Nguyễn Quang Thiều "Dưới cái
cây ánh sáng"

"Cây Thiên Đường" của Nguyễn Quang Thiều, sơn dầu trên toan, 2021
DƯỚI CÁI CÂY ÁNH SÁNG
một
Đã thiếp ngủ những hài cốt
trong nghĩa địa ngoại thành, những con giun mộng du miên man trong đất
Đã thiếp ngủ đâu đấy tội
lỗi, lương thiện đâu đấy cũng ngủ, những pho sách ngủ mãi từ thế kỷ trước bởi
quá mệt mỏi
Chỉ vòm cây trước ngôi nhà
an ủi kẻ đau đớn không ngủ trong tiếng rì rào
Ngồi sâu trong bóng tối
bệnh tật, một thi sỹ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên của số phận bất trắc
và ái tình, trái tim chàng nhiễm trùng sưng tấy
Chàng đã từng lấy trái tim
mình đặt trên một chiếc khay ngọc trắng và im lặng ngắm nhìn
Trái tim chàng kia ư? giản
dị làm sao, bí ẩn làm sao, trần trụi và đau đớn làm sao
Tiếng đập lúc thì thầm sợ
hãi, lúc rền vang như sấm, lúc muốn lao vút khỏi thân xác của chàng như một sao
băng
Chàng ngồi đó suốt đêm
trống rỗng như lồng ngực không có tim, đôi lúc sợ hãi không dám cất lời đối
thoại
Với cả một con kiến bò
lang thang vô định trên chiếc bàn rộng trong đêm
Đôi lúc chàng không dám
cầm trái tim mình đặt vào chỗ cũ trong lồng ngực tối đen bởi chàng sợ những đau
đớn, những tuyệt vọng và cả những cơn mơ
Trong tiếng đập không
ngưng nghỉ, không cho phép chàng được chạy trốn khỏi đời sống
Ai đó lại đến bên chàng,
không phải một bóng ma, nhưng chàng không bao giờ nhìn thấy mặt, ngồi đối diện
kể cho chàng nghe câu chuyện loạn luân
Và những câu chuyện tình
bi thương cùng cái chết bởi rượu độc, dây treo cổ, cùng những tháng ngày buồn
tẻ lờ đờ trôi từ những thế kỷ trước
Chàng muốn ra đi khỏi thế
gian này trong đêm tối khi tất cả còn đang say ngủ
Nhưng lần nào cũng vậy
chàng không thể rời khỏi chiếc ghế hành hình lương tâm do chính chàng đặt trong
căn phòng mà chàng sẽ tự nguyện ngồi vào đó đêm đêm
Khi chàng đủ can đảm đứng
lên thì ban mai lại đến với chàng sớm hơn thần chết một bước chân
Dòng sông vươn lên, những
vòm cây được thắp sáng bình minh, con chó già sung sướng thoát khỏi bóng tối
với những hình ảnh lũ ma
Và chàng ở lại thị xã bé
bỏng và tội nghiệp với những câu chuyện loạn luân kể mãi sang tận ngày mới
Những câu chuyện tình lấp
lánh và rực đỏ như máu quyến rũ và kinh hãi chảy không ngưng nghỉ từ ngực chàng
Vẫn chiếc ghế ấy trong
bóng tối chàng đau đớn nghĩ tới người đàn bà đau ốm với nỗi đau buồn lớn hơn
toàn bộ đời sống của nàng
Nàng có đôi mắt, hai ngọn
đèn bão trong đêm mưa biển
Hai ngọn đèn sáng mãi
trong mưa gió xa xôi, xa xôi như ở tận bến bờ bên kia, xa như nàng đã chết từ
lâu
Sáng mãi im lặng trong gió
gào, trong mưa, trong tiếng rền rĩ đau thương biển cả
Nàng là ai? những người
đàn bà đi qua cuộc đời chàng là ai? Nô lệ của chàng hay Nữ hoàng của chàng?
Thánh thần hay Ma quỉ?
Ôi những người đàn bà suốt
đời đau đớn bởi tình yêu đã yêu chàng như uống thuốc an thần để chống lại cơn
mất ngủ của vô vọng
Chàng là ai? Chàng sinh ra
trên thế gian này với sứ mệnh gì? Chàng có phải là một côn trùng tội lỗi?
Để xoè cánh bay từ vòm cây
này đến vòm cây kia và đẻ trứng trên những phiến lá?
Hay chàng là một Thiên Thi
bị Thượng Đế đầy đoạ vì những câu thơ tuyệt vọng và rồ dại
Hay bởi da thịt nặng nề và
nhớp nháp như một con đỉa khổng lồ bám lấy bộ xương chàng
Nó hút ý nghĩ chàng? hút
sự trong sáng của chàng? hút ngôn ngữ chàng? hút những cơn mơ rực rỡ của chàng?
Hay chàng sinh ra chỉ để
chứng kiến những đàn bà loạn luân, những đàn bà đắm mê giọng nói trầm và nóng
như lửa của chàng và chứng trầm cảm của những mối liên hệ bởi những văn bản nô
lệ
Hay chàng là một túp lều
nhỏ nhoi của tự do trên thế gian như bay tốc lên bởi những cơn cuồng phong ái
luỵ, hay chàng là cánh cửa nhà tù của đời sống này có một lần quên khoá
Hay chàng là ví dụ của một
côn trùng khổng lồ không cánh, của loài sói, ví dụ của đại bàng, ví dụ của ngôi
sao cô độc trong vũ trụ vô tận
Là ví dụ của lạc đà chất
trên lưng không phải vàng bạc châu báu hay những túi nước ngọt mà là những bao
tải cát để đi qua sa mạc cát
Ôi đó có phải là trò đùa
hay đó là phép thiêng giản dị và vô lý như cát trong những bao tải kia
Nhưng lạc đà không chối bỏ
những bao tải cát trên lưng và không rời bỏ những con đường sa mạc cát
Lạc đà có thể gục ngã đâu
đấy trong một ngày nào đấy trên cát và chỉ kêu lên một tiếng: Ôi sa mạc.
Sự khắc nghiệt độc ác của
ngươi là thách thức khổng lồ, vực sâu tuyệt vọng và là bài ca kỳ vĩ của ta.
Sa mạc thè những cái lưỡi
cát khổng lồ nuốt chàng vào sâu trong cái dạ dày lãng quên
Nhưng chàng đã đứng dậy
như lạc đà với sức nặng khủng khiếp chỉ của một hạt cát trên lưng, nhẫn nại và
kiêu hãnh bước đi
Hay chàng là một thi sỹ
chân chính của xứ sở này không dối lừa mình, chàng là ví dụ của điên loạn đập
cánh và sự dày vò như sóng bạc đầu của đại dương thanh sạch nhất thế gian
Hay chàng là kẻ mang cơn
mơ phá tung những bức tường, những cánh cửa của thế gian nơi chàng đang sống
Hay chàng chỉ là một ống
họng khổng lồ rống vang hai tiếng khổng lồ đau đớn: Tự do.
Có khoảng khắc trong bóng
tối những ngón tay chàng vuốt ve chính da thịt chàng đã làm chàng đau buốt và
gục đầu nức nở
Chàng đã từng khóc âm thầm
bởi những cơn mê đói khát của con đỉa khổng lồ
Mà chàng không thể gỡ nó
khỏi chàng, chàng vẫn phải tắm rửa cho nó và mặc áo quần cho nó, đặt tên cho nó
và nhiều lúc bào chữa cho nó
Ôi quyền lực và sự man rợ
của bóng tối biến chàng thành côn trùng? thành con sói cô độc? thành đại bàng
im lìm trên đỉnh núi lạnh? thành lạc đà và thành ngôi sao xanh?
Giấc mơ nào chàng cũng gặp
những người đàn bà mang thai xanh như nước biển đi qua ngôi nhà
Họ đã đi và vẫn đi, còn đi
mãi, chàng không làm sao quên được, chàng cất tiếng gọi nhưng họ vẫn lặng lẽ
rời xa
Chàng không cứu được họ,
chàng không phải là viên thuốc an thần khổng lồ cho họ, chàng chỉ là một cơn mơ
chống lại sự khiếp sợ của đêm tối
Và trong cơn mơ ấy chàng
đau đớn hơn tất cả hiện tại.
Chàng không biết những
người đàn bà mang thai xanh như nước biển sẽ nằm xuống sinh nở nơi nào
Và giấc mơ cùng trống rỗng
của chàng có được sinh ra như những hài nhi đầm đìa nước ối và máu sản phụ
Nhưng một đêm nao, một
người đàn bà quay lại nhìn chàng và chàng lại thấy
Hai ngọn đèn bão toả sáng
đau buồn và ấm áp trong đêm mưa biển xa xôi
Với thông điệp về một thế
giới mà chàng không thể nào đến được nhưng ám ảnh chàng hơn cả cái chết
Chàng là ví dụ của kinh
hãi ngồi trước những viên thuốc đủ cho chàng ngủ vĩnh viễn
Là ví dụ ngược nghĩa với
những văn bản giả rối, ví dụ của những cơn sốt không virus, ví dụ của khát thèm
được đâm thủng cổ họng mình
Chàng là ai? bóng tối
không có câu trả lời, ban mai không có câu trả lời, chàng là ai?
Cả những người phán xử
chàng cũng không có câu trả lời, cả những người hận thù chàng, cả những người
yêu dấu chàng và khóc vì chàng trong bóng tối định mệnh
Cả những người đàn bà tội
lỗi và thánh thiện vẫn vuốt ve con đỉa khổng lồ bám chặt bộ xương chàng và thì
thầm run rẩy với con đỉa ấy, bị hành hạ vì con đỉa ấy, tự vẫn vì con đỉa ấy và
tìm thấy một chút ý nghĩa đầy ảo giác với con đỉa ấy
Chàng có còn sống không?
Chàng không biết. Hay chàng bây giờ chỉ là cái bóng quá khứ của chàng
Sao tuyệt vọng và trống
rỗng và dối trá và tình yêu lấp lánh và kinh hãi như máu chảy trên ngực không
giết chàng? Chàng thèm lưỡi dao xuyên thủng trái tim chàng lúc này hơn mọi ân
huệ
Chàng đã từng mơ lưỡi dao
mang ánh sáng giá lạnh xé đôi trái tim dữ dội và mềm yếu của chàng
Như một ánh sao băng xé
bóng tối ở một miền của vũ trụ các hành tinh đã chết
Đôi lúc không có gì quyến
rũ chàng trong bóng tối bằng động tác từ từ gục xuống nền gạch lạnh
Và hân hoan được kêu lên
lần cuối như tiếng rống cô độc của sư tử: Ôi cái chết.
Nhưng chàng đã không ngưng
nghỉ như đại bàng đập cánh để bay lên khỏi thân xác của chàng
Khi đại bàng đã bay cao
thì nặng nề của thân xác không còn
Nhưng khi bóng tối ụp
xuống chàng lại rơi xuống đại dương trống rỗng với ngàn câu hỏi
Chàng đang sống thật ư?
Hay đấy chỉ là cái bóng của chàng đang mỗi lúc một mờ? hay đang tan dần vào ánh
sáng? hay chàng không có thật trên thế gian
Hay chàng chỉ là một ảo
ảnh của chính chàng, ảo ảnh của một ảo ảnh? và chàng đi từ ảo ảnh này sang một
ảo ảnh khác.
Nhưng chàng vẫn tin chàng
sẽ tìm thấy chàng đích thực trong những ảo ảnh kia
hai
Hỡi Chúa Trời, con quỳ
dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ
Đôi môi con run rẩy chạm
vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng
đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô
tận
Cây thập giá nơi Người bị
đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế
gian này
Người đã cho con một thân
thể mạnh mẽ làm sao, rực nóng làm sao mà đau đớn làm sao
Người đã lấy đau đớn và hổ
nhục thân xác con để bọc trái tim đầm đìa máu và mạnh mẽ và huyền ảo như lửa và
một linh hồn trong sáng
Người đã cho con ngôn từ
để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất
Con đã sinh ra trên thế
gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người
Tuổi thơ con đã từng được
những thiên thần của Người dắt chạy trên cánh đồng lộng lẫy của thế gian
Con đã cười vang, tiếng
cười trong như ban mai khi chơi trò đuổi bắt cùng những thiên thần của Người
Con đã từng nằm trong vòng
tay ấm như hơi lửa để các thiên thần dắt con vào cơn mơ và kể cho con câu
chuyện về những con chim Tao Linh mổ những bông tuyết đầu tiên đêm Giáng Sinh
và uống ánh sáng những ngôi sao và đêm đêm ngủ trên những vầng mây trắng
Con đã ngước lên cao trong
sáng và tinh khiết và mặt con ngập tràn ánh sáng trong những đêm tối thế gian
Rồi con lớn lên, các thiên
thần không còn dắt tay con, con phải tự bước đi trên con đường thế gian đơn
độc, buồn bã, khổ đau và quỉ dữ bám mãi theo con
Con đã đến nơi ấy xa xôi
trong một chiều không định trước, nơi ô cửa ngàn năm trên một tháng đường hoang
phế vẫn toả sáng ánh mắt của Người
Giờ con nhận ra chính
trong bóng tối quá nặng nề nơi con lại ngập tràn ánh sáng của Người
Và lúc này da thịt con đau
đớn làm sao, tội lỗi làm sao ẩn náu dưới sự quyến rũ của vẻ đẹp cơ bắp cường
tráng
Con chỉ biết ngước lên,
gương mặt nhàu nát, sạm đen, tuyệt vọng và sợ hãi của con đang sáng dần lên
trong ánh mắt của Người
Hãy để những giọt máu chảy
từ hai bàn tay bị đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con
Để ánh sáng của Người xua
tan trong lòng con bóng tối của khiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng
Để khi bóng tối ập xuống
cố dìm con tận đáy của sợ hãi, của cơn đói dục vọng thì ngôn ngữ Người ban cho
con rực rỡ hiện lên
Giống những ngọn đèn Người
vẫn thắp đêm đêm từ thuở trái đất sinh ra và sáng mãi, sáng mãi lặng im để con
quỳ xuống vừa khóc vừa hát
Trong triệu triệu, triệu
triệu tiếng chuông rung lên trên những thánh đường nơi người đã lướt qua ánh
sáng ngập tràn
ba
Bóng đêm vẫn vây bọc chàng
mỗi lúc một dày trong thị xã bé nhỏ này không ai thức cùng chàng
Chỉ có chàng đang ngồi
trước một kẻ là chàng, kia những ngón tay thô, kia cặp môi dày luôn luôn nung
trong lửa
Kia mái tóc rụng dần như
lá cây mùa đông, kia bộ ria mép bạc, kia giọng nói khàn và sâu như đáy đại
dương
Một kẻ là chàng ánh sáng
và một kẻ là chàng bóng tối
Một kẻ ngập tràn ánh sáng
và miệng chứa đầy ngôn ngữ minh tuệ
Một kẻ ngồi trên chiếc ghế
hành hình ngập bóng tối tự trừng phạt mình, chỉ trái tim không ngơi nghỉ dội
vang
Cả hai đối mặt nhau không
phải một người ngoài gương và một người trong gương
Một ánh sáng là chiếc
gương của bóng tối và một bóng tối là chiếc gương của ánh sáng
Tất cả chỉ là một nhưng
trong ánh sáng của Người, một đau đớn thân xác, một đau đớn tâm hồn
Cả hai không còn con đường
nào để lẩn trốn nhau, giờ đối mặt nhau, và đấy là con đường cứu rỗi:
- Mi không còn đường chạy
thoát khỏi ta được nữa. Mi là ta bóng tối và ta là mi ánh sáng
- Ta không hề chạy trốn
ngươi. Ta chỉ chạy trốn ta và hơn thế ta truy lùng bản ngã
- Mi có biết ta yêu mi đến
tan vỡ trái tim và cũng căm thù mi đến vỡ trái tim. Mi là niềm kiêu hãnh của ta
và nỗi thống khổ của ta. Ta đã từng nguyền rủa mi và cũng từng ngắm nhìn mi và
ta hạnh phúc khóc âm thầm và kiêu hãnh cất lời ca ngợi
- Ôi vì ngươi mà ta phải
dày vò, phải đớn đau và mơ ước hơn tất cả những kẻ sống quanh ta. Nhưng ta phải
sống. Kìa hãy nhìn những cái cây vòm lá hát cả khi gục đổ
- Dù căm thù mi những ta
vẫn muốn ngắm nhìn mi. Mi tội nghiệp làm sao và mi đẹp đẽ làm sao
- Ngươi là ta ánh sáng,
sao ngươi không tràn ngập thịt xương ta, không toả sáng phần bóng tối của người
anh em song sinh với ngươi
- Sẽ đến một ngày như thế,
nhưng không phải lúc này vì con đường mi đi không hạn định. Nhưng Chúa Trời sẽ
cho ngươi nước uống, cho ngươi ngũ cốc, cho ngươi ngọn lửa, cho ngươi giọng nói
và cho ngươi một tâm hồn biết đau đớn, ước mơ
- Ôi, ta biết ơn ngươi,
người anh em song sinh, người đang ở trong ta hay đang ở ngoài ta?
- Ta không ở trong mi
không ở ngoài mi vì ta chính là mi. Thôi mi hãy đứng dậy và bước đi. Để đến một
ngày khi mi không còn là một nửa ta và ta không còn là một nửa mi, ta sẽ tặng
mi một món quà vô giá
- Ta không muốn nhận bất
cứ sự tha thứ nào của ngươi hay sự ngợi ca của ngươi. Ta phải đi, con đường ta
vô tận
- Không, ta không tặng mi
món quà ấy, ta muốn tặng mi một món quà mà mi không thể nào đoán trước và mi
không có cách nào để chối từ
- Một lời tha thứ chăng?
Một lời an ủi chăng? Một danh phận lớn lao trên thế gian này chăng? Tất cả
những món quà ấy giờ đây với ta đều là vô nghĩa
- Món quà ta tặng mi chính
là cái chết. Một cái chết tuyệt đẹp, một cái chết ngước lên cao với những câu
thơ như bản thánh ca
- Hãy cho ta được lặng im,
hãy để ngôn ngữ ta chảy âm thầm và nóng bỏng như máu trong ta. Hãy để ta đớn
đau, hãy để ta hành hình chính ta. Hãy để ta đi. Con đường ta vô tận
- Nhưng mi đừng tưởng cái
chết ngước lên cao với những câu thơ như thánh ca là cái chết dễ dàng. Món quà
này dành cho mi mà quá ít kẻ sống trên thế gian này có được
Mi sẽ phải sống, phải đau
đớn suốt đời, phải bước đi không giày trên gai sắc, trên đinh nhọn, trên rắn
rết, đi qua lửa và nước
Mi phải ngày ngày ngồi trên
chiếc ghế hành hình do chính mi đặt trong căn phòng bé nhỏ của mi. Và đêm đêm
mi phải ngồi trước mi như bóng tối đối diện ánh sáng
- Ôi, ngươi là ai mà có
thể ban cho ta món quà của Chúa Trời?
- Ta chính là ánh sáng
trong mi, ta là sứ giả của Người trú ngụ trong thân xác mi để cứu rỗi mi và ban
phước cho mi
bốn
Hỡi Chúa Trời, xin cho con
được quỳ dưới chân người, xin cho con được cất lời cầu nguyện
Ngày nào cũng có đêm tối,
đấy là nhà tù của con, toà án của con. Đấy là ác mộng của con, vô vọng của con,
là trống rỗng của con
Nhưng đấy là chiếc gương
trung thực nhất của con. Đấy là nơi con nhìn thấy con đường của cơn mơ
Khi đêm tối ập xuống như
tấm lưới đen khổng lồ con chỉ là chú cá ngờ nghệch và thần chết đến ngồi trước
con với một chai rượu vang đen giá lạnh làm da thịt và trái tim con buốt giá
Và gã nói những ngôn ngữ
giống thi ca đã có lúc làm con mê sảng và bảo con hãy uống rượu vang đen buốt
thấu cả tim
Nhưng Người đã ban cho con
món quà biết ngước lên cao, biết nhóm lên ngọn lửa của sự sống đắm say và cất
lên ngôn ngữ Thánh ca
Và ban mai lại đến và con
lại được sinh ra như đứa trẻ cả da thịt và tâm hồn tinh khiết
Thần chết vội rời bỏ con
và trước khi bước khỏi căn phòng, gã lừ mắt đe doạ đêm mai gã quay lại cùng với
chai rượu vang đen giá lạnh
Nếu con uống ly rượu vang
đen kia trái tim con sẽ bị đóng băng
Nhưng con đã không uống dù
cơn khát từng làm con mê sảng, con không hề sợ hãi mà con mỉm cười không chối
từ sự thăm viếng của gã
Con chỉ sợ hãi chính con
nhưng con đã biết quỳ dưới chân Người, ngước mắt và cất giọng tạ ơn
năm
Và lúc này chàng nghe thấy
tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết qua
ngôi nhà chàng
Và lúc này những cái cây
trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường
Bên họ những côn trùng,
những sói buồn, những lạc đà thanh thản trong nhẫn nại, những đại bàng bắt đầu
vỗ cánh và trên đầu họ những ngôi sao
Những người đàn bà kia
chính là linh hồn những bông hoa trên vườn Địa đàng quá đắm say hương sắc chính
mình
Đôi mắt họ mở to, ôi hai
ngọn đèn bão trong mưa biển sáng mãi trong phần bóng tối chàng
Họ đang đi, đang đi và rì
rầm, rì rầm và rì rầm bất tận
Trên những cánh đồng ngũ
cốc đã bắt đầu lóng lánh và toả hương nồng nàn
Và ao hồ, sông suối và
biển cả trước họ như tất cả làm bằng vàng rực rỡ
Những chiếc bánh trong lò
được lấy ra, rượu vang đỏ được rót vào những chiếc ly hạnh phúc
Trên cánh đồng bất tận của
thế gian một lễ hội ánh sáng bắt đầu
Và chàng bước ra khỏi
chiếc ghế hành hình bóng tối, chàng và người anh em song sinh đã nhập thành
một, chàng đi đến đồng cỏ rộng lớn không bến bờ
Những người đàn bà xanh
như nước biển biến mất chàng chỉ thấy hoa nở trên cánh đồng bất tận
Chàng chỉ còn nghe tiếng
ngân trong ngần của vô vàn chiếc chuông nhỏ như những đài hoa
Chàng chỉ thấy tất cả là
ánh sáng cả đất đai đau khổ và tăm tối của chàng, cả con đỉa khủng khiếp bám
suốt đời trên bộ xương chàng
Chàng quỳ xuống và ngước
lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ
Miệng chàng mở như một
bông hoa và giọng nói chàng cất lên
Hoà cùng giọng nói của côn
trùng, của sói, của đại bàng, của lạc đà trong cùng ngôn ngữ
Và lúc này dù chàng là côn
trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỉ dữ
Thì tất cả đều đến được
miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả được hoà làm một
Trong một ánh sáng ấy, một
âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy
Và Người đã biến chàng trở
thành một chiếc lá nhỏ vĩnh viễn
trên một cành nhỏ của tán
lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn
(đêm ngày 02 tháng 09 năm 2003)
Nguyễn Quang Thiều
Lời bình của Mai Văn Phấn:
Nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều không phải một tín hữu Công giáo, nhưng căn tính nghệ sĩ
và khát vọng kiếm tìm chân lý và cái đẹp đã đưa ông đến với mỹ học Kitô giáo.
Trong thế giới thi ca của ông, ta nhận ra nỗi khắc khoải về ơn cứu rỗi, niềm
tin vào tình yêu thương vô biên của Đấng-Tạo-Hóa, cùng những chiêm nghiệm thấu
triệt về kiếp người. Bài thơ "Dưới cái cây ánh sáng" của ông là minh
chứng rõ nét cho sự dấn thân mạnh mẽ và tự nhiên ấy. Từ sự đồng cảm sâu sắc với
tinh thần Kitô giáo, Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên những vần thơ mang âm hưởng của lời nguyện cầu - một hành trình
kiếm tìm ơn cứu độ, lòng bác ái, tình yêu thương dành cho tha nhân.
"Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người,
con gánh trên lưng con bóng tối khổng lồ" (Đoạn
hai). Và rồi, trong Đoạn
bốn, khi Nguyễn Quang Thiều viết: "Hỡi
Chúa Trời, xin cho con được quỳ dưới chân Người, xin cho con được cất lời cầu
nguyện." là lời cầu khẩn đầy
khiêm nhường, mời gọi ánh sáng thiêng liêng chiếu rọi vào tâm hồn tăm tối, dày
đặc ưu phiền. Hình ảnh ánh sáng tượng trưng cho sự sống, cho tình yêu, cho sự
hiện diện của Thiên Chúa, là nguồn sống dồi dào, xua tan bóng tối tội lỗi và
đau khổ, khai mở con đường đến với đức tin, sự an bình và niềm hy vọng.
Trong
mỹ học Kitô giáo, ánh sáng là biểu tượng của chân lý và cái đẹp, đồng thời là
dấu chỉ của sự hiện diện Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, ánh sáng khởi nguồn cho
sự sống và trật tự, là ân sủng soi dẫn lý trí và linh hồn con người hướng về
chân lý tuyệt đối. Ánh sáng trong nghệ thuật Công giáo rạng ngời trên nền bóng
tối để tôn vinh ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. Bóng tối không tồn tại như một
thực thể độc lập, mà là sự vắng mặt của ánh sáng - biểu tượng cho sự xa cách
Thiên Chúa. Hành trình đức tin chính là hành trình tìm kiếm ánh sáng, vươn tới
Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống. Ngay từ thuở tạo dựng, hành động đầu
tiên của Thiên Chúa là "tách ánh sáng ra khỏi bóng tối" (Sách
Sáng Thế, 1:3), phân định rõ ràng giữa thiện và ác. Chính Chúa Giêsu đã mạc
khải: "Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm,
nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống" (Phúc Âm theo Thánh Gioan 8:12).
Từ
nền tảng triết học và mỹ học Kitô giáo, bài thơ "Dưới cái cây ánh
sáng" của Nguyễn Quang Thiều mở ra một thế giới đầy khổ đau và bi kịch,
nơi cuộc chiến nội tâm về sự tồn tại, mục đích sống, và đức tin diễn ra khắc
khoải. Qua đó, bài thơ kiến
tạo một cuộc đối thoại mang tính biểu tượng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hy
vọng và tuyệt vọng, phản chiếu sự giằng xé giữa niềm tin và hoài nghi, giữa
khát vọng vươn lên và nỗi đau trầm luân, mở ra chiều sâu triết lý về kiếp người.
"Dưới
cái cây ánh sáng" mang đậm tính triết lý và khắc khoải của một thi sĩ đối
diện với những câu hỏi lớn của cuộc đời. Bài thơ văn xuôi này gồm năm đoạn.
Đoạn đầu, thi sĩ vật lộn trong bóng tối với đau khổ và tuyệt vọng, không ngừng
khao khát thoát khỏi những hắc ám. Mỗi khi ban mai đến, anh lại quay về những chuyện
tình bi thương, sự hối hận và cảm giác vô vọng. Đoạn thứ hai, những băn khoăn
về ý nghĩa cuộc đời, về sự đè nén của bóng tối. Đoạn ba, thi sĩ khẩn cầu dưới
chân Chúa, những giọt máu từ bàn tay bị đóng đinh của Ngài đã truyền sức mạnh
cho anh đối mặt với nỗi đau và thử thách. Chúa là ánh sáng tỏ rạng nhất - Cây
Thập Giá vĩ đại - ban cho con người sức mạnh và niềm hy vọng. Đoạn bốn, thi sĩ
nhận ra rằng cuộc đời là một hành trình tìm kiếm ánh sáng và tình yêu thương.
Đoạn cuối, ánh sáng mãi dẫn dắt, và thi sĩ tin rằng trong mọi nỗi đau, Chúa là
sự cứu rỗi vĩnh cửu. Bài thơ trình hiện hành trình tâm linh của con người trong
mối quan hệ với Chúa, nơi mọi đau khổ, tuyệt vọng đều được ánh sáng và tình yêu
của Ngài giải thoát.
Trong
bài thơ, hình ảnh bóng tối biểu trưng cho khổ đau, tuyệt vọng, và những câu hỏi
không lời đáp. Khổ thơ đầu tiên trong bài khắc họa cuộc sống của thi sĩ (cũng
là hình ảnh ẩn dụ của con người) như một chuỗi những khoảnh khắc bế tắc và đau
đớn. "Chàng" - một thi sĩ, nhân vật trữ tình, không chỉ vật lộn với bóng
tối nơi thế giới xung quanh, mà còn với bóng tối của chính lòng mình, của những
khổ đau nội tâm không cách giải thoát. "Ngồi
sâu trong bóng tối bệnh tật, một thi sỹ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên
của số phận bất trắc và ái tình, trái tim chàng nhiễm trùng sưng tấy/ Chàng đã
từng lấy trái tim mình đặt trên một chiếc khay ngọc trắng và im lặng ngắm
nhìn" (Đoạn một). Nhân vật "Chàng" quay lại quá khứ đau khổ trong bóng tối,
nơi mà ánh sáng chưa thể chiếu rọi vào những vết thương. Bóng tối ở đây là biểu
tượng của sự bế tắc tinh thần, của nỗi khổ đau không thể xoa dịu; Nó thể hiện
hành động tự hủy của con người khi không còn niềm tin và lối thoát. Nhân
vật trữ tình vừa đối mặt
với cuộc sống đầy khổ đau vừa phải đương đầu với những câu hỏi khắc khoải về
mục đích sống, về sự tồn tại và vai trò của Đấng-Sáng-Tạo trong cuộc đời mình.
Trong
mỹ học Kitô giáo, ánh sáng là Thiên Chúa, là sự cứu rỗi, dẫn dắt con người qua
bóng tối của tội lỗi và thử thách. Ánh sáng cũng là biểu trưng cho sự khôn
ngoan, soi sáng tâm hồn con người. Ngược lại, bóng tối là hình ảnh tội lỗi, mê
muội, không có hướng đi, nơi con người dễ bị sa ngã. Sự tương phản giữa ánh
sáng và bóng tối trong "Dưới
cái cây ánh sáng" phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm giữa hy vọng
và tuyệt vọng. Khi thi sĩ đối diện với bóng tối, anh nhận thức được sự tồn tại
và mong muốn được giải thoát. Trong bài thơ, Nguyễn Quang Thiều đã 23 lần nhắc
tới bóng tối với đa dạng tâm trạng ám ảnh và sợ hãi: "bóng tối bệnh
tật", "sự man rợ của bóng tối", "bóng tối định mệnh",
"bóng tối ụp xuống", "bóng tối khổng lồ", "bóng tối
quá nặng nề", "bóng tối của khiếp sợ", "bóng tối tự trừng
phạt mình", "hành hình bóng tối"... Điều ấy cho thấy bóng
tối trở thành biểu tượng của nỗi đau nội tâm và sự giằng xé tinh thần. Những
cách gọi khác nhau về bóng tối thể hiện các trạng thái tâm lý con người phải
đối mặt: từ tuyệt vọng, cảm giác bị đè nén đến sự dày vò bởi lỗi lầm và hối
hận. Những câu thơ về bóng tối gợi cảm giác nặng nề, phản ánh cuộc đấu tranh
dai dẳng của con người với chính nội tâm mình.
Áp
lực của bóng tối làm cho khát vọng ánh sáng trong thơ Nguyễn Quang Thiều càng
bùng lên mạnh mẽ, như một phản ứng tự nhiên của con người trước áp lực của đau
khổ và tuyệt vọng. Những mong mỏi về sự giải thoát, về một nguồn sáng dẫn lối
vượt qua bóng tối không ngừng thúc đẩy thi sĩ tìm kiếm sự cứu rỗi, bình an, và
niềm tin vào Thiên Chúa.
"Đôi môi con run rẩy
chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những giọt máu chảy từ bàn tay bị
đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm
vô tận/ Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái
Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này" (Đoạn hai);
"Một kẻ là chàng ánh sáng và một kẻ là chàng bóng tối/ Một kẻ ngập tràn
ánh sáng và miệng chứa đầy ngôn ngữ minh tuệ" (Đoạn ba). Nguyễn Quang Thiều sử dụng hình ảnh ánh
sáng, đậm dấu ấn Kitô giáo, để khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm, nơi con người
không ngừng đối diện với bóng tối của sự đau khổ, tội lỗi và tuyệt vọng, đồng
thời tìm kiếm ánh sáng của đức tin, sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Hình ảnh Cây
Thập Giá, trong Đoạn hai, trở thành "Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất",
biểu trưng cho sự cứu chuộc và niềm hy vọng, là con đường dẫn đến sự sống và
ánh sáng vĩnh cửu. Cuộc đối thoại giữa ánh sáng và bóng tối trong những đoạn
thơ trên phản ánh cuộc đấu tranh trong mỗi con người, nơi họ phải lựa chọn giữa
chân lý của Thiên Chúa và sự mê muội của thế gian.
Trong
ánh sáng của Thiên Chúa, nhà thơ đã chiêm nghiệm và suy tư về thân phận con
người như một hành trình ngắn ngủi, mong manh giữa vô vàn thử thách của kiếp
nhân sinh. Con người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn đối diện với sự
vô thường của cuộc sống, nơi những đau khổ và niềm vui dường như chỉ là những
đợt sóng thoáng qua. Tuy nhiên, dưới ánh sáng vĩnh hằng của Thiên Chúa, mọi nỗi
niềm, khắc khoải ấy lại trở thành một phần trong cuộc tìm kiếm ơn cứu rỗi, một hành
trình tìm về tình thương vô bờ bến của Đấng-Tạo-Hóa. Sự vĩ đại của Thiên Chúa luôn
soi sáng, mang lại niềm hy vọng và sức mạnh cho con người, để họ vươn lên trong
đức tin, vượt qua những âu lo, tìm thấy sự an ủi trong tình yêu vĩnh cửu.
"Vẫn chiếc ghế ấy
trong bóng tối chàng đau đớn nghĩ tới người đàn bà đau ốm với nỗi đau buồn lớn
hơn toàn bộ đời sống của nàng" (Đoạn một);
"Thần chết vội rời bỏ
con và trước khi bước khỏi căn phòng, gã lừ mắt đe doạ đêm mai gã quay lại cùng
với chai rượu vang đen giá lạnh" (Đoạn bốn);
"Và lúc này chàng nghe
thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết
qua ngôi nhà chàng/... Những người đàn bà kia chính là linh hồn những bông hoa
trên vườn Địa đàng quá đắm say hương sắc chính mình/ Đôi mắt họ mở to, ôi hai
ngọn đèn bão trong mưa biển sáng mãi trong phần bóng tối chàng" (Đoạn
năm)
Nguyễn
Quang Thiều khắc họa thân phận con người trong kiếp sống trần gian đầy khổ đau
và cô đơn, như một sinh thể mong manh trước bệnh tật và nỗi buồn. Thần chết trở
thành biểu tượng của sự bất lực và kết cục tất yếu, gieo rắc nỗi lo âu, buộc
con người đối diện với ám ảnh về sự hữu hạn của đời sống. Hình ảnh người
đàn bà trong khổ thơ trên, như những linh hồn vướng mắc trong đắm say, cho thấy
con người dù khao khát và đam mê vẫn bị mắc kẹt trong bóng tối và sự cô đơn.
Thân phận con người, qua những biểu tượng ấy, là cuộc giằng co không dứt giữa
khát vọng vĩnh cửu và thực tại vô thường.
Trong
tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, Nguyễn Quang Thiều biểu đạt khát vọng
mãnh liệt của con người muốn vượt qua nỗi đau và thử thách, để tìm kiếm sự giải
thoát và hòa nhập với những giá trị thiêng liêng. Các nhân vật trong bài thơ,
từ “Chàng” đến người đàn bà đau ốm, hay linh hồn của những bông hoa vườn
Địa Đàng, đều mong ước thoát khỏi đau thương, nhưng cũng phản ánh sự bất lực
khi đối diện với cô đơn và bóng tối vây quanh. Mặc dù vậy, trong sự đối kháng
giữa thiện và ác, niềm khát khao về một ban mai, một đời sống mới luôn trỗi dậy
trong tâm hồn thi sĩ. Hình ảnh ban mai xuất hiện gần kề với thần chết trong
Đoạn một: "Khi chàng đủ can đảm đứng lên thì ban mai lại đến với chàng
sớm hơn thần chết một bước chân", và tiếp theo là ban mai tinh khôi,
tràn đầy ân sủng khôn ngoan của Chúa Thánh Thần trong Đoạn bốn: "Và ban
mai lại đến và con lại được sinh ra như đứa trẻ cả da thịt và tâm hồn tinh
khiết", đã biểu đạt một hành trình từ bóng tối tới ánh sáng, từ cái
chết tới sự sống.
"Chàng chỉ còn nghe tiếng ngân trong
ngần của vô vàn chiếc chuông nhỏ như những đài hoa/ Chàng chỉ thấy tất cả là
ánh sáng cả đất đai đau khổ và tăm tối của chàng, cả con đỉa khủng khiếp bám
suốt đời trên bộ xương chàng/ Chàng quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại
nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ/ Miệng chàng mở như một bông hoa và
giọng nói chàng cất lên/... Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ
vĩnh viễn/ trên một cành nhỏ của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập
tràn" (Đoạn năm).
Đoạn
kết bài thơ là khúc khải hoàn, khi nhân vật trữ tình đón nhận ánh sáng vĩnh
hằng. Những thi ảnh rực rỡ thể hiện đổi mới và tái sinh, biểu
trưng của ơn cứu độ và thức tỉnh. Nhân vật "Chàng" từ u mê, khổ đau
trong bóng tối đã bước vào trạng thái thanh thản, hòa hợp tuyệt đối với vũ trụ
và Thượng đế. Khi "bước ra khỏi chiếc ghế hành hình bóng tối",
"Chàng" hòa vào âm thanh của thiên nhiên, cảm nhận rõ sự kết nối với
ánh sáng chiếu rọi trong tâm hồn, nơi mọi hắc ám được thanh tẩy và những sinh
thể trong thế giới vạn vật cùng hòa hợp trong niềm vui và bình an. Đặc biệt,
hình ảnh "cây ánh sáng vĩ đại nhất" lại hiện ra lộng lẫy như biểu
tượng của Thượng Đế, nơi nhân vật trữ tình tìm thấy sự viên mãn và tái sinh,
cảm nhận được sự hòa hợp với vũ trụ và Thiên Chúa. Qua đó, nhà thơ vừa thể hiện
khát vọng vượt qua mọi khổ đau vừa kiếm tìm sự giải thoát vĩnh viễn trong ánh
sáng của đức tin, nơi không còn bóng tối, không còn khổ đau.
Bài
thơ "Dưới cái cây ánh sáng"
cho thấy mỹ học Kitô giáo đã thấm nhuần và chi phối thi pháp thơ của Nguyễn
Quang Thiều, thể hiện qua tinh thần chiêm niệm về ánh sáng thiêng liêng, đức
tin cậy trông, khát vọng cứu rỗi, cùng hệ thống biểu tượng giàu ý nghĩa thần
học. Gần đây nhất, vào cuối năm 2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập
trường ca "Lò Mổ"
của Nguyễn Quang Thiều, trong đó, mỹ học Kitô giáo vẫn là ánh sáng dẫn dắt
lý tưởng thẩm mỹ cho nhà thơ. Cuộc tuẫn nạn của những con bò trong trường ca,
cùng những hình ảnh Công giáo như thánh đường, thiên đường, địa ngục, quỷ sứ...
đã mở ra một không gian biểu đạt mang tính mặc khải, nơi con người đối diện với
ơn cứu độ và lòng bác ái. "Nguyền xin ân điển của Đức chúa Jesus ở với mọi
người!" (Chương chín), "Xin
Chúa hãy ban phước cho người đàn ông tội lỗi này." (Chương mười sáu). Lời của nhân vật "Chàng" lại
vang lên trong trường ca
"Lò Mổ", kêu
xin Chúa ban ơn cứu rỗi.
Qua bài thơ "Dưới cái
cây ánh sáng" cùng
nhiều tác phẩm khác, có thể thấy Nguyễn Quang Thiều được ánh sáng của
Đấng-Tình-Yêu soi dẫn. Ánh sáng ấy không giới hạn trong khuôn khổ tôn giáo, mà
là ân sủng khơi dậy khát vọng nội tâm, thúc đẩy hành trình dấn thân vào chân lý
và cái đẹp. Nguyễn Quang Thiều là thi sĩ đã nhận được Ơn Gọi - không hệ tại ở
danh xưng tín hữu, mà ở chính thao thức kiếm tìm ánh sáng không ngừng nghỉ: ánh
sáng của thi ca, của thức tỉnh, của ân sủng, soi rọi những khắc khoải tinh thần
và dẫn dắt con người đến với chân lý và cái đẹp trong huyền nhiệm đời sống.
Hải Phòng, 19/2/2025
M.V.P
Nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều, sinh năm 1957, tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây,
nay thuộc Hà Nội. Ông là nghệ sĩ đa tài về văn chương, báo chí, hội họa. Đã
xuất bản, thơ: "Ngôi nhà tuổi 17" (1990), "Sự mất ngủ của lửa"
(1992, tái bản 2016), "Những người đàn bà ghánh nước sông" (1995),
"Những người lính của làng" (1996), "Thơ Nguyễn Quang Thiều"
(1996), "Nhịp điệu châu thổ mới" (1997), "Bài ca những con chim
đêm" (1999), "Thơ tuyển cho thiếu nhi" (2004), "Cây ánh
sáng" (2009), "Châu thổ" (2010), "Dước ánh trăng và một bậc
cửa" (2020), "Nhật ký người xem đồng hồ" (2023), "Lò
Mổ" (2024). Văn
xuôi: "Vòng nguyệt quế cô đơn" (1991), "Cỏ hoang" (tiểu
thuyết, 1992), "Tiếng gọi tình yêu" (1993), "Kẻ ám sát cánh đồng"
(1995), "Người đàn bà tóc trắng" (1996), "Đứa con của hai dòng
họ" (1997), "Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều" (1998), "Người
cha" (truyện thiếu nhi, 1998), "Bí mật hồ cá thần" (truyện thiếu
nhi, 1998), "Con quỷ gỗ" (truyện thiếu nhi, 2000), "Ngọn núi bà
già mù" (truyện thiếu nhi, 2001), "Người nhìn thấy trăng thật" (truyện
ngắn, 2003), "Người, chân dung văn học" (2008), "Ba người, chân
dung văn học (in chung, 2009), "Có một kẻ rời bỏ thành phố" (tiểu
luận, 2010), "Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng" (tạp
văn, 2016), "Mùi ký ức" (tuỳ bút, 2017). Sách dịch: "Khoảng thời
gian không ngủ" (thơ Mỹ, 1997), "Chó hoàng Đingô" (truyện ngắn
Australia, 1995), "Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc" (2002). Ngoài ra,
Nguyễn Quang Thiều còn viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh và và hơn 500
bài báo, bút ký, ghi chép, tiểu luận… với các bút danh như Trực Ngôn, Vương
Thảo, Hạnh Nguyên, Hoàng Lê… Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đã được
in thành sách và được giới thiệu trên các tạp chí và báo ở các nước như Mỹ,
Pháp, Nga, Úc, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thuỵ Điển,
Malaysia, Thái Lan… Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm
1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa; Giải thưởng Final cho tập thơ The
Women Carry River Water của The National Literary Translators Association
of America năm 1998, và một số giải thưởng quốc tế khác.

Tranh của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều