image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Nguyễn Hải Yến và hành trình kiếm tìm ánh sáng (phê bình) - Mai Văn Phấn

Nguyễn Hải Yến và hành trình kiếm tìm ánh sáng

 

 

Nhà văn Nguyễn Hải Yến - Ký họa của họa sĩ Ba Tỉnh

 

 

Mai Văn Phấn

 

Trên văn đàn Việt Nam gần đây, Nguyễn Hải Yến nổi lên như cây bút xuất sắc với những câu chuyện huyền ảo đầy lôi cuốn, đặc biệt là các truyện ngắn đậm chất truyền kỳ và hoang đường. Văn chương của chị phản ánh sâu sắc tâm lý của người dân đồng bằng Bắc Bộ, một miền đất giàu truyền thống văn hóa và phong phú với những câu chuyện ma quái dân gian.

 

Cuốn tiểu thuyết "Chuyến xe đi giữa sương mù" (ra mắt cuối năm 2023 – Nxb. Phụ nữ Việt Nam) của Nguyễn Hải Yến tiêu biểu cho lối viết huyền ảo của chị, nó dẫn dắt người đọc vào hành trình kỳ bí qua ranh giới mong manh giữa trần gian và âm giới. Chuyến xe chở những linh hồn đã qua đời – từ tài xế đến hành khách, mỗi hồn ma là một câu chuyện và mang số phận riêng – vượt qua "Giao lộ Âm Dương hun hút gió" để đến Nam Bình Phủ, một cõi âm nằm sâu "hơn mười nghìn mét" dưới mặt đất. Nơi đây rộn ràng một cuộc sống sau cái chết, mang đậm dấu ấn tư duy từ thời tổ tiên chúng ta rằng cái chết không phải dấu chấm hết, nó chỉ là sự chuyển tiếp sang một đời sống khác. Khoảng cách "hơn mười nghìn mét" tưởng chừng có thể đo đạc, nhưng thực chất lại là một chiều kích huyền ảo, nơi bóng tối mang sức nặng không thể cân đong, và sự u tịch trở thành nỗi ám ảnh.

 

Nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Hải Yến thấm đẫm chất văn hóa dân gian Bắc Bộ, nổi bật là những người nông dân giản dị, chân chất, gắn bó với làng quê, hòa mình vào những phong tục, tập quán cổ truyền, nhưng mang trong mình những bí ẩn bất ngờ, những ký ức, suy tư vượt xa dáng vẻ mộc mạc. Chính sự tương phản giữa bề ngoài chất phác và nội tâm phong phú của các nhân vật đã tạo nên chiều sâu và sức hút độc đáo cho tác phẩm của Nguyễn Hải Yến. Bút pháp văn chương của chị nổi bật ở sự kết hợp tài tình yếu tố siêu thực với những chi tiết đời thường để tạo ra nhiều tầng ý nghĩa cho tiểu thuyết. Chị đưa những hình ảnh, cảnh vật sống động nhưng đầy ẩn ý vào câu chuyện, khơi dậy cảm giác lạ lùng, khiến người đọc nhận thấy ranh giới mỏng manh giữa các mặt đối lập: sống - chết, thiện - ác, tội lỗi - tha thứ...

 

Ngay từ chương đầu tiên của "Chuyến xe đi giữa sương mù", Nguyễn Hải Yến khéo léo kết hợp giữa hiện thực và huyền bí, tạo nên một bức màn mơ hồ trong không gian âm dương giới. Mặc dù là "chuyến xe ma", nhưng hành trình vẫn đầy những chi tiết quen thuộc của thế giới con người: hành khách phải thắt dây an toàn, trên xe có nước uống, có kẹo để dỗ dành trẻ nhỏ, và người lái xe phải có bằng lái "đã được sát hạch". Nhà văn còn dựng nên một "xã hội địa phủ", nơi các linh hồn phải mang theo "giấy tờ tùy thân" như hồ sơ tư pháp, giấy chứng tử, thư tay... Những chi tiết này phác họa một hệ thống hành chính phức tạp, phiền hà đè nặng lên các nhân vật, mặc dù đã là những hồn ma. Sự đối lập giữa yếu tố kỳ ảo và các quy định hành chính chốn dương gian tạo nên bức tranh độc đáo về thế giới bên kia. Chốn âm dương giới này mang đến cho tôi, một người đọc, cảm giác vừa quen vừa lạ, vừa được phơi bày lại vừa bí ẩn. Nó buộc tôi phải tự vấn về những quy tắc và ràng buộc dường như kéo dài vô tận, vượt qua cả ranh giới giữa sự sống và cái chết.

 

Không chỉ dẫn dắt người đọc vào thế giới huyền bí, Nguyễn Hải Yến còn trình hiện các khía cạnh của đời sống thực tại, để lại những suy ngẫm sâu sắc về bản chất và ý nghĩa của nó. Chuyến xe đưa hành khách sang thế giới bên kia đi trên những cung đường quen thuộc. Ban đầu, khung cảnh tĩnh mịch hiện ra với chiếc đồng hồ chậm 15 phút so với giờ chuẩn, tạo cảm giác bất thường nhưng không quá ngỡ ngàng. Chỉ đến khi "một cái bóng trắng" của hành khách đầu tiên xuất hiện trong ánh sáng mờ ảo, như sương khói bay qua, thì bức màn của âm giới mới chính thức được vén lên: "Một cái bóng trắng bé nhỏ bất ngờ xuất hiện ngay đầu quầng đèn. Luồng sáng trong veo soi rõ cả những vẩn sương mù bao quanh dáng hình mờ như khói" (tr. 14).

 

Nguyễn Hải Yến khéo hư cấu chuyến xe chở những linh hồn vừa lìa đời, từ gã kỹ sư độc thân lái xe đến các hành khách đa dạng, như cô Thư làm nghề y, bé Bin, gã đại gia Hải Bóng, và một gã "đầu dưa bụng phệ". Chuyến xe đi tới "Nam Bình Phủ" – một cõi âm do nhà văn tưởng tượng với năm trấn mang tên "Kim Ngân Trấn", "Mộc Âm Trấn", "Hoàn Thủy Trấn", "Hỏa Địa Trấn", "Trung Thổ Trấn" – gợi nhắc đến Thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong triết học cổ đại phương Đông, mở ra nhiều tầng nghĩa về sự sinh thành và vận động của vạn vật. Tác giả không chỉ dựng nên một thế giới âm phủ mà còn lồng ghép các yếu tố triết lý, biến mỗi chuyển động thành biểu tượng sống động của vòng tuần hoàn tự nhiên và sự tương tác giữa các nguyên lý, mở ra góc nhìn đa chiều về luân hồi và biến dịch.

 

Từ chương sau trở đi, khi chuyến xe tiến vào cõi âm, các nhân vật nói trên hòa nhập vào cộng đồng linh hồn thuộc nhiều thế hệ, trong đó có linh hồn đã tồn tại ở đó hàng ngàn năm, như vị Tổng Trấn. Tại đây, thời gian vận hành cũng giống như trên dương thế: không có mặt trời, nhưng vẫn có ngày và đêm. Các linh hồn sinh hoạt, đi lại, trò chuyện, và thậm chí vẫn giữ những tập tục, thói quen như khi còn sống, khiến cõi âm hiện ra như một tấm gương phản chiếu dương thế. Không gian ấy không chỉ là chốn trú ngụ mà còn là nơi các hồn ma phải đối diện với những ký ức chưa tan, những vết thương chưa lành, và cả những nỗi niềm khao khát, những câu hỏi về lẽ tồn tại còn bỏ dở.

 

Nguyễn Hải Yến không chỉ dừng lại ở việc mô tả chuyến xe và những hồn ma, mà còn đưa người đọc vào dòng suy tưởng về cuộc đời, về những gì còn lại sau khi đã qua một kiếp người. Qua đó, cuốn sách để lại dư âm sâu lắng về hành trình đi qua bóng tối để kiếm tìm ánh sáng, một hành trình đầy thử thách và xúc động, nơi cõi âm và cõi dương chỉ cách nhau một sợi dây mong manh. Ánh sáng mà Nguyễn Hải Yến thắp lên trong tác phẩm không chỉ chiếu rọi vào cõi âm, mà còn soi tỏ những u mê trên dương thế, nơi dăng mắc đầy những cạm bẫy của những kẻ buôn thần bán thánh. Con người cúng tiến vàng mã, cầu hồn, giải nghiệp, áp vong, cúng oan gia trái chủ... Hệ quả là, theo lý giải của tác giả, những linh hồn nơi cõi âm lại phải gánh thêm nghiệp chướng do người thân còn sống gây ra, tạo nên biết bao bi hài, khiến cho những linh hồn không khỏi rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Ngoài việc phải lao động để giải nghiệp, họ còn phải chịu đựng thêm nghiệp từ những lễ cúng vàng mã, những yêu cầu từ cõi trần gửi xuống. Vì không thể trả lại, các linh hồn chỉ còn cách phải làm việc, lo liệu chỗ ở, chăm sóc mã, thậm chí học cách lái xe, lái máy bay, chờ đợi cho đến khi các mã vật ấy hoàn tất "thời gian quy định" và "chuyển hóa" thành giấy trong âm phủ. Đây là cảnh bi hài các linh hồn nhận vàng mã từ dương gian gửi xuống, khiến độc giả không thể nhịn cười trước những mớ hàng hóa oái oăm, có cả "Màng trinh công chúa" và "Tinh trùng hạ thổ": "Những thùng hàng phía sau mở ra. Một cái nhà hai tầng xiêu vẹo cỡ cái chuồng gà, mái thủng từng mảng. Khôi bảo chỗ này là chưa cháy hết chứ không phải do vận chuyển đâu bác nhá! Tiếp đến là mớ áo quần hoa hoét, to bé đủ loại, bé thì bằng tờ A4, to cỡ mặt báo, rặt mấy kiểu, nếu không ba lỗ thì khoét cổ chắp tay, hay chắp cả tay lẫn cổ. Khôi chỉ cái túm buộc dây bảo xuống đến nơi thì tay đi đằng tay cổ rơi đằng cổ, chúng tôi nhặt, xâu lại cho bác đấy, lúc nào rảnh bác tự lắp vào. Rồi chìa tiếp bịch tiền có in hình ông Diêm Vương và dòng chữ Ngân hàng Địa Phủ, cũng thủng lỗ chỗ bảo đợt này lắm tiền quá bác ạ! Lão Chung nhăn nhó bảo lắm thì cũng có tiêu được đâu, lại phải ra ngân hàng đổi điểm mới lại đổi thẻ chứ có tiêu tiền đâu… Rồi ngó đầu nhìn vào thùng hàng bảo cái gì nữa mà bọc kĩ thế hử anh sít phơ?/ Cái gói bọc kĩ dán cả niêm phong đỏ ấy có ghi dòng chữ rất to, đậm nét “Hàng quốc cấm”. Khôi nhìn nét mặt tái như đít nhái chết của lão Chung bảo hàng này vừa bị phạt, vừa bị tính phí gấp đôi bác ạ! Không hiểu sao, tự nhiên năm nay con bác lại thế. Bác có nhắn nhủ gì lên không mà anh ấy gửi cái này?/ Niêm phong bóc.../ Hai bịch thuốc to đùng lần lượt được lôi ra, chìa tận mặt người nhận, cùng dán giấy, tên thuốc là chữ viết tay của lão Trung Khùng. Một bọc ghi: “Màng trinh công chúa” còn bọc kia là “Tinh trùng hạ thổ.” (tr. 240)

 

Nguyễn Hải Yến đã tạo dựng cõi u linh bằng cách để các linh hồn mang theo những hình ảnh và tư liệu từ dương gian. Buổi đón các linh hồn vào phủ đầy màu sắc, với cờ hoa và biểu ngữ hai bên, gợi đến cảnh "Toàn dân đưa trẻ đến trường". Những biển hiệu chỉ dẫn: "Bàn đại biểu", "Khách mời", "Nhà Đại Lễ", "Nhà Hậu Cần", "Nhà Công Vụ", "Nhà bếp Nam Bình Phủ", hay "Nội quy Vọng Dương Đài" được sắp đặt đầy dụng ý, tạo nên một không gian vừa quen vừa lạ, hài hước và đậm chất ma mị. "Tấm biển khung dán chữ cắt giấy trắng hiện ra trên nền phông đen: Lễ rước vong nhập Phủ" (tr. 89). Những tình tiết như vậy thể hiện sự giễu nhại, và thủ pháp giễu nhại này thật độc đáo, khiến cho tác phẩm hiện thực huyền ảo này của chị có tính hậu hiện đại – một sự khác biệt lớn so với những tác phẩm hiện thực huyền ảo khác. Qua thủ pháp này, tác giả không chỉ nhấn mạnh những đặc điểm đáng chú ý của đối tượng, mà còn tạo ra khoảng cách để người đọc nhìn nhận vấn đề dưới góc độ hài hước và thường là phản tư. Đây là một đoạn văn đặc trưng của lối viết giễu nhại của Nguyễn Hải Yến: "Gã chưa kịp trả lời thì từ trên sân khấu lão Củng lại gõ micro bồm bộp, alo thêm một hồi rồi mới dõng dạc kính mời các vị đại biểu cùng toàn thể cô bác, anh chị em nhân dân Nam Bình Phủ đứng dậy làm lễ đón vong! Đội nghi lễ chuẩn bị! "Tất cả chú ý". Lão Củng bước xuống sân khấu hô "Nghiêm" xong thì đứng im như pho tượng, hai tay nẹp theo ống quần, mắt nhìn thẳng xuống dãy bàn đánh số xe từ 01 đến 07" (tr. 91). Sự việc cứ thế diễn tiến một cách rất quy tắc và bài bản nhưng đầy tính hài hước. Tình tiết sau đây cũng khiến người đọc không thể nhịn cười khi hồn ma gã "đầu dưa bụng phệ" chui được vào chiếc xe về âm phủ, hắn còn mang theo cả thuốc xịt mọc tóc và Rocket một giờ (tr.23), hắn "thở phì phì như rắn hổ mang dọa người trong bụi duối" (tr. 24).

 

Đoạn văn dưới đây là minh chứng sống động cho khả năng châm biếm sắc sảo của tác giả, khi khắc họa một thế giới âm phủ đầy "logic ngược" nhưng lại phản chiếu rõ nét đời thường. Những quy định giao thông kỳ quặc ở Nam Bình Phủ, như đèn đỏ thì đi, đèn xanh thì dừng, mũi tên rẽ phải lại chỉ rẽ trái..., đã biến bài học lý thuyết giao thông thành một màn hài hước đen (black humor) đậm chất châm biếm. Tác giả không chỉ mang lại tiếng cười giải trí mà còn lồng ghép những suy ngẫm sâu sắc về nghịch lý trong xã hội. "Lão Kim Trấn quay lại phía các bô lão học viên bảo lí thuyết có thế này thôi, mỗi một bài, học bao lần mà kiểm tra ai cũng trả lời sai là như nào. Tôi đã cho ghi hẳn hoi là đường sá dưới âm này nó ngược với trên kia, các kí hiệu giao thông cũng phải lộn hết lại, các ông các bà cứ học theo thói quen, phúc tổ mả dày là trượt chứ đỗ rồi ra thực hành là chết cả nút chả đùa. Đây nhá, đèn đỏ là đi, đèn xanh dừng nhá! Mũi tên xanh ngoặt phải là được phép rẽ trái nhá! Biển đỏ gạch chéo cái hình ô tô này không phải biến cấm xe đâu, là đi thoải mái nhá! Các ông bà bảo bắt học làm gì khi đường thì bé mà không có cái biển báo giao thông nào hả?  Xin thưa, đây là một khâu trong lộ trình chiến lược tầm nhìn đến 2050, nhằm phấn đấu phát triển Nam Bình Phủ thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Giờ chưa có thì mấy chục năm nữa có" (tr. 217)

 

Một thế giới âm phủ kỳ lạ và độc đáo đã mở ra trong tiểu thuyết của Nguyễn Hải Yến, nơi các linh hồn an phận hoặc chờ đợi được luân hồi, họ sống trong một cộng đồng hòa thuận nhưng không thiếu những tình huống nghịch lý, éo le, chủ yếu gây ra bởi những việc từ cõi trần gửi xuống. Mỗi người sau khi qua đời, khi đến trạm dừng chân Vong Xuyên để chuẩn bị qua sông vào cõi Nam Bình Phủ, đều mang theo hai chiếc lọ đeo trên cổ, chứa nước mắt của người dương thế khóc thương họ. Nước mắt yêu thương thì nhẹ, còn nước mắt oán hận lại trĩu nặng. Họ phải tiếp tục sống, làm việc, và trải nghiệm yêu thương ở cõi âm, để dần gột rửa đi những sân si, oán hận. Đến khi chuyển sinh, hai lọ nước mắt ấy sẽ hóa thành ngọc, được để lại, soi sáng cho nhiều đời trong cõi âm.

 

Những trang về Nam Bình Phủ thật sinh động. Tôi đặc biệt ấn tượng với các đoạn miêu tả Vọng Dương Đài – nơi các hồn ma có thể quan sát mọi hoạt động trên dương thế. Đây là kênh duy nhất nối liền cõi âm với cõi dương, là điểm kết nối khiến các hồn ma rực sáng mỗi khi thấy hoặc nghe tin về những người thân yêu, về ngôi nhà xưa của mình. Chính tại nơi này, những ký ức tưởng chừng đã ngủ quên trong họ bỗng chốc được đánh thức. Qua Vọng Dương Đài, tác giả đã để các nhân vật bộc lộ hết những tâm lý và cảm xúc tự nhiên, khiến người đọc cảm nhận rõ sự khao khát, tiếc nuối và yêu thương còn sót lại trong họ. Trong đoạn văn sau, cảnh nhân vật Lồng Tỉ nhờ cô gái quan sát Vọng Dương Đài mô tả lại ngôi nhà của mình trên dương gian đã khắc họa sâu sắc nỗi nhớ thương và những hình ảnh thân thuộc trong ký ức người đã khuất: "Lồng Tỉ mừng rỡ hỏi cô gái đâu, nhà tôi đâu, ở chỗ nào? Cô gái bảo chỉ tìm một hướng Cầu Vong Xuyên thôi chị ạ! Nhà mái ngói, giữa vườn cây, lối vào phải qua vườn rồi mới đến sân. Vườn mùa này rau lên tốt lắm. Có một luống đay, nhưng để ra quả mà không hái, cao ngập đầu người. Lồng Tỉ bắt đầu sụt sùi trở lại bảo luống đay ấy bố con nó gieo cho tôi đấy!" (tr.168); "Hai cái đầu sát lại hướng về phía Vong Xuyên, một người vừa kể bằng lời vừa tả bằng tay, một người vừa nghe vừa sụt sịt, thỉnh thoảng lại chùi mũi bôi vào mông quần..." (tr. 170). Hay một nhân vật có tên Nguyễn Bảo Thư đã viết trong một bài thi trong cõi Nam Bình Phủ như sau: "Ai ở Phủ mình đã từng qua nơi ấy, muốn tìm người để trả nợ ân tình hay muốn nhắn nhủ gì với người trên dương thế, xin hãy nói, tôi sẽ cố tìm cách nào đó nhắn tin lên!" (tr. 187).

 

Văn của Nguyễn Hải Yến dung dị, giàu cảm xúc, và thật đẹp. Chỉ qua một chi tiết nhỏ như mùi hương ngô trong đoạn văn dưới đây, tác giả đã dẫn dắt người đọc vào không gian đồng quê Bắc Bộ thân thuộc và lãng mạn. Hương ngô nếp, với sự dịu dàng và đằm thắm, không chỉ gợi lên sự tinh tế của thiên nhiên mà còn khơi dậy cảm giác gần gũi với những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất này. "Nhưng có mùi hương gì lạ quá. Cô ngửi thấy không, mùi hoa ngô đấy. Khu này trồng mầu. Cô gái gật đầu bảo hôm trước tôi thấy cả cánh đồng ngô đang trổ cờ nhưng giờ mới biết hương ngô nếp ta thơm đằm chứ không sắc như ngô ngọt Mĩ." (tr. 20).

 

Chương "Vĩ thanh", với tôi, là những đoạn văn giàu chất thơ, đẹp nhất trong cuốn sách. Thật ấn tượng khi tác giả để nhân vật Thư dẫn bé Bin vượt qua sóng nước Vong Xuyên, qua các cửa ải để trở lại dương thế. Cảnh tượng này vừa là hành trình đầy thử thách vừa là biểu tượng cho sự nối tiếp giữa hai thế giới, nơi ranh giới giữa cõi sống và cõi chết chỉ là tấm màn mờ ảo, mong manh, và những mối liên kết giữa các hồn ma và người còn sống không bao giờ bị cắt đứt. "Tại sao cây đèn này bao nhiêu lần thắp lên đều không sáng mà hôm nay lại sáng? Có phải lời con nhắn lên cho mẹ Thương, mẹ nghe thấy rồi không? Con bảo mẹ ơi, con sợ tối nhưng mỗi lần châm lửa, nước mắt của mẹ lại làm tắt đèn con. Mẹ có lau nước mắt lửa mới lên được. Có ánh sáng con mới không sợ nữa... Thư bảo ừ, đèn lên màu trong thế này là mẹ Thương ngừng khóc rồi" (tr. 376); "Cây linh hồn của Bin đã chạm chân vào sóng. Thư bế con bé lên thì thầm tạm biệt con, nếu có duyên mình gặp lại, giờ con đi, đừng quay lại, cũng đừng buồn… Con bé chừng hiểu chuyện, lặng lẽ gật đầu. Đôi lọ thủy tinh trước ngực nó vẫn sáng rực như hai viên ngọc” Tr. 377). Ánh sáng nhỏ nhoi của ngọn đèn trong tay bé Bin, dù mong manh nhưng có sức mạnh cứu rỗi, giống như lời nhắn nhủ rằng tình mẹ con luôn bất tử, vượt qua mọi giới hạn và thử thách. Nguyễn Hải Yến đã chạm đến những khía cạnh sâu thẳm của cõi người: tình yêu thương là ánh sáng duy nhất có thể xua tan bóng tối của nỗi sợ hãi và đau thương. Đoạn kết của cuốn sách thật nhẹ nhàng nhưng đầy ấn tượng, khép lại một hành trình vượt qua biên giới sinh-tử, để lại trong lòng người đọc cảm giác thanh thản, vĩnh cửu.

 

Hành trình mà Nguyễn Hải Yến khắc họa trong "Chuyến xe đi giữa sương mù" là cuộc tìm kiếm ánh sáng trong bóng tối, tìm kiếm hơi ấm trong nỗi hoang lạnh của cái chết, tìm kiếm sự hồi sinh trong sự tàn lụi, tìm kiếm nỗi hoài nhớ trong những ký ức bị vùi sâu, và tìm kiếm cuộc sống tiếp diễn nơi âm giới. Tiểu thuyết của chị tựa ánh sáng xuyên qua mọi ngăn cách, qua màn sương mờ sinh-tử, dẫn dắt chúng ta đi qua những ngã rẽ của cuộc đời, để cuối cùng nhận ra rằng dù trong bóng tối, trong bĩ cực, ánh sáng vẫn luôn hiện hữu, lấp lánh từ ký ức, từ tình yêu thương và sự tha thứ.

 

Bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế, đôi lúc hóm hỉnh mà sâu sắc, Nguyễn Hải Yến mở ra những góc nhìn mới mẻ về sự sống và cái chết, về những khát vọng và hy vọng không bao giờ tắt, khiến cho cõi âm không chỉ là nơi an nghỉ mà trở thành “cõi đi về”, nơi con người tìm thấy phần còn lại của chính mình, tiếp nối những khát vọng dang dở. Trong “cõi đi về” ấy, ánh sáng từ cõi âm lan tỏa, trở về với trần gian, thắp lên niềm tin vào sự giao hòa giữa hai thế giới, nơi tình yêu và ký ức không ngừng sưởi ấm tâm hồn con người. Như ngọn lửa dẫn lối trong đêm, cuốn sách không chỉ hàm chứa chiều sâu triết lý mà còn mở ra con đường dẫn con người đến sự thanh thản và an vui, được soi sáng bởi tình yêu thương và lòng tha thứ.

 

Nhà văn Nguyễn Hải Yến sinh năm 1973, tại Lam Sơn, Thanh Miện, Hải Dương. Hiện chị là giáo viên Ngữ văn tại Trường THCS Thị Trấn Gia Lộc, Hải Dương. Đã xuất bản: "Manh mai khói rạ" (tản văn, 2027), "Quán Thủy Thần” (truyện ngắn, 2019), “Hoa gạo đáy hồ” (truyện ngắn, 2020), "Cây mẫu đơn hoa trắng" (truyện ngắn, 2020), “Mộc hương cuối mùa Thu” (truyện ngắn, 2022). Nguyễn Hải Yến từng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019 với tập truyện ngắn "Quán Thủy Thần". Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (2018-2020) với hai truyện ngắn, "Hoa gạo đáy hồ" và "Cửa sông thiên đường".

 

Hải Phòng, 12/11/2024

M.V.P

 

 

  

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị