Yêu để hóa thiên nhiên

Nhà thơ Như Bình
Mai Văn Phấn
Cuộc đổi mới trong văn
chương đã giải phóng nhiều cây bút nữ Việt Nam khỏi những định kiến và cấm kỵ,
mở đường cho họ tự do biểu đạt những tư tưởng phóng khoáng, đậm tính thời đại
hơn về tình yêu. Như Bình là một trong những gương mặt tiêu biểu. Từ chặng
đường văn xuôi giàu cảm xúc và hình tượng, ghi dấu sâu đậm trong văn chương
đương đại qua những khám phá nội tâm con người giữa biến động thời cuộc, chị
bước vào thế giới thơ ca như một sự tái sinh. Tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” (Nxb. Hội Nhà văn, 2024) mới
ra mắt của chị không chỉ thể hiện sự đổi mới trong tư tưởng, trong ngôn ngữ
nghệ thuật mà còn mở ra chiều sâu thẩm mỹ, phản ánh những suy tưởng về tình yêu
trong mối giao cảm giữa con người và thiên nhiên.
Trong thi tập này, Như Bình đã tạo nên tầng
tầng lớp lớp cảm xúc về tình yêu, mỗi cảm xúc là một phần không thể tách rời
của cái đẹp bất tận. Cái đẹp ấy đôi khi rực rỡ, mãnh liệt như cơn sóng ào ạt,
cuốn người đọc vào những đam mê, khát khao sống và dâng hiến. Thơ chị ẩn chứa vẻ đẹp tinh tế từ những
mâu thuẫn và đối lập. Đó là vẻ đẹp từ sự chia xa, những nỗi đau len
lỏi giữa khoảnh khắc thăng hoa, hay những điều chưa trọn vẹn. Chính sự đối lập
này tạo nên sức ám gợi, gieo vào lòng người đọc những tiếng vọng vô tận.
“hoàng hôn thả mặt trời xuống vớt em lên
em đỏ ối quả cầu cháy khát
nhưng đáy sóng nhớ em san hô nhớ em
rong biển đã ru em nghìn năm em chết
bơi ngược dòng những mù khơi
cơn bão về ngang hỏi em nhớ không
cơn dông bận đi xa không kịp trả lời
em bơ vơ trên sóng
Thiên
nhiên, một nội hàm quan trọng trong thơ chị, không chỉ là bối cảnh hay hình ảnh
ẩn dụ, mà là thực thể sống động, mang đậm triết lý và hòa quyện với con người.
Tình yêu trong thơ Như Bình trở thành phương thức giúp con người tìm lại bản
thể đích thực, hòa nhập vào vũ trụ rộng lớn, vượt qua ràng buộc hữu hình. Bài thơ “Rỗng không” tiêu biểu cho phong cách
sáng tác của Như Bình, nó thể hiện trạng thái cân bằng độc đáo giữa hư vô và
tồn tại – một khởi đầu của sự chuyển hóa thông qua buông bỏ và giải phóng khỏi
những gánh nặng của đời sống.
"rỗng không, em bay như những vệt mây
em đổ vàng như những triền nắng óng
em lạnh tăm như nước đáy hồ
ngàn năm im lặng"
(Rỗng
không)
Như
Bình không phân tách con người và thiên nhiên, mà xem chúng như một thể thống
nhất, nơi sự hòa quyện chính là hành trình đi tìm bản thể đích thực. Thơ chị là một hành trình chuyển dịch
không ngừng từ bản năng nguyên thủy, không kiểm soát, sang trạng thái tỉnh
thức, tĩnh tại; đó cũng là nơi giao thoa giữa bản năng và lý trí, gợi mở khát
vọng yên bình.
"em không thể chạy
đến tìm anh để nói với anh
thật ra em rất cô đơn
con thú hoang trong em rũ
lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng
gục đầu thú tội
em không thể chạy đến tìm
anh để ngã
vào cô đơn
thêm một lần nữa"
(Con thú)
"Con thú hoang
trong em" là hình
ảnh khiến tim ta nhức nhối, khắc họa sự đơn độc, bơ vơ và bế
tắc. Ở đây ta thấy sự hoang hoải của tình yêu nhập vào sự hoang dã của thiên
nhiên. Từ "con thú" đến
"bìa rừng" đánh dấu quá
trình thu mình, đối diện bản thân, từ cảm giác hoang mang đến nhận thức rõ về
nỗi cô đơn và chiều sâu nội tâm. Chuyển dịch từ "em" đến "anh"
lại là hành trình tìm kiếm kết nối, nơi bản thể con người hóa thân vào tự nhiên
để khám phá sự hòa hợp. Hai chuyển dịch này song hành: một biểu đạt sức mạnh và
bản năng, một chìm lấp trong cảm giác trống rỗng. Chúng giống như hai phía của
mặt trăng – phía này phản ánh hy vọng và trọn vẹn, phía kia là nỗi sợ hãi và mơ
hồ. Tấm gương hai chiều này
tạo nên chiều sâu, sự phong nhiêu trong hành trình khám phá tâm lý và nghệ
thuật của Như Bình.
Đoạn
thơ dưới đây hé mở một tầng cảm xúc khác trong thơ Như Bình, bùng cháy như ngọn
lửa rực rỡ, soi thấu không-thời-gian, khát khao vượt qua mọi giới hạn và nhấn
mạnh tính phổ quát của tình yêu:
"em đã kịp yêu đâu
kẻ khát tình là em, yêu
dại điên cũng là em,
yêu như tử vì đạo chỉ có
thể là em
em nào đã kịp hôn và yêu
như Eva thuở hồng hoang
ngọt ngào trái cấm
...
em muốn yêu và hôn
…
trăm năm
ngàn năm
mãi mãi."
(Viết về một nỗi sợ hãi)
Những ngôn từ như "kẻ khát tình là em", "yêu dại điên", "yêu như tử vì đạo"
cho thấy một tâm hồn cháy rực vì yêu, đồng thời nhấn mạnh sự hy sinh, dâng hiến
và cả nỗi dằn vặt khi yêu. Nhân vật "em"
đã đốt cháy mình trong ngọn lửa đam mê, sẵn sàng vượt qua định kiến và mọi giới
hạn để chạm đến sự thăng hoa. Sự dữ dội ấy dâng trào khát vọng, rồi lắng xuống trong nhịp chậm dài tựa như âm ba vọng mãi. Như Bình đã
khéo léo dung hòa hai mặt đối lập, sự mãnh liệt của cảm xúc và tinh tế trong
biểu đạt; tạo nên một cõi thơ sâu lắng và cháy bỏng.
"em có thể gãy cánh
như con chim mơ về bầu trời
sẽ vỡ móng như con ngựa
hoang bay trên mờ mịt lối"
(Âm thanh cuối);
"đôi khi em thật điên
rồ
ước muốn khỏa thân trong
đất nâu yên lặng
ai sẽ mở tiệc trên cơ thể
em
để chú dế con thôi gục
đầu trên ngực em bật khóc"
(Viết về cái chết).
Tình yêu trong thơ Như Bình hòa nhập với
thiên nhiên như con người hòa hợp với đất trời. Vẻ đẹp của sự hòa nhập ấy dịu
dàng, mơ hồ như sương sớm giăng trên cánh đồng, mặt nước... khơi gợi nỗi buồn
man mác và nỗi nhớ không tên. Những thi ảnh chập chờn giữa thực và mộng, vừa
chân thật đến nao lòng, vừa huyễn hoặc đến hoang mang; ở đó, thiên nhiên vừa là
bối cảnh vừa là nhân vật đồng hành, lặng lẽ đối thoại với nỗi lòng con người.
"ôi đất nâu cũng mịn
màng như em
thảng thốt như em
đắm đuối như em
muốn hóa thành mầm hoa bật
lên nơi vắng lặng
một bông hoa kiêu hãnh
giữa nắng trời"
(Trầm cảm)
Đó là những chuyển động tinh tế và dịu dàng
trong không gian suy tưởng. Sau hành trình hoán chuyển và hóa thân, đất đai
bỗng sống dậy, đồng điệu với cảm xúc của nhân vật trữ tình; nó không còn vô tri
mà biết "thảng thốt", "đắm đuối". Đất hòa vào "em", khát khao hóa thành "mầm
hoa bật lên nơi vắng lặng", là sự tái sinh, là khát vọng vươn lên từ
nỗi đau làm một vẻ đẹp kiêu hãnh.
Ở nơi thiên nhiên bị phụ bạc, nó không còn là
chốn an lành mà lại chứa đựng sự đau đớn, mất liên kết, làm tăng thêm chiều
kích của bi kịch.
"trong giấc mơ đêm qua tôi gặp lại cô bò
đôi mắt nàng nhìn tôi
ôi đôi mắt bò cái
nàng khóc hay tôi?
nước mắt sắc như thủy tinh
lăn trên thảm nhung xanh
bạt ngàn cỏ ngọt
lưỡi của nàng không thể
chạm vào những lá cỏ mềm
trên mặt đất
chân nàng không thể chạm
cánh đồng"
(Nàng bò cái)
"Nàng bò cái" là biểu
trưng của tình yêu thiện lành và gắn kết với thiên nhiên – nay bị đứt lìa khỏi
thế giới của mình; nó là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi cô đơn, lạc lõng của con người
trong cuộc sống hiện đại.
Trong một tình huống khác, sự xung đột giữa
khát khao và thực tế được đẩy lên cao trào:
"chúng mình như những
ngôi sao xa
hun hút sáng không thể nào
tới được
...
muốn an táng vầng trăng
trong bầu ngực
cho tình yêu"
(Viết cho anh)
Hình ảnh táo bạo và siêu thực này biểu đạt
khát vọng giữ trọn vẻ đẹp dịu dàng của tình yêu trong chính bản thể nhân vật,
dù phải đánh đổi bằng nỗi đau sâu kín. Như Bình khéo léo chuyển dịch giữa các
trạng thái cảm xúc, từ hiện thực đến huyền ảo, từ khát khao đến vời vợi nỗi
buồn.
Trong cõi thơ Như Bình, mỗi câu thơ như nhịp
thở của thiên nhiên, vừa êm dịu vừa cuồng nhiệt, đưa tình yêu trở về với vẻ đẹp
nguyên sơ và bản chất thuần khiết của nó.
"nỗi buồn trang điểm
phấn son
ngơ ngác mỗi ngày một màu
môi lạ
em cười như nắng tỏa
như sương thu rụng kín khu
vườn
...
rơi xuống cánh rừng già
trên cơ thể em nỗi buồn
dậy hương
nỗi buồn khỏa thân gọi tên
những run rẩy ái tình
thoát kiếp."
(Trầm cảm 3);
"em đứng yên tan chảy
khóc mà không hiểu vì sao
vì sao chúng ta bặt xa
nhau
vì sao chúng ta vắng xa
nhau lâu đến thế."
(Sự lãng quên trùng kiếp)
Hình ảnh trong thơ không dừng lại ở những biểu hiện hữu hình, mà còn
mang chiều sâu triết lý và
sự rung động tự nhiên.
"biển của em chiều
nay
chạm đáy sóng
những hạt muối dưới bể sâu
gọi em
nghe kí ức rã mặn
đắng"
(Biển của em);
"là hòn sỏi em lặn
vùi trong cát
tạ muôn ơn trong vô cực
đời này
rồi một ngày hòn sỏi em
bật khóc
khi bình minh nhảy múa gọi
tên mình."
(Hòn sỏi im lìm nơi đáy suối)
Thi ảnh cuối bỗng bừng sáng, tràn đầy hy
vọng. Sự tương phản giữa trạng thái tĩnh lặng ban đầu và niềm vui bừng nở sau
cùng đã khơi mở chiều sâu nội tâm. Đây là vẻ đẹp của sự sống, nơi những gì nhỏ
bé và lặng lẽ nhất cũng có thể chứa đựng ý nghĩa lớn lao và cảm xúc.
Trong "Sự im lặng biếc xanh", thiên nhiên không tĩnh tại mà luôn biến động, đồng cảm và
tương hợp với nội tâm con người. Không chỉ dừng lại ở vai trò làm phông nền cho
cảm xúc, thiên nhiên còn là không gian để con người tìm về, kết nối và hòa hợp,
mở đường tới tinh thần thiền định. Thiên nhiên của Như Bình là dòng chảy bất
tận, vừa làm điểm tựa tâm hồn, vừa là nơi để buông bỏ và lắng dịu, thể hiện bản
chất thuần khiết của vạn vật.
"em về ngủ giữa sen
trắng
mộng bình yên một đóa thôi
ru em miền hương thơm nắng
ngắm em sáng mảnh gương
trời
.....
hồn em về trên sen trắng
đậu vào một đóa tường vân
thở vào thở ra tan biến
hóa em một thanh âm
lành."
(Thiền 3)
Thơ Như Bình hòa quyện giữa truyền thống và
hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và cảm xúc trữ tình. Chị khai thác những vỉa
tầng cảm xúc phong phú, kết hợp nhịp điệu uyển chuyển với những hình ảnh giản
dị. Thơ chị giàu nhạc tính, mềm mại và sâu lắng, mở rộng biên giới suy tưởng
nơi người đọc. Như Bình chủ yếu viết thơ tự do với nhịp điệu phóng khoáng, tự
nhiên. Trong tập chỉ có hai bài lục bát, nhưng cũng đủ để thấy sự điêu luyện
trong nghệ thuật tu từ. Bài lục bát dưới đây duy trì sự chuyển động nhẹ nhàng của
nhịp điệu, xen lẫn những chấn động tình cảm; nó mở ra những suy tư sâu sắc về
sự mong manh của tình yêu, về nỗi cô đơn trong kiếp người, về vẻ đẹp thâm trầm
của đời sống nội tâm.
"một mình chỉ với
mình thôi
chanh chao nắng nỏ ngày
côi cút gầy
mở bàn tay ngắm kẻ tay
bơ vơ năm ngón đắng cay
phận buồn
một mình
chơi với hoàng hôn
phù du khép nụ vô thường
tàn đau
líu lo sao tiếng sáo nâu
thả trong thăm thẳm cái
câu ái tình"
(Một mình)
Như Bình đã kiến tạo một thế giới thơ giàu
tính biểu tượng, trong đó thiên nhiên và tình yêu là một bản thể thống nhất.
Những hình ảnh như nhịp sóng, ánh trăng hay cánh đồng trong thơ chị mang sức
gợi mạnh mẽ, là những ẩn dụ phản chiếu những tầng sâu tinh tế của vị giác tinh thần và sự cộng hưởng với thế giới xung quanh.
Tập thơ "Sự im lặng biếc xanh" minh chứng cho sự đổi mới tư tưởng của
một cây bút nữ hiện đại. Tình yêu trong thi tập dâng trào, say đắm và vô hạn,
giải phóng con người khỏi cái tôi vị kỷ để hòa vào sự vô tận của thiên nhiên. Không chỉ là cảm xúc cá
nhân, tình yêu ấy vươn tới trạng thái hòa nhập, nơi sự riêng tư và cộng đồng cùng tồn tại, hòa quyện và phản chiếu những
rung động nội tâm ra thế giới. Tình yêu ấy vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng, như một
hành trình khám phá bản thân, một trải nghiệm vượt qua mọi giới hạn. Những xúc
cảm ấy vừa đa dạng vừa mang tính phổ quát, trải rộng từ dữ dội đến tĩnh lặng,
từ hữu hình đến siêu hình. Cõi thơ của Như Bình gây ấn tượng mạnh bởi sự hòa
hợp giữa con người và thế giới. Tình yêu trong thơ chị là quá trình tự nhiên
hóa bản thể, giúp con người trở về với chính mình, trở nên khiêm nhường, giản
dị hơn, và hòa mình vào nhịp sống vũ trụ.
Hải Phòng, 9/12/2024
M.V.P
