Mai Văn Phấn, từ bóng tối của im lặng, đổ vỡ... - Nhà thơ Khánh Phương thực hiện PV
Mai Văn Phấn, từ bóng tối của im lặng, đổ vỡ...
(Nhà thơ Khánh Phương thực hiện)
Nhà thơ Khánh Phương
"Vách nước", tập thơ mới của Mai Văn Phấn là một bất ngờ dành cho
bạn đọc: một giọng điệu mới, ngôn từ lạ, một sinh quyển mới, một đời thơ khác
trước được thiết lập, dù trước đây anh mới chỉ xuất hiện như một nhà thơ “dễ
đọc”, dễ gây thiện cảm. Anh không rơi vào tình trạng chông chênh như một số bạn
làm thơ trẻ với những tìm tòi bột phát. Từ tốn, cẩn trọng với một nền tảng xúc
cảm có bề dày, bề rộng, Mai Văn Phấn vẫn giành được cảm tình của bạn đọc tại
thời điểm trong chính bản thân anh đang diễn ra một “cuộc cách
mạng”... "Một lần lá trôi về lá/ ánh trăng không động/ Con
đường dính chặt/ Nhấc lên cùng vó ngựa".
- Một cuộc cách mạng trong sáng tác của bản thân, đó
là điều anh tha thiết hướng tới khi cho ra đời tập thơ Vách nước? Động lực nào
đã thúc đẩy anh “nổi dậy”? Thay đổi một lối viết, trước hết là thay đổi một tư
tưởng, có phải là điều quá khó trong khi đã ở độ gần như định hình, thưa anh?
- MVP: "Vách nước” của tôi là cuộc
vong thân, bước tiến của phủ định bản ngã. Trong sáng tạo, cố nhích lên dù “nửa
bước chân” đã là quá trình vật lộn ghê gớm, huống chi thay đổi tư duy thẩm mỹ
hay tìm đến một lý tưởng thi ca khác biệt. Trong bóng tối, kể cả trong bóng đen
ghê sợ của im lặng, tôi như được chứng kiến sự đổ vỡ những giá trị cũ. Khi định
vị được dòng chảy thi ca đương đại trong quá trình hội nhập, biết lạnh lùng
khách quan nhìn lại bản thân, sự hoảng loạn đã thôi thúc tôi làm cuộc vượt
thoát khỏi cá tính.
- Nghiêng về phía vô thức, dùng những biểu tượng bất chợt, tương hợp và
khuếch trương những cảm giác để sắp xếp lại thế giới, phần nào từ chối cái nhìn
duy lý tuyến tính quen thuộc; anh cũng dùng những thủ pháp quen thuộc của nhiều
người làm thơ trẻ hiện nay? Anh muốn dựng lên một hình thức tồn tại
vô biên không giới hạn của con người, ở đó rào cản của cuộc sống phiền phức
nhiêu khê mà tự con người dựng lên và bị lệ thuộc vào cũng trở thành vô nghĩa
trước dòng nước mát hồi sinh?
- MVP: Những nhận xét về thơ trẻ hiện nay rất đúng, nhưng
mang tính tiểu tiết. Sự khác biệt căn bản với các thế hệ đi trước của những nhà
thơ trẻ là cách thiết lập không gian riêng, nhằm tạo một “áp lực” trong “từ
trường ảnh hưởng”. Thực tế cho thấy, áp lực thường gây ảnh hưởng mạnh hơn những
“điểm chập nổ” rất nhiều. Những câu thơ của tôi trước đây được bạn đọc nhắc đến
có thể ví với những “điểm chập nổ”. Nó đóng đinh người đọc vào hoàn
cảnh cụ thể, trói buộc cảm xúc trong thi ảnh đơn độc. Còn không gian thơ bây
giờ là sự gợi mở để người đọc cùng tham gia sáng tạo, là cách nhà thơ dẫn dụ
người đọc vào "trò chơi tự trình bày cách chơi" (Hoàng Ngọc
Tuấn) trong thế giới đa tầng và đa phương. Người đọc không còn cảm giác
gặp một bản thể nhất định trong "đại tự sự" (grands récits – J.F. Lyotard) như
trước đây nữa, mà họ có quyền lựa chọn bản thể tốt nhất theo ý họ trong một
hoàn cảnh thi ca cụ thể, tự đưa ra lối ứng xử thích hợp nhất trong một hiện
thực thậm phồn. Một hình thức tồn tại vô biên như chị nói chính là mô hình xã
hội được thiết kế theo kiểu thi sĩ, ở đó những khái niệm về công bằng, tự do,
bác ái... được quan niệm “cực đoan” đến mức tuyệt đối.
- Dù có nói gì thì quá trình tích lũy trước đây cũng
cho anh một vốn liếng và khả năng tự điều chỉnh để không sa đà vào những cảm
xúc vụn vặt, như điều thường thấy ở một số người làm thơ trẻ?
- MVP: Với tôi, thi ca dù có cách tân đến đâu vẫn phải
hướng con người tới sự cao đẹp. Phẩm cách nhà thơ quyết định cốt cách thi ca.
Khi đã vững tin trong cốt cách, nhà thơ không ngại lao vào bất cứ vấn đề gì, kể
cả những vấn đề “vụn vặt”.
- Có lẽ phải hiểu cho đúng chữ vụn vặt. Không một đề
tài nào, kể cả những chuyện quá riêng tư bị coi là vụn vặt, nếu người làm thơ
biết thật sự đưa nó về thế giới đa tầng và đa phương như anh nói. Nhưng nhiều
tác giả trẻ lại không đủ vốn văn hóa, vốn sống để làm điều đó, và họ quẩn quanh
trong việc thổi phồng những cảm xúc của chính mình. Xin được chuyển sang ý
khác. Chẳng lẽ anh không hề lưu luyến chút gì một Mai Văn Phấn lành lành ngây
ngây đáng yêu thời viết "Không gian như phủ Chúa/ Hoa cười vang cung
mê" hay "Con đang mơ chạy lang bang/ Ngồi đây cha thả bướm
vàng bay theo"...?
- Tôi quan niệm tác phẩm sau khi được công bố tồn tại độc
lập với với người làm ra nó. "Lưu
luyến" hay không xin dành cho người đọc và thử thách khắc nghiệt
của thời gian. Tôi không có thói quen chiêm bái những con đường cũ của mình,
không "quay vái lậy chiếc áo vừa treo lên giá" như một câu thơ
tôi viết trong bài "Ước phục sinh". Cái điệu “lành lành ngây
ngây” trước đây là cách tôi “chiềng ra” một phần gương mặt trong "đại
tự sự", cũng là cách thấp thoáng một gương mặt trong chen chúc những gương
mặt hao hao. Bây giờ sáng tạo theo một quan niệm riêng, tôi thực sự thấy
tự do tuyệt đối, được “làm vua” những “con chữ” của mình. Nếu coi "Vách
nước" là quá trình “vượt thoát”, thì khao khát lớn nhất của tôi
hiện nay là sự giản dị. Thật kỳ diệu nếu chỉ bằng sự giản dị mà nói được những
vấn đề lớn lao và mới mẻ . Và giờ đây, tôi muốn coi "Vách nước" là
cái đang cũ. Có lẽ nỗi ám ảnh ghê sợ nhất của tôi là đến lúc nào đó không còn đủ
ý chí và nghị lực để tự phủ định mình.
- Dường như thơ hiện tại không còn đòi hỏi khổ công
trau giũa chữ như người thợ chữ nữa? Anh viết những bài thơ dài như "Biến
tấu con quạ" mất bao lâu?
- MVP: Tôi không có ý định đánh bóng con chữ. Những dòng
chảy nội tâm đã tạo áp lực trong cảm xúc của tôi. "Biến tấu con
quạ" tôi ấp ủ khá lâu, nhưng được viết trong vòng 2 ngày.
- Hình như thời nay nhà thơ vừa có thể ăn ngon mặc đẹp
lại vừa in được tập thơ thật sang, mặc dù thơ hay vẫn không thể nuôi nhà thơ?
- MVP: Quan niệm rằng thơ (hình thức) cứ phải xoàng xĩnh,
lôi thôi một chút mới... nên thơ, đã cũ. In tập thơ thật đẹp, thật sang là cách
để “báo đáp”, tôn vinh thơ ca và cũng hợp lý trong xã hội ngày càng tiến bộ.
Thật tiếc là đến tận bây giờ thơ vẫn chưa nuôi được nhà thơ, nhưng đó là cách
các nhà thơ góp “công đức” vào đời sống này. Chuyện “áo cơm” thời nay đối với
nhà thơ không quá khó khăn như trước nữa. Để thơ “trụ” được, nhà thơ phải có
tài năng và kiến thức nhất định, muốn đi xa cần tự tin và biết cách bình tĩnh.
(Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa số 11 ngày 6/02/2004)