Nhìn từ vụ ồn ào
thơ 3 câu của Mai Văn Phấn

Đào Nguyên (bút
danh của NV Nông Hồng Diệu)
Đào Nguyên
TPO
- Giữa thời buổi phương tiện xem, nghe, nhìn cực thịnh mà thỉnh thoảng thơ vẫn
tạo bão, lôi kéo sự quan tâm của dư luận. Có thời điểm người ta tranh luận
không dứt quanh bài "Bắt nạt" của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Vừa rồi, thơ
3 câu của Mai Văn Phấn lại được (hay bị?) người người chia sẻ và tự do bình
luận.
Cơn sốt thơ 3 câu
Trong
bài "Viếng mộ ông bà", Mai Văn Phấn viết: “Thắp hương xong/ Dựa
lưng/ Vào ngôi mộ bên cạnh”. Bài "Ly rượu": “Thắp hương cha/
Tưới xuống đất/ Thành tiếng”. Bài "Cây ở nghĩa trang": “Lắc lư
nhiều hướng/ Lá nửa non/ Nửa già”.
Nhiều
độc giả nhại thơ 3 câu đáp lại Mai Văn Phấn. Một độc giả viết: “Thơ này/ Tôi
thấy/ Không hay”. Độc giả khác tiếp lời: “Và tôi/ Cũng đồng ý/ Với bạn…”.
Có độc giả hoang mang than: “Thời đại này sao thế/ Mất/ Ý tưởng lụi tàn
phai”.
Có
độc giả lại tự tin mình cũng là thi sĩ khi đọc mấy bài thơ 3 câu của Mai Văn
Phấn. Người này viết: “Đọc vài câu thơ/ Chợt nghĩ/ Mình cũng là thi sĩ”.
Mấy ngày nay, một số nhà thơ chuyên nghiệp cũng làm thơ 3 câu và đưa lên trang
cá nhân như một hình thức đu trend.
Đừng
nói độc giả, ngay cả một số nhà thơ chuyên nghiệp cũng nản với thơ 3 câu của
Mai Văn Phấn. Một thi sĩ bình luận ngắn gọn: “Tôi không thích kiểu thơ này”.
Thi sĩ khác nói thẳng: “Thơ dấm da dấm dớ, u a u ơ. Đọc xong, thấy buồn cười”.
Một nhà phê bình văn học lảng tránh bình luận: “Thôi, thơ Mai Văn Phấn hiện đại
lắm, tôi không thẩm được”.
Gập ghềnh cách tân
thơ
Nhưng
đánh giá thơ Mai Văn Phấn, không nên chỉ nhìn vào vài bài thơ 3 câu. Mai Văn
Phấn có gia tài thi ca giàu có. Ngay trong thể loại thơ 3 câu của ông vẫn có
những thi phẩm đẹp.
Giữa
cơn bão, ghé thăm trang cá nhân của nhà phê bình văn học 8X, TS. Nguyễn Thanh
Tâm gặp những bài thơ 3 câu đặc sắc của Mai Văn Phấn. Bài "Hoa mận trắng":
“Trời tối/ Ghé sát hoa/ Đọc nốt trang sách”; bài "Mong manh": “Giọt
sương nín thở/ Treo/ Trên vũng nước bẩn”; bài "Cuối thu": “Những
giọt sương/ Dìu nhau/ Về trái đất”; bài "Vô tình": “Ai nỡ phơi
rơm/ Lên ngôi mộ đơn sơ/ Người nằm đó cả đời lam lũ”.
Trên
trang cá nhân, diễn giả Phan Đăng viết cảm nhận về bài thơ đang gây bão Ly
rượu: “Thắp hương cha/ Tưới xuống đất/ Thành tiếng”. Anh tâm đắc với hai
chữ “thành tiếng”. “Cái gì thành tiếng? Ly rượu. Trước khi thành tiếng, nó là
cái gì? Nó chỉ là ly rượu, thứ được cảm nhận bằng thị giác. Còn sau khi thành
tiếng, thị giác đã chuyển qua thính giác…”, anh nêu. Phan Đăng nhớ tới Basho
trong bài thơ haiku nổi tiếng của ông: “Cái ao xưa cũ/ Con ếch nhảy vào/
Bõm!”.
Họa
sĩ Đào Hải Phong chia sẻ cảm nhận về thơ 3 câu của Mai Văn Phấn: “Nhà thơ đất
Cảng có tố chất, là người thích và dấn thân cách tân thi ca”. Thơ Mai Văn Phấn
khiến họa sĩ nhớ tới thơ Haiku.
Đây
không phải lần đầu tiên Mai Văn Phấn vướng ồn ào. Cách đây không lâu, một số
phụ huynh tranh luận về tiếng hót ở bài "Con chào mào" trong sách
giáo khoa lớp 6: “Con chào mào đốm trắng mũ đỏ/ Hót trên cây cao chót vót/
Triu.. uýt…huýt…tu hìu…”.
Có
phụ huynh hỏi: “Con chào mào này hót sai cú pháp chăng”. Khi phóng viên Tiền
Phong hỏi về tâm trạng của ông những ngày qua, nhà thơ Mai Văn Phấn đáp:
“Chuyện bình thường ấy mà. Mình viết xong rồi, tác phẩm thuộc về bạn đọc”.
Ông
gọi thơ của mình là thơ 3 câu, tiếp thu tinh thần tối giản của văn hóa Nhật
Bản. “Tinh thần ấy nằm trong vườn đá, trong trà đạo, kiếm đạo, nghệ thuật cắm
hoa… chứ không chỉ nằm trong haiku”, ông nói.
Con
đường cách tân thi ca gian nan, gập ghềnh, lúc thành công, khi thất bại, có lúc
tìm được sự đồng cảm từ độc giả, có lúc bị quay lưng. Nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều - tác giả của tập trường ca Lò mổ đang gây tranh luận - viết trên trang
cá nhân: Đôi khi chỉ cần một người chia sẻ với “đứa con tinh thần” của mình
cũng đã là quá đủ, là đã xong con đường sáng tạo của mình.
(Nguồn: Báo TiềnPhong)
 |
Những bài thơ gây bão của Mai Văn Phấn.
|