Du ký và cầu nguyện: Một hành trình tâm linh (phê bình) – Mai Văn Phấn
Du ký và cầu nguyện: Một hành trình tâm linh

Nhà
văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Mai
Văn Phấn
Nguyễn
Tham Thiện Kế là cây trội bật một biệt sắc về ngôn ngữ, ở nhiều thể loại văn
học như tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, chân dung văn học... Trong đó du ký
là mảng sáng tác thể hiện rõ tài hoa và phong cách của ông. Các tác phẩm du ký
của Nguyễn Tham Thiện Kế mang dấu ấn cá nhân đậm nét, phản ánh sự tinh tế trong
quan sát và suy ngẫm về con người, thiên nhiên, thời cuộc... Qua những chuyến
đi, ông đã tạo nên những trang viết sinh động, hấp dẫn, kết hợp nhuần nhuyễn
trực giác nhạy bén của một nhà văn với cái nhìn bao quát về đời sống, tâm linh
và văn hóa.
Giuse Nguyễn Tham Thiện
Kế là nhà văn Công giáo, sáng tác trên nền tảng mỹ học Kitô giáo. Qua tập du ký
"Đợi chị về tưới rượu bến
sông" (Nxb. Hội Nhà văn, 2017), ánh sáng Thiên Chúa chan hòa
trên từng trang viết, kết nối văn hóa, tâm linh và cuộc sống. Tác phẩm của ông
là sự giao thoa giữa hành trình đời sống và chiều sâu tâm linh, đồng thời khám
phá những giá trị văn hóa, lịch sử tại một số vùng đất châu Âu. Với 18 bài
viết, cuốn sách phản ánh trải nghiệm cá nhân, khắc họa bức tranh sinh động,
giàu chất thơ, nơi đức tin trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, soi sáng nội tâm
và gắn kết con người với cộng đồng cũng như thế giới.
Đức tin của nhà văn, đặc
biệt là các nhà văn Công giáo, phản ánh niềm tin vào vẻ đẹp "trọn
hảo" và sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đây là yếu tố cốt lõi trong hành
trình khám phá bản chất con người, thiên nhiên và vũ trụ, đồng thời là phương
tiện kết nối giữa hữu hình và vô hình, giữa thế giới vật chất và tinh thần.
Thông qua sáng tác, họ truyền tải các giá trị tôn giáo như tình yêu thương,
lòng bác ái, hy vọng và sự cứu rỗi, tạo nên cầu nối giữa văn hóa và đức tin,
góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa của cuộc sống.
Ánh
sáng đức tin trong du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế hòa quyện với những trải
nghiệm, cảm xúc và các mối quan hệ mà tác giả khám phá trên mỗi chặng đường.
Đức tin không biểu đạt như một chủ đề tôn giáo rõ nét, mà sâu lắng, xuyên suốt,
thấm đẫm từng trang viết. Từ đó, tác phẩm gợi mở những suy ngẫm sâu sắc về cuộc
sống, con người và thế giới đương đại. "Với họ, khu vườn là
một thực thể sống. Tôi cảm nhận tình yêu thiên nhiên từ cách họ chìa tay về mỗi bông hoa, mỗi mầm
câylà một đứa trẻ hoặc một ông già lẩm cẩm khó tính, hoặc khóm hoa yểu điệu kiêu kỳ bắc
bậc với nụ cười luôn sáng. Mỗi bước đi là một bước tôi đánh thức trí nhớ của họ đã vất vả chăm lo tạo dựng khu vườn
như thế nào. Tôi bỗng nhận ra mình may mắn vô cùng khi bước qua ngưỡng cửa La
Victorine". (La Victorine, thiên đường nhỏ xứ Dijon,
tr. 6). Nhà văn thể hiện niềm tin vào tình yêu và lòng nhân ái, tựa như
ánh sáng từ Chúa Kitô, soi rọi để ông nhận thức sâu sắc về sự tồn tại và ý
nghĩa của từng khoảnh khắc.
Mỗi cuộc gặp gỡ, chia sẻ
đều là hành trình tìm kiếm sự chữa lành và hướng đến cái đẹp, sự thiện lành.
Những hình ảnh giàu chất thơ trở thành biểu trưng cho quá trình lắng nghe và
khám phá bản thân, từng bước dẫn đến sự thanh thản, lòng từ ái và sự tái sinh. "Hiện diện ở
nơi này giản đơn để biết lắng nghe mình buồn vui nơi sóng nước
mây trời vĩ tuyến khác... Ban mai
chuyển sáng, bầy thiên nga dang cánh lượn xuống
hồ ngọc bích. Rừng cột buồm đã
hạ lá, chao đảo khua dây chão thắt nút va lạch xạch dọc thân gỗ. Một đôi cánh
cô độc thả mình trên ngọn sóng lênh đênh dưới hàng cọc đỡ cầu tàu" (Và
cơn mưa bất chợt xuống Lausanne, tr.21 và 22).
Một trong những điểm nhấn
của tập du ký là việc tác giả sử dụng biểu tượng tôn giáo để dẫn dắt người đọc
vào không gian thiêng liêng, mở ra mối liên hệ giữa con người, văn hóa và đức
tin. Những hình ảnh như thánh giá, tiếng chuông, ánh sáng... khơi gợi sự kết
nối sâu sắc giữa con người và đức tin. Qua đó, tác giả mở ra một thế giới chiêm
nghiệm, mời gọi người đọc khám phá những giá trị tâm linh và vẻ đẹp vĩnh cửu. "Thuận
theo dòng Tagus, tôi thinh lặng trước tượng đài Khám Phá (Padrao dos
Descobrimento). Khám Phá – dáng chiếc thuyền đang lướt sóng vươn ra không gian
chếnh choáng của sóng và trời xanh, bên kia sông Tagus, Chúa dang tay đón chờ. Cây Thánh Giá đỡ cột
buồm cao vút." (Uống rượu ở cổ thành Monsaraz,
tr. 163). Hình ảnh Cây Thánh Giá, biểu tượng của niềm tin và sự cứu rỗi,
được đặt trong không gian đại dương và bầu trời, tạo nên sự giao hòa giữa điều
thiêng liêng và vũ trụ. Cây Thánh Giá như một cột mốc, điểm tựa vững chãi cho
con thuyền lướt sóng, biểu trưng cho sự dẫn dắt và bảo vệ trong hành trình đời
sống.
Tiếng
chuông trong Công giáo là biểu tượng quen thuộc, mời gọi con người tĩnh lặng và
hướng về Thiên Chúa. Trong du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế, tiếng chuông vượt ra
ngoài ý nghĩa thông thường, hòa quyện âm thanh và ánh sáng, mở ra không gian
huyền ảo, thiêng liêng. Hình tượng này nhắc nhở về sự hiện diện của Chúa trong
từng khoảnh khắc, khơi dậy cảm thức tâm linh: "Chuông nhà thờ rùng rình
hòa nhịp ngực, tôi hỏi Chúa của mình: Bao giờ con trở lại Lausanne?" (Và cơn mưa bất
chợt xuống Lausanne, tr.31); "Tiếng chuông
nhà thờ Notre-Dame rền rền trút thác âm thanh óng vàng lấp mọi khoảng
trống Rouen khiến cho nhịp ngực đập cũng nảy nao, ngơ ngác. Chúng tôi
ngẩng lên trời tìm sự mặc khải nào đó của Chúa. Bầy chim câu vẫn đậu bình yên trên trăm chóp chuông cao mơ màng. Phải
chăng, ở quá gần Chúa, bầy chim không còn nghe thấy tiếng Ngài?" (Mùa xuân chậm bước Normandie, tr. 105).
Ánh
sáng trong tác phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế không chỉ là biểu tượng của chân
lý và đức tin, mà còn phản ánh cái nhìn bao quát, toàn diện của nhà văn về thế
giới; nó đại diện cho sự kết nối giữa con người và vũ trụ, là tâm điểm mà từ đó
mọi vật đều quy tụ. Ánh sáng lan tỏa từ bản thể nhà văn, chiếu sáng mọi ngóc
ngách của đời sống, soi rọi vô minh, mở ra con đường dẫn tới cái đẹp, ơn cứu
độ. Đây cũng là hình ảnh của sự sống, hy vọng và tình yêu vĩnh hằng, từ đó
truyền cảm hứng cho con người vươn tới sự hoàn thiện. "Ba chiếc chuông
nhỏ treo lưng chừng ẩn trong sắc lá như sắp ngân lên những chùm âm ánh
sáng" (La Victorine, thiên đường nhỏ xứ Dijon, tr. 6); "Cảm
hứng thẩm mỹ bỗng thầm ngân khi ánh sáng xiên ra từ bê tông hòa chảy không
gian" (Hoa thắp sáng dưới vòm hầm Paris, tr. 56); "Băng qua sông Seine
lất phất mưa gieo ánh sáng tráng vàng mặt sóng" (Ngoài cửa sổ là hương
cam Mexico, tr. 152)...
Tập
du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế biểu đạt xuất sắc sự giao hòa giữa văn hóa và
đức tin, tạo thành một không gian văn hóa đa dạng, phong phú, nơi đức tin là
một phần cấu thành của đời sống tinh thần, văn hóa. Cuốn sách mở ra không gian
rộng lớn, nơi đức tin được xem như một phần không thể tách rời của đời sống văn
hóa, trở thành nguồn cảm hứng cho những hành động, suy tư, giúp con người nhận
thức được giá trị sống và sự kết nối giữa các thế hệ.
"Lời
khấn nguyện ở Dijon" là bài viết tiêu biểu về sự giao thoa giữa văn hóa và
tâm linh trong tập du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế. Dijon, một thành phố cổ kính
miền Bourgogne, nơi hội tụ những biểu tượng tôn giáo đậm nét. Tác giả khám phá
chiều sâu tâm linh trong từng góc phố, cánh cửa nhà thờ và những Cây Thánh Giá
đặt giữa thiên nhiên. Từ ô kính màu với hình ảnh các thánh đến những bức tượng
mang dấu vết thời gian, Nguyễn Tham Thiện Kế cảm nhận sự hòa quyện giữa ánh
sáng và không khí trang nghiêm. Nổi tiếng với hầm rượu vang, Dijon cũng là nơi
những ngôi thánh đường là nhân chứng của thời gian. Từ đó, tác giả nhận ra rằng
mỗi hành trình là dịp để tái kết nối với giá trị tinh thần và cội nguồn tâm
linh trong chính mình. Nguyễn Tham Thiện Kế đã lồng ghép tín ngưỡng và phong
tục địa phương, tạo nên một không gian giao thoa giữa đức tin và cuộc sống cá
nhân. "Chuông nguyện nhà thờ Đức Bà Dijon
tan loang trời xanh. Chị làm dấu Thánh. Mong ước của tôi thấu đến Chúa. Lời
khấn nguyện phía sau nhà thờ Đức Bà, xin Ngài hãy cho con giữ riêng điều bí mật
Dijon..."; Hay, "Niềm
tin chân chất ấy lại được các công dân Dijon lưu truyền làm phước cho các du
khách đến đây. Họ vào cửa trước nhà thờ Đức Bà Dijon cầu Chúa rồi ra phía sau lầm rầm xin xỏ chim
cú niềm vui. Bởi chim cú chính là hiện thân của Chúa, đến thầm lặng với mọi người trong bóng tối. Tự dưng trong tôi ấm dịu, tôi cũng tin thế và không
muốn biết thêm một giải trình nào làm hư hao niềm tin thiên thần ấy." (Lời khấn nguyện ở Dijon, tr. 37 và 40).
Đức
tin không chỉ hiện diện trong lời nguyện cầu, mà còn thấm sâu vào từng cử chỉ,
từng khoảnh khắc chiêm nghiệm: "Vươn lên cao , đặt bàn tay trái lên mặt chim cú, bàn tay phải đặt lên ngực, trái tim tôi bỗng quặn nhịp,
dập dồn. Bàn tay trái lạnh tê, nhồn nhột trên mặt cú lồi lõm như có luồng điện
kích ứng. Nhắm mắt tôi cầu khấn.
Tôi đối diện với Chúa.
Và ngỏ bày…" (Lời khấn nguyện
ở Dijon, tr. ). Chim cú – loài vật thường được gắn với bóng tối và
sự thầm lặng – trong không gian linh thiêng ấy, đã hóa thành biểu tượng của ánh
sáng. Sự hiện diện của chim cú dẫn dắt con người thoát khỏi những góc khuất tăm
tối, mờ mịt của đời sống, để tìm đến một niềm tin trong trẻo và vững chắc nơi
Thiên Chúa.
Đức
tin trong "Đợi chị về
tưới rượu bến sông" vừa là nền tảng của đời sống tinh thần vừa
là nguồn cảm hứng sáng tạo, thúc đẩy hành trình khám phá và viết nên những câu
chuyện du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế. Tác phẩm làm nổi bật sự chuyển hóa của
đức tin, của tinh thần, biến mọi khung cảnh, sự kiện và trải nghiệm cá nhân
thành những câu chuyện đầy cảm xúc, ý nghĩa và mang tính ẩn dụ cao. Sự kết nối
với Đấng-Thiêng-Liêng thể hiện qua việc tìm kiếm và cảm nhận trong từng chuyển
động của cuộc sống, từ đó đánh thức cảm xúc sâu thẳm và gợi mở những câu chuyện
văn hóa, lịch sử mà mỗi chuyến đi mang đến.
Hành
trình du ký của nhà văn là cuộc di chuyển trong tâm thức, nơi mỗi địa điểm đều
để lại dấu ấn của sự giao thoa giữa trần thế và điều thiêng. Mỗi câu chuyện
trong tác phẩm đều mang tính chiêm nghiệm, thấm nhuần các giá trị đạo đức, nhân
văn và tâm linh.
Văn
phong trong du ký của Nguyễn Tham Thiện Kế được chắt lọc tinh tế, thanh thoát
và sâu lắng. Ngôn ngữ của ông thấm đẫm chất thơ, bay bổng và giàu cảm xúc. Mỗi
đoạn văn vang vọng, mở ra nhiều tầng ý nghĩa, dẫn dắt người đọc qua ánh sáng
đức tin và vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương. "Dư tám giờ tối, vầng quang
mùa hạ ánh lướt trên những tháp chuông chơi vơi thánh giá và sóng cuộn day dứt
vệt dài mãi sau dấu vaporetto. Lắc rắc quầng đèn vàng, đèn trắng trên đỉnh
tháp, đỉnh cột, trên các hốc tường lở lói. Ánh sáng nhuộm sóng, lóng lánh hòa
trộn bất tận niềm vui nỗi buồn reo trôi." Hay: "Tôi gặp thế
giới lúc chưa hẳn già, đã cười gặp nụ cười đáng lẽ không nên cười. Khóc và nghe
tiếng khóc không hẳn rơi nước mắt. Tôi gắng kể những gì có thể, bởi đây là bằng chứng về một đời sống khác cùng thời nhưng chưa thuộc
về chúng ta." (Theo ngàn dấu tín phong, tr.
190 và 219). Những đoạn văn tinh tế, giàu chất thơ của Nguyễn Tham Thiện Kế,
mang theo dư âm của cảm xúc, hòa quyện giữa ánh sáng và bóng tối, niềm vui và
nỗi buồn, tạo nên một thế giới vừa thực vừa mộng. Nhà văn dẫn dắt người đọc vào
chiều sâu tâm hồn và ký ức, nơi từng hình ảnh, từng nhịp điệu câu chữ gợi mở
những tầng ý nghĩa mới mẻ, đôi khi lạ lẫm nhưng luôn cuốn hút và đầy sức sống.
Nguyễn
Tham Thiện Kế là một trong những gương mặt quan trọng của văn học Việt Nam
đương đại, nổi bật với lối viết sắc sảo, giàu liên tưởng. Tác phẩm của ông khai
thác thân phận con người trong những biến động lịch sử, với sự giao thoa giữa
hiện thực và huyền ảo, mang đậm tư tưởng triết lý. Được ảnh hưởng của mỹ học
Kitô giáo, ông khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật, đồng thời mở ra những giá
trị nhân bản bền vững.
Nhà
văn Nguyễn Tham Thiện Kế, sinh năm 1961 tại Phú Thọ. Ông từng đoạt Giải thưởng
Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ 2010 với tập truyện ngắn “Tiếng kêu của ngôi nhà
thủng mái”. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn "Một mùa
hè dưới bóng cây”.
Các
tác phẩm chính của Nguyễn Tham Thiện Kế: “Nơi con tàu không trở lại” Tập truyện
ngắn-1980. “Nhà của Mẹ” tập truyện ngắn -1985. Tiểu thuyết “Miền đời quên lãng”:
1989- 1996-2003. Tiểu thuyết “Người cha ở trên trời” : 2003-2006-2010. “Khuôn mặt đẹp” tập truyện ngắn -2003. Tập
truyện ngắn: “Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái”-2007. Tập tùy bút: “Dặm ngàn hương cốm Mẹ”- 2001. Tập chân
dung văn nghệ: “Miền lưu dấu Văn nhân”- 2013. Tập du ký: “Đợi Chị về tưới rượu
bến sông”- 2017. Tập truyện ngắn: “Một mùa hè dưới bóng cây” - 2023. Và tập tùy
bút: “Xuân thì trong chén đắng”- 2024.
Tác
phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế, dù thuộc thể loại nào, đều thấm đẫm ánh sáng đức
tin. Cuốn du ký "Đợi chị
về tưới rượu bến sông" ghi lại những chuyến đi đến những miền
đất lạ, hòa quyện hành trình đời sống với chiều sâu tâm linh của một tín hữu.
Tình yêu thương, sự hiện diện và ơn cứu độ của Thiên Chúa hiện diện trong từng
trang viết của nhà văn. Sự kết hợp giữa đức tin và nghệ thuật ngôn từ ma mị tạo
nên nét đặc sắc trong văn chương của Nguyễn Tham Thiện Kế, nơi các giá trị nhân
văn và văn hóa lan tỏa, khơi gợi người đọc chiêm nghiệm ý nghĩa cuộc sống và
nhận diện dấu ấn Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc. Tập du ký đã thổi luồng gió
mới vào thể loại văn học này, hòa quyện giữa trải nghiệm cá nhân, cái nhìn văn
hóa sâu sắc và đức tin Kitô giáo. Với ngòi bút tài hoa và sự nhạy cảm tinh tế,
nhà văn biến mỗi chuyến đi thành một cuộc hành hương, nơi ánh sáng Thiên Chúa
chiếu rọi những giá trị vĩnh cửu.
Hải
Phòng, 24/1/2025
M.V.P
