image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Những bài thơ bị “ném đá” - Nguyễn Tuấn

Những bài thơ bị “ném đá”

 

 

Tác giả Nguyễn Tuấn

 

 

Nguyễn Tuấn

 

Sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật nói chung, đặc biệt thơ ca, là nhu cầu tự thân, không thể bị áp đặt hay cưỡng ép. Người sáng tác có quyền biểu đạt theo lựa chọn của mình, và người tiếp nhận cũng có quyền đánh giá theo cảm nhận cá nhân. Vì vậy, việc yêu thích hay phản đối một hiện tượng văn học là điều tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm không chỉ nằm ở sự khác biệt trong thẩm mỹ, mà còn ở cách chúng ta ứng xử với nghệ thuật và người sáng tạo. Gần đây, thơ của Mai Văn Phấn lại trở thành tâm điểm tranh luận, lần này là về thể thơ ba câu - một hình thức không mới nhưng luôn gây nhiều ý kiến trái chiều. Một bức ảnh chụp bốn bài thơ của ông đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, kéo theo hàng nghìn bình luận. Bên cạnh những ý kiến đồng cảm và nhìn nhận giá trị của tác phẩm, phần lớn phản hồi lại mang tính công kích, chế giễu, thậm chí sử dụng ngôn từ mang tính bạo lực. Đáng lưu ý, trong số đó có không ít những người thuộc tầng lớp trí thức. Hiện tượng này đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: văn hóa tranh luận về nghệ thuật trong xã hội chúng ta đang bộc lộ nhiều bất cập. Cách một cộng đồng đối thoại về nghệ thuật phản ánh trình độ thẩm mỹ cũng như nền tảng văn hóa của họ. Từ góc độ cá nhân, tôi xin phép đưa ra một số suy nghĩ về thể thơ ba câu cũng như những bài thơ của Mai Văn Phấn đang trở thành tâm điểm tranh cãi.

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn, với số lượng lên đến hàng ngàn bài, đã được ông tập hợp trong tập "thả" (tác giả chủ ý không viết hoa nhan đề tập thơ "thả" và cả "hoa giấu mặt" trước đó). Nhan đề tập thơ "thả" gợi lên một trạng thái tinh thần, thế giới quan của người đã từng trải, giờ đạt đến độ lắng đọng, an nhiên như mặt nước trong. Mai Văn Phấn sáng tác tập thơ này khi bước vào tuổi sáu mươi - giai đoạn mà, theo quan niệm Nho giáo, con người đạt đến cảnh giới “lục thập nhi nhĩ thuận” (sáu mươi tuổi, tai nghe thuận theo lẽ đạo). Có lẽ vì thế, ông không quá bận tâm đến những lời khen chê hay tranh luận xung quanh tác phẩm của mình.

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn có hình thức gần với thơ Haiku Nhật Bản. Vì vậy, trước khi đi sâu vào phân tích thơ của ông, cần điểm qua một số đặc điểm cơ bản của thể thơ Haiku. Thơ Haiku nguyên tác trong tiếng Nhật gồm 17 âm tiết, chia thành ba nhịp 5/7/5. Theo truyền thống, toàn bài được viết liền một hàng dọc thay vì tách thành ba câu riêng biệt; trong bài bắt buộc phải sử dụng "quý ngữ" (kigo) - từ ngữ gợi mùa - nhằm tạo nên không gian đặc trưng của bài thơ. Tuy nhiên, Haiku hiện đại không còn bị ràng buộc bởi quy tắc này. Người đặt nền móng cho thơ Haiku Nhật Bản là đại thi hào Matsuo Bashō (1644-1694). Tiếp nối ông là những thi sĩ đã góp phần định hình và phát triển thể thơ này, tạo nên một thời kỳ huy hoàng của Haiku như Kobayashi Issa, Yosa Buson, Kyoshi Takahama, Taneda Santōka, Masaoka Shiki...

Khi nhận xét thơ ba câu của Mai Văn Phấn "gần giống" với Haiku, cần lưu ý rằng các bài Haiku nguyên tác, khi được dịch sang các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt, thường không còn giữ nguyên quy tắc về âm tiết. Điều này khác biệt với các thể thơ Đường luật như tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú - vốn du nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam với hệ thống niêm luật nghiêm ngặt (“nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh”). Khi Haiku được chuyển ngữ, cấu trúc âm tiết trở nên linh hoạt hơn. Chính vì vậy, một số nhà thơ Việt Nam, trong đó có Mai Văn Phấn, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Haiku như một khuôn mẫu cố định, mà chủ yếu tiếp thu tinh thần tối giản của văn hóa Nhật Bản.

Đọc lại hai tập thơ ba câu của Mai Văn Phấn đã xuất bản - "hoa giấu mặt" (Nxb. Hội Nhà văn, 2012) và "thả" (Nxb. Hội Nhà văn, 2015) - cho thấy, tác giả không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bất kỳ nhà thơ nào bên ngoài, kể cả những tên tuổi tiêu biểu của Haiku Nhật Bản. Tuy nhiên, theo tôi, Mai Văn Phấn chịu ảnh hưởng từ tinh thần tối giản trong văn hóa Nhật Bản, trong đó có Haiku - một tinh thần không chỉ dừng lại ở phong cách nghệ thuật, mà còn là triết lý thẩm mỹ và lối sống. Tinh thần này đề cao vẻ đẹp của sự giản đơn, tĩnh lặng và khoảng trống đầy ý nghĩa. Nó không hướng đến sự cầu kỳ, trau chuốt mà nhấn mạnh vào sự tiết chế để chạm đến bản chất, lược bỏ những yếu tố không cần thiết nhằm làm nổi bật cốt lõi. Trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn, chính sự tối giản này giúp từng câu chữ, từng hình ảnh trở nên súc tích, giàu sức gợi và có khả năng tác động trực tiếp đến trực giác người đọc.

Dựa trên nguyên lý chớp bắt nhanh hiện thực, thơ ba câu của Mai Văn Phấn chủ trương kiến tạo không gian bằng những đường nét tối giản, hạn chế tối đa việc giải thích hay bày tỏ cảm xúc trực tiếp qua câu chữ. Thậm chí, trong nhiều bài thơ, tác giả chủ ý tiết chế, giấu bớt cảm xúc để tạo khoảng lặng cho người đọc. Tuy vậy, chính trong sự tối giản ấy, thơ ba câu của Mai Văn Phấn vẫn thể hiện sâu sắc mối tương giao kỳ diệu giữa con người, thiên nhiên và cuộc sống. Đôi mắt hồn nhiên, mẫn cảm của nhà thơ luôn mở rộng để bắt lấy những khoảnh khắc tưởng như bình dị, quen thuộc, rồi chuyển hóa chúng thành những phút giây “bừng ngộ” của tâm hồn.

Khác với thơ Haiku - vốn chú trọng vẻ đẹp thuần khiết, thoát tục - thơ ba câu của Mai Văn Phấn mang tinh thần “nhập thế” rõ nét, hướng đến những biến động của đời sống, thiên nhiên và con người. Bên cạnh việc nắm bắt vẻ đẹp huyền diệu của tự nhiên, thơ ông còn hướng đến những điều tưởng như nhỏ nhặt, bình thường, thậm chí thô ráp của cuộc sống. Đặc điểm này khiến thơ ba câu của Mai Văn Phấn trở nên đa chiều và phức hợp trong cảm xúc - vừa khao khát vừa lo âu, vừa tỉnh táo vừa mộng mị, vừa duy vật lại vừa thấm đẫm màu sắc tâm linh, vừa hy vọng nhưng cũng không tránh khỏi đổ vỡ. Chính vì thế, khi đọc thơ ba câu của Mai Văn Phấn, nhiều bài tưởng như giản dị, đời thường nhưng thực chất lại mở ra một nhãn giới khác lạ, buộc người đọc phải tham gia vào quá trình đồng sáng tạo. Cũng giống như thơ Haiku, thơ ba câu của ông không cung cấp sẵn ý nghĩa mà đòi hỏi người đọc phải nhập thân vào tình huống của bài thơ, huy động những trải nghiệm và năng lực cảm thụ của bản thân để giải mã các tín hiệu được giấu kín, bằng chính chiếc “ăng ten” tinh tế của tâm hồn mình.

Trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn, nhan đề bài thơ đóng vai trò như một “ngòi nổ”, trong khi nội dung bài thơ chính là “thuốc nổ”. Sự kết hợp giữa hai yếu tố này tạo nên điểm “chập nổ”, kích hoạt một chuỗi phản ứng tri giác, mở rộng không gian tưởng tượng của người đọc theo hiệu ứng lan tỏa, tương tự như phản ứng dây chuyền trong hạt nhân. Từ một điểm khởi phát ban đầu, thế giới của bài thơ không dừng lại ở những gì trực tiếp được biểu đạt qua ngôn từ mà tiếp tục khuếch tán trong nhận thức của người đọc, kéo dài miên viễn theo những lớp nghĩa khác nhau.

Để minh chứng cho nguyên lý này, tôi xin dẫn ra hai bài thơ từng gây tranh luận trên mạng xã hội, từ đó phân tích cụ thể cách thức tiếp nhận và giải mã tác phẩm.

VIẾNG MỘ ÔNG BÀ

Thắp hương xong

Dựa lưng

Vào ngôi mộ bên cạnh

Nhan đề bài thơ mang vẻ giản dị, gợi liên tưởng đến một nghi lễ thiêng liêng, quen thuộc trong tín ngưỡng và truyền thống của người Việt. Hầu như bất kỳ ai trưởng thành cũng từng trải qua cảm giác thành kính pha chút bâng khuâng khi đứng một mình trước mộ phần tổ tiên. Không gian của bài thơ có thể được hình dung như một nghĩa trang vắng lặng giữa cánh đồng rộng lớn, nơi một người đàn ông lặng lẽ đối diện với những ngôi mộ tĩnh lặng, với tấm ảnh người thân khắc trên bia đá. Bài thơ chỉ mô tả hai hành động: "thắp hương xong""dựa lưng vào ngôi mộ bên cạnh". Hai hành động tưởng chừng rời rạc, không mang tính biểu cảm rõ ràng, thậm chí thoạt nhìn có vẻ khô khan. Tuy nhiên, với người đọc tinh tế và giàu trải nghiệm, chính sự tối giản này lại gợi mở chiều sâu nội tâm và một kết nối tâm linh mạnh mẽ. Hành động “thắp hương xong” trước hết đánh dấu sự hoàn tất của một nghi lễ, một khoảnh khắc mà con người tạm gác lại mọi bận tâm trần thế để đối diện với quá khứ và sự vĩnh hằng. Nhưng tại sao sau khi hoàn tất nghi thức, nhân vật trữ tình không rời đi ngay như thông lệ? Câu thơ tiếp theo – “dựa lưng vào ngôi mộ bên cạnh” – chính là điểm mấu chốt. Không phải một hành động bất kính, mà trái lại, nó biểu đạt sự gần gũi, sẻ chia. Trong truyền thống Việt Nam, khi viếng mộ tổ tiên, người ta thường thắp hương cho cả những ngôi mộ xung quanh, như một cử chỉ tưởng niệm và an ủi những linh hồn cô quạnh. Hơn thế, trong tâm thức dân gian, nghĩa trang thường gợi lên cảm giác u tịch, thậm chí e ngại. Việc “dựa lưng vào ngôi mộ bên cạnh” là một hành động giàu ý nghĩa, cho thấy sự vượt qua nỗi sợ vô hình để chạm tới cảm giác bình yên. Đó không chỉ là khoảnh khắc chiêm nghiệm về sự sống và cái chết, mà còn là sự giao cảm giữa hai thế giới, giữa con người với những điều thuộc về cõi vĩnh hằng. Hành động này, xét trên phương diện biểu tượng, có thể được hiểu như một sự hòa giải giữa thực tại và ký ức, giữa hữu hạn và vô hạn. Một cử chỉ tưởng như giản dị, nhưng lại ẩn chứa chiều sâu nhân sinh đáng suy ngẫm. Chính trong khoảnh khắc giao cảm ấy, tác giả đã linh cảm rằng, sau hành động "thắp hương xong" của mình, những người ở bên kia "màn vô minh" dường như đã thấu tỏ cả hai cõi giới. Khi đó, không chỉ người thân trong dòng tộc mà cả những vong linh xa lạ – những “người bên cạnh” – cũng trở nên gần gũi hơn. Và chính sự gần gũi ấy lại lan tỏa ngược về phía người vừa thắp hương, như một sợi dây kết nối vô hình giữa hai thế giới.

Bên cạnh việc kiến tạo tình huống, cấu trúc tổng thể cũng là một đặc điểm nổi bật trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn:

LY RƯỢU

Thắp hương cha

Tưới xuống đất

Thành tiếng

Trong bài thơ trên, Mai Văn Phấn tránh những điểm nhấn đột sáng, như cách ông từng áp dụng khi viết trường ca, mà thay vào đó tập trung vào cấu trúc tổng thể với ngôn từ tối giản. Chính sự đặt cạnh nhau của các hình ảnh và ngôn từ đã tạo nên một trường liên tưởng rộng lớn. Nhan đề bài thơ thoạt nhìn có vẻ thông thường, nhưng khi đặt trong ngữ cảnh, nó trở thành một điểm quy chiếu mở ra không gian tâm linh và ký ức. Bài thơ gợi lên nghi thức quen thuộc trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: "Thắp hương cha", một hành động thể hiện lòng thành kính; "Tưới xuống đất", tượng trưng cho nghi thức dâng rượu cúng, như một hình thức giao cảm giữa hai thế giới. Tuy nhiên, câu kết "Thành tiếng" mới là điểm mấu chốt, mang ý nghĩa chuyển hóa sâu sắc. Trong thực tế, rượu tưới xuống đất không tạo ra âm thanh rõ ràng, nhưng trong bài thơ này, nó lại vang lên, trở thành một ngôn ngữ vô hình. Đó có thể là tiếng vọng của lòng hiếu nghĩa, là sự kết nối giữa người sống và người đã khuất, thậm chí là sự đáp lại từ thế giới bên kia. Không gian nghĩa trang vốn tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió và những âm thanh của cây lá rất nhỏ. Tuy nhiên, chính sự tĩnh lặng ấy lại làm nổi bật hơn âm thanh mong manh của những giọt rượu rơi. Đó là khoảnh khắc tâm linh, nơi mọi xúc cảm lắng đọng, khi con người đối diện với mất mát và tưởng niệm. Cái động (tiếng rượu rơi) làm nổi bật cái tĩnh (không gian thiêng), qua đó khắc họa sâu sắc sự giao hòa giữa hai cõi, thực và mộng, ký ức và hiện tại. Bài thơ là nghi lễ hồi tưởng, biểu đạt sự tri ân và kết nối giữa con người với tổ tiên. Tiếng rượu rót xuống đất vang "Thành tiếng" là biểu tượng cho sự cộng hưởng của tâm niệm, của tiếng lòng con người vang vọng trong vũ trụ, mở ra những chiều sâu suy tưởng vô tận.

Việc tranh luận, khen chê một tác phẩm văn học là điều tự nhiên và cần thiết trong đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng. Đó chính là biểu hiện của sự tiếp nhận đa chiều, góp phần làm phong phú diễn ngôn phê bình và khuyến khích tư duy phản biện. Tuy nhiên, trong tinh thần ấy, không ít người đã đi chệch hướng, biến tranh luận học thuật thành công cụ để công kích cá nhân, miệt thị tác giả, thậm chí lợi dụng điều đó để đánh bóng bản thân, che đậy sự hời hợt trong tri thức và cảm thụ văn chương. Những hành vi này không chỉ bóp méo bản chất của tiếp nhận văn học mà còn làm tổn hại đến môi trường đối thoại văn hóa và học thuật. Do đó, theo tôi, cần có sự tỉnh táo và trách nhiệm trong đánh giá tác phẩm, đồng thời kiên quyết phê phán những biểu hiện lệch lạc để bảo vệ sự trong sáng và lành mạnh của đời sống văn chương.

 

N.T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị