Sự khởi đầu trong hành trình thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Đặng Huy Giang

Sự khởi đầu trong hành trình thơ Mai Văn Phấn


 

Đặng Huy Giang

 

 

Nếu nhìn nhận một cách có hệ thống, thì trong vòng mấy chục năm qua, thơ Hải Phòng luôn có những gương mặt lạ. Họ là những nhà thơ có những kiểu viết khác lạ, mang dấu ấn riêng. Họ là những Made in trong làng thơ. Hiện tượng này được thực chứng qua những Made in Văn Cao, Made in Thi Hoàng, Made in Thanh Tùng, Made in Hoàng Hưng, Made in Đồng Đức Bốn, Made in Mai Văn Phấn.

 

Tôi đã đọc Mai Văn Phấn từ rất sớm. Ngay từ năm 1995 và trước năm 1995, bài Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc (giải nhì, không có giải nhất, cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1995) của anh đã làm tôi chú ý. Tôi đặc biệt chú ý một cặp lục bát:

 

Khăn thêu những dấu tay gày

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời.

 

Tôi dám chắc không mấy ai có thể dễ dàng kết nối tài tình “khăn thêu” với “những dấu tay gày” để rồi “thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời” như anh. Đây là một sự liên tưởng kiểu Mai Văn Phấn.

 

Cũng trong phần Từ khởi đầu đến năm 1995 trong Thơ tuyển Mai Văn Phấn, riêng ở mảng thơ lục bát, Mai Văn Phấn còn khá nhiều cặp lục bát ấn tượng.

 

Đây là hai câu trong Một mình:

 

Tàn mùa chiếc lá lia qua

Cho cô đơn ấy xẻ ra mấy phần.

 

Đây là hai câu trong Bên hoa:

 

Anh xin van đấy nõn nà

Gót hương nhẹ lắm lướt qua mặt người.

 

Đây là hai câu trong Du ca:

 

Cánh chim vừa liệng dao cau

Dòng sông đã ngậm bã chầu phù sa.

 

Đây là hai câu trong Trương Chi:

 

Ngày tràn đêm vỗ lên bông

Mình ta khua động cả dòng tịch liêu.

 

Đây là hai câu trong Rượu xuân:

 

Nỗi buồn cầm cũng nhẹ tênh

Buông vào đáy nước rùng mình đậu tăm.

 

Đây là hai câu trong Tản mạn về cỏ:

 

Ghé môi vào miệng thời gian

Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non.

 

Thơ lục bát mà  mới như thế, sáng tạo như thế, ảo như thế, có cá tính như thế, thì thật là khó viết. Chắc chắn phải xuất phát từ một cảnh giới nào đó, Mai Văn Phấn mới có một “trường liên tưởng” độc đáo và phong phú như vậy, đặc biệt ở ba cặp lục bát: Cánh chim vừa liệng dao cau/ Dòng sông đã ngậm bã trầu phù sa; Nỗi buồn cầm cũng nhệ tênh/ Buông vào đáy nước rùng mình đậu tăm; Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi thở mọc vô vàn cỏ non.

 

Tôi dám chắc nếu không xuất phát từ cảnh giới ở trên trời hoặc từ tưởng tượng mình đang là người giời thì Lý Hạ (789 – 816) không thể viết được Mộng lên trời:

 

Thiềm thừ ngọc thỏ tràn đôi lệ

Tường bạc chênh vênh cung mây hé

Vành ngọc miết sương, bóng ướt đầm

Gặp tiên trên đường ngát mùi quế

Bụi vàng nước thẳm dưới Tam sơn

Dâu bể nghìn năm, ngựa chạy bon

Chín Châu nhìn như chín chấm khói

Biển cả rót vào cái chén con.

 

Tôi dám chắc nếu Chế Lan Viên không xuất phát từ cảnh giới hư vô của những vong linh đau khổ của dân tộc Chiêm Thành thuở nào thì không thể viết được những câu:

 

Những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn

Muôn ma hời sờ soạng dắt nhau đi

 

hay:

 

Ai réo gọi ta trong cùng thẳm. Hư vô?

Ai réo gọi trong muôn sao chới với?

 

Tôi dám chắc nếu Đặng Chân Nhân không nhập vào cảnh giới hành tinh khác hoặc tưởng tượng mình là người hành tinh khác thì không thể viết được:

 

Thử hình dung xem…

Mình đến từ tương lai

Biết hết những điều mới mẻ

Coi thời hiện tại như quá khứ.

 

Sở dĩ trong bài viết ngắn ngủi này, tôi mới chỉ nói đến mảng thơ lục bát của Mai Văn Phấn, là có ý nhấn mạnh: Ngay ở điểm khởi đầu, Mai Văn Phấn đã có ý thức làm mới mình và anh cũng không chịu để mình cũ theo một thể thơ truyền thống vốn rất khó viết và khó viết hay. Rồi cũng từ sự đổi mới rất có căn nguyên, nền tảng... Mai Văn Phấn tiếp tục đổi mới ở những tập thơ sau, ở những thể thơ khác với những gặt hái mới mang chiều kích mới về cả hình thức lẫn nội dung. Có thể nói: Mai Văn Phấn đang dấn thân trong đường thơ có tên gọi là “cách tân” của riêng anh.

 

Lâu nay, người phương Tây vẫn coi trọng hành trình tới đích hơn là cái đích đã đến. Chính hành trình tới đích là cho mọi cuộc đua (hoặc cuộc chơi) trở nên hấp dẫn, có sức thu hút lớn hơn. Theo tôi, những bài thơ, trong đó có thơ lục bát là điểm khởi đầu đáng nhớ trong hành trình thơ Mai Văn Phấn.

 

Và tôi nghĩ Mai Văn Phấn vẫn đang trên đường, vẫn đang tiếp tục hành trình thơ của mình trong những vòng xoắn mới mà ở đó, không có gì được gọi là kết thúc.

 

Viết đến đây, tự dưng tôi lại nhớ đến bài thơ Bất toàn là đỉnh cao của giáo sư thi pháp, thi sĩ người Pháp Yves Bonnefoy. Và muốn tôi muốn chép lại bài thơ này để riêng tặng thi sĩ Mai Văn Phấn và những thi sĩ nào còn mang trong mình dòng máu cách tân một cách tận cùng và triệt để:

 

Có điều là phải hủy diệt, và hủy diệt, và hủy diệt

Có điều là sự cứu rỗi chỉ có được bằng cái giá đó.

 

Phá tan bộ mặt trần trụi trồi lên trong đá hoa

Đập vỡ mọi hình dạng, mọi cái đẹp.

 

Yêu cái toàn bích bởi đó là ngưỡng cửa

Nhưng chối từ nó ngay khi tận mặt, hãy quên nó, cái đã chết.

 

Bất toàn là đỉnh cao.

 

Hà Nội, đêm 10/5/2011

Đ.H.G

(Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công - Kỷ yếu hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/ 5/ 2011, NXB Hội Nhà văn, 2011/ Báo Hà Nội Mới, 6/2011)

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị