image advertisement
image advertisement





























 

Mai Văn Phấn “mở thông những cánh cửa” (bình thơ) - Vũ Thanh Hoa

Mai Văn Phấn “mở thông những cánh cửa”

 

 

Nhà thơ Vũ Thanh Hoa

 

 

Vũ Thanh Hoa

 

 

NGHE EM QUA ĐIỆN THOẠI

 

Tiếng em trong điện thoại rất trong và nhẹ

 

Một giọt nước vừa tan

Một mầm cây bật dậy

Một quả chín vừa buông

Một con suối vừa chảy

 

Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau. Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ.

 

Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung

 

Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường cũ

 

Chỉ còn gợn sóng lan xa

Chỉ còn tan trong diệp lục

Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt

Chỉ còn bờ đá lung lay


Mai Văn Phấn

 

(Rút từ tập thơ "và đột nhiên gió thổi", NXB Văn học, 2009)

 

 

 

Lời bình của nhà thơ Vũ Thanh Hoa

 

“Nghe em qua điện thoại” là một trong số bài thơ tôi yêu thích của Mai Văn Phấn, thi sĩ mà tôi ngưỡng mộ trong số những nhà thơ Việt đương đại. Thơ Mai Văn Phấn tinh tế, giản dị, chân thật, dễ tiếp thu nhưng không phải ai cũng hiểu hết. Dễ tiếp thu bởi nhà thơ lấy cảm xúc chủ đạo từ thiên nhiên, cây cỏ, đất trời… khởi nguồn cho tình yêu, cuộc sống, ước mơ, khát vọng… Thi sĩ Mai Văn Phấn chắt lọc từ cảm nhận của các giác quan, những rung cảm gần gũi nhất, quen thuộc nhất, đời thường nhất để cất cánh từ đó, hóa giải từ đó.

 

Đọc thơ Mai Văn Phấn càng về sau, càng ít gặp các triết luận đao to búa lớn hoặc là những phẫn nộ, bức xúc, chỉ trích, những ám ảnh cụ thể của cá nhân trong một hoàn cảnh nào đó hoặc nhân vật nào đó. Có thể điều này là một trong các lí do cho thơ Mai Văn Phấn đã vượt thoát khỏi thời đại, lan tỏa được qua không gian, thời gian và thậm chí chạm cả đến thế giới tâm linh. Như vậy có phải nhà thơ đã từ chối những vấn đề thuộc về “nhân tình thế thái” chăng? Nhà thơ Thi Hoàng trong bài viết đã cho rằng: “Trên con đường dấn thân đi tìm nẻo khác cho thơ mình, cái nẻo càng ít dấu chân, thậm chí chưa có dấu chân ai đó càng tốt, Mai Văn Phấn đã dằn mình để cho sự mạo hiểm thắng sự sợ hãi và chấp nhận những đau xé, cơn đau siêu thực hành hạ anh có khi còn hơn những cơn đau hiện thực….” (Cách tân như là đẩy thơ vượt qua tai họa - Thi Hoàng)

 

“Khoảng cách tới đầu dây bên kia là ruộng đồng, làng mạc, quang gánh. Là xe cộ, tháp dựng, rễ sâu. Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau”

 

Sự nối kết của quá khứ và hiện tại, của làng quê và thành phố, của mộc mạc và hiện đại...  Vâng, nó là “ruộng đồng, làng mạc, quang gánh”: Không ai chối bỏ được nguồn cội của mình bởi khởi sinh từ máu thịt, có trong từng hơi thở, từng tế bào nên đó đều là điều hiển nhiên giản dị ùa đến trong trái tim và tâm tưởng:

 

Giọng em không vượt qua mà làm cho chúng bé lại, mở thông những cánh cửa sang nhau”  

 

Và ngay cả thế giới tâm linh nơi những vỉa tầng của đất cũng không còn xa lạ, không còn là cánh cửa bí mật đóng mãi, bởi tâm linh chính là sự nối kết của nội tâm con người với nhau. Nơi sự sống và cái chết là vòng luân hồi. Và con người dù ở thế giới nào thì cũng vẫn thân thuộc, cũng vẫn rất “người” thôi:

 

Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm”

 

Với khổ thơ đầu, Mai Văn Phấn đã khiến cho vòng tuần hoàn của tình yêu chảy trong tâm hồn và trái tim của những người yêu nhau và yêu cuộc sống này. Và khổ sau càng làm cho những tầng âm thanh cộng hưởng thêm…

 

Tôi không đồng nhất với một số quan niệm cho rằng Mai Văn Phấn khai sinh ra thế giới “tôi” riêng biệt hay rời bỏ đám đông để tạo ra cơn địa chấn hay bứt phá. Đọc kĩ thơ Mai Văn Phấn, càng thấy về sau, nhà thơ càng đi về phía “chúng ta”, càng gần gũi với thế giới, với thiên nhiên hoang sơ, với đời sống cảm xúc con người để “mở thông những cánh cửa sang nhau”.

 

Nhà thơ Thi Hoàng viết: “Phải luôn tự bồi đắp mình, Mai Văn Phấn mới phong phú, phồn tạp, dư thừa rồi chọn lựa mà phủi vưỡi, vất bỏ đi những lòe loẹt rườm rà rối vướng để giản dị chứ đâu phải nghèo nàn, thậm chí không có gì ở năng lực thi ca mà ngộ nhận là giản dị!…” (Cách tân, như là đẩy thơ vượt qua tai hoạ – Thi Hoàng)

 

Nhà phê bình Lê Hồ Quang nhận xét: “Sự “phi logic” chỉ là bề mặt, nó nhằm để hướng tới cái logic bề sâu của sự vật, hiện tượng. Dĩ nhiên, kiểu tổ chức văn bản này luôn gây ra những hiệu ứng ngược chiều. Một mặt nó “gây nhiễu”, khiến người đọc không khỏi hoang mang khi muốn tìm ra cái đáp án quy tụ mọi hình ảnh, câu chữ chừng như tứ tán, hỗn loạn trên vào một ý nghĩa đơn nhất. Nhưng mặt khác, nó giải phóng trí liên tưởng, tưởng tượng, “vẫy gọi” những cách lí giải khác nhau về tác phẩm. Rất nhiều bài thơ xuất sắc của Mai Văn Phấn được tổ chức theo hình thức này, chẳng hạn Mùa trăng, Đỉnh gió, Những bông hoa mùa thu, Biến tấu con quạ, Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, Anhanhemem, Cửa Mẫu…”

 

Biên độ mở trong thơ Mai Văn Phấn tùy thuộc vào cảm thức người đọc. Nếu đọc theo kiểu “đi tìm chủ đề tư tưởng, nhân vật trữ tình điển hình và bài học ý nghĩa qua triết lí nhà thơ gửi gắm” thì chắc chắn bạn sẽ thấy choáng ngợp trong ăm ắp những thi ảnh và ngôn từ tự do, cởi mở, không theo khuôn mẫu hay trật tự thường thấy.

 

“Anh mơ được em gieo trồng trên ngực

Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt

Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào

Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp.

 

Gió sẽ đến vỗ về từng chiếc lá

Lật phía bên kia che cơn bão đang về

Mùa đông em phủ lá vàng lên mặt

Nỗi ưu phiền mục ra trong lấm chấm mưa xuân...”

(Bài ca buổi sớm – M.V.P.)

 

Thơ Mai Văn Phấn “mở thông những cánh cửa” liên tưởng, ngẫm nghĩ, ẩn dụ và trần trụi. Nhà thơ để cho thiên nhiên thâm nhập vào tâm hồn, cho vạn vật dẫn dắt ý thức, luân hồi giao hòa, tái sinh và để cho tự do cuốn đi một cách tự nhiên nhất, phóng khoáng nhất.

 

“Nói tiếp cho anh những câu bâng quơ không nội dung…”

 

Cuộc điện thoại từ Em, những câu chuyện Chúng Mình vừa nói có lẽ chỉ là cái cớ, là khởi đầu cho cho giấc mơ bất tận về tình yêu mà cuộc đời ban tặng cho đôi uyên ương, qua đó tác giả cảm nhận rõ hơn hạnh phúc mong manh và quý giá. Và qua đó tác giả đã nhận ra chân giá trị của Cái Đẹp và sự Vĩnh Cửu?

 

“Lát nữa em đặt ống nghe, chắc mọi vật sẽ loay hoay tìm về đường cũ

Chỉ còn gợn sóng lan xa

Chỉ còn tan trong diệp lục

Chỉ còn thoảng bay dịu ngọt

Chỉ còn bờ đá lung lay”


Mai Văn Phấn được đánh giá là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua bởi những nỗ lực cách tân. Cách tân không dừng lại ở hình thức mà cả về tư tưởng và cảm nhận. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Giang nhận xét: “Nền thơ Việt Nam sau 1975 là một bức tranh khá phong phú và phức tạp. Thơ hội nhập với xu hướng thế giới, mở rộng biên độ phản ánh và có những cách tân mạnh bạo về thi pháp. Thơ bắt đầu tách khỏi chính trị, các nhà thơ tập trung hơn vào các giá trị thẩm mỹ. Thơ đi từ cái ta sang cái tôi trữ tình, đời tư thế sự, khẳng định con người cá nhân được nhìn từ nhiều bình diện, thấy được sự hữu hạn của đời người và những điều tâm linh bí ẩn. Hành trình thơ Mai văn Phấn phần nào phản ánh sự sáng tạo bền bỉ, vốn kiến thức văn hoá dồi dào, mặt khác cũng khẳng định quy luật đổi mới tất yếu của thơ đương đại.” (Đặc điểm thơ Mai Văn Phấn)

 

Thi sĩ  Mai Văn Phấn đã xuất bản 16 cuốn thơ và một cuốn sách, phê bình - tiểu luận tại Việt Nam; 29 cuốn thơ xuất bản ở nước ngoài. Thơ của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng; xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Gần đây nhất nhà thơ Mai Văn Phấn là người đầu tiên đoạt giải thưởng thơ mang tên “Frederick Turner” mới thành lập năm 2023 của Nhà xuất bản Mundus Artium Press (Đại Học Texas Tại Dallas – Hoa Kỳ), Mai Văn Phấn được Nhà xuất bản này gọi là “Van Gogh của thơ đương đại”.

 

V.T.H

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị