MÙA XUÂN TRÀN VÀO CHÉN ĐẮNG
(Đọc bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn)
Tác giả Tuệ Mỹ
THUỐC ĐẮNG
(Cho Ngọc Trâm)
Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa
Thuốc đắng không chờ được rồi
Giữ tay con
Cha đổ
Ngậm ngùi thả lòng chén vơi…
Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh
Và những cánh hoa mỏng mảnh
Đưa hương phải nhờ rễ cay.
Mồ hôi keo thành chai tay
Mùa xuân tràn vào chén đắng
Tuổi cha nước mắt lặng lặng
Sự thật khóc òa vu vơ.
Con đang ăn gì trong mơ
Cha để chén lên cửa sổ
Khi lớn bằng cha bây giờ
Đáy chén chắc còn bão tố.
M.V.P
(Rút từ tập thơ "Giọt nắng", Hội Văn Nghệ
Hải Phòng xuất bản, 1992)
Lời bình của Tuệ Mỹ:
Lời
đề từ “Cho Ngọc Trâm”, ghi dưới tiêu đề bài thơ, cho bạn đọc hiểu rằng, tác giả
Mai Văn Phấn đã viết “Thuốc đắng” cho cô con gái nhỏ của ông. Bài thơ
cho biết khi con gái bị sốt cao, nhà thơ phải túc trực dõi theo và đã ép con
mình uống thuốc. Những phức cảm trong tâm trạng của nhà thơ đã xuất hiện trong
bài thơ này. Đó là nỗi lo âu, phấp phỏng dẫn đến hoảng hốt, những suy tư trong
đợi chờ, hy vọng... Tình huống ấy vừa như tảng đá đè nặng lên ông, vừa như sợi
dây thòng lọng vô hình treo lơ lửng phía trước ông. Cũng từ đó, tứ thơ của Mai
Văn Phấn đã bất ngờ xuất hiện, thăng hoa rực rỡ trong những giờ phút khó quên.
Bài thơ viết về tình cha con, nhưng chạm đến những ẩn ức và trăn trở của tác giả,
nên đã mở cho bạn đọc nhiều chiều kích của tưởng tượng, những liên tưởng khác nữa.
Khác
với nhiều bài thơ viết cho con, thường mang âm hưởng ngọt ngào êm dịu, Mai Văn
Phấn đã mở đầu “Thuốc đắng” bằng những âm điệu chói gắt, đầy kịch
tính và gây sốc:
“Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa
Cha cũng có thể thành tro nữa”
Câu
thơ đầu tiên trong bài bầy đặt trước mắt người đọc một khung cảnh rộng với ngọn
lửa rực cháy đang bén dần đến giàn thiêu người. Chữ “giàn lửa” xuất hiện đột ngột
diễn tả đầy đủ tâm trạng hốt hoảng đến tột độ của người cha trước cơn sốt của
con. Câu thơ cho thấy người cha như đang bị thiêu đốt trước sức nóng của “ngọn
lửa”. “Cha cũng có thể thành tro nữa”.
Tác giả đã giấu đi không muốn gọi tên điều ông lo sợ nhất có thể xảy ra, là con
gái bé bỏng của ông có thể không vượt qua cơn sốt. Một trường từ vựng về lửa (sốt
- thiêu - lửa - tro) được trình hiện diễn tả đỉnh cao cơn sốt đang thiêu đốt cơ
thể con ông, đồng thời biểu đạt tâm trạng ông lúc đó. Hai câu thơ mở đầu này
như “động lệnh” mà không có “dự lệnh”. Tức hành động, hiện tượng bất ngờ xảy ra
làm người xem/ nghe/ đọc không khỏi giật mình. Cách ông gọi tên các “động lệnh”
này làm cho người đọc liên tưởng tới tiếng sấm, tiếng rạn nứt của tảng băng lớn,
hay chiếc cốc thủy tinh bất ngờ rơi vỡ…
Tác
giả tạo ra “động lệnh” ấy nhằm biểu đạt một thái độ dứt khoát trong cách lựa chọn
hành động tiếp theo. Chỉ có một trong hai phương án phải chọn: uống thuốc hay
không uống? tồn tại hay không tồn tại? Phương án mà tác giả đã chọn cho con
mình cũng là cho chính mình: “Thuốc đắng
không chờ được rồi”. Ở đây tác giả chú trọng từ “đắng”. Vị “đắng” lúc này mới
cứu được con khỏi bệnh. Nhưng có đứa trẻ nào ưa vị “đắng” và sẵn sàng uống thứ
thuốc ấy? Tác giả đã quyết định hành động thật dứt khoát (có phần thô bạo!):
“Giữ tay con
Cha đổ”
“Cha đổ” là câu thơ cực ngắn duy nhất
trong bài được đặt ở vị trí đặc biệt nhằm kết thúc một hành động có chủ đích: cứu
người! Với suy đoán ban đầu của tôi, thì khổ thơ đầu của bài thơ sẽ được kết
thúc sau câu thơ cực ngắn này. Nhưng thật bất ngờ với câu thơ tiếp theo diễn tả
tâm trạng “Ngậm ngùi thả lòng chén vơi…”, đây mới là câu cuối của khổ
thơ đầu. Câu thơ xếp ở vị trí này cho thấy sự “ngậm ngùi” đã âm thầm
song hành cùng mọi suy nghĩ và hành động của người cha kể từ câu thơ đầu tiên.
Nó cũng chỉ xuất hiện khi con gái nhỏ đã uống xong chén thuốc của cha.
Khổ
thơ đầu có thể được coi là đoạn song thoại giữa cha và con. Mặc dù bạn đọc
không thấy giọng nói của con được ghi lại trong văn bản thơ, nhưng vẫn có thể
tưởng tượng thấy cô con gái bé nhỏ của nhà thơ đang chống chọi với cơn sốt và
biểu hiện thái độ giao tiếp bằng hành động như, gật hoặc lắc đầu, nhắm mắt, thiêm
thiếp…
Từ
khổ thơ thứ hai đến kết thúc bài thơ là giọng độc thoại-trữ tình của tác giả.
Ranh giới không gian giữa khổ thơ đầu và khổ thứ hai, theo tôi, không ngăn cách
rõ nét, mà nó mờ nhòe bởi tình yêu thương của người cha đã phủ tràn lên đứa con
ngay từ câu thơ đầu tiên của bài thơ. Đọc lại câu thơ “Ngậm ngùi thả lòng
chén vơi…” có thể thấy, đây chính là mối hàn kín, bền chặt giữa không gian
song thoại và độc thoại. Cũng chính từ “mối hàn” này mà người viết bài này đã
hình dung (dù tác giả không thể hiện trên văn bản thơ) cô con gái của Mai Văn
Phấn đã hạ sốt sau khi uống thuốc và bắt đầu ngủ được.
“Con ơi! Tí tách sương rơi
Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh”
Nhà
thơ nói với con, gọi lúc con đã ngủ, nhưng thực ra ông đang nói với chính mình,
đã yên tâm hơn vì con ông vừa vượt qua cơn sốt. Đến đây tôi phỏng đoán, có thể
nhà thơ đã ngồi cách con mình một khoảng cách nhất định. “Khoảng cách” ấy giúp
cho không gian tưởng tượng của ông mở ra bất tận với nhiều liên tưởng về thế
thái nhân tình, về thiên nhiên, vũ trụ. Ông đã âm thầm nói với con về quy luật
của đời sống, về sự tồn tại mong manh nhưng đầy linh diệu của kiếp người và vạn
vật. Như giọt sương rơi phát ra âm thanh “tí tách” kỳ diệu kia đã được “vắt”
qua đêm đông giá lạnh nhọc nhằn. Câu thơ còn với hàm nghĩa, đêm đông đã phải quặn
mình, lắng lòng lại mới chắt được những giọt sương trong suốt đang rơi xuống.
Tiếp đến ý thơ khác nhưng vẫn nằm trong mạch suy tưởng trên: “Và những cánh hoa mỏng mảnh/ Đưa hương phải
nhờ rễ cay”. Ở đây tác giả muốn nói với con rằng, khi tỉnh
dậy con sẽ nhìn thấy những cánh hoa mỏng mảnh tỏa hương ngoài vườn kia, nhưng
nó không tự nhiên mà có, mà phải nhờ cả thân cây, cánh lá nuôi dưỡng và che chở,
nhất là chùm rễ nằm trong đất luôn âm thầm hút dưỡng chất để nuôi cây nuôi hoa.
Trong câu thơ có một từ rất đặc sắc là “rễ cay”. Khi mới đọc, tôi
ngỡ văn bản in nhầm “cây” thành “cay”, nhưng đây đúng là cách dùng từ độc đáo của Mai Văn Phấn. Rễ của mỗi loài
cây thường có hương vị riêng, nhưng tác giả đã chọn vị “cay” cho bài thơ
này. Vị “cay” của rễ làm nên những cánh hoa mỏng manh tỏa hương gợi ta nhớ đến
câu tục ngữ “Thuốc đắng giã tật”. Phải chăng tiêu đề bài thơ “Thuốc đắng”
được khởi nguồn từ câu tục ngữ này?
Nếu
khổ thơ thứ hai tác giả liên tưởng tới thiên nhiên, vũ trụ, thì khổ thơ thứ ba
là những suy tưởng của ông về thế sự, về cuộc sống đương thời.
“Mồ
hôi keo thành chai tay
Mùa
xuân tràn vào chén đắng
Tuổi
cha nước mắt lặng lặng
Sự
thật khóc òa vu vơ”.
Ở
đây không còn là những liên tưởng nhân-quả như khổ thơ thứ hai nữa mà chính là
bức tranh xã hội, thời đại mà nhà thơ đang sống. Câu thơ “Mồ hôi keo thành
chai tay” nói về quy luật nhân sinh, sự lao động vất vả đã để lại dấu tích
trên bàn tay con người. Ngay sau câu thơ này, hình ảnh “mùa xuân” tràn về bất
ngờ xuất hiện, nhưng tác giả không cho nó lan tỏa trên mặt đất hay phủ ngập
không gian mà “tràn vào chén đắng”. Vậy “chén đắng” ở đây là chén
gì? Và tại sao lại là “chén đắng”? Với cảm nhận của riêng tôi, “chén
đắng” trong khổ thơ này chính là những nhọc nhằn, cam go, cả những bất
công, oan khuất mà con người phải gánh chịu. Với tuổi đời trải nghiệm của người
cha lúc ấy (tác giả viết bài thơ “Thuốc đắng” lúc 36 tuổi) mà những giọt nước
mắt của ông đã “lặng lặng” chảy vào bên trong tâm can, cùng những “Sự
thật khóc òa vu vơ”. Tiếng khóc òa lên “vu vơ” ấy là tiếng khóc
không rõ nguyên cớ và khóc cũng không ai nghe... Đó là tiếng khóc của người phải
chịu những trái ngang, oan uổng… Đến đây xin được “rẽ ngang” mạch viết, bởi tôi
gặp trong bài thơ có hai từ lạ: “rễ cay”
và “lặng lặng”. Tôi đã thử thay thế “lặng lặng” bằng những từ đồng
nghĩa, như lẳng lặng, lặng thầm, lặng lẽ, lặng câm, trĩu nặng, đè nặng… thấy đều
không đắt như từ trong văn bản thơ. Hai từ này có thể ghi nhận sự sáng tạo từ vựng
của Mai Văn Phấn.
“Con
đang ăn gì trong mơ
Cha
để chén lên cửa sổ
Khi
lớn bằng cha bây giờ
Đáy
chén chắc còn bão tố”.
Đến
khổ thơ cuối này tác giả đã đưa bạn đọc sang một không gian khác. Đây là lúc
con gái ông đã vượt qua cơn sốt và chắc đang mơ được ăn món gì đó rất ngon. Động
tác của người cha “để chén lên cửa sổ” đã mang cho bạn đọc liên tưởng lạ.
Đây chính là chiếc chén mà con gái nhà thơ đã uống hết liều thuốc có vị đắng.
Chính nơi mà tác giả vừa đặt chiếc chén lên đó, đã cho người đọc cảm nhận, nơi ấy
không còn là bệ cửa sổ nhà ông nữa, mà nó là bờ của dòng thời gian, hay ví khác
đi chính là bờ của con sông cuộc đời đang cuộn chảy. Dòng thời gian ấy tiếp tục
chảy mãi, và nhà thơ đã hình dung khi con gái mình lớn lên, bằng tuổi ông lúc ấy
(36 tuổi), thì bão tố cuộc đời chắc vẫn chưa nguôi trong đáy chén kia. Mỗi câu
thơ trong bài đã truyền cho người đọc sự xúc động khôn nguôi về tình cha con.
Nhưng câu thơ kết “Đáy chén chắc còn bão tố” đã làm thay đổi diện mạo, sắc
thái của tất cả những câu thơ trong bài. Đây không còn là câu chuyện riêng của
cha và con, của tác giả bài thơ với cô con gái bé bỏng, mà là câu chuyện của xã
hội, của kiếp người, của nhân loại.
Theo
nhà thơ Mai Văn Phấn, bài thơ “Thuốc đắng” đã khai mở thế giới thơ
của ông: “Phải chăng, nỗi lo sợ, bồn chồn
của tôi khi nhìn thấy con mình trong cơn sốt cao, lúc tự tay tôi ép con phải uống
thuốc, và nhiều suy tư trăn trở lúc đó đã dẫn tôi tới “xung chấn”. Nó kích hoạt
nguồn năng lượng tiềm ẩn trong con người tôi, khai mở nhãn quan đặc biệt để tôi
nhìn thấy những điều vi diệu mà trước đây chưa được biết. Phải chăng đó là
không gian thơ?”. Những suy tư trăn trở của Mai Văn Phấn khi đất nước vừa
mở cửa, không chỉ của riêng ông mà của chung mọi người dân nước ta vào đầu những
năm 90. Vào thời điểm ấy, những tàn dư của tư tưởng bảo thủ thời bao cấp vẫn
còn ngự trị trong xã hội, ẩn sâu dai dẳng trong góc khuất mỗi con người. Câu
chuyện đứa con gái yêu của tác giả phải uống thuốc đắng cũng giống như xã hội ta khi ấy mang những căn bệnh
nặng cần phải kịp thời chữa trị. Vậy muốn chấm dứt căn bệnh trầm kha ấy nhất định
phải có thuốc chữa, dù đó là loại thuốc có vị “đắng”.
Năm
nay, cô con gái của Mai Văn Phấn đã vào tuổi làm mẹ. Cô cũng đang trải nghiệm
những lo toan, chăm sóc cho đứa con mình bằng tình mẫu tử thiêng liêng như tình
phụ tử mà người cha đã dành cho cô. Chắc cô cũng có những ẩn ức về lịch sử, về
nhân tình thế thái giống và có thể khác với tâm trạng của tác giả trong bài thơ
này, bởi mỗi thế hệ đều có những trăn trở và hy vọng riêng và cả chung.
“Mùa
xuân tràn vào chén đắng”. Dù có thể những người trạc tuổi Mai Văn Phấn (lúc
viết bài thơ này) đang tiếp tục phải uống những chén thuốc có vị đắng khác,
nhưng chúng ta luôn hy vọng và tin vào mùa xuân tươi xanh và sức sống mạnh mẽ.
Hoa Ngọc Trâm cũng thường nở vào mùa xuân.
Bình
Định, 22/10/2021
T.M
Mẹ con Ngọc Trâm, 8/2015