Khi nhà thơ viết phê bình
Tác giả Anh Thơ
Anh Thơ
Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ theo
khuynh hướng cách tân. Với 25 đầu sách dịch ra 24 thứ tiếng, trong đó nhiều đầu
sách song ngữ được ấn hành bởi các NXB trong và ngoài nước, tác phẩm của anh
góp phần tạo ảnh hưởng nhất định trong đời sống thi ca đương đại.
Mới đây, anh cho ra mắt bạn đọc tập Tiểu luận - Phê bình “Không gian khác”. Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành
thể hiện quan niệm thẩm mỹ của tác giả về không gian mới trong quá trình sáng tạo
thơ.
1 - Như tôi biết, Mai Văn Phấn không có ý định viết phê bình. Từ những năm
90 của thế kỷ trước, anh chỉ tập trung sự đam mê vào lộ trình đổi mới thi pháp
theo khuynh hướng cách tân mà anh tự hoạch định cho mình. Nhưng cũng từ những
năm ấy, thơ cách tân đã “thành một vấn đề” đến nỗi giới văn học phải bàn về khuynh hướng này. Có
cả nhiều hội thảo chuyên ngành về đổi mới thi pháp mà bạn bè quốc tế tham dự.
Là người sáng tác, tiếp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau cũng như cả những
tranh cãi đa chiều về thơ ca truyền thống và cách tân, sự lệch pha giữa nhà thơ
và bạn đọc, Mai Văn Phấn dần hình thành ý thức phản tỉnh và luôn đặt câu hỏi cho
mình, rằng thơ ca Việt Nam đang ở vị trí nào trong xu hướng hội nhập toàn cầu? Câu
hỏi này luôn thôi thúc anh cho đến tập thơ thứ 6 “Vách nước” (năm 2003), anh quyết
định viết tiểu luận, phê bình không ngoài mục đích bày tỏ chính kiến về một
khuynh hướng thơ, tìm ra sự khác biệt căn bản của thế hệ Đổi mới với thế hệ trước.
2 - “Không gian khác” chỉ với 24 tác giả xuất hiện từ năm 1975 đến nay,
nhưng đủ hình dung sự kế tiếp của các thế hệ cách tân. Đó là có nhà thơ gạch nối,
có nhà thơ khai mở, người cách tân khởi đầu và có cả nhà thơ ví như “mạch nước
ngầm” vẫn nổi sóng cách tân. Bên cạnh đó, còn có đóng góp của một số dịch giả mà Mai Văn Phấn bày tỏ
lòng cảm kích qua một sô tập thơ song ngữ.
Đọc 25 bài viết về các tác giả trên, tôi nhận thấy Mai Văn Phấn sử dụng “vật
liệu phê bình” căn bản vẫn là tác phẩm
nhà thơ. Tuy nhiên, dưới góc độ “người cùng thời cách tân”, anh dành cho mỗi
tác phẩm sự đọc giàu xúc cảm và đồng cảm mãnh liệt. Những thao tác khá tỉ mỉ,
công phu còn là khi anh đi vào phân tích kỹ càng các thủ pháp cách tân của mỗi
nhà thơ.
Có tác giả anh chỉ giới thiệu một tập thơ như Trần Tiến Dũng, Giáng Vân,
Đỗ Doãn Phương, Lê Ngân Hằng, Lê Vĩnh
Tài, Trần Lê Sơn Ý, Khánh Phương, Nhã Thuyên, Lê Hoài Anh, Nguyễn Thị Ngọc Tư,
Đỗ Trọng Khơi… Thơ nước ngoài có tập “Những hy vọng trong suốt” của nhà thơ
Gjeke Marinaj (Hoa Kỳ), “Mặt trời tinh khiết” của Menti Cengiz và “Nghi lễ hái
hoa hồng” của Muesser Yeniay (Thổ Nhĩ Kỳ), “Mơ được sống vùng đất khác” của
Rati Sasena (Ấn Độ). Nhưng có tác giả anh đọc từ 3- 5 tập thơ như trường hợp nhà
thơ Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Đình Di… để
sau đó đưa ra những nét “dị biệt” của mỗi
người trong cách cảm nhận và thể hiện thực
đời sống qua thơ. Nét “ dị biệt” ấy làm nên đặc điểm riêng được anh gọi thành
tên, như “Thơ Khánh Phương và những trái tưởng tượng”, “Cơn mưa ánh sáng trong
thơ Lê Ngân Hằng”, “Thơ Rati Saxenna hàn gắn những lỗ thủng thế giới”, Nguyễn
Đình Di với bí quyết hấp dẫn từ những giấc mơ… Với một số nhà thơ gạch nối và
khai mở như Thi Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Inrasara…, Mai Văn
Phấn khảo sát và phân tích công phu sự chuyển đổi thi pháp trên cơ sở theo sát lộ
trình cách tân với nhiều cột mốc, dấu ấn của họ. Anh cũng so sánh sự khác nhau trong cách thiết lập kết
cấu không gian trong mạch thơ, trong từng bài thơ của chính mỗi tác giả; hoặc phân
tích sự chuyển đổi thi pháp ở khía cạnh sử dụng ngôn ngữ của mỗi nhà thơ. Chẳng
hạn, với nhà thơ Thi Hoàng, Mai Văn Phấn viết: “Thi Hoàng là “nhà thơ gạch nối” mà ngay từ năm 1992 ông đã có “Chú chím
sâu bé nhỏ” – bài thơ tiêu biểu cho cách dùng chữ của nhà thơ: “Chú chim sâu nhỏ
giọt xuống lòng ta/ Những giọt đoan trang cho lòng ta nhuần nhị”. (…) Hành
trình cách tân của Thi Hoàng là đã tạo ra những xung động, sản sinh những nghĩa
mới của chữ, tạo chữ mới lạ, sự biến ảo đa nghĩa trong từng câu thơ trên nền tảng
của đại tự sự.”. Với Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn phân tích bài “Sông
Đáy” (trong tập “Sự mất ngủ của lửa” ) để
chứng minh bước tiến dài của thi pháp Nguyễn Quang Thiều. Câu thơ được anh
trích dẫn “Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy
tuột như câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thàm vỡ cội nguồn” và
bình luận: “Ở đây, “cơn mơ”, “tiếng cá
quãy tuột câu”, “tiếng nắc”, “tôi”, “cuối nguồn” là những hình ảnh cách biệt,
xa nhau nhưng cùng trôi theo một từ trường cảm xúc mạnh mẽ và bật lên sức liên
tưởng cũng rất mạnh mẽ: đó là liên tưởng đa tuyến”.
3- Bằng cách phân tích tác phẩm, soi chiếu thơ cách tân sau năm 1975 trong dòng chảy của thơ ca Việt
Nam và các khuynh hướng thơ hiện đại thế giới, Mai Văn Phấn cho thấy các nhà
thơ cách tân đã tự tinh lọc chính mình sáng tạo trong quá trình tìm tòi thủ
pháp thiết lập không gian và kết nối các điểm nhìn trong thơ. Có người bằng
cách sử dụng ngôn ngữ, có người dùng hình khối, hình ảnh, nhịp điệu câu thơ, thậm
chí đặt tên bài thơ cũng được xem là thủ pháp quan trọng. Hiệu ứng của sự cách
tân này là ở chỗ tạo ra “khối lập phương” thơ trong hình học không gian đa chiều
với biên độ rộng lớn. Đó cũng là sự khác biệt mấu chốt thế hệ Đổi mới với thế hệ
trước đây, góp phần khẳng định thơ ca Việt Nam từ nền tảng truyền thống lên hiện
đại đã không còn xa lạ với thế giới và ngược lại. Theo đó, ở “không gian khác”
này”, người đọc cũng phải thay đổi cách cảm thụ thơ. Thay vì chỉ đọc, còn có cả
“sự nhìn” đối với thơ ở nhìều khoảng cách, nhiều trạng thái khác hẳn so với thơ
hình học phẳng đã quá quen. Đây cũng là thành công của cuốn sách.
4 - Hỏi về phản ứng của các nhà thơ và chung quanh “bếp núc phê bình”, nhà thơ Mai Văn Phấn bật mí: “Trong số 24 tác giả tôi giới thiệu, có người tôi quen
biết, có người ở mức thân, nhưng cũng có người tôi chưa biết mặt. Song khi phê
bình, tôi đều viết một cách… bí mật; nghĩa là chẳng ai biết tôi sẽ viết về họ
thế nào? Chỉ đến khi xuất hiện trên” giấy trắng mực đen”, mọi người mới bất ngờ.
Có người nói vui rằng tôi mê mải với người này mà quên mất người kia. Có người
nói tôi “ bình” như… nhập đồng, “phê” hơi
ít nhưng trúng. Nhưng được nhất là chưa có ai gọi tôi là nhà phê bình cả. Tôi
thấy rất đúng, vì nhà phê bình thì phải trau dồi nhiều lắm. Tôi tuy phải đọc
nhiều, đọc kỹ, thậm chí phải “đào bới” tư liệu thì cũng chỉ là trải nghiệm, phục
dựng và lý giải không gian thơ của các nhà thơ Đổi mới theo cách nhìn và quan
niệm thẩm mỹ của riêng tôi. Ví von thì tôi tự đánh chìa khóa để mở cửa ngôi nhà
tìm ra ánh sáng riêng của mỗi nhà thơ mà tôi biết”.
Tuy nhiên, qua 25 bài phê bình và 4 tiểu luận cùng chủ đề thơ cách tân
trong cuốn sách này, Mai Văn Phấn còn muốn nói một điều: Không phải cứ cách tân
là hay, là nhất. Có những câu thơ viết theo lối cách tân mà bàng bạc, nhạt nhòa
thì không thể xếp ngang hàng với câu thơ viết theo lối hình học phẳng có thần
thái. Vấn đề ở chỗ một thế giới thơ ca đã khai mở ắt cần phải đi tiếp và sứ mệnh
của các nhà thơ là không ngừng sáng tạo để tạo ra giá trị nghệ thuật mới. Thơ
cách tân đã khi đã là một khuynh hướng thì cũng cần có sự kế tiếp (ví như con
sóng nhỏ nối vào con sóng lớn để tạo ra biển sóng) và luôn có những ý kiến phản
biện. Phản biện để thơ cách tân chuyển động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn trong xu
hướng hội nhập toàn cầu. Âu cũng là thái dộ đúng đắn của Mai Văn Phấn khi viết
phê bình.
Hải Phòng, tháng 6/2017
A.T
(Bản tác giả gửi maivanphan.com)