Dưới ánh sáng đức tin
(Về các công trình nghiên cứu, phê bình văn học của Bùi
Công Thuấn)

Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn
Mai Văn Phấn
"Phê bình văn chương cũng là khám phá sáng tạo.
Nhà phê bình và nhà văn là tri âm tri kỷ."
Bùi Công Thuấn
Bùi Công Thuấn là một trong những nhà nghiên cứu, phê bình văn học uy
tín, có ảnh hưởng sâu rộng trong văn học Việt Nam đương đại; đặc biệt ông có
những đóng góp quan trọng trong văn học Công giáo. Với nền tảng kiến thức sâu
rộng và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ, ông đã giải mã các hiện tượng văn
học Công giáo, làm sáng tỏ giá trị nhân văn, vẻ đẹp đặc trưng, và ý nghĩa đức
tin Kitô giáo trong văn chương suốt gần bốn thế kỷ qua. Ông thường đưa ra những
đánh giá sâu sắc và đa chiều về mối quan hệ giữa tôn giáo và nghệ thuật, cái đã
góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học Việt Nam. Vận dụng linh hoạt các
khuynh hướng văn chương cận đại và hiện đại, kết hợp với thần học tín lý, Bùi
Công Thuấn đã làm nổi bật mỹ học Kitô giáo, qua đó khám phá mối tương quan giữa
đức tin và bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài viết này điểm lại những thành tựu và
phong cách nghiên cứu, phê bình nổi bật của Bùi Công Thuấn, đồng thời đánh giá
những đóng góp quan trọng của ông trong văn học Công giáo Việt Nam.
Văn học Công giáo đã xuất hiện tại Việt Nam
từ thế kỷ 16, khi ánh sáng Tin Mừng đến nước ta. Tuy nhiên, dấu mốc khởi đầu
chính thức của văn học Công giáo được ghi nhận vào năm 1632, khi linh mục
Gieronimo Majorica (1591–1656), một tu sĩ Dòng Tên người Ý, lập nhà in mộc bản
tại Thăng Long để in ấn các sách Hán Nôm Công giáo. Từ đó, các tác phẩm Công
giáo, bao gồm sách Thánh Kinh và giáo lý, được in ấn bằng tiếng Việt, đặt nền
tảng cho sự phát triển của văn học Công giáo sau này.
Từ góc độ tiếp cận đồng đại và lịch đại, Bùi
Công Thuấn đã dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, khám phá các giai đoạn
phát triển của văn học Công giáo Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi nghiên cứu
văn hóa, tâm lý, xã hội và những đặc trưng tư tưởng tôn giáo trong văn chương.
Trong bài viết "Tổng quan về tiến trình văn học Công giáo Việt Nam",
ông đưa ra những nhận định xác đáng và khoa học. Làm rõ sự tiến triển và những
biến động trong mối quan hệ giữa văn học tôn giáo và các yếu tố ngoại sinh,
đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của văn học Công giáo trong tiến trình
của văn học Việt Nam: "Tôi gọi văn học thế kỷ 17, 18, 19 là văn
học "thời kỳ gieo trồng đức tin", bởi nội dung và mục đích
của văn học thời kỳ này là truyền giáo. Văn chương chỉ là phương tiện, là công
cụ loan báo Tin Mừng... / Hình thức, ngôn ngữ, thể loại, thi pháp (chữ Hán, chữ
Nôm, Lục bát, Song thất lục bát, thơ Đường luật) vẫn nằm trong thi pháp văn học
trung đại Việt Nam" (văn học dân tộc chịu
ảnh hưởng văn học Trung Quốc). Chỉ khi các tác phẩm văn học chữ Quốc ngữ viết
theo hình thức văn học phương tây xuất hiện (nửa cuối thế kỷ 19 với Pétrus
Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của Nguyễn Trọng Quản), lúc ấy văn học Công giáo mới
chuyển sang thời kỳ mới, tôi gọi là Văn học khai mở thời kỳ hiện đại”. Giai đoạn từ 1980 đến nay, ông định danh đây
là “thời kỳ hội nhập”, khi văn học Công giáo hòa vào
dòng chảy chung của văn học đương đại, tiếp thu những xu hướng sáng tạo mới
nhưng vẫn giữ được bản sắc tôn giáo đặc thù.
Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn đã có những đánh giá tổng quan về
tiến trình phát triển của văn học Công giáo Việt Nam. Trong tiến trình này nổi
bật lên các tác giả đặt nền móng như Linh mục Girolamo
Majorica đã soạn 48 tác phẩm chữ
Nôm, Linh mục Alexandre de Rhodes (1593-1660) đã
soạn in Từ Điển Việt-Bồ-La và cuốn “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muốn chịu phép
rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Blời” bằng văn xuôi Quốc ngữ, Nguyễn Trọng
Quản với truyện Thầy Lazarô Phiền, Hàn Mạc Tử với thơ, kịch và văn xuôi... đến
những nhà thơ thế hệ 8X hiện nay, như Linh mục Cao Gia An, Linh
mục Đình Chẩn, nhà văn Nguyễn Văn Học, nhà văn Nguyễn
Thị Khánh Liên...
Dựa trên đặc điểm thể loại, nhà nghiên cứu Bùi Công
Thuấn đã tổng kết những thành tựu nổi bật của văn học Công giáo Việt Nam, bao
gồm văn xuôi, thơ, ca vãn, tuồng, kịch và báo chí Công giáo. Ngoài ra, ông cũng
đánh giá cao các hoạt động và sự kiện văn hóa trong phạm vi sinh hoạt của cộng
đồng Công giáo, như các câu lạc bộ, hội thảo và các cuộc thi văn học. Từ những
nghiên cứu này, Bùi Công Thuấn đã khắc họa bức tranh tổng thể về đời sống tinh
thần phong phú của cộng đoàn giáo hữu, nhấn mạnh vai trò của văn học Công giáo
trong việc phản ánh và nuôi dưỡng đời sống đức tin cũng như văn hóa cộng đồng.
Với cái nhìn tổng quan về tiến trình phát triển của
văn học Công giáo Việt Nam, ông đã nêu những nhận định mang
tính khoa học chuyên sâu, được đánh giá là xác
đáng nhất về dòng văn học này: "Trong tiến trình lịch sử 400 năm, chưa bao giờ văn học
Công giáo là một nền văn học được xây dựng một cách có ý thức, có tổ chức, có
tôn chỉ hoạt động, có kế thừa và phát triển. Những gì Văn học Công giáo có được
đến hôm nay chỉ là tự phát của cá nhân tác giả. Giáo hội coi văn học là công cụ
truyền giáo nên việc xây dựng một nền văn học Công giáo không phải là mục đích.
Văn học Công giáo đành chịu phận đứng bên lề văn học dân tộc. Cho đến nay cũng
chưa có một công trình văn học sử chính thống nào ghi nhận văn học Công giáo là
một bộ phận của văn học dân tộc như thơ Thiền Lý-Trần, một nền thơ làm nên diện
mạo văn học Việt Nam thế kỷ X-XV”.
Các công trình nghiên cứu của Bùi Công Thuấn
cho thấy ông có kiến thức sâu rộng và rất hệ thống về văn học Công giáo Việt
Nam. Ông đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực từ lịch sử hình thành, nền tảng mỹ học,
tư tưởng đến những giá trị nghệ thuật, mở ra cái nhìn toàn diện và sâu rộng về
dòng văn học này. Ông tập trung nghiên cứu các tác giả nổi bật như Xuân Ly
Băng, Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Nguyễn Trung Tây, Song Nguyễn, Trần Mộng Tú,
Trần Vạn Giã, Cao Gia An, Đình Chẩn, Cao Danh Viện... những người đã tạo dấu ấn
quan trọng cho văn học Công giáo đương đại. Bùi Công Thuấn kết hợp nhuần nhuyễn
giữa nghiên cứu lý thuyết và khai mở giá trị độc đáo của từng tác phẩm văn học.
Đặc biệt, ông không áp dụng cứng nhắc các lý thuyết văn học phương Tây, mà xem
chúng như những công cụ hỗ trợ để soi chiếu chiều sâu tư tưởng và căn tính sáng
tạo của từng tác giả, từ đó làm nổi bật đặc trưng của văn học Công giáo Việt
Nam. Ông kết hợp hài hòa giữa các yếu tố tôn giáo, triết học và văn hóa; sử
dụng các biểu tượng tôn giáo để giải mã ý nghĩa thiêng liêng hàm ẩn trong tác
phẩm văn học, đồng thời, vận dụng tư duy triết học Kitô giáo và triết học Đông
– Tây để làm nổi bật dấu ấn sáng tạo của nhà văn cũng như cả giai đoạn văn học.
Qua lăng kính của Bùi Công Thuấn, văn học Công giáo không tách rời khỏi bối
cảnh văn hóa và lịch sử Việt Nam, mà hòa quyện với truyền thống dân tộc, tạo
nên dòng văn chương vừa mang tính phổ quát vừa giàu bản sắc dân tộc.
Qua các công trình nghiên cứu và phê bình văn
học, Bùi Công Thuấn đã xây dựng một phong cách độc đáo và khác biệt. Ông không
chỉ xem tác phẩm văn học là một văn bản nghệ thuật mà còn là một sinh thể sống
động, mang thần thái và hồn cốt riêng. Nghiên cứu tác phẩm đối với ông không
chỉ dừng lại ở việc phân tích thi pháp, cấu trúc hay ngôn ngữ, mà còn thẩm thấu
vào cảm hứng sáng tạo, cái nhìn nhân sinh và chiều sâu văn hóa tiềm ẩn. Ông đặc
biệt chú trọng việc giải mã các tầng nghĩa mà tác giả gửi gắm, những sự kiện
văn hóa, lịch sử, xã hội đan xen trong từng tình huống, từng chi tiết, cũng như
cách mà tác phẩm văn chương phản ánh các giá trị tinh thần và niềm tin của thời
đại. Bùi Công Thuấn vừa phân tích lý tính vừa đồng cảm và kết nối với người
viết, giúp người đọc tiếp cận đầy đủ giá trị nghệ thuật và tư tưởng của tác
phẩm. Ông luôn chú trọng nhận diện yếu tố hình thức, qua đó làm nổi bật chiều
sâu tư tưởng và chuyển biến cảm xúc của người viết, mang lại cái nhìn đa chiều
về giá trị và vẻ đẹp của tác phẩm văn học.
Những nhận định sau đây của Bùi Công Thuấn về
thơ của Xuân Ly Băng
cho thấy cái nhìn bao quát và sắc nét của một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm.
Ông không chỉ nhận diện những đặc điểm nổi bật trong hành trình sáng tác của
Xuân Ly Băng mà còn kết hợp một cách tinh tế giữa việc phân tích hình tượng,
ngữ cảnh và tư tưởng của tác giả. Qua đó, Bùi Công Thuấn khám phá sự phong phú
trong nội dung và thi pháp của thơ Xuân Ly Băng, mở rộng những tầng nghĩa, phản
ánh tư tưởng tôn giáo, nhân sinh quan và triết lý sống đặc trưng của nhà thơ: "Xuân Ly Băng đã góp vào thi ca Công giáo và thi ca
dân tộc những hình tượng mới như
hình tượng người phụ nữ bồng con đi trong sa mạc (Ha-ga và It-ma-ên), hình tượng Xavie, con người bé nhỏ giảng Kinh thánh cho muôn
loài trên hoang đảo giữa biển khơi (Lời
Chúa trên đại dương); làm mới hình ảnh thiên nhiên trong thơ so với thơ cổ điển
và Thơ Mới, đem vào thơ một Cái
Tôi mới (khác với Cái Tôi trong thơ Lãng mạn và thơ Hiện thực
xã hội chủ nghĩa); Đem vào thơ cái nhìn mới của Kinh Thánh về vạn vật về cuộc
đời (Mỹ học Thiên Chúa giáo): Tất cả đều đẹp, đều tốt tươi; và thay thế hồn thơ
bi thiết của Hàn Mặc Tử bằng một hồn
thơ trong veo hân hoan kết nối với trời cao”.
Bên cạnh những đánh giá thành tựu của Xuân Ly Băng, Bùi Công Thuấn cũng thẳng thắn
chỉ ra những hạn chế trong thơ của tác giả này. Điều đó cho thấy nhà phê bình
thể hiện nhãn quan khoa học, vừa cụ thể trong việc làm rõ các yếu tố nghệ
thuật, vừa rộng mở trong việc lý giải các giá trị văn hóa và tôn giáo, khiến
những nhận định của ông có chiều sâu và giàu sức thuyết phục: "... phần lớn thơ Xuân Ly Băng có nội dung giáo huấn. Mảng
thơ này bị giới hạn trong nội dung, tư tưởng và ngôn ngữ giáo huấn của Giáo
hội. Xuân Ly Băng khó thể hiện cốt cách thơ. Ngày xưa, thời cộng đoàn dân Chúa
không biết chữ, các “cố đạo” đã đặt thành vè các nội dung giáo lý để cộng đoàn
đọc trước giờ lễ. Vè bình dân dễ thuộc, dễ nhớ nên có tác dụng dạy đạo rất hiệu
quả. Ngày nay, trình độ của cộng đoàn đã khác. Vè, kinh vãn không còn là phương
tiện dạy đạo đắc dụng như ngày xưa. Nếu các nhà thơ Công giáo làm thơ chỉ ở
dạng vè, sẽ không có người đọc”.
Phương pháp nghiên cứu của Bùi Công Thuấn mang tính toàn diện. Ông không
chỉ tập trung vào phân tích cấu trúc câu từ, hình ảnh và âm điệu của tác phẩm,
mà còn khám phá những tầng nghĩa ẩn giấu, những chi tiết nhỏ bé và tinh tế, chứa
đựng thông điệp sâu sắc về cuộc sống và khát vọng của con người. Đặc biệt, Bùi Công Thuấn gợi mở cách tiếp cận khác biệt
khi phân tích tác phẩm văn học Công giáo. Ông nhìn nhận mỗi tác phẩm vừa là một
sản phẩm nghệ thuật vừa là sự giao thoa giữa tâm linh, triết lý, đời sống và
đức tin; qua đó, làm nổi bật giá trị đặc biệt của tác phẩm, giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh xã
hội, văn hóa và lịch sử mà nhà văn đã viết.
Qua nhận định của Bùi Công Thuấn về thơ Lê Đình Bảng, ta thấy nhà phê
bình và nhà thơ đã giao cảm ở tầng sâu của tác phẩm, trong sự hòa quyện tinh tế
giữa vẻ đẹp cao cả của tình yêu và sự thiêng liêng của đức tin. Bùi Công Thuấn
đã khám phá những giá trị văn hóa, tâm linh mà nhà thơ gửi gắm, làm nổi bật
tính tự nhiên và hấp dẫn của bài thơ. Ông chỉ ra sự kết hợp giữa các yếu tố đối
lập, đồng thời cho thấy chiều sâu không gian vừa thiêng liêng vừa lãng mạn mà
nhà thơ chủ ý tạo dựng: "Tình yêu trong bài
thơ chỉ là kỷ niệm đơn sơ nhưng thánh thiện, tinh khiết: kỷ niệm nhà thơ cùng
em đi lễ nhà thờ, con đường có hoa bằng lăng tím và có cả ao sen. "Em quỳ, tôi cũng quỳ bên/ Hương trầm lên, khói trầm lên trước
tòa". Kỷ niệm chỉ có vậy nhưng bài thơ tình có sức ám ảnh về những
điều mới lạ. Đó là tứ thơ “Cùng em đi lễ nhà thờ/ Hoa bằng
lăng nở tím bờ ao sen”. Cái mới lạ của tứ thơ là sự kết hợp màu tím
bằng lăng lãng mạn với hoa sen hồng thuần khiết. Nhưng mà, ao sen gần nhà chùa
hơn “nhà đạo”, và "hương trầm, khói trầm" bay
lên nghi ngút cũng là không gian Thiền. Cả hai chất liệu tưởng như xa lạ và
trái ngược với cái đẹp Công giáo lại được miêu tả hết sức tự nhiên. Một điều lạ
nữa là nhà thờ thường đông người nhất là trong tháng hoa. Ở thôn quê ngày xưa,
trong nhà thờ nam nữ không được ngồi bên nhau như Tây. Trong bài thơ này, nhà
thơ và em lại rất riêng tư. Cùng quỳ bên nhau, cùng hướng lên Đức Mẹ, tâm hồn
họ bay lên cùng với "hương trầm và khói trầm ngào ngạt".
Phong cách nghiên cứu của ông đặc biệt ở khả năng
đặt các tác phẩm trong bối cảnh tôn giáo và triết học, từ đó giúp khám phá
chiều sâu của những giá trị tâm linh và sự hòa quyện giữa nghệ thuật và tri
thức. Với nền tảng kiến thức sâu rộng về triết học, thần học,
tôn giáo học và xã hội học, Bùi Công Thuấn đã xây dựng những phân tích sắc sảo
và độc đáo, khơi mở cái nhìn đa chiều, tinh tế và đầy sức thuyết phục về văn
học, đặc biệt là văn học Công giáo. Những
nhận định sau đây của Bùi Công Thuấn về tác phẩm của nhà văn – linh mục Nguyễn
Trung Tây cho thấy cách giải mã độc đáo về những đặc điểm riêng biệt của nhà
văn này: sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tôn giáo và nhân văn, giữa thế tục và
thánh thiện; nhờ đó, tác phẩm của Nguyễn Trung Tây không chỉ dễ tiếp cận mà còn
mang lại những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và đức tin, tạo nên cái nhìn
rất thực tế, gần gũi về các linh mục. "Người
đọc có cái thú vị khi thưởng thức những truyện hay của Nguyễn Trung Tây mà
không bị ám ảnh rằng đang bị ông Linh mục truyền đạo hay áp đặt tư tưởng tôn
giáo. Hình tượng các Linh mục trong truyện được khắc họa là một người bình
thường như mọi người, thậm chí giao tiếp với cả bọn cờ bạc và gái điếm
(truyện Phố ABồ). Nhưng các
ngài khai sáng về tư tưởng, khai sáng bằng đời sống, bằng sự chia sẻ, bằng sự
nhận lấy những khốn khó của tha nhân và bằng một lòng tin vững vàng, kiên định (Thị
trấn Chula Vista, Phố ABồ). Nằm sâu bên dưới câu chuyện là
tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, cùng với chủ nghĩa Nhân văn đặt trên nền
tảng Kinh thánh”.
Ngoài việc nghiên cứu tiến trình văn học Công giáo,
Bùi Công Thuấn còn hướng đến những tác giả, tác phẩm văn học Công giáo chứa đựng
nhiều vấn đề, nhiều giá trị mà chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm như "Sấm
truyền ca" (Lữ Y Đoan), "Inê tử đạo vãn", Tác phẩm của Lm
Philipphê Bỉnh, tác phẩm của Lm Đặng Đức Tuấn, tuần báo "Nam Kỳ Địa phận",
"Tây dương Giatô Bí lục"; "Một linh hồn" (Thụy An)…[]
Bùi Công Thuấn là nhà nghiên cứu, phê
bình văn học, nhà văn, đồng thời là một
nhạc sĩ. Ông từng đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2011 của Ủy ban toàn quốc
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm "Những
Dòng Sông Vẫn Chảy", Giải thưởng 5 năm Trịnh Hoài Đức lần thứ III (2010)
với các tác phẩm "Chút tình tri âm", lần thứ IV
(2015) với tác phẩm "Những dòng sông vẫn chảy" và "Hoa đỏ
bên sông"…
Ông có phong cách phê bình sắc sảo, trầm tĩnh và có
chiều sâu; kết hợp nhuần nhuyễn đức tin, tâm linh và giá trị nhân văn với tri
thức sâu rộng, tạo ra những công trình nghiên cứu có tính thuyết phục cao. Mỗi
bài viết của ông là hành trình tư duy, chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa con
người, thiên nhiên và thế giới tinh thần, khơi gợi suy ngẫm về đạo đức, nhân
cách và các giá trị nhân văn.
Dưới ánh sáng đức tin và những lời dạy của giáo hội
về văn học nghệ thuật [],
Bùi Công Thuấn khám phá giá trị đích thực của tác phẩm văn học, làm sáng tỏ mối
liên hệ giữa văn hóa, tôn giáo và nhân sinh. Ông lan tỏa tình yêu thương và ơn
cứu độ của Thiên Chúa, mở ra con đường nhận thức sâu sắc hơn về văn học, đồng
thời nâng cao hiểu biết về giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật. Ông chỉ ra
rằng văn học Công giáo không chỉ chứa đựng các giá trị tôn giáo mà còn mang
những giá trị nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học
dân tộc [].
Bùi Công Thuấn cũng khẳng định tác phẩm văn học là phương
tiện truyền tải đức tin, đồng thời thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ; tạo ra một không
gian nghệ thuật phong phú, vừa gắn liền với hành trình tìm kiếm đức tin, vừa mở
ra cơ hội khám phá các vấn đề nhân văn và xã hội. Ông
đã chứng minh rằng văn học không chỉ là công cụ biểu đạt thế giới tinh
thần mà còn là cầu nối giữa các giá trị văn hóa, tôn giáo và xã hội.
* * *
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học, Michael Bùi
Công Thuấn sinh năm 1949, tại Thái
Bình. Hiện sống và sáng tác tại Đồng Nai. Tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Việt -
Hán tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1974. Tốt nghiệp Cao Học chuyên ngành Lý
Luận Văn học tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 1988. Ông sáng tác ca khúc từ những năm 1970, đã phát
hành 3 CD:"Em Yêu & Mùa Xuân Em Về"(2005). CD Tình ca quê hương
(2014). Đã xuất bản: "Việt Nam Mãi Mãi yêu người" (Tập ca khúc, kỷ
niệm 30 năm sáng tác ca khúc); "Hạnh" (Tập truyện ngắn, Nxb. Hội Nhà
văn, 2005); "Chút Tình Tri Âm" (Lý luận phê bình, Nxb. Hội Nhà văn,
2009); "Những Tìm Tòi Nghệ Thuật Của Anh Đức" (LLPB, Nxb. Đồng Nai,
2009); "Những Dòng Sông Vẫn Chảy" (LLPB. Nxb. HNV, 2011); "Hoa
đỏ bên sông" (LLPB, Nxb. HNV, 2014); Tiếp cận thế giới nghệ thuật của Song
Nguyễn, (LLPB.Nxb. HNV, 2014); "Văn chương Việt Nam, Những gì còn với mai
sau" (LLPB, Nxb. HNV, 2016); "Nhà văn Đồng Nai" (LLPB, Nxb. HNV,
2018); "Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam" (Nghiên cứu &
Phê bình, Nxb. HNV, 2020); "Văn học Công Giáo Việt Nam đương đại"
(Nghiên cứu & Phê bình, Nxb. HNV, 2022). “45 Năm văn học Đồng Nai”(Nghiên
cứu-phê bình. Nxb HNV 2024).
Hải Phòng, 22/1/2025
M.V.P
Trích bài “Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây – Truyền thống và hiện đại”, trong cuốn Văn học Công Giáo Việt Nam đương đại (Nghiên cứu & Phê bình, 2022), Nxb. Hội Nhà văn, tr. 347.
- Bùi Công Thuấn: Thơ của Thầy cả Philipphê Bỉnh:
https://www.vanthoconggiao.net/2023/02/tho-cua-thay-ca-philipphe-binh-tac-gia-bui-cong-thuan.html
https://buicongthuan.wordpress.com/2024/09/27/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-chuyen-luan-cua-bui-cong-thuan/
- Bùi Công Thuấn: Tiểu thuyết Một linh hồn của Thụy An
https://www.vanthoconggiao.net/2021/06/oc-lai-tieu-thuyet-mot-linh-hon-cua.html
- Bùi Công Thuấn: Tây Dương Gia tô Bí lục-Những nghi vấn:
https://buicongthuan.wordpress.com/2021/10/04/tay-duong-gia-to-bi-luc-nhung-nghi-van/
https://www.vanthoconggiao.net/2022/02/thu-uc-thanh-cha-gioan-phaolo-ii-gui.html
Thư của Đức Giáo hoàng Francis:
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao
Phần I: https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/tong-quan-ve-tien-trinh-van-hoc-cong.html
Phần II: https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/tong-quan-ve-tien-trinh-van-hoc-cong_01666795025.html
Phần III: https://www.vanthoconggiao.net/2022/05/tong-quan-ve-tien-trinh-van-hoc-cong_0168408074.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Cao Gia An, S.J. (Tập thơ, 2014), Về núi thánh, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh;
- Cao Gia An, S.J. (Tập thơ, 2020), Tình thơ trên phận người, Nxb. Hồng Đức;
- Cao Gia An, S.J. (Tập thơ, 2020), Mùa cứu rỗi, Nxb. Hồng Đức;
- Cormac McCarthy (Tiểu thuyết, 2008), Cha và Con, Nxb. Văn Hóa Thông Tin;
- Carol Smith - Roddy Smith (Nghiên cứu, 2011), Lịch sử Thiên Chúa giáo, Nxb. Thời đại;
- Горбовец Людмила Осиповна (Трактат, 2017), Постмодернизм. Взгляд изнутри, Московское издательство;
- Hans Küng, Nguyễn Nghị dịch (Nghiên cứu, 2010), Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo, Nxb. Tri Thức;
- Jean-François Lyotard (Chuyên luận, 2019), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Nxb. Tri Thức;
- Khải Triều (Nghiên cứu, 2022), Những nhà thơ Công giáo Việt Nam hiện nay, Lưu hành nội bộ, Thư viện Mân côi;
- Lê Huy Bắc (2013), Văn học hậu hiện đại, lí thuyết và tiếp nhận, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội;
- Nguyễn Kiên Trường (Sách dịch, 2005), Từ điển Tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nxb. Tôn giáo;
- Nguyễn Tham Thiện Kế (Tập du ký, 2017), Đợi chị về tưới rượu bến sông, Nxb. Hội Nhà Văn;
- Nguyễn Tham Thiện Kế (Tập truyện ngắn, 2023), Một mùa hè dưới bóng cây, Nxb. Hội Nhà Văn;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Đặc trưng ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội, Tập 4, Số 1 (2/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Giọng điệu giãi bày trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, ngôn ngữ và Quốc tế học tại Việt Nam, Nxb. ĐH QG Hà Nội;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Biểu tượng trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện KHXHVN - Viện KHXH vùng Nam Bộ), Số 3 (235), (7/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Xúc cảm thẩm mỹ trong thơ Công giáo Việt Nam, Tạp chí khoa học Trường ĐH Hồng Đức, Số 41 (10/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Sự phát triển của thơ Công giáo trong thơ ca Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh GRS 2018, Nxb. ĐH QG Hà Nội;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2022), Về nghiên cứu cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện Hàn lâm KHXHVN – Viện KHXH vùng Nam Bộ), số 4 (284), 2022;
- Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2013), Cơ hội của Chúa, Nxb. Trẻ;
- Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2013), Khải huyền muộn, Nxb. Trẻ;
- Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2015), Ba ngôi của Người, Nxb. Trẻ;
- Phạm Văn Chung S.J (Luận văn tốt nghiệp dòng Tên, 2013), Giải cấu trúc hiện tượng luận Husserl” của Jacques Derrida, Học viện Thánh Guise;
- Phương Lựu (Nghiên cứu, 2011), Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb. Đại học Sư Phạm Hà Nội;
- Trăng Thập Tự (Thơ, 2024), Trăng bẻ làm đôi, Nxb. Đồng Nai;
- Trăng Thập Tự & Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu, 2022), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), Tủ sách Nước Mặn - Giáo phận Quy Nhơn;
- Trương Đăng Dung (Nghiên cứu, 2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học xã hội;
- Bùi Công Thuấn (Lý luận phê bình văn học, 2020), Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn;
- Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu & Phê bình, 2022), Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb. Hội Nhà văn.

Bùi Công Thuấn điều khiển hợp xướng