image advertisement
image advertisement





























 

Luôn là một lữ hành (phê bình) - Đỗ Lai Thúy

Luôn là một lữ hành

 

 

 

 

 

Maivanphan.com: Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà sách Tao Đàn chuẩn bị xuất bản cuốn sách phê bình- tiểu luận của tôi, với tiêu đề "Nhịp điệu vẽ lối đi". Chúng tôi trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết "Luôn là một lữ hành" của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy. Bài viết được dùng làm Lời bạt cho cuốn sách này.

 

 

Đỗ Lai Thúy

 

Một người bạn hỏi tôi nhà văn và nhà phê bình khác nhau như thế nào. Tôi trả lời (khá là thô thiển) khi viết nhà văn vận dụng 70% trực giác, và 30% trí óc, còn nhà phê bình thì ngược lại. Chính sự trái ngược nhau này mới tạo ra chỗ đứng của nhà phê bình, dĩ nhiên ở đây là phê bình học thuật. Bạn lại hỏi tiếp vậy khi chính nhà văn viết phê bình thì sao. Tôi bảo đó là một loại phê bình riêng, mà chính nhà phê bình, thứ động vật thích phân loại ấy, cũng phải nghiên cứu.

 

Năm 1930, trong cuốn Sinh lý học phê bình, nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874 – 1936) đã từng chia phê bình thành ba loại: 1) phê bình nói, 2) phê bình chuyên nghiệp, tức phê bình của các giáo sư và 3) phê bình của các nghệ sĩ. Từ đó, sự phân chia này đã thành kinh điển. Trên thế giới đã có những nhà sáng tác viết phê bình nổi tiếng như nhà thơ Charles Baudelaire, còn nhà văn Marcel Proust thì viết hẳn một cuốn sách để phê phán quan điểm đọc tác phẩm từ tiểu sử của nhà phê bình Sainte-Beuve (Anti Sainte-Beuve). Ở Việt Nam có hai nhà phê bình nghệ sĩ (từ đây tôi xin gọi kiểu phê bình trên như vậy) khá tiêu biểu là Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Người thứ nhất thì viết như nói, còn người thứ hai thì nói như viết, nhưng cả hai đều rất tài ba. Xin lỗi bạn đọc tôi phải dọn lời như vậy để đến với tác phẩm phê bình của nhà thơ Mai Văn Phấn Nhịp điệu vẽ lối đi, nơi những con ong – chữ của anh vẽ nên một lối phê bình nghệ sĩ đặc sắc.

 

Lối đi của phê bình Mai Văn Phấn có hai nhịp: (1) Đuổi bắt ánh sáng gồm những bài phê bình thơ, (2) Không đường biên tập hợp những tiểu luận bàn về nghệ thuật thơ. Tuy nhiên, đó chỉ là lối bố cục tác phẩm, những nhịp điệu bên ngoài, còn có thứ nhịp điệu bên trong, một sự đuổi bắt ánh sáng trong không gian đa chiều, không đường biên của những thi phẩm. Chính hành trình này mới thực sự vẽ ra lối đi, tức phong cách, của các thi nhân, nhất là của thơ và nhà thơ Mai Văn Phấn. Bởi vậy, ở cạnh khía này mà nói, Nhịp điệu vẽ lối đi cũng là một lối dẫn vào thơ của chính tác giả.

 

Hoài Thanh sống tận cùng với thời đại cái tôi, chúng ta nằm trong vòng chữ tôi, nên thực chất ông là một nhà Thơ Mới bị số phận đóng đinh lên cây thánh giá phê bình. Thi nhân Việt Nam, bởi vậy, mới là một tác phẩm độc đáo cho lối phê bình nghệ sĩ. Có điều phê bình Hoài Thanh chỉ có ấn tượng mà không có lý thuyết, dù ấn tượng, xét cho cùng, là một thứ lý thuyết không lý thuyết. Đứng trước bài thơ hay, thi phẩm hay, ông để bút của mình chuồi theo dòng cảm xúc (Xuân Diệu). Mai Văn Phấn, có thể sống ở một thời đại khác, ngược lại rất thích lý thuyết y như một nhà phê bình học thuật. Nhưng với anh, biết là để vượt qua chứ không phải để áp dụng. Mỗi một trào lưu thơ, trào lưu phê bình như những làn sóng nước trào qua tâm hồn anh chỉ để lại những hạt phù sa, những viên muối mặn. Nhịp điệu của những cơn sóng lừng đó vẽ một lối thơ, một lối vào thơ.

 

Mai Văn Phấn cho rằng mỗi một bài thơ hay, mỗi một tập thơ ấn tượng nhất thiết trong nó phải có ánh sáng. Ánh sáng đó là tính thơ, tính nghệ thuật, tính văn chương của tác phẩm. Cái, theo R. Jakobson, làm cho thơ trở thành thơ. Phê bình văn học chính là sự đuổi bắt ánh sáng này. Quá trình đó, quả thực, là rất nhiều khó khăn, không ít nhọc nhằn, bởi “ánh sáng của nó thường trải rộng, rải đều vào một không gian mở và ít điểm lóe sáng.” Trong trường hợp này, Mai Văn Phấn ví thứ ánh sáng ấy như một mùi hương đạm, theo nguyên tắc tương ứng của Baudelaire: “làn hương vừa ra khỏi bông hoa gặp cơn gió mạnh, tức thì bị cuốn đi, tản mát.” Người đọc muốn cảm nhận được ánh sáng ấy, mùi hương ấy, phải dọn mình chuẩn bị một tâm thế ung dung, an lạc. Đó là không gian thơ thênh rộng, phi biên giới và để ngỏ mọi lối vào (Không gian phi biên giới trong thơ Pháp Hoan). Đến đây, bạn đọc được tiếp xúc với khái niệm – chìa khóa thứ hai, sau ánh sáng, mở vào thơ của Mai Văn Phấn là không gian.

 

Không gian ở đây không chỉ là không gian địa lý, không gian xã hội, mà còn là không gian tâm lý, thậm chí tâm lý chiều sâu, và không gian tâm linh. Những không gian như vậy hẳn là vừa không có biên giới vừa có biên giới, vừa ba chiều vừa vô số chiều. Chúng không tồn tại bên cạnh nhau mà xoắn luyến, bao hàm nhau. Thơ hiện đại là thơ vượt không gian. Và mỗi lần qua một vũ môn là con cá lại hóa rồng. Nhà thơ và người đọc, vì thế, là kẻ du hành từ không gian này sang không gian khác. Đây chính là thứ không gian nghệ thuật mà Mai Văn Phấn kiên trì phấn đấu trong thơ mình và nhẫn nại kiếm tìm trong thơ bạn.

 

Trong Nhịp điệu vẽ lối đi, Mai Văn Phấn viết về 29 nhà thơ, trong đó có 11 nhà thơ nước ngoài. Ông đã dùng hai từ khóa ánh sáng và không gian để thám mã thơ họ. Ở bài giới thiệu này tôi chỉ gảy ra vài ba thi sĩ, vừa đã có tên tuổi vừa đang có tên tuổi. Hy vọng chỉ chừng ấy thôi cũng vẽ nên được lối viết phê bình thơ của Mai Văn Phấn. Ở Không gian phi biên giới trong thơ Pháp Hoan, Mai Văn Phấn phát hiện ra thơ Pháp Hoan có một không gian đa hệ, nhiều chiều kích. Không gian đó được nhà thơ cụ thể hóa thành một cánh đồng vào mùa gieo hạt. Trong đó “nếu hình dung mỗi hình ảnh trong bài thơ là một hạt giống, thì những hạt giống đó nằm tách biệt trong những lỗ gieo khác nhau. Nhưng hấp lực cảm xúc của cả bài thơ đã cho người đọc mường tượng cả một cánh đồng cùng nảy mầm tươi tốt.” Từ đó Mai Văn Phấn nêu ra một thủ pháp xây dựng hình ảnh quan trọng chiếm lĩnh thơ Pháp Hoan là kiểu gieo hạt. Những hạt được gieo nằm yên trong hố đất, kiên nhẫn chờ đợt thời tiết chuyển mùa để thức dậy, nảy mầm, thành cây. Quá trình âm thầm sinh trưởng hình ảnh này đến giai đoạn cuối thường hiện ra như hiện tượng đột nhiên đột xuất. Bởi vậy, theo Mai Văn Phấn, những câu kết của thơ Pháp Hoan thường để lại ấn tượng mạnh mẽ khai mở một không gian khác:

 

Một chú bé cưỡi trên lưng con gà trống

giữa đồng cỏ ngập sao

đang đi vào bức tranh của trời đêm tháng bảy.

(Mưa)

 

Kết lại, Mai Văn Phấn viết, “Thủ pháp xây dựng không gian phi biên giới đã tạo được phong cách thơ độc đáo, phóng khoáng và trải rộng, khá ấn tượng ngay từ tập thơ trình làng này. Lịch mùa, về tổng thể, là “một tập thơ hay, đặc sắc, mang đến cho đời sống văn học một giọng điệu mới, khoáng đạt, gợi mở.”

 

Người Nhân văn Hoàng Cầm sau vụ Giai phẩm phải làm phó thường dân, một éxilé trong gian nhà cấp bốn của mình ở bốn ba Lý Quốc Sư Hà Nội. Để thoát khỏi tình cảnh lưu đày này, ông phải mơ về miền quan họ ấu thơ với những cảnh sắc tươi vui của hội hè đình đám. Thơ Hàm Anh cũng trở về tuổi thơ trong một “không gian phủ,” đúng hơn một không gian sương. Trong bài Cõi tinh sương trong Màu tự nhiên tập thơ đầu của Hàm Anh, Mai Văn Phấn đã viết: “Chúng ta thấy gì trong buổi sớm tinh sương? Sự luân chuyển của vũ trụ vào thời điểm này được phản chiếu rõ nhất có lẽ từ những giọt sương. Màu sương chuyển từ sậm đen của bóng tôi sang thẫm xanh của diệp lục, rồi long lanh không sắc màu của ánh ban mai. Vào mùa xuân, mặt nước ấm áp bốc hơi, gặp khí lạnh trong không trung nhanh chóng ngưng tụ thành màn sương mù dày đặc. Sương sớm mang lại cho con người cảm giác tĩnh lặng, nhưng sương mù ban mai ấy lại gây nên cảm giác cô đơn trong thanh tịnh mơ hồ.”

 

và dâng ngập đất trời

Sương

hay là sự im lặng

(Im lặng)

 

Trong không gian sương thuần khiết đó, thơ Hàm Anh nói về thiên nhiên, những tình cảm đời thường rất tinh tế, dễ thương. Bạn đọc đã quá tải với thơ công dân, thơ sử thi hóa, thì tập thơ không tải Màu tự nhiên của Hàm Anh như đưa người đọc rời thành phố bụi bặm, nhân tạo về một vùng quên yên tĩnh, hoang sơ.

 

Tập Thơ buổi sáng của Nguyễn Đức Tùng là một tập thơ khó đọc và có thể với một số người, khó thích. Bởi thơ anh rất đỗi đời thường, từ cảnh tượng cho đến cảm giác. Người đọc thơ Tùng có cảm tưởng như anh nói về những gì mình đã biết, biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Ấy vậy mà Mai Văn Phấn làm lạ hóa cảm giác của bạn đọc bằng việc tìm thấy cái phi thường trong cái bình thường của thơ Tùng: Những vần thơ vượt qua ranh giới. “Thơ ông,” Phấn viết, “chứa nhiều không gian tiếp nối, đóng – mở bất ngờ, làm hiển lộ những vẻ đẹp thảng hoặc, miên viễn… Thi tập này phong phú vì có nhiều điểm khác với những bài thơ của ông trước đây, cho tôi hình dung về một Nguyễn Đức Tùng ung dung, tự tin đến thảnh thơi, có lúc tạt vào những ngã rẽ bất ngờ. Ông đã xác lập ranh giới cho riêng mình và cũng là người vượt qua những ranh giới ấy.”

 

Một số người luôn đến đúng giờ

Một số người thường xuyên lỗi hẹn

 

Một số người mở vết thương ra

Một số người khâu nó lại

(Đàn ông)

 

Quả vậy, Thơ buổi sáng là một hành trình vượt qua, như buổi sáng rồi sẽ đến buổi trưa, buổi chiều và cũng tự nhiên như vậy. Nguyễn Đức Tùng đi từ khoảnh khắc sống này đến khoảnh khắc sống khác. Viết, với ông, là vượt. Vượt qua không gian địa lý để trở về làm người Việt Việt hơn. Vượt qua không gian xã hội cũng để làm người Việt hiện đại hơn. Và, cuối cùng, vượt qua không gian tâm lý, tâm linh để làm người Việt sâu sắc hơn. Những vượt qua này chính là cái đẹp của thơ Nguyễn Đức Tùng.

 

Nhịp điệu vẽ lối đi cho người đọc thấy một Mai Văn Phấn khác. Đồng hành với nhà thơ sung mãn, sâu sắc, là một nhà phê bình nghệ sĩ cũng sâu sắc, tài hoa. Có điều cái khác của hai nhà này không phải là A khác B như trong văn hóa hiện đại, mà là A khác với chính A như ở văn hóa hậu hiện đại. Mình khác với chính mình, thì mới không trở nên rắn đặc, khô cứng, mà luôn luôn mềm dẻo, chuyển động, luôn luôn trở thành. Mai Văn Phấn, trong hình dung của tôi, luôn là một lữ hành.

 

Đ.L.T

 

 

 

Bìa 1 (dự kiến)

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị