Mai Văn Phấn - “Không ưa bước lên dấu chân mình” (nghiên cứu) - Đỗ Thị Thu Huyền
Mai Văn Phấn - “Không ưa bước lên dấu chân mình”

TS. Đỗ Thị Thu Huyền
Đỗ Thị Thu
Huyền
Thử giải mã những yếu tố thành công
Mai Văn Phấn là nhà thơ thu
hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, các nhà nghiên cứu. Hành trình tính
từ tập thơ đầu tay (1992) đến nay đã tròn ba mươi năm, Mai Văn Phấn sớm xác
định cho mình một quan niệm: “Sáng tác là tạo ra một thế giới riêng biệt, một cõi thơ
mang đậm dấu ấn tâm hồn mình. Sự khác biệt phong cách, thi pháp giữa các tác
giả hay giữa các thế hệ nhà thơ, theo tôi, chính là cách thiết lập không gian.
Có thể ví đó là một ngôi nhà với nhiều cánh cửa và mỗi bạn đọc được tự do lựa
chọn chìa khóa thích hợp để bước vào ngôi nhà thi ca. Đó chính là “những hạt
mầm cảm xúc” có sẵn trong mỗi người đọc. Khi thích hợp được với không-thời-gian
đa chiều, hạt mầm kia mới đủ sức vươn tới những vùng không gian lạ lẫm và bí
ẩn của thơ”[2]. Ông không
chỉ vươn tới những không gian lạ lẫm của thơ, ông còn có một ý thức vươn tới
những không gian đọc khác nhau, mà nói như cách dùng của nhà thơ Bình Nguyên
Trang, hiện tượng Mai Văn Phấn là một gương mặt không thể không nhắc tới khi
bàn về câu chuyện xuất khẩu văn hóa.
Thứ nhất có thể thấy, sự chủ
động, chuyên nghiệp cộng hưởng vào hành trình thơ nhiều tìm tòi đã tạo nên sự
khác biệt của Mai Văn Phấn trong diện mạo thơ Việt Nam đương đại. Hiện tượng
Mai Văn Phấn với lịch sử nghiên cứu – dịch thuật phong phú, website cá nhân
chuyên nghiệp… đã chứng tỏ được ưu thế của một nhà văn trong thời đại cách mạng
công nghệ 4.0.
Trang cá nhân của nhà thơ Mai
Văn Phấn có thể truy cập theo 3 địa chỉ: http://maivanphan.vn,
http://maivanphan.com, http://maivanphan.net. Ở
đó cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin với sự thiết kế đơn giản, chuyên
nghiệp. Ngoài tiểu sử chi tiết của Mai Văn Phấn cùng hành trình sáng tác đủ
đầy, các tập thơ được cung cấp toàn văn giúp độc giả tiếp cận thơ ông một cách
nhanh chóng, dễ dàng nhất. Từ tập thơ đầu tiên Giọt nắng (1992) đến
những tập trường ca, tập thơ xuất bản sau này đều có toàn văn, trong đó mới cập
nhật phải kể đến thở (cập nhật đến 1/9/2019, chưa xuất bản sách); Nước
đang chảy qua trái đất (cập nhật đến 13/2/2022, chưa xuất bản sách). Một
chuyên mục đáng chú ý, chiếm phần lớn lượng thông tin liên tục được bổ sung là
Các tiểu luận phê bình về thơ Mai Văn Phấn, các luận văn, luận án, đề tài khoa
học, lời bình một số bài thơ… Phần này cung cấp một cái nhìn đầy đủ, đa góc độ
cho những ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về hành trình sáng tác của Mai Văn
Phấn. Gây chú ý trên giao diện website không chỉ là giải thưởng ông được nhận
mà còn bởi 46 ngôn ngữ hiện diện. Việc thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng,
thậm chí có những thứ tiếng ít người sử dụng cho thấy chiến lược “xuất khẩu”
thành công của những tác phẩm. Mục Thơ Mai Văn Phấn trong sách giáo khoa cộng
hưởng với việc dịch, cho thấy tính chất vươn tới nhiều chân trời của thơ ông –
không chỉ tiếp cận bạn bè quốc tế mà đi vào một môi trường với tính chọn lọc
bởi nhiều tiêu chí riêng.
Sức hấp dẫn của
hiện tượng Mai Văn Phấn với bạn đọc, các nhà nghiên cứu, một phần thể hiện qua
số lượng và vấn đề mà những công trình nghiên cứu, phê bình đề cập. Nghiên cứu về Mai Văn Phấn được thực hiện đa dạng và trải rộng trên nhiều
phương diện. Như trên website cá nhân của ông cho thấy một sự bề bộn khó lòng
bao quát hết, mà ý kiến của Văn Giá phần nào cho thấy điều đó: “thế giới thơ
Mai Văn Phấn khá bề bộn”: số lượng, ý tưởng, thi ảnh, cả về thể điệu: lục bát,
đường luật, tự do, thơ văn xuôi, trường ca…
do đó để gọi ra được “khuôn mặt” nhà thơ Mai Văn Phấn với tất cả những
nét đặc sắc riêng quả là một thử thách đối với bất cứ ai”[3]. Ngoài sự hấp dẫn của những yếu tố xung quanh, chính bản thân sáng tác
luôn đổi mới của ông cho thấy nhiều gợi mở các hướng nghiên cứu. Nhà thơ Nguyễn
Việt Chiến khẳng định rằng: “Nếu có nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới
thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo
tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ - tình - cổ - điển, anh “bay” thẳng
một mạch vào hậu - hiện - đại, rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của
thơ - cách - tân”[4].
Một yếu tố quan
trọng để thơ Mai Văn Phấn đến với đông đảo bạn đọc và thu hút sự chú ý trong
thời kỳ “lạm phát”, “bão hòa” thơ là việc ông có những chiến lược quảng bá hết
sức chủ động. Năm 2011, Mai Văn Phấn gặp dịch giả Trần Nghi Hoàng - nhà thơ,
dịch giả định cư ở Hoa Kỳ. Khi thấy dịch giả Trần Nghi Hoàng đọc và thích tập
thơ Bầu trời không mái che, Mai Văn
Phấn đã trân trọng mời nhà thơ Trần Nghi Hoàng dịch cuốn này sang Tiếng Anh.
Sau đó ông nhận được thư của nhà thơ người Anh Susan Blanshard, đại diện cho
Nhà xuất bản Page Addie Press vì đã đọc tập thơ qua bản tiếng Anh và rất thích
nên ngỏ ý muốn kinh doanh tập sách này, bằng cách ấn hành bản tiếng Anh ở Nhà
xuất bản nơi bà ấy làm việc… Như vậy, từ việc chủ động tìm dịch giả dịch sách
của mình ra Tiếng Anh, chủ động in sách song ngữ, thơ của Mai Văn Phấn đã có
một cuộc “vượt qua biên giới” ngoạn mục. Nhờ bản in bằng Tiếng Anh mà ông được
nhiều độc giả, nhiều nhà phê bình quốc tế chú ý. Và rồi các đơn vị kinh doanh
sách quốc tế đã tìm đến ông, hợp tác cùng ông[5].
Bắt đầu với giải
thưởng tại Hải Phòng (1991), liên tiếp các năm sau đó là Giải thưởng Cuộc thi
thơ tuần báo Người Hà Nội năm 1994;
Cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ (Hội
Nhà văn Việt Nam) năm 1995; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 (cho tập
thơ Bầu trời không mái che); Giải
thưởng Văn học Cikada Thụy Điển năm 2017; Giải thưởng của Viện Hàn lâm
Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Cộng hòa Serbia, 2019; Giải thưởng của Hiệp
hội Dịch giả Văn học Cộng hòa Montenegro, 2020. Có thể thấy từ giải địa
phương tới Trung ương, nhưng để vươn tầm quốc tế lại là một lộ trình vừa nhiều
cơ duyên vừa bởi những chủ động. “Cho đến nay, tác phẩm của Mai Văn Phấn đã
được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, trong đó có những ngôn ngữ mà chính ông cũng
không biết vì số lượng người sử dụng ít như tiếng tiếng hindi, tiếng Ne-pan,
tiếng Montenegro… Tất cả là do hiệu ứng ban đầu từ những bản dịch Tiếng Anh,
Tiếng Pháp. Khi sách được in bằng những ngôn ngữ thông dụng nhất, lại trở thành
sách best seller nằm trong các bảng xếp hạng, thì việc nó tiếp tục được dịch ra
nhiều thứ tiếng khác nhau là điều dễ hiểu”[6]. Có thể
thấy, sự thành công của Mai Văn Phấn đến từ nhiều yếu tố, trong đó không thể
không kể đến sự chủ động tiếp cận công chúng của bản thân người viết.
Sự khác biệt của hai giai đoạn sáng tác
Những chặng đường sáng tạo thơ
Mỗi thời kì sáng tác, Mai Văn Phấn có những cách tân theo
sự thể nghiệm cá nhân, từ năm 1999 với trường ca Người cùng thời sang đến năm 2003 với tập thơ Vách nước, thời gian dù không dài nhưng cho thấy một hành trình đổi
thay trong sáng tạo, khi ông quyết liệt khước từ cái cũ để dấn thân vào hành
trình nhiều thử thách. Và liên tục những giai đoạn sau đó, sự đổi khác luôn là
một đặc trưng dễ nhận thấy với hầu hết các tập thơ của Mai Văn Phấn.
Mai Văn Phấn bộc lộ một thái độ rõ ràng với thơ, với câu
chữ qua từng thể nghiệm. Tuy ông bước vào con đường văn chương bằng những dấu
mốc sớm, năm 21 tuổi với bài thơ Hoa xoan
đăng báo Phụ nữ Việt Nam nhưng phải rất lâu sau đó, năm 1990 Mai Văn Phấn mới
xuất hiện lại với chùm thơ ba bài: Thuốc
đắng, Thu về, Em gái đi lấy chồng, in trên Tạp chí Cửa biển (Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng). Năm sau đó, Thuốc đắng giành giải Nhất văn nghệ
thành phố, liên tiếp hai năm, Mai Văn Phấn đạt giải Nhì không có giải Nhất của
hai cuộc thi thơ ở hai tờ báo của uy tín văn chương: bài Nghi Tàm (giải báo Người Hà
Nội năm 1994), hai bài Mười nén nhang
ở ngã ba Đồng Lộc, Nhật ký đô thị hóa (giải báo Văn nghệ năm 1995)[7].
Có thể thấy, mốc 1995 với Mai Văn Phấn mang nhiều ý
nghĩa. Nó đánh dấu không chỉ là giải thưởng, không chỉ là việc xuất bản (tập Gọi xanh (Nxb. Hội Nhà văn) mà nó còn
cho thấy một sự ghi dấu bước đầu những thành công trên “hành trình khai phóng
luôn ngập tràn hân hoan”. Bước chuyển từ 1999 sang 2003 là một cuộc “lột xác”
mà ý thơ của Nhịp 6 trong bài thơ dài Hình
đám cỏ có thể dùng để khái quát một cách hình ảnh về hành trình của thơ Mai
Văn Phấn:
Hôn em hút
hết bóng đêm
Vừa nứt
trái cây chín rục
Cây trúc
cây tre thêm đốt
Đống lửa
bùng lên bởi những que cời
Một con
còng trước bình minh lột xác.
Rời bỏ mọi tính duy lý, Mai Văn Phấn đặt cạnh hành động
“hút hết bóng đêm” một hình ảnh thực: “trái cây chín rục”. Chính sự kết hợp của một loạt các yếu tố rất
khác nhau làm cho hai câu thơ thấm đẫm tinh thần siêu thực mà Breton từng thổi
lên đầu thế kỷ XX: Hôn em/ hút hết
bóng đêm/ Vừa nứt/ trái cây chín rục. Sự đứt đoạn logic mở rộng trường liên tưởng cho phép tác giả như một
người đọc mời gọi mọi người cùng bước vào không gian mênh mông của thế giới phi
thực. Đó là một cuộc trở về:
Giọng nói
rất gần
Dưới bình
minh con hãy lột xác
Hoa quả
Lửa đèn
Âm dương
chén nước
Như trườn
qua cơn chạng vạng
Rút dần cơ
thể khỏi lớp vỏ bọc
Con hớp
những giọt sương
(Cửa Mẫu).
Sang những năm đầu thế kỷ XXI, sự đổi mới thi pháp thơ
Mai Văn Phấn được thể hiện trên nhiều phương diện với nhiều sự thể nghiệm,
nhiều thành công mang dấu ấn riêng. Bắt đầu và ghi dấu
ấn với những sáng tác mang phong vị truyền thống, nhưng sự thành công của Mai
Văn Phấn được xác lập bằng những sáng tác sự cách tân mới mẻ. Hai tập và đột nhiên gió thổi (2009)
cùng Bầu trời không mái che (2010)
khẳng định một độ chín và xác lập một vị thế của thơ ông trong nền thơ Việt
đương đại. PGS.TS. Văn Giá nhận định về sự đổi khác này trong thơ Mai Văn
Phấn: “Chặng thứ 2 là cả một nỗ lực bứt phá: giờ đây không trọng tự tình nữa,
mà trọng xác lập ý; hình ảnh hóa, cảm xúc hóa ý. Ở chặng này cũng đã xuất hiện
chất ảo như là sự manh nha, để rồi phát huy rõ rệt ở chặng 3”[8].
Thơ Mai Văn Phấn song hành “giữa gió và nước/Tôm cá và
mặt trời/ rong rêu và mây trắng/ ký ức và mộng tưởng”. Nhà thơ Dương Kiều
Minh nhận định “Trong tập thơ Bầu trời
không mái che là sự dâng đặt cái hứng khởi trở về cuộc tái sinh đầu tiên
của sự sống. Một cuộc tái sinh được nhà thơ thể nhập trong cảm nhận trực giác
của cái toàn thể và cái nhất thể, một cái cá thể không phân chia, không tách
rời. Đó có lẽ là cuộc giải phóng và từ quy của nhà thơ”[9]. Mỗi tập
thơ của sau này, từ 2003, như một dấu mốc của cuộc “vong thân”. Ông bền bỉ đổi
mới bằng cái tĩnh lặng của “nước chảy” để “vẫy tay chào mọi khác biệt hôm qua”
(Đá trong lòng suối). Điều đáng nói
là những đổi mới mà ông dấn thân đem đến sự hứng khởi không chỉ cho bản thân
người sáng tác:
Từ tưởng
tượng
Và những
niềm khát vọng
Tôi rút
những mũi tên
Ra đi tìm
đích cho ngày
...
Từng mũi
tên vạch đường bay vun vút
(Mũi tên bóng tối).
Trong nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn, độc giả phải mở hết
mọi năng lực đón nhận để bước vào thế giới của những thi ảnh, ngôn từ như được
viết “tự động”, như được cắt dán ngẫu nhiên kia. Khi thoát khỏi sự ràng buộc
của logic lý trí, những tuyên ngôn, chân lý sẽ được tìm ở vô thức, tiềm thức.
Từ những hình ảnh xa lạ, những thực tại cách xa nhau, một thế giới khác hiện
lên bằng những liên tưởng, bằng chiều sâu các lớp tầng nghĩa của biểu tượng. Tĩnh lặng – 20 cho thấy một trực giác
mạnh, cần một sự đọc sâu mới có thể khai mở một đời sống cho những con chữ:
Ly nước
Đặt trước ngọn nến
Ánh sáng không màu
Buông trên cao
Soi cho nước lắng xuống
Tôi dần trong lại
Bàn chông đen
Những mũi tên đen
Thoát ra
Từ gan bàn chân, bàn tay.
Cũng như rất nhiều bài thơ đầy tính ám gợi của Mai Văn
Phấn, bài thơ bắt đầu bằng ly nước đặt trước ngọn nến. Đọc một lần thì tưởng
như sự liên kết không có, nhưng “tĩnh lặng” cùng những con chữ lại thấy được
một mạch ngầm logic. Ánh sáng không màu soi từ trên cao cho nước lắng xuống.
Vậy ánh sáng là gì, nước là gì? Nước vốn nguyên thủy là trong, là không màu, là
khởi nguồn của sự sống, sự thanh tẩy. Nhưng ở đây, tại sao cần “lắng xuống” và
hình ảnh nước trong chiếc ly phải chăng là đã bị giới hạn, cầm tù. Liệu đấy có
phải là những sân si chế ngự con người. Đến đây, dường như đã tìm ra một lời
giải cho những thi ảnh kia. Ánh sáng ngọn nến có lẽ là tượng trưng cho một sức
mạnh của sự tỏa chiếu để ly nước kia đã thoát khỏi sự chấp mê bất ngộ: bàn
chông đen, mũi tên đen thoát ra…
Sự đổi khác của hai giai đoạn sáng tác biểu hiện rõ ở cả
tư tưởng ẩn sâu lẫn bề mặt chất liệu. Dù phải thừa nhận một sự “choáng ngợp”
cho độc giả là những giải thưởng Mai Văn Phấn được nhận, nhưng chính bởi sự thu
hút của thứ thơ gây nhạc nhiên từ những ngày đầu xuất hiện mới làm nên một Mai
Văn Phấn: Thời kỳ của Gọi xanh
(1995), đậm phong vị truyền thống với tứ thơ, ngôn từ tươi mới, gợi hình:
Cánh chim vừa liệng dao cao
Dòng sông đã ngậm bã trầu phù sa
(Du
ca)
Cái ác đã ngủ yên trong nhụy đắng
Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng
(Hồn
nhiên)
Có
thể thấy, những sáng tác của trước Người
cùng thời, Mai Văn Phấn với Giọt
nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu
nguyện ban mai (1997) thể hiện một tư duy thơ độc đáo, nhưng cách cấu
tứ, ngôn ngữ chưa hẳn khác biệt so với sự quen thuộc của thơ Việt Nam nửa sau
thế kỷ XX. Cái đáng kể nhất của thơ ông chính là thi ảnh. Điều này cũng trở thành
một đặc điểm ổn định đáng kể trong việc định vị sự mới lạ của hành trình thơ
Mai Văn Phấn so với nhiều nhà thơ cùng thế hệ. Sau này trong hành trình dài
nhiều thử nghiệm, sự tối giản được ông theo đuổi một cách say mê và hứng khởi.
Với ông, những thông điệp mạch lạc, tối giản có sức gợi rất lớn. Đó là lý do vì
sao độc giả tìm thấy ở thơ ba câu của Mai Văn Phấn hơi hướng thơ Haiku với
những thông điệp không nhỏ. Hầu hết những bài thơ, dù dài, nhưng sự lập tứ vẫn
luôn được dụng công:
Cánh chim tựa que diêm quẹt vào ngây dại
(Cánh chim bay qua);
Trái
đất – Căn nhà hộ sinh/ Tiếng trẻ con chào đời truyền trong không gian xanh/
những dòng/ mật mã... (Màu xanh);
Dấu chân không nhận ra nhau vô cảm trơn
lỳ/ Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống đôi bờ cỏ nát/ Giờ thành đuôi sao
chổi quét ngang trời/ Kết thúc cơn mơ cuối cùng thế kỷ” (Khúc dạo đầu)….
Đến
trường ca Người cùng thời với
10 chương như gói ghém được tất cả thể nghiệm của thơ ông thời kỳ trước. Tuyên
ngôn thơ của ông thời điểm đó mở ra những suy tư đầy tính triết lý giai đoạn
sau này với tinh thần tôn vinh con người – “những phận khóc cười” đi tới tương
lai.
“Không
ưa bước lên dấu chân mình”
Trong
công trình Thơ đến từ đâu (Nguyễn Đức
Tùng, Nxb. Lao động, 2009), ở bài phỏng vấn nhà thơ Ngô Tự Lập, khi bình luận
về bài thơ Đường miền Flandres, tác
giả Nguyễn Đức Tùng nhận thấy ngoài chất “thơ mộng u uẩn”, tác phẩm “có những
xao xuyến bồi hồi giữa các hàng chữ lãnh đạm”, và cho rằng, đó có phải là đặc
tính thơ Việt Nam hiện nay. Ngô Tự Lập cho rằng, “không phải toàn bộ thơ Việt
Nam hiện nay đều như vậy. Nhưng có lẽ đó là đặc điểm của những nhà thơ thế hệ
giao thời như tôi”[10]. Dường
như lối viết của Mai Văn Phấn cho thấy không chỉ là sự lãnh đạm gây xao xuyến
bồi hồi mà thơ ông cho thấy một lối kiến tạo vừa tỉnh táo vừa nhiều mê say. Mai
Văn Phấn cũng tự ý thức về một sự đổi khác trong các giai đoạn sáng tác: “Tôi
đã qua giai đoạn viết ngẫu hứng. Mỗi giai đoạn sáng tác của tôi đều có chủ
đích, hướng tới một phong cách thơ hiện đại, mang đậm căn tính Việt… Tôi không
ưa bước lên dấu chân mình. Kết thúc một chặng đường, một giai đoạn sáng tác,
tôi thấy mình đã hái hết “lộc” hoa trái bên đường và bàn chân tôi lúc ấy đã
chạm vào vách ngăn, bờ vực. Muốn vượt qua ranh giới ấy, tác giả phải vong thân,
tự lột xác để bước vào một không gian mới, một thế giới khác. Cuộc khai phóng
luôn tràn ngập hân hoan[11].
Tính
thiền là một trong những đặc trưng nổi bật trong toàn bộ sáng tác của Mai Văn
Phấn. Giai đoạn trước, thiền trong thơ Mai Văn Phấn chính là những từ tâm,
những tỉnh thức và thấm thía: Biết ơn sợi
tóc trên đầu/ Buộc ta vào những nhiệm màu khói sương (Bâng quơ). Tính thiền
của thơ ông không chỉ ở sự tĩnh lặng, sự tận hiến để sinh sôi: Tôi chếch choáng rỗng không chiếc hũ/ Đợi
những mùa vàng tạo rực hiến dâng (Tự thú trước cánh đồng) mà càng về giai
đoạn sau này, đó còn là thái độ rũ bỏ những phù hoa, trở về với thiên nhiên cây
cỏ, về với cái chân cái mộc, một tuyên ngôn giản dị đứng tách xa với cái hỉ nộ
ái ố của cuộc đời:
Nỗi niềm đem thả trong cây
Qua sương giá đến rạng ngày trổ hoa.
Lỡ vin vào bóng mây qua
Lỡ nghe đắm đuối tiếng ma gọi đò.
Đầu kim tựa có ai chờ
Khâu ta vào với ỡm ờ xửa xưa.
Hoa ngâu vừa lịm cuối mùa
Nhẩn nha tiếng mõ bỏ bùa tiếng chuông.
(Gom
nhặt cuối mùa)
Bởi
thế, thả
luôn ăm ắp những tươi non nguyên sơ của cuộc sống, sự giao hòa gắn kết giữa con
người với trời đất - nơi cội nguồn thế giới. Không gian thơ Mai Văn Phấn
cứ rộng mở và vẫy gọi một chốn linh thiêng, thiền định. Nó vừa là sự gắn kết
đầy tính hiện sinh, vừa là sự hoài niệm về một chốn xưa. Nhưng điều kỳ lạ là
những đối cực ấy mang đến một khoảng trời thanh tĩnh đầy chiêm nghiệm.
Thiền
trong thơ ông hướng người đọc cùng suy tư về trạng thái an yên, tĩnh lặng,
buông xả mà vẫn nhập thế, vẫn thiết tha với cõi đời:
Từ hốc đen
tra hạt
Đọt mầm bật
dậy
Chim bay
Ngọn rễ non
biết được
Đất ôm trời
đã lâu
Căng tràn
nhựa mật
Vỏ hạt vừa
buông
Thả ngắt
xanh về tít tắp
Ngày lên thăm
thẳm
Lá mầm che
mặt đất sum suê.
(Tỉnh dậy trong mưa).
Ở
thơ Mai Văn Phấn, đâu đâu cũng hữu duyên, cũng ràng buộc và cũng tạo nên một
chỉnh thể. Tất thảy rồi đều tìm được sự hài hòa: Hạt mầm/ Tôi/ Chung giấc mơ tách vỏ (Nhờ trận mưa - 29). Từ những biểu đạt mang tính khái quát, giàu
liên tưởng ấy, thơ Mai Văn Phấn dẫn lối về những suy tư: Khi mỗi chúng ta là chiếc lá/ Thì rừng hoang bỗng hóa nhà mình (Màu
xanh). Cỏ cây, hoa lá, tiếng chim, gió trời, nước chảy, ban mai… đều mở ra thế
giới của con người trần thế. Thậm chí là lời của một con côn trùng:
Gió ra đi
Giam tôi ở đây
Bằng chiếc lá
Nhìn khung cửa và chắn song
Tôi biết không thể bẻ gãy
Những đường gân lá
Chỉ mong những đốm vàng
Trên đó lan nhanh
Nhưng hơi ẩm đang phà hơi
Vào khoảng xanh diệp lục
Mình không manh động
Vào mùa xuân.
(Tĩnh
lặng, 35)
Lời
con côn trùng khiến ta bừng ngộ. Hóa ra, sức mạnh hay sự hủy diệt không nhất
thiết phải ở những gì dữ dội. Và cách đối mặt là gì, là chờ đợi, là vô chiêu.
Từ
bài thơ giành giải thưởng Hải Phòng năm 1991: Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/ Cha cũng có thể thành tro nữa/... Khi
lớn bằng cha bây giờ/ Đáy chén chắc còn bão tố (Thuốc đắng) đến những câu thơ gửi gắm mơ ước, khát vọng cho
con: “Cha muốn con thức dậy trước bình minh. Khi bàn chân đêm lướt qua
dàn hoa leo trước cửa. Những bông hoa cuống quýt sắc màu, mở từng cánh
khẽ khàng, khuôn mặt đêm dần sáng. Mặt trời còn run rẩy trong vạt áo
nồng nàn của đất, sau những tấm rèm cửa, trong hốc cây hay trong tiếng nước
xuýt xoa ong óng mặt ao nhà// Con là nơi dòng sông từ giã những ngôi
sao, nơi con thú hoang gọi rừng thay lá, nơi khoảng trống hóa thành thời
gian. Khoảnh khắc ấy là minh mẫn và ngái ngủ, là bột nhão sắp đông thành
bánh, là những gì cha làm chưa kịp phía cha mơ...” (Lúc mặt trời mọc).
Cũng
vẫn trong mạch giàu suy tư triết lý ấy, thơ đề tài tình yêu của Mai Văn Phấn
tạo nên một góc nhìn giao hòa giữa tình cảm đôi lứa với sự phì nhiêu của cuộc
sinh tồn:
Anh mơ được em gieo trồng
trên ngực
Bàn tay dịu dàng vun vào
da thịt
Hôn lên tai anh lời chăm
bón thì thào
Anh cựa mình nồng nàn tơi
xốp.
...
Từng giọt mát lành thấm
vào trong đất
Tươi từ môi anh đến gót
chân em
Anh ngỡ mình được phép
lành thánh thể
Đêm vừa qua hay đã mấy
nghìn năm.
(Bài ca buổi sớm).
Con người luôn được đặt ở vị thế sánh
ngang vũ trụ. Sau tình yêu là những cuộc hoài thai vĩ đại:
Mặt
đất vừa qua phút lâm bồn
Anh
về hụt bước trước hoàng hôn
Chân
trời phía ấy vừa se lại
Chiều
rỗng mặc kim chỉ gió luồn
(Nghe
tin em sinh con).
Với tinh thần ấy, điểm thú vị trong thơ
Mai Văn Phấn còn ở việc dường như đề tài nào cũng ngầm ẩn một cuộc tái
sinh:
Mẫu
nâng niu con ánh trăng
Tiếng
chuyền cành, tiếng hú
Da
thịt con yêu trải sâu đêm tối
Dựng
tầng mây mưa nguồn
…
Con
sơ sinh trên đất
Bơi
qua sông con nòng nọc đứt đuôi
Tập
vỗ cánh, quạt gió vào lòng tổ
Bật
lá mầm bay đi thênh thang
(Cửa Mẫu).
Trong thế giới thơ giàu tính thiền, giàu yếu tố
triết học, biểu tượng cỏ đóng vai trò quan trọng để giải mã. Cỏ xuất hiện dày đặc, xuyên suốt hành
trình sáng tác, từ những bài thơ của giai đoạn đầu tiên: Thôi đừng dỗ cỏ lên trời/ Khi tan mộng mị biết ngồi với ai/ Dấu chân
đừng hoá chông gai/ Nép vào bóng xế dũa mài hoàng hôn/ Ta về đổ bóng xuống
vườn/ Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng/ Ghé môi vào miệng thời gian/ Cho hơi
thở mọc vô vàn cỏ non (Tản mạn về cỏ,
tập Cầu nguyện ban mai, 1997) đến
những lạ hóa của các chặng sau này. Nếu Vừa
sinh ra ở đó là những xúc cảm đẹp, thanh thoát, buông lơi như đón đợi suy
tư về cuộc sống, về tình yêu; không gian thơ tĩnh mà gợi nhiều chuyển động, vừa
bình yên vừa rạng rỡ… thì Khai bút cùng
cỏ cho thấy một thế giới bao la khoáng đạt mà đầy ma lực: Cỏ xanh lan vào chân sóng/ Nước rút xa dần/
Lại lên tiếng nói/ Non tơ... / Bàn chân em đặt lên/ Cho phân minh lời cỏ/ Anh
lặng yên nghe ngực mình/ Rộng mở.../ Thành quả chuông run lên trong mưa/ Gặp
đèn trời, khói bay, gió lạnh/ Hay vô ý chạm vào một lá cỏ/ Bất kỳ... Theo
Đào Duy Hiệp, cỏ trong tác phẩm Mai Văn Phấn có chức năng: a, làm xúc tác cho
mộng mị, mơ màng trong sáng tạo thơ; b, cái muôn đời, bất diệt, trong đó có vấn
đề tính dục, tình yêu, sự sống; c, triết lý về con người, cuộc đời, cội rễ[13].
Nhưng
những lớp nghĩa đó còn được rộng mở hơn ở những chặng sau. Những năm gần đây,
trong thơ Mai Văn Phấn, cỏ vẫn là hiện thân của cây đời, của sự sống, nhưng đã
trở thành một biểu tượng của sự sinh sôi, tô đậm tính chất “phồn sinh” với
những “vũ điệu” tươi mới: Mặt cỏ phun
nhuệ khí trùm lấp/ Phấn khích giờ tạo thiên lập địa/ Mùa mới đợi chờ cỏ xanh
cắt sát gốc/ Những móng vuốt tì chân cỏ bật căng/ Cỏ non kinh động/ Càng chồi
lên mở lại những chân trời (Hình
Đám Cỏ - Nhịp IX); Đây trời cỏ/ Đại
dương cỏ/ Phơi phới sông hồ (Hình
Đám Cỏ - Nhịp IX). Bên cạnh đó, những biểu tượng
song hành thường thấy với cỏ trong thơ ông là đất đai, ban mai cũng trong một
trường nghĩa khi nói tới vòng quay tái sinh, trân quý thực tại: Ấy là dấu hiệu tái sinh/ Hay bắt đầu
những điều trọng đại/ Chưa kịp xúc động/ Mới mơ hồ nhận ra/ Ban
mai đã cuốn lấy ta những vòng tã lót (Khúc dạo đầu).
Cái
đích của thơ Mai Văn Phấn không phải những câu thơ hay, bởi thế, dù đa dạng chủ
đề nhưng dường như có những vùng mờ như chiến tranh, thời sự… thì hành trình
thơ đồ sộ ấy lúc nào cũng sáng lên những vấn đề về nhân sinh, thế sự, tâm linh.
Từ điểm nhìn của ký hiệu học, hệ thống về cỏ, về thiền… mang đến nhiều tầng
nghĩa, nó tạo ra được một sự ôm trùm. Ví như Giai điệu xuân, tất cả như đang có một khởi đầu mới, một sự sống
mới:
Hạt
nắng chảy vào cơ thể em
Trong
hơi ẩm nồng nàn
Mùa
nước về rạng rỡ.
Đàn
ong rạch đường bay
Gió
lên thẳng đứng
Cây
cao vươn bóng anh.
Con
chim non ra ràng
Đàn
côn trùng
Lũ
nấm rơm mở mắt
Trùm
lên non nớt xanh.
Định vị Mai
Văn Phấn trong dòng chảy thơ Việt đương đại
Hành trình thơ Mai Văn Phấn cho thấy
được nhiều “kinh nghiệm thành công”, theo chúng tôi, có thể tóm lược ở hai đặc
điểm, đó là sự chuyên nghiệp của một tài năng và thái độ không ngần ngại với
những cách tân, thể nghiệm. Trong đặc điểm thứ hai, độc giả thấy một Mai Văn
Phấn đa giọng điệu, nhiều biến ảo. Giai đoạn trước là lục bát, thì sau này thử
thách quyết liệt với việc khước từ mọi vần điệu,
chỉ còn tập trung vào những trạng thái, hoạt động để giễu nhại với một điển
hình thú vị là "Chuyện còn dài":
Tôi và con gián cùng
hội thảo khoa học
cùng đeo khẩu trang, cùng
ngắm hoa
…
Con gián và tôi từ giờ
sòng phẳng
Nó chui ra. Tôi vô cảm
Nó gặm nhấm. Tôi ngập
chìm
Nó leo tường. Tôi thù
vặt
Nó bài tiết. Tôi ăn
gian
Nó hôi xì. Tôi lì lợm
Nó dò xét. Tôi mở đường
Nó nghênh ngang. Tôi u
muội.
Không chỉ là sự độc đáo về hình ảnh thơ: Con nhái bén/ Thè lưỡi/
Liếm trăng (Ngồi giữa
lá sen) mà là một cuộc chơi siêu thực. Ghi
ở Vạn lý Trường Thành mang đến sự phi logic của thực tại:
Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng
nhòe mắt cát
thở đầy ngực cát
Vạn lý Trường Thành còn xây dở?
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm
thơ
đánh hộc máu mồm
Khâm thử!
Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì
tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ
Mái Phong hỏa đài màu huyết dụ
hình thanh long đao dính máu đang kề cổ
Còng lưng đẩy nắng đi
Chồn chân đẩy gió đi
Miễn sao gần được bông hoa
đang mởn mơ trong gió lớn.
Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo
đồng chí....
Bỉ chức/ thảo dân/ em…
sẽ làm trọn bổn phận
Đây là đỉnh trời
hay đáy vực sâu
chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát
Mồ hôi du khách trên đá xám
nở thành hoa phù dung.
Bài
thơ với sự “hỗn loạn” về ngôn ngữ (“Tâu Hoàng thượng”/ “báo cáo đồng chí”), về không - thời gian (“Vạn lý Trường Thành còn xây dở, tiếng
hoạn quan truyền chỉ/ Mồ hôi du khách trên đá xám”), và một loạt những thi ảnh cho thấy
một tổng thể nhiều lớp nghĩa được gợi ra: những con người khổ nhọc xây Vạn Lý
Trường Thành, những tâm hồn thi sĩ mộng mơ, những khát vọng về cái đẹp, hay
phải chăng là cả sự lụi tàn, vô thường của cõi thực… Còn
có rất nhiều những ngầm ẩn phía sau một loạt hình ảnh được xếp cạnh nhau, qua
đó là một thông điệp về cuộc sống: sự hư vô của kiếp người hay cái ảo ảnh của
cuộc sinh tồn (Tuổi hão huyền trong nắng
sớm/ Bóng mình che vạt cỏ non/ Ban trưa ngồi trong hư thực/ Bóng về dưới chân
vo tròn/ Trăng rằm chẳng sáng được hơn/ Thân xác vẫn dừng bên cửa/ Bóng cứ muốn
hòa với gió/ Mặc ảnh trên tường mốc meo - Bóng mình); sự nhiệm màu của tạo hóa (Bó gối những gốc cây/ Nhắm mắt ngọn gió đồi/ Hạt giống rơi trong bùn
ngấu thảnh thơi/ Ngày mai mặt đất này/ Và thế giới sẽ đổi khác - Mùa trăng);
sự sống và cái đẹp luôn bất diệt (Phía
khác xù xì/ Nhựa hai bên cũng khác/ Trắng Và đen/ Nhắm mắt thở nhẹ/ Cây đang
lớn/ Hai nửa cây cùng một màu hoa/ Nở chi chít dọc lưỡi rìu ánh sáng - Vừa sinh
ra ở đó - 38)… Tất cả những điều ấy chỉ có thể được gọi tên ra từ những
linh giác “đến trong ý nghĩ”:
Đôi mắt
tấm liếp khoét thủng, cánh tay buồm chão, những bàn chân lá khô cong vênh lê
trên mặt đất. Và miệng hắn, sâu hoắm, mở rộng, vỡ ra
từng mảng để nung vôi.
Hắn thường đến với
tôi trong ý nghĩ (…)
Tôi đi xe hết ga hết
số. Răng nghiến chặt. Tay bóp cổ hắn. Kéo hắn lướt trên mặt đất. Những hàng
cây, bức tường mới cũ, cùng những bóng người trôi vụt lại sau. Đích đến là buổi
lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, trả lời phỏng vấn, chuẩn bị phong bao một đám hiếu,
cuộc gặp gỡ một nhân vật quan trọng... Hắn kéo căng mọi giác quan tôi, ninh nhừ
ý nghĩ, đóng đinh dây thần kinh giữa hai đầu phố (…)
Tôi bị sụt cân, mất
ngủ triền miên. Hắn đem đến mấy bài thuốc. Không bao giờ tôi sử dụng. Như, bất
ngờ đập chết một con vật nuôi trong nhà lúc nó mải chơi với những con vật khác.
Và đêm đêm lại chuyện trò với bộ lông ấy đã nhồi rơm. Hoặc, hối lộ nhân viên
phòng mổ chui vào đội lốt. Lúc bác sỹ hô kéo thì đưa kim chỉ, hô Thuốc mê thì
tiêm doping.
Bài
thơ Đến trong ý nghĩ là một sự làm
mới hình thức văn xuôi dựa trên một cách tân sâu hơn của tan vỡ chủ thể. Ở đây,
“hắn” như một sự phân thân của “tôi” trên hành trình tìm lẽ sống. Những mâu
thuẫn chỉ khơi lên cái khát khao qua thử thách. Cuối cùng, “tôi” chiếm ưu thế
và làm chủ cuộc chơi, đạt được những mong muốn. Sự phân thân này đồng nghĩa với
sự tan vỡ chủ thể trữ tình, điều này sẽ quyết định trở lại việc nhận thức thực
tại như là những sự đứt đoạn. Người đọc, người viết tự do tìm kiếm để mở rộng
những đường biên sáng tạo.
Thơ Hải Phòng những năm đầu thế kỷ XXI có sự hiện
diện của những “tượng đài thơ” như Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn. Ở đó cũng minh
chứng về một sự thành công đến từ việc đa sắc thái, và hiện tượng Mai Văn Phấn
đem đến bài học thú vị cho hướng đi của thơ Việt khi muốn tiếp cận công chúng
không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước. Trong
một phỏng vấn, khi nhà văn Kiều Bích
Hậu đặt vấn đề rằng, “vì sao thơ văn Việt
Nam không nghèo lắm mà trong mắt thế giới thì hạn hẹp”, ông góp một tiếng nói
lý giải: “Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta chưa có một kế
hoạch mang tính chiến lược cấp quốc gia cho vấn đề quảng bá văn học. Xin đưa ra
con số thống kê để làm sáng tỏ vấn đề này. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Vân (khoa ngôn ngữ và
văn hóa Hàn Quốc), từ năm 2010 - 2019 có 86 tác phẩm văn học của Hàn Quốc được
dịch và phát hành tại Việt Nam bằng các nguồn tài trợ từ phía bạn. Cũng
trong thời gian đó, chỉ có hơn 10 tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch
và ấn hành tại Hàn Quốc bằng uy tín cá nhân nhà văn, hoặc cũng từ nguồn vốn
phía Hàn Quốc” và “mơ ước đến lúc nào đó bạn đọc phương Tây nhìn các nhà thơ
Việt như chúng ta từng nhìn họ”[14].
Mai
Văn Phấn từng bộc bạch: “Sau khi băng qua những “sa mạc” như Siêu thực,
tượng trưng, thơ Ngôn ngữ, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Tân cổ điển,…
tôi thấy sao chúng ta không tự tìm lấy một khuynh hướng mà phải lệ
thuộc vào thằng Tây? Khuynh hướng ấy bên ngoài họ đã xếp vào viện
bảo tàng từ thế kỉ trước, trong khi chúng ta vẫn lúng túng tranh
cãi… Vậy “thong dong” là cách tôi tìm về với cội nguồn thi ca, để cho
cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản,
trong trẻo nhất”[15]. Bởi thế,
hành trình sáng tạo không lặp lại mình vừa luôn thôi thúc vừa luôn đầy cẩn
trọng để không rơi vào cái bẫy của đổi mới, cách tân. Nhờ đó, cái điềm tĩnh neo
vào sự trinh nguyên bản thể nhất mang lại cho thơ ông sắc thái riêng biệt, góp
phần định vị thơ ông trong nền thơ Việt đương đại như ông từng “tạ ơn”: "Bông
hồng sớm nay mình anh thấy/ Tiếng chim hót tỉnh giấc/ Tạ ơn con đường dẫn anh
đi/ Mây trên cao/ Lá cây rơi/ Cả những gì chưa hiện hữu (…) Xua đi cho lòng yên
lặng/ Sao về được tâm không" ("Hình đám cỏ" - Nhịp I). Đó là một quá trình vận động có ý
thức để làm mới quan niệm và sáng tạo thơ. Tuy hành trình còn dang dở, và dĩ
nhiên là những thể nghiệm chưa thể đến hồi kết nhưng sự chủ động ấy đã góp phần
tạo nên một hiện tượng độc sáng trong diện mạo thơ Việt Nam những năm đầu thế
kỷ XXI.
Đ.T.T.H
Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh (2018), “Mai Văn Phấn – phong cách thơ đậm căn tính Việt”, http://www.phunuonline.com.vn/mai-van-phan-phong-cach-tho-dam-can-tinh-viet-a118574.html, đăng tải ngày 24/6, truy cập ngày 20/4/2022.
Theo Cao Năm, “Nhà thơ Mai Văn Phấn: hiện thân của sự sáng tạo”, in trong: Đình Kính (tuyển chọn, 2011), Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, khác biệt và thành công, Kỷ yếu Hội thảo thơ tại Hải Phòng, 15/5/2011, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh (2018), “Mai Văn Phấn – phong cách thơ đậm căn tính Việt”, http://www.phunuonline.com.vn/mai-van-phan-phong-cach-tho-dam-can-tinh-viet-a118574.html, đăng tải ngày 24/6, truy cập ngày 20/4/2022.