image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Đạo đức và sự thật trong phê bình văn học (phê bình) - Mai Thị Liên Giang

Đạo đức sự thật trong phê bình văn học

 

 

Mai Thị Liên Giang

 

 

Mai Thị Liên Giang[1]

 

Viết phê bình đôi khi cũng được xem như một kiểu bù đắp của nghệ sỹ ở đời sống tinh thần. Nhà phê bình có khi cũng phải tìm cách hóa thân vào đời sống tinh thần của những nhà thơ khác khi trải qua các trạng huống, chi tiết nghệ thuật, trạng thái cảm xúc xuất hiện trong văn bản. Như là một nghệ sỹ, Mai Văn Phấn đã tự nguyện đặt mình vào vai một cố vấn đắc lực cho độc giả trong việc lựa chọn đối tượng đọc thời hiện đại. Đọc phê bình Mai Văn Phấn, người đọc được hiểu thêm thế giới sống trong thơ Minh Anh, Pháp Hoan, Đinh Trần Phương, Trần Tuấn, Nguyễn Đình Di, Trần Xuân Trường; ranh giới thơ trong thơ Hàm Anh, Hoài Khánh, Nguyễn Phan Hách; tình yêu thương con người trong thơ Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thúy Ngoan, Văn Đắc, Trần Hùng; tính độc đáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Hải, Giáng Vân. Và đặc biệt nữa là sự kết nối thế giới tâm hồn yêu thương của tác giả đối với một số nhà thơ đương đại ở các nước Nga, Hungary, Serbia, Hàn Quốc, Cuba, Uzbekistan… Một số bài viết thể hiện quan điểm sáng tác thơ, quan điểm về thơ hay, về căn tính dân tộc và toàn cầu hóa trong sáng tác văn học, quan điểm về việc viết, việc xuất bản sách, quan điểm phê bình… của ông cũng được tập hợp ở đây. Cách viết của ông như là những suy tư về thơ, về giá trị thực của thơ quyện với niềm mong mỏi được góp một phần nhỏ trong hành trình lấp dần khoảng trống sâu thẳm giữa người đọc với các nhà thơ thời nay. Như cách ông trăn trở: “Viết có thể thay đổi thế giới” (1-tr347). Nhiều phát ngôn của ông trong phê bình thơ thể hiện rõ thông điệp muốn hướng người đọc đến những điểm vừa mắt của tác phẩm, hạn chế tối đa những câu viết phê bình theo kiểu phê phán, chỉ trích. Nếu trong văn bản có lúc này lúc kia, thì người đọc cần biết nhìn về phía thiện chí của tác giả. Mai Văn Phấn thừa biết, bất cứ ở lĩnh vực nghệ thuật nào trong thế giới sáng tạo vì con người thì cũng có “gót chân Asin”. Không phải tất cả các tác phẩm của một tác giả đều được bạn đọc đón nhận, thậm chí ngay trong mỗi tác phẩm vẫn khó đạt đến sự đáp ứng hoàn hảo 100%. Chính vì vậy, nhà phê bình cố gắng để nhìn vào phía tốt đẹp để tìm ra được giá trị hữu ích của tác phẩm chuyển tải đến người đọc, kiểu như xem một trận bóng đá chung kết. Các đội vô địch không phải lúc nào cũng có 100% cú sút như ý. Tuy nhiên, kết quả chung cuộc đọng lại trong tâm trí khán giả vẫn là số bàn thắng, giá trị cuối cùng của mỗi cuộc chơi. Mai Văn Phấn có cách dẫn dụ người đọc vào lối xem tập trung vào các tâm đẹp của tác phẩm, từ đó có cái nhìn tổng thể giá trị của tác phẩm cũng như sự nỗ lực đáng trân trọng của các nhà thơ ông có dịp tiếp xúc. Trên thế giới cũng đã có một số nhà phê bình thành công theo lối viết nay như Charles Baudelair, Marcel Proust... Một số nhà phê bình ở Việt Nam như thành công theo lối viết nay như Hoài Thanh, Hoài Chân, Xuân Diệu, Chế  Lan Viên… “Nhịp điệu lối đi[2]” của Mai Văn Phấn như vậy đã là một phương cách sáng tạo riêng của ông cùng trong hành trình vào thế giới thơ.

 

1. Phê bình của Mai Văn Phấn như ngầm tuân thủ một hệ thống nguyên tắc đạo đức, đó là đạo đức của nhà thơ, của nhà phê bình. Chính cách ông lựa chọn tác giả, đặt vấn đề nghiên cứu theo đặc thù của mỗi nhà thơ, phát triển mạnh cảm xúc trực giác và liên tưởng, tưởng tượng liên kết thông qua hệ thống chi tiết văn bản cho thấy phê bình của Mai Văn Phấn có đặc thù riêng. Đặc thù của đạo đức nhà thơ và trí tưởng tượng sáng tạo liên hoàn. Kiểu “dây chuyền” tưởng tượng, tưởng tượng của tưởng tượng, thông qua văn bản. Đây cũng là cách mà các nhà phê bình chuyên nghiệp khó có được khi họ buộc phải nương mình hoặc tuân theo những lý thuyết gò bó hoặc quy tắc ngặt nghèo của các lý thuyết, hoặc chủ trương của một nhóm lý thuyết, hay một nền văn hóa cụ thể... Nhìn chung, văn bản phê bình của Mai Văn Phấn thường gợi thêm một hoặc hơn một hành động tích cực khác được gợi ra tiếp sau quá trình đọc. Đó có thể là một gợi ý, hoặc một suy nghĩ tích cực, hoặc một hình ảnh tương tự đẹp hơn, hoặc rõ hơn, hoặc một tâm tư của riêng Mai Văn Phấn. Vì vậy, câu văn phê bình của Mai Văn Phấn mang tính cảm xúc khá lớn. Kiểu như khi đọc câu thơ của Nguyễn Đình Di:

Tôi lạy hoa trặc trìu đừng thơm day dứt nữa

Anh sẽ nói được lời chưa kịp nói em nghe

Trong hương trặc trìu tóc bạc đã như mê

(Hoa trặc trìu)

Mai Văn Phấn nói “Tôi đã cất công đi tìm loại hoa trặc trìu này” (1- tr 65). Hóa ra đây là loài hoa “cảm xúc”… Kiểu liên tưởng xâu chuỗi theo mạch cảm xúc: Hình ảnh 1 – Văn bản 1 – Hình ảnh 2 – Văn bản 2 – Hình ảnh 3 – Văn bản 3 thường xuất hiện trong phê bình của Mai Văn Phấn khi ông có dùng phép liên tưởng trong phê bình. Vì vậy, dạng đoạn văn kết cấu kiểu song song trong các bài viết của Mai Văn Phấn như thế này khá nhiều. Cách kết nối cảm xúc liên hoàn từ chi tiết này sang chi tiết khác giữa các đoạn khi ông khảo sát cùng một tác giả dễ truyền thông tin nhanh, dễ làm lay động cảm xúc người đọc. Ông cũng đã khẳng định: “Tôi quan niệm, một người cầm bút không có những tác phẩm lay động lòng người, không ảnh hưởng tới cộng đồng, tức là anh ta vẫn im lặng” (1- Tr 349). Từ quan niệm về đạo đức của người phê bình, các bài viết của ông vì thế mang tính thẩm tra rõ rệt. Nhìn tổng thể, tính thẩm tra cũng là một biểu hiện được thể hiện rõ trong phê bình của Mai Văn Phấn. Trong các bài viết, ông luôn tuân thủ theo sự thật văn bản tuyệt đối nhưng mặt khác, tác giả biết lựa chọn thông tin nổi bật, tinh gọn, làm rõ phong cách đặc thù theo từng tác giả và trình bày lại cho người đọc (người nghe) một cách phù hợp nhất. Kiểu ông cất công đi tìm một loài hoa xuất hiện, hoặc một âm thanh, một hình ảnh, một chi tiết nghệ thuật… như đã nói trên trong thơ cho thấy một tư duy phê bình khoa học kết hợp với phê bình trực giác khá thú vị trong nghiên cứu phê bình của Mai Văn Phấn. Liên tưởng đến một thế giới thứ hai sau thế giới của con chữ trong bài thơ, thế giới tưởng tượng của thế giới tâm tưởng, nhà phê bình nhờ vậy mà được giàu có thêm từ một đời sống mới. Đây cũng là cách sống, là sự lựa chọn của nhiều nhà phê bình khoa học. Họ, xét đến cùng cũng là người phải biết cách học riêng để viết lại bài cuộc đời mình. Bằng cách này, nhà phê bình chạm đến được sự tự do trong thế giới tâm hồn. Đây cũng là cách để tăng thêm nguồn lực tinh thần sáng tạo cho tác giả, đồng thời “khiêu khích” người đọc sau tiếp tục bước vào thế giới của cả hai đối tượng: nhà thơ, nhà phê bình. Mai Văn Phấn cũng tự thấy mình xuất hiện rất rõ trong quá trình đó, ông đã từng diễn đạt một cách khiêm tốn: “Tôi cũng có câu thơ ở trạng thái tương tự, nhưng đi ngược với chuyển dịch của thi sĩ của Hàm Anh... Nhưng câu thơ của tôi mới châm dây cháy chậm, còn khổ thơ kết bài của Hàm Anh đã chạm “điểm nổ” (1- tr 82).

Tuân thủ tính thẩm tra cũng là một nguyên tắc đạo đức riêng của Mai Văn Phấn trong nghiên cứu phê bình thơ hiện đại. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình lựa chọn, tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Phê bình văn học không chỉ là sự đánh giá mà còn là hành vi giao tiếp giữa nhà phê bình, tác giả, và độc giả. Vì vậy, đạo đức trong phê bình thể hiện ở sự tôn trọng tác giả, tránh chỉ trích nặng nề hoặc áp đặt quan điểm cá nhân của người phê bình. Phê bình của Mai Văn Phấn vì thế hướng đến việc khám phá giá trị tốt đẹp trong tác phẩm, tạo cơ hội để tác giả và độc giả cùng nhìn nhận sâu hơn về tác phẩm, thay vì phủ định hay làm tổn thương giá trị sáng tạo. Mặt khác, từ góc nhìn này, phê bình còn cần được xem như một hình thức khai sáng. Đạo đức phê bình nằm ở việc hướng độc giả đến sự thật trong văn học, giúp họ nhìn nhận sâu sắc hơn về các khía cạnh văn hóa, lịch sử, triết học trong tác phẩm. Mai Văn Phấn đã biết cách mở ra một thế giới tưởng tượng từ tác phẩm, dẫn dắt độc giả khám phá những giá trị mới từ văn bản. Hơn nữa phê bình phải hướng đến việc hỗ trợ tác giả sáng tạo. Một nhà phê bình có đạo đức không chỉ đánh giá tác phẩm mà còn có trách nhiệm hỗ trợ tác giả trong hành trình sáng tạo, gợi ý sáng tạo tiếp theo hoặc mở rộng ý tưởng qua văn bản. Mai Văn Phấn thường kết nối các hình ảnh trong tác phẩm với những trải nghiệm cá nhân hoặc liên hệ thực tế  để gợi ý cho tác giả những chiều sâu mới hơn trong tác phẩm. Thiết lập đạo đức trong phê bình cũng là cách  để người tiếp nhận tránh các xu hướng phê bình tiêu cực, hạn chế tối đa các dạng phê bình cay nghiệt, thiên kiến hoặc mang tính phá hoại. Mai Văn Phấn vì vậy luôn giữ tinh thần đồng hành cùng sáng tạo với nhà thơ. Trong bối cảnh văn học toàn cầu hóa, phê bình cần có đạo đức khi tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, tránh áp đặt tiêu chuẩn một cá nhân hoặc một quốc gia riêng lên đối tượng cụ thể. Mai Văn Phấn, qua các tác phẩm phê bình về văn học quốc tế, đã tỏ rõ tinh thần tôn trọng và học hỏi từ các nhà thơ nước ngoài, đồng thời chỉ ra điểm giao thoa văn hóa, điểm kết nối cần học hỏi của các tác giả nước ngoài với Việt Nam.

 

2. Đạo đức trong phê bình thường và phải đi kèm với sự thật. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về phê bình ở Việt Nam hiện nay, trong đó có phê bình của Mai Văn Phấn. Sự thật, trong đời sống văn chương, dễ gì nói hết, trong phê bình càng khó diễn đạt! Tôn trọng sự thật là một nguyên tắc rất cần được tuân thủ trong quá trình nghiên cứu, phê bình tác phẩm. Tất nhiên sự thật ở đây là sự thật của nghệ thuật sáng tạo. Sự thật trong phê bình xét đến cùng chính là phẩm chất trung thực và khách quan. Nhà phê bình cần giữ vai trò trung gian, không thiên vị hoặc bị chi phối bởi định kiến cá nhân, ý thức hệ, hoặc áp lực xã hội. Điều thú vị trong phê bình tiểu luận của Mai Văn Phấn là khả năng hiển lộ sự thật, phong cách, chân dung của chính người phê bình, và sự thật của đối tượng nghiên cứu. Cách phản ánh sự thật qua văn bản thơ giúp người đọc hình dung được đời sống tinh thần, tâm sự của tác giả, thông điệp, tư tưởng tác giả muốn chuyển tải đến người đọc. Hoạt động tác giả còn được thấy rõ hơn qua hệ thống liên kết của các mạch kiến thức khoa học trong phê bình của Mai Văn Phấn. Thực tế, nhiệm vụ cơ bản nhất của nhà văn nói chung, nhà phê bình nói riêng vẫn là ở việc anh ta phải nói ra được sự thật về những giá trị văn chương mà anh ta thấy trong cuốn sách, trong đời sống. Nếu có am hiểu nhiều loại sự thật, nhà phê bình có khả năng để vượt qua những định kiến chính trị, và cả những cảm quan đang thống trị anh ta trong cuộc sống cũng như trong quá trình viết. Chính vì vậy Mai Văn Phấn còn có khả năng tự đánh giá/ phê bình thơ mình, tự bồi đắp nghĩa cho văn bản thơ do mình viết ra từ trước, thậm chí có những bài đã hơn 20 năm trước (như trường hợp bài "Thuốc đắng"). Hay khi bắt gặp một câu thơ hay, Mai Văn Phấn thường liên tưởng ngay đến một chi tiết thực trong thực tiễn, hoặc một cảm xúc anh từng trải qua, hoặc một tình huống đã từng trải nghiệm trong quá khứ. Cụm từ anh thường sử dụng để biểu đạt điều này là: Tôi liên tưởng (1-tr 28), Tôi hình dung (1-tr 39); Tôi cảm nhận như... (1-tr 41) hoặc mỗi lần đọc tôi nhớ; người đọc có cảm giác (1-tr 54); tôi ví tựa (1-tr 70), Đọc thơ...tôi nhận ra (1-tr 99); Điều ấy gợi cho tôi tưởng tượng tới cái ngày các sinh linh được gọi tên (1-tr 17); nhắc ta nhớ tới trò chơi cút bắt (tr 43); mang cho người đọc cảm giác (tr 149); như tôi nhận thấy (1-tr173)... Sau mỗi vế câu đó là những hình ảnh thi vị được tưởng tượng liên chủ thể tiếp tục, đầy tính thơ. Đặc điểm này ít có ở những nhà phê bình kiểu nói hoặc kiểu chuyên nghiệp (theo cách phân loại của Albert Thibaudet). Quan sát các cảm xúc, hình ảnh được gợi ra từ thơ qua lăng kính phê bình cũng là một điểm gợi khá lý thú trong phê bình của Mai Văn Phấn. Có thể tóm tắt quá trình đó như sau:

Thực tiễn – văn bản 1 (thơ) – người đọc – văn bản 2 (phê bình) – Thế giới tưởng tượng của nhà phê bình – thế giới tưởng tượng của người đọc phê bình: thực tiễn 1, nhà thơ1, văn bản thơ 1 – Văn bản sáng tạo 3. 

Các cụm từ Mai Văn Phấn hay dùng như “Cách đọc tập  thơ này cho tôi liên tưởng mình đi qua một cánh cửa quay” (1-tr28); “Đoạn thơ... cho ta hình dung, một người ném lia thia bằng viên sỏi, nhìn theo nó trượt trên mặt hồ nước rồi chìm, rồi tư duy về sự chìm đó, và cảm thấy mình trống rỗng (1-tr12). Hay khi phân tích thơ Pháp Hoan, tác giả viết “Thủ pháp này khiến người đọc hình dung như đang xem một họa sỹ vẽ trên một tấm toan” (1-tr19). Hay cách so sánh của nhà thơ rất cụ thể “bài thơ tựa giếng sâu, mỗi lần đọc tôi như được múc từng gàu nước nhỏ, càng múc nước giếng càng thêm trong mát” (1-tr 22); Hay cách Mai Văn Phấn diễn đạt cảm xúc khi phê bình cũng rất … thi sĩ: “Niềm vui ấy thật lạ lùng, tôi cảm nhận như chúng được cô đặc rồi trương nở trong một thể tích rất hẹp” (1-tr 41). Hay ở một đoạn khác là “Sự chuyển dịch này tựa một người nhẹ nhàng tự rút cánh tay mình khỏi ống tay áo và làm tay áo rỗng không. Hành động ấy khiến ký ức sâu hun hút khi nó đã già nua, ở đây người đọc có cảm giác ký ức ấy gần như dừng lại” (1-tr54); “Quê hương trong thơ anh tôi ví tựa rễ cây, loại rễ chùm mà nếu cắt trụi đi, cây tức thì héo úa, không thể tồn tại” (1-tr70)… Phê bình của Mai Văn Phấn cứ thế tự nhiên tạo được cảm giác nhẹ nhàng khi đến với người đọc, đồng thời góp phần khích lệ sự sáng tạo của các nhà thơ. Kiểu phê bình của Mai Văn Phấn vì thế mang đặc điểm của người vừa làm khoa học vừa công việc sáng tác. Tính chất Proton đã giúp nhà phê bình hiểu và hành động bằng một ngôn ngữ hết sức tích cực khi tiếp cận văn bản nghệ thuật. Nhà phê bình vì thế cần hiểu rõ tính biểu tượng trong văn chương là một thành tố của hành vi giao tiếp khi viết phê bình. Anh ta phải am hiểu về cả ngữ dụng học, ngữ nghĩa học và cú pháp học. Vì vậy, để chuyển tải được các thông điệp rõ ràng, cấu trúc câu văn phê bình của Mai Văn Phấn thường là các câu đơn có cấu tạo ngắn gọn, trong sáng. Có nhiều đoạn văn dài liên tục gồm các câu đơn được kết nối với nhau rất logic, chặt chẽ, thường mang tính đơn nghĩa. Trong mỗi bài viết, tùy theo nội dung, ông thường có đúc kết một kinh nghiệm về sáng tác, hoặc một trải nghiệm đã có. Chẳng hạn khi viết về tập thơ "Cánh trăng" của Đinh Trần Phương  như một nơi hội tụ sáng, Mai Văn Phấn viết: “Thơ ba câu, theo tôi dễ làm nhưng  khó hay. Điều cốt yếu ở đây là dù viết ngắn hay dài thì trước hết phải là thơ. Ngoài những niêm luật như các thể thơ khác, thơ ba câu còn có những đặc thù riêng” (1- tr 35)…

Kết nối giữa đạo đức và sự thật trong phê bình đã tạo nên một phần chân dung phê bình Mai Văn Phấn. Bởi phê bình văn học không chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật. Sự thật và đạo đức cần được dung hòa để tạo nên sự công bằng trong đánh giá và sự đồng cảm trong tiếp nhận tác phẩm. Mai Văn Phấn đã thể hiện điều này qua việc sử dụng lối viết phê bình gợi cảm, dễ tiếp cận nhưng không làm mất đi tính chính xác và giá trị học thuật. Tôi nghĩ phê bình không cho thấy một Mai Văn Phấn khác. Tôi thấy ông vẫn vậy, vẫn có sự thống nhất từ giọng điệu, kết cấu, điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ, phong cách… trong các sáng tác nghệ thuật trước đây của ông đã từng. Có khác là chăng tập phê bình này là một sự tổng hợp, tiếp nối hành trình kiến tạo các căn phòng tri thức trong ngôi nhà nghệ thuật của ông thêm phần phong phú, hoàn thiện hơn về nội thất. Có thể nói sự nghiêm cẩn, điềm tĩnh sâu sắc trong nghiên cứu, trong các phát ngôn về quan điểm sáng tác, quan điểm phê bình, sự thức thời, tài hoa trong sáng tạo của Mai Văn Phấn trước đây, cũng như hiện tại đã được chứng minh trong cả sáng tạo thơ ca và lĩnh vực nghiên cứu phê bình. Có thể nói, phê bình của Mai Văn Phấn gợi cho người đọc khá nhiều suy nghĩ về phê bình văn học hiện nay ở Việt Nam. Vấn đề đạo đức và sự thật vẫn là cốt lõi trong nguyên tắc phê bình của Mai Văn Phấn. Chính con người Mai Văn Phấn với những tác phẩm của ông cũng là một thiết chế đạo đức, đạo đức tuân thủ quy tắc sáng tạo nghệ thuật và quy tắc đạo đức làm người.

 

Quảng Bình, 10/12/2024

M.T.L.G

 

________________________

[1] Tiến sĩ Mai Thị Liên Giang, sinh 1975 tại Quảng Bình. Chị từng là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình, Trường Đại học Quảng Bình, hiện là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình. Đã xuất bản: "Chủ thể tiếp nhận và lịch sử tiếp nhận Thơ mới" (Chuyên luận, NXB Hội Nhà văn 2015), "An trú miền đọc" (Tiểu luận phê bình, NXB Hội Nhà văn 2018), "Áp lực của phê bình và đề xuất giải pháp tiếp tục thúc đẩy sự phát triển phê bình văn học hiện nay ở Việt Nam", Tạp chí Khoa học và công nghệ, chuyên san Văn Sử Triết học, Trường Đại học Khoa học Huế, số 3/2020.

[2] Mai Văn Phấn, Tiểu luận - Phê bình  “Nhịp điệu lối đi” Nxb. Hội nhà văn, 2024.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị