuyển
hóa thành không gian tâm tưởng với thủ pháp tượng trưng. Tác giả đã hình dung,
tưởng tượng:
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vì sợ chim bay đi nên nhà thơ đã vội vàng vẽ chiếc lồng
cho con chào mào. Phải chăng “chiếc lồng” được đan bện bằng tưởng tượng với mục
đích kìm giữ, nhốt “con chào mào”, muốn “độc chiếm” cái đẹp của thiên nhiên?
Nỗi “sợ chim bay đi” chính là nỗi lo cái đẹp biến mất,
tiếc nuối. Chỉ “vẽ trong ý nghĩ” nhưng đã đem mênh mông, tiếng hót vào trong
giới hạn. Khát khao sở hữu/ vĩnh cửu hóa cái đẹp của thiên nhiên cũng là khát
khao tự nhiên của mọi người, nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
(Vội vàng).
Đọc những câu tiếp sau chúng ta mới giật mình nhận ra Mai
Văn Phấn không “ích kỉ” như vậy. Mặc dù từ vựng trong câu thơ đều mang ý nghĩa
giữ lại, bắt, đóng khung… nhưng nội hàm câu thơ lại mở ra, trải rộng, bay bổng.
Tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” thiên nhiên của ông thành không gian bất
tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào
khoe sắc và cất tiếng tự do.
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Tác giả và “con chào mào” của câu chuyện bắt đầu liên
tiếp những dịch chuyển không gian. Khi “hối hả đuổi theo”, nhân vật “tôi” mang
theo cả không gian đầy nắng, gió, cây xanh mong níu giữ con chim chào mào và
tiếng hót. Biện pháp tu từ liệt kê càng làm tăng sự hối hả đó. Đây là cuộc đuổi
bắt ngoạn mục làm hiển lộ vẻ đẹp của con chim và tâm thế của tác giả.
Biên độ không gian thiên nhiên “nắng, gió, cây xanh” được
mở rộng vô cùng cũng là lúc vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ được cất cánh, thăng hoa.
Điều này, ta đã bắt gặp sự gần gũi, trước đó, trong một bài thơ khác của ông:
Con khướu vừa bay
Hòa sắc hoàn hảo
Nó màu xám
Vệt trắng hai bên má
Ức và cằm loang đen
Tôi họa lại hình chim
Nhẫn nại tô màu
Không phải thế
Mãi không phải thế!
(Tĩnh lặng).
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
Cái kì diệu của đoạn thơ này nằm trong hai cụm từ “trong vô tăm
tích” và “của tôi”. Nội hàm của vô tăm tích ở đây chính là sự vô thủy vô chung
của thiên nhiên, vũ trụ. Có điều lạ là nhà thơ lại “nghĩ”, thực ra là ông đã
nhìn, quan sát kỹ, sống cùng, cảm nhận, nương theo cái “vô tăm tích” bằng vũ
trụ quan của ông.
Ở đây lại thêm một lần nữa nhà thơ cho bạn đọc nhìn thấy sự hòa
trộn giữa ông và thiên nhiên được hiển hiện trong đời sống muôn vẻ của con chào
mào. Nhưng khi không còn thấy tăm tích, nhân vật “tôi” đã hình dung con chim
chào mào đang mổ những “con sâu, trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch của
tôi” – những món quà “chuộc lỗi” khi con người hiểu rằng, con chim chào mào
mình yêu quý sẽ chỉ hạnh phúc trong cuộc sống tự do, tự nhiên giữa thiên nhiên.
Như Tố Hữu từng khát khao nhận ra
Sao không trả nó về mây gió
Cho nó say sưa uống ánh trời?
(Con chim của tôi).
Tất cả những dịch chuyển sống động và bất tận ấy được nhà thơ
khẳng định trong câu thơ “Thanh sạch của tôi”. Khái niệm “của tôi” trong trường
hợp này cho thấy hồn vía kẻ sáng tạo đã được chiết ra, gạn lọc lấy những gì
tinh túy nhất, đẹp nhất để “nuôi” chú chim bé nhỏ của ông (ẩn dụ). Nói khác đi,
vẻ đẹp của cả hai đã hóa thân vào nhau, tôn nhau lên (biết nhận và cho đi). Một
thế giới của sự tương giao, hài hòa.
Dòng thơ được lặp lại hai lần trong bài thơ là:
“triu…uýt…huýt…tu hìu…”. Nghệ thuật lặp lại (điệp ngữ) tiếng chim chào mào,
tách riêng thành một dòng thơ độc lập, không viết hoa đầu câu kết hợp liên tiếp
dấu ba chấm tạo ấn tượng, nhấn mạnh điệp khúc. Chuỗi âm thanh được nhắc lại
trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã
đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói
gắt đến phối bè, vang vọng. Tiếng chim ấy không chỉ vang lên từ trên cành cây
cao chót vót, mà còn vang lên ngay trong chính tâm hồn nhà thơ.
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
Hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với
thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Sự khẳng định của
nhân vật “tôi” ở hai dòng thơ cuối thể hiện những đổi thay, chuyển dòng trong ý
nghĩ, cảm xúc; trong tình yêu dành cho thiên nhiên.
Hình bóng đã mờ nhòe mà tiếng hót du dương vẫn vang vang trong
tâm trí. Bởi vì, nhân vật “tôi” có trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi
hồn mình; biết ứng xử với thiên nhiên bằng sự tôn trọng và tình yêu chứ không
phải bằng mong muốn “độc chiếm” hẹp hòi, ích kỉ. Tình yêu thương ấy khiến cho
tâm hồn con người rộng mở, phong phú, tràn đầy niềm vui và sức sống. Chẳng còn
tách bạch “tôi” và “con chào mào”, “tiếng hót”: “Tôi” đã là con chào mào, là
không gian, là tiếng hót kia. Đã tràn khắp trong nhau.
3.
Bài thơ viết theo thể thơ tự do, khổ thơ có nhiều biến tấu, kết
hợp hài hòa giữa tính từ chỉ màu sắc: Trắng, đỏ, xanh với động từ chỉ hoạt động
của chim (hót, cất cánh, mổ, bay) và người “tôi” (vẽ, ôm, đuổi theo, nghĩ,
nghe). Hành trình của chim và người là hành trình cộng hưởng mở rộng không
gian, mở rộng tâm hồn đón nhận và hòa nhập.
Đó cũng chính là hành trình tìm kiếm chân lý: CÁI ĐẸP. Cách thức
sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ với bút pháp độc đáo, lạ, pha
trộn hài hòa giữa hiện thực và huyền ảo giúp ta khám phá thế giới trong không
gian đa chiều. Bắt đầu là không gian thực “trên cây cao” đến không gian tưởng
tượng “trong vô tăm vô tích” và cuối cùng là không gian của tiềm thức tâm tưởng
“bay về”. Từ những hành động rất cụ thể, lý tính, trực cảm: Vẽ, ôm, đuổi theo,
nghĩ đến tiềm thức, tâm thức: Nghe; phủ định “chẳng cần” phải “ý nghĩ/ nghĩ”
nữa để khẳng định đã “nghe” (tự bên trong thấu cảm, tương thông, tương giao rồi
“rõ” cả về không gian và thời gian).
Cả bài thơ duy nhất một dấu chấm ở cuối bài để hình tượng cái
“tôi” cảm xúc trôi chảy tự nhiên, đắm chìm, khát khao một thế giới tinh thần
tương giao. Chẳng phải vậy mà ban đầu giọng thơ gấp gáp, nhanh “vội vẽ, vẽ
xong, hối hả đuổi theo” đến cuối bài lại “thong dong, hồn nhiên, trong trẻo
nhất”. Thi nhân an nhiên tự tại, phi ngã, đã đốn ngộ “của tôi – chẳng cần”: Không
phải sở hữu cái đẹp mới có cái đẹp, mới giàu có về cái đẹp mà đạt tới cảnh giới
của cái ĐẸP là một tâm hồn đẹp, rộng mở, hòa nhập, sẻ chia và tự do với vạn
vật; mất mà lại được, muốn bắt rồi phải buông, từ giới hạn đến vô hạn, bỏ riêng
tư hòa vào tất cả.
Thế giới tuổi thơ của chúng tôi cũng đã trải qua những ngày
tháng dữ dội. Biết bao buổi phơi mình trên cánh đồng nóng rát chạy theo những
con cua, con cá rô đồng và ngửa cổ lên trời mang theo những khát vọng bay cao,
bay xa của con diều. Rồi có những buổi trốn học đi tìm bắt chim non trên cây
dừa, cây cau... Buồn nhất là không may chú chim của mình bị mèo xơi mất hay sổ
lồng tung cánh bay xa...
Không gian thiên nhiên núi rừng, đồng ruộng càng ngày càng thu
hẹp, muông thú, chim chóc cũng ít đi, hiếm dần. Cuộc sống công nghiệp xô bồ,
tiếng thiên nhiên cũng thưa vắng, thưa vắng đến xa lạ. Con người cũng kì lạ
thật. Không biết là thú chơi, là lưu giữ cái đẹp hay là gì nữa... Những chú
chim chỉ biết nhảy nhót hót chơi trong chiếc lồng quá chật hẹp.
Thỉnh thoảng đi ngang qua tuyến phố chuyên bán chim cảnh, bất
giác hình ảnh “Con chào mào” của Mai Văn Phấn lại dội về ký ức đẹp của tuổi thơ
dù con chim có tung lồng bay xa về với thiên nhiên bất tận nhưng, như nhà thơ
nói: “Tôi cảm thấy như mình đang nhìn đời sống bằng đôi mắt của một bé thơ,
biết run rẩy và ngỡ ngàng trước mọi hiện hữu trong đời sống” vì “Chẳng cần chim
lại bay về/Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ”.
______________
* Giáo viên Trường THCS Nguyệt Ấn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
(Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại)
Chào mào hồng y