Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn (phê bình) - Yên Nguyên
Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn
Giọng đọc của Mai Hương trên Youtube
Yên Nguyên
Nếu xem thơ Mai Văn Phấn như một sinh thể thì
kinh mạch của sinh thể đó là ý thức tôn giáo, lạc mạch của sinh thể đó là cảm
thức phồn thực. Kinh mạch tôn giáo và lạc mạch phồn thực là hệ thống kinh lạc
điều hành sự sống chảy trong thơ Mai Văn Phấn. Bài viết này là một góc đọc về ý
thức tôn giáo trong thơ thi sĩ họ Mai ở Hải Phòng.
Trong một xã hội mà quan điểm về tôn giáo bị
đầu độc một cách trầm trọng như Việt Nam, có thể chắc chắn rằng viết về cảm hứng tôn giáo trong
thơ ai đó chỉ có một trong hai cách: hoặc là nhai lại những quan điểm đã quen
thuộc, hoặc là làm khác đi với tinh thần
chuẩn bị giơ đầu ra hứng gạch đá.
Cảm hứng tôn giáo trong thơ (cần phải hiểu
đúng vấn đề này) không phải là cảm hứng được tạo nên trong sự tiếp xúc của nhà
thơ với tôn giáo. Một sự tiếp xúc dù thân mật cỡ nào cũng không đủ sức để tạo
nên một nội dung. Đơn giản bởi đó là cái nhìn nhị nguyên xem tôn giáo và nhà
thơ là hai thực thể, khi xúc chạm với nhau sẽ tạo nên hiệu hứng: thơ có màu sắc
tôn giáo. Cách lý giải này hài hước đến độ nó sẽ làm các nhà thơ phá lên cười,
tuy nhiên không nhà thơ nào bận tâm phản đối, bởi họ biết là vô ích.
Quan niệm về tôn giáo như là một giải pháp
cho những cơn bấn loạn tâm thần, là ma túy gây lệ thuộc một cách ngọt ngào cho
con người trong cuộc đời khổ đau bất tận đã khiến cho yếu tố tôn giáo trong thơ
trở thành một vật ngoại lai. Và tôn giáo trở thành nơi ẩn nấp tinh thần cho nhà
thơ trong sự cưỡng bức của đời sống. Trường hợp Mai Văn Phấn hoàn toàn khác,
tôn giáo là đức tin chứ không phải liều thuốc tâm thần. Không có một libido nào
khiến tôn giáo phải hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn. Nếu người đọc muốn thỏa
mãn sự tò mò về một hố sâu tăm tối sực nức mùi ẩn ức tinh thần tất sẽ thất vọng,
điều ấy không có trong thơ Mai Văn Phấn.
Nhiều người khẳng định cảm hứng tôn giáo
chính là hứng thú mãnh liệt của nhà thơ hướng về tôn giáo. Quan niệm đó không ổn
ở chỗ đánh lẫn cảm hứng với đề tài. Viết về tôn giáo không khó, vài hình ảnh,
vài từ ngữ, cao tay hơn là ý niệm cũng có thể khoác cho bài thơ lớp điểm trang
kì bí: tôn giáo. Nhưng điều đó khác chi kẻ ngoại đạo ghé thăm nhà thờ rồi chụp
dăm cái ảnh khoe trên facebook.
Thực tế, chúng ta buộc phải nhìn nhận tôn
giáo có trước nhà thơ. Và nhà thơ phải là một tín đồ trước khi viết. Tôn giáo
phải nằm trong máu thịt nhà thơ dù anh ta có viết về tôn giáo hay không. Không
có điều kiện này, cảm hứng tôn giáo chỉ là trang sức.
Nhà thơ có thể không chính thức là tín đồ của
một tôn giáo nhất định, nhưng anh ta nhất định phải tin hoặc thấm các giáo lý
căn bản của tôn giáo đó. Chính những giáo lý này sẽ biến hóa ngoạn mục để trở
thành kinh mạch tự động chảy trong thơ anh ta.
Nhà thơ có thể là tín đồ của một tôn giáo cụ
thể, nhưng một thi tài thì luôn hút về mình nguồn trí tuệ của nhiều tôn giáo. Mỗi
tôn giáo là một con đường cho nhân loại tụ về một điểm: lòng từ bi cao cả, một
thế giới toàn hảo trong tình yêu thương vô điều kiện. Mỗi thi tài là một miếng
bọt biển thấm hút năng lượng vô hạn của lòng từ bi đó. Tâm không phân biệt
chính là phúc phận trời cho họ, để họ tắm trong ánh sáng của mọi tôn giáo bằng
đức tin hồn nhiên nhất. “Còn bóng ai in
trên quả chuông, loa kèn, tang trống. Nơi ấy Phật-Thích-Ca và Chúa Giê – Su cộng
hưởng, làm sự lặng im cũng nhấp nhô chuyện trò trong khoảng trống ban mai” (Trường
ca Người cùng thời)
Sự chuyển hóa của ý thức tôn giáo thành ý thức
trữ tình là một quá trình hết sức đặc biệt. Nó vận hành như thế nào vẫn là một ẩn
số đối với người đọc và chính nhà thơ. Bởi vậy, khảo sát vấn đề tôn giáo trong
thơ một thi sĩ nào đó sẽ không có mẫu số chung. Ý thức tôn giáo càng đậm thì sự
hiện diện của nó trong thơ càng uyển chuyển. Nghịch lý đó là tất yếu, tôn giáo từ
chỗ là đức tin của thi sĩ sẽ chuyển hóa, tan thấm vào mọi ngóc ngách của thơ. Đến
tầm ấy, các dấu hiệu của tôn giáo sẽ không hiển lộ rành mạch nữa. Cấp độ cao nhất
của ý thức tôn giáo sẽ là khí vị không còn là chi tiết, mà khí vị thì không dễ
đọc ra. Như vậy, cảm hứng tôn giáo thực ra phải nằm ở cơ chế trữ tình chứ không
nằm ở các lớp nghĩa trong thơ.
Thử tìm hiểu một bài thơ của Mai Văn Phấn,
chúng ta sẽ thấy đặc điểm này rất rõ:
Giờ tụng niệm
Tiếng chim ríu
rít
Khói hương
Chỉ nhớ cầu
cho lá non
Trong bài thơ ta thấy nổi lên hai điểm đáng
chú ý: cầu nguyện và cầu cho lá non. Cầu nguyện là nghi thức thiêng liêng của
tôn giáo. Trong khi bản thân hành vi cầu nguyện có vẻ ngoài vị kỉ thì ý nghĩa
thiêng của cầu nguyện nằm ở tinh thần vị tha. Câu thơ “chỉ nhớ cầu cho lá non”
chính là tinh thần ấy. Sự thanh khiết của
cầu nguyện nằm trong hai chữ “chỉ nhớ”. Khi người ấy không cầu cho mình, cho những
khẩn thiết nào đó chắc chắn phải có trong đời sống, sự cầu nguyện đã đạt đến
thuần thành. Thượng đế có phải là con người không? nếu là con người nhưng có
quyền lực cao hơn thì cầu nguyện rất dễ. Nhưng Thiên chúa giáo coi Thượng đế là
một nền tảng, vậy thì cầu nguyện không phải hành vi hướng tới một đấng tối cao.
Cầu nguyện đích thực là hướng về một nền tảng. Việc hiểu nền tảng ấy phụ thuộc
vào trình độ mỗi cá thể. Thơ Mai Văn Phấn đã biểu hiện quan niệm đó thông qua
những xử lý trữ tình nhất quán. Câu hỏi đặt ra ở đây là: vì sao lại là “lá
non”? tính từ “non” dễ dẫn người đọc đến hàm nghĩa quen thuộc: vẻ đẹp xuân thì
trẻ trung. Nhưng lẽ nào chỉ cái xuân thì mới đáng để thành tâm hướng tới? Còn
bao nhiêu khổ đau, bao nhiêu ngang trái trên đời, lẽ nào vị tha lại đi kèm chọn
lọc? Nhưng nếu nhìn từ quan niệm Phật giáo, trong chiếc lá có đất, nước, gió, lửa,
côn trùng, con người và vạn vật. Chiếc lá non ấy là thân vô thường. Cầu cho chiếc
lá non là cầu cho vạn vật, bởi thế mà bài thơ chỉ chạm đến hai điểm hữu thể: tiếng
chim ríu rít và khói hương. Còn chiếc lá non ở đâu trong giờ tụng niệm? lẽ nào
nó giống như một quán niệm của người hành thiền? Đến đây, có lẽ sự quy kinh đã
hoàn tất, lời nguyện cầu nhẫn nại trong mỗi giờ tụng niệm đâu phải trò chơi chữ
nghĩa. Trong trường hợp này, tôn giáo không phải chiếc áo khoác, nó là cái khiến
cho bài thơ hình thành như chính nó. Nó là thần thức của bài thơ.
Ở bài khác: Yên tĩnh, ta sẽ thấy tinh thần triết
học tôn giáo chi phối tứ thơ như thế nào
Ngậm ngụm nước
Sợ
Con ong rời nhụy
hoa
Trên bề mặt câu chữ, bài thơ rất dễ hiểu: có người
ngậm ngụm nước trong miệng không dám nuốt, bởi anh ta sợ âm thanh tiếng nuốt
làm kinh động đến con ong, khiến nó rời nhụy hoa. Nhưng bề sâu của bài thơ là một
ý vị khác. Tôi đọc ra ở đây cảm niệm về hiệu ứng cánh bướm kinh điển. Nỗi sợ của
con người xuất phát từ chỗ anh ta biết rằng một cái đập cánh của con bướm bên
này trái đất có thể làm nổi lên một cơn cuồng phong bên kia địa cầu. Âm thanh gần
như không thể nhận ra của tiếng nuốt nước có thể khiến con ong hoảng hốt mà rời
đi. Nhưng cái đáng sợ không phải ở chỗ con ong đi hay ở mà ở chỗ nếu rời nhụy
hoa, nó không hoàn thành được cái việc tự nhiên giao cho, và hàng loạt hệ lụy sẽ
kéo theo nếu ta chịu khó tưởng tượng. Câu chuyện không dừng ở chỗ thương hoa tiếc
ngọc mà đi rất xa đến tận bến bờ của tự do ý chí và nhân quả trong tôn giáo
(lưu ý nhân quả không chỉ là vấn đề của riêng Phật giáo, tư tưởng này bắt đầu từ
Ấn Độ giáo, xuất hiện trong tất cả các tôn giáo với nhiều định dạng khác nhau
nhưng bản chất không khác biệt). Cái khoảnh khắc con người giữ lại âm thanh ấy
trong miệng đọng vĩnh viễn ở bài thơ, nhưng những vòng sóng khác lại lan tỏa:
anh sẽ giữ được sự yên tĩnh đến bao giờ? Anh có tránh được những lần “nuốt ngụm
nước” như thế mãi không? và nếu anh cứ tránh nuốt ngụm nước thì thế giới này sẽ
ra sao. Nói gì thì nói, âm thanh của một ngụm nước trôi xuống cổ họng một con
người sẽ cho thấy tác động của nó lên thế giới dù cách này hay cách khác.
Có một vấn đề mang tính cốt lõi của các tôn
giáo, lại là vấn đề gây ra nhiều tranh luận nhất, khó thống nhất và gây hiểu
làm nhiều nhất: cõi Thiên đàng (Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo), Niết
bàn (Phật giáo). Quan niệm thường gặp là: Thiên đàng/Niết bàn là chốn hạnh phúc
vĩnh cửu dành cho các linh hồn sau khi chết. Nơi đó chỉ có niềm vui, vắng bóng
đau khổ, nơi đó chỉ dành cho những người thiện lương khi còn sống trên dương thế.
Quan niệm này gây ra quá nhiều hồ nghi, thậm chí tạo nên sự mai mỉa ở những người
không có niềm tin tôn giáo.
Trong thơ Mai Văn Phấn, quan niệm về Thiên
đàng/Niết bàn đương nhiên xuất hiện nhưng ở nội hàm chân chính nhất của nó: hiện
thế. Ở hai tôn giáo lớn của nhân loại: Thiên Chúa giáo và Phật giáo, dù cách giải
thích có khác nhau thì điểm gặp gỡ vẫn là phủ nhận một siêu thực tại, phản đối
quan điểm nhị nguyên về Thiên đàng - Địa ngục. Thiên đàng/Niết bàn không phải
là một không gian khác, thậm chí không chỉ là trạng thái, cảnh giới đạt đến. Nó
chính là hiện thế với trọng tâm là sự tinh tấn của con người trên hành trình tu
tập để diệt trừ tâm tà ác. Thực tại đang sống sẽ phản ánh đúng nhất con đường
mà con người muốn hướng tới. Hiện thế như thế nào thì con người sẽ có được
Thiên đàng/Niết bàn như thế ấy. Quan niệm đó loại trừ mọi sự vọng tưởng về một cõi
khác/thế giới bên kia. Thiên đàng/Niết bàn là an trú trong hiện tại. Nó không phải
là trạng thái xuất hiện sau khi sự sống tắt ngấm mà là sự nhận thức bản chất của
hiện thế. Niết bàn có thể được tiếp xúc trong hiện tại, nên không cần đi tìm Niết
bàn ở đâu xa. “Cũng như là sóng biết nó là nước thì nó không cần phải đi tìm nước
nữa” (Thích Nhất Hạnh). Thơ Mai Văn Phấn không có sự tiếc thương những gì đang
tàn hoại, hủy diệt, bởi nhà thơ hiểu rõ triết lý bát bất trong Phật giáo.
“Mùa hoa lộng
lẫy đến nghẹt thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong
manh sẽ rụng” bởi “Cứ
mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở”
(Mùa
hoa mận)
Dặn em
Bông cúc ấy sắp
tàn
Nhớ lấy màu
hoa
Đan áo
Bông cúc tàn nhưng màu hoa cúc sẽ tái sinh
trong tấm áo em đan. Vậy thì bông cúc đâu có mất, vạn vật đâu có sinh có diệt
mà phải đau đáu lo cái mất cái còn.
Hiện thế là cuộc sống đích thực, nơi con người
sống tận độ với những vi mạch của nó, nếm mọi thăng trầm, dấn thân đầy đủ cho đến
ngày trở về với Thượng đế (Điểm này, người đọc có thể tìm thấy trên toàn bộ
sáng tác của Mai Văn Phấn). Nhà thơ có thể hoang mang về nhiều điều cụ thể xảy
ra trong cuộc sống, nhưng một thi tài thì luôn cảm nhận được tinh thần của cái
toàn thể lan tỏa. Thực tại là cái duy nhất con người có khả năng trải nghiệm.
Tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn là thực hành trong mọi khoảnh khắc sống. Bởi vậy
mà nhà thơ biết được sự màu nhiệm của sự sống:
Không nghe được
tiếng mình
Chỉ thấy tiếng
hoa loa kèn vọng lại
Nhưng anh tin
là em đã nghe
Em đã nghe
Nên gốc cây vừa
tưới mới ngấm nhanh đến thế
Vòm phượng vĩ
đẫm sương sáng nay bốc cháy
Những quả ngô
đồng khô nỏ khua vang
Lao vào đất những
ngón chân khát nước
Chiếc lá mới
nhô lên đặt lại ca từ
Lửa đã bén
trong không gian lặng lẽ
Từ nỗi niềm
rơi xuống vỡ tan.
(Sáng
mùa hè - Tập thơ “Lặng yên cho nước chảy”)
Đây là những câu thơ điển hình cho niềm tin rắn
chắc vào nhịp đi của thực tại. Vạn vật luôn biến hóa trong từng khoảnh khắc.
Chiếc lá mới sẽ đặt lại ca từ mới, và từ nỗi niềm vỡ tan ngọn lửa bén vào không
gian. Hiện thế là vậy, tâm an tĩnh khiến nhà thơ tin một niềm trong trẻo rằng
“em đã nghe”. Và từ “em đã nghe” mà vũ trụ này biến chuyển. “Nghe” đâu phải là
hành vi, nghe là sự tiếp xúc với thực tại, sự tiếp xúc vô hình nhưng nó sinh ra
năng lượng. Tin vào sự vận hành của năng lượng của ý, ấy là một phạm trù của tôn giáo. (Mới chỉ
“nghe” mà đã vi diệu đến vậy, ai dám vô tâm với ý nghĩ của mình nữa). Thực tại
trong bài thơ là những tái sinh liên tiếp từ trong sâu thẳm vạn vật. Nếu có gì
tan vỡ thì nó là chỉ dấu cho một cái khác tượng hình. Thực tại là thế, hiện hữu
và diệu kì. Nếu con người không tự tìm ra ý nghĩa của sự sống hiện tại thì
Thiên đàng/Niết bàn vĩnh viễn chỉ là cõi khác, không thể chạm tay.
Tôi đã đọc lại những câu thơ này nhiều lần:
Nước đọng dưới
chân núi
Một viên cuội
nằm trên phiến đá cao
Không chớp mắt
trong tinh khôi, yên tĩnh
Đêm qua ở đây
có mưa
Ai đã ngồi kia
trước hay sau mưa nặng hạt
(Vô
tình trong nắng sớm)
Có lẽ trong giây phút ấy, người thơ đã thấy
trong mình hình bóng của người trước. Tự hỏi “ai đã ngồi kia trước hay sau mưa
nặng hạt” không phải câu hỏi về ai mà là ý niệm về vô thường. Ý niệm ấy lại xuất
hiện trong một bài thơ khác: Bông hoa
Yên Tử
Nở trên đỉnh
núi
Thản nhiên
trong gió mạnh
Mây bay
Bảy trăm năm
trước
Đức-Phật-Hoàng
Trần Nhân Tông
Cúi đầu đi qua
Em và tôi
Đang cúi đầu
đi qua
Các con và mọi
người
Cùng cúi đầu
Đi qua…
Ý niệm về vô thường đưa thơ Mai Văn Phấn vượt
qua cái hỗn độn vô minh chạm vào đặc tính vô ngã của vạn hữu. Bông hoa trên đỉnh
Yên Tử ấy gợi nhớ về “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hộ. Nhưng “hoa
đào năm ngoái” là sự đối lập còn/mất, hữu tình/vô ý dẫn tới cái tê tái của lòng
người trong cuộc kiếm tìm vô vọng ái tình. Còn đóa hoa vô thường trong thơ Mai
Văn Phấn là sự an nhiên của người biết rằng trong đóa hoa có tất cả, và thời
gian bảy trăm năm đó không phải lý do để tinh thần Phật Hoàng ngừng chảy trong
tâm thức hậu thế.
Triết lý vô thường khi đã thấm sâu trong tinh
thần chủ thể trữ tình, nó hóa thân trong cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống:
Sát na
Chưa kịp cất lời
kinh
Con chim sâu
Vội chuyền
cành khác
Ở cấp độ hiển ngôn, bài thơ không dễ hiểu đối
với cả người học Phật. Chỉ trong một chớp, mọi việc đổi thay quá nhanh, lời
kinh chưa kịp cất mà con chim sâu đã không còn là chính nó trong sát na trước.
Ý nguyện về lời kinh mới khởi lên, chưa kịp thành hành động thì sự sống đã biến
đổi. Nhưng điều khiến bài thơ không phải là bài kệ tôn giáo lại nằm ở giọng điệu
vui thích phủ lên từng con chữ. Ý thức sâu sắc về sát na vô thường không phải
là tuyệt vọng với sinh diệt biến hoại xảy ra trong từng giây phút mà là biết tận
hưởng cái phong phú của sự sống diễn ra trong mỗi khoảnh khắc. Dẫu không ai tắm
được hai lần trên một dòng sông thì ai cấm ta tắm trên mọi con sông. Niềm vui
thích ấy là xúc động nghệ thuật hồn hậu, thiếu nó tôn giáo và thi ca chỉ là những
phân mảnh rời rã, làm sao có thể hóa thành cánh chim thiên di mang linh hồn hiện
thế đi mọi nẻo. Thực tại trong sự thức nhận vừa rành mạch tỉnh táo vừa ảo diệu
phi thường đó chính là Thiên đàng/Niết bàn trong thơ Mai Văn Phấn.
Có một bài thơ rất lạ trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó:
Tự do
Con chuột già
Đi quanh chiếc
bẫy
Đã sập
Tự do là gì? là cái con chuột có được khi nó
đủ già để không sập bẫy. Trong khi chưa từng có một khái niệm thống nhất về tự
do thì bài thơ này là một ví dụ nhỏ về tự do có điều kiện. Đôi khi, định nghĩa
một sự vật hiện tượng nào đó buộc phải đặt nó vào trong thế đối lập. Tự do của
con chuột già chỉ được nhận thức khi được đặt trong tương quan với cái bẫy đã sập.
Cái bẫy là biểu tượng của mất tự do, vậy tự do và mất tự do hóa ra chỉ là hai mặt
của một thực tại bất khả phân. Bài thơ như một ngụ ngôn mà hạt nhân của ngụ
ngôn đó lại là tinh thần bất nhị của tôn giáo. Nhưng nếu dừng ở đó, bài thơ sẽ
bức tử tâm trí người đọc. Thơ và tôn giáo không thể là một, thế nên đọc bài thơ
nhất thiết phải để tâm đến câu thứ hai: “đi quanh chiếc bẫy”. Có gì hài hước
hơn cái động thái đó? Cái cách con chuột ngắm nghía chiếc bẫy đã sập như thể
thưởng thức sự tỉnh đòn của nó mới làm nên chất thơ kì lạ của bài này. Tôi nghe
như có chất trào tiếu dân gian phảng phất quanh đây, trong hình tượng thơ,
trong giọng điệu, trong khoảng trống giữa những con chữ. (Thiếu điều này, thà
tôi nghe giảng pháp còn hơn đọc thơ Mai Văn Phấn). Bài thơ Tự do, đặt trong tổng thể đồ sộ thơ Mai Văn Phấn không phải là xuất
sắc. Nhưng nó độc đáo ở cảm quan về thực tại được viết nên bằng một cách không
thể bình dị hơn. Nhưng bình dị mà không tầm thường, có thể nói như vậy.
Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn tưới
tẩm cho tâm từ ái. Có lúc là lòng trắc ẩn đối với linh hồn lẫn cỏ cây trong đại
nạn sát sinh
Ra vườn chùa
xem cắt cỏ
Lưỡi dao sắc
lia ngang
Sát gốc cỏ
Những vong hồn
còn mắc kẹt
Cùng ngọn cỏ
Vươn tay
Lá cỏ vun
thành đống
Làm thức ăn
gia súc
Hoặc phơi khô
Vong hồn nào
chưa được bay lên
Còn trong vòng
nghiệt ngã
Cơn đau đớn
sát sinh
Hoang hoải mùi
hăng sữa cỏ.
Khi là phút chạnh lòng
Bãi biển
một con cua
không có mai
Đã rữa
Ai úp lên đó một
vỏ sò
An ủi
(Tiếng
vỗ ngắn)
Và sững sờ trong nước mắt nhân gian
Người ơi, tôi
lại gặp người
Hơi bom còn thổi
rụng rời cát khô
Nhang này quặn
nỗi đau xưa
Tôi này tôi của
cơn mưa về nguồn
(Mười
nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc)
Thực tại trong nghĩa chân xác nhất của nó
không thể thiếu một báu vật: Tình yêu. Tình yêu – con sông cả cuồn cuộn trong
thế giới thơ Mai Văn Phấn là hiện thân hoàn hảo của cảm hứng phồn thực. Nội
dung này xin được đề cập trong một dịp khác. Bởi vậy, xin không bàn đến những
biểu hiện phong phú đa dạng của tình yêu đó mà chỉ nhắc đến ý thức tôn giáo đã
chi phối đề tài này theo cách nào.
Trước hết, như mọi tín đồ ngoan đạo, nhà thơ
nói rằng tình yêu là duyên từ muôn kiếp: Luồng
sáng mỏng trên con đường lát đá kia là cánh cửa sâu hút mở ta vào kiếp trước.
Kiếp trước anh và em là đôi rắn nước trườn qua bụi cỏ xuống hồ, bơi sóng đôi mềm
mại. Là thủy triều cuốn vào chân núi, qua ngàn năm mới để lại vết hằn. Là đôi
khủng long lồng lộn trong sa mạc nóng. Đôi đại bàng rơi tự do giao phối trên
không. Hai gốc cây bện chặt khi giông bão.”
(Buông
tay cho trời rạng)
Ý tưởng về duyên nghiệp thì quen thuộc lắm,
đôi yêu nhau nào mà chả thảng thốt rằng họ sinh ra để dành cho nhau. Cái riêng ở
những vần thơ này là cái không kẻ thường nào làm nổi: mở cánh cửa vào tiền kiếp.
Để rồi choáng váng khi biết được tình yêu này đã trải qua tam giới lục đạo luân hồi mà sợi dây ái tình
không dứt. Tình trong tiền kiếp còn thế, huống hồ tình trong hiện tại. Và hình
như bao nhiêu đắm say cùng đau đớn bạo liệt trong muôn kiếp trước tụ lại một kiếp
này, để đôi tình nhân yêu một lần cho mãi mãi. Những câu thơ này thúc mạnh vào tâm
can người đọc, làm dậy lên khao khát yêu và được yêu như thế.
Duyên nghiệp kì diệu đến vậy nhưng mới chỉ là
cái nguyên ủy. Đi đến tận đáy sâu nhất, đỉnh cao nhất của tình yêu, nhà thơ
phát hiện ra trong ái tình và tình nhân bản chất của tự tánh, mới hay tôn giáo
dạy con người không đè nén vọng tưởng cũng không chạy theo vọng tưởng. Cứ để vạn pháp nương
theo nhau mà khởi sẽ thấy tình yêu ở trong muôn một. “Em tĩnh lặng trong chiều muộn. Tiếng chim quyện nhau. Trán em mở cánh đồng
hoa vàng bất tận. Bàn chân rộng thênh cho nước chảy rì rào. Lưng thẳng - hốc
núi - ánh sáng - khoan sâu. Muôn pháp là một, một đi về đâu. Ẩn hiện không gian
một chiếc bình lớn. Ai đang về giữa hạt sương trong. Tiếng sấm sâu hút. Cánh
hoa mong manh vươn tự do...” (Mưa trong đất). Những vần thơ về tình yêu như
thế này tôi chưa gặp bao giờ. Khó mà phân tách nổi đâu là tôn giáo, đâu là tình
yêu khi cả hai đã chuyển hóa trong nhau, thăng hoa thành một “cánh hoa mong manh vươn tự do”.
Và như một lẽ dĩ nhiên, tình yêu đến lúc trở
thành tôn giáo, người yêu hóa thiên thần ban phúc lành
Chạm bờ ánh
sáng
Anh quỳ xuống
Em hiện thân
trong chiếc áo thiên thần
Lấy một ít nước
gọi lên máu và sữa cỏ
Em dịu dàng rửa
tội cho anh
(Nghi
lễ cuối cùng)
Có những câu thơ tình của Mai Văn Phấn khi đọc
lên như một bài thánh ca: “Hạt giống vừa
gieo phả sức sống mới lên trang kinh Cựu Ước, thấy trăng sao lăn qua ngực mình
êm ái bồi hồi. Đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ, vươn cánh tay mềm thừa nhận
khoảng không”
(Trường ca Người cùng thời)
Khi đặt bút viết bài này, tôi biết mình mạo
hiểm, bởi tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn là kinh mạch. Kinh mạch ấy vận hành
trong một cơ thể lớn như thơ Mai Văn Phấn, phức tạp như thơ Mai Văn Phấn, đương
nhiên không thể là trái cây dễ hái. Khả năng bị cành cây đổ đè trúng đầu là rất
lớn. Nhưng viết được dù chút ít cũng đem lại cho người nghiên cứu niềm vui. Phần
cuối bài viết này, tôi muốn dừng ở một bài thơ: Tĩnh lặng.
Tĩnh lặng là bài thơ đạt đến sự chứng nghiệm cao của một tín đồ và đạt đến độ kết
tinh của một thi phẩm. Kinh mạch tôn giáo đã cấp cho bài thơ này một năng lượng
nhiệm màu. Bài thơ này, tôi tin là một bí ẩn và một món quà tự dành cho bản
thân của thi sĩ Mai Văn Phấn. Nó là công án riêng mà thi nhân đặt trên mặt cỏ,
như chiếc lá nằm yên lặng đó, ai có duyên sẽ tự dừng lại để cùng chiếc lá đắm
sâu vào suy tưởng, cất cánh trong chứng ngộ, rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Tĩnh lặng cấp cho người đọc hữu duyên thẻ bài đi vào thế giới chứng nghiệm của
nhà thơ lúc hành thiền. Phật giáo có câu: Ai tu người ấy chứng, thiền giả đã
quán niệm về thực tại, đã thấy thực tại biến chuyển ra sao, đã thấy sự sống màu
nhiệm thế nào. Thực tại có đó, thực tại biến chuyển, thực tại tự cởi tấm vải phủ
bên trên và hé lộ những hình dáng không thể tưởng tượng nổi:
Tọa thiền cạnh
bông hoa
Hương thơm
ngưng lại
Gần mặt đất
Bầu trời quay
trên đầu
Mình thành vật
cản
Xung quanh cảnh
vật đang lớn
Đang già
Bông hoa ở giữa
Dựng cột thủy
tinh
Làm hôm nay
Bây giờ
Quá khứ
Tương lai
Nhìn nhau hai
phía
Cánh hoa tượng hình môi Đức Phật.
Việc chọn lấy
một đoạn trong bài thơ này là một hành động tệ hại, bởi cả bài thơ là dòng chảy
miên mật của ý thức hành giả khi quán niệm. Nhà thơ- hành giả trôi trong dòng ý
thức đó:
Tôi ở giữa
Nhiều hệ quy
chiếu
Những linh hồn
hữu tri
Vô tri
Và chưa được đặt
tên
Trí huệ âm
vang
Sắc giác
Càng tĩnh lặng
Tự do trong vạn
vật
Khi đọc Tĩnh
lặng, một độc giả yếu đuối như tôi phải vận hết các thành công lực để cưỡng
lại sức hút mãnh liệt trôi theo quán niệm của thi sĩ. Những hình ảnh đó kì lạ
và hấp dẫn chết người. Những dòng thơ ấy không phải độc dược, nó là sự thu hút
tuyệt diệu của ánh sáng, nếm một lần rồi sẽ nhớ mãi, thèm mãi, trong khi mình
chưa đủ duyên để được tự mình nếm trải thì đừng để tâm khát thèm mà sinh “bệnh”.
Mai Văn Phấn là thiền giả, nhưng Mai Văn Phấn
là nhà thơ. Công đức quán niệm của hành giả chỉ thuộc về người ấy. Công đức
quán niệm của nhà thơ còn thuộc về công chúng. Nhưng vần thơ thấm đẫm tinh thần
tôn giáo, mang vẻ đẹp màu nhiệm của thực tại sẽ đem lại cho người đọc những
kinh nghiệm thẩm mỹ quý giá.
Xin kết thúc bài viết này bằng một đoạn trong
Tĩnh Lặng:
Tĩnh lặng mới
biết
Mình tọa thiền
cùng nhiều người khác
Đan hào quang
Từ những không
gian khác
Tôi tự chữa
lành vết thương
Nhưng người
khác
Đang điều trị
cho bệnh nhân xa lạ
Những người bệnh
không biết
Mình đang đi
qua hào quang.
Nhà thơ Mai Văn Phấn từng nói tôn giáo là một
cột trụ của thơ ông. Tôi không nghĩ vậy, cột trụ có thể đổ gãy và thay thế. Tôi
gọi tôn giáo là kinh mạch của thơ ông. Kinh mạch là năng lượng, là mã nguồn, là
sinh mệnh của thơ Mai Văn Phấn. Muôn pháp
quy một, một quy về đâu?
Ngày 26/6/2018
Y.N