Người bóc tách từng lớp nghĩa ẩn dụ
(Đọc sách “Hồ Xuân Hương - tài năng và bí ẩn” của Mai Ngọc Phát. Nxb
Hội Nhà văn & Nhà sách Tao Đàn, 2020)
Hồng
Hạnh
Hồ
Xuân Hương, bà Chúa thơ Nôm đất Bắc với những câu thơ vừa đa tình vừa phóng
khoáng, đến nay vẫn được xem như là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn
học Việt Nam trung đại. Để hiểu rõ hơn về bà, nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát đã
dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu viết nên cuốn sách Hồ Xuân Hương tài năng và bí ẩn, dường như đã đi sâu vào phân tích
cuộc đời đầy thăng trầm của nữ thi sĩ họ Hồ.
Tác
giả cuốn sách, nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát sinh ra tại vùng quê Ninh Bình, có
sở thích với tiền cổ. Bén duyên với những trang thơ đậm chất trữ tình của Hồ nữ
sĩ cũng thật tình cờ, tác giả Mai Ngọc Phát chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học
Bách khoa Hà Nội, ông đã sang làm việc tại Lào. Một cơn sang chấn tinh thần
khiến tâm tư của ông thay đổi, nhấn chìm ông trong cơn bi phẫn, nhưng chính
những bài thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương đã khiến ông như bừng tỉnh, soi rọi tâm
trí, giúp ông vượt qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai.
Cuốn
sách đưa ra cái nhìn tổng quan về cuộc đời, thân thế cũng như sự nghiệp của thi
sĩ nức tiếng Hà thành. Hồ Xuân Hương sinh ra tại Tây Hồ, Hà Nội, phụ thân là
ông Hồ Phi Diễn, người Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tuy nhiên, theo học giả Trần Thanh
Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương lại là ông Hồ Sĩ Danh, cũng người Nghệ An. Vấn
đề này đến nay vẫn còn chưa tranh cãi chưa ngã ngũ. Hồ Xuân Hương vốn nhà trâm
anh thế phiệt, lại thêm vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, có rất nhiều tài tử
theo đuổi là điều dễ hiểu. Bóng dáng của các tao nhân mặc khách xuất hiện trong
thơ của bà khá nhiều, mà theo như Mai Ngọc Phát, ông cho rằng họ là người tình
hay cũng là bạn xướng họa văn chương thì đến nay vẫn còn chưa xác định.
Cuốn
sách được chia thành nhiều phần, chủ yếu phân tích về ý nghĩa biểu tượng trong
một số bài thơ tiêu biểu của Hồ Xuân Hương. Ví dụ như hình ảnh "mời
trầu" trong bài thơ cùng tên hay chuyện tình giả tưởng của nữ thi sĩ, nỗi
cô đơn vô vọng trong "Nỗi niềm gối lẻ " hay tấm lòng sắt son trong
"Bánh trôi nước", hình tượng "cỏ"... Những bài thơ được đem
ra mổ xẻ đều là những bài thể hiện nét cá tính đặc trưng của nữ sĩ họ Hồ. Cuối
mỗi bài phân tích, nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát đều đưa ra những nhận định
riêng, dựa theo những trải nghiệm của mình mà có khi đồng tình với tác giả, có
khi lại bổ khuyết những tư tưởng mới mẻ. Thơ và cuộc đời của nữ thi sĩ Hồ Xuân
Hương luôn hàm chứa những bí ẩn chờ đợi hậu thế giải mã. Ngay chính cuộc đời
"ba chìm bảy nổi" của bà vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ, như một màn
sương mù giăng lối người đọc, mà chính tác giả cuốn sách phê bình văn học này
đang nỗ lực vén bức màn bí ẩn. Ông đưa ra những nhận định mới mẻ, như thơ Hồ
Xuân Hương được tác thành từ những mẫu gốc, hay còn gọi là cổ mẫu (archétypes),
bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, một tín ngưỡng tôn thờ sự
sinh sôi nảy nở của tự nhiên, con người cùng vạn vật trong vũ trụ.
Trong
quá khứ, Đường thi, Tống thi vốn thống trị nền văn chương nước nhà, những áng
thơ Nôm hầu như không xuất hiện. Nhưng đến Hồ Xuân Hương, bà đã đưa thơ Nôm trở
thành một món ăn mới mẻ, độc đáo, có sức sống mãnh liệt, mang khát vọng hạnh
phúc và tự do. Nhà nghiên cứu Mai Ngọc Phát đã say mê sưu tập những ấn phẩm về
Hồ Xuân Hương trong nhiều năm qua, để có thể đúc rút đôi ba lời về cách biểu
đạt âm thanh tinh tế trong thơ của bà, cũng như một bút pháp hào hoa. Qua những
bài phân tích chi tiết của ông, người đọc như thấy mở ra trước mắt là một
khoảng không khoáng đạt trong thơ Hồ Xuân Hương, với sự lắng lọc chắt chiu âm
thanh đầy nghệ thuật, như một bữa tiệc thịnh soạn chiêu đãi từng giác quan của
độc giả.
Xen
lẫn giữa những trang viết, 10 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn với bút pháp
hiện đại ấn tượng, đã phác họa lên một Hồ Xuân Hương phong thái uyển chuyển,
nhẹ nhàng không kém phần sinh động giống như những gì trên trang viết của nhà
nghiên cứu Mai Ngọc Phát mô tả.
Thơ
chữ Hán và thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương như hai cực âm dương đối nghịch, nhưng
lại thống nhất trong một bản thể. Những bài thơ chữ Hán thể hiện sự uyên bác
tinh tế, còn những bài thơ chữ Nôm là khát khao tự do, sống phóng khoáng của nữ
sĩ. Từ góc độ tiếp nhận văn học, thơ Hồ Xuân Hương khiến nhà nghiên cứu liên
tưởng đến tượng thần Brahma trong Ấn Độ giáo. Nghĩa là chúng ta có nhiều cách
để tiếp cận, cũng như thơ bà là một thể đa nghĩa, hàm chứa rất nhiều bí ẩn.
Cuốn sách Hồ Xuân Hương tài năng và bí ẩn
chính là chiếc chìa khóa quan trọng để người đọc dần bóc tách từng lớp nghĩa ẩn
dụ bên trong con chữ của nữ sĩ tài hoa đất Kinh kỳ.
Hà Nội, 8/2020
H.H
“Thi sĩ Hồ Xuân Hương” - Tranh Nguyễn Tuấn Sơn