image advertisement
image advertisement





























 

Hình tượng “Cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương - Mai Ngọc Phát

Hình tượng “Cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương

 

 

 

 

Tranh của HS Nguyễn Tuấn Sơn

 

 

 

Mai Ngọc Phát

 

 

Ở phần này xin tản mạn đôi dòng về hình ảnh “cỏ” trong chuỗi hình tượng thơ Hồ Xuân Hương. Hình ảnh “cỏ” trong thơ bà không nhiều, cũng không phải hình tượng chủ đạo của tác phẩm. Tuy vậy, mỗi khi nữ sĩ nhắc đến cỏ, trong thơ chữ Nôm và cả chữ Hán, thì giá trị đặc trưng, ấn tượng cá biệt đã “găm lại”, hằn sâu trong tâm trí người đọc. Vậy hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương có gì khác biệt và tương đồng với thơ của các tác giả cùng thế hệ bà và cả thơ trung đại?

 

Hình ảnh “cỏ” trong thơ truyền thống thường được các nhà thơ sử dụng để biểu đạt ý nghĩa của đời sống thế nhân, về “thiên sai vạn biệt” kiếp người. Nhân gian cũng thường xem “cỏ” như tấm gương phản chiếu thân phận con người. Dãi dầu, truân chuyên như cỏ. Cần mẫn, bền bỉ và bất diệt như cỏ. Câu thơ “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật) của Nguyễn Trãi đã thành một đúc kết ngậm ngùi về nhân thế nơi cõi tạm, có lẽ hợp với hoàn cảnh chìm nổi của con người và thời cuộc.

 

Trong Truyện Kiều, có hai mươi ba lần Nguyễn Du nhắc đến “cỏ”. Bắt đầu với màu non xanh bất tận của mùa xuân “Cỏ non xanh rợn chân trời”, từ đây “cỏ” chìm nổi lênh đênh như thân phận nàng Kiều. Xin dẫn chiếu thêm một số câu thơ trong Truyện Kiều với đa diện sắc cỏ để thấy tài năng của đại thi hào trong việc sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ thơ giàu tính ẩn dụ và nhân hóa: “Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”; “Một vùng cỏ áy bóng tà”; “Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”; “Lối mòn cỏ nhợt mù sương”; “Rêu trùm kẻ ngạch cỏ len mái nhà”...

 

“Cỏ” điểm xuyết những câu thơ trên là hiện thân cho cuộc đời, thân phận, số mệnh. “Cỏ” và nàng Kiều có thể ví như bóng mây trên mặt nước, tiếng vọng của âm dội từ vách đá, tín hiệu phồn tạp những cung bậc đời sống thời Nguyễn Du trong suốt tác phẩm bất hủ.

 

Trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, câu thơ “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” đã vượt ra ngoài thân phận những cung nữ tài sắc bị ruồng bỏ. Nó trở thành bản tố cáo tội ác của chế độ cũ đã đối xử phũ phàng, tàn ác với phẩm giá và tình cảm trong sáng, cao quý của phụ nữ. “Cỏ” trong câu thơ trên là tiếng khóc oán hờn, bi thương của nhan sắc bạc mệnh.

 

Trong văn học cổ điển, “cỏ” thường được dùng để ám chỉ mùa trong năm. Trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn (tương truyền bản dịch của Đoàn Thị Điểm), hình ảnh cỏ non biểu tượng của mùa xuân hiện ra mờ ảo, đan xen với những hình ảnh khác:

 

“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc

Đường bên cầu cỏ mọc còn non.”

 

Cũng vẫn trong tác phẩm này, “cỏ” đôi khi được dùng để biểu đạt tâm trạng của người chinh phụ trong thời chinh chiến với bút pháp ước lệ tượng trưng:

 

“Nước có chảy mà phiền chẳng rửa

Cỏ có thơm dạ nhớ chẳng khuây.”

 

Hoặc:

 

“Trông bến Nam, bãi che mặt nước

Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh.”

 

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ trung đại gắn bó với thiên nhiên, viết về thiên nhiên hay nhất. Thơ của bà hiển lộ vẻ đẹp độc đáo của phong cảnh nước Việt, và thường lấy bối cảnh hoàng hôn chiều tà để diễn tả tâm trạng ai hoài trước đổi thay của thời thế. Tuy vậy, “cỏ” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng chỉ xuất hiện như một “vai phụ”, thứ yếu trong khung cảnh bảng lảng khói sương, “quy hồi cố quận”:

 

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa.”

 

Cái tôi trữ tình trong thơ trung đại thường không đứng độc lập mà hòa lẫn vào thiên nhiên ngoại cảnh. Các tác giả thời ấy thường mượn cảnh vật để gửi gắm tâm trạng, gọi là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Phong cảnh được miêu tả không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà chính là bức tranh tâm trạng của nhà thơ. Thủ pháp này cho thấy cảnh là phương tiện miêu tả, còn tình chính là mục đích của người viết. Nhất là “cỏ”, một hình ảnh có lúc được dùng để chỉ tầng lớp dân đen, cùng đinh trong xã hội; có lúc lại được sử dụng như hình ảnh phụ họa, để so sánh, ví von với cái xấu xa, gây hại… Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

 

“Cỏ” khác với những hình ảnh được coi là cao quý, như xuân lan, thu cúc, hạ trúc, đông mai; “cỏ” không được đặt ngang hàng với những con vật được coi như mang phẩm chất, cốt cách, khí tiết của người quân tử, của bậc trượng phu như long, ly, quy, phượng. Qua đó dĩ nhiên có thể hiểu, “cỏ” không phải biểu tượng của thần quyền mang tính giáo hóa.

 

Trong thơ Hồ Xuân Hương, hình tượng “cỏ”, hay nhân vật “cỏ” xuất hiện hoàn toàn khác, thậm chí khác biệt với hầu hết những tác giả thuộc thế hệ bà. Trong thơ chữ Hán, hình ảnh “cỏ” thường được Hồ Xuân Hương diễn đạt bằng nhã ngữ, uyển ngữ để bày tỏ nỗi niềm riêng sâu kín, để tả cảnh, hoặc xướng họa đôi bên:

 

“Tẩy không trần lự hoa hàm thoại,

Hoán tỉnh mê đồ thảo diệc xu.”

(Đề Trấn Quốc tự - Bản chữ Hán)

 

“Rửa trôi miền tục hoa e ấp,

Gọi tỉnh đường mê xuân cỏ cây.”

(Đề chùa Trấn Quốc - Trịnh Khắc Mạnh dịch)

 

Hay:

 

“Cựu thảo ngưng mâu hương vị tán,

Tha hương hồi thủ vọng cô cao”

(Giang Nam phụ níp kiêm lưu biệt hữu nhân - Bản chữ Hán)

 

“Cỏ cũ nhìn lâu hương chửa tản,

Làng ai quay lại núi quê cao”

(Khăn gói sang sông Nam, nhân gửi bạn - Bùi Hạnh Cẩn dịch)

 

Dẫn chứng trên đây cho thấy “cỏ” của Hồ Xuân Hương đã khác, thậm chí khác xa với hình ảnh “cỏ” thấm đẫm nhân thế của Nguyễn Trãi, “cỏ” phản ánh và soi chiếu nhân gian của Nguyễn Du, cỏ ai oán thân phận của Nguyễn Gia Thiều, hay “cỏ” man mác u hoài của Bà Huyện Thanh Quan. Nhân vật “cỏ” của nữ sĩ họ Hồ đã hiện ra với đầy đủ danh phận, chủ động trong hành động, làm chủ ngữ trong câu thơ. Hình ảnh “cỏ thấm xuân” và “cỏ cũ lặng nhìn” cho thấy diện mạo đầy đủ của một kẻ sáng tạo luôn tự tin trong tư thế “chủ nhân”, đứng ngang hàng, bình đẳng với mọi thành tố trong xã hội và thiên nhiên, bất chấp hoàn cảnh.

 

Đọc đến thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương, ta thấy hình ảnh “cỏ” mới thực sự độc đáo, thông qua biệt tài tạo nghĩa, táo bạo, sống động và đậm chất phong tình của bà.

 

“Cỏ gà lún phún leo quanh mép

Cá diếc le te lách giữa dòng”

(Cái giếng)

 

Hay:

 

“Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi

Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”

(Ốc nhồi)

 

Con ốc nhồi ở đây tượng trưng cho những thân phận thấp hèn nhất trong xã hội. Chữ “cỏ hôi” tạo nên một không khí ngột ngạt, lấm láp và rất gần gũi con người.

Bài thơ “Hàng ư Thanh (Quán hàng ở xứ Thanh)” có câu thơ về cỏ rất độc đáo, mang cung bậc reo vui, hóm hỉnh:

 

“Ba chạc cây xanh hình uốn éo

Một dòng nước biếc cỏ lèo tèo.”

 

Trong bài thơ này, tác giả chọn vần “eo” gieo ở cuối câu thơ với thanh âm bằng, nghe như tiếng gió rít qua khe đá, tiếng mèo tìm bạn trong đêm, hay tiếng nước đổ qua miệng cống hẹp… Cách gieo vần này làm cho hình ảnh “cỏ lèo tèo” bên cạnh “dòng nước biếc” không bị trơ trọi, ngược lại gợi cảm giác quyến luyến, đùa nghịch. Bài thơ nếu chỉ dừng lại ở khung cảnh “hắt heo” được vẽ, với “đường đi thiên thẹo” hay “mái cỏ tranh xơ xác” thì không có gì độc đáo. Nhưng câu thơ cuối đã hiện ra với đầy đủ khí chất Xuân Hương: “Kìa cái diều ai gió lộn lèo”. Với lối chơi chữ, nói lái đùa nghịch đậm chất dân gian này, tác giả đã dẫn bạn đọc đến với khung cảnh khác lạ, vẫy gọi họ cùng đùa chơi với những đứa trẻ xứ Thanh.

 

Đối chiếu với hệ hình thẩm mĩ thơ trung đại Việt Nam cho thấy, hình tượng “cỏ” trong thơ Hồ Xuân Hương là những mũi khoan sắc bén, mạnh mẽ, đâm thủng mọi lớp tường ngăn cách của thời gian, xuyên vượt những quan niệm thẩm mĩ đương thời và cả bây giờ. Những hình ảnh “Cỏ gà lún phún leo quanh mép”, con ốc nhồi “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”, hay“cỏ lèo tèo” đã vượt qua thủ pháp nhân hóa mà lan xa trong đời sống nhân gian, vươn tới cách suy tưởng của con người hiện đại, giàu tính hiện sinh thời nay. Những hình ảnh sống động trên cho thấy, Hồ Xuân Hương không chỉ tư duy bằng ngôn ngữ thơ, mà cao hơn, bà đã sống thơ, cháy sáng đến mức chữ nghĩa chỉ là vệt khói mỏng chạy theo hồn thơ mãnh liệt, độc đáo của bà. Mỗi chữ trong những câu thơ của bà (quanh mép, cỏ hôi, cỏ lèo tèo…) luôn trêu chọc, khêu gợi và thách thức người đọc.

 

Những câu thơ độc đáo, dữ dội về cỏ của Hồ Xuân Hương cho tôi liên tưởng tới tập thơ “Lá cỏ” của nhà thơ Mỹ Walt Whitman[1]. W. Whitman xuất hiện sau Hồ Xuân Hương một thế kỷ với dòng thơ cuồng nhiệt, bùng nổ, cuồn cuộn tuôn trào.

 

“Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước Đấy là không khí cho tất cả mọi người trên mặt đất.”

(“Lá cỏ” - Nguyễn Viết Thắng dịch)

 

Và câu thơ mang trọn vẹn tinh thần thơ W. Whitman luôn ngự trị trong tâm trí người yêu thi ca từ khắp các châu lục: “Bạn muốn gặp lại tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”.

 

Soi chiếu với quan niệm “Văn dĩ tải đạo” của văn học trung đại Việt Nam, “một quan niệm tiêu cực về nội dung ‘đạo’ và sai lầm về phương pháp ‘chở’”[2] (GS. TS Phương Lựu), ta thấy thơ Hồ Xuân Hương đã vượt quá khuôn khổ hệ hình thẩm mĩ thơ trung đại Việt Nam. Bà đã phá vỡ hệ thống ước lệ nghiêm ngặt lúc đó, đưa cái tôi vào trong thơ, giải thiêng hầu hết các biểu tượng, thần tượng lúc đó và cả sau này. Bà cũng là nhà thơ Việt Nam đầu tiên cất cao tiếng nói đấu tranh đòi quyền bình đẳng, quyền tự do, hạnh phúc cho phụ nữ.

 

Học giả, dịch giả người Mỹ John Balaba khi nói về thơ chữ Nôm Hồ Xuân Hương đã khẳng định, với ông, thơ Hồ Xuân Hương thực sự là một “khải lộ”. Ông nói điều đó khi đã dành gần 10 năm để hoàn thành tập thơ “Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương”. Tập thơ này gồm 48 bài được ông tuyển dịch từ những bài thơ chữ Nôm và chữ Hán của Hồ Xuân Hương, in bằng ba ngôn ngữ, chữ Nôm, chữ Việt quốc ngữ và Anh ngữ. Tôi muốn dẫn chứng nhận định của một học giả nước ngoài để khách quan khẳng định giá trị độc đáo và tầm vóc thơ Hồ Xuân Hương.

 

Bài thơ hay luôn mang một sức sống riêng, cao hơn là một đời sống, một số phận riêng. Với người đọc đương thời, những hình ảnh trong thơ Hồ Xuân Hương vốn rất quen thuộc, hiện hữu ở khắp các làng quê, trên mọi nẻo đường. “Cỏ”, cũng như rất nhiều hình ảnh thân thuộc của nước Việt xưa và nay đã có mặt trong thơ bà, như đình làng, bến nước, con ốc, cái bánh trôi, đám cỏ… hay vệt bùn, giếng khơi, con cá, đám rêu, tiếng chuông, tiếng trống canh trong đêm thanh vắng... Nhưng những hình ảnh ấy đặt trong thơ bà luôn mới mẻ và sống động, làm nên tầm vóc một đại thi hào có một không hai của Việt Nam.

 

M.N.P

 

 

 

____________

[1] Walt Whitman (1819-1892), nhà thơ, nhà báo, nhà viết tiểu luận, tác giả của tập thơ “Lá cỏ”, in lần đầu vào năm 1855 tại Mỹ.

[2] Phương Lựu tuyển tập, Tập 1. Nxb Giáo dục, 2005.

 

 

 

(Nguồn: Báo Văn Nghệ số 10, 7/3/2020)












Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Quỳnh Lưu - Ảnh: HT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị