image advertisement
image advertisement





























 

Nỗi lòng người anh có em gái đi lấy chồng (bình thơ) - Tịnh Bình

Nỗi lòng người anh có em gái đi lấy chồng

 

 

Cầu Tre Lắt Lẻo | OVV

 

 

Tịnh Bình

 

 

EM GÁI ĐI LẤY CHỒNG

 

Đưa dâu qua chiếc cầu tre

Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn

Nắng run trên cánh chuồn chuồn

Ngõ sâu như sợi chỉ luồn buộc quanh

Tuổi em như hoa dành dành

Hương bay đã mắc tơ mành nhện giăng

Ao người ta nước dung dăng

Vầng trăng em cất lên bằng vó thưa

Giấc mơ ủ xuống gáo dừa

Hoa cau còn rụng, vại mưa còn đầy

Đường trơn cây cỏ dang tay

Quang trành gót nhỏ đỡ gày đồng xa.

Em ơi, từ độ vắng nhà

Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày!

Màn lưa thưa gió heo may

Chắc là mẹ ngủ đêm nay chập chờn…

 

Mai Văn Phấn

 

(Rút từ tập thơ "Gọi xanh", NXB Hội Nhà văn, 1995)

 

 

 

Lời bình của Tịnh Bình:

 

Mai Văn Phấn là một nhà thơ nổi tiếng. Ông viết rất khỏe và đằm. Năm 2017, ông đã được nhận Giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển. Thơ của ông còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thơ Mai Văn Phấn có rất nhiều bài hay, đọc rồi dư âm của nó còn ám ảnh mãi. Bài "Em gái đi lấy chồng" là một trong những bài thơ như vậy.

 

Bài thơ là tình cảm chân thành của người anh trai đối với em gái, ngày em đi lấy chồng. Có người anh nào lại không thương và lo cho em gái? Nhưng chọn thời điểm ngày em đi lấy chồng để bộc bạch tình cảm, cảm xúc thì đó không đơn thuần là tình cảm mà còn là tình thương, trách nhiệm và nỗi lo của anh trai đối với em gái. Trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời em, nhà thơ không kìm nén được cảm xúc. Lời thơ cứ thế bật ra xúc động, nghẹn ngào. Cái cảm giác chạnh buồn vương vấn suốt bài thơ. Vẫn là những lo lắng thường nhật cho em, nhưng đọc lên nghe sao mà buồn thương đến vậy:

 

Đưa dâu qua chiếc cầu tre

Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn

 

Khởi đầu bước đường làm dâu của em gái chắc sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Hình ảnh “chiếc cầu tre” cho ta hiểu, nơi em gửi gắm cuộc đời là một miền quê nghèo khó. Có câu “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, nhưng em thì phải ra “đồng người”. Em đã mắc "tơ mành nhện giăng" xứ người. Hình ảnh "lá chua me" được sử dụng trong câu thơ thứ hai, phải chăng tác giả muốn nói đến tuổi hồn nhiên vô tư của em đã chấm dứt, rồi đây em phải bước vào một cuộc sống mới với bao vất vả khôn lường?

 

Cảm xúc chủ đạo quán xuyến bài thơ là yêu thương và lo lắng. Yêu thương em bao nhiêu, người thơ càng lo lắng cho em bấy nhiêu. Bắt đầu là những khó khăn em phải đối mặt, không chỉ là chiếc cầu tre mỏng mảnh, mà thiên nhiên, thời tiết ngày em đi lấy chồng cũng nói lên sự khắc nghiệt:

 

Nắng run trên cánh chuồn chuồn

Ngõ sâu như sợi chỉ luồn buộc quanh

 

Biện pháp nhân hóa và so sánh của cặp lục bát giúp người đọc hình dung về miền quê mới em về làm dâu sẽ có rất nhiều gian nan, thử thách đang chờ đợi em?

 

Đối với mỗi phụ nữ thì lấy chồng là một cuộc chơi may rủi. Là anh nên nhà thơ thấu hiểu và chia sẻ với em những lo lắng và cả những dự cảm về cuộc sống sắp tới của em. Nhà thơ dùng hình ảnh “Vầng trăng em cất lên bằng vó thưa" và "Giấc mơ ủ xuống gáo dừa”, phải chăng để nói về hiện thực cuộc sống của em khi đã có gia đình? Hai câu lục bát sau đó nhằm cụ thể hơn công việc thường nhật của em trong vai trò nàng dâu:

 

Đường trơn cây cỏ dang tay

Quang trành gót nhỏ đỡ gày đồng xa.

 

Cuộc sống chân lấm, tay bùn mà em “đã mắc tơ mành nhện giăng”, là cuộc sống chắc không dễ dàng gì. Nhưng dù vậy, em đã có một gia đình để yêu thương và có trách nhiệm. Điều anh lo hơn là nỗi lo về mẹ. Bởi:

 

Em ơi, từ độ vắng nhà

Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày!

Màn lưa thưa gió heo may

Chắc là mẹ ngủ đêm nay chập chờn…

 

Khổ thơ kết vừa là nỗi lòng (gián tiếp) của mẹ đối với em, vừa là tình cảm, sự lo lắng của anh đối với mẹ ngày em đi lấy chồng. Nếu ai đã từng sống ở nông thôn, chắc sẽ không lạ hình ảnh “Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày”. Con gái đi lấy chồng, lo cho con mọi bề, thế nên mẹ chẳng thiết ăn uống và làm sao có thể ngủ ngon? Bà mẹ nào cũng thương con và lo cho con như vậy. Mẹ chỉ xuất hiện ở câu thơ cuối nhưng tình cảm của mẹ thì lúc nào cũng đằm sâu, rộng mở.

 

Bài thơ "Em gái đi lấy chồng" của Mai Văn Phấn viết cho em gái ngày em đi lấy chồng chưa phải là bài thơ hay nhất của ông, nhưng với tôi, đó là một bài thơ xúc động và ám ảnh. Với giọng điệu lục bát ngọt ngào, ngôn ngữ, hình ảnh thơ giản dị, quen thuộc, tất cả được thẩm thấu, lắng đọng bằng tình cảm rất mực yêu thương của người anh dành cho em gái của mình.

 

T.B

 

 

(Nguồn: Báo Hải Dương)

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị