Từ 'Không gian khác' đến 'Nhịp điệu vẽ lối đi': Một phong cách phê bình độc đáo (phê bình) - Hải Minh
Từ
'Không gian khác' đến 'Nhịp điệu vẽ lối đi': Một phong cách phê bình độc đáo


Hải
Minh
Năm
2016, nhà thơ Mai Văn Phấn cho xuất bản cuốn sách phê bình & tiểu luận đầu
tiên, mang tên “Không gian khác” (Nxb. Hội Nhà văn, 2016); và gần đây, ông công
bố cuốn phê bình & tiểu luận thứ hai “Nhịp điệu vẽ lối đi” (Nxb. Hội Nhà
văn, 2024). Hai cuốn sách xuất hiện ở hai thời điểm, đánh dấu sự trưởng thành
và định hình phong cách phê bình văn học của Mai Văn Phấn.
Ngay từ những bài viết đầu tiên trong "Không
gian khác", Mai Văn Phấn đã bộc lộ rõ ý đồ trong phê bình văn học: giải
mã, cổ xúy cho những hiện tượng cách tân thơ Việt đương đại. Ông tập trung
nghiên cứu về một số hiện tượng thơ cách tân xuất hiện từ thời điểm Đổi mới (1986),
khám phá những cách thức đổi mới thi pháp trong không gian nghệ thuật và ngôn
ngữ thơ của họ. Theo nhận định của Mai Văn Phấn, sau 1986 đã xuất hiện một
khuynh hướng cách tân trong thơ Việt, với ba nhà thơ tài năng đã đặt nền móng,
khởi phát cho sự cách tân đó, là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương
Ngọc. Ông viết: "Cuộc khai phóng ấy
được khởi xướng từ thế hệ nhà thơ cách tân đầu tiên của Việt Nam sau 1975, như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc… Trong đó, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc từng biểu đạt tinh thần cách tân trong bài thơ “Hội hoạ
lập thể” như sau: Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình
ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu." (tra. 274 "Không gian khác").
Ông cũng nhìn lại những thay đổi trong
hệ hình thẩm mỹ và thi pháp qua các thế hệ, đồng thời nhấn mạnh vào sự sáng tạo
và cách tân trong thơ đương đại. Mục tiêu chính của ông là đưa ra những nhận
định về sự khác biệt trong không gian thơ, như cách ông phân tích các nhà thơ
trong và ngoài nước. "Sự khác biệt căn bản giữa thế hệ thơ Đổi mới với
thế hệ trước đó, theo tôi, chính là cách thiết lập không gian và kết nối điểm
nhìn. Đó là quá trình thay đổi hệ hình thẩm mỹ. Từ quan niệm hiện thực trong
thơ chỉ là sự sao chụp thuần tuý đến trình hiện siêu hiện thực trong không gian
và thời gian đa chiều. Từ cách tạo hình ảnh trong “hình học phẳng” chuyển sang
“hình học không gian”. Hoặc sự dịch chuyển từ đơn tuyến sang đa tuyến, đa điểm
nhìn… Không gian thơ khác biệt này đã làm phong phú thi pháp thơ Việt Nam đương
đại từ ngôn ngữ biểu đạt, âm điệu, nhịp điệu, đến tạo dựng hình ảnh, cảm
xúc…" (tra. 6 "Không
gian khác").
Đến
"Nhịp điệu vẽ lối đi", Mai Văn Phấn tiếp tục mục đích phê bình đã định
hình trong "Không gian khác", nhưng hướng nhiều hơn vào việc phân
tích chiều sâu của từng tác phẩm và tác giả cụ thể, với một phong cách phê bình
gần gũi, sâu sắc và trực diện. Ông chú tâm nghiên cứu những hiện tượng thơ trẻ,
tài năng như Minh Anh, Pháp Hoan, Đinh Trần Phương... Đây là lời bình tinh tế
và sâu sắc của Mai Văn Phấn về thơ Đinh Trần Phương: "Tôi vừa lật mở “Cánh trăng” gặp ba bài thơ,
tựa ba lần chạm tay vào cánh cửa trong ba thời khắc, tưởng tượng những vần thơ
của Đinh Trần Phương đang xoay quanh trụ của cánh cửa quay. Chiếc trụ ấy, giờ
đây, chính là cái gáy sách vuông vắn trong lòng tay tôi đang lưu giữ những ẩn
mật của cõi nhân sinh, những nhiệm màu của thiên nhiên, vũ trụ chờ được giải
mã. Đó là những bông hoa thủy tiên màu trắng đang trôi theo dòng suối nhỏ chạm
được vào bóng trăng. Hay làn gió làm lay động bức rèm xuân cho ta nhìn thấy ánh
sáng trong đó. “Mưa xiên xiên/ đọng trên
cánh lá/ từng giọt rơi” (trang 27); “Cầm lên cánh hoa/ thả rơi/ thêm một lần nữa” (trang 35)... Thơ Đinh Trần Phương giải mã thế giới bằng những ám thị,
ảo giác, dựa vào những xung động cá nhân trong tiểu vũ trụ của mình, để thấy
được sự chuyển dịch mang tính biện chứng của thiên nhiên, hài hòa trong đại vũ
trụ." (trang 30,
31 "Nhịp điệu vẽ lối đi").
"Nhịp điệu vẽ lối đi" không
chỉ bàn về thơ mà còn chú trọng đến tiểu luận văn học, mang phong cách phản
biện nhẹ nhàng và thấu đáo. Đặc biệt, ông đưa ra quan niệm mang tính phổ quát
và cũng rất độc đáo về căn tính dân tộc trong sáng tạo. "Căn tính dân tộc nằm trong mỗi cá thể
của cộng đồng, được hình thành và phát triển từ trong lòng mẹ, trong quá trình
lớn lên và nhận thức về thế giới xung quanh, trong sự rèn luyện và tích lũy để
hình thành tư duy, lối sống, lí tưởng. Tác phẩm của mỗi nhà văn được ra đời
từ ý thức, tiền ý thức và vô thức của chính anh ta. Quá trình sáng tạo chính là
cuộc truy đuổi giấc mơ bằng ngôn ngữ trong thế giới riêng biệt của nhà văn đó. Vậy
điều gì làm nên giấc mơ cho một nhà văn? Chính là tập đại thành các giá trị đặc
trưng văn hóa được định hình và phát triển trong đời sống của nhà văn đó... Có
thể nói, căn tính dân tộc cho phép chúng ta nhận diện bản sắc văn hóa, tầm vóc
của từng dân tộc, nhận ra diện mạo của từng nhà văn trong hành trình sáng tạo." (trang
299 "Nhịp điệu vẽ lối
đi").
Trong
"Không gian khác", Mai Văn Phấn thể hiện phong cách phê bình nghiêng
về tính học thuật, với nhiều tư liệu tham khảo và so sánh lý thuyết thi pháp
hiện đại. Ông phân tích theo hướng hệ thống, từ các cuộc cách mạng thi pháp đến
những biến đổi trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh thơ... Đến
"Nhịp điệu vẽ lối đi", phong cách phê bình của ông đã trở nên mềm mại
và tinh tế hơn. Ông tập trung hơn vào những phân tích cảm nhận cá nhân, tạo dựng
một không gian phê bình có chiều sâu cảm xúc, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng
và chia sẻ. Phong cách phê bình này không quá lý thuyết nhưng lại thuyết phục
qua việc “truy đuổi” ánh sáng của từng tác phẩm.
Nếu "Không gian khác" đại diện
cho giai đoạn Mai Văn Phấn đẩy mạnh việc khai phá lý thuyết và tìm kiếm những
không gian mới trong thơ Việt đương đại, thì "Nhịp điệu vẽ lối đi" đã
đạt đến độ chín trong tư tưởng phê bình. Những phân tích của ông không chỉ là
sự lý giải, phê phán, mà còn là những suy tư sâu sắc, chia sẻ góc nhìn về nghệ
thuật và đời sống. "Tôi
đã cố gắng bước qua cái ranh giới vô hình trong quan niệm nghệ thuật cũ, nơi từ
trong nhà trường mình được học tập, từng chịu ảnh hưởng bầu không khí văn học
khi còn ở tuổi đôi mươi để đến với những hệ hình khác. Tôi hội nhập, và có lúc
cũng bị xóa nhòa, rồi sau đó thoát khỏi những trào lưu ấy. Đó là một hành trình
giúp tôi có được những tinh hoa của các khuynh hướng thơ khác, chủ yếu thịnh
hành trong thế kỷ vừa qua. Tôi coi những tinh hoa đó là những dòng phù sa làm
màu mỡ thêm cánh đồng thơ để gieo lên đó hạt giống của riêng mình, đơm hoa trái
Việt." (trang 290 "Nhịp
điệu vẽ lối đi").
Nhìn chung, qua hai
tác phẩm này, ta có thể thấy rõ sự trưởng thành trong phong cách phê bình của
Mai Văn Phấn, từ một nhà nghiên cứu thi pháp sắc sảo với tầm nhìn rộng đến một
nhà phê bình với những cảm nhận tinh tế và sâu sắc về thơ và nghệ thuật.
Qua hai tác phẩm
"Không gian khác" và "Nhịp điệu vẽ lối đi", hành trình phê
bình văn học của Mai Văn Phấn đã minh chứng sự trưởng thành vượt bậc trong tư
duy và phong cách của ông. Từ khi tập trung vào lý thuyết thi pháp, khai mở
những không gian mới trong thơ Việt đương đại, Mai Văn Phấn đã chuyển mình
thành một người viết có chiều sâu cảm nhận và tinh tế trong phân tích, giải mã
các hiện tượng thơ cách tân, tìm tòi, thậm chí khác biệt... Phong cách phê bình
của ông không chỉ phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận nghệ thuật thơ, mà
còn thể hiện những suy tư sâu sắc về đời sống, bản sắc văn hóa, căn tính Việt.
Hai cuốn sách này không chỉ là những công trình nghiên cứu về thơ mà còn là
hành trình tìm kiếm, chia sẻ những giá trị văn hóa và tư tưởng qua ngòi bút phê
bình đầy cá tính và tài hoa. Sự kết hợp giữa lý thuyết và cảm nhận cá nhân
trong phê bình của Mai Văn Phấn giúp người đọc không chỉ hiểu thêm về thơ mà
còn cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ hiện đại, hình dung được quá trình chuyển
biến mạnh mẽ của thơ Việt đương đại trong dòng chảy thơ quốc tế.
(Tác giả gửi cho maivanphan.com)